Tại bản doanh kinh sư ở Thượng Kinh, tướng quân đứng khoanh tay, khẩn cầu với giọng khẩn
thiết: “Giao tình sinh tử đã nhiều năm, nay gặp phải cửa ải khó qua,
mong các anh em giúp tôi một tay”.
“Dạ!”. Mọi người hưởng ứng
nhất loạt. Sau đó tất cả chia nhau ngồi thành hai hàng, mỗi người trên
tay đều cầm cây bút lông sói, trước mặt trải một tờ giấy trắng. Bên trên mỗi tờ ghi các tiêu đề như “Đạo cư xử giữa mẹ chồng và nàng dâu”, “Chủ
đề của phụ nữ”, “Kế sách để hiếu thuận với mẹ chồng”…, mặt mũi ai nấy
đều nhăn nhăn nhó nhó.
Ở Đại Tần, nhà binh thường thông gia với
nhà binh. Mẹ của Diệp Chiêu được coi là hổ nữ tướng môn dũng mãnh trong
gia đình, bà ngoại của cô cũng là hổ nữ tướng môn, còn thái tổ mẫu đã
mất lại là hiệp nữ giang hồ, họ đều là những người phụ nữ phóng khoáng.
Trước đây quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng khá tốt, nhưng cũng không tránh khỏi những lúc xảy ra cảnh song hổ tranh bá, tam hổ xưng hùng, khi bộc
phát thì đến cả Diệp lão thái gia cũng phải tránh ra chỗ khác. Chị dâu
Hoàng Thị tuy nhìn thì có vẻ mềm yếu, nhưng múa liễu diệp đao pháp cũng
rất đẹp mắt, những người đàn ông bình thường cũng khó mà lại gần được.
An Thái Phi lại là người phụ nữ kinh kỳ truyền thống, rất trọng quy tắc,
tính tình mềm yếu, cũng chỉ thích kiểu quan hệ mẹ chồng nàng dâu thông
thường. Cho nên Diệp Chiêu thấy vô cùng khó khăn trong việc lấy lòng mẹ
chồng, cho dù có sức lực nhưng cũng không biết bắt đầu từ đâu.
Nhưng Diệp Chiêu là người nhất ngôn cửu đỉnh, nên việc đã nhận lời, nhất định phải làm đến cùng.
Diệp Chiêu không muốn tìm Hoàng Thị để bàn bạc việc này vì sợ sẽ làm cho
người nhà mình càng lo lắng. Vì vậy Diệp Chiêu quyết định triệu tập tất
cả anh em đồng liêu trên sa mạc năm đó, mở một cuộc họp tác chiến, phân
chia nhiệm vụ cho từng người rồi ra lệnh cho họ về nhà hỏi vợ và mẹ của
mình, học hỏi kinh nghiệm, sau đó phải quay lại báo cáo tình hình cụ
thể.
Riêng Mã Mộ Liêu không đồng ý, nói nhỏ một câu: “Đây không phải là việc của đàn ông làm, tôi làm sao có thể…”.
Diệp Chiêu lập tức giận dữ trợn mắt, quát lớn: “Ngày nay thiên tử lấy hiếu
đạo trị quốc! Ngươi đến hiếu thảo với mẹ mình cũng không biết! Đúng là
hỗn láo! Ngươi có biết tề gia trị quốc bình thiên hạ là gì không?! Bây
giờ đến gia đình ngươi cũng không để ý, nói gì đến tòng quân nhập ngũ,
bình định thiên hạ?! Bản Tướng quân trọng nhất là hiếu đạo! Cắt của
ngươi ba tháng tiền lương, quay về mà suy nghĩ về cái sai của mình đi!
Khi nào hiểu ra phải hiếu thuận với mẹ già thế nào thì hãy đến gặp ta!”.
Bọn Mộ Liêu sợ quá không dám coi thường đành ngoan ngoãn cầm bút, vắt óc suy nghĩ kế sách.
