"Nếu như lúc tối làm theo ý kiến của ta, bỏ bản nẹp ra thì có lẽ sẽ không nghiêm trọng như thế này." Xem ra sau khi họ biết mình là ngự y của đương kim Hoàng Thượng đã lập tức làm theo cách mà mình đã nhắc nhở lúc trước, gỡ bản nẹp ra.
Đỗ Văn Hạo kiểm tra vết thương của người bệnh trước rồi kê một đơn thuốc, bảo dược đồng của Tiết lang trung đi bốc thuốc và sắc lên, rồi kêu Tiết lang trung mang kim châm đến để châm ngừng đau cho người bị thương.
Đỗ Văn Hạo thấy Tiết lang trung đứng ở phía xa mà nhìn với vẻ ngưỡng mộ thì thầm nghĩ lão già này vừa nãy cũng đã biết đúng sai, hù doạ cũng đủ rồi, liền gọi hắn tới: "Có muốn biết loại vết thương này nên trị thế nào không?"
Tiết lang trung là người chăm học hỏi, lại mới từ quỷ môn quan trở về, biết được Đỗ Văn Hạo là ngự y của đương kim Thánh Thượng, cơ hội này quả là khó có được. Cổ đại không giống như hiện đại là muốn học y thì có rất nhiều con đường, còn ở đây thì cơ bản đều là thầy trò tương truyền, người học y cũng rất ít đem kinh nghiệm quý báu của mình truyền ra ngoài. Khó khăn lắm mới có được cơ hội thỉnh giáo ngự y của Hoàng Thượng, việc này không thể bỏ qua được, đang do dự không biết nên thỉnh giáo thế nào thì Đỗ Văn Hạo lại chủ động hỏi, bất giác vui mừng nhìn sang, nhưng lo Đỗ Văn Hạo trêu đùa hắn, hoang mang hỏi: "Đại nhân, đại nhân có thật là sẵn lòng chỉ dạy cho thảo dân không?"
Đỗ Văn Hạo không phải là người nhỏ mọn, cười nói: "Lúc trước ta vốn muốn nói cho ngươi nghe, nhưng ngươi lại không chịu, bây giờ nói cho ngươi là được rồi."
Tiết lang trung mặt đỏ lên, rất ngượng chắp tay tạ lỗi, cúi đầu xuống nghe.
Đỗ Văn Hạo nói: "Trị vết thương phổi bị đè xuống do xương sườn gẫy gây ra có thể dùng thang Qua Uy phơi khô và Nhị Trần làm phương thuốc chủ yếu. Tuỳ theo triệu chứng mà thêm vị trị liệu như thang Nhị Trần để hành khí hoá đờm. Sau khi tổn thương ở phổi thì tất cả đờm ướt mà vật bài tiết dẫn đễn có thể được Qua Uy dẫn ra khỏi phổi, giúp nhuận phổi hoá đờm, dừng xuất huyết phổi. Lấy Thanh Trần Bì dùng kết hợp có tác dụng gia tăng tác dụng giảm đau, Qua Uy khô tăng giảm kết hợp dùng sẽ làm lưu thông khí đình trệ trong phổi, khí lưu thông làm nước lưu thông, tăng cường làm sạch đờm ướt, có lợi cho sự bài tiết trong phổi, bảo vệ phổi.
Đỗ Văn Hạo nói khá nhanh, Tiết lang trung lại đang kinh sợ cho nên chỉ nghe được như hiểu mà không hiểu, nét mặt vẫn sợ hãi nhìn Đỗ Văn Hạo.
Đỗ Văn Hạo cười nói: "Nói đơn giản một câu thì đầu tiên sẽ phải chữa tổn thương ở phổi, khống chế nơi phát ra thể khí. Mặt khác làm lợi khí hoá đờm, khí lưu thông để máu lưu thông, lợi khí hoạt huyết, cải thiện tuần hoàn máu, có lợi để hô hấp. Mục đích chủ yếu mà ta châm cứu chính là làm cho người bị thương bớt cơn đau cực độ."
