Thâm Cung

Chương 18:




Nhờ một lời nói của Hoàng Đế mà những chuyện thị phi xung quanh ta ít hẳn đi. Lâm Giang được chỉ thị làm thái y chuyên chăm lo cho sức khỏe của ta. Từ nay về sau, xem như đã cùng ngồi trên một con thuyền. Cho dù hắn không muốn, phi tử khác cũng chẳng ai dám mời hắn đến xem bệnh nữa. Ta thực ra chỉ cố gắng bảo vệ mình, nhưng trong mắt người khác thì lại là hành động đại nhân đại nghĩa, xả thân cứu người. Cái danh Bồ Tát sống của Triệu Đức phi tặng ta cho lại càng được thể vang xa. Cả hậu cung này, có thể nói là đang tràn ngập hào quang từ bi nhân ái của ta, khiến cho ta càng không dám bước chân ra khỏi cửa. Triệu Đức phi quả thật muốn dùng vòng hào quang này siết chết ta.
Lại nói, Lâm Giang khi nhận lại quan phục đã cảm động mà chạy một mạch đến Cẩm Tước cung, quỳ lạy ba cái, thề cả đời phụng sự cho ta. Liễu Thục phi vốn muốn làm ta mất thể diện, nay hóa ra tự làm xấu mặt mình. Nàng ta thẹn quá hóa giận, nghe đâu đã đập bể toàn bộ số bình gốm tiến cống ở Mẫu Đơn cung. Số bình gốm đó là quà từ Tùy Khâu đưa đến năm trước. Liễu Thục phi lúc đó rất yêu thích, số đồ gốm này vốn nên phân phát đều cho các phi tử nhưng rốt cuộc đều bị nàng ta thâu tóm cả, khiến cho hậu cung nổi một trận sóng gió. Yêu thích là vậy, không hiểu sao bây giờ lại đổi ý đập vỡ toàn bộ. Các phi tử bị nàng ta đoạt quà lúc trước bây giờ đều ấm ức, chỉ là không dám nói ra. Làm hỏng cống phẩm, là kẻ khác thì đã sớm bay đầu. Chỉ là Liễu Thục phi đắc sủng, Hoàng Đế cưng chiều nàng ta còn hơn trân bảo, mấy cái bình gốm há có thể so sánh với mĩ nhân hay sao? Chính vì lẽ này, Hoàng Đế không những không nổi giận, lại còn sai người mang toàn bộ số đồ gốm Tùy Khâu còn ở trong kho sang Mẫu Đơn cung cho nàng ta đập tiếp. Ta nghe mà không nhịn được cười. Hoàng Đế như thế, là sủng nàng ta hay là cố tình chọc giận nàng ta? Bất quá, những chuyện phiền phức không đáng có đã may mắn được hóa giải, ta nên lấy làm vui mừng.
Hoàng hậu đã cho phép ta miễn thỉnh an buổi sáng, ta lại không ưa thích gặp mặt những phi tử khác cho nên tránh được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Dù vậy, phép tắc nên giữ thì vẫn phải giữ. Buổi chiều mát trời, ta chuẩn bị trang phục chỉnh tề, ngồi kiệu sang Minh Ngọc cung, rủ Trịnh phi cùng đến chỗ Hoàng hậu trò chuyện. Hoàng hậu thấy hai người bọn ta đến liền vui vẻ sai người bày điểm tâm ở hoa viên, gọi là thưởng hoa luận sự.
“Mấy ngày rồi không đến thỉnh an tỷ tỷ, muội thật có lỗi.” Ta mỉm cười nói trước.
“Muội muội gặp chuyện khó xử, bản cung lại không tiện giúp đỡ, muội không trách bản cung thì thôi, bản cung sao có thể trách muội.” Hoàng hậu lắc đầu, thở dài.
Ta nói:
“Nguyệt nhi biết tỷ tỷ có điều khó xử. Chuyện cũng không có gì nghiêm trọng. Nhờ Hoàng thượng bao dung, mọi sự đều ổn thỏa rồi.”
