Con gái đi học, dù có Hồ Thừa Khiếu bên cạnh thì Kim Sân vẫn chưa yên tâm, còn không yên tâm hơn cả lúc nhỏ nữa vì bây giờ, con ngã hay đụng vào đâu cũng là vấn đề cả.
May mà cứ một lát là trường học lại báo cáo tình hình cho anh, phần nào giảm bớt nỗi lo của người cha già.
4 giờ rưỡi chiều là tan học. Hơn 3 giờ, Kim Sân đã đến đợi trước cổng trường. Khác với những lần đi đón con gái ở nhà trẻ khi trước, lúc đó phụ huynh xếp hàng thật dài, bây giờ mãi đến 4 giờ rưỡi, trước cổng trường cũng chỉ có mình anh.
Giờ này người giám hộ của những cụ già khác vẫn chưa tan ca, đương nhiên không thể đón họ được.
Các ông bà lão đứng trước cổng trường, trên cơ bản đã quen biết nhau, đều đang cố gắng cất giọng nói nhiều một chút. Các ông bà đều là những người từng nếm nhiều cay đắng, cảm thấy nhận nhiều tiền như thế, không làm thêm chút gì đó thì thấy có lỗi quá nên đều ra sức ríu rít nói chuyện.
“Sao ba mình vẫn chưa đến đón mình nhỉ?”
“Ba mình cũng chưa đến, chắc chắn là bị kẹt xe rồi, ba mình lái xe chậm lắm.”
Giả vờ là trẻ con, đây là một chuyện khá thú vị và có tính thách thức đối với những ông bà lão này, mọi người đều khá vui vẻ. Họ từng là gánh nặng trong nhà, bây giờ như được trở lại thời vàng son, bắt đầu kiếm tiền nuôi gia đình.
Bà cụ Hồ cũng nói: “Ba mình cũng lái xe chậm lắm.”
Có một người trong đó bỗng nhớ đến một chuyện đã khá xa xưa. Rõ ràng bây giờ họ có thể quên ngay chuyện xảy ra một giây trước đó nhưng lại nhớ chuyện hồi nhỏ: “Lúc mình còn rất nhỏ, lần đầu tiên ngồi trên xe của ba, ông ấy lái nhanh quá nên đầu mình đập vào xe. Tuy ba không nói gì nhưng từ đó, sau xe nhà mình liền dán tờ giấy “trên xe có em bé”. Mẹ mình bảo trước đây tháng nào nhà mình cũng nhận được hai ba tờ giấy phạt nhưng sau này không nhận nữa bao giờ.”
Bà cụ kia nói đến đây bèn không nén được tiếng nức nở, sau đó thì bật khóc. Bà cụ Hồ giật mình, không hiểu lắm tại sao người bạn này lại khóc, chỉ biết vụng về lau nước mắt cho bạn.
Những ông lão bà lão khác ít nhiều cũng nhớ đến cha mẹ mình, tất cả trở nên im lặng. Tuy họ đều đứng đây nhưng hoàn cảnh khác với em Chúc Chúc, họ không thể đợi được ba đến đón mình. Sau khi em Chúc Chúc ra về, họ sẽ đến chỗ bác sĩ để kiểm tra, sau đó có xe đưa họ về nhà.
Bà lão đang khóc được bà cụ Hồ lau nước mắt thì có cảm giác như được ân sủng, vội vàng ngừng khóc, chuyển sang chủ đề khác. “Em Chúc Chúc, ba em là người thế nào ấy nhỉ?”
Mọi người đều đã học được cách nói chuyện phải có những từ “nha, nhá, nhỉ…” ở cuối câu.
Bà cụ Hồ nghiêm túc trả lời: “Ba em là một anh hùng, ông ấy biết làm món tôm ngon nhất trên đời, còn giúp em đánh kẻ xấu nữa.”
Các cụ già đều nghiêm túc nhìn bà. Dù “em Chúc Chúc” bị bệnh nặng hơn họ nhưng lại là người hạnh phúc nhất, bởi vì ba em ấy vẫn còn, thậm chí vì làm em ấy vui mà còn tiêu tốn nhiếu tiền của và công sức như thế.
Trong mắt các cụ già, cha của “em Chúc Chúc” chắc chắn là một cụ ông hơn chín mươi tuổi. Mặc dù họ nhìn thấy có một chàng trai trẻ anh tuấn đưa Chúc Chúc đi học nhưng đều cho rằng đó là cháu chắt gì của em ấy.
Lúc chàng trai anh tuấn xuất hiện, anh đương nhiên nhìn thấy các ông bà lão này. Dù các ông các bà đều mặc áo lông đồng phục của trường nhưng Kim Sân vẫn có thể tìm ra con gái mình ngay.
Con rể vẫn như trước kia, im lặng đứng bên cạnh, nắm tay con gái.
