Hai tháng nóng nhất mùa hè, trong khi Tiểu Phong Tử cố gắng bình phục và tôi liều mạng đạp xe ba gác, cứ thế dần dần trôi qua.
Cuộc sống vẫn túng quẫn như trước, nhưng chưa tới mức cực khổ, ít nhất chúng tôi vẫn còn có cái ăn cái uống, có thể lao động, có thể kiếm tiền, có một căn phòng để tránh nắng tránh mưa, không đến nỗi lưu lạc dưới chân cầu vượt. Hơn nữa, bởi vì tôi nắng mưa bất kể vẫn vui vẻ chở khách, coi như cũng có chút danh tiếng ở chợ gia dụng, nên một số tiệm bắt đầu giới thiệu khách hàng ra thẳng chỗ tôi, còn không thu phí môi giới.
Sau chuyện của Tiểu Phong Tử, tôi quyết định mua hai cái di động, chẳng vì gì khác, ít nhất khi gặp nguy hiểm còn có thể liên lạc với nhau. Nhưng chuyện này tôi không nói với Tiểu Phong Tử, mãi đến gần đây, cảm thấy điều kiện cho phép, tôi mới đề cập với cậu. Kết quả không ngoài dự đoán, nhóc con ré lên một tiếng sung sướng, nhảy tung tăng khắp phòng, tôi muốn Táo, tôi muốn Táo. Tôi chẳng hiểu nổi suy nghĩ của cậu, chẳng lẽ mua điện thoại di động không quan trọng bằng ăn trái cây à? Đương nhiên về sau tôi mới biết, Táo này không phải táo ấy, hơn nữa… Sáu nghìn. Lúc nhìn cái giá trên trời, tôi thật muốn đánh gãy hết số xương sườn còn lại của Tiểu Phong Tử, dù sao tao không giết mày thì mày cũng giết tao! Tiểu Phong Tử rất không cam lòng, blah blah nói cái này nhiều ưu điểm lắm lắm lắm, nhưng trong mắt tôi, ngoại trừ nhắn tin và gọi điện, nó chỉ hơn mấy chiếc khác ở một chức năng — làm hung khí. Tuy lực sát thương so ra hơi kém viên gạch, nhưng về phần ngoại hình thì đảm bảo đỗ trạng nguyên. [Má à, má càng ngày càng giống má già =))))]
Cuối cùng chúng tôi lê lết từ quầy bán Táo đến chợ điện tử ngay bên cạnh, bỏ 400 mua hai cái Nokia second-hand. Lúc điện thoại tới tay, Tiểu Phong Tử vừa nghịch vừa nói với tôi, Phùng Nhất Lộ, hồi tôi học đại học còn dùng cái xịn hơn cái này đấy. Lời này tôi tin, chỉ có một vấn đề tôi không hiểu, nếu ghét thì mày cười toe toét như đóa mẫu đơn thế để làm gì?
Đầu tháng Chín, thời tiết dần chuyển lạnh. Dung Khải hoàn toàn bình phục, chuẩn bị đi tìm công việc đứng đắn, nhưng loanh quanh khu này chắc chắn không được rồi, thế là tôi đạp xe ba gác đưa cậu đi khắp thành phố, cuối cùng tìm được một khu chợ khác, quy mô nhỏ hơn một chút, nhưng cạnh tranh không khốc liệt bằng. Nhờ tài múa mép và tốc độ phản ứng cực nhanh, Dung Khải rất nhẹ nhàng tìm được việc mới, còn tôi cũng chuyển luôn tới đó, sau ít lâu, thu nhập cũng dần ổn định.
Ngày cứ dần trôi, cuối cùng tôi mới dành được thời gian đi thăm Hoa Hoa.
Đó là một buổi sáng sau cơn mưa, con đường đến nhà giam trải đầy lá rụng. Vì nơi này hẻo lánh, không có công nhân môi trường quét dọn, nên lá cây giăng kín mặt đất, bước chân qua, mềm mại như đi trên mây. Tiết trời se lạnh, không khí trong lành, hệt như một thế giới tách biệt hẳn với bên ngoài qua bức tường trong suốt.
Đưa Hoa Hoa đến là Du Khinh Chu, đã lâu không gặp, gã ta vẫn mang bộ dáng đó, trông thấy tôi thì chẳng bất ngờ, ngược lại còn nhanh tay cướp lấy microphone, “Cậu mới ở Châu Phi về đó à? Sao đen thùi lùi thế?”
