Mùa Xuân Đang Đến

Chương 3



14

Tiệm gạo nhà ta mất rồi, người đều chết hết.

Trong thành thây ngang khắp đồng, một vùng kêu khóc thảm thương.

Hẻm Hoa Quế tràn ngập mùi máu tươi, nơi có thể lọt vào tầm mắt đều là một màu đỏ đậm.

Một năm kia, cha ta và tỷ tỷ cùng với người làm trong tiệm, tất cả đều bị cắt cổ. Trên trống kêu oan của huyện nha môn bắn từng hàng máu chảy dài, quan phụ mẫu Triệu Bát Tỳ nằm giữa công đường, chết không nhắm mắt.

Một năm kia, Ngụy Đông Hà không biết tung tích nơi nào, người cha làm đồ tể trung hậu thành thật của hắn, tay cầm một con dao giết heo, khóe mắt trợn trừng như muốn rách ra, chết ở cuối hẻm Hoa Quế, tên nhọn xuyên tim.

Một năm kia, thầy Lý luôn há miệng đều là chi, hồ, giả, dã ngậm miệng đều là đạo Khổng Mạnh của ta, cầm lấy dao phay xông về phía quân Bọc Kiếm. Tào Béo luôn bất hòa với ta và tên thư đồng gầy còm của hắn cũng đã chết, nhà Tào viên ngoại không một ai may mắn thoát nạn, Tào Quỳnh Hoa bị thổ phỉ cướp đi.

Một năm kia, ta hỏi Tiều Gia Nam, tại sao ngươi không tới bảo vệ Trấn Thanh Thạch?

Tháng ba, hoa đào nở, hoa sơn trà trên núi cũng nở rồi.

Ta thu thập tay nải, chuẩn bị vào kinh.

Ta hỏi Tiều Gia Nam: "Cha ta nói cha mẹ ngươi mất từ thuở nhỏ, lớn lên nhờ ăn cơm bách gia. Nếu đã là cơm bách gia, bách tính của Trấn Thanh Thạch đều có ơn với ngươi đúng không?"

Tiều Gia Nam trầm mặc, gật đầu.

Ta lại nói: "Ngươi sẽ không bỏ qua cho Lại Văn Canh và đám thổ phỉ kia, có đúng không?"

"Đúng."

"Vậy là tốt rồi, ta thay bách tính của Trấn Thanh Thạch quỳ xuống cảm ơn ngươi trước."

Ta quỳ xuống dập đầu ba cái với hắn, sau đó ngẩng đầu lên: "Tiều Tam gia, Tiểu Xuân làm phiền."

Trên người Tiều Gia Nam vốn đã mang đầy vết thương, giờ đây sắc mặt trắng bệch như tở giấy, chỉ có vành mắt đỏ bừng.

Sau đó hắn đi theo ta suốt một đường, hộ tống ta vào kinh.

15

Dạo gần đây ta luôn mơ thấy cảnh tượng bốn năm trước Tiều Gia Nam đưa ta nhập kinh.

Khi đó là thời buổi rối loạn, nơi chốn đều không yên ổn.

Trên đường đi tới Lũng Tây ta bị bệnh rất nặng, sốt cao không lùi mấy ngày, hắn cõng ta nghỉ tạm trong miếu hoang ở vùng dã ngoại.

Có một nhà bốn người đang chạy nạn vừa lúc đi qua nơi này, cũng vào nghỉ lại trong miếu.

Thím kia nhìn trông hiền lành, là một người rất tốt bụng và nhiệt tình, dặn dò Tiều Gia Nam mau chóng chạy đi hiệu thuốc bốc thuốc, thím ấy ở đây giúp hắn chăm sóc ta.

Tiều Gia Nam đi rồi, nhưng mới đi một đoạn lại không yên tâm ta ở đó nên vòng về.

