Giống Rồng

Chương 15.5: Lửa thiêu thử vàng




Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười lăm
Thành Bạch Hạc, cô thôn nữ trầm tư
Sông Tam Đái, Triệu Công truyền thơ sấm
Chương 15.5 Lửa thiêu thử vàng
Sáng ngày sau, Triệu Cường nhận được tin báo Hàn Ước mang binh mã đánh hai huyện Vũ Bình, Thái Bình thắng lớn, quân đội của Dương Chí Liệt phải lui về phía nam. Phong Châu bị chia cắt hoàn toàn với đám quân họ Dương.
Phía bắc, đội quân áo đen quấy phá chiếm được Bình Nguyên châu, đẩy quân triều đình về phía thành Nà Lữ. Trong tình thế ấy, Cường chẳng hề nao núng tự mình dẫn binh ra bờ sông Tam Đái đọc thơ vọng sang bờ đông, nơi quân địch họ Thi họ Quách đang cho quân hạ trại. Thơ rằng:
“Biển trời sông núi của người nam
Giặc giã tới đây phá xóm làng
Sóng dữ phong ba bao trận đánh
Bình tâm níu lại một giang san
Nghìn năm đâu thể hoa hòa đất
Vạn cổ không lay kẻ sỗ sàng
Thời thế chuyển dời không lối thoát
Giặc kia muốn sống hãy xin hàng?”
Lời truyền như tiếng sấm rền bên tai khiến quân sĩ Đường triều bất an. Thi Nguyên buộc phải dùng kế ép một đinh trong vùng đóng giả người đọc thơ ấy, sau đó bắt lên đứng trước toàn quân chặt đầu bêu thị chúng. Quân sĩ nhà Đường yên ngay.
Nghe đội quân áo đen chiếm được thành quách phía bắc châu Phong lại đuổi quân triều đình về Nà Lữ, cả hai bên đều sai sứ tới gặp thủ lĩnh quân áo đen mong được liên hợp chống lại đội quân của kẻ còn lại. Chờ suốt năm ngày chẳng hồi tin, Quách Thôi tiếp tục sai sứ tới gặp viên thủ lĩnh áo đen, lần này viên thủ lĩnh đó không tiếp sứ của quân Đường.
Thi Nguyên trông thấy việc chướng mắt liền can ngăn họ Quách:
- Nếu tướng quân có ý muốn trông ngóng bọn Hắc Y kia mang binh mã quấy phá châu Phong chi bằng ta ra tay trước phá thành Bạch Hạc, thắng rồi khi ấy tự khắc bọn áo đen ấy trông thấy mà liên thủ với ta phá quân địch. Mồi ngon trước mặt sao lòng nào tướng quân lại muốn gọi chó sau nhà để chia mồi với chủ. Dẫu gì bọn đó cũng chỉ là phường thổ phỉ, không đáng để chúng ta phải lưu tâm.
Quách Thôi suy nghĩ một hồi, gọi họ Thi lại gần nói nhỏ:
- Ta có kế thế này. Quân Man Hoàng vừa bị Hàn đại nhân đánh một trận còn chưa hoàn hồn ắt có kẻ lung lay tinh thần. Ta nghe Hà Bình Xuyên là tướng dưới trướng của họ Dương đang đóng quân ở núi Ba Vì. Lúc Hàn đại nhân mang binh mã đánh huyện Thái Bình, họ Dương không kịp ứng cứu mà thân cô thế cô đứng giữa hai bên quân ta và quân châu Phong. Ta viết một lá thư cho Hàn đại nhân muốn chiêu dụ hắn. Trong quân châu Phong có một viên tướng họ Cao vốn là người bạn cùng quê với Hà Bình Xuyên đó cũng vì uất ức với họ Dương mà hàng quân châu Phong. Hai người này có thể dùng được để trong ứng ngoài hợp loại bỏ họ Triệu ở châu Phong.
