Giống Rồng

Chương 14.4: Nụ cười chưa tắt, nước mắt lưng tròng




Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười bốn
Phủ Phong Châu, Triệu Cường mưu đảo chính
Huyện Gia Ninh, kiến nhỏ gặp mưa rào
Chương 14.4 Nụ cười chưa tắt, nước mắt lưng tròng
Cao Văn Trác chạy vào phía trong, quăng cả bọc vãi lẫn chiếc tạ xích xuống trước điện. Trong bọc vải tiếng giẫy giụa kêu la. Giọng nói người vùng ngoài thành Gia Ninh ồm ồm lại rống lên như lợn kêu. Triệu Cường hỏi Lại Sử Văn:
- Thứ trong bọc vải đó là gì?
Lại Sử Văn cười trong bụng tấu với họ Triệu:
- Đó là người. Đại nhân nghe không ra tiếng hắn đòi thả ra hay sao?
Triệu Cường mắt sáng lên nhìn khuôn mặt bốn người đang đứng nhìn chăm chú vào bọc vải đó. Cường cười lớn:
- Ta cứ nghĩ Văn Trác bắt được giống gì đó nói được tiếng người. Ra không phải à?
Trong bọc vải phát ra thứ âm thanh khó nghe, Triệu Cường mở bọc vải ra, anh chàng tí hon liền gầm gừ, nhe răng, chiếc răng dài khiến Cường giật mình ngỡ mình gặp sói liền lùi lại. Cao Văn Trác xông tới ôm lấy anh chàng nhỏ con đó.
Cường ngồi dựa lưng ngả người về sau, chân vắt chữ ngũ, môi trầy ra, mặt lấy làm ngạc nhiên, khinh khỉnh nói với anh ta:
- Cũng đáng sợ đấy. Xem ra nhà ngươi cũng khiến Cường ta phải toát mồ hôi hột đấy. Sợ quá, sợ quá.
Cao Văn Trác giọng nói ầm ầm trấn tĩnh họ Triệu Cường:
- Triệu Cường. Huynh đúng là cái loại nhát như thỏ đế. Hãy xem đây.
Họ Cao xách ngược anh chàng nhỏ con đó, dốc ngược lên khiến mặt mày anh ta tím tái, tức ngực, anh chàng cảm thấy khó thở. Anh chàng dùng dằng chân tay như muốn thoát khỏi sức lực của gã to lớn đang xách ngược mình lên. Đám người đứng xung quanh cười ngả nghiêng theo điệu cười không hé răng của Triệu Cường.
Anh chàng gào lên một tiếng, vung người đánh trúng vai trái của Văn Trác khiến gã thất kinh ôm lấy vai điếng người. Anh chàng chạy tới chỗ chiếc tạ xích đang vất vưởng trên sàn nhà, Lại Sử Văn dùng hết sức lực rút tạ về phía mình.
Triệu Cường bỗng nhiên mặt nghiêm nghị nói lớn:
- Đủ rồi. Văn Trác, Sử Văn các người đùa như vậy là đủ rồi. Người ta không thích đùa thì chớ nên đùa nữa. Mau nói đi, anh chàng tí hon, mà ta phải gọi anh là gì cho phải?
Mặt anh chàng hất lên, khoanh tay trước ngực vênh váo:
- Cứ gọi ta là Sa Nghĩ.
Nguyễn An Huy tỏ vẻ hiểu biết Hán tự nói lời bỡn cợt:
- Sa Nghĩ? Nghĩ là con kiến, lại đi với chữ Sa là hạt cát. Cả hai đều rất bé nhỏ. Cha mẹ ngươi sao không đặt cho cái tên to lớn như Hải Tượng, hay Thiên Ngưu mà lại đặt cái tên nhỏ bé như vậy. Nhà ngươi không thể lớn lên được cũng phải.
Anh chàng không nghĩ ngợi đáp ngay:
- Đó là chỉ là cái tên, cha mẹ ta ngày bé chỉ gọi ta là thằng Choắt. Lớn lên đi lấy vợ thầy tướng số mới bảo ta lấy cái tên đó.