Trịnh phi nghe đến đây, lên tiếng trách móc:
“Cũng phải nói, Nguyệt tỷ thật sự quá liều lĩnh. Bản thân đang trong tình thế khó xử, lại còn bất chấp đi cứu một thái y. Tỷ tỷ không biết đâu, lúc nghe tin tỷ tỷ ngất xỉu ở Thái Y viện, muội đã lo lắng đến mức nào.”
Ta cười:
“Chẳng phải tỷ vẫn bình an vô sự sao?”
Hoàng hậu uống một ngụm trà, thong thả nói:
“Nguyệt nhi hành sự thận trọng. Ta biết, nếu muội đã ra tay, nhất định nắm chắc phần thắng. Muội dám đến Thái Y viện, tức là đã chắc chắn sẽ chiếm được hậu thuẫn của Hoàng thượng, phải không?”
Giọng nói của Hoàng hậu thanh nhẹ, êm ái như rót mật vào lòng. Dù cho có mang theo ác ý vẫn ngọt ngào đến mức khiến người ta say đắm. Ánh mắt của nàng cũng vậy. Đen láy như hắc cẩm thạch, sâu thẳm và phẳng lặng. Ta hoàn toàn không nhìn ra được gì, nhưng ta biết Hoàng hậu đang không vui. Từ lúc nghĩ đến việc dùng thân phận công chúa hòa thân gây áp lực với Hoàng Đế, khiến hắn phải ra mặt giúp ta, ta đã biết mình sẽ làm phật lòng Hoàng hậu. Nhưng ta còn cách nào khác? Bọn họ đều có ngoại tộc hỗ trợ. Liễu Thục phi đã dùng quan hệ của Liễu thị với Viện Phán Thái Y viện để xuống tay với Lâm Giang, ra mặt chèn ép ta. Ta không có ngoại tộc chống lưng. Hoàng hậu thấy người gặp nạn chỉ nhắm mắt làm ngơ. Ngoài việc sử dụng cái hư danh công chúa hòa thân để chống đỡ, ta còn cách khác sao?
Muốn ta theo phe nàng, xả thân vì nàng nhưng lại không muốn vì ta mà ra mặt, sợ sai sót sẽ làm ảnh hưởng đến mão phượng của nàng.
Muốn ta tự lo liệu nhưng lại không muốn ta lộng quyền, ảnh hưởng đến Hoàng Đế của nàng, sợ ta vượt mặt nàng.
Hoàng hậu nương nương, người đã quá cầu toàn rồi.
Ta cúi đầu, vươn tay gắp một miếng bánh quế nhằm tránh ánh mắt Hoàng hậu, cười nhẹ:
“Thần thiếp chỉ là gấp quá mà làm liều. Nào có tính toán gì, càng không dám trộm đoán thánh ý.”
Hoàng hậu nghiêm trang nhìn ta một hồi, đột nhiên lại bật cười:
“Bỏ đi, bỏ đi. Bản cung cũng chẳng có ý gì. Muội muội không cần căng thẳng như thế.”
Ta gật đầu đáp: “Dạ phải.”
Trịnh phi nghệch mặt, không hiểu đầu đuôi ra sao, muốn hỏi mà cũng chẳng biết hỏi từ đâu, chỉ đành cười trừ cho qua.
“À phải, ba ngày nữa Lão Phật gia sẽ về đến Hoàng thành. Muội nên chuẩn bị một chút, tránh làm Lão Phật gia không vui.” Hoàng hậu đổi đề tài.
“Vậy mong tỷ tỷ chỉ bảo cho muội.” Ta ngoan ngoãn gật đầu.
Trịnh phi phẩy tay cười hì hì: “Đại tỷ, tỷ lo xa quá rồi. Lão Phật gia là cô cô của tỷ, Nguyệt nhi lại là tỷ muội tốt của chúng ta. Lẽ nào Lão Phật gia lại khó dễ Nguyệt nhi?”