Tiết lang trung tĩnh tâm nghe cuối cùng cũng hiểu được một chút, đánh bạo hỏi, Đỗ Văn Hạo lại nói hết những gì đã biết một cách tỉ mỉ. Tiết lang trung rất cảm kích và liên tục chắp tay cảm ơn.
Lúc này huyện thái lão gia bước đến, cười bồi chắp tay nói: "Đỗ đại nhân, thôn nhỏ này không an toàn lắm, ti chức nghĩ nên thỉnh Trường Công Chúa di giá về huyện thành, ti chức đã sắp xếp xong, xe ngựa cũng đã chuẩn bị tốt, tuyệt đối không có nguy hiểm.
Đỗ Văn Hạo có chút chần chừ, người bệnh bị ngã gẫy xương, nhất thời không thể trị khỏi, nếu như bây giờ đi chỉ sợ cái mạng nhỏ bé của hắn khó giữ. Quay trở lại phòng nói với Trường Công Chúa. Trường Công Chúa nghe xong đương nhiên là nói sẽ đợi hắn mấy ngày, nàng cũng đang muốn lên núi săn bắn cho vui, khó khăn lắm mới có một chuyến ra ngoài nên không muốn về sớm như vậy, cũng không muốn về trong huyện thành vì ở đó chẳng có gì vui cả.
Đỗ Văn Hạo đem tin này nói cho huyện thái lão gia, thái lão gia cũng không có cách nào, chỉ có thể làm theo Trường Công Chúa, hắn điều động tất cả dân tráng, bổ khoái đến hết thôn nhỏ này, còn liên hệ với đội quân ở đây phải một đoàn người ngựa đến, thay đổi giả trang, ẩn nấp các nhà xung quanh nhà Tiết lang trung để bảo vệ Trường Công Chúa.
Chứng phong hàn và đau đầu của Trường Công Chúa dưới sự điều trị tận tình của Đỗ Văn Hạo mà rất nhanh đã khỏi rồi.
Mấy ngày này đem theo Đỗ Văn Hạo và tuỳ tùng lên núi săn bắn, Đỗ Văn Hạo lại luôn không ra tay, chỉ đi theo Trường Công Chúa, Trường Công Chúa vốn cũng không định săn bắn mà là muốn đi du ngoạn, hơn nữa nàng đã nhận ra hắn chỉ nói khoác là "thần tiễn", cho nên cũng không miễn cưỡng hắn ra tay, mấy ngày đi săn cũng chỉ bắt được mấy loại nhỏ như con thỏ, chẳng bắt được mãnh thú gì.
Người nông phu bị ngã gãy xương suýt chết đó với sự chữa trị của Đỗ Văn Hạo mà đã chuyển nguy thành an. Điều này quả thực làm cho Tiết lang trung càng ca tụng hắn không thôi. Cũng vì mình học được một chiêu chữa bệnh mới mà cảm thấy rất vui mừng.
Mấy ngày nay đi theo sau hầu Đỗ Văn Hạo, có lúc rảnh rỗi lại học hỏi y thuật, Đỗ Văn Hạo cũng không giấu diếm mà chỉ dạy cho hắn không ít phương thuốc, những gì mà Tiết lang trung thu hoạch được quả không nhỏ, từ nay về sau trở thành một thần y có chút danh tiếng ở vùng núi nhỏ này cũng coi như là kì ngộ.
Đỗ Văn Hạo đang chuẩn bị đưa Công Chúa đi săn du ngoạn thì Thái Hoàng Thái Hậu phái Tiêu công công đến tuyên chỉ, kêu Đỗ Văn Hạo lập tức về kinh, có chuyện khẩn cấp.
Đỗ Văn Hạo sau khi tiếp chỉ, hỏi riêng Tiêu công công, nhưng Tiêu công công cũng không biết Thái Hoàng Thái Hậu triệu Đỗ Văn Hạo về cung là vì lẽ gì, điều này làm cho Đỗ Văn Hạo bất giác có chút lo lắng.
Đỗ Văn Hạo muốn trở về thì đương nhiên Trường Công Chúa ở lại cũng chẳng có ý nghĩa gì, liền mang theo vật săn được trở về.