Thi Nguyên lắc cổ ba cái, nhếch miệng cười:
- Ngài có nghĩ đến bọn chúng đang dùng khổ nhục kế hòng qua mắt họ Triệu hay chăng? Há gì sau khi Cao Văn Trác đó đầu hàng châu Phong, họ Hà đó không những lui quân về Thái Bình mà vẫn đóng ở núi Ba Vì liên tiếp phá trại quân ta đồn trú ở phía bắc huyện Thái Bình? Ta nghe châu Phong nội bộ lục đục nên rất có thể đó là cái kế của tên Đỗ Sĩ Giao hòng muốn nhổ bỏ tận gốc thế lực họ Vương ở châu Phong chứ chẳng phải như chúng ta vẫn nghĩ. Họ Triệu đó đâu có tài cán gì mà thống lĩnh châu Phong một cách dễ dàng như vậy.
Viên ái tướng của Hàn Ước băn khoăn hồi lâu. Quách Thôi hỏi Thi Nguyên:
- Nếu đã như vậy, tại sao họ Triệu vẫn bắt giữ hai người Liêu Đức Thinh và tên quỷ Tồn Thăng đó? Ta nghe họ Triệu đó có cái uy mà những kẻ khác đều phải kính nể hắn vài phần. Ngày trước hắn cùng họ Dương kia lâm trận, quân lính nể sợ họ Dương mười thì nể sợ họ Triệu đó chín. Không phải Sĩ Giao mà chính họ Triệu đó mới là người khiến cho Hàn đại nhân đau đầu.
Thi Nguyên ngồi yên lặng, rút kiếm ra lau chùi. Quách Thôi trông thấy vẻ mặt họ Thi không lấy làm hài lòng. Quách Thôi nói:
- Các ngươi giao chiến với nhau suốt gần chục năm nay, có những điều ta không thể hiểu bằng Thi Nguyên được. Nếu Thi tướng quân có ý kiến gì đừng ngại nói cho ta biết. Sau khi dẹp bỏ loạn đảng, công lao lớn nhất sẽ là của tướng quân.
Thi Nguyên ném thanh kiếm xuống sàn, tiến tới giàn vũ khí chọn lấy cây thương nặng rồi lại đem ra lau chùi bóng loáng. Quách Thôi trông theo họ Thi, ngồi sốt ruột trông ngóng lời bàn từ phía hắn.
Bỗng cửa trại rách toang, một tên lính chạy xộc vào bẩm lại với Quách Thôi:
- Bẩm tướng quân. Hà Bình Xuyên, hắn, hắn dẫn theo ba nghìn binh…
Tên lính chống tay, thở dốc. Thi Nguyên nhặt thanh kiếm, dí vào cổ tên lính đó. Quách Thôi quắc mắt, mượn lời quát mắng họ Thi. Họ Thi bực tức ra ngoài cửa trại. Tên lính lắp bắp nói:
- Hà Bình Xuyên dẫn hai nghìn binh đầu hàng Hàn đại nhân. Dâng kế đánh châu Phong, hắn còn tình nguyện mang hai nghìn lính tiên phong phá thành Bạch Hạc.
Quách Thôi chạy tới xốc ngược tên lính lên hỏi:
- Nhà ngươi nói gì? Nói lại cho ta nghe?
Tên đó nói lại nguyên lời vừa mới bẩm, Họ Quách vui sướng thưởng cho tên lính đó một suất rượu thịt. Quách Thôi nói lớn như muốn nói vọng ra cho Thi Nguyên nghe thấy:
- Quả nhiên không ngoài dự liệu của ta. Phen này châu Phong đã nằm gọn trong tay ta.
Thi Nguyên đứng ngoài nghe tin buồn bã dắt ngựa đi, lẩm nhẩm trong miệng "Trời không giúp ta. Không lẽ ta sẽ phải phơi xác vì những bọn ngu dốt như cái tên họ Quách ấy."
