Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 309: Hồi hai mươi sáu (15)




Lại qua nửa khắc thì quân Hậu Trần đã có những tốp đầu tiên leo lên được thuyền lớn nhà Minh, theo thang xuống tầng bắt đầu đánh giết. Trên thuyền nhiều chỗ vướng víu, chật hẹp, nhưng người Nam vóc người nhỏ bé, võ nghệ thiên hướng lăn xả, lại thạo thủy tính chòng chành, nên có lợi hơn. Quân Minh trên thuyền liều chết ra đánh, hai bên vừa chửi vừa giết nhau túi bụi, nhất thời cả khúc sông dậy tiếng kêu gào than khóc, tiếng trống trận có khỏe mấy cũng không át nổi.
Trương Phụ thấy người Nam bơi thuyền vừa nhanh vừa linh hoạt, chiến đấu lại liều mình không sợ chết, trên phương diện sĩ khí quân Minh dần bị áp chế thì không khỏi nghiến răng nghiến lợi. Người xưa dạy, “ kiêu binh tất bại ” thực chẳng sai. Quân Minh đánh trận mấy tháng nay, liên tiếp thắng lợi, không tránh khỏi có chút tự mãn đại ý. Thành thử lúc này quân Trần liều mạng mà đánh, khí thế hung hãn vô cùng, đạp nát sự kiêu ngạo của quân Minh, chỉ để lại sự kinh hoàng và bất lực.
Song, lão cũng là tướng kinh nghiệm dày dạn, thành thử vừa đặt chân lên bờ là đã hạ lệnh cho quân lính, cố giữ vững thế trận. Tuy không hiểu tại sao đột nhiên lại có pháo từ trên trời rơi xuống dưới đất chui lên giúp cho quân Trần, nhưng lão cũng hiểu hỏa lực của quân Trần không thể kéo dài được, do bản thân đoàn thuyền Hậu Trần vốn không có hỏa pháo.
Quả nhiên, được một chốc, tiếng pháo gầm đã vãn…
Lúc này, những thuyền chiến lớn của Trương Phụ tuy tổn thất mấy phần, nhưng phần lớn thì đã giằng ra được khỏi xích sắt giăng ngang, hoặc đã được thuyền con chặt văng xích giữ chân. Bây giờ được thế, lập tức nhằm những hướng ban nãy có tiếng pháo mà trả đạn.
Thế trận bỗng chốc đảo chiều.
Quân Trần chiếm lấy tàu lớn, vội vàng leo lên tầng trên cùng, lấy hỏa pháo cung tên bắn sang các tàu bên cạnh. Đáng tiếc, quân Minh ở trên thuyền đều là tinh nhuệ của Thần Cơ doanh, lại chiếm tiên cơ nhắm trước. Thành thử quân Trần vừa ló ra ngoài thì lập tức có một cơn mưa đạn dội ngay vào. Hậu Trần cướp súng trong kho bắn trả, ngặt nỗi sĩ tốt phần nhiều là nghĩa quân nông dân, trước giờ chưa từng tiếp xúc với “ hỏa thương ” bao giờ, lần đầu bắn thì lại càng lóng ngóng.
Trương Phụ thắng thế, nhưng không lấy làm vui vẻ, mà trái lại thần sắc lão càng lạnh đi như mặt nước. Lão lập tức cho giương lệnh kì lên cao, các tướng trên thuyền Phúc Kiến chỉ ngoái đầu một cái là thấy được ngay. Lúc phát hiện hiệu lệnh, các tướng này bèn trầm giọng, cho hiệu lệnh cho sĩ tốt trên thuyền của mình ngưng thần chuẩn bị, chỉ là không rõ muốn làm gì.
Độ nửa khắc sau, thì hai bên thành những con thuyền chưa rời bến đã có một toán quân xếp thành hai hàng. Những tên này cởi trần đóng khố, tóc cạo sạch từ trán đến đỉnh đầu, để lại một dải tóc lòa xòa kéo từ tai đến sau gáy, trông cực kì buồn cười. Bên hông bọn này đeo lủng lẳng một dao găm, một lưới cá, tay thì thủ sẵn đao bén.
