Người ta ra ngoài xem đèn thì mang về đủ loại đèn, cháu nhà mình đi ra ngoài xem đèn lại mang về một hộp bánh trôi nếp.
Đối diện với ánh mắt chế nhạo của bà nội, Lâm Yến nhếch miệng, rũ mắt mỉm cười: "Đi ra ngoài dạo một lát, đói bụng thì đi vào Thẩm Ký ăn chút đồ ăn nóng. Bà chủ Thẩm rất khách khí, bảo ta mang về cho a bà mấy cái nếm thử."
Giang thái phu nhân mở nắp hộp ra nhìn, hơi ngạc nhiên: "Ngọt sao?"
Nhìn vẻ mặt như con nít của bà nội, Lâm Yến bật cười: "Ngọt, nhân vừng." Sau đó bảo vú già đi nấu cho bà nội mấy cái: "Buổi tối chỉ nếm thử vài cái thôi, nếu không sẽ không tốt cho tiêu hóa."
Chẳng bao lâu sau, vú già đã bưng một bát nhỏ đựng bánh trôi lên, bên trong chỉ có bốn cái bánh trôi, nhà bếp cho thêm mật hoa quế vào trong nước canh, vừa ngửi đã thấy mùi hương ngọt ngào.
Thái phu nhân cầm thìa múc một cái, nhẹ nhàng thổi một hơi, cắn ra, bên trong chảy ra nhân bánh đen đặc.
Giang thái phu nhân chậm rãi ăn hết bánh, gật đầu: "Vừa ngọt vừa mềm vừa thơm, cũng chỉ có mỹ nhân khéo tay như Thẩm cô nương mới làm ra được."
Mỹ nhân... Lâm Yến khẽ ho một tiếng, mỉm cười gật đầu: "Phải."
"Không biết sau này ngươi cưới vợ có khéo được thế này không, nếu có thể được một nửa tay nghề của Thẩm cô nương này thì ngươi đúng là có phúc."
Lâm Yến mỉm cười một cái, rũ mắt xuống.
Giang thái phu nhân nghĩ ngợi một chút, lại nói: "Nhưng mà ngươi không có một cái lưỡi nhạy bén, bình thường ăn gì cũng như nhau. Nếu như cưới một nàng dâu giỏi nấu ăn, người ta bưng lên một bát canh vây cá chế biến tỉ mỉ, nhưng ngươi ăn lại như ăn canh miến, hỏi ngươi mùi vị thế nào, ngươi chỉ nói được một chữ "tốt"... Như vậy thì thật chẳng phải quá thiệt thòi cho người ta."
Lâm Yến ngước mắt lên, bắt gặp ánh mắt chê bai lại hơi khó xử của bà nội, khóe miệng không khỏi mân lại, nhưng rồi lại bất đắc dĩ bật cười.
Giang thái phu nhân cũng bật cười thành tiếng, mấy người vú già đứng phục vụ cũng cười.
Vú già A Tố đi theo Giang thái phu nhân đã nhiều năm, rất có địa vị trước mặt chủ nhân, lập tức cười nói: "Sao thái phu nhân lại có thể chọc ghẹo a lang như vậy? A lang chỉ là không khéo mồm khéo miệng được như người khác mà thôi."
Giang thái phu nhân cười gật đầu: "Thiếu sót của hắn chính là ở cái điểm này, y như hũ nút vậy. Cũng may được bộ mặt đẹp, có thể dựa vào cái này để lừa gạt được cô nương người ta về nhà."
Mấy người vú già lại cười khuyên thái phu nhân.
Bên ngoài truyền tới tiếng trống canh, Lâm Yến đứng lên: "Cũng không còn sớm nữa, a bà đi nghỉ sớm đi."
Giang thái phu nhân gật đầu: "Ngươi cũng đi ngủ sớm một chút."
Lâm Yến hành lễ rồi lui ra ngoài.
Phía sau có tiếng nói chuyện loáng thoáng: "Thái phu nhân lo nghĩ nhiều quá rồi, a lang nhà chúng ta không chỉ tuấn tú, muốn tài có tài, muốn mạo có mạo, không phải lo chuyện không cưới được vợ."
"... Nếu có thể cưới được một người tính tình hoạt bát một chút, hai người bù trừ cho nhau thì tính ra cũng tốt..."
Tính tình hoạt bát... Lâm Yến cất bước rời đi.
"A lang đi thong thả." Vú già trực đêm dưới hiên hành lễ.
Lâm Yến gật đầu, dọc theo hàng hiên đi ra khỏi viện của bà nội.