Lần này đi một mạch cả trong đêm tối, nhanh chóng đã về tới kinh thành.
Đỗ Văn Hạo đi cả ngày đêm để vào tẩm cung gặp Thái Hoàng Thái Hậu, nhưng Thái Hoàng Thái Hậu lại nói tạm thời không còn việc gì, chỉ là hai ngày vừa rồi Hoàng Thượng đang cùng lão thần triều đình thương nghị vấn đề tân pháp, tranh chấp rất gay go. Thái Hoàng Thái Hậu sợ Hoàng Thượng lại sinh bệnh cho nên mới triệu gấp Đỗ Văn Hạo trở về, để hắn kịp thời hầu hạ.
Buổi chiều tối hôm nay họ vội vàng trở về, Hoàng Thượng vẫn đang bàn bạc chuyện biến pháp trong chính điện, Đỗ Văn Hạo thậm chí còn không kịp trở về nhà thông báo, trực tiếp đem theo mấy nội thị đến chính điện, ở sau hậu cung chờ đợi lệnh.
Trường Công Chúa sau khi trở về chỗ Hoàng Thái Hậu khoe khoang chuyến đi săn của mình, cũng không kể về bị ngã xuống nước, trước khi về còn dặn tất cả tuỳ tùng không được phép nói chuyện trên đường gặp phải bão tuyết, đó là vì nàng lo Hoàng Thái Hậu hoặc Hoàng Thượng lo lắng, sau này sẽ không để họ ra ngoài nữa.
Ăn xong bữa tối, Trường Công Chúa cầm mấy con thỏ mình săn được mang đến tặng cho tẩm cung Hoàng Hậu.
Hoàng Hậu rất vui, dặn bọn thái giám cầm đến ngự thiện phòng nấu cho ngon, lại mang một vò hoàng tửu đến, hai người cùng nhâm nhi.
Đang uống rất vui vẻ, Hoàng Hậu đột nhiên buông đũa xuống không ăn nữa, thở dài. Trường Công Chúa có chút tò mò, hỏi: "Hoàng tẩu, tỷ làm sao vậy?"
"Ôi! Mấy ngày nay muội không ở trong cung nên có một số chuyện không biết, nhưng không biết càng đỡ phiền lòng."
"Rốt cuộc là có chuyện gì phiền lòng?" Trường Công Chúa hỏi. "Hoàng tẩu nói ra xem ta có giúp được gì không?"
Hoàng Hậu nhìn nàng, xua đám cung nữ thái giám lui ra, thấp giọng nói: "Còn không phải là chuyện con hồ li tinh đó sao. Hôm đó đưa Hoàng Thượng đi chùa Đại Tướng Quốc, Hoàng Thượng cứ cố ý nhắc đến con hồ li tinh đó, nói ả đáng thương, có ý muốn tha tội cho ả, nhưng Thái Hoàng Thái Hậu, Hoàng Thái Hậu và ta đều không đáp lời, nên Hoàng Thượng mới không nói nữa."
"Con hồ li tinh nào?" Trường Công Chúa không hiểu hỏi.
"Trần Mỹ Nhân đó!"
Trường Công Chúa hơi nhăn mày, rất không vui nói: "Ả không phải đã bị đưa vào lãnh cung rồi sao?"
Hoàng Hậu gật gật đầu, bóc một quả nhãn đút vào mồm Trường Công Chúa, rồi nói: "Nhưng Thái Hoàng Thái Hậu, Hoàng Thái Hậu và ta đều thấy được trong lòng Hoàng Thượng vẫn không thể buông được ả, lại còn nói ả bị bệnh rồi, không biết đã khỏi chưa, còn nói ả sợ bóng tối, không biết buổi tối có thể ngủ ngon không, thật là... Ả đã bị ta làm cho rách mặt, có nhìn cũng chỉ là con bát quái xấu xí, không biết sao Hoàng Thượng vẫn còn thương nhớ ả."
"Thái Hoàng Thái Hậu và mẫu thân ta nghĩ thế nào?"
