Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười sáu
Huyện Thái Bình, Cao Văn Trác giương uy
Châu La Phục, gái họ Thôi lỡ bước
Chương 16.5 Phạm sai lầm. Thôi đừng khóc.
Chàng Nô Đan kéo lấy tay cô gái giữ cho cô gái ấy không bị ngã nhào ra đất, rồi dùng sức mím môi nắm chặt bàn tay đang dấm máu bế cô gái vào trong đình. Dưới ánh sáng của những chiếc đuốc, khuôn mặt cô gái hiện ra dưới ánh mắt tò mò của dân làng, của họ Chử và ngay cả Súng.
Đám thanh niên làng chưa vợ nhìn theo Phạm Đan, nhìn khắp một lượt thân cô gái đang lồ lộ dưới doan áo mỏng tả tơi từ khi nãy giành giật với Phạm Đan.
Một bà lão lúi húi cầm voan áo mỏng của mình xé toạc ra lộ miếng bụng trắng nõn. Bà nhom nhem, miệng móm mém cười phớ lớ:
- Cha tông môn cái đám cò đinh chúng bay. Có cái gì mà nhìn mà liếc. Có Thành Hoàng ở đây, chúng mày nhìn rồi lại bị mù mắt như lão Toét đầu xóm ấy.
Mấy bà, mấy cô gật gù có người còn lại gần xéo tai bọn thanh niên:
- Đúng đấy. Bà Là nói phải đấy. Bọn chúng bay còn không tránh ra. Cái lão Toét chẳng phải một lần trèo lên cây đa ngoài cửa đình lén la lén lút nhìn trộm bà ấy tắm thì bị thánh vật ngã nhào xuống, cái cọc trâu nó đâm cho mù mắt đấy.
Bà Là lại cười hớn hở, bộ răng đen nhấp nhô khập khiễng cười với đám thanh niên:
- Cũng may nhà lão giàu, dân làng bênh tao không thì tao cũng phải hầu lão cả đời rồi. Phải không lão Tum.
Mọi người được trận cười hả hê, thì ra lão Tum là cái tên thường gọi ở nhà của ông cụ khi nãy thắp nén nhang khấn thành hoàng làng và cũng là người mang chiếc đèn dầu phụng ra soi chỗ cô gái ấy. Lão cũng móm mém cười:
- Ừ, nhờ dân làng mà ta cũng thoát cái tội chết. Bố lão là điền chủ, hay qua lại bọn hương hào, hôm ấy lão Toét ngã trúng cái cọc trâu mà tôi đóng dưới gốc đa để buộc con trâu già nhà ông trưởng họ họ Đoàn. Mà họ Đoàn lại là anh trưởng họ của cha Đoàn Uyển khi ấy làm quan ở châu Ái nên ta được thoát tội lại được dân làng vun vén cho với bà nhà tôi, chứ không bà ấy cũng làm vợ của lão Toét kia rồi.
Đám trẻ con khoe răng sún ôm bụng cười nắc nẻ, đám thanh niên nghe thấy lời các lão làng mà chẳng dám lại gần. Bọn con gái chỉ trỏ đám thanh niên ấy, rồi che miệng cười khúc khích.
Bà Là ngồi sụp xuống, lấy mảnh voan áo vừa xé lau sạch vết máu loang trên tay cô gái. Thấy Phạm Đan xé chiếc áo choàng rồi quấn lấy vết thương trên lòng bàn tay chàng, bà Là khẽ vỗ vai họ Phạm:
- Này vị tướng quân trẻ tuổi, rút hộ bà mảnh trâm ở tay con bé ra.
Bà lão quay mặt đi, Phạm Đan rút mảnh trâm đâm xuyên lòng bàn tay của cô gái, máu bắn tung tóe khắp bàn tay nhỏ nhắn của cô gái. Phạm Đan quay ra nói với bà lão:
- Lão ơi. Nô Đan rút xong rồi.
Bà quay ra nhìn voan áo đã thấm đẫm đầy máu tươi, bà quay ra nhìn voan áo bọn con gái đứa nào cũng đùm đùm vá vá chẳng có lấy một mảnh vải nguyên lành. Đan thấy bà lão quanh quẩn tìm thứ gì đó, Nô Đan hỏi:
- Lão tìm gì?
- Ta định tìm mảnh vải bọc lấy vết thương cho con bé. Voan áo của ta xé đã thấm hết máu rồi.