Con gái của Kim Sân vốn đang trò chuyện với một bà lão, sau đó bà ấy đột nhiên lên tiếng: “Đó có phải là ba em không?” . Ngôn Tình Hay
Bà cụ Hồ quay lại, nhìn thấy ba mình, lập tức dang hai tay ra: “Ba ơi!”
Một ngày không gặp, bà rất nhớ ba, cứ lạch bạch chạy về phía Kim Sân. Kim Sân ôm lấy con gái, hỏi: “Hôm nay con đi học có ngoan không? Có nghe lời cô giáo không?”
Bà cụ Hồ gật đầu, đáp: “Có ạ. Cô giáo còn khen con nữa.”
Ông cụ Hồ cũng đi ra. Những ông bà lão khác nhìn thấy cảnh này đều cảm thấy chua xót.
Khác với tình huống của bà cụ Hồ, những ông bà ở đây đều đang ở giai đoạn đầu của căn bệnh, sẽ xảy ra hiện tượng mất trí ở các mức độ khác nhau nhưng khả năng nhận thức thì vẫn khá bình thường. Chẳng hạn như lúc tỉnh táo, họ vẫn nhớ mình có bệnh alzheimer, nhớ được người nhà của mình, chẳng qua phản ứng hơi chậm chạp, thỉnh thoảng sẽ đãng trí mà thôi.
Trước khi đến đây, họ đều đã ký hợp đồng với Kim Sân. Anh đã đưa ra một mức lương và điều kiện chữa bệnh không ai có thể từ chối được, mang lại cho họ niềm hy vọng.
Lúc tỉnh táo, họ đều biết bà cụ Hồ này là con nhà giàu, phải cùng đi học với bà ấy nên họ rất nghiêm túc với đồng lương nhận được.
Đa số họ đều đã mất đi năng lực kiếm tiền, hoặc ít hoặc nhiều đều cảm thấy mình trở thành gánh nặng cho con cháu, bây giờ có cơ hội như vậy, gần như tất cả mọi người đều huy động khả năng diễn xuất tốt nhất của mình ra.
Về phần những lúc không tỉnh táo, một là họ đi ngủ, hai là chìm trong hồi ức của mình, sẽ không nói sai điều gì.
Các ông bà lão nhìn bà cụ Hồ được “ba” dắt tay ra về, bỗng nhiên thấy hơi xúc động.
Sau khi theo ba đi khá xa, bà cụ Hồ mới hăm hở nói: “Ba ơi, các bạn con đều rất giỏi đó!”
“Con có một bạn học, bạn ấy nói mình là cảnh sát, đã từng bắt rất nhiều kẻ xấu. Bạn ấy thật là lợi hại, thoắt cái là có thể nhảy lên cửa sổ.”
“Còn có bạn nữa là bác sĩ, bạn ấy cứ hỏi con có muốn làm đẹp bằng tia laser không. Ba ơi, làm đẹp bằng tia laser là thế nào ạ?”
Không đợi ba kịp giải thích, bà lại bắt đầu líu lo chia sẻ: “Ba ơi ba, còn có một bạn đi nhặt những cái chai mà bọn con vứt đi, nói là có thể bán lấy tiền. Bạn ấy phải kiếm rất nhiều tiền cho con trai mình mua nhà cưới vợ. Bạn ấy hay ghê, vậy mà có con rồi!”
“Ba ơi, khi nào thì con có em bé ạ? Con thích em bé!”
Đối với thế giới này, nhận thức của bà cụ Hồ ở trạng thái “cứ tồn tại là hợp lý”. Nói cách khác, chỉ cần chuyện này xảy ra trước mắt bà, bất luận là hoang đường cỡ nào thì bà đều cảm thấy có lý.
Chẳng hạn như anh Thừa Khiếu bị bệnh cho nên từ đứa trẻ biến thành người già, đây là sự tồn tại hợp lý.
Chẳng hạn như lúc thì mọi người đều là trẻ con, lúc thì là người bán bảo hiểm, cảnh sát, bác sĩ thẩm mỹ, điều này cũng hợp lý.
Bà giống như ngày đầu tiên đến nhà trẻ khi đó vậy, vô cùng kích động, hưng phấn, tò mò về mọi thứ.
Kim Sân ngẩn ra một chút. “Đợi khi nào cây táo sau vườn nhà chúng ta có trái, khi đó từ bên trong trái lớn nhất sẽ vỡ ra một đứa trẻ, thế là con sẽ có em bé của mình.”
“Vậy đến lúc đó, em bé của con có thể đến trường với con và anh Thừa Khiếu rồi.”
Ông cụ Hồ bỗng chen vào một câu: “Là em bé của hai đứa mình.”
Bà cụ Hồ gật đầu. “Đương nhiên rồi. Em nghe người ta nói con thường hay giống cha anh Thừa Khiếu đẹp trai như vậy nên em mới có con với anh. Vì thế mỗi ngày anh phải cùng em nói với cây táo mau mau ra trái to nhất nhé.”
