Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 312: Hồi hai mươi sáu (18)




Thanh niên xốc thanh long kích, đâm xéo một nhát vào mặt Phụ. Trương Phụ nghiêng người tránh, nhân đà ngựa chém trả một đao về phía y. Đao là bá giả trong binh khí, thế như lũ quét, khó mà có binh khí nào cản nổi. Đấu với tướng thiện dùng đao, thường thức là không được đấu trực diện.
Trương Phụ đoán chừng, thanh niên nọ một là phải giật cương cho ngựa né ra, hai là phải thu kích về đỡ.
Nào ngờ…
Điều y làm lại không phải việc nào trong hai việc lão nghĩ.
Chỉ thấy thanh niên nọ cười nhạt, kích trong tay từ đâm thẳng thành rút về, lợi dùng lưỡi dao cong toan cứa một nhát vào mặt Trương Phụ.
Hai quân đang đánh nhau nhìn cảnh này, đều cho rằng y dùng chiêu chịu đấm ăn xôi, thương địch được một ngàn cũng tự tổn tám trăm.
Bản thân Trương Phụ cũng nghĩ thế…
Lão không hiểu tướng trẻ này lấy đâu ra cái tự tin này.
Kích đã thu về sát cổ.
Đao đã chém tới sát người.
Trương Phụ đổ người thêm một chút, vừa vặn thoát được lưỡi bén của ngọn kích. Xong đai mũ của lão cũng bị chém đứt, mũ giáp rơi khỏi đầu đánh kịch một cái, làm mớ tóc bạc xõa tung ra.
Nhưng lão không vì thế mà cảm thấy tức giận, trái lại còn mừng rỡ.
Bởi, lão không trúng kích, thì thanh niên kia hẳn phải dính một đao của lão.
Chẳng ngờ, thanh niên nọ lại giơ tay, lấy hộ uyển ra đỡ lưỡi đao của lão.
Trương Phụ cho rằng y bị điên…
Cho dù có mặc giáp trụ, thì cùng lắm cũng chỉ ngăn được mũi tên, lưỡi kiếm chém vào không lấy được mạng, chớ nói chi đến một đòn quan đao toàn lực chém ra trên lưng ngựa.
Thế nên, để tay chặn trước lưỡi đao, kết cục chỉ có thể là mất cả tay lẫn mạng.
Lưỡi đao chém vào hộ uyển.
Trương Phụ cơ hồ đã nhìn thấy cảnh quan đao sáng bóng ăn ngập, xé nát hộ uyển màu đen, phạt đứt luôn cánh tay của tướng trẻ cầm kích.
Song…
Không có máu bắn ra.
Cũng chẳng có tiếng kim loạt nứt mẻ. Bạ𝗇 có biế𝘵 𝘵𝒓a𝗇g 𝘵𝒓𝑢yệ𝗇 { TRU𝘔TRUYỆ 𝑁.V𝗇 }
Trương Phụ chỉ thấy quan đao của mình chém vào hộ uyển màu đen thì bỗng nhiên bị chặn cứng, lưỡi đao thoắt cái nặng như đổ chì, cả thế lẫn đà chém mất tăm mất tích như gạo vào miệng chuột.
Tướng nọ chợt nắm chặt nắm tay, cựa mình một cái, tức thì từ hộ uyển màu đen có mấy lưỡi đao xồ ra, chém vào quan đao của Trương Phụ. Lão thấy tình thế không đúng, vội thu tay giục ngựa dạt ra xa.
Lúc này, lão mới có dịp nhìn lại thanh bảo đao đã theo mình chinh chiến nhiều năm. Chỉ thấy bấy giờ lưỡi đao sắc lẻm sáng bóng như tuyết đã có một phía bị rạch ra mấy đường dài toang hoác, chỉ thiếu điều xả lưỡi đao nặng nề đứt hẳn làm ba mảnh. Tuy là gặp chuyện kinh hoàng, nhưng Trương Phụ không hổ là tướng lão luyện sa trường, lâm nguy chẳng những không loạn mà càng thêm bình tĩnh. Lão nhìn đao quý của mình bị đánh thành một thanh phế phẩm thì đoán chừng tấm áo giáp người thiếu niên đang mặc cũng không phải vật phàm.
Thanh niên nọ khịt mũi, thúc gót vào bụng ngựa, xách kích đuổi theo Trương Phụ. Con ngựa xẹt qua chiến trường rực lửa, da như mây đen ngày bão, bờm như điện lóe giữa trời. Ngựa của Trương Phụ cũng là ngựa quý, song không cách nào so được với con thần mã lông đen bờm vàng của thanh niên giáp đen. Chỉ ba bốn hơi thở mà lão đã bị bắt kịp.
