Cảm Lạnh Mùa Hè

Chương 22: Dùng cô đơn lấp đầy khoảng trống của cuộc sống




Nếu giữa cá và tay gấu, bạn chỉ có thể lựa chọn một thứ, vậy thì tình bạn và tình yêu phải chăng cũng không thể song hành? Nếu thế, tôi đành chọn tình bạn, mặc kệ hạt giống tình yêu mơ hồ nảy mầm trong tôi. Hoặc có lẽ, sẽ có ngày nó trở thành một cây đại thụ chọc trời, lúc đó trái tim tôi cũng không thể chịu đựng được nữa mà để nó tự do bộc phát.
Gần đây tôi không có tin tức gì của Mỹ Tuệ, sau khi chia tay anh chàng hũ nút đó, nha đâu này không biết bận gì mà biến mất tăm, gọi di động cũng không thấy nghe máy, gọi đến máy bàn thì luôn là bố mẹ cô ấy nghe. Tôi chỉ đành hỏi thăm, còn không nói thêm gì.
Hôm nay, lúc rẽ vào đường Vĩnh Hòa, tôi chợt nhìn thấy Mỹ Tuệ. Cô nàng đang ngồi trong quán phồng má ăn cơm gà, miệng dính đầy mỡ. Tôi tiến về phía trước, hù cho cô ấy giật mình.
Sau đó, Mỹ Tuệ bắt đầu nấc, ăn một miếng, nấc một tiếng, cho đến khi ăn xong suất cơm mới thôi. Tôi cười cười ra vẻ xin lỗi, cố giải thích là tôi thực sự không cố ý hại cô ấy.
Mỹ Tuệ ngồi bên cạnh tôi đếm tiền. Nha đầu này thực sự phát tài rồi, mặt cũng phát tướng.
“Hóa ra tiền dễ kiếm hơn tình yêu.” Mỹ Tuệ bùi ngùi.
Tôi cúi đầu ăn cơm nhưng trong lòng cũng thầm mừng cho cô ấy.
Mười hai giờ đêm, đường phố chẳng còn người đi lại, cũng chỉ còn rất ít nhà sáng đèn. Tôi và Mỹ Tuệ nắm tay nhau đi trên đường, thực sự không muốn về nhà. Sau đó chúng tôi nhìn thấy một quán rượu nhỏ còn mở cửa, đang tìm chỗ nghỉ chân nên chúng tôi không ngần ngại dắt tay nhau vào trong.
Bà chủ quán rất nhiệt tình đón tiếp chúng tôi, sau khi thấy chúng tôi không có đồ gì cần cất hộ mới chịu đi vào bếp.
“Y Thần, tớ thật sự thèm được sống một mình như cậu. Sướng thật. Cứ như tớ, bố mẹ lúc nào cũng theo sát, thật là gò bó.” Mỹ Tuệ than thở với tôi.
Mỹ Tuệ rót rượu ra hai ly, rất đều nhau. Tôi nâng ly rượu lên liền nghĩ tới câu nói: “Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm.”
“Thì cậu cứ chuyển ra ngoài ở là được mà.” Tôi chậm rãi trả lời.
“Nếu được như cậu nói thì còn buồn làm gì.” Mỹ Tuệ nhấc ly rượu, một hơi uống cạn.
“Có thể đến chỗ tớ, sẽ không lấy tiền phòng đâu.” Sự lo lắng của Mỹ Tuệ có lẽ là chuyện phòng ở, tôi đoán thế.
Cô ấy gọi bà chủ hàng mang lạc rang, sau đó một mình ăn rất tự nhiên như thể bên cạnh không có ai. Sau khi do dự một hồi, cô ấy ngẩng đầu nhìn tôi: “Thế được không?”
Tôi gật đầu lia lịa: “Đương nhiên là được rồi.”
Sáng thứ Tư, cô nàng hí hửng mang hành lý chuyển đến nhà tôi, kết quả là người khác nhìn thấy tôi liền hỏi: “Y Thần, cô muốn chuyển nhà à?” Tôi vội vàng lắc đầu, không giải thích nhiều. Hắc Tử ở tầng dưới cũng nhiệt tình nói: “Chị Y Thần, sao chuyển nhà mà không nói với tôi một tiếng, tôi sẽ giúp chị chuyển.” Sau đó, cậu ta vừa nhai bánh bao vừa uống sữa và đi đến chỗ để xe.
Sau khi giao chùa khóa nhà cho Mỹ Tuệ, tôi vội vàng đi đến công ty, lúc đi đến cổng khu nhà thì gặp Hắc Tử cũng vừa đi đến đó: “Hắc Tử, tôi đi nhờ với.” Tôi giữ chặt phía sau chiếc xe đạp của cậu ta, nói gì cũng không chịu buông, kết quả là Hắc Tử mở miệng làm rơi cả bánh bao xuống đất.
“Lãng phí, lãng phí quá.” Tôi vừa ngồi lên xe vừa than thở.
Cậu ta đau lòng tặc lưỡi hai cái rồi mới bắt đầu đạp xe. Nhà Hắc Tử mở một cửa hàng bánh ngọt gần công ty tôi, cho nên bữa sáng của cậu ta luôn miễn phí.
Trước đây tôi rất thích đến cửa hàng nhà cậu ta, sữa ở đó rất ngon, rất hợp khẩu vị của tôi. Nhưng sau đó, mẹ Hắc Tử thường xuyên khen cậu ta trước mặt tôi làm tôi không dám đến đó nữa. Tôi không biết mẹ cậu ta đang cố tình hay vô ý tác thành cho tôi và cậu ta nữa.
Nhưng với Hắc Tử, tôi không có cảm giác gì, cũng chẳng phóng điện với cậu ta, cho nên chúng tôi xưng hô với nhau là chị em.
Hắc Tử đưa tôi đến thẳng công ty. Lúc lên lầu, Lão lý tỏ ra thần bí như một đặc vụ, chặn tôi trước cửa thang máy, tay cầm tài liệu báo cáo cố ý lớn tiếng hỏi: “Bạn trai à?”
Tôi chỉ “hừm” một tiếng, không thèm quan tâm chuyện anh ta nói.
Buổi sáng, tôi đang họp thì Lăng Sở gọi điện, công ty có quy định, trong lúc họp điện thoại không được để chuông, tôi không chú ý nghe những phương án thiết kế của bọn họ, điện thoại trong túi quần rung ầm ầm. Đến lúc ngón tay tôi hơi mỏi vì phải cố gắng giữ nó thì nó mới ngừng rung. Lão Lý đưa mắt liếc tôi một cái, ra hiệu sắp đến lượt tôi phát biểu.
Cuộc họp diễn ra trong vòng một giờ, cho đến lúc họp xong tôi mới phát hiện ra rằng từ đầu đến cuối tôi không hề chú ý lắng nghe, chẳng biết hồn phách tôi lang thang tận đâu nữa.
Tôi đi đến đại sảnh, hoang mang gọi điện thoại cho Lăng Sở, anh chàng đang lái xe, bảo tôi đi xuống lầu, anh ấy có quà tặng tôi.
Tôi vừa đi thang bộ xuống lầu vừa nghĩ không biết món quà đó là gì, sôcôla chăng? Tầm thường quá. Nhưng đó cũng là thứ tôi rất th1ich. Hoa hồng chăng? Không sáng tạo. Nhưng tôi cũng có thể nhận.Lúc đến một chỗ ngoặt, tôi thấy Ngô Tiểu u lườm tôi một cái, đột nhiên bao nhiêu tâm trạng tan biến hết. Sao trên thế giới này lại có người ghét tôi đến thế nhỉ?
Nghĩ nát óc mà tôi vẫn không biết hôm nay là ngày đặc biệt gì, sao lăng Sở lại tặng quà cho tôi. Tôi luôn cho rằng tính tình của Lăng Sở và Y Dương hoàn toàn khác nhau, thậm chí không có điểm gì tương đồng.
Hơn thế, tôi thích kiểu người lãng mạn, Lăng Sở lại không phải mẫu đàn ông đó, tuyệt đối không phải.
Tôi đang lẩm bẩm một mình thì Lăng Sở đến, tôi nhanh chóng ngồi lên xe. Lăng Sở nói tôi cần bổ sung nhiều canxi mới được. Thật là, tôi từ nhỏ đã thiếu canxi rồi, lớn lên chỉ thiếu tình yêu thôi.
Ngồi trong xe, tôi có thể ngửi thấy mùi rất đặc trưng, đó là mùi hải sản. Là người sành ăn, có lẽ họ sẽ đoán ra ngay đây là một thứ mùi tổng hợp. Tôi rất thích một quán đồ ăn Tứ Xuyên mới mở gần đây, món lẩu cay ở đó và cả các món ăn Tứ Xuyên khác đều là những món chính hiệu của Tứ Xuyên. Tục ngữ có câu: “Dân dĩ thực vi thiên” [1], tôi rất hối hận vì lúc đầu đã không học để trở thành đầu bếp.
[1] Nghĩa là: người dân lấy việc ăn là việc quan trọng nhất.
Lăng Sở chỉ vào ghế sau: “Đó, tặng em.”
Một cái hộp xốp màu trắng được bọc gói rất cẩn thận, nếu không ngửi thấy mùi hải sản, chắc tôi sẽ nghĩ đây là quả bom của bọn khủng bố trong phim ảnh, khi mở cái hộp ra, bom sẽ phát nổ và người sẽ chết hết.