Chưa đầy một ngày sau, Hà Bình Xuyên mang binh mã vượt sông Đà đánh vào trại quân phía nam thành Bạch Hạc của châu Phong. Triệu Cường không kịp trở tay, sai các tướng ra sức chống đỡ chờ đám quân của các bộ tộc phía tây tới cứu giúp. Sau nửa ngày, quân châu Phong bị tập kích bất ngờ, liên tiếp bị công phá không giữ nổi đành thu binh về phía tây.
Lại Sử Văn giữ một cánh quân đi từ huyện Thừa Hóa men theo bờ sông Thao hợp với đám tàn quân giáp mặt Hà Bình Xuyên. Họ Lại vuốt râu, đủng đỉnh trên lưng ngựa ô quát mắng họ Hà. Hà Bình Xuyên nổi giận xua quân phá tan đội quân của họ Lại. Họ Lại vốn không quen đánh trận liền rút về núi Phú Lộc.
Quân của Hà Bình Xuyên đuổi theo đoạn đến chỗ có hai bên đồi núi tăm tắp hai hàng như những con voi đang chầu, nghi có quân mai phục liền cho rút quân. Hà Bình Xuyên hành quân chậm rãi hòng dụ quân của Lại Sử Văn ra đánh.
Đúng như dự liệu của họ Hà, đến đoạn đèo Hà Nhì, quân châu Phong ồ át xông ra, mang đá lớn, gỗ to lăn từ trên đỉnh dốc xuống. Đoàn binh của Hà Bình Xuyên không hề nao núng, giương giáo dài, giáp khiên đứng lên phía trước tạo thành đường dẫn gỗ đá rơi từ trên cao dồn đến chỗ trũng hoắm. Đá gỗ lăn hết về chỗ ấy tạo thành một đống cao.
Đoàn quân tiên phong của Sử Văn xông tới hòng chém giết quân lính của Bình Xuyên thì bị chính đá gỗ của quân châu Phong chắn lối đi, không tiến lên được.
Nhân tiết trời hanh, gió bấc, Hà Bình Xuyên cho người châm lửa thiêu cháy cả đoạn đèo núi. Quân châu Phong đành phải ngược bắc tránh lửa, giẫm đạp lên nhau chết đến cả nghìn người.
Đường núi từ Phú Lộc về Thậm Thình rồi tới phía nam thành Bạch Hạc đã bị chặn đứng. Quân sĩ các tộc man phía tây buộc phải đi đường vòng tới Bạch Hạc ứng cứu bị đội quân áo đen xông ra cướp lương. Đám tù trưởng sợ hãi, hơn nửa cho quân lui về, chỉ còn có chừng mười lăm châu cơ mi tới cứu giúp châu Phong.
Triệu Cường gọi Triệu Cam đến bàn bạc với đám thổ phỉ áo đen. Sứ quân áo đen đòi chia đất với châu Phong, Cường cương quyết không chịu nên sứ ấy giận lắm đem báo lại với viên thủ lĩnh. Thủ lĩnh họ Mã nghe viên sứ kể lại cuộc đàm phán với Triệu Cường cũng không cho sứ sang bàn bạc thêm mà rút quân trở về phía bắc châu Bình Nguyên.
Quân triều đình nghe ngóng tin đội quân áo đen rút khỏi đất châu Phong mà mở cờ trong bụng, quân lính họ Hàn do tướng Lã Thực Sơn đi từ Nà Lữ tới chiếm lấy huyện thành châu Bình Nguyên. Tin báo về khiến Hàn Ước mừng lắm, sai người phong thưởng ngay cho họ Lã.
Lúc vào thành, họ Lã lập tức đuổi đám quan lại dưới quyền của thủ lĩnh áo đen, tự phong là Bình Nguyên châu đô đốc, cho người của mình vào trong các bản trong núi cưỡng bức dân lành, cướp lấy thóc lúa, trâu bò.
