Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 225: Có giáo dưỡng




Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 225: Có giáo dưỡng
Vụ gặt năm nay diễn ra rất suôn sẻ, mãi tới khi người nông dân gieo xong hạt giống cho vụ đông thì những giọt mưa thu đầu tiên mới tí tách rớt xuống.
Thuế lương đã nộp xong, lương thực cũng đã được phân xuống hết, bây giờ chỉ còn mài dao đợi chia thịt nữa là ấm.
Thời gian này cũng là lúc trên dưới Chu gia chuẩn bị tiễn Chu Đại Ni xuất giá về nhà chồng.
Chu Đại Ni là cháu gái trưởng của Chu gia, hôn sự lại diễn ra đúng thời điểm nông nhàn cho nên mọi thứ được chuẩn bị rất tươm tất.
Bởi vì cách 1 tầng thế hệ, Lâm Thanh Hoà không thể vượt mặt tặng chăn bông làm của hồi môn như hồi đám cưới Chu Hiểu Mai được. Mấy chị dâu đi như nào cô phải theo như thế, mỗi người tặng Chu Đại Ni 5 đồng, Lâm Thanh Hoà cũng vậy, nhưng cô còn tặng thêm cho nó 1 cây vải, vừa đủ may một bộ quần áo mới coi như chút tình cảm.
Đại đội chia thịt ngày hôm trước thì hôm sau Chu Đại Ni làm lễ vu quy.
Lâm Thanh Hoà bất chợt cảm khái, thời gian trôi qua mau thật đấy, mới ngày nào cô xuyên đến đây, Chu Đại Ni chỉ là 1 cô bé con vậy mà chớp mắt một cái đã gả chồng rồi chẳng mấy mà lại làm mẹ người ta.
Lâm Thanh Hoà không giúp được gì nhiều vì còn phải lên lớp cho kịp giờ, tiệc cưới cũng chỉ có mình Chu Thanh Bách qua ăn.
Đám cưới Chu Đại Ni, Chu Hiểu Quyển, Chu Hiểu Cúc và Chu Hiểu Mai không về dự được nhưng đều gửi tiền về, mỗi người 5 đồng.
Toàn bộ số tiền Chu gia cho sẽ là của hồi môn của Chu Đại Ni, kể cả nhà chồng chưa phân gia đi nữa thì số tiền này là tiền riêng của con bé không cần phải giao nộp lên.
Lý thuyết là như vậy nhưng nếu gặp phải nhà chồng cực phẩm thì cũng khó nói lắm. Chả hiếm những nàng dâu vừa chân ướt chân ráo vào cửa đã bị mẹ chồng duỗi tay đòi giữ của hồi môn.
Chính vì không muốn đẩy con gái vào hố lửa cho nên trước khi gả Chu Đại Ni đi, chị cả Chu đã cẩn thận lựa chọn cho nó một nhà chồng tương đối tử tế.
Thời tiết càng ngày càng lạnh, đặc biệt là sau trận mưa thu, nhiệt độ bắt đầu giảm mạnh.
Sáng sớm, Lâm Thanh Hoà vừa mặc quần áo ấm cho hai anh em Tô Thành, Tô Tốn vừa căn dặn: “Mặc quần áo ấm rồi là không được đi nghịch nước, hai đứa nhớ chưa?”
Bây giờ hai đứa nó đã ở hẳn bên này, ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi gì cũng ở rịt bên này hết, đơn giản thôi vì ở đây vui hơn về Chu gia với ông bà ngoại nhiều.
Tô Thanh nói: “Dạ vâng ạ, chúng cháu không nghịch nước đâu, chỉ chơi bắn bi thôi.”
Tô Tốn xị mặt mếu: “Đói bụng.”
Tam Oa nhanh nhẹn tự mặc quần áo cho mình rồi nói: “Đói bụng hả? Vậy chúng ta đi ăn thịt thỏ đê!!”
Tô Tốn gấp gáp xua tay: “Không muốn không muốn, đừng ăn con thỏ mà ~ ~”
Mấy con thỏ con này là Chu Thanh Bách bắt được từ giữa vụ thu, nuôi đến hôm nay đã to béo lên nhiều rồi. Tiểu Tô Tốn yêu thích như bảo bối, dù có đói đến mấy cũng không nỡ giết thịt ăn.
Tam Oa hỏi: “Nuôi không phải để ăn thì để là gì? Lần trước em ăn thịt thỏ kho tàu chả khen ngon còn gì?”
Tô Thành thực tế hơn em trai nhiều, rất đồng quan điểm với anh Tam Oa: “Đúng nha, nuôi là để làm thịt, giống như gà vậy đó.”