Tôi suýt ngất ngay tại trận, quà tặng tình yêu là cái này ư? Tôi đã nói, những người không lãng mạn, đầu óc chỉ nghĩ được những thứ khô khan như thế này thôi. Không hiểu vì sao, tôi lại có chút thất vọng.
Cho dù là hải sản tươi ngon thì bây giờ tôi cũng không thích nữa, hoa hồng hay sôcôla chỉ có trong mơ thôi. Thực tế thật phũ phàng.
Chỗ hải sản này là do Lăng Sở đích thân đi mua về, việc này cũng chẳng dễ dàng gì.
Tôi gọi điện cho Mỹ Tuệ, bảo cô ấy cùng về nhà bố mẹ tôi ăn cơm. Tôi ôm cái hộp to đựng đầy cua biển đi vào khu nhà.
Trong lòng tôi vô cùng thất vọng, không biết đến lúc nào thì hành động của Lăng Sở mới có thể khiến tôi cảm động.
Tốt, xấu. Xấu, tốt.
“Mở cửa!” Tôi ôm cái hộp khá nặng nên đành dùng chân mở cửa. Từ sau lần về nhà bị mẹ bắt đi xem mặt, đã rất lâu rồi tôi không về nhà, cho dù mẹ tôi liên tục gọi điện đến bảo tôi dẫn cái người tên là Lăng Sở về cho bố mẹ xem mặt.
Không ngờ hôm nay cả nhà đều đông đủ. Hứa Y Nam đỡ lấy cái hộp trên tay tôi, không nói câu nào. Tiểu tử này, sao lại chơi trò gì thần bí thế này?
Bố tôi bỏ tờ báo trên tay xuống, hô to: “Có cua biển ăn rồi.” Ngữ khí đó, sự thể hiện đó giống hệt như người trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật, người ta nhìn thấy bánh ngũ cốc vậy.
Tôi bưng đĩa hoa quả đến trước mặt Hứa Y Nam, anh ấy không nói năng gì khiến tôi thấy rất lạ, Hàn Cần Hiên ngồi trên sofa đọc tạp chí truyền hình cũng không nói câu nào.
“Hai người cãi nhau à?” Tôi rất tò mò nên hỏi.
Mẹ tôi từ trong bếp đi ra, kéo tay tôi nói: “Con bé này, đứng đấy mà nói linh tinh, mau vào đây giúp mẹ đi.”
Tôi bỏ miếng táo đang ăn dở xuống, đi theo mẹ vào bếp. Mẹ tôi đang làm cua, đám cua này rất to và cũng rất tươi. Tôi cởi sợi dây buộc quanh mình một con cua, định trêu nó một chút, không may ngón tay gặp nạn. Tôi hét lên một tiếng, âm lượng có khi phải vượt qua một trăm hai mươi decibel [2].
[2] Là đơn vị đo lường âm thanh dựa trên tính chất của tai người. m thanh tương đương mức đau tai không chịu được là khoảng 140 decibel.
Hứa Y Nam lao vào bếp hỏi tôi bị làm sao.
Sau khi trị thương, tôi ngồi trên sofa nghỉ ngơi, không gian rất yên tĩnh, bầu không khí gia đình cũng rất lặng lẽ.
Về sau tôi mới biết, vì Hứa Y Nam hai đêm không về nhà cho nên Hàn Cần Hiên tức giận, cái gọi là “giận” ở đây thực chất là ghen.
Hứa Y Nam dỗ dành vợ hồi lâu, cắt táo, rót nước đều làm cả, thiếu chút nữa còn quỳ xuống cầu xin, nhưng đáng thương là vẫn không làm người ta vui lên được. Xem chừng chiến tranh lạnh là không thể tránh khỏi.
Sau khi đuổi Hứa Y Nam đi khỏi, tôi bắt đầu thay anh ấy giải thích. Hàn Cần Hiên đúng là một con cáo già tinh nhanh, không dễ gì đối phó. Lúc đầu nói gì chị ấy cũng không tin, cuối cùng tôi phải uốn ba tấc lưỡi, dùng hết khả năng để thuyết phục chị ấy.
Hai cái người này thật phiền phức, có chuyện gì thì phải nói với nhau chứ. Không phải tôi muốn bênh Hứa Y Nam hay bênh ai, tôi chỉ hy vọng hai người bọn họ sống hòa thuận để bố mẹ tôi không phải suy nghĩ nhiều.
Không lâu sau Mỹ Tuệ gọi cho tôi, nói là cô ấy không qua ăn cơm được vì còn phải thu dọn nốt một số đồ đạc trong nhà. Không khí trên bàn ăn như chùng hẳn xuống, Hứa Y Nam ngoan ngoãn nhận lỗi với Hàn Cần Hiên.
Lúc ra về tôi lấy phần cho Mỹ Tuệ mấy con cua. Nha đầu đó nhất định là mệt quá rồi. Tôi nghĩ có thêm người trong nhà sẽ thật ấm áp, không ngờ thực tế lại không giống như vậy.
“Trần Phi Hoàn mới gọi điện tới.” Mỹ Tuệ vừa sắp xếp quần áo vào tủ vừa bình thản nói chuyện với tôi.
“Đồ súc sinh ấy lại có chuyện gì nữa?” Tôi bỏ đồ trên tay xuống, đá giày ra khỏi chân.
“Bọn họ… tháng Mười hai sẽ kết hôn.” Mỹ Tuệ chậm rãi nói.
Tôi không cẩn thận làm rơi cốc nước, cốc vỡ tan, nước bắn khắp nền nhà.
“Cái gì? Tháng Mười hai?” Tôi thật sự không dám tin vào những gì mình vừa nghe, lớn tiếng hỏi lại.
Mỹ Tuệ đã thay áo ngủ, chầm chậm đi vào phòng. Nghĩ đến ngày người yêu mình dắt tay một người con gái khác bước vào lễ đường, chắc cô ấy cũng cảm thấy buồn.
Tôi nhìn lên bóng đèn trên đầu, không biết có nên tác thành cho mối tình có được nhờ cướp đoạt này hay không?
Có lẽ khi trải qua những chuyện như thế này, chúng tôi sẽ đều cảm thấy bị tổn thương. Cho dù lúc miệng vết thương đã khép lại thì chỗ bị thương vẫn để lại sẹo đau âm ỉ. Dù sao đó cũng chỉ là quá khứ, nó sẽ không quay trở lại.
Mỹ Tuệ không ăn mấy con cua tôi mang về. Có lẽ cô ấy quá mệt rồi, cũng có khi cô ấy muốn được yên tĩnh một mình. Ban đêm tôi trở dậy, thấy đèn phòng Mỹ Tuệ vẫn sáng. Ánh đèn lọt qua khe cửa chiếu sáng trên nền phòng khách, một dải sáng dài.
Tôi cũng giống như Mỹ Tuệ, có lúc nhớ tới Y Dương, bèn một mình trón trong phòng, lặng lẽ xem lại mấy tấm ảnh cũ. Xem chừng nỗi nhớ trong lòng mỗi người rất khó mà vứt bỏ.
Thứ bảy, tôi và Mỹ Tuệ nhàn rỗi ở nhà. Cách một cánh cửa vẫn nghe thấy tiếng Hắc Tử huýt sáo dưới lầu. Tôi mở cửa sổ, hét một tiếng, tên đó đáp lại ngay.
Tôi mua một bộ bài Tây, ba người chuẩn bị tìm chút vui vẻ. Nhưng Mỹ Tuệ nói chơi ba người không vui, tôi đành gọi Lăng Sở tới.
“Người thua phải mời người thắng đi ăn.” Tôi vừa chia bài vừa giao hẹn, không có ai phản đối, thế là thành luật chơi.
Bọn họ đều thường xuyên chơi bài, chỉ có tôi là gần một năm nay không động đến món này. Chúng tôi chia làm hai phe, đúng là ý trời không chiều lòng người, Mỹ Tuệ và Hắc Tử một phe, tôi và Lăng Sở một phe.
Không biết có phải là vì vận đen hay không mà điểm số hôm nay của tôi rất thấp. Tôi giống như cây cà gặp sương muối, đổ gục trên bàn nhìn bọn họ chiến đấu. Sau mấy ván, lăng Sở đứng thứ nhất, tôi cũng đứng thứ nhất nhưng là từ dưới lên, cục diện hai bên tạm thời cân bằng.
Ván cuối cùng, tôi thở dài nắm chặt ba cây K, Lăng Sở ngồi bên cạnh tôi, dùng mặt ra hiệu không được, tôi chuyển sang dùng chân, cho đến khi tôi đạp hai cái lên đôi giày cỡ bốn mươi hai của anh ấy, Lăng Sở mới hiểu ý tôi. Anh ấy giả vờ cúi người, làm rơi cây K bích xuống sofa, tôi rất nhanh trí, giả vờ vươn người rồi rất nhanh kẹp cây K đó vào tay, hai tên ngốc kia đương nhiên không biết gì.
Sau đó, tôi như cá gặp nước, liên tục có nước bài đẹp, kết quả thế nào hẳn không cần nói cũng biết.
Mỹ Tuệ và Hắc Tử mắt tròn mắt dẹt, có chút không hiểu. Theo cách nói của bọn họ thì tôi là cá nước lợ được đổi đời. Là cá nước lợ cũng được, là cá nước ngọt cũng chẳng sao, miễn là thắng.
Hôm đó tôi thỏa ước nguyện, được bọn họ mời đi ăn pizza.