Thím kia đang ôm đôi trai gái của mình canh giữ ở ngoài miếu, nhìn thấy hắn quay lại sắc mặt bỗng trở nên hoảng sợ.

Giờ phút này chồng của bà ta đang ở trong miếu, suy nghĩ dâm loạn cởi quần áo của ta ra.

Sau đó Tiều Gia Nam giết chồng của bà ta.

Đôi mắt hắn hiện đầy tơ máu, vốn định giơ kiếm giết luôn thím kia, nhưng bà ta quỳ xuống đất liên tục dập đầu, không ngừng cầu xin tha thứ.

Tiều Gia Nam phẫn nộ gác kiếm lên cổ bà ta, chất vấn hết lần này tới lần khác: "Ngươi không có nữ nhi sao? Người không có sao!?"

Thím kia khóc lóc nói: "Bởi vì nữ nhi của ta nên việc gì ta cũng phải nghe lời hắn, ta không còn cách nào khác."

Bọn họ có một cô con gái vừa tròn bảy tuổi.

Con trai tuổi cũng không lớn, tầm mười một mười hai tuổi nhưng lại chỉ biết cười khúc khích vỗ tay, là một đứa ngốc chảy nước miếng không ngưng được.

Tiều Gia Nam không thèm nhìn bọn họ thêm một lần nào nữa, cõng ta lên rồi rời khỏi miếu hoang.

Trước khi đi hắn nói với thím kia: "Con của ngươi là con, con của người khác cũng là con, đây không phải là lý do để ngươi có thể làm việc ác, ta nên giết ngươi."

Cuối cùng hắn không giết bà ta, tuy rằng hắn rất muốn làm như vậy.

Ta mơ mơ màng màng nằm sấp trên lưng hắn, bị hắn cõng đi về phía trước, đi qua đồng hoang vắng vẻ không bóng người, lại đi qua cây cầu đổ vỡ nơi ruộng đồng mênh mông.

Trời sắp trở tối, trăng rằm treo giữa bầu trời, đường quê ở ngoại thành bị bóng đêm bao phủ.

Bốn phía gió thổi, thổi vào người lạnh đến run rẩy, đầu đau muốn vỡ ra.

Tiều Gia Nam nhỏ giọng dỗ ta: "Tiểu Xuân, chớ có ngủ, chờ lát nữa vào thành ta sẽ tìm đại phu cho em."

Trán của ta nóng bừng, nước mắt cũng bỏng rát, nhiễm ướt cả áo của hắn.

Vải áo trên vai bị ta siết chặt trong tay, nắm rất chặt.

Dường như đó là hơi ấm duy nhất trên cuộc đời này mà ta còn có thể bắt lấy, cũng là chút sức lực duy nhất ta có được.

Ta nỉ non với hắn: "Ta không có nhà, cha ta đã chết, a tỷ cũng chết rồi, ta có thể gọi ngươi là anh rể không?"

"Từ nay về sau ta chính là anh rể của em."

"Tốt quá, ngươi sẽ báo thù cho bọn họ chứ?"

"Ta sẽ, ta sẽ cầm đầu của Lại Văn Canh tế cho bách tính Trấn Thanh Thạch."

"Ta cũng sẽ, ta sẽ đích thân làm thịt đám người kia."

"....Việc báo thù giao cho ta, em là cô nương, ngoan ngoãn ở kinh thành chờ tin tức của ta là được."

16

Dì Trịnh của ta là một phòng thiếp thất của Trương Ngự sử, Trương đại nhân.

Là một vị thiếp tuổi già sắc suy không được yêu thích.

Trong Kinh đô này, ở các nhà quan lại thế gia hiển hách, chắc chắn nhà nào cũng sẽ có một số thân thích nghèo khó tới tìm nơi nương tựa, vì để hiển lộ thân phận giàu có cao quý của mình, phần lớn các gia tộc này đều nguyện ý che chở vài phẩn.

