Thiên Hạ Nợ Ta

Chương 11:




32.
Câu nói “ Muốn làm cái gì thì cứ làm cái đấy ” của Thẩm Kỳ thực sự đã chạm đến trái tim của ta.
Quả thực có một chuyện ta đang rất muốn làm.
Ta muốn thành lập một Từ Yêu trang ở kinh thành.
Nhiều năm chiến tranh liên tiếp, quốc khố trống rỗng, cuộc sống của bách tính bình thường cũng không hề dễ dàng.
Những gia đình sinh con ra nhưng không đủ khả năng nuôi, bất đắc dĩ phải bỏ rơi đứa trẻ đó. Còn có nhiều gia đình nhẫn tâm hơn, trực tiếp.....
Sau này, ta xuất cung đi tới miếu tướng quân vài lần, lần nào đi cũng nhìn thấy ven đường có vài đứa trẻ ăn xin lẻ loi cực khổ.
Đây vẫn là đang ở kinh thành, ngay dưới chân hoàng đế.
Trước kia, ta chưa bao giờ chú ý đến những chuyện này.
Nhưng bây giờ nhìn thấy những cảnh tượng thế này, lòng ta lại đau quặn.
Quý gia bao đời chiến đấu trên chiến trường, chính là để mỗi đứa trẻ của Đại Dận khỏe mạnh, vững vàng, hạnh phúc mà trưởng thành.
Hiện tại biên giới đã yên bình, không cần ta phải xương chôn trong núi xanh, xác bọc da ngựa để giành lại chút bình yên. Ta cũng chỉ có thể làm những việc nhỏ nhặt.
Muốn xây dựng Từ Yêu trang cần có tiền.
Cũng vì thế, ta cẩn thận tính toán lại gia sản.
Ta trước giờ chưa từng đếm qua gia sản của mình.
Dù sao sinh sống ở trong cung, tiền tiêu vặt hàng tháng hậu hĩnh, ăn uống không có gì phải lo, cũng không có việc gì cần phải tiêu tiền. Quý gia có bao nhiêu tài sản, hay kể cả không có tài sản gì đều không quá quan trọng.
Không tính thì không biết, vừa tính liền giật mình.
Gia đình ta thực sự giàu có.
Kể từ khi Thái tổ hoàng đế khai lập nước, Quý gia đã có công phò tá. Sau này lại càng vì quốc gia mà vào nam ra bắc chinh chiến, mỗi lần đánh trận giành được chiến thắng, hoàng đế sẽ ban thưởng hậu hĩnh, không phải vàng bạc châu báu thì sẽ là nhà đất, ruộng vườn.
Nhưng tổ tiên của ta hoặc là đang đánh trận hoặc là đang trên đường đi đánh trận nên ít khi có cơ hội tiêu tiền.
Kiếm thì nhiều, tiêu thì ít, tích cát thành biển, từ thế hệ này sang thế hệ khác, ngày càng giàu có.
Tài sản mấy đời nay chỉ có mình ta thừa hưởng, lại thêm số bạc tích lũy hàng tháng kể từ khi vào cung và các kỳ trân dị bảo, số tiền được gửi từ thái ấp của công chúa...
Ta nghi ngờ ta có thể là nữ nhân giàu nhất kinh thành.
Hoàng gia cung cấp cho ta đủ loại bảo vật, ta dặn người ghi rõ ràng vào sổ sách.
Những thứ hoàng đế ban cho không dễ chuyển thành tiền.
Mặc dù có sẵn một ít tiền, nhưng một khi Từ Yêu trang được thành lập, sẽ phải tiêu một khoản lớn trong vòng nhiều năm, không thể không chuẩn bị thêm một ít tiền cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Mặc dù hàng năm thái ấp đều dâng lên một số tiền, nhưng số tiền này đều là tiền thuế của bách tính địa phương. Những năm này mọi hộ gia đình đều khó khăn, đã đến lúc phải miễn thuế vài năm để phục hồi.
May mắn thay, Quý gia còn một số trang trại, cửa tiệm và ruộng vườn ở nơi vắng vẻ. Ta nhờ ma ma đem bán chúng và đổi lấy tiền thật.
Dù sao thì cũng không thể quản lý được hết, để nó bám bụi thì cũng thật đáng tiếc.
Tiền tích trữ đủ, ta mới tạm an tâm được một phần.
33.
Bước tiếp theo là phải tìm một ngôi nhà phù hợp.