Mượn ánh đèn đường mờ ảo, tôi lại mặt dày hỏi Lăng Sở: “Nghe nói em gái anh sắp kết hôn?”
Lăng Sở lắc đầu vẻ không vui, sau đó lại gật gật đầu.
Sau này tôi không hỏi lại chuyện ấy nữa, nó chẳng liên quan gì tới tôi, chỉ khiến tôi giống như một bà mẹ lắm điều. Tôi giơ tay về phía Lăng Sở nói: “Nắm lấy, về thôi.”
Đêm đầu thu, tiết trời cũng chưa lạnh lắm, chỉ là bàn tay tôi dường như đã mất đi hơi ấm. Bàn tay Lăng Sở ôm trọn bàn tay tôi. Hóa ra đã rất lâu rồi không có bàn tay này sưởi ấm cho bàn tay tôi như thế này.
Chúng tôi giống như một cặp tình nhân vô cùng hạnh phúc, đèn đường hắt bóng chúng tôi đổ dài trên đất, một cao một thấp, nhàm tản đi về. Hắc Tử đã đưa Mỹ Tuệ về trước rồi, tôi và Lăng Sở chọn cách đi bộ về nhà.
“Chiều mai em có rảnh không?” Lăng Sở dắt tay tôi bước qua vũng nước trước mặt.
“Rảnh.” Tôi đáp lại hết sức tự nhiên.
“Vậy ngày mai anh đến đón em.” Nhìn thấy tôi đi khuất qua cửa, Lăng Sở mới yên tâm ra về.
Lúc mở cửa, Mỹ Tuệ giống như một con chuột chui ra từ sau cửa, ôm chặt lấy eo tôi, hỏi: “Yêu anh ấy rồi à?”
Tôi giãy giụa để thoát ra, cảm thấy mình đang thở gấp: “Đâu có, bọn tớ chỉ là bạn bè thôi.” Có lẽ tất cả những điều này xem ra đều là cường điệu thái quá, nhưng tận nơi sâu thẳm trong trái tim tôi, vị trí của Y Dương từ trước tới giờ chưa bao giờ mất đi. Tôi vẫn còn yêu anh ấy. Nếu có một ngày Y Dương hồi tâm chuyển ý mà nói với tôi: “Y Thần, chúng ta làm hòa nhé”, tôi nhất định sẽ không do dự mà nắm lấy tay anh ấy, mang hết chân tình mà nói với anh ấy: “Sau này chúng ta không chia lìa nữa, mãi mãi ở bên nhau.”
Nhưng sẽ có ngày như vậy sao? Kỳ tích có thể xuất hiện sao?
Mỹ Tuệ vỗ vai tôi cười nói: “Cứ phát triển dần dần, bạn bè cũng có thể biến thành người yêu.”
Tôi quay đầu đi, tâm trạng rối bời.
Buổi trưa đang ngủ thì công ty gọi điện đến bảo tôi lập tức đến tăng ca. Tôi lếch thếch ra khỏi nhà. Nước ép cà chua bắn trên áo sơ mi, váy quá rộng, còn đầu tóc thì rối bù.
Lúc Lăng Sở gọi điện tôi mới nhớ ra chuyện thất hứa. Sau khi nghe tôi trình bày lí do, anh chàng quay xe rời khỏi khu nhà, bỏ qua cho tôi chuyện quên mất buổi hẹn.
Tôi cố tưởng tượng nơi mà chiều nay Lăng Sở muốn đưa tôi đến, nhưng đáng tiếc mãi mãi tôi không thể biết được. Giám đốc gõ mạnh lên bàn làm việc của tôi, tôi giật mình quay lại, mới phát hiện ra từ nãy giờ đầu óc tôi để tận đẩu đâu.
Nói đến vị giám đốc kinh doanh này, tôi thực sự không muốn phải qua lại với anh ta, đầu tóc anh ta lúc nào cũng chải gôm đến bóng láng, âu phục may cách điệu, thật chẳng khác nào một tay trai lơ. Tôi nghĩ thà anh ta cứ có gì dùng đó còn hơn làm đỏm thế này. Anh ta đi khỏi, xung quanh tôi còn vương lại mùi nước hoa vị quế rất nồng, giống như bụi từ mặt đất bốc lên, chỗ nào cũng có. Tôi dùng quyển sổ khua mạnh bốn phía xung quanh, lại vô ý đập vào đùi Ngô Tiểu u đang đi từ ngoài vào.
Cô ta có kêu “á” một tiếng rồi ngồi xổm xuống, xem xét tỉ mỉ xem chân có bị thương không.
Tôi tiếp tục ngồi đó như không có việc gì xảy ra, nghĩ đến câu “oan gia ngõ hẹp”.
Ngô Tiểu n ngồi xổm khá lâu rồi mới vịn tay vào bàn làm việc từ từ đứng lên. “Sao cô phải diễn trò lâu như thế?” Đây là câu đầu tiên tôi muốn nói với cô ta. Bà nội đã dạy tôi rằng chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ coi như không có gì, còn nữa, tha thứ rồi thì nên quên, những điều này đều là đạo lý bà dạy tôi. Những lời bà nói tôi chỉ có thể hiểu hai phần ba.
Ngô Tiểu n lại lườm tôi một cái, sau đó còn hất quyển sổ của tôi bay mỗi nơi một tờ. Hứa Y Thần tôi làmcó thể không tiếp chiêu cô ta bằng ánh mắt sắc lạnh cho được. Nếu lúc này tôi có con dao trong tay, tôi thật sự muốn moi tim cô ta ra xem thử rốt cuộc đồ con hoang đó ghét tôi đến mức nào. Tiếc là tôi lại không phải bác sĩ ngoại khoa, tôi không có quyền giải phẫu cơ thể người.
Ngô Tiểu n vào công ty thực tập, sau đó nhờ các mối quan hệ cá nhân, lại lập được một “chiến công hiển hách”, cho nên công ty mới đền đáp xứng đáng bằng việc giữ cô ta lại làm việc. Cô ta chuyển đến bộ phận thiết kế chúng tôi còn chưa được một tháng. Buổi tối, lúc tan sở, đèn trước cổng công tay vẫn sáng, tôi ngồi trên băng ghế, đợi phu xe Lăng Sở đến đón. Xa xa, một chiếc xe đạp dừng lại trước bậc thềm dưới lầu, Ngô Tiểu u đi ra, sau đó nhẹ nhàng ngồi ôm eo anh chàng đó. Tôi lập tức quay người đi, sợ cậu ta nhìn thấy tôi.
Nhờ ánh đèn vàng, nhìn thấy chiếc xe đạp đó chầm chậm đi khỏi, tôi mới quay lại. Hóa ra người bạn gái mà Hắc Tử đưa đón mấy ngày nay chính là cô ta.
“Haizz!” Lăng Sở học theo dáng điệu của tôi, buông tiếng thở dài.
“Phạm lỗi gì à?” Tôi nhìn anh ấy bằng ánh mắt khác thường, thật sự muốn nhéo hai tai anh ấy. Từ lúc nhìn thấy Ngô Tử n ôm eo Hắc Tử, tôi đã biết quan hệ của tôi và cậu ta phải kết thúc rồi. Cuộc sống hạnh phúc, con đường rộng lớn chúng tôi đang đi phải chia làm hai ngả.
Hứa Y Thần tôi từ trước tới nay chưa ghi thù ai, cũng vì từ nhỏ tới lớn tôi đều không thích làm mấy việc đó.
Từ đó về sau tôi cũng không mặt dày mày dạn mà ngồi sau xe Hắc Tử nữa. Mỗi khi nhìn thấy cậu ta, tôi thường tránh đi thật xa, tránh không được thì mới chào hỏi một câu.
Ngô Tiểu n cũng thường xuyên xuất hiện ở khu nhà tôi ở, nhưng bất đắc dĩ lắm tôi mới chạm mặt.
“Chị Y Thần, sao dạo này không mấy khi gặp chị?” Hắc Tử chống xe, tiến lại phía tôi.
“Chị Y Thần của cậu đang bận lắm.” Thực ra tôi có ý tránh Hắc Tử chỉ là vì sợ Ngô Tiểu u nhìn thấy. Cô ta lòng dạ hẹp hòi, có khi lại thêu dệt nên hàng trăm tin đồn nhảm.
Thêm một chuyện không bằng bớt đi một chuyện. Huống hồ tôi cũng chẳng hề muốn gặp cô ta.
Hắc Tử ngồi lên xe, nói với tôi: “Chị Y Thần, vậy em đi trước nhé.”
Hắc Tử từ trước tới nay vẫn lễ phép như vậy, xem chừng chín năm đi học của cậu ta thật không uổng công vô ích. Từ khi Hắc Tử có người yêu, mẹ cậu ta cũng không còn bám lấy tôi nói này nói kia nữa.
Về đến cửa nhà tôi mới phát hiện ra là mình quên mang chìa khóa. Từ khi Mỹ Tuệ chuyển đến đây, tôi càng ngày càng lười, mỗi việc đi đánh thêm một bộ chìa khóa nữa thôi mà tôi cũng cảm thấy quá phiền phức. Bấm chuông mãi mà không có ai ra mở cửa. Mỹ Tuệ, nha đầu này cũng không biết đã chạy đi đâu rồi?
Tôi dựa vào góc tường cạnh cửa đợi Mỹ Tuệ quay về. Tường xi măng lạnh buốt. Một lúc sau không thể chịu lạnh thêm được nữa, tôi đứng dậy rồi lại ngồi xổm, dáng vẻ vô cùng đáng thương. Dùng một câu nói để hình dung về tư thế hiện tại của tôi là nếu bưng thêm cái hộp thì có thể đi đến gầm cầu vượt kiếm sống.
