Giống Rồng

Chương 12.4: Vì sao sáng đổi ngôi, kẻ thức thời đổi dạ




Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười hai
Thành Phục Hòa Lý Toàn giết sói lang.
Mất tướng tài quân châu Phong sinh loạn.
Chương 12.4 Vì sao sáng đổi ngôi, kẻ thức thời đổi dạ
Thăng Triều lên ngựa, đám quân lính mệt nhọc chạy theo sau. Cứ mỗi đoạn bờ đê lại có vài tên thở không ra hơi tự ý rời khỏi hàng ngũ ngồi xuống vệ cỏ để nghỉ ngơi lấy sức. Thăng Triều xót thương cho đám quân lính theo mình bấy lâu mà không trách cứ đám ấy.
Thăng Triều cố thúc ngựa thật nhanh chạy tới một bãi đầm nước lớn có sẵn thuyền nhỏ ở đó. Quân tướng họ Vương nhanh chóng lên thuyền đi theo người đàn ông kia đi qua một bãi lau sậy lớn tới một đảo giữa lòng đầm. Bấy giờ Thăng Triều đã hết cơn mệt mỏi, hỏi lại người đó.
Người đó liền đáp ngay:
- Tôi là Chử Thoán. Người huyện Chu Diên, thấy người gặp khó khăn nên hô hào đám người trong làng tới giải cứu. Đã khiến tướng quân hoảng sợ.
- Có phải hậu nhân tứ bất tử Chử Đồng ở đầm Dạ Trạch hay không?
Thoán đáp:
- Bẩm đúng là như vậy. Tôi cùng cha bị quan quân bắt bớ khi còn ở Hà Thị vì bị buộc tội phản nghịch. Năm đó, em gái tôi Chử Thị cùng chồng nó là Phạm Đan theo nghĩa quân của Dương Chí Liệt.
Thăng Triều vội nhận người quen, cúi thấp mình bái lạy khiến Chử Thoán cảm thấy không xứng liền quỳ gối lạy chào viên thứ sử. Thăng Triều kéo vội Thoán đứng dậy, giọng nói đầy cảm kích:
- Thật may gặp được anh vợ của Phạm tướng quân ở đây. Nếu không ta và quân lính của ta đã bị giết hết. Liệu rằng có thể cho thuyền chở đám lính còn đang ở phía bờ đê hay chăng.
Chử Thoán suy tư một lúc rồi lắc đầu:
- Chỉ e quân địch đã đuổi tới, nếu đám lính đó chạy theo ta mà dẫn quân địch tới đây không khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Theo tôi, tướng quân hãy nghỉ ngơi cho lại sức, đám tàn quân hy vọng chúng sẽ được thoát nạn tử. Tôi đã cho người ở phía ngoài đầm nước thám thính quân tình. Đợi khi quân địch đi qua tôi sẽ cho người dẫn tướng quân đi theo sông Xích Đằng tới chỗ đóng quân của Phạm Đan.
Thăng Triều nhìn Thoán hồi lâu, ánh mắt không còn chút nghi ngờ mới hỏi Thoán:
- Ta nghe quân lính của họ Dương đã trở về phía tây. Đâu còn đạo quân nào ở phía đông. Liệu anh có nhầm hay không?
Thoán nói lời chắc nịch:
- Chử Thị hãy còn ở đây. Há tôi lại nói dối tướng quân làm chi.
Vương Thăng Triều nghĩ trong đầu: “Người này chất phác thực thà, chắc sẽ không gây họa cho ta. Lại biết được Phạm Đan ở đây. Chi bằng để xem lòng dạ chúng thế nào.”
Bất giác Thăng Triều hỏi lại chuyện của Phạm Đan. Chử Thoán có tật nói lắp kể một hồi lâu cho Thăng Triều. Thăng Triều cười nói dưới ánh trăng với con người tưởng như vô ưu vô lo kia mà quên đi những nặng nề trong tâm can, sự thù oán với đám người phương bắc.