Cường nắm tay đặt trước miệng che nụ cười vụng, Cường hỏi:
- An Huy chớ có nói lời sàm ngôn, cát nhiều thành sông, kiến đông thành tổ, không thể nói Sa Nghĩ là nhỏ bé được. Nghe giọng ngươi chắc cách huyện thành Gia Ninh không xa? Nhà ngươi họ gì, sao lại tới trước phủ theo đám người bộ hạ họ Vương, Kiều đó.
Ánh mắt nghi ngại, Choắt nhìn xung quanh rồi nhìn lại Triệu Cường. Cường gật đầu giục Choắt:
- Nhà ngươi còn lo lắng điều gì. Tất cả mọi người ở đây đều là hầu tướng của ta. Ta thấy bộ dạng ngươi có vẻ không phải muốn đến đây để giết ta? Mà có giết ta thì cũng không thể cậy vào sức của một tên nhỏ bé như ngươi. Có điều gì hãy cứ nói thật ta nghe.
Choắt nhìn lại điểm mặt từng người rồi như xóa đi những vẩn bụi trong cái suy nghĩ đầy lo lắng của Choắt, Choắt thật bụng thật dạ kể ra hết những tâm can với Triệu Cường cùng đám thuộc hạ.
Gia thế chàng cũng chẳng phải dạng tầm thường, cái uy võ của chàng cũng chẳng phải tự nhiên mà có. Chàng bắt đầu kể những lời run run, khóe mắt nhòe đi khiến đám chủ tôi họ Triệu ai nấy đều cảm thấy thương cảm cho chàng.
Chàng là người họ Lâm, sinh ra ở huyện Gia Ninh ngày bé mọi người vẫn gọi chàng là thằng Lâm Choắt. Cha chàng làm sai nha trong phủ huyện Gia Ninh, mọi người vẫn gọi ông là ông Lâm từ thời còn trai trẻ mà không biết Lâm là họ hay là tên ông.
Làm sai nha trong huyện phủ lúc thanh nhàn sáng ngày ông chỉ đến nha phủ nửa buổi, đến khi bãi đường ông đi làm thuê làm mướn cho đám hương hào trong huyện. Mẹ chàng họ Chu, sau này khi lấy ông Lâm, người trong vùng cũng quen gọi là bà Lâm mà quên mất cái tên của bà. Trước khi bà Lâm mất đi, lúc lập bài vị, chàng mới hỏi được tên của bà mà nhờ thầy viết tên lên bài vị cho.
Bà có chiếc khung cửi dệt vải, bà hay mượn đám con gái trong vùng đến để dậy cho nghề dệt vải. Gia đình Choắt cũng thuộc dạng khá giả trong vùng, thậm chí cả huyện Gia Ninh.
Cha mẹ chàng vốn chịu thương chịu khó, không quản nắng mưa bốn mùa, quanh năm suốt tháng không lúc nào ngơi tay, nghỉ lấy sức. Hễ ai trong thành có việc gì nhờ đến, không quản phong sương, ải ướt, cha chàng đều có mặt, thậm chí dù chỉ nhận được vài lẻ gạo, miễn sao là có chút để đút dạ.
Mẹ chàng ngày trước cũng đi làm dệt ở phía làng trên, sau đi theo đám con gái đến làng Đoài học thêm mấy món nghề nhưng chiến tranh loạn lạc, nghề nào cũng bị lụi bại nên bà lại về làng cưới ông Lâm, theo nghề cũ dệt vải.
Sau thời Đỗ Anh Sách gây hấn với đám quan Tống Bình, gia đình quan nha mỗi người được cấp vài mẫu đất, bà mướn người trồng cây dâu, thả tằm kén nên từ công đoạn đầu tiên đến khi làm ra những miếng vải đều một tay bà mà ra.
Công việc ngày càng thuận lợi, ông cũng thôi việc sai nha và đi làm lụng khắp nơi mà về cùng với vợ đóng sửa khung cửi, cùng bà trồng dâu nuôi tằm. Cứ thế thời gian thấm thoắt cũng đã sáu bảy năm, cưới nhau đã bảy mùa xuân hạ mà hai ông bà chưa có được một mụn con.
Bà với bàn với ông rằng đến chỗ thầy lang Lý khi đó đang ở ẩn xứ Ái Châu để tìm phương thuốc chữa cho hai ông bà. Lý Lang Mộc bấy giờ nghe tấm chân tình của hai người lặn lội từ châu Phong tới tận vùng núi Ái Châu để tìm thầy, tìm thuốc mà giúp đỡ hết sức.