Tôi mở điện thoại ra vui vẻ chơi trò Đấu địa chủ. Cầu thang rất yên tĩnh, hồi lâu cũng không có ai qua lại, sau đó tôi lại dựa lưng vào tường ngủ thiếp đi, ngủ rất ngon lành. Chỉ là trong lúc ngủ tôi không hề buông lỏng cánh tay đang ôm chặt cái túi xách của mình.
Đúng lúc tôi chuẩn bị đưa miếng bánh kem hình con thỏ vào miệng, đột nhiên lại cảm thấy lòng bàn tay tôi đang có vật gì đó, ấm ấm, ướt ướt. Sau đó còn nghe thấy tiếng thở kỳ lạ.
Tôi choàng mở mắt, cách chỗ tôi ngồi không đến năm centimét có một con chó đen to lớn. Não tôi hoàn mất đi khả năng khống chế: “Mẹ ơi”, sau khi kinh ngạc hét lên, tôi giống hệt một con bọ chét bay lên, rồi vội vã bỏ chạy.
Con chó đó cất tiếng sủa, tiếng nó như từ một nơi rất xa vọng đến, tim tôi đập thình thịch như một kẻ phát điên, lại vừa giống một phạm nhân không tìm thấy cửa ra của nhà tù. Tôi cúi đầu nhìn bàn tay bị con chó liếm, tức giận chùi chùi vào quần bò. Nước dãi chó rất dính, chùi mãi mà không đi hết.
Tôi vòng tay ôm lấy người, ngồi đợi trên chiếc ghê dài dưới lầu, nhớ lại chuyện vừa xảy ra. Hình như vừa xong vì căng thẳng quá khiến tôi quên mất điều gì đó, lắc đầu thật mạnh, tôi mới nhớ ra, con chó đó đã bị người ta dắt đi, mà người dắt đó chính là Lăng Sở.
Tôi lớn tiếng trách mắng, đứng bật khỏi chiếc ghế, đi lên nhà. Tôi thừa nhận là tôi sợ chó. Từ nhỏ đã sợ, và còn sợ đến lúc chết. Từ xa có hai bóng đen tiến về phía tôi, chân tôi không khỏi run lên. Nghĩ lại vừa xong tôi và con chó đen đó còn tiếp xúc thân mật, tim tôi không khỏi đập loạn lần nữa.
“Y Thần, em chạy nhanh thật đấy.” Anh chàng đó lên tiếng giảng hòa trước.
“Tìm bà nội có chuyện gì?” Đây là câu tôi thường dùng nhất khi bị kích động.
Lăng Sở chắp tay chào tôi một cái, rồi cười khoe hai chiếc răng cửa trắng bóng nói: “Người lớn nhà anh hơn tám mươi tuổi rồi, em so bì với bà làm gì.”
“Ai?”
“Bà nội anh.”
Những lời Lăng Sở nói nghe chừng không có lỗi, chỉ là mỗi chữ đều như phản bác lại suy nghĩ của tôi, anh chàng nay rất giỏi ăn nói, xem ra đây đúng là một tài năng ẩn dật.
Tôi nói tránh sang chủ đề chủ đề khác: “Anh không đi làm đi, không có chuyện thì đến đây làm gì?”
Lăng Sở dắt con cho tên là Đậu Đậu đó ngồi xuống chiếc ghế dài. Anh ấy vừa vuốt lông nó vừa chỉ đạo nó ngồi xổm trên đất. Tôi tìm một chỗ cách xa anh ấy, ngồi xổm xuống nhìn anh ấy say sưa trêu chọc con chó.
Từ trước tới giờ tôi chưa từng nghe nói tới chuyện Lăng Sở nuôi một con chó, cũng không hề biết mình đã hai mươi tư tuổi rồi mà vẫn còn sợ chó đến thế.
Lăng Sở dắt con chó vừa to vừa cao tên Đậu Đậu đó lại gần tôi hỏi: “Đẹp không? Sờ thử đi.”
“Này, cả hai tránh xa tôi một chút.” Tôi lườm anh ấy.
“Lại đây, sờ thử đi, thích lắm.” Lăng Sở khen nức nở.
Tôi giả bộ cười, sởn tóc gáy bước lên trước đưa tay ra, rồi vội vàng “ôi” một tiếng rồi rút tay lại nói: “Hừm, cái đuôi đẹp thật.” Tôi cũng không hiểu nổi mình lấy đâu ra dũng cảm để sờ vào con chó như thế, lại còn bình tĩnh đến vậy.
Lăng Sở nhếch miệng cười, không hề làm dáng: “Sao lại phải sợ như thế chứ?”
Tôi đá một hòn sỏi vào chân Lăng Sở, con chó cúi đầu trên đất ngửi ngửi.
Nhớ lại trước đây, khu nhà này cũng từng có một con chó, trông rất bẩn thỉu, lông trên người bết cả lại, thân hình còm cõi, chân khẳng khiu như que củi. Nó thường nằm trên chiếc thảm chùi chân đặt trước cửa các nhà. Sáng sớm, người trong nhà trở dậy đi làm là nó lặng lẽ rời đi. Hình như nó là một con chó hoang. Nó rất nhỏ, lại không biết cắn người, cho nên tôi không sợ nó. Có lúc nó ngủ ngoài cửa nhà người ta, chủ nhà sợ bẩn nên đuổi nó đi. Cũng có mấy lần con chó đó nằm trên thảm chùi chân nhà tôi ngủ. Tôi liền xem trong nhà có gì ăn được mang ra ngoài cửa cho nó một ít. Lần đó, tôi dậy muộn, vội vội vàng vàng chạy đến công ty, lúc ra đến cổng khu nhà bỗng gặp con chó đó run rẩy quỳ trên đất. Hình như nó đang đói, toàn thân ướt nhèm. Tôi động lòng bỏ ra hai hào mua cho nó một khúc dồi nướng, nó chạy đến, há miệng ngậm lấy rồi ngẩng đầu nhìn tôi. Tôi bận nhìn đồng hồ nên cũng chẳng để tâm đến nó nữa. Buổi tối tôi đi làm về, con chó vẫn ngồi chờ ở đấy, nhìn thấy tôi đi đến, nó vui mừng vẫy đuôi và đi theo tôi về nhà. Tôi nghĩ bụng, xong rồi, tôi đã tự rước họa vào thân, con chó đó bám theo tôi không rời, đuổi thế nào cũng không được, sau đó tôi không bao giờ cho nó đồ ăn nữa. Rất lâu sau, nó cũng thôi không bám theo tôi nữa, tiếp tục nằm ngoài cửa các nhà ở đây. Suốt cả mùa hè đều như vậy, đến mùa thu trời lạnh hơn thì không thấy nó đâu nữa.
Bây giờ nhớ lại, tôi thấy có chút day dứt.
Lăng Sở dắt con chó đó đến bên tôi hỏi: “Nghĩ gì thế?”
Tôi hoang mang đứng lên, xua tay nói: “Tránh xa tôi ra một chút.”
Cho đến lúc Lăng Sở nói với tôi, con chó này không phải là của anh ấy, mà là của một đồng nghiệp, anh ấy về thăm nhà nên mang nó đến nhờ Lăng Sở nuôi hộ một ngày. Tôi cười cười yên tâm, vội vàng nói: “Thế thì tốt, thế thì tốt.”
Gọi điện cho Mỹ Tuệ thì cô ấy đang đi trên đường, Lăng Sở mở xe lấy cho tôi chai nước khoáng, nhưng nhớ ra lòng bàn tay mình mới bị con chó đó liếm láp, tự nhiên tôi không thấy khát nữa. Lần này không phải là vì sợ, là tôi giữ vệ sinh mà thôi.
Thấy tôi đứng đó bất động, “chủ nhân” của con chó đó cũng đứng yên không nói. Mắt Đậu Đậu rất to và sáng, nhìn như mặt hồ thăm thẳm, lông của nó cũng rất mềm và mượt. Xem ra chủ nhân của nó tốn không ít tiền của và công sức để chăn sóc nó.
Nếu mang cho tôi một con chó, bảo tôi nuôi, tôi sẽ cảm thấy đó là một thú vui xa xỉ. Người còn chưa nuôi nổi, nói gì đến nuôi chó. Tôi cho rằng đó là những việc dành cho những người có tiền, mua bánh quy cho chó, mua nước hoa cho chó, tiền đó tôi không chi trả nổi. Những chuyện này đối với tôi mà nói chỉ là những chuyện xa vời.
Tôi vẫn ngồi cách xa, có lẽ phải cách đến bốn, năm mét.
“Ôi! Con chó này ở đâu ra vậy!” Mỹ Tuệ như gà nhìn thấy thóc, chạy như bay đến bên con chó như thể hai bên đã quen thân nhau từ trước vậy.
Tôi gọi Mỹ Tuệ quay lại, hỏi lấy chìa khóa nhà. Mỹ Tuệ là người rất thích động vật. Cô ấy thường xuyên mở lòng từ bi mang đám chó hoang, mèo hoang về nhà nuôi, nhưng cuối cùng chẳng có mấy conc ó thể sống lâu ở đó. Bố mẹ cô ấy thường mang chúng đi cho người thân nuôi dưỡng, hoặc nuôi chúng vài ngày rồi lại thả cho chúng đi.