Có một căn nhà ngang ở trong con hẻm phía tây phủ Ngự sử, chuyên dùng để sắp xếp họ hàng xa của các phòng phu nhân và thiếp thất trong phủ.

Ta cũng ở đó. Vốn dĩ chỉ bằng vào thân phận lão thiếp của dì ta thì đáng ra ta phải ở cùng với các thân thích làm tiền khác của Trương gia trong thôn trang ở vùng ngoại ô. Nhưng dì ta luôn hầu hạ phu nhân chủ mẫu Chu thị rất tốt, lần này bà ấy khen ta một hồi, Chu phu nhân nghe nói ta từng học tư thục, tuổi tác lại tương đương nên đồng ý cho ta ở lại trong phủ làm thư đồng cho Tứ tiểu thư Trương Mật.

Đây vốn là dì xin mãi mới được, bà ấy cảm động đến rơi nước mắt liên tục cảm ơn Chu phu nhân, nhưng trong lòng lại bất bình căm giận, bà ấy nói với ta: "Thư đồng cái quỷ gì? Nói thì dễ nghe đấy, nhưng cuối cùng còn không phải để con đi theo bên cạnh Tứ cô nương nghe nó sai bảo sao? Mặt trong mặt ngoài chỗ nào tốt cũng bị bọn họ chiếm hết. Con tới tìm ta nương tựa, trên người còn có lương tịch chứ có phải bán mình cho phủ Ngự sử bọn họ đâu!"

Dì nói đúng, Tứ tiểu thư Trương Mật của phủ Ngự sử, bằng tuổi với ta, ngay từ giây phút ta tới bên cạnh nàng thì đã trở thành người hầu nàng có thể tùy ý sai bảo.

Tóm lại ăn nhờ ở đậu chính là như vậy, như dì Trịnh của ta, oán giận xong rồi ngày hôm sau còn không phải vẫn xốc lại tinh thần, dùng vẻ mặt tươi cười đi thỉnh an, đấm chân đấm lưng, phí tâm phí sức mà dỗ cho Chu phu nhân vui vẻ.

Một thiếp thất không có con cái cũng không có ân sủng, người có thân phận giống như bà ấy ở Kinh thành này nhiều vô số kể, hi vọng của nửa đời sau đều trông cậy vào trong tay của phu nhân chủ mẫu.

Nếu phu nhân chủ mẫu vui vẻ, sẽ dùng vẻ mặt hiền lành mà đối đáp, còn nếu đã mất hứng thì tiện tay ném một chén trà vào đầu, máu chảy đầy mặt là cũng có.

Câu cửa miệng bọn họ hay nói: Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, chuột sinh con cũng đào động.

Trước năm mười ba tuổi, ta là nữ nhi của ông chủ tiệm gạo trên Trấn Thanh Thạch. Bốn năm qua đi, bây giờ chẳng qua cũng chỉ là Tiểu Xuân cô nương ăn nhờ ở đậu trong phủ Ngự sử nơi Kinh đô náo nhiệt mà thôi.

Tứ tiểu thư Trương Mật không giống ta, từ nhỏ đến lớn nàng đều là con nhà quan lớn, là tiểu thư thế gia cành vàng lá ngọc.

Phụ thân nàng là quan tam phẩm Ngự sử đại phu, thúc thúc là quan hầu trong cung vua, ông nội đã cáo lão hồi hương từng là Nội các phụ thần trong thời kỳ Tiên đế còn trị vì, có thể nói đây chính là gia tộc mấy đời ra văn thần.

Trương Mật cũng giống như các nữ nhi thế gia muôn hình muôn vẻ khác, thân phận tôn quý, tú ngoại tuệ trung, trong xương chứa đầy kiêu ngạo sinh ra đã có.

Mà sự kiêu ngạo này không chỉ thể hiện ở thân phận quý nữ của nàng, mà còn xuất phát từ tôn ti trật tự đã khắc vào bản năng.