Đi tới thư phòng, Lâm Yến ngồi trước bàn sách, thuận tay cầm lên một quyển du ký trong rương, lật xem mấy trang rồi lại cất trở lại, rút ra mấy quyển vở tập viết bên dưới.
Nét chữ non nớt chép "Kinh Thi": "Khởi viết vô y? Dữ tử đồng bào*... Tịnh nữ kỳ xu, sĩ ngã vu thành ngu**..." Trong đó mấy chữ "y", "bào", "xu" viết rất tốt, được khoanh vòng.
* Trích "Vô y" (Không có áo), dịch nghĩa: Há rằng anh không có áo quần? Thì cùng anh mặc chung chiếc áo nhỏ!
** Trích "Tĩnh nữ" (Cô gái nhàn nhã), dịch nghĩa: Người con gái nhàn nhã đẹp đẽ. Hẹn đợi ta ở chỗ góc thành (chỗ hẻo lánh tối tăm).
Lại nhìn thấy lời bình luận của hai nét chữ khác nhau ở phía sau: "Chữ của A Tề, như nằm như ngồi", "Như nằm như ngồi, ngay thẳng thoát tục"... Lâm Yến nhếch khóe môi, thả lại mấy quyển vở tập viết vào trong rương, nghĩ ngợi một lúc lại lần nữa đặt vào giữa, cất tiếng gọi người hầu đứng bên ngoài: "Ngày mai đưa rương sách này tới cho cô nương chủ quán Thẩm Ký."
Người hầu đáp vâng.
Thẩm Thiều Quang mới ăn bữa sáng xong một lát thì nhận được số sách này.
Lưu Thường hành lễ, nói: "Đây là đồ a lang nhà ta bảo đưa tới cho cô nương."
Thẩm Thiều Quang cười nói cảm tạ.
Lưu Thường lại hành lễ rồi ra về.
Vu Tam từ phòng bếp đi ra, liếc mắt nhìn rương sách, bây giờ các lang quân tặng đồ cho các cô nương đều quang minh chính đại như thế sao? Nhưng mà... Vu Tam quan sát cái rương gỗ rất bình thường kia, thế này chẳng phải hơi kém sang sao?
Thẩm Thiều Quang mở nắp rương, lấy quyển sách trên cùng ra lật xem.
Lại còn là sách cũ? Vu Tam hiểu rồi, chắc chắn là mấy quyển sách hiếm, lại cố tình dùng một cái rương gỗ mộc mạc như vậy để đựng, như thế sẽ không giống mấy thứ phù phiếm xa hoa, Lâm thiếu doãn này cũng... mưu mô thật!
Nhìn vẻ mặt tập trung chăm chú của cô nương, Vu Tam bĩu môi, các cô nương thật là, ài... Đi thẳng ra hậu viện.
Đây là một quyển thi phú thời Lục triều*, phần lớn là các tác phẩm ca ngợi núi non, bên cạnh nét chữ bình luận khá quen thuộc thì phần lớn đều xa lạ, "Năm mươi sẽ từ quan, dong xe về Tuyền Lâm", Thẩm Thiều Quang thở dài cảm khái, cuối cùng hắn không thể thực hiện được nguyện vọng tới năm mươi tuổi thì từ quan về quy ẩn, đời người thất thường thế đấy.
* Lục triều chỉ sáu sáu triều đại trong các thời kỳ Tam Quốc (220–280), Lưỡng Tấn (265–420), và Nam-Bắc triều (420–589) trong lịch sử Trung Quốc. Giai đoạn này bắt đầu ngay sau sự sụp đổ của nhà Hán vào năm 220, và là một giai đoạn chia rẽ, bất ổn định và xung đột. Lục triều chấm dứt khi Tùy Văn Đế tái thống nhất miền Nam và miền Bắc Trung Quốc.
Thẩm Thiều Quang ôm rương sách lên, A Viên muốn giúp nàng, Thẩm Thiều Quang lắc đầu: "Ngươi cứ bận việc của ngươi đi."
Vu Tam xách một miếng thịt khô đi vào, nghe vậy thì bĩu môi, mấy cô nương mà đã động lòng thì đều trở nên kiểu cách cả...
Thẩm Thiều Quang trở lại hậu trạch, chậm rãi lật xem sách trong rương, "phụ thân" ở trong sách dần trùng khớp với người trong trí nhớ, một người phụ thân, một người phu quân ôn hòa hài hước, một văn nhân nhàn tản yêu thiên nhiên, một đệ tử thế gia ung dung thanh nhã, một thị lang bộ Lễ có nhiều kiến nghị đối với chế độ khoa cử, còn cả... người trần tình đến bật khóc trước thềm điện như trong lời kể của Lý tướng công.