Bữa chiều chỉ có chút khoai luộc cùng ít tép nhỏ dầm với muối mặn chát, nước sông để lắng đun lên giả làm ly rượu vui vầy suốt tối. Bỏ quên đi bậc thứ, quan dân, Chử Thoán không ít lần vỗ vai viên thứ sử, giọng nói như uống rượu say nhưng kỳ thực không hề có chút hơi men mà chỉ thứ ảo giác tự thân Thoán phát ra.
Thoán nói:
"Cái ngày em rể tôi cùng vợ nó theo nghĩa quân họ Dương, cha tôi thương con nên mới mang chút quà tặng cho nghĩa quân. Nào ngờ có kẻ rèm pha lên hương trưởng, tin tới tai quan huyện nên bọn chúng đã cho người đến bắt bớ. Cũng nhờ may gặp phải người tốt nên mới trốn thoát được ra ngoài.
Nào ngờ gặp bọn ăn mày trong thành Liên Thụ, chúng dẫn hai chúng tôi vào phường tạp kỹ. Chúng lấy cha tôi ra làm trò tiêu khiển cho bọn chúng, rồi ép cha tôi ăn rắn sống, nuốt cá sông,.. toàn là những điều tởm lợm.
Được ba ngày như ba năm địa ngục, hai cha con bỏ trốn ra ngoài thì bị bọn chúng bắt được liền đánh cha tôi ba mươi trượng. Sức ông không còn mạnh như trước lại thêm tuổi già mà gãy hai chiếc xương đòn. Được hai tháng thì ông chết.
Tôi mang đi trình quan báo tin thì bị bọn sai nha gô cổ lại giải vào nhà lao thêm lần nữa vì tội vu khống cho kẻ khác. Vào trong ngục tôi mới gặp thêm vài người giống tôi đều bị đám giả ăn mày đó lừa vào trong phường ấy, người thì bị chúng đánh đập dã man, người bị ép phải làm những trò dị hợm nhưng đều không bị quan sai động tới bởi lẽ một điều tên chủ tiệm tạp kỹ ấy chính là viên quan giúp việc cho quan huyện Nam Định.
Chỉ cần nghĩ đến thôi, tôi lại thấy hận thay đám cường hào đó. Được bảy tuần cha tôi thì bọn sai nha mới thả tôi ra. Sau này nhờ ơn tướng quân dẹp bỏ quan đô hộ Lý Nguyên Hỷ nên em rể ta được rạng danh, cả gia đình mở mày mở mặt.
Định bụng muốn trử bỏ đám ác bá ấy nhưng em ta tấm lòng vị tha mà thả cho chúng về làm thứ dân thường, dẹp bỏ phường tạp kỹ của bọn chúng. Nay nghe tin tướng quân bị giặc phá thành, quân tướng đều mệt mỏi. Nếu không chê, mời đại nhân ở lại đây ít hôm nghe ngóng tình hình rồi quyết định đi đâu, làm gì cũng chưa muộn.
Xứ đầm nước mênh mông này, chưa từng bị đám quan binh biết đến. Dân xóm chài nghèo phía bên kia sông Cái mới tìm ra được hơn hai tháng nay, cũng đáng để yên tâm."
Vương Thăng Triều ưng ý liền xin ở lại ba ngày. Nghe đâu đám quân lính đi theo Thăng Triều đã bị quân triều đình giết bằng sạch. Thăng Triều thương xót lại nghĩ về thân cô thế cô nên bỏ đi mà không nói lời nào cho Chử Thoán.
Ở Trường Châu, có người báo cho Dương Thanh cảnh tình của Thăng Triều. Thương cho họ Vương, Dương Thanh liền cho người đến tìm Vương Thăng Đức đang trốn ở động Hoa Lư.