Tôi nhìn Hoa Hoa đứng bên cạnh rồi quay sang nhìn gã, hỏi, “Bây giờ nói chuyện có bị tính thời gian không?”
Du Khinh Chu đáp luôn, “Tất nhiên có.”
Tôi lễ phép mỉm cười, “Vậy làm phiền anh để Hoa Hoa đến nghe, đợi hôm sau tôi tới thăm anh riêng nhé.”
Du Khinh Chu (-_-|||), phẫn nộ trả điện thoại cho Hoa Hoa, miệng lầm bà lầm bầm một chuỗi dài, tôi ngó ngó, đoán được ba chữ, đại khái là “Không đáng yêu”.
Tôi hoài nghi gã ở tù lâu quá, nghẹn đến biến thái rồi.
Nhưng thấy Hoa Hoa cầm microphone, tôi cũng mặc kệ những cái khác, bắt đầu liến thoắng kể lại những thăng trầm vừa qua, nào là Tiểu Phong Tử gây chuyện, Chu Dũng ra tay tương trợ, nào là tôi hăng hái phấn đấu vì tương lai vân vân. Đương nhiên mấy chuyện như cống thoát nước ùn tắc hoặc phơi nắng đạp xe hoặc gặp khách hàng đã quỵt tiền còn đòi bồi thường vì làm xước sơn đồ mới của họ thì tôi không kể, bỏ qua luôn.
Hoa Hoa nghe rất nghiêm túc, cũng rất say mê, thỉnh thoảng kể đến khúc buồn cười, cậu sẽ cười theo tôi, những khi ấy, đôi mắt cậu luôn đặc biệt sáng, giống hai viên ngọc đen long lanh. Tôi biết cậu thích nghe chuyện bên ngoài, nên kể rất hăng hái, thỉnh thoảng còn phải chạy đi uống chén nước cho nhuận họng. Toàn bộ quá trình Hoa Hoa chỉ ngắt lời tôi một lần, chính là khi tôi kể đến đoạn lấy bình cứu hỏa đánh thằng khốn nọ, cậu đột ngột gõ gõ vách thủy tinh, tôi ngờ vực dừng lại, thấy một tờ giấy áp trên tấm kính: Anh thế nào? Tôi nói anh không sao, nhưng Tiểu Phong Tử thì gãy một cái xương sườn, nằm nhà hai tháng. Lúc này Hoa Hoa mới thôi nhíu mày, quay lại vẻ mặt vô cảm. Tôi chờ mãi, thấy cậu thật sự không có ý định bày tỏ gì thêm, đành phải lặp lại một lần, Tiểu Phong Tử bị gãy một cái xương sườn! Hoa Hoa ngơ ngác nhìn tôi vài giây, hiểu ý, vội vàng cúi đầu xoẹt xoẹt vài nét bút, sau đó cầm giấy lên, tôi đọc thấy chỉ có một chữ, Ừ.
Để cố gắng quên đi hành vi bên trọng bên khinh của Hoa Hoa, tôi bắt đầu hào hứng nói sang chuyện khác, hỏi cậu ở trong này thế nào. Viết chữ dù sao cũng tốn thời gian, nên câu trả lời của Hoa Hoa luôn rất giản lược. Ước chừng khoảng mười phút, tôi đã nắm được tình hình cơ bản của phòng Mười bảy —- tình hình sức khỏe, tốt, tình hình cải tạo, tốt, tình hình giảm án, tốt, tình hình tình cảm… Tôi thắc mắc sao mắt Hoa Hoa hình như hơi thâm, Hoa Hoa đáp bây giờ Chu Thành và Đại Kim Tử một tuần làm nửa số ngày, ầm ĩ không ngủ được.
Chuyện nên nói đều đã nói xong, nhưng miệng tôi vẫn không ngừng nghỉ, giống như phải trút hết tâm trạng của mấy tháng vừa rồi ra mới sảng khoái được, vì thế tôi bắt đầu kể chuyện cười cho Hoa Hoa, đa số là tôi nghe trên đài, hoặc khách hàng kể cho tôi. Hoa Hoa cũng không phối hợp lắm, chỉ khi gặp chuyện nào cực kỳ khôi hài, cậu mới khe khẽ cười một cái, nhưng vài lần như vậy thôi cũng đủ cho tôi mãn nguyện lắm rồi. Tôi thích nhìn cậu cười, chẳng rõ vì sao, mỗi lần khóe mắt cậu cong lên, trong lòng tôi lại như có thêm một nụ hoa hé nở, để cuối cùng rực rỡ cả khu vườn.