"Thái Hoàng Thái Hậu cũng không ngờ Hoàng Thượng lại để ý nhiều đến con hồ li tinh đó đến thế, cho nên có chút hối hận lúc đầu không trực tiếp xử trảm ả, bây giờ muốn xử trảm cũng không có cớ nữa. Ôi! Hoàng tẩu của muội không có bản lĩnh, hồ li tinh đó đã áp chế hoàng tẩu muội mười mấy năm, lại còn không ngừng quay trở lại. Không thể hầu hạ Hoàng Thượng là thứ yếu, mười mấy năm đau khổ mới là điều ta không thể chịu đựng được. Mỗi lần nghĩ đến chuyện này ta hận đến mức phải nghiến răng. Muội nghĩ xem, con hồ li tinh đó đã giết chết bao nhiêu phi tần hậu cung, nếu như không đền mạng thì sao có thể xứng đáng với những linh hồn oan uổng đã chết kia! Ôi! Đều là trách hoàng tẩu của muội không có bản lĩnh!"
Nói rồi, Hoàng Hậu buồn bã thương tâm, hai mắt đỏ lên.
Chuyện này Trường Công Chúa ít nhiều cũng đã được nghe, sau khi uống mấy chén rượu thì nhẹ giọng khuyên vài câu: "Hoàng tẩu, đừng lo lắng, chuyện này cứ giao cho ta."
Hoàng Thượng mắt sáng lên, nói: "Muội định làm gì?"
"Việc đó còn có thể làm sao nữa, cứ như vậy thôi." Trường Công Chúa đặt tay lên cổ làm ra động tác cắt ngang.
Hoàng Hậu vui mừng mà lo lắng nói: "Vạn nhất để hoàng huynh muội biết thì phải làm sao?"
Trường Công Chúa tự tin vỗ vỗ ngực mình, nói: "Tẩu tẩu yên tâm, đảm bảo không có ai biết, hơn nữa con hồ li tinh đó vốn là tội chết, chỉ vì Thái Hoàng Thái Hậu lúc đó hơi nương tay mà thôi, bây giờ nếu đã hối hận lúc đầu tha cho ả thì giờ tiễn ả lên đường là đúng rồi. Ta là thân muội của hoàng huynh lẽ nào vì một người đàn bà mà tìm ta báo thù sao?"
"Ha ha ha đúng là như vậy. Con hồ li tinh đó đáng tội lắm! Nhưng muội cũng phải cẩn thận đó."
"Muội đã làm thì tẩu cứ yên tâm."
…………………………………
Tại lãnh cung.
Nơi này tuy nói là trong hoàng cung như lại là nơi chẳng ai muốn vào, bụi cỏ khô, cây cối già nua, bốn bề không chút sinh khí nào, khắp nơi đều là cô đơn tĩnh mịch tang thương, có chút đáng sợ.
"Nương nương, nô tài không có bản lĩnh, vẫn không thể mời được thái y đến xem bệnh, người hãy trách tội nô tài đi." Trần bà quỳ gối xuống trước một chiếc giường cũ khóc lóc nói.
"Khụ khụ khụ, bà bà, ngươi đừng đi tìm nữa, chúng ta như thế này rồi ai còn đến nữa?" Một giọng nói yếu ớt vọng lên trong căn phòng tĩnh lặng. Đó chính là Trần Mỹ Nhân bị đưa vào lãnh cung.
Trần bà nhìn thấy Trần Mỹ Nhân ho như vậy vội vàng đứng dậy đỡ nàng, vỗ vỗ vào lưng.
Dung nhan tiều tuỵ, ánh mắt mất hồn, tóc búi tạm đằng sau còn có mấy lọn tóc rơi xoã xuống, chỉ mới có mấy ngày mà một người được sủng ái như hạt trân châu đã từ một đoá hoa xinh đẹp rạng ngời biến thành một cái cành khô lá héo, thật khó nhận ra.
"Ông trời một ngày nào đó muốn thu ta trở về, bà bà không phải chịu khổ nữa." Trần Mỹ Nhân hờ hững nói, giọng nói tràn đầy sự tuyệt vọng.