Thăng Đức liền xin cáo với Dương Thanh đi tìm cha. Sau này, có người kể lại rằng hai cha con Thăng Triều tìm gặp được nhau ở bờ đông sông Đáy đoạn giáp với Trường Châu rồi trốn về phía nam ẩn tích. Lại có người nói Thăng Triều trầm mình xuống Xích Đằng giang, xác trôi ra biển Đông Hải, còn con trai Thăng Đức biết tin nên xông vào phủ quan huyện Chu Diên để rửa hận giết cha bị đám sai nha đem đi giết, xác bị đem làm mồi cho loài chó hoang vùng ấy.
Dương Thanh hay tin hai cha con họ Vương mất tích trong tay anh em Chử, Phạm nên trách tội hai người đó đã không chu đáo lo liệu cho đồng minh. Thanh không tin vào mấy lời đồn trong dân gian nên sai người đi tìm.
Hơn một tuần sau, mật thám báo về với Dương Thanh hai người đó đã trong vòng kiểm soát của họ Dương. Bấy giờ Dương Thanh mới an lòng.
Dân chúng Tống Bình bị bọn người của Hàn Ước chèn ép, bức cho phải nhận tội cấu kết với Thăng Triều nên phần nhiều đã phải rời bỏ trị sở mà đi.
Nhân lúc Tống Bình đang loạn, kẻ tốt xấu chưa phân định nên họ Hàn đưa ra quy tắc với bọn người đó, ý dụ rằng “Hạn trong ba ngày, nhà nào có tục thờ cúng tổ tiên bằng bài vị chữ Việt cổ sẽ phải thay hết bằng bài vị chữ Hán. Mọi sự ra vào La Thành được kiểm soát nghiêm ngặt, kẻ nào có thể hiện không tốt trên nét mặt sẽ quy vào tội xem thường triều đình. Tất cả xử chém tại chỗ, không cần phải báo cáo.”
Theo đó, đám quân lính triều đình đã sát hại cả nghìn người vô tội khiến ai nấy đều kinh sợ họ Hàn mà không dám làm trái lệnh.
Hàn Ước mau chóng chia quyền hành cho đám cận hầu, theo ý của viên Liễu tá Trần Khôn phục chức lại cho đám quan lại thời Lý Nguyên Gia bị Thăng Triều đánh đuổi.
Mỗi châu huyện đều cho cắt bỏ những viên “Thanh tra châu” theo như bản tấu của Hàn Ước với triều đình từ trước khi tới Giao Châu. Thay vào đó là các tay sai của họ Hàn được phép đi đến tận các châu huyện “dạy dỗ, bảo ban” các quan dưới hành xử cho phải phép, không được sai ý của viên tân đô hộ.
Lúc đó, viên đô hộ Hàn Ước đã kiểm soát được cả một vùng rộng lớn từ phía đông sông Lô châu Bình Nguyên dọc theo sông ấy đến đoạn ngã ba Tam Đái, tới tận vùng châu thổ giữa hai dòng sông Đáy và sông Cái trở ra đến các huyện Chu Diên, Lục Châu, Võ An.
Hàn Ước ung dung nghĩ trong bụng “Một nửa đất đai Giao Chỉ đã trong tay, lại thêm vùng châu thổ màu mỡ rủng rỉnh đủ để thu thuế nộp cho triều đình và đẫy gia khố của ta. Đám dân man di phía tây và phía nam ta cứ để đó xem bọn chúng có chịu cống nộp hay không. Nếu không nghe ta sẽ mang quân xử chúng. Trước tiên hãy cứ hưởng quả ngọt cái đã. Chia sẻ thành quả này với bọn Kinh Nam, Giang Đông, Nam Chiếu ta vẫn còn phần nhiều lộc phẩm. Vài nghìn lượng bạc, vạn hộc thóc chắc là sẽ đủ vừa lòng bọn ấy”.
Nghĩ hồi lâu Hàn Ước lại tự cười trong gian phòng lớn.