Lão Tum nhe lợi cười:
- Ơ hay. Hay để ta ù qua nhà lấy thêm mấy mảnh vải vụn hôm qua con dâu khâu thừa.
Phạm Đan cất tiếng:
- Thôi khỏi. Lấy chiếc áo choàng của Nô Đan, vừa rồi ta cũng vừa xé một mảnh quấn lấy vết thương. Lão cứ cắt ra.
Bà lão quay ra nhìn ông lão như muốn hỏi thăm dò. Ông lão mặt nghiêm nghị nhìn bà lão lắc đầu tỏ vẻ không đồng tình. Bà lão nhoen miệng đon đả:
- Này vị tướng quân trẻ tuổi. Lão nghe, làm tướng phải giữ chiếc áo choàng như đoàn quân giữ chắc lá cờ. Xé áo của tướng quân lão chẳng dám.
Phạm Đan cười rồi lấy thanh kiếm cắt chiếc áo choàng làm hai mảnh. Đan nói:
- Mảnh nhỏ lão lấy mà cầm máu cho cô bé. Mảnh lớn đắp lấy thân cô bé cho khỏi cái lạnh.
Chử Thoán vội lao ra rút cây kiếm vì lo ngại đường kiếm vô tình. Chử công nói với dân làng:
- Mọi người thấy đấy. Quả là một trang nam tử tuấn kiệt. Đâu phải như lời rèm pha của bọn quan chức Tống Bình muốn vấy lên đầu em trai ta.
Chử công quay ra nói với Phạm Đan:
- Nô Đan, chú lâu ngày mới ghé lại đây. Chi bằng trời tạnh rồi chú qua nhà anh.
Phạm Đan nhận lời, nói với lão Tum và bà lão:
- Trời đã tạnh, Nô Đan phiền hai lão. Giờ Nô Đan qua nhà anh Thoán. Sáng mai sẽ lại ghé nhà hai lão.
Nói rồi trời tạnh hẳn, một tiếng sấm rền vang rồi tắt lịm chỉ còn lại những âm thanh văng vẳng của chốn đồng quê. Súng được Phạm Đan cắt cử ở lại trấn an mọi người rồi đưa hai ông bà Tum trở về nhà. Đan còn sai hai người nữa ở lại thu xếp chuyện ma chay cho cặp vợ chồng kia.
Trăng treo cao sau cơn mưa giông ban chiều, Phạm Đan tu một vò rượu nếp ngà ngà say nói ra hết những tâm tình với Chử Thoán:
- Anh. Suốt mấy năm nay loạn lạc cát cứ, em theo nghĩa quân họ Dương đi từ Tạc Khẩu về đến Hát Môn đánh bao nhiêu trận đánh mà chưa vào giờ em thấy run sợ như khi chập tối ở đình làng này.
Chử Thoán cười đùa:
- Chú nói thế. Anh biết chú từ lúc chú ở chợ Hà Thị, đánh cho mấy thằng dân buôn chài lên bờ xuống ruộng, có khi lỡ tay đánh què quặt bọn nó. Cho đến lần đánh cướp ở bãi sống Xích Đằng, chú đánh te tua bọn cướp ấy, thằng chột mắt, thằng chết đuối. Anh chẳng thấy chú chợp mắt lấy một cái. Rồi mấy năm nay chém giết ngoài mặt trận, có gì mà khiến chú hãi hùng được cơ chứ. Đừng có đùa anh, anh có hơi nhút nhát nhưng cũng chẳng đến nỗi như chú vừa nói.
Phạm Đan trong hơi men say, giọng hừ hừ đáp:
- Thật tình em cũng thấy trong lòng bất an, suốt từ khi ấy ruột gan cứ nóng như lửa đốt. Nghĩ lại chuyện anh chém chết ả đàn bà ấy mà em vẫn còn ám ảnh đến tận bây giờ. Một cảm giác mà em chưa bao giờ gặp phải, nó lại khiến em nhớ lại chuyện năm xưa vua đen họ Mai giết mẹ con nhà hổ rồi lại bị ma hổ báo thù.
Chử Thoán phẩy tay, nhấp một ngụm rượu rồi chỉ mặt Phạm Đan nhếch miệng cười, người chếnh choáng ngã nhào ra đất. Chỉ một lát sau, Phạm Đan liu diu đôi mắt trên chiếc ghế gỗ xoan đã nghe tiếng Thoán ngủ ngáy ngay dưới đất.