Lúc sắp chia tay, tôi dặn cậu, “Có chuyện gì thì nhớ tìm Du Khinh Chu, dù thế nào cũng đừng tự mình chịu.”
Không đợi Hoa Hoa gật đầu, bên cạnh đã xen vào một tiếng hừ lạnh, “Giờ mới nhớ đến tôi cơ đấy?”
Tôi giật mình kêu lên, “Anh vẫn ở đây à?”
Du Khinh Chu híp mắt, vẻ rất nguy hiểm, “Chẳng lẽ tôi đã thon thả đến mức ấy rồi sao?”
Tôi vội vàng cười, “Hoa Hoa nhờ anh nhé, chăm sóc cậu ấy chút.”
Du Khinh Chu trừng tôi nửa ngày, khóe miệng giật giật, cuối cùng phun ra hai chữ, “Cút đi!”
Tôi rất nghe lời cút luôn, chạy thẳng về nhà ăn lẩu với Tiểu Phong Tử.
“Hoa Hoa thế nào rồi?” Nghịch nghịch lò vi sóng, Tiểu Phong Tử thuận miệng hỏi.
“Sắc mặt không tồi, nhìn rất tốt.” Tôi bày rau củ thịt thà ngay ngắn trên bàn, cảnh tượng thật là phồn vinh.
“Ờ.” Tiểu Phong Tử đặt nồi nước lẩu vào lò vi sóng, vặn nút, sau đó im lặng chờ nước sôi.
Tôi bồn chồn nói, “Sao cậu không hỏi Chu Thành và Đại Kim Tử?”
Tiểu Phong Tử nhướn mày, “Anh có gặp hai người họ à?”
Tôi lắc đầu. Một cái lườm bắn sang, “Thế thì tôi hỏi làm khỉ gì?!”
Tôi không đáp. Ban ngày còn nói Hoa Hoa bên trọng bên khinh, nghĩ lại, cái tính này đúng là huynh đệ di truyền.
Nước sôi, bọn tôi điên cuồng thả đồ vào nhúng, vừa chín tới thì ngoác miệng, vung đũa ngấu nghiến. Đêm thu se lạnh, gió hiu hiu thổi, nồi lẩu sôi ùng ục, thật đúng là tiên cảnh.
Lúc ăn thịt bò tôi không để ý, phụt một cái, phun đầy người Tiểu Phong Tử, cậu chàng nổi giận ré lên, “Anh bị cái qué gì thế?!”
Thịt bò từ đũa rớt xuống bát “pẹt” một cái, nhưng lúc ấy tôi còn mải nghĩ đến chuyện khác, “Chu Thành sắp ra tù!”
Tiểu Phong Tử chẳng hiểu mô tê gì, “Anh ta có chị cơ mà, anh quản làm gì?”
Tôi nghĩ cũng đúng, nhưng trong đầu vẫn vô thức quy hoạch lộ trình làm giàu cho hắn dựa trên kinh nghiệm xương máu của mình.
Ăn lẩu xong, tôi và Tiểu Phong Tử mồ hôi đầm đìa, bụng tròn xoe, nằm trên sofa chẳng muốn đứng dậy. Sofa không lớn, nằm hai người hơi chật, nhưng chẳng ai muốn nhúc nhích, bốn phía tĩnh lặng, không biết là do trời hôm nay đặc biệt, hay do các bạn hàng xóm ngủ cả rồi, tóm lại, cả thế giới chỉ còn tiếng bụng kêu của tôi và Tiểu Phong Tử.
Những đêm thế này rất hợp với rượu, dễ khiến người ta hoài cổ.
“Thực ra tôi nên cảm ơn cậu.” Ánh đèn làm tôi choáng váng, những hình ảnh trong quá khứ lướt qua não, như một thước phim điện ảnh kiểu xưa, “Nếu năm ấy cậu không gọi tôi đến trốn dưới chân núi, tôi đã chẳng sống được tới bây giờ.”
Tiểu Phong Tử nấc một cái, đáp, “Nói thế thì, nếu anh không đến phòng Mười bảy, chắc tôi bây giờ còn đang lang thang ngoài cổng nhà tù.”
Tôi lắc đầu, tuy cũng chẳng nhìn thấy Tiểu Phong Tử do đang nằm bẹp, “Làm gì đến mức đó, không có tôi thì còn những người khác, đổi thành ai cũng chẳng bỏ mặc cậu đâu.”
“Cũng không hẳn.” Tiểu Phong Tử lập tức phản bác, “Ngốc như anh hiếm lắm.”