Hoàng hậu mỉm cười dịu dàng, tiện tay rót thêm trà cho Trịnh phi:
“Cổ nhân nói: Cẩn tắc vô ưu. Những người mong bắt lỗi Nguyệt nhi của chúng ta cũng không ít đâu. Đừng để lộ sơ hở mới là thượng sách.”
“Nói cũng phải…” Trịnh phi gật gù. “Vậy thì trước tiên nên nói cho Nguyệt tỷ những úy kỵ cơ bản của Lão Phật gia nhỉ?”
Hoàng hậu gật đầu. Đại khái chỉ là kể sơ qua những chuyện có liên quan đến Thái hậu, không có gì phức tạp nên Hoàng hậu để Trịnh phi nói thay. Mỗi lời nàng nói ra, ta đều cẩn thận ghi nhớ trong lòng.
Huệ Từ Thái hậu khuê danh là Hà Giai Nhiên. Mười sáu tuổi tiến cung hầu hạ Tiên Đế, được Tiên Đế phong Cơ. Hai mươi năm trong hậu cung, từng bước từng bước đi đến địa vị Quý phi, trở thành người đứng đầu Tứ Đế phi, nắm giữ một nửa quyền cai quản lục cung nhưng không hề kiêu căng hống hách, đối xử với chúng phi cũng như cung nhân đều hết mực ôn hòa, nhân ái. Vì vậy rất được Phùng Hoàng hậu yêu quý. Hai người tình như tỷ muội, sớm tối bên nhau, hậu cung hòa thuận. Về sau, Phùng Hoàng hậu mắc bệnh lạ sớm rời xa nhân thế, giao lại Thái tử Chiêu Huy chưa tròn mười tuổi cho Hà Quý phi nuôi dưỡng. Hà Quý phi trở thành chủ nhân hậu cung. Không lâu sau, Tiên Đế thương nhớ cố Hậu, cũng lâm bệnh nặng băng hà. Thái tử Chiêu Huy lên ngôi, chính là Hoàng Đế bây giờ. Hà Quý phi khi ấy trở thành Thái hậu, phong hào Huệ Từ, “huệ” trong “trí huệ”, “từ” trong “nhân từ”. Phùng Hoàng hậu được truy phong làm Minh Đức Thái Hậu. Hoàng Đế lên ngôi khi còn quá nhỏ, Huệ Từ Thái hậu buông rèm nhiếm chính ba năm, giúp Hoàng Đế ổn định cục diện xong thì lui về Hậu cung, cả ngày tụng kinh niệm Phật. Ngoại trừ một năm hai lần đi Bạch Lan sơn lễ Phật một tháng thì bà hầu như không rời khỏi Thuận Ninh cung.
“Như vậy, Lão Phật gia không phải thân mẫu của Hoàng thượng?” Ta hỏi.
“Đúng vậy. Thân mẫu của Hoàng thượng vốn là Vũ Tiệp dư nương nương. Nhưng Vũ Tiệp dư nương nương sinh khó, sau khi sinh ra Hoàng thượng thì băng huyết qua đời. Hoàng thượng mới được Phùng Hoàng hậu nhận nuôi. Thật đáng thương, Phùng Hoàng hậu cũng đoản mệnh. Hoàng thượng và Lão Phật gia âu cũng xem như có duyên mẫu tử. Tình cảm của hai người càng không thua gì mẫu tử ruột thịt cả.”
Trịnh phi ôn tồn giải thích, tỏ vẻ người lớn hiểu biết. Ta thận trọng ngẫm nghĩ những lời nàng nói, cảm thấy vị Tiệp dư họ Vũ kia thật đáng thương, vừa sinh được con trai đã mất mạng. Nếu không... người ngồi ở ngai Thái hậu bây giờ đã là bà ấy.
Mà ngẫm lại, ở trong hậu cung, nữ nhân đáng thương đoản mệnh như vậy luôn có rất nhiều.