Tôi tìm thấy một câu nhại tục ngữ rất thích hợp cho hoàn cảnh này, đó là: “Nuôi chó nuôi đến cùng, tiễn Phật tiễn đến tận Tây phương.”
Sau khi lấy chìa khóa, tôi một mình đi lên nhà, không biết bọn họ đã đưa con chó đi dạo mấy vòng quanh sân rồi. Tôi thò đầu nhìn qua cửa sổ nhìn xuống dưới, không ngờ lại nhìn thấy Hắc Tử ôm eo Ngô Tiểu u đi vào tòa nhà. Thật là Nguyệt Lão [3] se nhầm dây tơ hồng nên bọn họ mới ở bên nhau.
[3] Nguyệt Lão: nhân vật trong thần thoại Trung Quốc, chuyên quản việc hôn nhân ở thế gian.
Nếu thế dây tơ hồng của tôi hiện giờ đang ở đâu?
Mỹ Tuệ ngẩng lên, nhìn thấy tôi đứng bên cửa sổ liền gọi với lên: “Y Thần, mau xuống đây đi!” Tay tôi đang vén tấm rèm cửa sổ, đột nhiên buông thõng, thật là không muốn chết. Mặc kệ Mỹ Tuệ gào lên gọi tôi, tôi giả vờ không nghe thấy, ngồi trên sofa gọt táo ăn. Lúc sau vẫn thấy Mỹ Tuệ gọi, âm thanh xuyên cả kính cửa sổ, vọng vào trong phòng. Tôi không chịu được bèn nhoài người ra ngoài cửa sổ vẫy tay ra hiệu, sau đó xỏ vội đôi dép lê, đi xuống dưới lầu.
“Làm cái gì trên đó vậy?” Mỹ Tuệ phủi sạch bụi bẩn dính trên người tôi, giọng rõ ràng là đang chất vấn.
“Cái đó…” Tôi vẫn còn ngậm miếng táo trong miệng, hình tượng không được đẹp đẽ cho lắm.
Anh chàng Lăng Sở không biết đã lạc đi đâu rồi, chiếc xe của anh ta cũng không thấy đâu nữa. Kể cả con chó có tên Đậu Đậu ấy cũng không biết đã chạy đi đâu mất. Tôi đột nhiên muốn hắt xì hơi, sau đó quay người ngẩng đầu ngắm mặt trời lặn. Trên kính cửa sổ tầng ba có một bóng đen, Ngô Tiểu u đang đứng bên cửa sổ nhà Hắc Tử. Chúng tôi, bốn mắt nhìn nhau một lúc rồi cô ta mới chịu quay người rời đi với tốc độ của ánh sáng.
“Tiện nhân!” Tôi lỡ miệng nói ra từ không mấy dễ nghe đó, có lẽ là cơn giận trong lòng đột nhiên bộc phát. Chẳng gì thì cũng chính Ngô Tiểu u này đã làm tôi mất mặt trước cả công ty.
“Mắng ai thế?” Mỹ Tuệ đi bên cạnh, có vẻ vô cùng tò mò.
Tôi quay người đi lên lầu, đi một mạch lên tận tầng năm rồi mới đứng lại thở hổn hển. Vào nhà là tôi nhào ngay lên giường, ấm ức trốn trong chăn.
“Bảo cậu giữ Lăng Sở ở lại ăn cơm, kết quả lại nói thành mang con chó đó về trả cho chủ nó, thật là quá…” Mỹ Tuệ lẩm nhẩm như một bà già lắm điều.
Tôi trốn kĩ trong chăn, bụng nghĩ, đi càng tốt, ai thích giữ anh ấy ở lại chứ. Nằm cuộn tròn trên giường hồi lâu, tôi cảm thấy đầu óc rối loạn như một búi dây gai. Xoay người không biết bao nhiêu lần, cuối cùng tôi cũng không chịu được nữa, phải thò đầu ra khỏi chăn, hướng ra phòng khách, gọi: “Mỹ Tuệ!”
Mỹ Tuệ như cô dâu mới về nhà chồng, nhẹ nhàng đáp lại.
Tôi cũng lấy giọng nhẹ nhàng, nói với cô ấy: “Bạn thân yêu, tối nay làm món mì xào được không?”
Một lúc sau, vẫn không nghe thấy tiếng trả lời, sau đó từ phòng bếp vang lên hàng loạt âm thanh. Tôi nhảy vội xuống giường, dép cũng không kịp xỏ, chạy vội vào bếp. Mỹ Tuệ cầm dao họt hoa quả đứng đơ ra ở giữa bếp, ánh mắt đầy vẻ hoang mang. Tôi dõi mắt theo hướng tay cầm dao của cô ấy, một con cá đang giãy giụa trong túi trên bàn bếp.
Tôi đứng đó cười nghiêng ngả. Mỹ Tuệ vứt “choang” con dao xuống đất. Nha đầu này bị dọa đến ngốc mất rồi.
Ngừng một lát, Mỹ Tuệ ra lệnh cho tôi đi dép vào rồi vào bếp nhặt rau thơm giúp cô ấy. Tôi mặc tạp dề, ngồi trên ghế cao đánh vảy cá bằng dao thái rau. Cá đã được mổ, lấy hết ruột mà vẫn cố nảy người lên mấy cái trong tay tôi, chỉ là chết thì cuối cùng cũng vẫn là chết.
Tôi chưa từng mổ cá, hồi nhỏ mới chỉ được xem mổ gà. Hóa ra mổ cá và mổ gà không giống nhau.
Mỹ Tuệ đem cá đi rửa mà như thể đang báo thù nó, nha đầu này bắt đầu trổ tài làm món tùng thử quế ngư [4], tôi ngồi một bên theo dõi.
[4] Một món ăn làm từ cá, là món ăn tiêu biểu mang phong vị của vùng Giang Tô – Trung Quốc.
Làm cá xong, tay tôi đầy mùi tanh, cho dù đã dùng hết nửa bình nước rửa tay mà mùi tanh ấy vẫn còn. Trước đây, tay tôi cũng từng có mùi tanh của máu.
Mỹ Tuệ bận rộn đi lại trong bếp, cuối cùng tôi cũng hiểu Tùng thử mẫu quế ngư mãi mãi ngon hơn mì xào. Lúc mùi thơm nhè nhẹ bay lên, tôi càng khẳng định ăn ngon đối với tôi rất quan trọng, lại nhớ đến món thịt bò bít tết ăn kèm khoai tây của Y Dương, không biết đã bao lâu, bao lâu rồi không gặp anh ấy.
Có lúc tôi không cưỡng lại được ý muốn nghĩ cách đến Bắc Kinh thăm anh ấy, nhưng cuối cùng vì vô vàn lý do mà không thực hiện được.
Ăn cơm xong, tôi ngồi một mình trong góc phòng ngủ hút thuốc, đèn tắt rồi, cả gian phòng tối mờ. Vô tình tôi lại nghe thấy tiếng dép của Mỹ Tuệ quét trên nền nhà nhưng quay lại nhìn hai lần đều không thấy. tôi nép chặt vào góc tường, đầu trống rỗng.
Ánh đèn trong phòng Mỹ Tuệ sáng đến quá nửa đêm, tôi sợ nói ra cô ấy lại thêm nghĩ ngợi, hơn nữa, cũng không biết phải nói thế nào mới được.
Lúc này, điện thoại để trên bàn bỗng đổ chuông, rung ầm ĩ. Tôi đứng bật dậy, vội vàng dập tắt điếu thuốc trong tay, chạy đến nhận điện thoại.
Không biết là ai gọi nữa, mới có một hồi chuông đã tắt máy rồi. Tôi xòe tay xoa xoa vào quần áo, trời chưa lạnh lắm mà bàn tay tôi đã lạnh như băng.
Tôi ấn vào số 1 trên bàn phím, vị trí quay số nhanh đó mãi mãi thuộc về Y Dương.
“Xin lỗi, số máy quý khách vừa gọi hiện đang tắt máy. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau.” Chỉ nghe tiếng cô nhân viên tổng đài nói với tôi.
Ánh trăng chiếu lên cửa sổ nhà tôi. Tôi nghĩ rằng sẽ không có ai có thế ở bên tôi cả đời, con người ai cũng phải cô độc, ai cũng sẽ phải cô đơn. Cũng giống như bầu trời đêm nay vậy, tôi chỉ nhìn thấy một vì sao.
Nghĩ quá nhiều thường sẽ mất ngủ, nhưng không biết vì sao, sau đó tôi ngủ rất ngon.
Hôm sau, trên đường về nhà, một chiếc xe đi lướt qua tôi, bấm còi inh ỏi, không cần nhìn cũng biết là Lăng Sở.
“Tôi đói rồi, muốn đi ăn bánh ngọt.” Câu này là câu đầu tiên tôi nói với anh ấy. Không hề nhận thấy đó là yêu cầu vô lý, chỉ biết là cứ gặp anh chàng này là tôi lại nói thế. Giá có một xiên kẹo hồ lô, đáng tiếc là bây giờ người ta không còn bán nữa.
“Gần công ty em hình như có một cửa hàng bánh ngọt mới mở. Anh nhớ lúc đi trên đường đã nhìn thấy.” Nói rồi, Lăng Sở đánh tay lái, quay xe lại.
Tôi vừa muốn nói câu gì đấy thì sẽ đã rẽ rồi. Tôi đánh giả vờ im lặng, cười mà không đáp. Tôi hối hận vì tại sao tự nhiên mình lại nói muốn ăn bánh ngọt, lại còn là bánh ngọt sôcôla dài của nhà Hắc Tử.