Ngày sau, Hàn Ước sai bọn giúp việc đến bàn kế thu thuế sưu mỗi hộ làm nông đất từ hai mẫu trở lên năm đấu gạo và hai lượng bạc. Các hộ đất ruộng dưới hai mẫu thì cứ mỗi sào tính là ba hộc thóc, một đồng bạc. Hộ nào không có đất thì phải nộp thuế thân mỗi người hai hộc thóc, ba ngày công ích hoặc không thì mấy hộ góp vào với nhau nuôi lính thú trong vòng một tuần lễ.
Nghe tiếng họ Hàn tàn ác nên đám dân nghèo thấp cổ bé họng không ai dám trái lệnh, cố gắng nhai lưng ra để mà nộp sưu thuế cho đủ đầy.
Bằng đòn roi, áp bức, chỉ trong vòng hơn nửa tuần trăng, Hàn Ước đã thu được số thuế sưu gấp đôi so với hắn dự tính. Hắn chia phần thừa đó cho đám thân tín hai phần, tám phần còn lại hắn bỏ túi riêng, chia cho người nhà ước chừng hơn trăm người, mỗi người một phần nho nhỏ đủ để hai đời người không phải lo lắng chuyện tiền bạc, thóc lúa.
Vụ chiêm tháng sáu, dân Nam than khóc đói khổ trước sự hà khắc của viên đô hộ mới họ Hàn. Trong vùng đất mà họ Hàn nắm giữ, nhiều kẻ muốn đứng dậy đều bị bọn tay sai của họ Hàn biết được, đàn áp đánh dập đầu bọn đứng đầu.
Họ Hàn cho người xây dựng các hàng rào tre suốt dọc các vùng giáp ranh với các vùng là địa bàn của quân khởi nghĩa.
Họ Hàn lại liên tục tuyển mộ binh lính bằng sắc dụ “Mỗi đinh trong nhà xung quân sẽ được thôi miễn thuế một nửa, nếu từ ba đinh trở lên sẽ được miễn nộp thuế trong vòng ba năm.”
Số binh mới tuyển của họ Hàn đã lên thành hai vạn, bù đắp đủ số binh thiếu hụt sau khi mượn từ các châu quận bắc Ngũ Lĩnh.
Họ Hàn nhăm nhe các vùng giáp ranh, tăng cường khí giới, lương thảo tới những chỗ trọng điểm, dần dần lôi kéo đám dân chúng ngả về phía quân triều đình.
Hàn Ước đưa một đội quân sáu nghìn người cùng tướng người Hoa là Trình Mậu vượt sông Cái đi từ phía tây thành Cổ Loa đến đoạn tiếp giáp với đội quân châu Phong đang đóng ở Mê Linh. Một vạn tám nghìn binh mã chia làm hai ngả do hai tướng Hàn Lâm, Cao Đình Định nắm giữ đi tới phía đông và phía nam huyện Vũ Bình hòng chiếm lại huyện Vũ Bình đánh mưu đánh Trường Châu từ hai ngả.
Biết được dã tâm của Hàn Ước có ý đồ mang quân đô hộ đi đánh dẹp các xứ đạo còn lại đất An Nam hòng khuếch trương thanh thế, lấy lại quyền uy tối thượng cho triều đình Trường An, Thiên thanh tướng quân gọi mời các tướng tới bàn việc quân thì hay tin ở Tống Bình, Hàn Ước vừa cho tấn công châu Phong.
Mùa thu tháng tám, ba nghìn quân châu Phong do Vương Thăng Hùng đóng tại Mê Linh bị một đám quân nổi loạn tiếm lấy binh quyền của họ Vương trao cho hai người anh em của Triệu Cường là Cam, Túc.
Bị đuổi đến tận ngã ba Tam Đái, họ Vương gặp gió lớn nên phát bệnh, cười nói luyên thuyên khiến Triệu Cam khi đó chạy đuổi theo tới bờ sông nghe được liền dùng mũi giáo ném trúng mạn trái thuyền khiến thuyền bị thủng.