Triệu Cường khi ấy ở huyện Gia Ninh lo lắng không yên sai Cam dẫn năm trăm binh mã tới châu Bình Nguyên. Các tướng đều cho là quá mạo hiểm với số binh ít ỏi như vậy nên ai cũng can ngăn họ Triệu. Cam cũng chẳng phải loại ngu dốt nên không nhận binh đi đánh.
Cường điểm mặt các tướng duy chỉ có Cao Văn Trác dám nhận binh đi lấy lại châu Bình Nguyên. Bọn thuộc tướng ai nấy đều tái xầm mặt mày, xong rồi nghe giọng Cao Văn Trác đứng ra nhận binh liền thở phào nhẹ nhõm.
Lúc tan cuộc, Triệu Cường nói Cam ở lại bàn chuyện cùng với họ Cao. Lại Sử Văn bước ra ngoài đứng trước cửa trại ngóng vào nhưng không nghe được điều gì nóng lòng xông vào. Ba người kia đang cười đùa vui vẻ trông thấy Sử Văn vào liền tắt cười trông theo.
Thấy Sử Văn khúm núm, Triệu Cường quắc mắt hỏi:
- Chẳng hay Lại bổ đầu có việc gì mà lại xông thẳng vào trại ta? Không sợ bị quân lính bắt giải vào nhà lao?
Lại Sử Văn lúng túng, liền quỳ sụp xuống vái lạy Triệu Cường:
- Triệu Công tha tội. Tiểu nhân chỉ là chưa hiểu một chuyện muốn hỏi nhưng đợi ở phía ngoài suốt từ nãy giờ thấy ba người cười đùa mà lòng nóng như lửa đốt đành phải thất lễ xông vào.
Cường ngồi xuống ghế, chống tay đỡ lấy tấm lưng dài, vuốt râu nheo mắt nhìn họ Lại, giọng nói ôn tồn:
- Lại bổ đầu có điều gì khúc mắc, cứ nói. Ta miễn cho tội tự ý xông vào trại chủ tướng.
Lại Sử Văn luống cuống sắp sửa lại áo quần nghiêm trang, cúi thấp mình không dám nhìn lên, giọng run run nói:
- Lại tôi không được học qua binh pháp, cũng chưa từng được theo thầy giỏi học nho, tự thân thấy mình còn kém cỏi không dám bàn chuyện binh gia. Nay thấy Triệu Công mang chỉ có năm trăm lính tới Bình Nguyên châu để chiếm lại một thành trì ở phía trên núi, dễ thủ khó công, lại thêm sức địch bảy tám nghìn. Xung quanh đều là hiểm cốc, độc sơn chỉ e năm trăm binh mã của ta chẳng đủ để bọn chúng mài gươm giáo.
Triệu Cường vui vẻ đáp lời họ Lại:
- Đúng là suy nghĩ của một vị tướng tốt. Luôn luôn nghĩ cho quân lính của mình. Chỉ có điều khi nãy họp bàn các tướng, Sử Văn không nói lấy một lời để ta thay đổi quyết định. Ta thấy các tướng đều im lặng nên ta nghỉ hết thảy đều đồng tình.
Sử Văn ấp úng đáp:
- Tại, tại là vì…
Triệu Cam nhẵn nhụi mày râu, mặt tròn, mắt xếch, tay sờ cằm vuốt ve, giọng the thé như bọn hoạn quan nói với Sử Văn:
- Anh ta muốn thử lòng bọn các ngươi. Xem ra chỉ có Lại Sử Văn và Cao Văn Trác là hết lòng với anh ta và quân lính châu Phong. Đám người kia hết thảy đều ham sống sợ chết, chỉ biết nghĩ cho mình. Dẫu có giao cho cả vạn binh mã cũng chẳng thể giết địch lập công.