Phạm Đan giật mình mở mắt tỉnh cơ mơ màng, đầu óc chàng quay cuồng, mắt chàng hoa lên nhìn ra phía cánh cửa đang dần mở toang. Gió rét đầu mùa lùa vào lạnh thấu xương, hai đứa gia nhân đắp chiếc chăn mỏng cho Thoán rồi dìu Thoán vào phía trong. Phạm Đan đứng dậy trông thấy hai đứa mặt lúm kha lúm khúm liền quắc mắt, bọn nó cúi đầu vội vàng lùi vào phía trong.
Đan cầm con dao nhỏ khẽ bứt lấy hai sợi râu cười:
- Ủa thật là kỳ lạ. Sao ta lại có hai sợi râu bạc trên cằm?
Đan chân đi chữ "bát", há hốc mồm thở phì phì cầm chiếc gương đồng lên soi thấy bộ râu vẫn đen nhánh nguyên cả bộ dưới cằm. Đan thấy nóng trong người cởi bỏ chiếc áo vải lụa mềm màu xanh tím mà Sĩ Giao tặng chàng lúc chàng mới ra nhập nghĩa quân.
Chàng lại thấy ngứa nơi phía cằm, chàng dùng mũi dao cại cại thì một đám râu rụng xuống sàn bạc trắng như cước. Chàng khẽ giật mình rồi nhìn ra phía ngoài cửa gian trước, gió thổi ào ào có xen cả tiếng xì xào bàn tán của đám người nào đó ở phía xa xa.
Chàng ôm tai, lắc đầu cho tỉnh hẳn cơn mê nhưng sao càng thấy ê buốt hơn. Chàng mắt nhắm mắt mở, nghĩ là do gió đầu mùa khiến chàng ra như vậy liền chạy ra đóng cửa vào. Chàng đóng được một bên cửa thì trông thấy bóng một người ẩn hiện dưới ánh trăng mờ trong làn sương mù phủ trắng mặt đất.
Chàng như bừng tỉnh lanh lẹ chạy ra phía ngoài, cầm chiếc thương gác ở đầu hồi thoăn thoắt đuổi theo. Càng chạy chàng càng thấy người nóng ran, bóng người lẫn trong sương càng chạy nhanh hơn về phía cây đa trước đình làng.
Đoạn đến giếng nước cạnh cây đa, chàng hổn hển nhìn xuống mặt nước trông thấy ánh trăng lập lòe như người đang nhoen miệng cười, chàng xua mũi thương xuống dưới nước cười:
- Ta bắt được nhà ngươi rồi nhé. Đừng hòng chạy thoát khỏi mũi giáo của ta.
Chàng cười lớn giữa không gian vắng lặng, rồi trông xuống mặt nước. Những gợn sóng đã hết, ánh trăng lại hắt bóng xuống mặt nước tĩnh. Phạm Đan núp xuống phía dưới bờ bò như để cho kẻ dưới giếng nước không trông thấy chàng. Bỗng chàng bất ngờ nhảy lên, nước bắn tung tóe sau mũi thương của chàng lao thẳng xuống giếng khua động mặt giếng.
Chàng lại cười hả hê:
- Phen này thì nhà ngươi có thoát đằng trời.
Nói rồi chàng mệt lả cả người, chân tay bỗng nhiên lẩy bẩy, rét run cả người, chàng dựa vào gốc đa co ro lấy tay xoa khắp người cho khỏi giá. Từ phía bậc giếng, chàng trông thấy một cái xác không đầu, chiếc thương cắm trước ngực người ướt sũng bước từng bậc bước lên, chàng giật mình hỏi:
- Cái quái gì vậy? Chiếc thương của ta, sao nó, nó lại thế kia. Nhà ngươi, ngươi là quỷ hay là ma?
Chiếc đầu lâu lăn lông lốc ra phía cạnh chàng, máu lấm le bết trên mái tóc còn đang quấn dở lọn vải màu đen nhung, miệng nó mấp máy:
- Bọn bay sẽ phải trả giá cho những việc đã làm hôm nay.
Phạm Đan chỉ trỏ rồi dùng chân đạp vào chiếc đầu lâu đang ở cạnh mình:
- Nhà ngươi là ả dâm phụ khi chiều phải không?
Nói rồi chàng hất cằm cười lớn rung rung bộ râu dài, dùng chân đá mạnh chiếc đầu nâu.
