Xóm Nghèo, Khu Biệt Thự, Và Bệnh Viện

Chương 6: Anh và Em




Bịn rịn mãi, mười hai giờ trưa Linh mới chia tay được với chú ông. Từ bệnh viện ông trở về khách sạn tắm và nghỉ ngơi.
Chiều, ánh nắng dịu bớt, đã hơn bốn giờ, nhưng mặt đường nhựa vẫn hắt hơi nóng như táp vào mặt. Ông gọi taxi đến cô nhi viện ngày xưa chú ông đã gửi Lợi vào đó. Chiều chủ nhật, đường phố vẫn đông đúc. Ngồi trên taxi đi từ trung tâm thành phố ra ngoại vi, ông nhìn ngắm phố phường. Lòng đường chật chội với rất nhiều xe lớn nhỏ. Xe bus, tải, taxi, xe du lịch năm chỗ, bảy chỗ, mười sáu, năm mươi chỗ được bu xung quanh với vô vàn xe máy. Ông ngắm dòng xe di chuyển lúc chậm lúc nhanh, nó giống như đàn kiến hồi nhỏ bốn anh em nhà ông nhìn ngắm rất thú vị những trưa hè. Chúng đi thành dòng liên tục không dứt và rất hối hả. Chẳng thấy con kiến nào lười biếng hoặc mệt nhọc ngồi nghỉ cả. Thằng Long nghịch phá cho một cái cây hoặc đào một cái rảnh sâu để cản đường của đàn kiến. Đôi khi mắc tè nó hứng chí tè luôn vào đường đàn kiến đang hành quân làm cho lũ kiến một trận lụt thất điên bát đảo. Nhưng chẳng bao lâu chúng cũng tìm cách lập một con đường mới để di chuyển. Không rõ chúng có nói chuyện và kỷ cương ra sao nhưng rất trật tự, không đánh lộn, không gây ùn tắc trên đường đi. Thằng bé Lợi thi thoảng bị những chú kiến đi lạc cắn vào của quý làm sưng phồng, đỏ hồng. Nó ngứa đến tội nghiệp vì thường ở truồng chơi trên nền đất. Ngồi taxi nhìn đường phố bao người hối hả về nhà, anh nhớ da diết tuổi thơ của bốn anh em vui đùa cùng nhau.
Đường phố càng lúc càng đông vì đã gần năm giờ, người ta đỗ ra đường đi lại nhiều hơn. "Ngã tư trước kẹt xe rồi." Bác tài xế nói và rẽ vào một con hẻm đi ra đường khác.
Hai bên đường vùng ngoại vi thành phố thông thoáng hơn, nhà cửa thưa dần, thỉnh thoảng có các khu chung cư cao tầng mọc lên giữa những cụm nhà thấp hoặc gần những khu đất trống.
Năm giờ bốn mươi chiều, ông đến được chỗ địa chỉ cô nhi viện trước đây.
Giờ, nơi đây là một khu biệt thự có tường rào cao bao quanh, cây cảnh xanh mát, được chăm sóc chu đáo đẹp xinh, có cổng bảo vệ kiểm soát người ra vào.
"Bác xuống đây."
Ông đi đến cổng khu biệt thự.
Một bảo vệ trẻ đứng lên chào hỏi "bác tìm gặp ai?"
"Cho bác hỏi, chỗ này trước đây có một cô nhi viện phải không?"
"Thưa, cháu không rõ. Cháu mới làm đây ba năm. Khu biệt thự này xây cũng gần mười năm. Cháu không nghe ai nói đến cô nhi viện cả."
"Khu này đa phần là
Người mới đến. Nếu bác muốn biết ngày trước thì bên kia bức tường là khu cũ từ thời xưa, người ta gọi là xóm nghèo. Ở đó có người sinh ra và sống ở đó từ hơn bảy mươi năm."
"Thế à, bác cám ơn cháu!"
Ông Linh thả bộ về hướng xóm nghèo. Đúng là sự cách biệt quá lớn. Qua khỏi bức tường khu biệt thự, con đường nhựa lớn không còn nữa. Ông đi vào con đường đất còn đọng nhiều vũng nước của cơn mưa ngày hôm trước, cộng với nước thải từ những căn nhà lụp xụp hai bên đường chảy ra. Ông bước vào một quán tạp hóa bên trong hẻm nhỏ.
"Cho bác chai nước suối lavie."
Cô bán hàng trạc ngoài ba mươi tuổi lấy chai nước lễ phép đưa cho ông.
"Cho bác cái ghế để ngồi được chứ?"
"Dạ được bác." Cô đưa cho ông cái ghế mủ có lưng tựa.
Đèn đường tù mù tỏa sáng yếu ớt trên đường đất. Quán tạp hóa nhỏ nhưng bán đủ thứ, từ cây kim sợi chỉ cho đến bia rượu, gạo, mì tôm. Người mua cũng vô ra liên tục. Người mua gói mì, người mua chai nước ngọt, người mua gói bột ngọt.. Họ mua lắt nhắt, ít tiền.
