Dịch giả: kethattinhthu7
Ra khỏi thành không bao lâu, mặt trời cuối cùng cũng ló dạng. Mặt trời càng lên cao, người trên quan đạo(*) càng lúc càng nhiều, người trong giang hồ cưỡi ngựa ra thành có, nông dân, tiều phu gồng gánh củi, nông sản vào thành có.
(*) Đường do triều đình mở.
Nam Phong vốn muốn hỏi rốt cuộc Thiên Thư là vật gì, nhưng vì người mỗi lúc một nhiều nên cảm thấy bất tiện. Hắn tạm thời đè ép ý định này trong đầu xuống, cầm bàn kì(*) cúi thấp đầu dẫn lão mù đi.
(*) Loại cờ của các thầy tướng mù hoặc thầy lang dạo, gồm một cây gậy thẳng treo dọc một lá cờ, trên cờ ghi nội dung tùy theo khả năng của chủ nhân nó.
Bấy giờ, đi trên quan đạo có một quy củ, nam đi bên phải, nữ đi bên trái, chính giữa dành cho xe ngựa, đây là quy củ do quan gia quy định. Có điều, quy củ này cũng chỉ áp dụng cho dân chúng bình thường, người trong giang hồ hoàn toàn không thèm để ý đến nó, muốn đi thế nào thì đi thế đó.
Đi đường mà không nói chuyện dễ khiến người buồn bực, chuyện che giấu tất nhiên không thể nói nhưng có thể nói một chút về những thứ khác. Vì trên đường có nhiều người trong giang hồ nên chuyện Nam Phong hỏi đều là chuyện giang hồ.
Kiến thức của lão mù rất quảng bác, hiểu rõ chuyện giang hồ như lòng bàn tay. Trên giang hồ có rất nhiều môn phái, riêng Ngụy quốc nơi hai người đang đi có đến mấy trăm, những môn phái đến tham dự pháp hội chỉ là một phần trong số đó.
Một môn phái muốn nghĩ đến chuyện đặt chân trên giang hồ, nhất định phải có con đường để sinh tồn. Dựa vào nhân số để chiến thắng là phương pháp đơn giản nhất, nhưng phương pháp này có một nhược điểm, đó là sẽ không được triều đình cho phép. Lý do rất đơn giản, người càng nhiều càng dễ tạo phản, cho nên nhân số trong các môn phái hiện nay không nhiều. Tam Thanh có nhân số đông nhất cũng không quá mấy nghìn người. Thậm chí, có rất nhiều môn phái chỉ có một, hai người.
Không có cách nào dùng nhân số để thủ thắng, võ công tuyệt học tất nhiên sẽ trở thành gốc rễ của môn phái. Phần lớn các môn phái đều có một hoặc mấy môn võ công tuyệt học. Những tuyệt học này đều có chỗ không giống nhau nhưng phần lớn đều diễn sinh từ Đạo gia mà ra, có loại được truyền thừa từ rất lâu, cũng có loại do chưởng môn của môn phái là bậc thiên tài tự sáng tạo ra. Đại khái có thể chia những tuyệt học võ công này ra là: linh khí nội công, binh khí kỹ pháp, cơ quan ám khí, kỳ hoàng độc thuật, bàng môn tạp học.
Mỗi loại võ công tuyệt học này lại phân ra thành rất nhiều nhánh. Lấy nội công làm ví dụ, căn cứ vào tu luyện kinh mạch và phương pháp luyện khí đã có sự khác nhau, có thể chia làm: vững chắc, cương mãnh, âm nhu, khổ luyện…
Tiếp tục lấy binh khí kỹ pháp làm ví dụ, mười tám món binh khí đều có động tác võ thuật công thủ khác biệt, bao gồm: kiếm pháp, đao pháp, thương pháp, côn pháp… phức tạp vô cùng.
Cơ quan ám khí, tên cũng như nghĩa, chính là am hiểu chế tạo và sử dụng ám khí, bố trí cơ quan. Những môn phái này tuy công phu của bản thân yếu nhưng các môn phái khác không dễ dàng trêu chọc. Tục ngữ có nói, minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng, những môn phái này chế tạo ra ám khí cực kỳ nguy hiểm, quỷ dị khiến người khác khó phòng bị.
Kỳ hoàng chính là y thuật mà bách tính thường gọi. Hoàng đế Kỳ Bá Hòa là tổ tiên y thuật nên mới gọi y thuật là thuật kỳ hoàng. Có điều, y thuật không phải chỉ có thể cứu người mà còn có thể dùng để giết người, người học y thông hiểu dược lý, dễ dàng tạo ra độc dược. Trên giang hồ, những môn phái này có địa vị rất cao, người trong giang hồ suốt ngày đánh đánh giết giết, ai cũng không thể bảo đảm bản thân mình sẽ không bao giờ tới ngày chịu phải mấy đao. Một khi đã bị thương, ắt phải tìm người chữa, hoặc vạn nhất bị kẻ khác hạ độc, miệng sùi bọt mép, chắc chắn cũng phải tìm người giải độc. Vì thế, bình thường, người trong giang hồ sẽ không đi trêu chọc nơi đặt chân của môn phái kỳ hoàng độc thuật.