Lúc xe dừng bên đường, tôi giả vờ bị đau bụng, Lăng Sở có vẻ thắc mắc, chắc đang nghĩ bụng tôi vừa mới khỏe như thế, sao đột nhiên lại đau bụng ngay được.
Tôi khẽ cười cười với anh ấy: “Anh đi mua bánh đi, tôi ngồi trong xe đợi anh.”
Lăng Sở lo lắng nhìn tôi, mở cửa xe, đi vào cửa hàng bánh ngọt nhà Hắc Tử.
Tôi ngồi trên xe, uể oải nghe chương trình trên đài phát thanh, ngắm nhìn dòng xe đi lại trên đường. Bên ngoài gió rất to, bụi bay mù mịt. Tôi nhìn thời gian trên điện thoại, đã hơn mười phút rồi. Lăng Sở này rốt cuộc là đi mua bánh ngọt hay đi làm bánh ngọt, tôi đưa hai tay ôm đầu vẻ vô cùng buồn chán.
Cửa xe mở ra, Lăng Sở đưa cho tôi hai hộp bánh: “Gặp hàng xóm mà sao không qua chào hỏi một câu?” Dáng vẻ anh ấy đầy nghi ngở hỏi tôi.
“Sao?” Tôi không hiểu ý Lăng Sở, bèn hỏi ngược lại.
“Đó là hiệu bánh nhà Hắc Tử, không phải sao? Cậu ấy còn nói cho anh biết em rất thích ăn loại bánh sôcôla thanh dài, nhưng không may loại bánh đó trong quầy đã bán hết rồi, thế là cậu ấy còn đặc biệt làm cho em hai cái cỡ lớn.” Nói xong, Lăng Sở cười rạng rỡ.
Tôi mở hai cái hộp, quả thực là bánh to hơn nhiều so với loại vẫn bày bán trong tủ kính. Tôi tham lam đưa tay bẻ một miếng bánh cho vào miệng, vị ngọt lịm.
“Hắc Tử có biết anh mua bánh cho tôi không?” Tôi đậy nắp hộp lại, nhìn sang Lăng Sở.
“Trí nhớ của em không được tốt cho lắm nhỉ?” Lăng Sở không giải thích, chăm chú lái xe.
Đột nhiên nhớ đến chuyện bốn chúng tôi đã cùng chơi bài, tôi hiểu ra. Tôi nhìn dòng người đứng phía trước hỏi: “Sao lại dừng?”
Lăng Sở đưa mắt quan sát bên ngoài rồi trả lời: “Đang đèn đỏ.”
Tôi ngẩng đầu nhìn theo ánh mắt của Lăng Sở, ánh nắng mặt trời rất chói mắt, giống như chiếc đèn pin khổng lồ rọi thẳng vào mắt tôi. Tôi vừa ăn bánh ngọt vừa ngắm nhìn dòng người dừng đèn đỏ.
Tôi dùng nĩa xiên một miếng bánh ngọt đút cho Lăng Sở, anh ấy cười cười nói: “Không ngờ trên đời còn có loại bánh ngọt ngon như thế này.”
Tôi không biết Lăng Sở có tán thành với ý kiến của tôi không, chỉ biết đây là hương vị có một không hai mà tôi thích.
Cửa hàng bánh rất vắng vẻ, lúc xe chạy qua, tôi nhìn thấy Hắc Tử treo tấm biển: “Tạm nghỉ”. Con đường quen thuộc, cửa hàng quen thuộc, chỉ là rất lâu rồi tôi không tới đó.
“Y Thần à, lâu rồi không gặp.” Mẹ Hắc Tử chạy lại, tay trái xách làn rau, tay phải xách đủ loại gà, vịt, thịt, cá.
Tôi cười “hi hi”, nghĩ bụng chỉ là bác không nhìn thấy cháu, chứ cháu ngày nào cũng nhìn thấy bác.
Mẹ Hắc Tử có hàm răng khấp khểnh, bác cười rất tươi khoe với tôi: “Hắc Tử đã tìm được một cô bạn gái rất tốt rồi.” Tôi nhận ra trong giọng nói của bác ấy có chút run run vì xúc động.
Tôi đứng một bên, giả bộ lắng nghe. Mẹ Hắc Tử giữ chặt cái túi đựng con cá còn đang giãy giãy, hỏi tôi: “Y Thần, cháu có biết mổ cá không?” Dáng vẻ bác ấy lúc này hơi giống những đặc vụ của Thượng Hải trước đây, cà nhắc cà nhích đến gần tôi hỏi.
Còn chưa kịp suy nghĩ xem nên nói thế nào thì từ “biết ạ” đã nhanh chóng buột khỏi miệng tôi.
Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi lại giống như mấy hôm trước, đeo tạp dề ngồi trên ghế cao ngoan ngoãn dùng con dao thái rau rất sắc đánh vảy cá, lúc tôi moi ruột cá, mẹ Hắc Tử ở trong bếp vui đến mức cười nói không ngớt, có lúc còn ngân nga mấy câu hát.
“Y Thần à, Hắc Tử và bạn gái nó sắp về rồi, cháu cũng ở lại cùng ăn cơm nhé.” Mẹ Hắc Tử vừa thái rau vừa liến thoắng mời tôi, nghe xong câu này, tôi cũng nhanh chóng mổ cá, moi ruột, móc mật, sau đó rửa sạch hai bàn tay dính đầy máu cá tanh ngòm, cởi tạp dề rồi ra khỏi bếp. Mẹ Hắc Tử cố giữ tôi lại, để tránh cảnh giằng co khó xử, tôi nhanh trí ấn nút cuộc gọi giả trên di động, điện thoại liền đổ chuông, tôi vội vã ấn nút nghe.
“Được, tớ về ngay đây.” Câu nói này cuối cùng đã hoàn thành sứ mệnh của nó là kết thúc cuộc giằng co.
Mẹ Hắc Tử dắt tay tôi, tay bác ấy dính đầy bột mì tiễn tôi lên lầu, lý do là tôi phải về nhà thay quần áo. Tôi tắm hơn ba mươi phút, dùng hết bột giặt đến xà phòng thơm, nước rửa bát… để khử hết mùi cá tanh dính trên tay. Đây là lần thứ hai tôi mổ cá. Người ta thường nói, sống trên đời, nếu làm điều gì sai ác, đến lúc chết đi sẽ bị giáng trả, phải nếm trải những chuyện đó. Tôi bán tín bán nghi, từ sau khi sát sinh đến nay, trong lòng cũng có chút sợ hãi.
Đúng lúc ấy có người dùng lực đẩy cửa, tôi giật mình, rửa sạch tay, chạy vội ra cửa.
“Dì à, mời dì vào nhà ạ!” Nói rồi, tôi đẩy cửa ra.
Người phụ nữ nhìn bề ngoài rất bình thường này là mẹ Mỹ Tuệ, thân hình mảnh mai, da dẻ mịn màng, đúng là người Thượng Hải điển hình. Hồi học đại học, tôi thường đến nhà dì ấy ăn chực mà không cần có lý do gì cả. Món khoai tây chao đường của dì ấy có chết tôi cũng không quên được. Tôi tìm một vòng quanh bếp mới thấy cái cốc uống nước để trên tủ bát.
“Mỹ Tuệ không có nhà, dì tìm cậu ấy có việc gì không ạ?” Tôi đưa trà mời dì ấy.
“Nha đầu đó từ khi chuyển đến đây, chưa về qua bên nhà lần nào, dì và chú cháu rất nhớ nó.” Dì ấy quay đầu nhìn khắp nhà một lượt.
Tôi cúi đầu lẩm nhẩm tính toán, Mỹ Tuệ chuyển đến đây cùng lắm cũng mới được mười mấy ngày, có lâu lắm đâu. Đúng thật là con gái rượu thì nhất định phải giữ chắc trong tay kẻo mất, ngậm chặt trong miệng kẻo tan. Tôi có chút đố kỵ, mẹ tôi lại chẳng quan tâm đến tôi như thế. Cũng là mẹ và con gái mà sao lại xa cách nhau như thế chứ?
Tôi gọi cho Mỹ Tuệ, nói nha đầu đó phải về nhà ngay.
“Y Thần, gần đây cháu thế nào? Sao lâu rồi không thấy cháu qua nhà dì chơi?” Dì ấy vỗ vỗ vai tôi, quan tâm hỏi han.
“Dì à, đi làm rồi mới biết bận thế nào, không giống như hồi còn đi học, muốn đi đâu là đi đấy. Đến bây giờ cháu mới hiểu được nỗi khổ này của con người.” Tôi càng nói càng diễn cảm, giống như đang đọc diễn cảm một đoạn tiểu thuyết ngôn tình vậy, lại như có ý nịnh hót, biện hộ.
Nói xong, tôi ngẩng lên đã nhìn thấy Mỹ Tuệ xuất quỷ nhập thần bước vào, sau khi chào hỏi, tôi liền kiếm cớ bận việc để lui vào phòng.
Hoàn cảnh này đột nhiên khiến tôi nhớ tới mẹ, cho dù là khoảng cách gần như thế vẫn cảm thấy nhớ, rất nhớ.
“Mẹ, mẹ đang làm gì thế?” Số điện thoại di động của mẹ tôi thực sự rất khó nhớ.
“Chấm bài thi. Nha đầu này, con không đi làm à?” Mẹ tôi luôn dùng giọng điệu răn dạy của bề trên để nói chuyện với tôi, đó là nỗi buồn của người thời nay.