Nàng cũng giống như mẫu thân Chu phu nhân của mình, có thể đối xử với ta rất tử tế, cũng có thể trở mặt không thừa nhận, dùng giọng điệu của chủ nhân khiển trách ta phá vỡ quy tắc của nàng.

Nhắc tới mới nói, ta thật sự quá oan uổng.

Lúc ta mười ba tuổi trở thành thư đồng của nàng, khi ấy nàng cũng vừa tròn mười ba, đang độ xuân thì đẹp nhất, tuổi tác ham vui, tò mò tất thảy mọi chuyện.

Đối với nàng thì phải nói là Chu phu nhân đã hết lòng dạy dỗ, mời tiên sinh dạy học tốt nhất về trong phủ, nhờ phúc của nàng ấy mà các tiểu thư của phòng khác cũng được giáo dưỡng rất tốt.

Có một khoảng thời gian Trương Mật cực kỳ phản nghịch, vắt hết óc tìm mưu kế để trốn ra khỏi phủ đi chơi, mấy tên canh cửa ở hậu viện ngăn nàng lại, nàng liền dắt ta đi qua nhà ngang ở hẻm phía tây.

Ta từng nói với nàng, nhà ngang nơi chúng ta ở có một cây đại thụ rất lớn, cành cây to dài vươn ra khỏi sân vườn.

Nàng lôi kéo ta leo cây trốn ra phủ, dạo trên phố nửa ngày nhìn cái gì cũng thích thú, mua một đống đồ vật.

Ta khuyên nàng về phủ sớm một chút nàng cũng không thèm nghe, cuối cùng vẫn bị Nhị huynh của nàng gặp phải bắt về nhà.

Sau đó một cái tát của Chu phu nhân đánh ngay vào mặt ta.

Bà ấy dùng sức rất mạnh, gương mặt của ta lập tức sưng phồng lên, đầu lưỡi nếm được vị máu tươi tràn khoang miệng.

Trương Mật đứng một bên, đối mặt với mẫu thân đang trong cơn thịnh nộ cũng không nói câu nào, trái lại Nhị huynh Trương Vân Hoài của nàng lại nhắc nhỏ mẫu thân mình: "Tiểu Xuân không phải người hầu trong phủ, mẫu thân không nên đánh nàng ấy."

Chu phu nhân nghe vậy sửng sốt một chút, sắc mặt biến hóa cực nhanh, lập tức kéo tay ta áy náy thủ thỉ: "Là do ta tức giận đến hồ đồ, quên mất Tiểu Xuân là cháu gái của Trịnh di nương chứ không phải người hầu trong phủ, ta nhất thời khó thở mà thôi, ngươi sẽ không trách ta đúng không?"

Bà ấy vừa nói xong liền thuận tay cầm một miếng bánh ngọt trong hộp cơm trên bàn đặt vào tay ta, nói đây là bánh bơ hạnh nhân mới mua về từ Vạn Phúc lâu, cho ta nếm thử để biết mùi biết vị.

Không khác gì dỗ trẻ con.

Năm ấy ta mười bốn tuổi, ngoan ngoãn nghe lời, vô cùng cảm kích nói với Chu phu nhân: "Phu nhân có ơn với Tiểu Xuân, may mắn được phu nhân thu nhận và giúp đỡ mới có ngày hôm nay. Tiểu Xuân không cần bánh, trong lòng Tiểu Xuân cảm động và nhớ thương còn không kịp nữa chứ nói gì đến việc trách cứ phu nhân."

Chu phu nhân gật đầu, vẻ mặt rất hài lòng.

Ta cũng rất hài lòng, bởi vì cha ta từng nói phải làm người [Co được giãn được], ta làm được lời cha đã dặn.

Chỉ có dì Trịnh của ta không hài lòng, lén lút gạt lệ, sau lưng nguyền rủa Chu phu nhân sinh con ra không có lỗ đít.