Hai người ở châu Ái chừng hơn ba tháng, không khí trong lành, chân tay được ngơi nghỉ mà hai người khỏe khoắn ra nhiều, tinh thần cũng vì thế mà tốt hơn rất nhiều.
Không lâu sau, bà mang trong mình mầm thai mà suốt bấy lâu nay hai người ngóng chờ. Thầy lang họ Lý dặn dò hai người trở về thì hãy cứ thong thả, ăn uống, sinh hoạt phải hết sức đề phòng, không nên để thai nhi bị ảnh hưởng xấu vì những thứ xung quanh.
Hai người cảm tạ thầy lang họ Lý đó rồi tặng cho thầy hai lượng vàng. Thầy lang Lý không nhận, nói rằng vàng đó để hai người đi độ thế nhân gian, tích đức cho đời sau.
Hai ông bà về tới châu Phong sau hơn nửa năm ròng đi tìm thầy lang chữa bệnh.
Lúc đi, hai ông bà giao hết việc trong nhà cho người anh trai của bà là Chu Tứ, họ Chu vốn lười làm ham chơi bỏ bê hết việc to nhỏ trong nhà, đánh đập bọn người ở, người mướn khiến chúng lần lượt bỏ trốn. Đám dân buôn, thợ vải, thợ may đều bỏ đi kiếm mối khác, khung cửi bị gãy, tằm dâu bị đám cướp phá nhiễu chẳng còn một khoanh đất nhỏ nào.
Bấy giờ, Chu Tứ còn hay vào thành huyện Gia Ninh đánh bạc, thua tiền nên mang hết gia sản trong nhà hai ông bà đem gán nợ. Tay trắng trở về trắng tay, hai ông bà Lâm rơi vào cảnh túng thiếu như khi trước hai ông bà mới về một nhà.
Bà mới động viên chồng mình: "Dẫu sao thì sức ta vẫn còn khỏe mạnh, chân tay ta còn lành lặn, nhờ ơn ông trời mà hai ta có một đứa con. Dù là trai hay gái thì cũng là phúc phần của chúng ta. Tiền bạc mất đi rồi sẽ lại kiếm ra được, chỉ cần vợ chồng đồng lòng nhất chí. Chi bằng thiếp đem bán căn nhà nhỏ kia đi, vào trong thành buôn bán nhỏ, kiếm đồng ra đồng vào."
Ông Lâm nghe theo vợ bán hết thảy đất đai vào thành Gia Ninh, nhờ sức mạnh từ đôi bàn tay, ý chí quyết tâm đồng lòng của đôi vợ chồng vốn đã quen lam lũ ấy mà hai người mở được tiệm nhỏ bán cái kim, cuộn chỉ trong thành Gia Ninh. Nhờ quen biết từ trước, ông Lâm cũng xin xung vào đám lính lác giữ thành, cơm áo cũng tạm nuôi sống được hai thân cùng đứa trẻ sắp chào đời.
Chỉ có điều rằng ông trời xót thương mà chẳng xót cho hết, đang lúc mang thai đến tháng thứ bảy, bà bị mắc chứng phong hàn trong lúc thành Gia Ninh gặp dịch. Ông lo lắng đi lậy lục khắp vùng mới kiếm được ông lang chữa bệnh cho dân thường.
May mắn sao, bà qua khỏi nhưng thai từ bấy giờ không lớn lên được. Lúc sinh chàng ra, chàng chỉ bằng hai chiếc bát tô úp vào nhau. Cái tên Choắt cũng bắt đầu từ đó.
Dẫu vậy, hai người vẫn không muộn phiền, ngày đêm không quản khó khăn vất vả mà nuôi nấng Choắt, dành tất cả yêu thương cho Choắt. Chỉ cần Choắt còn, ông bà sẽ vẫn còn hy vọng vào một ngày mai Choắt sẽ lớn lên, trưởng thành và như bao người khác, có một gia đình nho nhỏ. Chỉ cần nghĩ đến thôi hai ông bà cũng cảm thấy trong lòng sung sướng biết bao.
Mất bao nhiêu công sức, đến lúc ba tuổi, chàng mới bằng đứa trẻ đầy tháng. Hai ông ba dựa vào nhau sống sót qua những ngày khói lửa binh đao, ba bốn lần phải thay đổi việc buôn bán do pháp trị mỗi đời quan sứ lại khác.