Lúc trước tôi muốn nói chuyện với mẹ, bây giờ nghe bà nói chuyện công việc, cổ họng tôi như bị mắc xương, chẳng nói được gì nữa.
“Con tan làm rồi, không có chuyện gì đâu ạ, là nhớ mẹ thì gọi điện thôi.” Tôi hoang mang giải thích.
Giọng mẹ tôi hơi khàn, hình như bà bị cảm. Tôi luôn cảm thấy thiếu hơi ấm của mẹ, có thể từ nhỏ đến lớn đã luôn thấy như vậy. Người ta thường nói, con cái mắc nợ bố mẹ cả đời này, không biết câu nói đó đúng hay sai nữa. Nếu như là mắc nợ, vậy tại sao lại mắc nợ?
Mỹ Tuệ đi ăn tiệm cùng mẹ cô ấy, tôi đắn đo hồi lâu rồi mới lựa chọn ở nhà ăn mì.
Tôi không tránh khỏi cảm thấy cô đơn, không chịu nổi, bèn gọi điện cho Y Dương. Nhạc chờ điện thoại của Y Dương trước đây là Bà xã, bà xã, anh yêu em, bây giờ đã đổi thành bài hát Yêu một người là sai lầm. Tôi ngây người hồi lâu, sau đó từ từ tắt máy. Lẽ nào sau khi chia tay người ta sẽ hối hận vì đã yêu?
Sau đó, anh gọi lại, tôi lấy hết dũng khí nhấn nút nghe.
“Y Thần à, có chuyện gì không?” Giọng nói của Y Dương thay đổi rồi, giọng điệu cũng thay đổi, ngay cả câu nói này cũng mang âm sắc của giọng Bắc Kinh. Có lẽ thời gian lâu như vậy đủ giúp anh ấy thích nghi với cuộc sống ở nơi thành đô xa lạ đó.
Tôi do dự một lát, thật sự không biết mình phải nói gì nữa.
“Em đang làm gì vậy? Đã ăn cơm chưa?” Y Dương hỏi tiếp.
Đột nhiên, nước mắt tôi lại ứa ra, dù tôi không hề muốn khóc. Câu nói của Y Dương vẫn khiến tôi xúc động như vậy, bởi vì trong lòng tôi, vị trí của anh ấy mãi mãi không thay đổi.
Tôi dùng tay bịt chặt miệng, cố ngăn tiếng nấc nghẹn vọng vào điện thoại.
Lúc này tôi rất muốn nói với Y Dương, em gọi điện thoại cho anh vì em nhớ anh, việc duy nhất em đang làm lúc này là ngồi nhớ anh. Còn nữa, em ăn tối rồi, ăn mì ăn liền, em đang rất muốn ăn khoai tây chiên anh làm.
Muốn nói nhiều như vậy, nhưng kỳ thực nãy giờ tôi vẫn im lặng, nước mắt từng giọt từng giọt rơi xuống điện thoại đang cầm trên tay, nhỏ cả xuống bức ảnh chúng tôi chụp chung ngày trước. Có lẽ sau này, bức ảnh này sẽ trở nên nhàu nhĩ, giống như ký ức bị hong khô.
Khi nhớ tới Y Dương, tôi thường nhớ tới những kỷ niệm đẹp đẽ mà chúng tôi đã từng có, ấm áp, ngọt ngào…
Lúc Y Dương gọi điện, điện thoại của tôi đã sắp hết pin, không nhớ rõ chúng tôi đã nói những gì, chỉ thấy câu nói: “Nhớ bảo trọng” của Y Dương khiến tim tôi lại đau nhói.
Thời gian trôi đi rất nhanh, xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa luân chuyển. Tôi buồn bã nhìn ra ngoài cửa sổ, chợt thấy tôi vẫn còn kịp tận hưởng không khí dễ chịu của mùa thu thì đất trời đã chuyển sang những ngày đầu đông mất rồi.
Không biết từ lúc nào, bên ngoài khu nhà tôi ở đã mọc lên mấy tòa nhà cao ốc, dường như chỉ sau một đêm đã được xây xong, cứ như dùng cây đèn thần của Aladin để ước vậy, thật là thần tốc.
Xét cho cùng, mấy tháng gần đây, ngày nào cũng như ngày nào, tôi đi làm, ăn cơm, đi ngủ, và còn có cả nhớ Y Dương nữa.
Tại sao con người được coi là động vật cao cấp? Là vì con người có tình cảm, và chính thứ tình cảm này đã giày vò tôi đến mệt mỏi vô cùng.
Tôi ngồi trên sofa, không biết liêm sỉ mà gọi điện cho Lăng Sở. Giọng run run, giống như bị trúng gió, nói là vì thèm ăn dâu tây nên lạc cả giọng. Lăng Sở vội tắt điện thoại, mặc áo khoác dày, chạy ngay đến siêu thị gần nhất mua dâu tây tươi cho tôi. Còn tôi thì lười nhác nằm trên sofa, đắp một cái chăn rất dày, không hề động đậy.
Tôi rất thích ăn hoa quả trái vụ, ví dụ như mùa hè tôi hay thèm ăn quýt, mùa thu tôi lại thích ăn đào, mùa đông tôi lại thích ăn dâu tây. Tôi cảm thấy sở thích về hoa quả của mình thật không giống với người bình thường chút nào.
Có lần, tôi tìm mua ở rất nhiều nơi mà không mua được dâu tây tươi, bởi vì đã hết vụ. Sau đó lăng Sở gọi điện cho tôi, tôi lạnh lùng nói với anh ấy rằng cho dù có phải đến Mexico cũng phải đi. Quả nhiên sau đó anh ấy đi tìm thật.
Kỳ thực tôi nghĩ là không tìm được cũng không sao, nhưng tính khí ngang ngạnh, ương bướng đã khiến tôi cứ khăng khăng nói với Lăng Sở như vậy.
Tôi lo lắng nhìn điện thoại, đã một tiếng hai phút rồi. Bây giờ đã là bốn giờ chiều, điện thoại của anh ấy lại không gọi được, luôn trong tình trạng tắt máy. Tôi cũng không còn bụng dạ nào mà xem ti vi nữa, vội vàng mặc thêm áo rét, đi xuống dưới lầu ngóng anh ấy. Tình cảnh của tôi lúc đó giống như một người bị kẹt ở cửa, ra không được, vào cũng không xong, khổ sở vô cùng.
Lúc trời sẩm tối, từ xa tôi nhìn thấy dáng người đã khiến lòng tôi đang như có lửa đốt vì phải chờ lâu như vậy, sau đó giống như một đứa trẻ đáng thương bị lạc tìm mãi không thấy nhà, tôi muốn lao vào vòng tay của Lăng Sở.
Lăng Sở không nói gì, vui vẻ đưa dâu tây đến trước mặt tôi, giọng khàn khàn nói với tôi: “Dâu tây của em.” Tôi choàng tay qua vai anh ấy, dáng vẻ rất đáng thương. Hóa ra con người đều là những sinh linh mềm yếu. Cho dù tôi không biết người phải nổi giận trong trường hợp này là tôi hay anh ấy.
Lăng Sở không nói cho tôi biết anh ấy phải đi bao nhiêu nơi mới mua được chỗ dâu tây này. Tôi lo lắng lấy thuốc và nước ép anh ấy uống, còn bắt anh ấy cặp nhiệt độ nữa. Tôi đem dâu tây ép thành nước cho anh ấy uống. Lăng Sở giống như một sinh mệnh yếu đuối đợi người khác đến bảo vệ. Đúng thế, anh ấy vì tôi mà ốm một trận.
“Đó là gì vậy?” Lăng Sở chỉ cốc nước đỏ đỏ trên tay tôi, hỏi.
“Máu người.” Tôi trả lời
Cuộc sống của tôi cứ thế trôi đi, hằng ngày có cơm ăn cũng là hạnh phúc rồi. Thời tiết rất lạnh, không khí trong khu nhà càng lạnh lẽo hơn. Hắc Tử xuất quỷ nhập thần xuất hiện sau lưng tôi, cái người gọi là Ngô Tiểu u ấy bây giờ chỉ là người đã từng đi qua đời tôi, cô ta nghỉ việc ở công ty, rồi “bắt cóc” Hắc Tử cùng về nhà cô ta. Hắc Tử nói với mẹ là ở đó buôn bán dễ hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, đợi bọn họ kiếm được nhiều tiền rồi sẽ kết hôn. Mẹ cậu ta tuy rất đau lòng nhưng cũng đành ở đây đợi con trai quay về.
Tôi cho rằng tiền kiếm biết bao nhiêu là đủ, càng kiếm càng thiếu, cho nên tôi không mấy tin vào những lời cậu ta nói.
Trước khi chuyển đi, Hắc Tử cũng không thèm tạm biệt tôi lấy một lời, chỉ nhờ mẹ cậu ta chuyển cho tôi hai cái hộp. Tôi mở ra, bên trong đều là bánh ngọt. Nghe nói cửa hàng bánh ngọt của Hắc Tử đã được bán lại cho người khác. Sau khi cậu ta chuyển đi, tôi đến nhiều cửa hàng bánh ngọt khác nhưng cũng không thể nào tìm được loại bánh sôcôla thanh dài như ở đây. Ông chủ những cửa hàng kia rất nhiệt tình giới thiệu cho tôi những loại bánh ngọt đặc biệt khác nhưng tôi đều không thích, sau đó lặng lẽ bỏ đi.