“Lão Phật gia từ lâu đã tụng kinh niệm Phật, mấy năm gần đây thì luôn chuyên tâm tu hành. Tính người thích giản dị, ghét nhất những thứ màu mè xa hoa, thích người nhu thuận hiểu lễ, ghét kẻ vô phép. Ở trước mặt Lão Phật gia, muội phải thật chú ý tuân thủ phép tắc.”
Hoàng hậu nói thêm. Bên ngoài là chỉ bảo cho ta, thực chất là không muốn ta hỏi thêm về mối quan hệ của Thái hậu và Hoàng Đế. Ta cũng biết điều, cười hùa theo:
“Nếu vậy thì Thục phi sẽ phải chịu khổ rồi.”
“Còn không phải sao? Ha, bây giờ nàng ta khoa trương đắc ý như thế cũng vì Lão Phật gia vắng nhà. Có Lão Phật gia ở đây, xem nàng ta sẽ thế nào!” Trịnh phi hả hê ra mặt.
Hoàng hậu che miệng cười: “Có thánh sủng bọc thân, nàng ta có thể bị làm sao được? Trước nay chẳng phải đã thế sao?!”
Nói đoạn, lại chỉ cho ta thêm một số úy kỵ khác. Ta thở dài trong lòng. Người tu hành tứ đại giai không, cớ sao lại có nhiều úy kỵ như vậy?
***
Thái hậu đi xa sắp về, hậu cung rộn ràng hẳn lên. Người người đều lo lắng chuẩn bị lễ vật mang đến Thuận Ninh cung. Tuy nói rằng Thái hậu quy y cửa Phật, nhưng Thái hậu thích người hiểu lễ nghĩa như thế nên cũng không thể thiếu chuyện quà cáp cho hợp lễ. Tượng Bồ Tát ngọc, chuỗi bồ đề trăm năm, bồ đoàn lụa, nhang trầm quý các thứ nườm nượp đưa đi từ các cung. Hoàng hậu biết tài lực của ta không đủ, bèn đưa cho ta một bức tranh Phật cổ, bảo dâng lên Thái hậu làm lễ ra mắt luôn thể nhưng ta từ chối. Ngẫm bản thân mình là phi tử nghèo khó nhất nhì trong cung, nếu đem đến thứ quý giá quá thì Thái hậu tự khắc sẽ biết là có người phú quý chuẩn bị cho ta. Lễ vật mà cũng để người khác chuẩn bị cho mình thì còn gì là thành tâm. Nhưng nếu tặng thứ bình thường thì lại chẳng khác nào xem thường Thái hậu. Ta nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng quyết định tự tay chép mười bản kinh Bát Nhã làm lễ vật. Thái hậu tín Phật như vậy sẽ không thể nào chê lễ vật là kinh Phật. Tự tay chép kinh cầu phúc cho Thái hậu, vừa là phương pháp bày tỏ lòng thành kính của ta, vừa nhân tiện để Thái hậu thấy chữ nghĩa của ta tệ hại đến nhường nào. Nếu Thái hậu tốt bụng thì trong các buổi yến tiệc sau này sẽ tự giác không gọi ta ra thi thố văn chương. Còn nếu không được vậy thì cũng đành chịu.
Phía Tạ phủ đã mang thư đến nói Tạ Thu Dung đột nhiên nhiễm phong hàn, xin được lưu lại phủ dưỡng bệnh một thời gian. Ta đọc qua mấy lần, cảm thấy thư này không có gì mờ ám, nhưng trong lòng vẫn có cảm giác kì quái không thể giải thích. Nghĩ nghĩ một hồi, quyết định viết lại cho Tạ Thu Dung một lá thư ngắn, đại ý nói nàng yên tâm nghỉ ngơi dưỡng bệnh, nếu có gì cần đến ta thì đưa thư đến. Cuối thư không quên nắn nót viết bốn chữ Đan Nguyệt kính bút.