Mặc dù Quý gia vẫn còn một số ngôi nhà để trống, nhưng diện tích không phù hợp, hoặc vị trí quá hẻo lánh, đều không thích hợp.
Ngôi nhà quá nhỏ không thể chứa được nhiều người, hơn nữa cũng không đủ chỗ cho đám trẻ vui chơi. Nếu ngôi nhà quá lớn, lại có thêm một vài đứa trẻ nghịch ngợm, chúng mà trốn đi thì sẽ rất khó để tìm.
Vị trí địa lý cũng rất quan trọng, Từ Yêu Trang một khi được thành lập, bên trong đều là phụ nữ và trẻ em, nếu nằm ở một nơi quá hẻo lánh thì sẽ không an toàn.
Ta dẫn theo ma ma đi tìm khắp kinh thành, đi đi lại lại, nhưng vẫn không tìm được nơi phù hợp.
Có lẽ vì thấy ta ngày nào cũng đi sớm về muộn như con ruồi không đầu, Thẩm Kỳ không nhịn được mà quan tâm xem ta đang muốn làm gì.
Sau khi nghe yêu cầu của ta, hắn đã gợi ý cho ta một căn nhà phù hợp.
Ta rất cảm kích hắn, nhưng không khỏi nghi ngờ:
“Không phải huynh nói sẽ không quan tâm đến muội sao?”
Hắn tiện tay cuộn cuốn sách trong tay lại, đánh vào đầu ta:
“ Ta còn nói nếu muội gặp phải khó khăn thì đến tìm ta, sao mà muội không chịu nghe thế hả?”
……
Số tiền đầu tiên được dùng để mua nhà.
Sau đó còn phải điều chỉnh lại một số đồ dùng phù hợp với đám trẻ.
Chỉ sau khi trở lại cơ thể trẻ thơ của mình ta mới ý thức được, khung cảnh mà trẻ con nhìn thấy khác với khung cảnh mà người lớn nhìn thấy.
Nhiều đồ vật mà người lớn dễ sử dụng như bàn, ghế, tủ, bát đĩa, cốc hàng ngày, đối với lũ trẻ lại quá cao, quá to, quá nặng và dễ vỡ.
Mặc dù ta có kế hoạch cung cấp điều kiện tốt nhất cho đám trẻ ở Từ Yêu Trang, nhưng không thể để mỗi đứa trẻ đều có một người chăm sóc riêng biệt.
Cho mỗi đứa trẻ những vật dụng dễ sử dụng, để chúng có thể tự mình hoàn thành việc của mình, điều đó mới là tốt nhất.
Tô Hoài Cẩm nhất thời bị ý tưởng của ta làm cho kinh ngạc, tình nguyện giúp ta vẽ ra một bản đồ thử nghiệm.
Ta dặn dò huynh ấy, khi vẽ những chiếc bàn nhỏ, tủ nhỏ đó thì các góc của bàn, tủ phải được bo tròn, để nếu có ai không may va phải cũng không bị thương.
Tô Hoài Cẩm còn đặc biệt sáng tạo thiết kế trên đó một số họa tiết trẻ con, trông cực kì dễ thương.
34.
Việc tiếp theo cần làm là tìm thêm một vị nữ quản sự.
Việc này không thể làm một cách qua loa được.
Vị nữ quản sự trong trí tưởng tượng của ta không chỉ nhanh nhẹn thông minh, quan trọng hơn là phải hoà nhã dễ gần, thật lòng yêu thích trẻ con.
Ma ma giới thiệu giúp ta một người phụ nữ họ Trương.
Bà ấy vốn là người đi theo mẫu thân ta từ thuở nhỏ, mấy năm trước được thả tự do, sau đó thì gả đi, đáng tiếc thành hôn bảy năm nhưng mãi vẫn không có con, liền bị nhà chồng bỏ rơi.
Người xuất thân từ nơi cao môn đại viện, làm công việc này tất nhiên sẽ thoả đáng. Bà ấy đời này không có con, cứ nhìn thấy trẻ con là vô cùng yêu thích.
Trương nương tử quả thật là người chu đáo.
Bà ấy đề nghị thuê một số phụ nữ góa chồng cùng nhau chăm sóc đám trẻ. Thứ nhất, phụ nữ sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, thứ hai, có thể cung cấp một nơi ăn chỗ ở cho những nữ nhân không nơi nương tựa như vậy.