Mấy tên lính châu Phong đứng phía bờ phía tây, giáp với thành Bạch Hạc trông thấy có người bị chìm thuyền giữa dòng ra vớt viên thiếu chủ lên.
Nghe quân sĩ báo họ Triệu dẫn quân đánh Sĩ Giao liền gọi Triệu Cường lên hỏi:
- Ta nghe quân báo hai người anh em của anh dẫn một toán lính đánh Thăng Hùng tiếm lấy binh quyền. Anh đã biết hay chưa?
Triệu Cường lúng túng:
- Chuyện đó, ta biết. Đệ hãy cho ta nói lời này.
Sĩ Giao ánh mắt sắc lẹm, ngậm tách trà đủng đỉnh nói với Triệu Cường:
- Huynh trưởng nói với ta phải nói chuyện này với chủ tướng thế nào đây. Hiện Hàn Ước đã chiếm được Tống Bình. Quân lính của hắn sĩ khí đang lên, đang nhăm nhe đánh quân châu Phong ta. Hai người huynh đệ của anh chưa từ bỏ cái tính cũ, gây ra chuyện tày đình như vậy, chẳng phải muốn bức chết châu Phong hay sao.
- Hai người anh em của ta đó ta thật không còn cách nào để trị nổi. Đầu ta xin dâng để tạ tội với tướng đệ. Ta đã phụ sự tin tưởng của tướng chủ, chẳng còn mặt mũi nào để gặp tướng chủ.
Sĩ Giao nói lời hiền hòa nhưng lời lẽ như muốn trách móc họ Triệu:
- Nếu không phải là năm trước huynh đã có công cứu chủ tướng thoát khói nguy nan e là sẽ chẳng thể thoát được tội chết. Ta muốn huynh hãy đến khuyên giải bọn họ sớm thay đổi, đầu hàng sẽ được dung thứ. Bằng không cha huynh cùng hai anh em bọn họ sẽ không thoát khỏi tội chết. Kể cả huynh nữa. Triệu Cường huynh chắc chắn sẽ phục hàng được hai người đó. Ta tin vào huynh.
Triệu Cường nhận lời, đi về phía đông lướt nhẹ thuyền độc mộc vượt Tam Đái giang tới điểm trại của đám phản quân. Đám quân phản thoạt đầu không biết Triệu Cường nên bắt trói dẫn giải đến chỗ của Triệu Túc. Có tên giám quân trông thấy Cường liền sai đám lính đó cởi trói, đưa Cường đến gặp Túc.
Đến trước cửa trại, Cường làm mình làm mảy, quát mắng hai người anh em ở phía trong lều trại. Triệu Cam nóng giận bước ra, tay cầm thanh kiếm khua khua trước mặt vị huynh trưởng. Triệu Cường không chớp mắt, dáng đứng hiên ngang, tay khoanh trước ngực, vểnh râu nhìn người em, giọng nói khinh miệt:
- Giống đần độn các ngươi. Còn không mau mau bỏ gươm giáo mà theo ta về nhận tội với Sĩ Giao quân sư.
Triệu Cam tức giận ném kiếm xuống mặt đất, Triệu Túc phi ngựa tới, mặt rạng rỡ chào đón Triệu Cường. Cường đánh mắt nhìn ngang, không thèm nhìn mặt Túc.
Túc thấy Cam hậm hực, tay nắm chặt, nghiến răng kít kít, huynh trưởng cau mày không vui liền biết ý xuống ngựa bái chào huynh trưởng. Cường quay mặt không nhận. Triệu Túc cười hời hợt:
- Huynh trưởng chớ phiền vì điều ấy mà phiền lòng. Chỉ có chút hiểu lầm thôi. Chứ không như huynh trưởng nghĩ.