"Nương nương, cầu xin người đừng nói như vậy nữa, bệnh của người thuốc của Đỗ đại nhân tuy cứu được tính mạng, nhưng lại không trị được tận gốc. Người bây giờ như vậy, vết thương không đỡ chút nào, nếu cứ như thế này thì chỉ sợ...nếu như nương nương có điều gì bất chắc thì lão nô cũng không sống nữa, sẽ đi theo nương nương."
"Bà bà, tục ngữ nói rất hay "người đang làm, trời đang xem", nhất định là việc xấu đã làm trước đây quá nhiều mà bây giờ ông trời trừng phạt ta." Một giọt lệ rơi xuống cánh tay khô ráp của Trần bà.
"Nương nương, người nghỉ ngơi một chút đi, lão nô mang cháo đến cho người, người đã một ngày không ăn gì rồi."
Trần Mỹ Nhân mệt mỏi lắc đầu, nắm tay Trần bà nói: "Ngươi đừng bận rộn làm gì, ta không muốn ăn."
Trần bà vẫn đỡ Trần Mỹ Nhân nằm xuống, lau lau nước mắt, nói: "Nô tài sẽ nghĩ cách tìm người đến giúp, nô tài không thể để người đau ốm trong căn phòng rách mà không ai để tâm tới, cứ như vậy đợi chết được. Nô tài sẽ nghĩ cách đi tìm Hoàng Thượng!"
Trần Mỹ Nhân kéo tai Trần bà, cười ảm đạm nói: "Hoàng Thượng đã không còn nhớ ta là ai nữa rồi, đã quên kẻ đã vì người mà bỏ ra biết bao nhiêu thứ. Tìm người có ích gì!" Nói rồi cầm chiếc gối che lên mặt khóc đau đớn.
Trần bà nhìn thấy cũng không kìm nổi mà quay lưng đi che tay lên miệng khóc.
Trần Mỹ Nhân dù sao thì cũng không muốn chết như vậy, dừng lại, bi thương nói: "Phương thuốc mà ngươi để Đỗ đại nhân kê cho ta vẫn có tác dụng, giúp ta trị khỏi ngoại thương, cơn sốt cũng bị đẩy lui, tạm thời giữ lại được nửa cái mạng này, ta nghĩ hay là ngươi hãy đi tìm hắn, xem có thể kê cho ta thêm một đơn thuốc nữa không, giúp ta trị khỏi cơn đau, ho xuyễn kéo dài này."
Trần bà nức nở nói: "Vâng! Nô tì sẽ đi cầu xin ngài ấy, ngài ấy là người tốt, sẽ không thấy chết mà không cứu đâu."
Đỗ Văn Hạo khi từ cung trở về đã là đêm khuya, về đến nhà cảm thấy hoa mắt chóng mặt, nghĩ là bị cảm lạnh rồi.
Người ta bảo là "y không tự trị được bệnh của mình" là đúng. Bàng Vũ Cầm vốn muốn đi gọi Tiền Bất Thu đến nhưng Đỗ Văn Hạo không muốn vì một chút bệnh này mà đi tìm hắn, liền bảo Diêm Diệu Thủ đến xem bệnh.
Diêm Diệu Thủ chẩn mạch xem lưỡi, xác định là bị ngoại cảm hàn phong nên đã kê một đơn thuốc. Đỗ Văn Hạo cũng không xem, giao cho Bàng Vũ Cầm đi bốc thuốc sắc.
Bàng Vũ Cầm đích thân sắc thuốc, đút cho hắn uống, thấy hắn uống xong và ngủ rồi mới đi nghỉ.
Buổi sớm ngày thứ hai, có người tới báo bên ngoài cửa có một lão bà bà đang quỳ dưới đất, xin gặp Đỗ Văn Hạo. Đỗ Văn Hạo bị bệnh nên Bàng Vũ Cầm đã sắp xếp cho Liên Nhi chăm sóc hắn, nhưng không cho ở cùng phòng, chỉ có thể canh nom. Lúc này hai người vẫn chưa ngủ dậy, Bàng Vũ Cầm vội vàng ra ngoài cửa xem.