Thẩm Thiều Quang cũng lật tới được mấy quyển vở tập viết của "chính mình".
Thực ra nàng vẫn thừa kế được kỹ năng thư họa của nguyên thân, nhưng sau này học hỏi rèn luyện được nhiều hơn, cái bóng của nguyên thân càng mờ nhạt đi, so với bây giờ thì giống như hai người viết.
Thẩm Thiều Quang cũng nhìn thấy lời phê bên trong vở, đặc biệt là hai câu "như nằm như ngồi", không khỏi bật cười.
Nếu như không xảy ra chuyện, có một cặp cha mẹ như vậy, còn cả người ca ca đáng yêu như trong trí nhớ, "Thẩm Thiều Quang" sẽ sống cuộc sống như thế nào?
Đông thưởng tuyết, xuân ngắm hoa, luyện chữ vẽ tranh, tiệc tùng vui chơi, lớn lên trong nhung lụa, sau đó trải qua sự sàng chọn của cha mẹ, mình cũng đứng nhìn từ phía sau tấm bình phong, gả cho một "tiên lang tài mạo" con cháu nhà dòng dõi lại có năng lực mà tướng mạo có lẽ cũng rất tốt...
Thẩm Thiều Quang cũng thấy hơi đau lòng cho "chính mình", số mệnh tốt đẹp như vậy lại đã tắt lịm giữa đêm đông năm mười tuổi đó.
Thẩm Thiều Quang phải xem mấy ngày mới xem xong số sách này, bởi vì chúng quá ảnh hưởng tới tâm trạng cho nên sau khi phơi nắng xong thì nàng đóng kín lại, sau đó tiếp tục cuộc sống của "Thẩm Thiều Quang" hiện tại.
Vừa vào tháng hai, trời đã ấm lên hẳn. Băng trên Khúc Giang dần tan đi, nước xuôi theo dòng, đám cá ngột ngạt cả một mùa đông cuối cùng cũng được hít thở, liễu hai bên sông đâm chồi xanh mơn mởn, gió cũng dịu dàng ấm áp hơn, có cảm giác như "xuy diện bất hàn*".
* Trích "Tuyệt cú" của Chí An thiền sư, câu thơ đầy đủ là "Xuy diện bất hàn dương liễu phong", dịch nghĩa là: Gió xuân thổi vào mặt nhưng không lạnh.
Vừa khéo trời lại đổ cơn mưa xuân, chẳng mấy chốc mà rừng cây bên Khúc Giang, Lạc Du Nguyên, trên sườn núi ngoài thành, thậm chí là trong các vườn hoa trong thành, trong các trạch viện bỏ hoang đều xuất hiện mầm xanh, cỏ dại còn chưa kịp xanh tươi trở lại thì rau dại đã ló ra góp vui trước.
Các lang quân trẻ tuổi, các cô nương xinh xắn đều vội vàng đổi áo xuân, đi dã ngoại du xuân đạp thanh. Lại có không ít thiếu phụ xách giỏ trúc đi ra vùng ngoại thành "chọn rau dại", hoặc cho nhà mình ăn, hoặc đưa vào thành bán, kiếm thêm chút tiền cho gia đình.
Thẩm Thiều Quang may mắn mua được không ít rau dại như vậy.
Kiếp trước Thẩm Thiều Quang chẳng phân biệt được mấy loại rau dại, kiếp này vẫn chẳng phân biệt được, còn phải nhờ tới A Viên dạy nàng, đây là dương xỉ xanh, đây là bồ công anh, kia là thanh ngưu... Đám lớn nhất thì Thẩm Thiều Quang nhận ra được là rau dền.
"Mấy cái này ăn thế nào?" Thẩm Thiều Quang nhờ A Viên chỉ dạy.
"Trước kia trong nhà Từ nương tử đều nhúng nước sôi, sau đó trộn với chút muối rồi ăn."
Thẩm Thiều Quang: "..."
Hỏi Vu Tam, hắn cũng chỉ mới làm vài loại trong số đó mà thôi, Thẩm Thiều Quang chỉ có thể tự mình từ từ tìm tòi.
Chụng nước sôi, bỏ thêm vừng giã vụn, tỏi giã, giấm chua trộn lên ăn; thêm bột gạo bột mì chưng lên, chấm nước trộn từ tương hải sản, nước gừng, dầu vừng; ép lấy nước ngâm nếp làm thanh đoàn; băm làm canh gà với rau; lấy chồi chiên với trứng, hoặc kẹp với thịt ba chỉ thái sợi, đậu phụ thái sợi, sợi miến bỏ vào trong bánh xuân...