- Ái da. Sao mà cứng như đá vậy.
Giọng hét lớn của chàng khiến cây đa rung lên ầm ầm, nghe tiếng cành cây gãy lách cách, một tiếng "rầm" thật lớn, đất bụi mù mịt chàng xua tay rồi trông thấy một gã đàn ông, đầu đội nửa chiếc nón rách ngồi dậy nói với chàng:
- Thằng Nô không họ không tên kia. Tao nhớ thù này, chúng mày sẽ không được yên thân sống trong làng này đâu.
Phạm Đan chân tay mỏi nhừ, bàn chân lại sưng tấy sau khi đá chiếc đầu nâu kia, giọng cười mỉa mai:
- Hai các ngươi… Chẳng phải là chết rồi hay sao.
Giọng chiếc đầu lâu hất lên từ dưới đất hòa với giọng người đàn ông rơi từ thân cây đa xuống:
- Phải. Hai bọn ta đã chết. Sẽ ở đây hù oán các người.
Phạm Đan cầm dao nhỏ găm ở hông rút ra lao về phía cái xác to lớn của người đàn ông, nghiến răng hô hào:
- Ta giết, chết chết các ngươi một lần nữa.
Đan cầm dao lao đẩy thẳng xác họ Đàm kia về phía sân đình, chàng bị bước hụt trúng phải vũng nước do viên gạch bị bung lên từ khi nào rồi ngã nhào ra sân gạch. Chàng điếng người nhổm dậy nhìn xung quanh.
Từ phía trong gian đình làng, một lão tướng mặt đẹp như tiên, râu dài nửa trắng nửa đen, uy vệ vô cùng, khí hào quang phát ra sáng rực cả sân đình. Vị tướng già ấy tay cầm giáo lớn, lưng khoác chiếc nỏ làm bằng sừng trâu lớn nhẵn bóng, bộ mũi tên khắc chữ cổ mà chàng không hiểu. Tướng già cưỡi ngựa trắng bước qua bực cửa, giọng nói vang vang như lần Đỗ Tồn Thành đọc hịch ở Xích Đằng giang:
- Cớ sao người nam lại giết kẻ nam? Ta đây trung nghĩa một đời, làm phó tướng của Uy mãnh Oanh liệt Phụ tín Đại vương Lý Ông Trọng luôn đặt chữ trung, chữ nghĩa lên đầu. Thấy bá tánh mà nương tay, thấy kẻ bần hàn mà cứu giúp, gặp người lâm cơn hoạn nạn mà cưu mang. Nay thấy các ngươi chẳng cớ chẳng rằng lại dùng thương kiếm giết chết người trước mặt đám dân lành. Hỏi rằng có phải là lẽ của kẻ làm tướng. Lại nói, xưa Lý Thân cùng ta đánh trận suốt một dải biên cương nhà Tần, bọn Hung Nô ác bác hà hiếp dân vùng ranh giới, Ông Trọng mới nổi cơn lôi đình chém cả vạn giặc mà chẳng chết lấy một người dân, dẫu ở nơi đấy người bắc, người Hung nô chẳng phải ruột rà dân Nam ta.
Phạm Đan nghe tên tuổi của Lý Ông mà giật mình khép nép:
- Bẩm thần tiên, bọn chúng con người trần mắt thịt, chưa hiểu hết lời dạy của thánh hiền, nay Thành Hoàng ở đây dạy điều khôn nói lời đúng đắn, bọn chúng con xin nghe. Chẳng biết, việc này sẽ phải xử trí thế nào?
Vị tướng quân già ấy cười lớn:
- Ta đây là Sùng Bá, chẳng phải thần tiên, xưa theo họ Lý đánh giặc miền biên ải, sau lão Lý nhớ nhà về quê đất Chèm, ta theo về lập làng ấp ở bãi đầm phía tây nam sông Cái như chiếc lỗ tai này nhờ thế mà được đám dân chúng đời sau thờ cúng. Trên gian thờ có chữ nghĩa, chữ trung, ở trên chính điện ấy là Dũng hổ bạch mã thương đại tướng do lâu ngày gió thổi đất rung mà chữ trung, chữ nghĩa bị xoay ngang chúc đầu vào nhau. Nay thấy nhà ngươi, người Nam làm tướng nên ủy cho nhà ngươi sớm mai sai hai trai tráng ra đình làng thắp nén nhang thơm, sắp lại hai chữ ấy vậy là điềm dữ ắt sẽ tiêu tan.
