Giữa Phó Diễn và Trần Tân, Phó Diễn là người nắm quyền lựa chọn. Chỉ cần hắn buông tay, hai người bọn họ sẽ chấm dứt hoàn toàn.
Song, việc nắm trong tay quyền lựa chọn ấy, xét từ một khía cạnh nào đó, cũng chỉ là sự cố chấp đơn phương từ phía Phó Diễn.
Xấu xí và thảm hại, tranh giành cùng một người đã chết tới mức khó coi.
Vì yêu mà sinh hận, không còn chút thể diện, tra tấn lẫn nhau đến tột cùng, thậm chí còn chẳng nhớ được giữa hai người có chút kỷ niệm đẹp đẽ nào.
Việc hắn giả chết để rời đi không phải là để trả thù như Trần Tân vẫn nghĩ, mà là để hoàn toàn buông tay. Sự tự do mà Phó Diễn trước đây không có được, hắn sau cùng vẫn trao cho Trần Tân.
Mối quan hệ méo mó, đầy thương tích này đã không còn cần thiết phải tiếp tục nữa rồi.
Đây không phải sự tỉnh ngộ bất chợt mà đã tích lũy dần theo thời gian, để rồi bỗng một ngày đạt tới điểm giới hạn. Phó Diễn bỗng nhiên cảm thấy tất cả những gì hắn đã làm trong suốt những năm qua đều thật nực cười.
Có lẽ sự si mê, nhớ mãi không quên suốt bao năm đối với Phó Vân Sinh của Trần Tân mới là tình yêu đích thực. Còn thứ hắn đoạt lấy một cách thô bạo và cướp về một cách cưỡng ép chỉ là sự thỏa hiệp bất đắc dĩ, sự đối phó mệt mỏi cùng sự phối hợp trong nín nhịn.
Thứ hắn muốn, hắn không thể nào có được.
Ngay từ đầu đã đi sai đường thì làm sao có thể tới được điểm hạnh phúc cuối cùng.
Tình yêu tựa như một phép chiếu. Bạn trao đi cái gì thì cuối cùng sẽ nhận lại thứ đó.
Quyết định được đưa ra một cách dễ dàng. Gần như khi biết tin Trần Tân định phản bội mình một lần nữa từ chỗ Tạ Tùy là hắn đã sẵn sàng để rời đi.
Lúc sắp xếp lại đồ đạc của mình tại nhà cũ, hắn dường như cũng đang sắp xếp lại những kỷ niệm với Trần Tân.
Việc hắn rời đi hẳn sẽ không ảnh hưởng gì tới anh. Trần Tân có thể tìm một người thừa kế mới, nghe lời anh. Anh sẽ không phải đau đầu hay trả giá vì sự tùy hứng của hắn nữa. Đứa con hoang mới hẳn sẽ trân trọng gia sản mà Phó Vân Sinh để lại, càng sẽ không đi ngược lại với ý muốn của Trần Tân.
Có lẽ đây mới là điều Trần Tân muốn.
Khoảnh khắc nhận ra điều này, Phó Diễn không cảm thấy quá khổ sở. Có lẽ vì chuyện như vậy đã từng xảy ra một lần, mà lần đó hắn đã bắn Trần Tân và giam cầm anh.
Lần đó chẳng khiến Phó Diễn cảm thấy thỏa mãn là bao. Thay vì nói giam cầm Trần Tân thì không bằng bảo rằng chính hắn cũng bị mắc kẹt tại chỗ.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, có lẽ sẽ có một ngày hắn thật sự sẽ giết Trần Tân, hoặc có lẽ Trần Tân sẽ tự chết trong tay hắn. Dù sao lúc rạch cổ tay chính mình, Trần Tân cũng không chút do dự.
Trần Tân là người cực kỳ đa nghi. Nếu Phó Diễn không ra tay trước mặt anh thì anh sẽ không tin. Mà đồng thời, vở kịch này cũng có rủi ro rất lớn.
Ban đầu Tạ Tùy không đồng ý với sự sắp xếp của hắn nhưng Phó Diễn khăng khăng.
Về sau, khi phải quay lại nhà cũ để lấy món đồ cũ của mẹ, Phó Diễn muốn tự mình quay về.
Tạ Tùy bảo gã có thể bố trí người lẻn vào biệt thự, có rất nhiều cách tốt hơn có thể hoàn thành công việc này.
Tạ Tùy lạnh lùng đối mặt với Phó Diễn một lúc: “Nếu đã như vậy thì cậu việc gì phải diễn màn kịch trên tàu?”
“Muốn xem xem Trần Tân có đau khổ, tuyệt vọng vì cậu hay không rồi cậu lại xuất hiện trước mặt anh ta? Bọn tôi tốn công tốn sức giúp cậu làm nhiều chuyện như vậy chỉ để cậu với anh ta diễn một màn ‘cả nhà đều vui’?” Tạ Tùy nói: “Cậu đang giỡn với tôi sao, Phó Diễn?”
Phó Diễn cố nén giận, bình tĩnh đáp: “Chiếc két sắt đó có mật khẩu, còn cần dùng mống mắt và vân tay để mở khóa. Cách an toàn nhất là tôi quay lại.”
“Còn về cái đau khổ, tuyệt vọng mà anh nghĩ tới.” Bản thân Phó Diễn cũng thấy hài hước: “Chú ấy sẽ không đau lòng, khổ sở vì tôi đâu.”
Mà sự thật chứng minh, khi Trần Tân xuất hiện trở lại để giải quyết công việc, trông anh chẳng có vẻ gì là bị ảnh hưởng cả.
Anh sẽ không khổ sở vì hắn. Điều này Phó Diễn biết rõ.