Chỉ nhìn thấy một lão thái bà đang quỳ phục trước cửa trên mặt đất đầy tuyết, mặc một chiếc áo đơn giản vẻ mặt khiêm nhường, nhìn thấy Bàng Vũ Cầm đi ra vội vàng dập đầu nói: "Người, người là Đỗ phu nhân?"
Bàng Vũ Cầm gật đầu: "Bà tìm tướng công nhà ta à?"
"Đúng vậy." Lão thái bà nói đến đây thì nước mắt tuôn rơi.
"Bà hãy mau đứng lên, mới vào phòng ngồi. Tướng công ta vẫn chưa dậy."
Bàng Vũ Cầm đưa lão thái bà vào trong, bảo người mang trà nóng lên cho lão thái bà. Hoà nhã nói: "Thật là không may, tướng công của ta đang bị bệnh, không biết bà tìm tướng công ta có chuyện gì?"
Lão thái bà nghe thấy Đỗ Văn Hạo bị bệnh thì lập tức lo lắng, buông chén trà xuống và quỳ gối dưới đất. Bàng Vũ Cầm vội đỡ dậy, lão thái bà nói: "Phu nhân, lão thân cầu xin Đỗ đại nhân cứu nương nương nhà ta. Lúc trước Đỗ đại nhân đã cứu chữa cho nương nương nhà ta nhưng bây giờ lại bệnh rồi, bệnh rất nghiêm trọng, sắp không qua khỏi rồi, nếu như Đỗ đại nhân không ra tay cứu giúp sợ là sẽ..."
"Nương nương nhà ta là Trần Mỹ Nhân."
Bàng Vũ Cầm đang định nói thì bên ngoài cửa có người gọi, nàng quay đầu nhìn thì hoá ra là Lâm Thanh Đại, liền đi ra cửa.
"Thanh Đại tỷ, có chuyện gì vậy?"
Lâm Thanh Đại vốn là muốn đến tám chuyện với Bàng Vũ Cầm, không ngờ lại nghe được họ đang nói chuyện, cho nên gọi nàng ra ngoài, kéo sang một bên: "Chuyện này không thể đồng ý được, Trần Mỹ Nhân đó trước đây đã làm nhiều chuyện ác, bây giờ người trong cung sợ tránh còn không kịp, đương nhiên sẽ không có ai ra tay giúp đỡ. Người đàn bà này chắc đã tìm nhiều người nhưng bất lực mới tìm đến Văn Hạo, chúng ta tuyệt đối không thể tự đâm đầu vào lửa được. Đợi lát nữa đừng nói cho Văn Hạo chuyện này."
Bàng Vũ Cầm cảm thấy lời Lâm Thanh Đại nói cũng đúng: "Vậy ta sẽ đuổi bà ấy đi nhanh, nếu như để người khác nhìn thấy thì không hay."
Nói xong, Bàng Vũ Cầm trở về phòng. Thấy lão thái bà đang quỳ vội vàng bước tới đỡ dậy, nhẹ nhàng nói: "Vừa nãy chị ta đến nói trong nhà có chút chuyện gấp cần phải đi giải quyết, ta không để ở cùng bà được, bà cứ về trước đi, đợi tướng công ta dậy, ta sẽ nói chàng chuyện của nương nương."
Lão thái bà thấy Bàng Vũ Cầm đã có ý tiễn khách nên không tiện ở lại, đành phải đứng dậy, một lần nữa khom lưng cầu khẩn Bàng Vũ Cầm: "Nương nương nhà ta biết Đỗ đại nhân có tấm lòng nhân hậu, thỉnh Đỗ đại nhân cứu nương nương ta, ta van xin người."
Bàng Vũ Cầm nói: "Bà cứ yên tâm, ta nhất định chuyển lời của bà."
Lão thái bà vừa khóc vừa đi ra khỏi phòng, cứ ba bước lại quay đầu một lần nhìn.