Cao Văn Trác tay vỗ bụng phộp phộp, cười lớn:
- Nếu chẳng phải Hà Bình Xuyên kia dọa cho Lại Sử Văn một trận nhớ đời thì chắc chắn Lại bổ đầu sẽ sẵn sàng nhận binh tới châu Bình Nguyên. Có phải không?
Triệu Cường nở nụ cười, đứng dậy tiến lại gẫn chỗ Lại Sử Văn đỡ họ Lại đứng thẳng lưng. Triệu Cường quan sát từ phía sau, vỗ vai nói với Sử Văn:
- Trận ở Hà Nhì với Hà Bình Xuyên, ta không trách Lại Sử Văn. Tình thế lúc ấy, nếu không đi về phía tây mà dẫn quân địch tới Bạch Hạc nào khác chi dâng thịt miệng hổ. Cũng nhờ thế mà Bạch Hạc vẫn còn đứng vững.
Cao Văn Trác tiếp lời:
- Nhưng đội quân của Hà Bình Xuyên thường xuyên tới cổng thành chửi mắng hòng dụ quân ta ra khỏi thành để đánh. Trước giờ ta cùng họ Hà đó đánh đông dẹp tây chưa bao giờ thấy họ Hà đó như vậy. Thật là kỳ lạ, Hà Bình Xuyên luôn luôn là người có chủ kiến chiếm thành, công thành bằng chết. Ấy vậy mà lần này chỉ mon men dưới thành chửi mắng quân ta.
Triệu Cường giương hai tay như muốn bình giải nguồn cơn đang khiến họ Cao giận dữ:
- Nhà ngươi hãy mau mau cầm binh tới châu Bình Nguyên, dọc đường đi chia quân theo các mé núi, bờ sông vào các bản làng. Ban ngày tá túc nhờ nhà họ, ban đêm hành quân thần tốc. Lệnh trong hai ngày tới được trị sở châu Bình Nguyên.
Triệu Cường quay sang Triệu Cam nói:
- Triệu Cam. Chú dẫn theo đoàn tùy tùng họ Triệu tiếp tục đi về phía bắc, đến chỗ ta đã bàn với từ trước với chú. Nếu cần thêm binh mã hộ tống thì báo với Hỏa Cước Tốc để điều thêm. Không được tự ý lộ diện như ngày trước khiến cho quân sĩ châu Phong hoang mang.
Triệu Cường vỗ mạnh vào vai Lại Sử Văn, bờ vai rắn chắc, đôi chân vững vàng, Lại bổ đầu không hề nhúc nhích. Cường nói:
- Sử Văn cùng Hỏa Cước Tốc, cố thủ Gia Ninh và Bạch Hạc. Nhất định không được ra khỏi thành gây chiến. Đợi quân tiếp viện từ các châu cơ mi tới thì nhất loạt xông ra đánh bờ đông sông Tam Đái. Phía nam chỉ thủ, không được phép công. Nghe chưa.
Lại Sử Văn thẳng lưng, mắt nhìn thẳng, dõng dạc đáp:
- Nghe rõ. Thưa Triệu Công.
Triệu Cường dùng hai tay xoa nhẹ vào nhau cho bớt đi cái giá buốt của mùa đông xứ Nam. Ánh lửa đèn dầu phụng lập lòe, Triệu Cường ngồi xuống thảnh thơi ngả lưng về phía sau, cao hứng ngâm khúc hát xoan vùng Nghĩa Lĩnh. Cường quấn lấy chiếc chăn mỏng khoác lên mình rồi thiếp đi trong cơn gió rét thổi từng cơn tê tái.
Đâu đó ngoài kia tiếng mõ, tiếng chiêng khua quân lính trở về trại binh, tiếng í ới gọi nhau đi tìm chỗ trú thân cho qua cơn đói rét, tất thảy đều hiện lên trong giấc mộng của kẻ đang ôm mộng bá chủ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.