Cách đó hai căn nhà có năm sáu người đang nhậu và hát karaoke ồn ào.
Lúc vãn khách, ông bắt chuyện với cô bán hàng.
"Cháu ở đây lâu chưa?"
"Dạ bác, cháu về đây thuê nhà này gần sáu năm. Chồng cháu làm công nhân xây dựng."
"Cháu bán cũng đông khách?"
"Dạ bác, nhưng lời lãi không nhiều, lại bị ghi nợ và đôi khi không đòi được."
"Cháu có biết ai ở đây từ trước đây hơn bốn năm mươi năm không?"
"Dạ bác, ở đây ai cũng biết bà Thoa, bà Thẻo là dân gốc ngụ ở đây từ đời trước. Tí nữa con đưa bác qua đó. À, mà bác hỏi làm gì ạ."
"Không giấu gì cháu, trước bác có người em trai út được gửi vào cô nhi viện, nay bác đi tìm."
"Cháu có nghe, hồi xưa bên kia có cô nhi viện, nhưng bị cháy từ mấy chục năm rồi."
"Khu đất này quy hoạch, từ khu biệt thự đến bờ sông ngoài xa tít tắp kia đã có dự án cả. Nghe đâu chung cư cao cấp, resort, biệt thự, siêu thị, trường học đủ cả."
"Bé Ba trông quán, mẹ đưa bác đây đến nhà bà Thẻo."
Cháu lấy ít trà, bánh, cà phê chia hai túi giúp bác.
Xong, cô hàng dẫn ông Linh đi về phía cuối con đường. Càng vào sâu đường càng hẹp, tối và nhiều vũng nước. Hai bác cháu men theo phần đường khô ráo, sạch sẽ như một lối mòn, hai bên cũng nhiều cỏ dại như dưới quê ông ngày xưa vậy. Đi chừng năm mươi mét, cô hàng chỉ vào căn nhà bên phải, có sân rộng lát xi măng sạch sẽ "đây là nhà cô Thoa, cô ấy rất tốt. Ở xóm nghèo này ai cũng quý cô ấy. Còn đối diện, hơi xéo bên kia đường, căn nhà nhỏ thấp, mái tôn cũ là nhà bà Thẻo."
"Cô Thoa ơi, có khách."
Người phụ nữ khoảng hơn bảy mươi tuổi từ từ ra cổng "Hồng hả cháu? Mắt cô mờ, trời lại tối, nghe tiếng cháu thôi."
"Cô à, bác trai đây muốn hỏi thăm về cô nhi viện ngày trước. Cô nhi viện đã bị cháy từ khi bọn cháu còn chưa sanh ra nữa là. Chỉ cô và cô Thẻo may ra còn biết chút gì. Cháu đưa bác đây gặp cô."
"Cháu về đây."
"Tiện thể cháu gọi giúp bà Thẻo qua cô chơi cho bác trai đây gặp luôn."
"Dạ, bác trai ở chơi, cháu đi đây." Rồi cô Hồng tất tả đi ra.
"Tư pha ấm trà cho má."
"Thưa, cô ở đây đã lâu?"
"Tui sinh ra ở đây. Năm mươi năm trước khu này dân ở thưa thớt lắm. Nhà này cách nhà kia cả mấy thửa ruộng và mấy bờ đê. Bên kia, bây giờ là khu biệt thự, ngày xưa ở đó là cô nhi viện, gồm tám dãy nhà nền xi măng, tường gạch. Họ nuôi từ sáu trăm đến tám trăm trẻ mồ côi mới sanh đến năm tuổi."
"Bà Thẻo à, vô tui uống trà."
Một bà già bước vào sân, người nhỏ, gầy guộc nhưng rắn chắc, đi lại nhẹ nhàng.
"Chú đây muốn tìm một người em trai ở cô nhi viện thất lạc gần năm mươi năm. Bà còn biết ai hồi xưa làm ở đó không? Giờ tui chẳng nhớ người quen nào hồi xưa làm ở đó cả." Bà Thoa vừa nói vừa kéo ghế mời bà Thẻo ngồi uống trà.
"Cháu chào cô." Ông Linh nhìn bà Thẻo. Thấy bà khắc khổ và đáng thương.
"Hồi trước tui cũng quen biết nhiều người trong đó, nhưng từ ngày cô nhi viện giải tán đến giờ chẳng còn liên lạc với ai. Vì mưu sinh mỗi người mỗi ngã. Để hỏi thăm coi còn tìm được ai làm ở đó giờ còn sống. Tụi tui giờ trên dưới tám mươi tuổi cả rồi."
Nói chuyện, hỏi thăm gia cảnh và cuộc sống hai bà một lúc, ông xin phép ra về.
"Cháu gửi ít trà bánh hai cô nhâm nhi, có tin gì báo giúp cháu." Ông để lại danh thiếp của mình.
Ông trở lại quán tạp hóa của cô Hồng mua thêm ít trà bánh, cà phê, ông cũng đề lại danh thiếp của mình.
"Để cháu hỏi thăm giúp bác, khách cháu cũng nhiều. Cháu nhớ rồi, em của bác là Lợi, gần năm mươi tuổi, đã từng ở cô nhi viện này.