Bàng môn tạp học lại càng bao gồm rất nhiều thứ, trèo tường ăn trộm là bàng môn, đào mộ đuổi thi cũng là bàng môn, đến mở kỹ viện bán rẻ tiếng cười cũng thuộc loại này. Những môn phái trên nằm giữa chính và tà, ngấm vào chợ búa, phố phường, triều đình, đa số người trong Đạo môn đều khinh thường, xem là hạ lưu.
Tất cả những môn phái này có quan hệ với nhau cực kỳ phức tạp. Theo như lời lão mù, nhìn qua, tưởng như sự phức tạp của giang hồ là do ân oán tình thù nhưng thực sự đều là do lợi ích mà ra. Bởi thế, cái gọi là thiên hạ rộn ràng đều vì lợi mà đến, thiên hạ nhốn nháo cũng vì lợi mà ra, thanh danh, tiền tài, địa bàn, môn đồ, thậm chí là nữ nhân cũng đều quy về lợi ích hết.
Lão mù tuy hiểu rõ giang hồ nhưng lại xem thường giang hồ. Trong mắt lão, giang hồ là một cuộc ân oán, là một chảo nhuộm lớn, tranh giành đều là vì lợi nhỏ, thứ đoạt được đều là tục vật. Thứ lão nhìn tới, tham thiên(*) ngộ đạo mới là chính đạo, tế thế cứu khổ mới là thượng phẩm.
(*) Lĩnh hội trời, cụ thể hơn: Tham ở đây là nghiên cứu, thiên có thể hiểu là trời đất.
Hiện giờ, trên giang hồ, những môn phái có thanh danh vang dội phần lớn đều sử dụng kỹ nghệ đến từ Đạo gia, diễn sinh từ đạo pháp mà ra. Muốn luyện nội công phải hiểu linh khí kinh mạch, muốn học luyện thuật kỳ hoàng không thể không biết âm dương ngũ hành. Đến kẻ trộm trèo tường sử dụng thuật khinh thân cũng là tham khảo từ pháp môn luyện khí của Đạo gia mà ra.
Tu hành linh khí chẳng những có thể làm cường tráng bản thân mà còn có thể tăng cường uy lực của võ công, chiêu số. Vì nguyên nhân đó, các đại môn phái đều vô cùng coi trọng tu hành linh khí, mà những pháp môn luyện khí thượng thừa nhất đều do tam tông Ngọc Thanh, Thái Thanh, Thượng Thanh nắm giữ trong tay. Muốn đạt được pháp môn luyện khí thượng thừa, bọn họ nhất định phải thông qua rất nhiều phương pháp và cách thức để học được từ Tam Thanh.
Nhưng các tông của Tam Thanh cũng có sẵn phương pháp tu hành, bọn họ cực kỳ coi trọng chín bộ chân kinh, nhất là ba bộ Cư Sơn, Động Uyên, Thái Huyền. Đến nay, ba bộ chân kinh này đều là bí mật, không truyền ra ngoài, cho dù đệ tử bổn tông cũng không truyền thụ toàn bộ, trừ khi là đệ tử thân truyền của chưởng giáo mới có tư cách được lĩnh hội luyện tập. Mà Thái Huyền chân kinh thượng thừa nhất chỉ có đệ tử được chọn làm chưởng giáo mới có thể được truyền thụ.
Các tông Tam Thành làm chuyện này quả thật có chút tư tâm, thủ làm của riêng, nhưng nghĩ sâu xa vẫn là suy nghĩ cho muôn dân trăm họ trong thiên hạ. Phương pháp tu hành thượng thừa có thể khiến người tu hành có năng lực cực lớn, bọn họ nhất định phải bảo đảm loại năng lực này không bị người có lòng dạ bất chính đạt được. Vì người tu hành lòng dạ bất chính có được pháp thuật cao thâm, chắc chắn sẽ gây nên hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, nhẹ thì giết người sát sinh, nặng thì làm đảo lộn âm dương, thay đổi triều đại.
Trước tình huống này, các môn phái trên giang hồ và tam tông Tam Thanh có quan hệ tương đối tế nhị. Một mặt, vì có chuyện nhờ vả nên các môn phái hy vọng tạo mối quan hệ tốt với Tam Thanh, mặt khác thì trong lòng oán hận vì tam tông giữ bí mật, không chịu truyền thụ.
- Sư phụ, sáu bộ đầu trong cửu bộ chân kinh này có phải đã bị những môn phái khác biết?
Nam Phong hỏi xen vào.
Lão mù gật đầu:
- Mặc dù không biết rõ ràng nhưng cũng không xem là bí mật.
- Không trách được khi Long Vân Tử giảng Cao Huyền chân kinh thì không ai thèm nghe.
Nam Phong cười nói, hôm Long Vân Tử giảng kinh, ngoại trừ đạo cô do xà tinh biến hóa ra thì những người khác đều cảm thấy vô vị.