“Không ăn, chỉ nuôi thôi!” Tiểu Tô Tốn gào lên kháng nghị, nước mắt chạy vòng quanh, khịt khịt cái mũi rất chi là tội nghiệp.
Lâm Thanh Hoà dỗ: “Ngoan nào, không khóc nha, khóc là mang con thỏ ra làm thịt thật đấy.”
Nghe mợ tư nói vậy, Tiểu Tô Tốn kiên cường ép nước mắt trở lại.
Lâm Thanh Hoà xoa đầu nó khen: “Giỏi lắm, vậy để lại nuôi….” tới Tết rồi thịt nha, tất nhiên nửa câu cuối phải giấu nó.
Tiểu Tô Tốn sung sướng nhảy cẫng lên hò reo ầm ĩ, vội vàng ngồi vào bàn ăn sáng cho mau để còn chạy ra cho thỏ ăn.
Lâm Thanh Hoà buồn cười nhưng cũng để kệ cho nó chơi, cô lại bắt tay vào đan áo len mới cho Đại Oa.
Cái áo len cũ vừa ngắn vừa chật, cho nên hôm nọ cô mới phải đi mua thêm 2 cân len sợi về đan cho nó cái áo mới, còn áo cũ truyền xuống cho Nhị Oa. Kể ra đẻ con đông cũng có cái lợi, quần áo cứ lần lượt mặc, chả lãng phí đi đâu tí nào.
Mưa thu ngừng một cái là Chu Thanh Bách khẩn trương lên núi kiếm củi chuẩn bị đón một mùa đông giá rét.
Có vẻ năm nay thời tiết sẽ không quá khắc nghiệt như năm ngoái, còn nhớ tầm này năm ngoái đã lạnh run cầm cập rồi. Vì tình hình thời tiết lúc đó biến đổi quá bất thường cho nên Lâm Thanh Hoà mới phải sốt ruột bỏ tiền mua củi, còn năm nay mọi thứ đã trở lại bình thường thì cứ để Chu Thanh Bách đi kiếm như mọi năm là được.
Hôm nay Chu Thanh Bách đi lên núi đánh củi còn nhân tiện bắt được 1 con gà rừng mới may chứ. Lâm Thanh Hoà mừng húm, liền chạy ngay vào bếp ngâm nấm. Gà rừng mà xào với nấm thì ngon hết xảy!
Vừa làm, Lâm Thanh Hoà vừa hỏi chồng: “Hai hôm nữa em định vào thành một chuyến, đi đưa quần áo cho Đại Oa, anh có cần mua gì không?”
Chu Thanh Bách lắc đầu rồi nói: “Em mua cho mình đi.”
Lâm Thanh Hoà cười trừng mắt một cái: “Anh còn sợ em bạc đãi chính mình chắc?”
Chu Thanh Bách quyến luyến thu hết biểu cảm đáng yêu của cô vợ nhỏ, gương mặt cương nghị bỗng chốc mềm dịu như được tắm gió xuân. Anh tủm tỉm cười rồi tiếp tục xử lý đống củi vừa mới mang về.
Đầu tiên phải dỡ hết mấy bó củi ra, phơi cho khô rồi mới chất vào trong kho được.
Những việc này một tay anh làm hết, Lâm Thanh Hoà đủng đỉnh ngồi đan áo, thấy anh xong việc cô lại sai anh đi làm gà. Đúng là cô nổi tiếng chiều chồng nhưng chiều không có nghĩa là cung phụng đội lên đầu nha, cần sai việc là cô đây chưa bao giờ khách khí đâu!
Chồng giúp vợ việc nhà chính là biểu hiện của một gia đình hạnh phúc. Các bà vợ ngàn vạn lần không nên một mình ôm hết việc rồi tới lúc mệt nhọc lại than thân trách phận. Tuy nhiên, nhiệm vụ cơm dẻo canh ngọt ngày 3 bữa, các bà vợ đảm bảo phải hoàn thành cho thật tốt. Có như thế mới tính là công bằng, phải không nào?
Bữa hôm nay nhờ có Chu Thanh Bách mà cả nhà được đổi món. Gà rừng xào nấm hương! Thịt gà rừng dai, ngọt, hoà quyện với vị thơm đặc trưng của nấm hương, ăn với cơm nóng, cực kỳ hợp luôn.
Trong bữa cơm, bỗng nhiên Tam Oa cất tiếng hỏi: “Cha ơi, khi nào cha với cậu út đi săn heo rừng tiếp ạ?”