Kim Sân ngẩng đầu nhìn con rể. Nó đúng là chân ái của con gái. Lúc còn trẻ nói đẹp trai không vấn đề, bây giờ thế này rồi mà còn nói là đẹp, không phải chân ái thì là gì?
Ông cụ Hồ thì vô cùng vui vẻ, cứ nắm tay bà đi rất nhanh, quyết định sau khi về nhà sẽ đi tưới thêm nước cho cây táo.
Khi về đến nhà, ông cụ Hồ bèn nhận được cuộc gọi từ một đứa con khác.
“Ba, ba mẹ đi đâu rồi?”
Ông lão thở dài một hơi, gõ tay lên bàn. Thấy cha vợ bên kia ngước lên nhìn, ông vội vàng nói: “Ta và mẹ con về nhà ông ngoại rồi, sau này chỉ lo trồng cây táo thôi. Con phải cố gắng cải tạo thật tốt để được xử lý khoan hồng, làm lại từ đầu, ông ngoại sẽ nương tay với con.”
“Cái gì mà ông ngoại? Ba, ba mẹ thật sự không cần con nữa sao?”
Ông cụ Hồ ngắt điện thoại.
Hồ Đào nghe được tiếng tút tút trong điện thoại, ngẩng liền bắt gặp ánh mắt của vợ mình, anh tức tối nói: “Ông ấy nói đã về nhà ông ngoại rồi. Thôi vậy, anh cũng không định nhờ vả gì họ.”
Chị vợ bưng ly nước đến, gật đầu. “Ừm, không sao, em sẽ luôn ở bên cạnh anh.”
Bà mẹ vợ bên cạnh thì hỏi thẳng: “Con cứ thế mà nhường toàn bộ cho người kia sao?”
“Mẹ, anh Đào tìm được việc là có thể nuôi được bọn con. Ba mẹ anh ấy là đã đến nước này rồi, tội gì bọn con cứ phải dán tới.”
Cha vợ của Hồ Đào đột nhiên ngẩng đầu lên, nói: “Tìm việc phải không. Đồng nghiệp của ba nói có một viện dưỡng lão đang tuyển bảo vệ, con muốn đi không?”
“Trình độ anh ấy thế này mà đi làm bảo vệ?” Chị vợ không được vui lắm.
“Đó không phải làm bảo vệ bình thường đâu, bây giờ đã có hơn 10 ngàn người nộp hồ sơ rồi đấy. Tiền lương còn cao hơn lương hai đứa mày trước đây cộng lại kìa.”
Hồ Đào ngẩng đầu lên, nói: “Để con xem.”
Cha vợ anh có mối quan hệ của riêng mình cho nên nắm khá rõ những chuyện mới xảy ra gần đây trong nhóm người già. “Mấy ngày trước truyền hình đưa tin nói con gái của một tỷ phú bị bệnh alzheimer, tỷ phú kia muốn làm con vui nên đã bỏ ra mấy tỷ bạc mua một trường đại học, nâng cấp một khu nhà làm trường học cho con gái mình, còn thuê rất nhiều người già vào đó. Các con còn nhớ ông nội của Tiểu Lâm không? Nhà họ trước đây đã chi khá nhiều tiền cho căn bệnh này, chuẩn bị buông xuôi rồi ai ngờ lại phát tài, ký hợp đồng với tỷ phú kia. Bây giờ chẳng những được chữa bệnh mà còn được nhận tiền, mỗi ngày có xe đưa đón về, nhà họ giờ gặp ai cũng cười toe toét.”
Vợ Hồ Đào ngẩn ra, cảm thấy chuyện này thật là ảo diệu, không khỏi cảm thán: “Bây giờ người giàu có tiền không biết để làm gì sao ta? Nghĩ thế nào cũng thấy hoang đường.”
Bà mẹ vợ cũng thở dài, hỏi: “Chẳng phải mẹ con cũng bị bệnh này sao?”
Ý của bà ta ai cũng hiểu. Nếu là trước kia, có thể ký hợp đồng, đến lúc đó chẳng những được chữa bệnh mà còn có tiền nữa.
Nhưng phòng khách lập tức trở nên yên tĩnh, không ai đáp lại cả.
Tất cả những thông tin ứng tuyển đều được Kim Sân cho vào dữ liệu để sàng lọc. Khi nhìn thấy một cái tên quen thuộc, anh khẽ nhướng mày. Thân là một người ông hiền lành, anh lập tức đưa tay xóa cái tên đó đi.
Người được tuyển vào phải đối diện với rất nhiều ông bà lão mắc chứng alzheimer, chắc chắn Hồ Đào sẽ cảm thấy áp lực, không chịu nổi.
Kim Sân nghĩ, mình quả là một người ông tốt, biết suy nghĩ cho cháu ngoại.