Ta cực kỳ tán thành ý kiến này.
Thuận theo suy nghĩ, ta dặn dò bà ấy thuê một số quân sĩ đã giải ngũ để bảo vệ sự an toàn của sơn trang.
Sau khi chuẩn bị ổn thoả mọi thứ, Trương nương tử đã dẫn dắt mọi người làm việc không biết mệt mỏi để tuyên truyền. Thông báo cho mọi người, nếu họ tìm thấy một đứa trẻ bị bỏ rơi và không có khả năng nuôi dưỡng thì có thể đưa chúng đến Từ Yêu trang. Nếu có những đứa trẻ mồ côi cha mẹ và phải nhờ hàng xóm xung quanh giúp đỡ, cũng có thể mang chúng đến Từ Yêu trang. Từ Yêu trang mỗi tháng đều sẽ phân phát tiền, gạo và vải vóc, giúp đám trẻ ở đó có cơm ăn, có áo mặc.
Với những nỗ lực của Trương nương tử, Từ Yêu trang rất nhanh đều được mọi người ở kinh thành biết tới.
Năm đầu tiên sơn trang mở cửa, lần lượt có tới hai mươi đứa trẻ được gửi vào, lớn có, nhỏ có.
Có những đứa trẻ năm sáu tuổi, có những đứa còn đang quấn tã. Từ đó về sau, mỗi năm đều có trẻ nhỏ được gửi vào.
Vì bọn trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau nên đặc biệt thuê thêm một bà v.ú và một tiên sinh dạy đọc sách.
Ta thường xuyên đến Từ Yêu trang để kiểm tra.
Trương nương tử quả thật là một người có trách nhiệm và trung thực.
Số ngân lượng được phát mỗi tháng bà ấy đều thành thực chi tiêu cho đám trẻ.
Đồ ăn, nước uống không bao giờ thiếu, thậm chí còn ngày càng đa dạng, đứa trẻ nào nhìn cũng tròn trịa mũm mĩm và rất vui vẻ.
Từ tấm vải được phân phát, bà ấy cắt thành những bộ quần áo đáng yêu cùng kiểu dáng cho bọn trẻ. Đứa lớn, đứa nhỏ khoác trên mình những bộ y phục hệt như những con búp bê với nhiều kích cỡ khác nhau đứng cạnh trông vô cùng dễ thương.
Bà ấy không phải lúc nào cũng chỉ sử dụng số tiền được phân phát. Thỉnh thoảng, bà ấy sẽ đưa những vị nương tử khác trong sơn trang đi làm điểm tâm, thêu thùa rồi bán ra ngoài, lấy tiền mua đồ chơi thú vị cho bọn trẻ.
Dưới sự chăm sóc tận tâm của bà ấy, danh tiếng của Từ Yêu trang ở kinh thành tốt đến mức đáng kinh ngạc. Mọi người đều nói rằng mặc dù những đứa trẻ ở Từ Yêu trang tuy sinh ra không gặp may mắn, nhưng mỗi đứa trẻ đều có phúc của riêng chúng.
Danh tiếng của ta cũng trở nên vô cùng tốt.
Hàng xóm xung quanh đều nói: Trấn quốc công chúa không những thiên phú thông minh mà còn có lòng nhân từ, chính nghĩa, không ai có thể so bì. Tuy còn trẻ nhưng lại có một trái tim bác ái, quả thực là hiếm có.
Vô tình khi không lại có được danh tiếng tốt như vậy thật khiến người ta vui vẻ, nhưng đối với ta mà nói, đây không phải là thu hoạch lớn nhất.
Vì ta thường xuyên đến sơn trang thăm bọn trẻ, cùng bọn chúng chơi đùa nên đứa trẻ nào cũng biết ta. Mỗi lần ta tới, bọn trẻ luôn vây quanh gọi ta là Tiêu tỷ tỷ, khuôn mặt nhỏ nhắn tươi cười như hoa. Cảnh tượng này luôn khiến lòng ta ấm áp và thoải mái.
Chúng ta đều là những người không có gia đình, nhưng vì chúng ta có duyên, đoàn tụ lại cùng một nơi nên chúng ta sẽ là người thân của nhau. Ở đây, ta chưa bao giờ là Trấn quốc công chúa Quý Thanh Yến, mà chỉ là tỷ tỷ của một đám trẻ.
Thu hoạch lớn nhất của ta là đám đệ đệ và muội muội này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.