Diêm Diệu Thủ đúng là đồ đệ của Tiền Bất Thu, đối với những loại cảm mạo này vẫn rất có phương pháp, sau khi uống thuốc và ngủ một giấc, mồ hôi ra đầy thì sáng ngày thứ hai Đỗ Văn Hạo đã cảm thấy người nhẹ nhõm hẳn. Thức giấc, rửa mặt xúc miệng, ngồi kiệu đến hoàng cung.
Hoàng Thượng đêm qua nghị chính, ngủ rất muộn, bây giờ vẫn chưa dậy, Đỗ Văn Hạo tiện thời gian rảnh nên đến tẩm cung của Hoàng Thái Hậu. Hôm qua đi về kinh thành muộn rồi đến thẳng chính điện thị y, nên chưa kịp đến thăm bệnh cho Hoàng Thái Hậu.
Hoàng Thái Hậu thực ra chưa qua 40 tuổi, hơn nữa được sống an nhàn sung sướng nên nhìn có vẻ mới chỉ hơn 30 một chút, đúng là một người đàn bà có vận tốt. Nhưng trong hoàng cung, nàng lại không được coi là người đàn bà hạnh phúc vì không có một người đàn ông sủng ái yêu thương, ngày ngày chỉ có hình với bóng của chính mình, ngày mà dài như năm.
Trước đây nàng rất thích nhất là trước và sau căn phòng là màu đỏ, cũng trồng rất nhiều các loại hoa như mai vàng, hồng đỗ quyên...nhưng từ sau khi tiên đế băng hà, nàng không còn mặc y phục màu đỏ mà mình thích nữa, tất cả đều đổi thành màu tím cho dù là tết cũng mặc màu ảm đạm, nhưng nàng sống khá hoà thuận, tính cách lương thiện, rất được Thái Hoàng Thái Hậu yêu mến.
Lúc này, Hoàng Thái Hậu đang mặc một bộ y phục làm bằng da cáo màu vàng nhạt, tuy mặc y phục dày như vậy nhưng vẫn không che lấp được sự thành thục đầy đặn.
Đỗ Văn Hạo giúp nàng chữa bệnh đau bụng kinh, giờ đã không cần buông rèm chẩn bệnh nữa. Vừa nghe hắn đến liền hạ chỉ để hắn trực tiếp vào gặp. Nhìn thấy Đỗ Văn Hạo bước vào, Hoàng Thái Hậu mỉm cười nói: "Đỗ đại nhân hôm nay sao lại rảnh rỗi đến đây vậy?"
Đỗ Văn Hạo bước lên trước khom lưng làm lễ, nói :"chúc mừng Hoàng Thái Hậu!"
"Ai gia có chuyện gì đáng chúc mừng nhỉ?"
"Vi thần đã biết được nguyên do chứng đau bụng kinh của Hoàng Thái Hậu, lần này nhất định có thể trị tận gốc bệnh của Hoàng Thái Hậu."
Hoàng Thái Hậu vui mừng nói: "Lời này có thật không?"
"Thần không dám nói đùa."
"Tốt lắm, vậy tại sao ai gia lại bị đau bụng kinh? Nguyên do ở đâu?"
Đỗ Văn Hạo lại chắp tay làm lễ: "Hoàng Thái Hậu, vi thần có một câu hỏi, không biết có thể nói không?"
"Ngươi cũng nói văn với ta cơ à?" Hoàng Thái Hậu liếc nhìn hắn một cái. "Có gì cứ nói đi!"
Đỗ Văn Hạo chần chừ một lúc, cần thận hỏi: "Hoàng Thái Hậu nương nương, bình thường dùng nước lạnh để tắm đúng không?"
Hoàng Thái Hậu hơi ngẩn ra, đây là bí mật mà mười mấy năm nay nàng không truyền ra, ngoài người thân cận thì hầu như không có ai biết bí mật này, tại sao Đỗ Văn Hạo lại biết. Nàng liền gật đầu: "Đã rất nhiều năm từ sau khi tiên đế ra đi, cái thói quen này vẫn được giữ. Đỗ đại nhân, mời ngồi."