Diệp Chiêu dựa vào ghế Thái sư giám sát mọi người làm việc một lúc, sau đó uống một ngụm trà, hỏi Thu Thủy: “Hồ Ly đâu?”.
Thu Hoa vội vàng bước lên trả lời: “Quân sư dặn lại rằng ngài một là không
có mẹ, hai là không có vợ, thực sự không giúp được gì, nhưng nhìn bộ
dạng buồn rầu của tướng quân, lòng ngài không vui. Thôi thì đành đi ra
chùa Đại Phạn gần đây, tìm hòa thượng thắp ít hương, chúc cho tướng quân mã đáo thành công, vạn sự như ý”.
“Cút mẹ hắn đi! Còn thắp hương làm gì?!”. Diệp Chiêu suýt nữa bị sặc nước trà, cô đập bàn quát lớn:
“Tên khốn kiếp lần trước còn nói hắn là truyền nhân đạo giáo!”.
Thu Thủy vội vàng chạy lại đỡ lấy tướng quân.
Đầu bên kia, trong An Vương phủ, An Thái Phi cũng đang chuẩn bị tâm lý. Tất cả những người làm mẹ đều mong muốn có một người con dâu hợp ý mình,
nói gì đây lại là con dâu của đứa con trai mà bà yêu thương nhất, càng
phải rèn luyện kỹ càng, cho dù gia cảnh có kém một chút, dung mạo bình
thường, cũng phải là con gái danh giá dịu dàng hiền thục, phải biết lo
cho gia đình, chiều chuộng tướng công.
Thánh chỉ ban hôn đến, bà
thấy như sấm nổ bên tai. Trong thâm tâm bà biết ngay rằng đứa con trai
yêu quý của bà đời này sẽ không có ngày nào được yên nữa, nghĩ đến đó
nước mắt bà cứ chảy hết đợt này đến đợt khác. Trước khi tổ chức lễ cưới, Thái hậu đã triệu bà vào cung, dặn dò kỹ lưỡng rằng đứa con dâu này ở
tình huống đặc biệt, sau này sẽ giúp Thánh thượng làm việc, sẽ có lúc
dùng đến, bảo bà không được bắt ép quá nghiêm khắc với quá nhiều quy tắc lễ nghĩa, không được ỷ thế mẹ chồng, làm nguội lạnh lòng trung của công thần, cho dù có lúc không thích, sau này cứ làm như không thấy là được.
Ra ngoài chị em đều dùng ánh mắt thương hại nhìn bà rồi khuyên nhủ: “Con
dâu nhà bà chỉ là hơi kênh kiệu một chút, tính khí hơi cứng nhắc, va
chạm lâu lâu cũng sẽ quen thôi, dù sao thì vẫn còn có con dâu cả hiếu
thuận với bà”. Có người không biết ăn nói còn bảo: “Dù sao con trai bà
cũng không có hứng thú với con đường làm quan, may mà có thể dựa vào con dâu, cũng coi như là việc hay”.
Mỗi lần nghe thấy câu này, bà chỉ hận nỗi là không thể “phì” một tiếng vào mặt người đó.
Nếu con dâu không thể quản lý việc nhà, hiếu thảo với mẹ chồng, đối tốt với tướng công thì lấy về để làm gì?
Phu quân của An Thái Phi là An Vương do quá bận với chính sự quốc gia nên
đã mệt mỏi qua đời, khiến bà còn trẻ tuổi mà đã lâm vào cảnh góa bụa.
Hàng năm bà đều tham gia cứu tế nạn dân, quyên góp tiền hương khói cho
nhà chùa, thực ra An Thái Phi cũng không phải là hạng phu nhân độc ác
gì. Con trai bà hồi nhỏ nhiều bệnh tật, suýt nữa chết yểu, vài năm gần
đây mới dần dần khỏe lại. Cho nên bà có phần yêu chiều, hiện tại tuy
hành sự có phần phóng đãng, danh tiếng cũng có phần khó nghe, nhưng ít
khi gây rắc rối gì cho gia đình!