Tuy cảm thấy chuyện Tạ Thu Dung đột ngột lâm bệnh có chút bất thường nhưng ta cũng không có quá nhiều thời gian suy nghĩ chuyện đó. Toàn bộ thời gian rảnh rỗi trong ngày, ta dồn vào việc chép kinh Phật. Cũng may vết thương trên mấy đầu ngón tay của ta lành rất nhanh, Lâm Giang bảo bảy ngày sẽ khỏi nhưng chưa đến bốn ngày, toàn bộ vết thương đã lành lặn cả rồi. Lâm Giang vô cùng kinh ngạc trước tốc độ hồi phục của ta. Ta chỉ cười nói tất cả là do y thuật hắn cao thâm. Chuyện dược nhân, ta không muốn nhắc đến. Dược nhân là một bí thuật thất truyền trên giang hồ, lại cũng là thế mạnh bí mật của ta, ta đương nhiên phải giấu kín.
Chép kinh Phật thật ra là một việc tốt, có thể vừa luyện chữ, vừa nghiệm ra nhiều đạo lý, làm cho tâm thanh thản được chút ít. Tính đến hôm nay ta đã chép được tám bản.
“Chủ nhân nghỉ tay ăn chút canh sen thanh tâm đi ạ.”
Ngọc Thủy đẩy cửa bước vào, trên tay là một chén canh hạt sen thơm nức mũi. Ta đặt giấy bút qua một bên, vui vẻ đón lấy chén canh:
“Tay nghề của ngươi càng lúc càng cao rồi đấy.”
“Đa tạ chủ nhân.”
Ngọc Thủy cười, không quên rót trà ra sẵn cho nguội bớt, khi ta ăn xong canh là sẽ có trà uống ngay. Con người Ngọc Thủy luôn chu đáo như vậy.
Ta đang ăn, chợt nhớ ra một chuyện, liền ra hiệu bảo Ngọc Thủy ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh mình:
“Ngươi lại đây, bản cung có chút chuyện muốn hỏi.”
“Dạ, chủ nhân cứ nói.”
Ngọc Thủy vâng lời, ngồi xuống cạnh ta.
“Ngươi nhập cung bao nhiêu năm rồi?”
“Dạ, nô tỳ mười ba tuổi nhập cung, đến nay đã sáu năm rồi ạ.”
Ta nuốt một ngụm canh, nhẩm tính thời điểm Ngọc Thủy nhập cung, vừa khéo chính là lúc Hoàng Đế kế vị, Hoàng hậu được sắc phong.
“Ồ, vậy ngươi là nha hoàn hồi môn của Hoàng hậu sao? Cớ sao lại không hầu hạ ở chỗ Hoàng hậu?”
“À, chuyện này…” Ngọc Thủy hơi ngập ngừng. “Lúc đó… nô tỳ đúng là nha hoàn hồi môn của Hoàng hậu nương nương, nhưng mà sau khi nô tỳ hầu hạ ở Triêu Lan cung được ba năm thì Hoàng hậu nương nương đem nô tỳ tặng cho Lê Hiền phi nương nương… Sau đó Lê Hiền phi vì đau buồn chuyện gia đình nên lâm bệnh qua đời. Từ đó… nô tỳ luôn ở Cẩm Tước cung này, cho đến lúc chủ nhân đến…”
Ta ồ lên một tiếng: “Thì ra còn có một vị Hiền phi nương nương từng ở đây.”
Trước nay ta luôn thắc mắc, các phi tử thường ở chung hai, ba người một cung. Cẩm Tước cung rộng rãi lại đẹp đẽ mà chỉ có mình ta ở, thì ra trước đây là nơi ở của vị Hiền phi quá cố này.
Ngọc Thủy gật đầu, mắt hơi đỏ: “Dạ phải.”
Trông dáng vẻ đau lòng của Ngọc Thủy, ta đoán vị Lê Hiền phi kia ắt hẳn rất được lòng người.
“Lê Hiền phi là người như thế nào?” Ta hỏi.
Ngọc Thủy lén lau nước mắt, đáp: “Lê Hiền phi rất xinh đẹp, lại nhân hậu… Ngày đó, Hoàng thượng sủng ái Lê Hiền phi vô cùng… Sau khi Hiền phi nương nương qua đời, chưa có vị nương nương nào nhận được ân sủng như vậy cả.”