Người xưa nói rất đúng, người đi trà cũng nguội.
Từ đó về sau, tôi không còn gặp lại cái người tên là Hắc Tử ấy trong khu nhà này nữa, cũng không nghe thấy tin tức gì liên quan đến cậu ta.
Tuổi trẻ yêu đương có ai mà không quấn quýt, cũng giống như chúng tôi đã từng kề vai sát cánh, cũng từng như hình với bóng, cũng từng tâm đầu ý hợp, chỉ là đôi bên còn chưa kịp nói lời chia tay thì những hồi ức đó đã bị bụi phủ lên từng lớp, từng lớp một.
Hóa ra chúng tôi luôn sống rất dũng cảm.
Tôi vẫn ở phòng 501 trên tầng năm. Mỹ Tuệ mới được thăng chức nên càng bận rộn. Cô ấy cả ngày vất vả như con bò già vẫn phải kéo xe. Mùa đông ở nơi đây chưa có tuyết rơi, tôi đã thấy rất thương cô ấy.
Tôi chui vào trong cái chăn dày, lười biếng cuộn mình trên sofa, không ngừng bấm điều khiển chuyển kênh. Vì một chương trình hài chẳng buồn cười chút nào mà cười nghiêng cười ngả.
Cuộc sống của tôi vẫn đều đều trôi qua, mùa đông năm nay có hiu quạnh hơn một chút.
Sáng sớm, mẹ tôi đã gọi điện bảo tôi về ăn cơm trưa, tôi lười biếng nhận lời rồi bò dậy khỏi sofa.
“Hứa Y Nam, anh đang ở đâu?” Tôi canh giờ Hứa Y Nam tan ca để gọi điện.
“Đang trên đường về nhà.” Anh ấy rõ ràng là đang rất cảnh giác.
“Qua đây đón em nhé, em đang ở nhà trọ.” Nói xong, tôi liền nhanh tay tắt máy.
Tôi chậm rãi gội đầu, không dùng máy sấy mà để cho gió tự nhiên thổi khô mái tóc. Hứa Y Nam ngồi trong chiếc xe Alto đợi tôi dưới lầu, đã mấy lần bấm còi ra hiệu mà không thấy tôi xuống nên cuối cùng cũng chẳng tiếc mấy nhân dân tệ mà gọi điện giục tôi, tôi không muốn lãng phí hai hào của anh ấy nên thay vì ấn nút nghe, tôi nhấn luôn phím tắt.
Tôi nói rồi, tôi không có khái niệm thời gian, thế nhưng trước khi mái tóc tôi khô hẳn, tôi không thể không đi xuống dưới. Hứa Y Nam dùng ánh mắt vô cùng tức giận nhìn tôi, còn lên giọng trách mắng tôi: “Hứa Y Thần, em đúng là đồ con heo, lãng phí thời gian, em sẽ chết sớm thôi.”
Tôi mặt dạn mày dày, chớp mắt cãi lại anh ấy: “Heo?” Heo chẳng phải rất sướng sao? Ngủ rồi ăn, ăn rồi ngủ. Anh chẳng phải là một ví dụ rất điển hình hay sao?”
Hứa Y Nam giận tím mặt, bỏ thanh kẹo cao su vào miệng rồi nhếch mép nói với tôi: “Anh đã từng gặp nhiều loại người trơ trẽn, nhưng chưa từng gặp ai trơ trẽn đến như em. Mong là đừng ai biết em là em gái anh.”
Tôi lè lưỡi trêu lại: “Ai thèm nhận là em gái anh?”
Vừa mới vào đến cổng khu nhà, đã thấy Hàn Cần Hiên từ trong chạy ra, sau đó quay lưng về phía xe, luôn miệng gọi: “Cún, cún… mau tới đây.”
Tôi nghe thấy câu này, lập tức run rẩy. Chó à? Ở đây có chó sao?
Hứa Y Nam đang dựa bên xe, vội vàng chạy đến đó. Tôi ngồi im trên xe, không dám xuống, chỉ sợ vừa thò chân qua cửa xe sẽ bị con chó đó cắn ngay một miếng. Hàn Cần Hiên giống như đứa trẻ bị mất đồ, cứ vạch vạch tìm tìm mấy khóm hoa trong bồn. Tôi ở phía sau quan sát chị ấy hồi lâu, bà chị dâu này quả thật gần đây béo lên khá nhanh, khuôn mặt tròn trịa, dáng người đẫy đà. Lẽ nào đúng như người ta thường nói, phụ nữ sau khi kết hôn giống như được bay lên thiên đường.
Tôi đang vò đầu suy nghĩ xem có nên thử kết hôn không thì Hứa Y Nam gõ gõ vào cửa xe, tôi hạ kính xuống hỏi: “Có chuyện gì?”
Hứa Y Nam cốc cốc lên đầu tôi, nói: “Còn ngồi đấy làm gì, mau xuống tìm giúp đi.”
Tôi trợn mắt lườm anh ấy: “Liên quan gì đến em, nó có phải con em đâu.” Sau đó tôi kéo kính xe, làm mặt hề trêu anh ấy.
Hứa Y Nam vô cùng tức giận, quay về phía tôi, “hừm” một tiếng rồi lại quay người đi về phía vườn hoa tìm con chó.
Sau này tôi mới biết, con chó đó không phải là một con chó bình thường, hoặc chí ít sau này nó cũng sẽ không bình thường. Hứa Y Nam muốn tìm một giống chó nổi tiếng để phối giống cho nó. Tôi nghĩ bụng, cho dù có sinh ra chó con thì nó cũng chỉ là một con chó không thuần chủng thôi. Thêm một chuyện không bằng bớt đi một chuyện, tôi không nói, cũng chẳng quan tâm thêm nữa.
Trong bữa ăn, mẹ tôi rất nhiệt tình gắp thức ăn cho tôi, cái gì mà sườn xào chua ngọt, cánh gà tẩm mật ong, nhiều đến mức tôi ăn đến phát ngán.
Tôi thấy có một câu nói rất đúng, con có mẹ như viên ngọc quý, con không có mẹ như gốc rạ gầy.
Mấy hôm sau, Mỹ Tuệ tuyên bố sẽ không dùng điện thoại mấy ngày. Nhưng tôi nghĩ điện thoại có rất nhiều tác dụng, không có nó không biết loài người sẽ phải sống như thế nào. Mỹ Tuệ ở nhà một mình, nha đầu mày đã mấy ngày rồi không lộ diện, mấy ngày nghỉ này, cô ấy đều trầm tư suy nghĩ, thật là khiến người khác khó mà hình dung nổi.
Tôi ngồi xổm trên nền nhà tắm giặt quần áo, nước rất lạnh, quần áo đã dày, lại không giặt máy được, thật là khổ sở.
“Mỹ Tuệ, cậu có biết đằng sau câu “bồ đề bản vô thụ” là câu gì không?” Tôi đột nhiên nghĩ đến câu hỏi của Lăng Sở đọc cho tôi nghe lần trước, không nhớ là thơ hay là cái gì nữa.
“Câu này…” Mỹ Tuệ quay người đi suy nghĩ hồi lâu.
“Là bài này: Bồ đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài, bản lai vô nhất vật, hà xứ hữu trần ai? [5] ” Mỹ Tuệ đọc rất trôi chảy bốn câu kệ này. Nhưng đầu đất tôi chẳng thể nào nhớ được.
[5] Bài kệ này là bài kệ của thiền sư Huệ Năng họa lại bài kệ của Thần Tú. Bài kệ của Thần Tú viết rằng: “Thân thị Bồ đề thụ, tâm như minh kính đài, thời thời cần phất thức, mạc sử nhạ trần ai”. Nghĩa là, bản thân con người như cây Bồ đề, tấm lòng giống như chiếc đài gương, vì vậy cần phải thường xuyên lau chùi, để giữ cho tâm hồn trong sạch, không nhiễm bụi trần. Huệ Năng họa lại: “Bồ đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài, bản lai vô nhất vật, hà xứ hữu trần ai?” Nghĩa rằng, Bồ đề vốn không phải là cây, gương sáng vốn cũng chẳng có đài, từ xưa tới nay vốn chẳng có vật gì, vậy thì làm sao mà có chuyện dính bụi được.
Hôm ấy, trên đường đi, Lăng Sở giảng giải về nó cho tôi đúng ba mươi phút nhưng tôi không thể nhớ nổi, xem chừng là trung khu thần kinh của tôi bị nghẽn mạch rồi. Thật là kém cỏi, học thuộc lòng cũng thấy khó khăn.
“Đúng, đúng, đúng.” Tôi gật như bổ củi, trí nhớ của Mỹ Tuệ thật là phi phàm.
Những câu thơ này có lẽ có ý nghĩa gì đấy, chỉ bởi vì đối với tôi, những gì Lăng Sở tiên sinh đó nói tôi quên sạch từ lâu rồi.
Giặt xong quần áo, tôi vội vàng chui vào trong chăn, đôi tay ngâm lâu trong nước lạnh nên hơi sưng. Tôi thực sự cho rằng lạnh như thế này, cho dù có là ai cũng không chịu nổi. Tôi nằm gọn trong chăn, thò tay ra ngoài mở di động chơi trò chơi, sau đó không biết ngủ quên từ lúc nào.
Mọi người thường nói, một phần ba cuộc đời mỗi người là dành để ngủ, nhưng xem ra, đối với tôi, thời gian ngủ phải lên tới gần hai phần ba cuộc đời.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.