Vừa có quân lệnh, bọn này đã lao người nhảy ùm xuống nước, lặn xuống đáy tàu. Quả nhiên phát hiện nhân mã của Thập Bát Liên Trại đang từ các bụi lau, bờ hoang bến vắng bơi tới toan đục thuyền. Những người này thấy bị quân Minh bắt thóp, bèn lấy sẵn dao ra, bơi tới giao chiến. Trên mặt nước, cung nỏ giao phong, pháo nổ ầm ầm, bọt nổi đỏ lòm, thì dưới nước cũng đang nổ ra một trận chiến thảm liệt chẳng kém. Quân Minh và nhân mã phe Thập Bát Liên Trại đánh nhau một hồi, song phương đều có tử thương, nhưng luận thủy tính thì rõ ràng người Tàu không bằng. Bấy giờ quân Minh hết khí trước phải ngoi lên mặt sông, rút về gần tàu lớn cho an toàn, tức thì nhân mã của Thập Bát Liên Trại hăng máu đuổi theo để giết. Nào ngờ, quân Minh ở trên thuyền Phúc Kiến đã chờ sẵn.
Chỉ thấy bọn này mang lưới ra, phía cuối buộc mấy quả nặng bằng sắt đổ chỉ, cứ nhác thấy bóng tên nào đỉnh đầu không trụi tóc là chụp lưới vào đầu. Chỉ thoáng chốc là cường đạo Thập Bát Liên Trại đã tử thương vô số. Tuy là liều mạng cũng đục chìm được hai con thuyền lớn, hơn chục thuyền nhỏ, song đủ thấy được không bù nổi mất, lợi bất cập hại. Sau khi Phạm Hách bị đám quân lặn tung lưới cá tóm gọn, lôi lên bờ thì tàn đảng còn lại của Thập Bát Liên Trại cũng mất sạch sĩ khí, mạnh ai nấy chạy.
Quân Minh trói gô Phạm Hách lại, điệu đến chỗ Trương Phụ.
Phạm Hách trước từng đục thuyền quân Hồ, song chưa từng giao thiệp với người Minh bao giờ. Nay y thấy Trương Phụ hung danh vang dội té ra lại là một lão già quắc thước, không có vẻ gi là hạng hung ác giết người ăn gan uống máu như giang hồ vẫn đồn đại thì không khỏi thấy nhẹ lòng một chút.
Trương Phụ vẫn chăm chú quan sát chiến địa, chưa một lần dời mắt về phía Phạm Hách, song chuyện nhân mã Thập Bát Liên Trại đến đục thuyền, và cả chuyện y bị tóm cổ điệu đến đây đều không nằm ngoài dự đoán của lão. Dù sao, chiến báo của Hàn Quan đã ghi lại cái gì, Trương Phụ đều đã nắm được cả.
Lão chậm rãi cất tiếng, đoạn lại có một kẻ phiên dịch sang cho Phạm Hách:
“ Người Nam lặn như mày được bao nhiêu? ”
Y nghe lão hỏi câu này, lòng khấp khởi mừng, nghĩ bụng:
[ Năm xưa tiên tổ cũng bị quân Thát tử hỏi câu này còn gì? Mình cứ làm y hệt, khéo lại có cơ thoát thân. ]
Đoạn, Phạm Hách hắng giọng, cười nhạt:
“ Loại tôm tép như tao có hằng ha sa số, lại có mấy trăm người ở dưới nước như trên đất bằng, mười ngày nửa tháng không hề chi. Bây giờ dưới đáy sông bọn tao đang từng tốp từng tốp luân phiên, chỉ chờ đục thuyền của chúng bay. ”
Cứ như truyện cổ kể, thì lúc này tướng địch sẽ đòi y phải giúp tìm bắt bằng hết những tay lặn giỏi này. Mà y sẽ tương kế tựu kế, chỉ cần xuống nước, thì sẽ lỉnh mất ngay.
Phụ nghe xong, gật đầu:
“ Đúng là đáng sợ. Nếu đã thế, thì cứ giết thằng nào hay thằng nấy. ”
Lão đánh tay ra hiệu, quả có hai ba tên lính cường tráng ấn đầu Phạm Hách xuống toan chém thật.
Lưỡi đao nặng đặt lên cổ, khiến cho y chẳng cách nào làm ra vẻ trấn định được nữa. Phạm Hách thấy có biến, mồ hôi tứa ra như tắm, tim đập bình bình như trống. Y vội vàng kêu:
“ Chờ đã! Lẽ nào tướng quân không muốn bắt gọn hết đám người này hay sao?? Ta có thể dẫn các ngài đi. ”
Trương Phụ vẫn không nhìn về phía y, chỉ chậm rãi nói:
“ Trương mỗ làm người nhiều khiếm khuyết, nhưng được cái rất trọng anh hùng. Ngài đã là con cháu của bậc lương đống, cốt cách phẩm giá hơn người, nếu ta ép ngài vào chỗ bất trung bất hiếu bất nghĩa, thực là quá hạ thấp khí khái người quân tử. Thế nên vẫn nên để Phạm anh hùng vị quốc vong thân là hơn. ”
Lúc này trước cảnh sống chết, bao nhiêu là suy nghĩ xẹt qua đầu Phạm Hách có khác nào mưa rào mùa hạ? Hắn nghĩ về những năm tháng nhung lụa xa hoa chưa kịp hưởng, thê thiếp yêu kiều chưa có mấy phen kề cận, nay đã phải chết thì thật quá lỗ. Còn thể diện nước nhà, đại nghĩa dân tộc, hắn sớm đã quăng khỏi đầu từ thuở nào rồi.