Ta gãi cằm: “Ngay cả Thục phi và Đức phi cũng không bằng?”
Ngọc Thủy gật đầu dứt khoát: “Không thể bằng được. Lúc Hiền phi còn tại thế, Thục phi và Đức phi chỉ vừa nhập cung. Lúc đầu, Hoàng thượng căn bản còn không nhìn đến hai người ấy. Chỉ sau khi Hiền phi qua đời… thấy Hoàng thượng đau lòng, Lão Phật gia mới cất nhắc Đức phi đến an ủi Hoàng thượng. Thục phi cũng là thừa dịp đó mà lấy lòng Hoàng thượng. Bọn họ đều dựa vào mất mát của Hiền phi mới đến được ngày hôm nay. Ngay cả vị Liên Tuyển thị kia cũng nhờ dáng vẻ có mấy phần giống Hiền phi nên mới được Hoàng thượng yêu thích đó… Về sau, có lần Lão Phật gia muốn nâng đỡ Đức phi lên vị trí Hiền phi, nhưng Hoàng thượng không đồng ý. Người nói trong lòng người, trước sau chỉ có một Hiền phi mà thôi.”
Ta vừa lắng nghe, vừa chậm rãi ăn canh. Ngày hôm nay biết thêm được bao nhiêu là chuyện.
“Nhưng sao bản cung không nghe ai nhắc đến chuyện của Lê Hiền phi? Còn nữa, Lê gia gặp phải chuyện gì mà lại khiến cho Lê Hiền phi đau buồn đến sinh bệnh?”
“Cái này…” Ngọc Thủy gãi đầu. “Lê Hiền phi nương nương vốn là vết thương trong lòng Hoàng thượng… Tuy không ai nói ra, nhưng mọi người đều hiểu không nên nhắc lại chuyện thương tâm đó, tránh chọc giận Hoàng thượng. Còn việc của Lê gia là chuyện chính sự, nô tỳ cũng không hiểu rõ ngọn nguồn, chỉ nghe nói năm đó Lê gia phụ trách vận chuyển cống phẩm nhưng lại bày mưu đoạt trọn số cống phẩm đó, còn thông đồng với sơn tặc hại chết toàn bộ Cẩm Y vệ áp tải cống phẩm… Cho nên… bị xử tử toàn gia… Lê Hiền phi không bị liên lụy, nhưng biến cố lớn như thế… Sức khỏe vốn không tốt, lại thêm chấn động nên…”
Nói xong, hai mắt lại rướm nước.
Ta thở dài, rút khăn tay ra thấm nước mắt cho Ngọc Thủy, khẽ nói:
“Thật đáng thương, hồng nhan bạc mệnh.”
Ngọc Thủy sụt sịt một lúc, lại như nhớ ra điều gì, bèn nói: “Vụ án cống phẩm năm đó không biết đã gây ra bao nhiêu sóng gió. Không chỉ Lê thị cả nhà mất mạng mà cả Trịnh thị cũng chịu mất mát không nhỏ. Đội trưởng Cẩm Y vệ áp tải cống phẩm bị hại chết chính là đại huynh của Trịnh phi nương nương!”
Ta hơi ngạc nhiên: “Trịnh phi có đại huynh sao?”
“Dạ phải. Trịnh thị qua lại với Hà thị đã lâu nên nô tỳ cũng biết được một số việc. Trịnh tướng gia có ba người con thuộc dòng chính thất. Trưởng tử là Trịnh Thừa Minh. Nghe nói người này văn võ toàn tài, từ nhỏ lớn lên trong quân ngũ, mười bảy tuổi dám cầm quân đánh tan phản loạn ở biên cương. Hai mươi tuổi đã được phong làm tướng quân tam phẩm, nắm giữ binh phù cai quản hơn mười vạn bộ binh. Ai cũng nghĩ Trịnh thiếu tướng sẽ kế tục Trịnh tướng gia, trở thành rường cột nước nhà. Nào ngờ lại… Ài, người con trai thứ hai là Trịnh Thừa Nguyên, cũng là một nhân tài xuất chúng. Ngài ấy hiện đang là Ngự tiền thị vệ bên người Hoàng thượng đó. Phải, chính là người có gương mặt lạnh như băng ấy ạ. Người con nhỏ nhất là Trịnh phi.”