Cung nữ bê đến một cái ghế cho Đỗ Văn Hạo.
Đỗ Văn Hạo ghé mông ngồi xuống: "Vậy mùa hè tắm cũng được, nhưng thời tiết như thế này mà người không sợ lạnh sao?"
Hoàng Thái Hậu buông tay xuống, đưa cho Đỗ Văn Hạo một miếng bánh đậu xanh, Đỗ Văn Hạo vội vàng đứng dậy nhận lấy. Hoàng Thái Hậu lại nói: "Không cảm thấy lạnh, nhưng không tắm thì lại cảm thấy thiếu một cái gì đấy."
Đỗ Văn Hạo do dự một lúc, lại nói: "Nghe nói khi tiên đế còn, tình cảm của Hoàng Thái Hậu và tiên đế rất tốt, từ sau khi tiên đế băng hà, Hoàng Thái Hậu mới có thói quen này, phải không?"
"Đúng vậy." Hoàng Thái Hậu ngẩng mặt lên thở dài.
Khi mà nữ nhân này đắc ý nhất lại là lúc mất đi chỗ dựa, không chỉ về mặt tinh thần mà cả chuyện tình ái cũng mất đi sự an ủi, nếu nghĩ như vậy thì hoàng cung thần thoại trong mắt dân chúng, cẩm y ngọc, đồ ăn ngon nào có thể thay thế được một trái tim khát vọng ái dục?
Đối với một nữ nhân, duy chỉ có một chậu nước lạnh thật lớn mới có thể dập tắt được ngọn lửa nhục dục đang thiêu đốt trong lòng mà thôi.
Đỗ Văn Hạo cẩn trọng nói: "Hoàng Thái Hậu, người chưa từng nghĩ rằng bệnh đau kinh này có liên quan đến thói quen tắm nước lạnh của người sao?"
Hoàng Thái Hậu hơi ngẩn ra: "Chứng đau hành kinh của ai gia mà lại có liên quan đến thói quen này à?"
Đỗ Văn Hạo gật đầu nói: "Trước đây vi thần đã chẩn bệnh cho nương nương, thấy khi nương nương mắc kinh, tất sẽ đau bụng dưới trước, miệng phun nước bọt, chứng này vốn không khó trị, nhưng mười mấy năm trị không khỏi, vi thần vô cùng khó hiểu. Mấy hôm trước nghe Trường Công Chúa nói, Hoàng Thái Hậu từ sau khi tiên đế băng hà đã chỉ định người hầu chuẩn bị nước lạnh để tắm. Lúc đó mới chợt hiểu ra. Hoàng Thái Hậu đau lòng vì tiên đế mất, lại dùng nước lạnh để tắm, làm tăng bi thương, dẫn đến đau bụng kinh. Cho nên cái thái y trước đã dùng nhiều loại thuốc không sai nhưng lại trị không khỏi, đó đều là do Hoàng Thái Hậu luôn tắm nước lạnh."
Hoàng Thái Hậu nghe xong thì kinh ngạc một hồi lâu, thở dài nói: "Hoá ra là như vậy, nhưng ai gia đã quen tắm nước lạnh rồi, nếu không như vậy thì ăn ngủ không yên."
Đỗ Văn Hạo biết lập tức thay đổi thói quen bao nhiêu năm này là rất khó, tuổi xuân cô đơn, ngày tháng liên miên, chuyện này không ai có thể giúp, liền nói: "Tắm nước lạnh không phải là không được, rất nhiều người nhiều năm tắm nước lạnh những bách bệnh lại không sinh, có điều bệnh trước của Hoàng Thái Hậu chưa khỏi, nên trị khỏi trước rồi mới có thể dần dần tăng độ nước lên. Đợi vi thần kê đơn làm ôn kinh tán hàn, điều khí an thần cho Hoàng Thái Hậu rồi giảm nhiệt độ nước tắm, trong kì kinh nguyệt khoảng 7 ngày phải thay nước ấm tắm, cứ như vậy mới có thể trị tận gốc được."