Về sau bà Lâm bàn với chồng rằng "Trước giờ các quan sứ đều có cách cai quản khác nhau. Thời thì quản chặt việc buôn bán kim loại sợ có người phản loạn đúc vũ khí, ấy nên kim chỉ thành ra thứ bị cấm. Có thời thì các quan đô hộ lại cấm bán thịt trâu, thịt ngựa chỉ bởi quan sứ tuổi sửu, vợ sứ tuổi ngọ, người nào bán thịt trâu ngựa thì bị bắt bớ, nhốt vào lao ngục. Từ lúc ta chuyển sang việc buôn buôn bán bán lá trầu, quả cau thì mới không còn phải lo lắng nên đã dần yên ổn được."
Trầu cay, cau đượm, vôi trắng, vỏ chay, vỏ quạch mà hai ông bà bán đều được mọi người hài lòng, tiếng tăm đồn xa nên việc buôn bán được thuận lợi trong suốt gần hai mươi năm cho tới khi họ Vương dấy binh đánh quân Tống Bình.
Bấy giờ ông xin xuất ngũ mà các tướng lĩnh đều không cho, ông đem vàng bạc đến để đút lót quan huyện Gia Ninh, viên huyện lệnh họ Tống dẫn ông Lâm tới tìm gặp Toán Minh Trù, họ Toán thoạt đầu nghe không rõ nghĩ rằng ông đảo ngũ nên không cho, sau khi Hỏa Cước Tốc Đinh Tráng đến phân xử thì ông mới được phép ra quân.
Mấy ngày sau, Đinh Tráng có lần dẫn quân đi qua căn nhà nhỏ của hai ông bà ở phía nam thành Gia Ninh, trông thấy một chàng thanh niên người nhỏ xíu mà sức lực phi thường, nhấc đá nặng trăm cân một cách nhẹ nhàng, quyền cước tinh thông, dùng tạ xích một cách thuần thục.
Đinh Tráng liền hỏi người thanh niên đó:
- Này anh trai trẻ. Nhìn anh nhỏ người mà sức lực vô biên. Nếu anh không chê thì hãy mang chút sức trai trẻ mà phò giúp Vương thứ sử đánh đuổi đám bạo tàn.
Vốn người ít nói, chàng chỉ gật lắc đầu nên Đinh Tráng không vừa lòng. Nghe thấy giọng nói quen quen từ phía ngoài, lão Lâm nghiêng ngó nhìn ra, ông nhận ra vị tướng quân đã phân xử cho ông được ra quân về làm thứ dân thường.
Ông gọi lớn Đinh Tráng:
- Hỏa Cước Tốc tướng quân. Đấy là trai của lão đệ đây. Có điều chi tướng quân dạy bảo?
Nhận ra ông Lâm, Đinh Tráng cười lớn:
- Ra là con trai lão Lâm bán trầu, ta thấy sức khỏe của thiếu công tử cũng chẳng phải kẻ tầm thường. Tỏ lòng ngưỡng mộ mà mời đệ ấy phò tá quân đội châu Phong thờ trượng nghĩa mà dẹp ác bá giúp chúng dân. Nhưng đệ ấy chỉ gật đầu với lắc đầu, không hiểu ý thế nào.
Bà Lâm đon đả đón mời trầu, miếng trầu thượng hạng, lá xanh mướt têm cánh phượng, cánh hoa, quả cau sợi dai chắc thơm nồng, vôi trắng ngần dìu dịu quyện vào nhau trong miệng khiến trí óc như sảng khoái đến muôn phần.
Chén trà xanh ướp lá sen đậm đà, chưa bao giờ Đinh Tráng được thưởng thức những thứ háo hạng ấy không khỏi thích thú cười nói với vợ chồng lão Lâm. Ông Lâm cười dâng chén nước mời vị tướng quân:. ngôn tình sủng
"Lão làm lính lác bấy nhiêu năm, đến tuổi này cũng muốn được ra quân, về cùng bà ấy chăm chút việc gia đình. Chẳng giấu gì tướng quân, thằng nhỏ nhà lão tính khí nó không hay giao tiếp với bên ngoài. Ngày bé cho tới thầy họ Giải học chữ nghĩa mà tính nó không hợp, mà nó thích cầm vũ khí đánh lộn với người ngoài.