“Thì ra là vậy.”
Ta gật gù, trong đầu cố nhớ lại hình ảnh hai tên thị vệ lúc nào cũng theo sát bên Hoàng Đế. Quả đúng một trong hai người đó, có một người có đôi mắt rất giống Trịnh phi. Hóa ra lại là nhị huynh của nàng.
“A, chủ nhân muốn hỏi chuyện nô tỳ, mà nô tỳ lại nói quá nhiều chuyện không liên quan rồi…” Ngọc Thủy giật mình.
“Không sao. Đây đều là những chuyện ta nên biết.” Ta cười.
“Như vậy… ban đầu chủ nhân muốn hỏi nô tỳ điều gì ạ?”
“Ừm…” Ta tặc lưỡi, cố chọn từ ngữ thích hợp để mở đầu. “Hình như… Hoàng thượng kế vị khi còn rất nhỏ, phải không?”
“Dạ phải. Hoàng thượng mười một tuổi đã lên ngôi rồi.”
“Mười một tuổi… có phải là quá sớm không?”
Ngọc Thủy như hiểu ra ẩn ý trong lời nói của ta, bèn thấp giọng đáp:
“Đúng là có sớm, nhưng cũng không còn cách nào khác. Tiên Đế trị vì hơn ba mươi năm, có tất cả bảy vị hoàng tử. Hoàng thượng là hoàng tử nhỏ tuổi nhất của Tiên Đế. Nhưng sáu vị hoàng tử còn lại, người thì chết yểu khi còn rất nhỏ, người thì bệnh tật, người thì gặp nạn mà đoản mệnh, cũng có người bị ngoại tộc liên lụy … đến thời điểm Tiên Đế băng hà, chỉ còn lại một mình Hoàng thượng mà thôi.”
Ta gật đầu, ra hiệu mình đã hiểu, nhè nhẹ phẩy tay. Ngọc Thủy vâng một tiếng rồi mau chóng dọn dẹp chén canh ta vừa ăn mang ra ngoài. Ta lại thở dài thườn thượt, quyết định leo lên giường nghỉ sớm một chút. Chuyện trong hoàng tộc họ Tống này cứ như một búi chỉ rối xoay mòng mòng trong đầu ta, càng cố gỡ lại càng lòi ra nhiều gúc mắc.
Vũ Tiệp dư sinh khó qua đời, vừa đúng lúc để lại một hoàng tử cho Phùng Hoàng hậu, người vốn hiếm muộn đã lâu. Phùng Hoàng hậu lại qua đời, để lại hoàng tử cho Hà Quý phi. Các hoàng tử khác hoặc chết, hoặc gặp nạn rất đúng lúc, vừa khéo để Hoàng Đế có thể lên ngôi, mang theo Hà Quý phi năm xưa trở thành Huệ Từ Thái hậu.
Hậu cung chuyên sủng là chuyện không nên, vì vậy Lê Hiền phi chết đi, vừa hay cân bằng hậu cung, mang lại thế cục ba chân Hoàng hậu – Thục phi – Đức phi ổn định như ngày hôm nay. Lại nói, gia tộc họ Lê đoạt cống phẩm cũng rất đúng lúc. Nhờ vậy, Trịnh thị mất đi trưởng tử mà phải suy yếu, phải dựa vào Hà thị, khiến uy phong của Hà thị càng lúc càng cao. Trịnh tướng gia suy yếu, Triệu tướng gia vừa khéo được lợi, vươn ra thâu tóm quân quyền. Liễu thị mất đi đối trọng là Lê thị, được dịp bành trướng thị tộc.
Những chuyện này, chẳng phải là quá mức trùng hợp, quá mức thuận lợi hay sao?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.