Nói tới đây, Nam Phong chợt nhớ tới một chuyện:
- Đúng rồi sư phụ, vì sao sáu bộ chân kinh đầu của các tông Tam Thanh giống nhau mà ba bộ sau lại khác?
- Tổ sư Tam Thanh tìm hiểu Thiên Thư có lĩnh ngộ riêng nên kinh văn tu chân truyền xuống cũng không hoàn toàn giống.
Lão mù đáp.
- Thiên Thư không phải là…
Lão mù gật đầu:
- Chín mảnh mai rùa vốn là một thể, ẩn giấu ảo diệu của vũ trụ, nắm giữ lý lẽ của thiên địa, là nguồn gốc của vạn pháp.
Nam Phong ngẩn người, thật lâu mới mở miệng đề nghị:
- Sư phụ, nghỉ một lát nha.
Lão mù gật đầu đồng ý, Nam Phong dẫn lão đi sát lề đường, tìm tảng đá tương đối bằng phẳng đỡ lão ngồi xuống.
- Sư phụ, nếu mấy bộ kia không phải là bí mật, vì sao đạo cô kia còn muốn mạo hiểm đi nghe?
Nam Phong hỏi.
- Người ngoài tuy biết kinh văn nhưng cũng không hiểu rõ ràng, có nhiều hỗn tạp, còn xa mới tinh thuần bằng lời giảng của Long Vân Tử.
Lão mù đáp.
Nam Phong đang muốn hỏi, bỗng hai con ngựa cao lớn từ phía bắc chạy tới làm bay bụi mù mịt. Chạy gần tới, con ngựa phía trước chạy chậm lại, người ghìm ngựa là một tiểu cô nương mười ba, mười bốn tuổi, quần áo gọn gàng, tóc có thắt mấy cái bím nhỏ.
- Này, hạt tử (mù) gia gia, ông đoán mệnh có phải không?
Tiểu cô nương dùng roi ngựa chỉ vào bàn kì xem bói, cười hỏi.
- Tin thì chính xác, không tin sẽ không chính xác.
Lão mù bình tĩnh đáp.
Tiểu cô nương hình như lần đầu tiên nghe người coi bói nói lời này nên có chút bất ngờ. Ngay lúc nàng còn đang ngẩn người thì con ngựa đằng sau đã chạy tới, ngồi trên ngựa là một nam tử trẻ tuổi chừng mười bảy, mười tám tuổi.
- Sư muội, sao lại dừng lại?
Nam tử trẻ tuổi hỏi.
- Sư huynh, ta muốn xem bói.
Tiểu cô nương đáp.
Nam tử nói:
- Loại mù vân du tứ phương phần lớn là gạt người, sau khi về núi, huynh sẽ tìm sư thúc xem cho muội.
- Con mẹ nó, ngươi nói ai lừa đảo?
Nam Phong lập tức mắng.
Nam tử kia không ngờ Nam Phong dám mắng gã, bạn gái đang ở bên, mặt gã lộ vẻ không nhịn được, vung roi ngựa lên định quất Nam Phong.
Người này đã luyện qua công phu, lại còn tương đối giỏi, roi ngựa vung xuống thẳng tắp, đánh thẳng vào mặt.
Rọi ngựa sắp quật trúng Nam Phong, lão mù lập tức xuất thủ nắm lấy roi ngựa, cổ tay khẽ run đoạt lấy.
- Ai nha, lão mù kia.
Nam tử trẻ tuổi nhảy xuống ngựa, định rút kiếm ra.
- Ngươi muốn làm gì?
Nam Phong cầm lấy mộc trượng lão mù đứng dậy.
Mắt thấy hai người sắp đánh nhau, tiểu cô nương vội vàng xuống ngựa khuyên giải. Nam tử trẻ tuổi kia biết lão mù là cao thủ, chỉ là giả bộ một chút, nghe khuyên xong làm như không thèm chấp, giật lại roi ngựa trong tay lão mù rồi cùng theo sư muội hùng hùng hổ hổ đi.
- Sư phụ, vừa rồi người không nên xuất thủ.
Nam Phong nói, lão mù thay đổi hình dạng tất nhiên là để che giấu tung tích, vừa rồi sử dụng võ công không phải là hành động sáng suốt.
- Ta cũng không thể để hắn đánh ngươi.
Lão mù đáp.
Nam Phong nghe xong thấy lòng ấm áp, nhưng hắn không cảm ơn, chỉ cảm động trong lòng.
- Sư phụ, sau này con sẽ gắng không gây họa, người cũng không nên dễ dàng xuất thủ.
Nam Phong lại lần nữa đỡ lão mù ngồi xuống.
Sau khi ngồi xuống, lão mù thở dài:
- Ngươi tuy thiên phú bình thường nhưng tâm tư thông minh, phẩm tính hiền lương. Nếu bần đạo không mang tội trên người, tất nhiên sẽ thu ngươi làm đồ đệ…