“ Chậm đã. ”
Trương Phụ nghe hắn hét lên, bèn lệnh cho đao phủ tạm thời thu lại bội đao.
Cảm giác vòng một vòng qua địa phủ rồi trở lại càng khiến Phạm Hách lạnh người sởn gáy, y vội vàng nói:
“ Chỉ cần hầu gia nương tình không giết, thì tôi xin truyền dạy hết tài lặn của người Nam, không giấu diếm nửa phần! ”
Phạm Hách nói xong những lời này, như thể hụt hơi kiệt sức, chân mềm nhũn ra như cọng bún thiu.
Trương Phụ bấy giờ mới nhếch mép:
“ Trương mỗ trọng anh hùng, càng quý kẻ tuấn kiệt. Mà ngài cũng biết nước ta có câu kẻ thức thời ấy là trang tuấn kiệt rồi. ”
Phạm Hách biết, y đã nói đúng những lời Phụ muốn nghe.
Y đã nhặt lại được cái mạng quèn.
Song đồng thời, cũng đã vứt bỏ tôn nghiêm, đạp lấy thanh danh của tổ tiên xuống đất.
Vậy mới nói, lửa thử vàng gian nan thử sức. Đến lúc khẩn yếu quan đầu, trên đe dưới búa, mới lộ rõ ai là kẻ anh hào ai là phường tiểu nhân.
Lúc này, đánh chính diện giữa trung quân của Đặng Dung và Trương Phụ đã vào thế giằng co thì ở phía tây, Mộc Thạnh đang chịu cảnh bất lợi.
Lão thám thính được quân Hậu Trần dùng thuyền lớn chặn cửa sông, lại cho quân đóng trên thù lao, đặng thủ vững ngã ba hiểm yếu. Thế là lão bèn cho kỵ kéo pháo ra ngã ba sông Cánh Hòm – Thạch Hãn, đặt pháo ở chỗ bây giờ thuộc về xóm Canh, nhắm thẳng vào cánh quân của Nguyễn Súy trên cù lao giữa sông.
Hai cù lao cách nhau đến gần trăm trượng, thành thử Súy đã ở thế không có đường lùi, chỉ có thể thủ chặt một chỗ. Chỉ cần lão dùng pháo công, kiên trì, sớm muộn cũng đánh nát được chiến hào, đánh đắm thuyền lớn, giải được nút chặn ngay cửa sông. Khi ấy quân của Trương Phụ ngược dòng Thạch Hãn, vòng ra phía sau trung quân của Đặng Dung, thì quân Trần ắt sẽ bị phá.
Mà từ chỗ lão đặt pháo, đến cù lao Nguyễn Súy đóng quân chỉ cách nhau vỏn vẹn hai nhăm ba mươi trượng, hẹp hơn nhiều so với dòng lớn của sông Thạch Hãn. Thành thử, lão chỉ cần đặt pháo trên bờ, cũng có thể bắn tới được quân doanh của Hậu Trần.
Nghĩ là làm, Trương Phụ dong thuyền ra, thì Mộc Thạnh cũng cho phát pháo tấn công.
Quân Hậu Trần chống cự yếu ớt bằng cung nỏ, càng khiến lão vững dạ, bèn cho quân châm toàn bộ số pháo, không cần chia đợt bắn xen kẽ lằng nhằng.
Dù sao, muốn dùng cung nỏ bình thường bắn được hai lăm ba mươi trượng, thì phải là hạng cung thủ thiện nghệ mới mong làm nổi. Mà cho dù bắn được tới nơi, thì tên cũng bay hết đà, sát thương cực kì hữu hạn.
Mộc Thạnh cho rằng, cù lao giữa sông này đối với Hậu Trần chẳng khác nào của nợ, bỏ không được, giữ chẳng xong. Bây giờ lão có hỏa pháo, đứng ở thế lão đánh được quân Trần, Nguyễn Súy thì có muốn phản công cũng chẳng được. Kẻ thù chỉ có thể co mình chịu trận, thì có gì mà sợ?
Ấy là cái sai đầu tiên của lão…
Bởi, trong tay Nguyễn Súy, cũng có hỏa pháo!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.