Gặp ai cháu cũng sẽ hỏi thăm, có tin gì cháu gọi bác ngay."
"Cám ơn cháu!"
Ông Linh thấy sao mà họ chân tình quá đổi. Ông là người lạ, mới gặp lần đầu, họ chẳng nghi ngờ, ngăn cách, khách sáo gì cả. Ông đã từng nghèo khó, nên gặp những người nghèo ông cảm thông và thấy như là ruột thịt với họ vậy.
Ông quay lại chỗ khu biệt thự. Trời tối hẳn. Chỉ mấy bước chân mà ông như đi qua một khung trời cách biệt. Quán cà phê trước cổng khu biệt thự đẹp, yên tĩnh và thơ mộng.
"Đi về đâu hỡi em..
Một đời em mãi lang thang
Lòng lạnh băng giữa đau thương..

Đời gọi em về giữa yêu thương
Để trả em ngày tháng êm đềm
" *
Tiếng hát Khánh Ly từ quán phát ra, như nỗi lòng của ông đang mong mỏi gọi người em trai thất lạc của mình.
Ông vào quán, gần bảy giờ tối.
Chắc ai cũng đang quây quần bên gia đình nên quán vắng khách. Ông chọn bàn ở một góc yên tĩnh gần hòn non bộ.
"Có gì ăn không cháu?" Ông hỏi cô phục vụ.
"Giờ quán chỉ bán nước bác ạ."
"Có mì tôm không, làm giúp bác tô mì tôm vậy."
"Dạ được bác, bác đợi cháu tí nhé, bác uống gì không?"
"Cho bác cà phê sữa đá."
"Dạ bác!"
Tô mì tôm được bưng ra, bốc hơi nghi ngút và mùi thơm của sa tế cay nồng thật kích thích bao tử của ông. Ông ăn ngon miệng như là tuổi thơ của ông trở về vậy. Ngày ấy, gói mì tôm như là đặc sản, món ăn xa xỉ. Hiếm khi anh em ông được ăn. Một gói mì tôm, ông cho nước sôi thật nhiều. Ông chia cho Lợi nhiều mì nhất, rồi đến Lanh, Long. Phần ông chỉ nước mì loãng, ông bỏ cơm nguội vào ăn cũng hít hà, nước mắt, nước mũi. Cả bốn anh em chén sạch không còn một giọt nước mì nào. Giờ ăn tô mì một mình, nước mắt ông ứa ra nhiều hơn.
* * *
Thầy Tân vào bệnh viện thăm bà Lu và ông Tuấn từ trưa, lúc về ghé qua siêu thị mua ít đồ. Anh đến cổng khu biệt thự cũng đã hơn bảy giờ tối. Khi xuống xe đi vào cổng, có gì đó buộc anh nhìn qua quán cà phê.
"Đời gọi em về giữa yêu thương
Để trả em ngày tháng êm đềm.
" *
Tiếng hát Khánh Ly da diết.
Anh nhìn về góc hòn non bộ của quán. Quán vắng. Một người đàn ông ngồi ở bàn đó nhìn ra đường, vẻ trầm tư.
Như mọi khi thư thả, giờ này anh cũng bước đến cái bàn đó. Anh và ông Tuấn thường chọn bàn này, vào giờ này để nhâm nhi tách cà phê, tách trà buổi tối. Chỗ đó đẹp mà ở góc không ai qua lại quấy rầy. Cái bàn gần hòn non bộ đó như ông Tuấn đặt riêng cho mình vậy. Giờ ông ấy đã hôn mê hơn hai mươi ngày rồi.
Hôm nay gặp Thùy, anh cảm nhận cô ấy thật gần gũi. Đôi mắt cô to, đen tròn, đằm thắm đầy yêu thương khi nhìn ông Tuấn. Có lẽ cô ấy thấy mình có lỗi với ông ấy.
Anh nhìn lần nữa, chỗ ông Tuấn thường ngồi mỗi chiều tối mà lòng thấy thật buồn, thương ông, thương cuộc đời ông. Anh vào nhà xe và lên nhà.
* * *
Cà phê nhỏ những giọt đen sánh vào sữa đặc bên dưới đều đều, chầm chậm như cái kim giây của đồng hồ treo tường kia bước từng bước nhỏ. Cứ sáu mươi bước, trở lại bước đầu tiên. Ông Linh cũng thế, vừa qua tuổi sáu mươi. Ông hy vọng những năm sau này của ông sẽ hanh thông hơn!
Ông trở lại cổng khu biệt thự, chỗ thầy Tân mới đi vào.
"Gửi cháu ít trà, cà phê nhâm nhi khi rảnh rỗi nhé, có biết ai về cô nhi viện cũ gọi cho bác."
Việc tìm thằng bé Lợi em ông như tìm đường leo lên núi cao, nhưng ông quyết không nản chí. Ông vẫn tìm kiếm những thông tin dù mong manh, nhỏ bé nhất.
Ông để lại danh thiếp rồi lên taxi về khách sạn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.