Nó vẫn nhớ mãi không quên ngày hôm đó, chà chà, giờ nghĩ lại tim vẫn còn đập nhanh đây này, cảm giác kích thích cực kỳ!
Lâm Thanh Hoà trừng mắt: “Săn cái gì mà săn? Gặp heo rừng trốn còn không kịp, ở đó mà đòi bắt?”
Bà Chu suy nghĩ rồi lên tiếng: “Sau này Đại Oa muốn vào Đại học, có lẽ phải chuẩn bị tiền học phí cho nó từ bây giờ mới mong kịp.”
Làm sao bà không biết săn bắt vô cùng nguy hiểm, nếu thằng tư cũng giống như người ta thì bà không nói làm gì, tuy nhiên con trai bà bản lĩnh hơn người, vì tương lai của Đại Oa, vì học phí học đại học của Đại oa, việc này có thể cân nhắc.
Lâm Thanh Hoà quay sang nói thẳng với Chu Thanh Bách: “Vào Đại học không phải đóng học phí, ngoài ra còn có trợ cấp cho nên cũng không cần phải lo sinh hoạt phí. Vì thế cho nên, anh - không - được - làm - những - chuyện - nguy - hiểm!”
“Ừ.” Chu Thanh Bách gật đầu.
Bị con dâu phản bác ngay trước mặt mọi người, đáng lẽ bà Chu phải tức giận nhưng bà lại mỉm cười, thực tâm bà rất mừng vì thấy được vợ thằng tư yêu thương, lo lắng cho nó thật lòng.
Lâm Thanh Hoà cũng biết mình không nên phản ứng gay gắt như thế nhưng chuyện này phải mạnh mẽ dập tắt ngay, không được để cho nó nhen nhóm, đối đầu với dã thú nào đâu phải chuyện giỡn chơi, chỉ một lần là quá đủ rồi, ai mà lường trước được mọi nguy cơ, sơ sảy một cái là mất mạng như chơi, Y học thời này chưa phát triển, tốt nhất là không nên mạo hiểm, thỉnh thoảng đánh vài con gà rừng, thỏ hoang chơi chơi là được rồi.
Chỉ mấy ngày đã đan xong áo len, Lâm Thanh Hoà liền đạp xe lên thành, trước tiên đưa áo cho Đại Oa rồi đi tới chợ đen bán thịt, sau đó mới vòng về Cung tiêu xã mua sữa bột cho 4 đứa nhỏ ở nhà.
Không cần mua cho Đại Oa vì huyện thành không giống nông thôn, mùa đông người ta vẫn cung ứng sữa tươi như thường.
Chu Hiểu Mai tan làm về thấy Đại Oa mặc một thân áo len mới tủm tỉm cười, cô cảm khái với chồng: “Chị tư chiều bọn nhỏ thật đấy.”
Tô Đại Lâm gật đầu: “Công…công nhận.”
Chu Hiểu Mai lại nói: “Em đoán mỗi tháng được phát bao nhiêu tiền lương là chị ấy xài hết không sót một đồng luôn á.”
Tô Đại Lâm gật gù: “Bọn bọn… nhỏ được được.. chăm sóc tốt…”
Ý của anh là bọn nhỏ được Lâm Thanh Hoà nuôi dạy, đứa nào đứa nấy đều vô cùng ưu tú.
Chu Hiểu Mai suy tư: “Em cũng muốn bồi dưỡng con mình theo cách của chị tư.”
“Được.” Tô Đại Lâm mỉm cười đồng tình ngay, gì chứ việc này anh hoàn toàn tán thành.
Lúc này, Đại Oa không ở nhà, nó đi ra ngoài chơi bóng rổ. Nó cùng vài người bạn học góp tiền lại mua một quả bóng rổ chơi chung.
Cuộc sống trên huyện thành sôi động và nhiều màu sắc hơn ở nông thôn rất nhiều, nào là xem điện ảnh, dạo công viên, chơi bóng rổ, ăn cơm tiệm, không thiếu thú vui gì.
Tuy rằng ở nông thôn cũng có nhiều cái để chơi, nhưng tất nhiên không thể phát triển bằng trên đây được.
Chơi bóng rổ xong, Đại Oa vẫy tay tạm biệt các bạn rồi về nhà cô út. Vừa lững thững đi trên đường nó vừa suy nghĩ, về sau ra trường có công tác, nó nhất định phải để dành tiền mua một căn nhà trên thành phố mới được. An cư trước rồi mới có thể chuyên tâm lập nghiệp, lại còn có thể đón cha mẹ lên ở chung nữa chứ. Đúng là nhất cử lưỡng tiện!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.