Trương Phụ chỉ thấy sau lưng có tiếng binh khí rít gió lạnh người, vội vàng nghiêng người tránh đi, song chiến bào cũng đã bị thanh niên nọ chém rụng. Lúc này, lại có mấy chục người túa ra cản đường thanh niên cầm kích, trong đó có cả Lương Nhữ Hốt.
Kẻ này tay cầm song thương, giục ngựa đến cứu Phụ, nhưng vừa thấy mặt thanh niên mặc giáp đen thì đã điếng người chột dạ, vội lấy vải bạt bịt mặt. Nhưng thanh niên nọ đã nhìn thấy hành động của y, bèn cười:
“ Thằng phản thầy, tưởng vải thưa che được mắt thánh à? ”
Đoạn vung kích, đánh dạt hai tướng Minh vừa xông vào cản đường.
Lương Nhữ Hốt thấy thế, không nói không rằng, thúc ngựa múa đôi thương xáp lại.
Lúc này, thanh niên giáp đen đã lại đuổi được đến chỗ Trương Phụ, mắt thấy ngọn kích đã sắp đánh ngay ót lão ta. Lương Nhữ Hốt bèn bất thần đánh áp từ bên mé sườn lại, cả hai ngọn thương đồng thời quất ra nhắm vào đầu đối thủ. Y biết chiến giáp của thanh niên nọ là thần vật, vũ khí bình thường đừng mơ đánh xuyên qua nổi, mới nhằm ngay đầu của thanh niên nọ mà công kích hòng lấy công làm thủ, dựa vào chiêu số ác liệt để giải nguy cho Phụ.
Thanh niên nọ chẳng thèm nhìn hai ngọn thương của Lương Nhữ Hốt, mà chỉ cười khẩy một cái.
Chỉ thấy ngọn kích ở tay phải vẫn đâm về phía Trương Phụ, còn tay trái thì đã buông lơi cương ngựa, hai chân kẹp chặt lấy yên cương để giữ cho thân trên thăng bằng. Đoạn, từ hộ uyển đeo ở cánh tay có mấy lưỡi đao bật ra, nhô lên cỡ hai ba tấc. Thanh niên nọ gạt mạnh một cái, dùng lưỡi đao của hộ uyển toan chém cụt luôn hai ngọn thương của Lương Nhữ Hốt.
Song, bản thân họ Lương cũng đã biết được lai lịch bộ giáp, đương nhiên cũng đã đề phòng một chiêu này. Chỉ thấy y đột nhiên nghiêng người sang, hai ngọn thương so le nhau giật về, bắt chéo ngay trước người. Lúc cánh tay của thanh niên nọ đánh xuống, thì vừa vặn bị hai ngọn thương khóa cứng.
Con ngựa đen bờm vàng rất thông minh, thấy có biến lập tức chồm lên dừng vó, không để chủ ngã khỏi lưng mình.
Lương Nhữ Hốt bèn nói:
“ Sư thúc tuy rất mạnh, nhưng kinh nghiệm chiến trường chưa bằng ta đâu. ”
Thanh niên nọ nhíu mày, đoạn rụt tay tóm vào cán một trong hai ngọn thương, nhấc bổng cả người y lên khỏi lưng ngựa. Lương Nhữ Hốt vội thả tay, xoay mình hai vòng rồi lại ngồi ngay ngắn trên yên cương, thủ chắc ngọn thương còn lại.
Thanh niên nọ thấy bóng Trương Phụ đã khuất hẳn, biết không thể đuổi xa hơn bằng không ắt lọt vào giữa trùng vây của quân Minh. Y bực dọc thu tay, ném phăng ngọn thương ngắn xuống đất, nói đoạn lừ lừ quay lại, quắc mắt nhìn Lương Nhữ Hốt:
“ Quân phản thầy nhà ngươi cũng dám ngáng đường của ta? ”
“ Nếu không phải sư thúc muốn chặt đường làm quan của Nhữ Hốt, tôi cũng không muốn đối địch. ”
Y một câu nói sư thúc, hai câu nói sư thúc, nhìn qua thì lễ độ, kì thực do e ngại ngọn kích của thanh niên giáp đen mà thôi.
Thanh niên hai ba hai tư tuổi đầu, nhưng lại có thân phận là sư thúc của Lương Nhữ Hốt, cũng là sư thúc của Lê Sát, thực là thần bí.