Nói rồi, Phạm Đan chưa kịp nói lời tuân theo thì cửa đình đóng sầm một tiếng lớn, có bóng người Phạm Đan quay lưng chạy đuổi theo. Chạy đến mái nhà tranh thì có tiếng hì hụi đào đất ở phía vườn. Chàng quát lớn:
- Là ai, giữa đêm khuya thanh vắng lại đào đất ở giữa vườn nhà người ta.
Lão Tum lụ khụ bước ra, ánh đèn dầu phụng chiếc cháy dưới cằm râu lão cháy tanh tách, lão nói:
- Là hai lão bảo bọn thanh niên đào sẵn mồ chôn hai người khi chiều bị chết ở phía đình. Tướng quân không phải sai bọn nó như vậy hay sao. Giữa đêm thanh vắng, rét buốt sao tướng quân lại mình trần ra ngoài như vậy?
Phạm Đan đang định buông lời thì một cơn gió thổi khiến chàng ôm đầu nằm lăn ra đất.
Súng cùng hai tên hầu của họ Phạm bỏ cuốc, xẻng chạy tới đỡ chàng vào phía trong. Cơ thể nặng tựa ngàn cân, phải thêm ba người nữa mới nhấc nổi chàng vào phía trong gian nhà tranh vẫn còn thơm mùi tre.
Sáng ngày sau, Phạm Đan tỉnh dậy đã nghe thấy tiếng binh lính quanh mình, chàng gọi Súng vào hỏi:
- Sao ta lại ở đây?
Súng ngạc nhiên hỏi:
- Chẳng phải đêm qua, có lệnh của Đỗ quân sư triệu tập anh về châu La Phục. Anh còn tung chăn tung chiếu vội vã cưỡi ngựa về đây hay sao? Anh đùa Súng em đấy à?
Phạm Đan dụi mắt hỏi:
- Là ta tự cưỡi ngựa về đây sao?
Súng quay đi, giọng nói gượng gạo:
- Phải, anh còn nằng nặc cho bằng được về ngay trong đêm. Bọn chúng em tìm mãi quanh cái hương ấy mới có một chiếc xe ngựa để về cùng anh.
Đan vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, chàng thấy áo yếm phụ nữ ở nhét dưới chiếc áo choàng của chàng liền hỏi:
- Là ai? Ai dám mang phụ nữ vào quân doanh?
Súng cúi gằm mặt, mặt liếc lên nhìn:
- Thôi anh Đan. Anh lại còn vờ vịt. Đêm qua là anh với cô bé ở đầm Rồng – Long Đàm cưỡi ngựa thẳng về đây.
Phạm Đan mắt trợn trừng quát lớn:
- Nói láo. Chú dám nói lời ngang ngược trong trại quân?
Súng rụt rà rụt rè nói:
- Em nào có dám nói lời sai. Không tin anh hỏi thằng Đón với cả thằng Tùng. Em đâu có dám nói nửa lời láo qué.
Tiếng hô hào phía ngoài bãi luyện quân. Phạm Đan chạy thẳng ra khỏi trại, tay trái còn cầm chiếc áo yếm, tay phải còn chỉ trỏ đám quân:
- Bọn bay làm gì mà huyên náo ngoài đó. Còn chưa mau mau chuẩn bị. Họ Hàn kia quay lại đánh cho cả lũ bây giờ.
Hóa ra phía mà đám lính chỉ trỏ đó là chiếc đầm sen, cô gái mà Súng nói với Đan ấy đang trầm mình ở dưới đó. Đan trông thấy liền vội vàng ném cả áo yếm xuống dưới đất nhảy thẳng xuống đầm kéo cô gái đó lên.
Súng cầm chiếc áo yếm lên, có dính một chút máu, Súng lầm lũi đi vào phía trong mặc cho bọn quân lính vẫn xì xào ở đó.
Phạm Đan túm được tóc cô gái nhấc lên khỏi mặt nước, cô gái lộ lưng trần, áo yếm nâu sòng cũ kỹ, nuốt mấy ngụm nước ao thở dốc. Đan hỏi:
- Cớ sao cô lại làm ra điều như vậy?
- Buông ra, đồ bỉ ổi, vô liêm xỉ. Ta đây chết đi cho khỏi mối nhục nhã này.