Triệu Cam cởi bỏ cơn giận, xối xả một tràng:
- Đúng vậy. Họ Đỗ đó bên ngoài nhân từ rộng lượng nhưng đằng sau hắn bức ép bọn đệ. Ba lần bảy lượt đều tỏ ý không muốn bọn đệ ở trong thành Bạch Hạc, đuổi bọn đệ đến tận Mê Linh. Cái đất đầu sóng ngọn gió ấy muốn làm thứ dân thường cũng đâu phải dễ dàng gì. Ban ngày đám quan quân triều đình dò xét, chiều hôm xuống thì đám châu Phong quần thảo người ngựa cho đến tận đêm khuya. Từng tấc đất, bờ sông giành qua giành lại, đâu phải chỗ để đám dân thường sinh sống yên ổn. Huynh trưởng quá tin vào cái tâm đức giả tạo của hắn mà đem lời trách móc bọn đệ. Hỏi làm sao mà bọn đệ phục hắn được.
Triệu Túc rót thêm mấy lời:
- Nếu khi trước, tay miệng ngáo ộp Sĩ Hoàng kia thuận lời cho bọn đệ làm thứ dân làm ăn ở trong thành Bạch Hạc thì đâu nên nỗi này. Chính hai anh em chúng muốn bức hại bọn đệ nên mới sai đám người châu Phong cướp chỗ hàng bọn đệ chở giúp bọn Hoàng Y tới châu Nam Từ, sau lại đổ vấy lên đầu bọn đệ. Tên quân quân xi xuẩn gì đó phân giải bất công, cho là bọn đệ có ý đồ xấu nên mới dựng chuyện hòng cướp hết chỗ hàng ấy.
Triệu Cường bối rối, đứng lặng một lúc rồi mới lấy lại được tâm tĩnh. Cường thở dài rồi nói với hai người huynh đệ:
"Các chú sai rồi. Đỗ quân sư trước giờ luôn phân xử rõ ràng, không phân biệt kẻ tôi hèn, bậc tôn trưởng. Đặc biệt là những mối quan hệ đang ở mức nhạy cảm như giữa các chú và đám người châu Phong đó.
Nói đi cũng phải xem lại bản thân mình, các chú đã làm những gì để khiến đám người đó phải nghi ngờ, Đỗ quân sư phải đứng về phía người bọn họ.
Các chú xem, Đỗ quân sư rất nể mặt ta mới sai người tháo gông cho cha và các chú. Chỉ vì các chú còn mang nặng trong đầu suy nghĩ của kẻ nổi loạn, bất tuân mà mới ra như vậy.
Hoàng Y có nói với ta, hắn nhờ hai chú dẫn hàng cho hắn từ châu Phong tới Nam Từ, đường dễ đi thì nhiều cướp, đường ven sông thì sợ gặp lính phủ đô hộ. Chỉ có đường duy nhất là đi vòng từ huyện Thái Bình tới đó. Các chú biết rõ điều đó nhưng lại đánh xông đánh nga đòi đi đường ven sông.
Ý đồ của các chú rõ ràng như vậy, sao có thể qua mắt được bọn họ. Lại thêm khi các chú ngỏ ý muốn được làm dân binh trong thành, quân sư mới chỉ đề nghị hai người đi tìm tên Thi Nguyên mới bỏ trốn lúc huyện thành bị ngập nước thì các chú chối đây đẩy, sợ hắn một phép.
Vậy là thể hiện điều gì? Rõ ràng là các chú sợ hắn hơn là nể phục đám người họ Đỗ kia. Nếu là ta thì ta cũng không thể làm khác.
Đằng này, các chú lại đem lòng phản trắc, ép viên thiếu gia ngây ngây ngô ngô họ Vương đó phải trao lại binh quyền. Các chú nghĩ rằng quân phủ đô hộ sẽ dễ dàng chấp nhận đám binh quèn này sao.
Các chú làm như vậy có khác gì nhét lá ngón vào miệng ta ép ta phải ăn cho hết hay không. Các chú có còn nghĩ cho người anh này, cho Triệu gia nữa hay không?"

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.