Nhưng bọn họ lại rỉ tai nhau cái gì mà: “Con trai nhà Thận thân vương, con thứ nhà Tướng quân uy vũ, có
ai không phải là tuổi trẻ tài cao, phẩm mạo đoan chính? Quyền thế tướng
quân che trời, lấy cái đồ bỏ đi nhà An Vương đúng là lãng phí”.
Phải rồi, con trai bà không có tài cán gì, nhưng bà là mẹ, trong lòng chỉ
biết yêu thương con. Gia đình bà cũng không phải là loại mặt dày mày dạn dựa vào đàn bà để có cơm ăn mà không biết xấu hổ nên làm sao có thể
nhẫn tâm để con trai bị phụ nữ đè nén cả đời không ngẩng đầu dậy được?
Lấy được một con chim cút nghe lời hiểu biết chẳng phải là tốt hay sao? Ai dám mơ với đến phượng hoàng chứ?
An Thái Phi rất không cam tâm, nhưng bà không dám phản đối, lời của Thái
hậu bà đành phải nghe theo răm rắp. Cho nên từ khi Hạ Ngọc Cẩn thành
thân đến nay, bà ôm đầy một bụng tức, thường xuyên lấy nước mắt rửa mặt, nhưng vẫn không dám làm gì. Chỉ dám lén lút than thở với con dâu lớn,
mong cái ông Diêm Vương sống này mau mau chán con trai mình, cút ra khỏi nhà, đi tìm người đàn ông khác có tài cán hơn.
Bây giờ Hạ Ngọc
Cẩn cổ vũ mẹ: “Cô ta mang binh khí trống giong cờ mở vào nhà ta cốt để
cho con thấy uy mà sợ. Lúc động phòng con tức giận muốn bỏ đi, cô ta
không ngăn cản cũng không khuyên nhủ! Lại còn ngầm giấu binh khí trong y phục, không hiểu là có dụng ý gì nữa. Con đi khỏi nhà vài ngày không
về, cô ta chẳng quan tâm cũng chẳng hỏi han… Người đàn bà này đã không
coi con ra gì, hà tất lấy con làm gì cơ chứ? Nếu đã chọn con, tại sao
hành sự lúc nào cũng dùng vũ lực, lúc nào cũng làm con mất mặt? Bất luận thế nào con cũng phải cho cô ta biết tay mới được! Không bắt cô ta phục không được! Mẫu thân, dù thế nào mẹ cũng là bề trên của cô ta, phải ra
oai để bắt cô ta làm tròn phận của con dâu”.
“Không sai!”. An
Thái Phi càng nghĩ càng thấy đúng. Sự thương xót cho đứa con trai nhỏ
lấn át nỗi sợ hãi người con dâu, bà lấy lại uy phong, ưỡn thẳng người
lên phẫn nộ nói: “Cho dù cô ta là tướng quân do Hoàng thượng đích thân
phong, trước tiên cũng là con dâu của An Vương phủ! Ta không tin cô ta
dám ngỗ ngược với ta!”.
“Đúng! Phải như vậy!”. Hạ Ngọc Cẩn kéo được viện binh, cứ gật đầu liên tục.
Sáng sớm ngày hôm sau, khi giờ mão vừa đến, Diệp Chiêu hết hạn nghỉ phép,
chuẩn bị thượng triều. Trước khi đi, Diệp Chiêu đến trước cửa phòng An
Thái Phi, cung kính đứng bên ngoài, bảo a hoàn vào bẩm báo, đợi để thỉnh an.
Mẹ chồng của An Thái Phi là Hoàng Thái hậu nên sau khi thành thân, bà sống khá nhàn tản, hàng ngày phải đến giờ thìn bà mới ngủ dậy. Bây giờ, con dâu phải sớm tối đúng giờ vì không dám trễ giờ vào triều,
bà đành ngáp ngắn ngáp dài, vảy nước lạnh lên mặt mấy lần, nghiến răng
ra khỏi giường, mặc quần áo để ra đón con dâu đến thỉnh an.