“Ài, tôi chẳng hiểu cậu đang khen tôi hay đang mắng tôi nhỉ?” Tôi co chân đạp cậu một cái.
Tiểu Phong Tử nhanh nhẹn tránh ra, nhúc nhích tìm tư thế thoải mái, sau mới tiếp tục nói, “Đương nhiên là mắng rồi. Tôi nói cho anh hay, cái câu ‘Ngốc có phúc của ngốc’ trăm phần trăm là bịp đấy, anh đừng bao giờ tin. Ngốc thì chỉ có chịu thiệt thôi, người ngoài chẳng ai giúp được gì đâu, cứ xem căn hộ kia của anh thì biết…”
Tôi tức giận ngắt lời, “Đừng nói chuyện đó nữa được không?”
Tiểu Phong Tử khinh bỉ “Xì “một tiếng, thật lâu sau mới nói, “Được, dù sao vẫn còn tôi ở đây, ít nhất tôi cũng không để anh bị bán còn thay người khác đếm tiền.”
Tôi chẳng thèm để ý tới cậu, triển khai đề tài tiếp theo.
“Bài ca dâng Đảng ~~ tôi yêu Đảng như yêu mẹ hiền ~~”
“Anh hát bài gì vui hơn được không?”
“Vui hơn á? Cậu múa phụ họa cho anh nhé?”
“Không thành vấn đề.”
“Dô ta ~~ nhanh lên nào ~~ tiến về phía trước hướng về phía trước ~~ người chiến sĩ trách nhiệm nặng nề ~~ phụ nữ cũng gắng sức nào ~~ xưa có Hoa Mộc Lan thay cha tòng quân ~~ nay có vợ hiền của anh… Ối *** mày cởi quần áo làm gì? Cái đm mày định làm trò gì? ^&%$ mày không bình thường được à —-”
Để hoài cổ trọn vẹn, tôi phấn đấu quên mình ngăn chặn thảm cảnh Tiểu Phong Tử thoát y nhảy múa. Móa nó lần sau còn để thằng khùng này uống rượu thì tôi cùng họ nó luôn!
Ngày mùng mười tháng Mười, trời mưa, Chu Thành ra tù.
Gần đến nơi thì taxi hỏng, tôi và Tiểu Phong Tử cầm ô cuốc bộ hơn hai mươi phút, ống quần ướt đẫm toàn bùn.
“Hôm nay là 99 năm cách mạng Tân Hợi.”
“Ừ.”
“Phía trước chính là nhà giam.”
“Ừ.”
“Hình như có người đến trước chúng ta.”
“Ừ.”
“Muốn qua chào không?”
Thực ra chị của Chu Thành cũng coi như người quen của bọn tôi, tuy chưa nói chuyện với nhau bao giờ, nhưng số lần chạm mặt lúc thăm tù mấy năm qua cũng đủ để chúng tôi nhớ kỹ nhau. Chỉ có điều trong trí nhớ của tôi, tóc chị rất dài, rất mượt, rất đẹp, còn bây giờ thì chị cắt tóc rồi.
Nhìn thấy bọn tôi, đáy mắt chị thoáng lộ vẻ kinh ngạc, nhưng nét mặt không thay đổi, rất thản nhiên, rất lễ độ, rất xa cách.
“Các cậu…” Chị dừng lại, tựa hồ đang lựa chọn từ ngữ, một lát sau mới tiếp tục, “Đến đón em tôi à?”
Tôi nhìn thấy đề phòng và cảnh giác trong mắt chị, cười cười lắc đầu, “Không, chỉ đến xem thôi.”
Lời này không phải nói dối, đối với một người bạn tù – một người anh em đã có gia đình tử tế, thật sự chúng tôi chỉ muốn đến xem, đến xem hắn thoát ra khỏi lồng, xem hắn trở về với tự do, xem hắn bước tới cuộc đời hạnh phúc, vậy là đủ rồi.
“Ồ, vậy à.” Hình như chị muốn mỉm cười với tôi, nhưng tiếc là không thành công, khóe miệng giật một cái, cứng ngắc.
Cách đó không xa truyền đến tiếng động, chúng tôi cùng quay sang nhìn, chỉ thấy cánh cổng sắt to lớn từ từ hé mở, một bóng dáng cao gầy chậm rãi bước ra. Bóng dáng ấy đầu tiên là đứng vững, sau đó không nhìn trời, không nhìn đất, đi thẳng về phía này, tựa như đã biết có người đang chờ mình, hoặc là nói, có người sẽ chờ mình.