Nói chuyện năm xưa, Lê Sát và Lương Nhữ Hốt cùng theo học một thầy, là danh tướng Trần Khát Chân vốn là dòng dõi của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng. Trần Khát Chân được chân truyền một bộ thương pháp hội tụ tinh hoa của mười tám ban võ nghệ, phân làm hai lộ, chia ra dạy cho hai người.
Lê Sát học được bộ dùng thương dài hai đầu, thiên về tấn công, gọi là Tung Hoành Thiên Hạ. Lương Nhữ Hốt thì học được bộ dùng hai ngọn thương ngắn, thiên về khống chế kiềm tỏa, hiệu là Uy Chấn Bát Phương. Hai bộ võ công này vừa khắc chế lẫn nhau, vừa hỗ trợ lẫn nhau, thế nên Lê Sát và Lương Nhữ Hốt đánh nhau mới không phân thắng bại.
Trừ hai lộ thương pháp, Trần Khát Chân còn có một bảo bối, chính là giáp Phù Đổng.
Giáp đúc từ đồng đen, nhẹ như áo lụa, nhưng đao thương thông thường khó mà làm tổn hại nổi. Hộ uyển, giáp vai và giáp lưng đều có giấu lưỡi đao. Chỉ cần kéo cơ quan ở thắt lưng, thì sẽ khiến lưỡi dao đồng đen bật ra, có thể kiềm chế, đánh gãy khí giới của đối thủ.
Trần Khát Chân đại chiến với Chế Bồng Nga ở Bình Than, nguy hiểm trùng trùng, chính nhờ có áo giáp này mà mấy lần thoát hiểm. Sau này ngộ nạn bị Hồ Quý Li giết chết, lão có cho quân đến lùng sục tìm giáp quý, nhưng đã không biết tung tích. Nay xem ra là lọt vào tay của thanh niên này.
Chỉ thấy thanh niên xách kích lên vai, cười gằn:
“ Nhà ngươi còn dám già mồm? ”
Lương Nhữ Hốt thấy thanh niên nọ đã động tâm muốn giết mình, đảo mắt một cái, lại nói:
“ Chẳng… chẳng phải sư thúc đã nói rằng không giúp Quý Khoáng hay sao? Tại sao lại nhân đêm tập kích doanh trại? ”
Y biết, thanh niên này cùng một thầy với Trần Khát Chân, cũng là người học được cả hai lộ Tung Hoành Thiên Hạ - Uy Chấn Bát Phương. Hai ngọn thương của y với người khác còn có thể diễu võ dương oai, cho dù Lê Sát đến đây dùng Tung Hoành Thiên Hạ cùng lắm cũng chỉ đánh ngang tay được với y, nhưng thanh niên này thì khác.
Hai lộ thương pháp tương khắc, lại cũng tương hỗ, người nọ đã học được hoàn chỉnh, thì tự nhiên có thể phá giải Uy Chấn Bát Phương của y.
Lương Nhữ Hốt không vì thanh niên nọ dùng kích đánh thương pháp mà coi thường. Y luyện Uy Chấn Bát Phương cả chục năm trời, tự nhiên hiểu được độ thực dụng của chiêu số.
Hà huống, y còn có giáp Phù Đổng và con ngựa đen bờm vàng.
Thanh niên cười nhạt, nói:
“ Chuyện của ta không đến lượt tên phản thầy nhà mày quản. ”
Đoạn vác kích lên vai, giục ngựa phóng đi, không quên để lại cho Lương Nhữ Hốt một câu:
“ Mạng chó của mày, tạm giữ lại để truyền nhân của sư huynh ta định đoạt! ”
Lương Nhữ Hốt rút ngọn thương còn lại lên, nghiến răng nghiến lợi nhìn bóng lưng của thanh niên, chửi thầm:
“ Trần Nguyên Hãn, thằng ranh con vắt mũi chưa sạch cũng dám lên mặt với tao? Mày cứ chờ đó! ”
Song, y biết mình không cản nổi năm trăm kị binh dưới tay Trần Nguyên Hãn, chỉ biết thất thểu ruổi ngựa về tây.
Y đoán chừng, lần này phải có người cần y cứu một mạng.
Thần Cơ doanh ở bờ sông cũng bị tấn công…
Quân của Đặng Dung lấy thuyền nhỏ vượt sông, tiếp cận doanh trại của quân Minh. Trước giờ Trương Phụ Mộc Thạnh tự phụ mình là phía tiến công, có hỏa pháo, quân Trần chỉ là phía phòng thử, tự nhiên là không rải chông cắm cọc để giữ bờ sông. Tuy dựa vào pháo có thể ngăn trở phần nào thế tiến, nhưng lúc này trời tối như bưng, sao có thể bắn chuẩn như lúc mặt trời treo trên đỉnh đầu được?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.