Diệp
Chiêu dìu bà đi ra phòng bên, sau khi hỏi thăm xong, hai bên nhìn nhau
chẳng còn gì để nói. Cuối cùng Diệp Chiêu cũng khen một câu: “Hôm nay
khí sắc của mẹ rất tốt ạ”.
Tốt gì? Đầu óc của An Thái Phi do ngủ
không đủ giấc nên cứ nhức nhối, phải một lúc lâu mới lạnh lùng gật đầu,
sau đó ngáp vội rồi làm ra vẻ tỉnh táo, chuẩn bị lời giáo huấn.
Không ngờ, bên ngoài có lính đến báo: “Tướng quân, đến giờ phải lên triều rồi”.
Diệp Chiêu vội vàng hành lễ, rồi chạy như bay.
An Thái Phi đập tay vào cái gối bông, ngồi ngây ra một lúc lâu, rồi tức
giận hỏi: “Vương Phi đâu? Sao còn chưa đến thỉnh an? Nó càng ngày càng
lười, không thấy mẹ chồng đã dậy rồi sao?”.
Khó khăn lắm mới đợi
được Diệp Chiêu về nhà. Vừa cởi áo giáp ra, Diệp Chiêu đã vội vàng đến
phòng chính, cung kính đứng cạnh An Thái Phi, đứng thẳng người chả khác
gì hộ vệ, nhưng trong đầu thì đang thầm nhẩm lại những chủ đề thời
thượng của phụ nữ kinh thành mà bọn Mộ Liêu chuẩn bị cho, bắt đầu thử
làm thân: “Nhà Thường thái bộc hình như mới lấy thêm người thiếp”.
An Thái Phi lạnh nhạt lườm Diệp Chiêu một cái, rồi thăm dò như muốn chọc
tức thêm: “Quận Vương chưa có con, công việc của con thì bận rộn, sợ
không cai quản được hết. Hay nạp thêm cho nó mấy người thiếp, cũng tốt
cho việc thêm cành thêm lá. Ta sẽ để Thúy Chi cho con được không?”.
Diệp Chiêu nghĩ ngợi một lúc, lắc đầu nói: “Không được”.
An Thái Phi vui vẻ hỏi: “Sao mà không được?”
Diệp Chiêu thành thực trả lời: “Cô ta gầy quá, ngực không nhô cao eo không
được nhỏ, mông không đủ lớn, không có dáng của phụ nữ dễ sinh để. Con
thấy Thúy Diệp tốt hơn, vóc dáng ấy nhìn là biết dễ sinh nở, đúng vóc
dáng chuẩn mực… Không có gì để chê! Nếu như ở sa mạc phương Bắc, tướng
sĩ toàn quân đều phải đỏ mắt, chắc chắn sẽ đánh nhau tơi tả vì cô ấy,
hay là chọn cô ấy đi”.
Thúy Diệp được khen vui mừng hết sức, ngại ngùng nhìn tướng mạo anh tuấn của Diệp Chiêu, đỏ mặt cúi ngay đầu xuống.
An Thái Phi tức nghẹn họng, không nói được lời nào.
Diệp Chiêu thấy thái độ của mẹ chồng không được tốt, vội vàng nói: “Mẹ không muốn thì thôi vậy. Trước đây Hứa đô thống có giới thiệu cho con loại
“ngựa gầy của Dương Châu” nghe nói cũng rất tốt. Người nào cũng như tiên trên trời, tài sắc song toàn, lại còn rất biết hầu hạ, lúc đó con nghe
cũng có phần động lòng. Để sau con nhờ ông ta đi chọn, lấy hai người có
tướng mạo chuẩn nhất, vóc dáng dễ sinh nở nhất đem về”.
Cô ta tích cực như vậy, rốt cuộc là muốn nạp thiếp cho chồng hay là muốn nạp thiếp cho mình?
An Thái Phi càng nghĩ càng thấy nghi, quát lớn: “Nằm mơ! Chỉ cần ta còn
sống một ngày, cô đừng có hòng mà mơ dẫn người đẹp về nhà!”.