Quả nhiên đúng như tưởng tượng của Thẩm Thiều Quang lúc trước, có chút rau dại thì đĩa xuân mới thật sự là đĩa xuân chân chính, và cũng đúng như tưởng tượng của nàng, đĩa xuân chân chính này rất được hoan nghênh. Có không ít nhà quyền quý mua, đặt đưa tới nhà, ví dụ như vị Lý tướng công kia, cứ vài bữa người làm trong Lý gia lại tới đặt một phần.
Thậm chí còn có người đặc biệt làm thơ, cái gì mà "Bạch ngọc bàn thượng thanh ti nộn, phỉ thúy phủ trung luyến nhục hương*", đĩa bạch ngọc không có, nồi phỉ thúy cũng không có, nhưng rau non thịt thơm thì có thật.
* Nghĩa là: Trên đĩa bạch ngọc là rau xanh non, trong nồi phỉ thúy là thịt thơm ngon.
Thẩm Thiều Quang tận dụng bằng hết mặt tường bên ngoài quán, mời sĩ tử làm bài thơ này đề thơ lên đó. Thời này đề thơ lên tường là một chuyện vừa phong nhã lại thường tình, người sĩ tử đã hơi chếnh choáng say kia vui vẻ đồng ý, múa bút vẩy mực, chỉ chốc lát đã xong, không ngờ cũng là một tay chữ thảo lưu loát hào sảng.
Thẩm Thiều Quang vỗ tay, ra sức tán thưởng, quyết định không lấy tiền của vị tổng giám sáng tạo quảng cáo này.
Được cô nương xinh đẹp khen ngợi, sĩ tử cười đắc ý, rất muốn làm thêm cả trăm tám chục bài thơ nữa.
Trừ những phương pháp ăn như thế này thì kể cả tới thời hiện đại, công dụng kinh điển nhất của rau dại vẫn là làm nhân bánh. Thế là ngọc tiêm diện của Thẩm Ký có thêm mấy loại nhân bánh rau dại, lại còn có cả hoành thánh nhân rau dại vỏ mỏng nhân lớn.
Thẩm Thiều Quang thích nhất là bánh nhân rau dền, thích thứ hai là nhân thanh ngưu. Mùi vị của rau dền không quá đậm, không đắng cũng không ngái, lại có chút ngọt, trộn chung với thịt ba chỉ làm nhân sủi cảo hoặc hoành thánh là ngon nhất, chờ nấu chín rồi, chấm một ít dầu vừng trộn giấm chua và tỏi giã, một người có thể ăn nửa cái đĩa to.
Rau thanh ngưu thì có vị hơi cay, trộn với thịt dê theo tỷ lệ rau ít thịt nhiều làm sủi cảo cũng rất thơm.
Lâm Yến tới gọi bữa phụ, Thẩm Thiều Quang liền đề cử cho hắn hai món mà nàng tự nhận là ăn ngon nhất này cùng với món chính theo mùa: "Rau dền có vị ngọt tươi của mùa xuân, rau thanh ngưu thì có thể làm nổi lên mùi thơm của thịt dê, đều rất ngon."
Đối diện với đôi mắt cũng tràn ngập cảnh xuân tươi mới của Thẩm Thiều Quang, Lâm Yến dời mắt đi chỗ khác: "Vậy thì chọn cái trước đi."
Thẩm Thiều Quang cười đáp: "Được, lang quân chờ một chút." Đang xoay người đi thì đột nhiên dừng lại, nhìn Lâm Yến, ánh mắt như cười như không, bộ dạng hơi ngượng ngùng khi nói "cái trước", cố gắng tránh đi chữ "tề" thế này: "Chẳng lẽ Lâm lang quân đã xem mấy quyển vở tập viết?"
Lâm Yến chỉ thấy mặt hơi nóng lên, chuyện thế này sao có thể nói thẳng mặt như thế? Liếc mắt nhìn điệu cười giả lả của Thẩm cô nương, Lâm Yến nhếch miệng: "Cô nương lúc còn bé nét chữ xinh đẹp nho nhã, bây giờ chữ lại mạnh mẽ cứng cáp, chỉ là đừng quá không ràng giữ là được rồi."
"Có câu "Trời đất là quán trọ của vạn vật; quang âm là khách qua đường của trăm đời*", đời người chỉ vài thập niên ngắn ngủi, ràng giữ hay không, có gì phải sợ?" Thẩm Thiều Quang cười cong khóe mày, khuôn mặt bừng sáng.
* Trích "Bài tự đêm xuân uống rượu trong vườn đào lý" của Lý Bạch, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê.
Lâm Yến ngừng một hơi, nhìn dáng vẻ đắc ý của nàng, cuối cùng cong môi lên mỉm cười.