Hai vợ chồng buôn lá trầu, bán quả cau mà quen được mấy ông thầy dạy võ, cho thằng Choắt đi học nhưng ông thầy nào cũng chê nó nhỏ bé, sức lực có được bao nhiêu mà học. Thế rồi có một ngày kia, bà nhà tôi dắt thằng bé đi bán trầu cau cho người nhà quan huyện ở xóm chài cạnh sông Lô, gặp được một tay bán cá dùng chùy gai quăng xuống mặt sông cá nổi lên mặt sông cả mấy chục con.
Thằng Choắt mới nhảy lên hò reo sung sướng. Tay đó nhìn thấy Choắt nhỏ con định bụng trêu nó. Gã xui thằng Choắt nếu cầm được một bên chùy sẽ dạy võ cho nó. Nó xông tới lăm le cầm cả song chùy nhấc bổng lên nhẹ nhàng như nhai gạo.
Tay đó liền nhận nó làm đệ tử, truyền võ cho nó, rồi tặng nó quả tạ xích. Sau này mọi người đồn rằng tay đó là mật thám của đội quân áo đen, lão mới bảo nó về nhà, bỏ việc học võ mà theo cha mẹ buôn bán. Nó cũng chẳng chịu đâu. Đại nhân thấy đấy, nó chẳng nói chẳng rằng, chỉ có ngày ngày luyện võ ở sau vườn."
Hỏa Cước Tốc cười hả hê, lại hỏi lão Lâm:
- Không biết hắn nay đã tuổi bao nhiêu?
- Nó tròn đôi mươi rồi đấy tướng quân à. Mấy lần tuyển quân, nó nhỏ người nên các quan gia chê, không nhận. Tôi với bà nhà tôi cũng đành tìm cho nó cô vợ cốt cho nó yên bề gia thất, làm lụng mà ăn chứ cứ đánh võ mãi mà chẳng có chỗ để dụng tài thì uổng lắm. Nay tướng quân đã có ý ngỏ, lão còn điều gì mừng hơn.
Choắt nghe lời cha mẹ, theo Đinh Tráng thăng tới chức phó kỵ úy, dưới quyền Toán Minh Sáng, con trai của Hoa Tài cầm quân tinh nhuệ huyện Gia Ninh.
Chàng thân quen với một tên lính lác từ lúc mới nhập ngũ tên là Trần Sầm người huyện Thừa Hóa. Đến khi chàng làm phó kỵ úy, hắn vẫn là tên lính dưới quyền.
Nhiều lần rượu say, hắn nói đùa với Choắt "Cái thằng Choắt bé nhỏ mà được ưu ái, chứ tài nghệ thì mày thua xa tao. Nếu mà nhà tao có của ăn của để như nhà mày, chắc đã ngồi cái chức của tên họ Toán kia rồi."
Choắt chẳng cho đấy là lời nói đùa mà nghĩ ra chàng cũng thấy không sai, chỉ là họ Toán chưa có chỗ để cất nhắc lên chứ không chàng cũng thay vị trí của hắn từ lâu.
Sầm bàn mưu với Choắt cho thả rắn độc hòng trừ khử họ Toán khi cha hắn bị chết trận ở Giao Châu, Choắt không nghe. Sầm tự ý làm vì nghĩ rằng làm như vậy, Choắt được cất nhắc thì Sầm cũng được thơm lây. Nhưng chuyện chưa đến đâu thì Sầm bị bọn giám quân phát hiện.
Sầm bị giam, bị họ Toán đuổi ra khỏi quân ngũ, bắt giam trong ngục hơn một tháng. Lúc ra tù, Choắt thương bạn nên nhờ người gửi Sầm đến phủ họ Vương làm nô tài.
Khi ấy, bà Lâm mang bệnh lạ, bụng cứ trướng phềnh ra, mỗi ngày một đau đớn hơn, bụng ngày một lớn hơn chèn ép lên các chỗ tạng khác, mỗi ngày trôi qua, bà càng cảm thấy khó thở hơn. Các lang trong huyện đều lắc đầu, thầy lang Lý ở Tống Bình cũng không có tin tức gì nữa nên cả nhà cũng đành nằm chờ ngày bà tắt thở. Bà chỉ còn có tâm nguyện cưới cho Choắt một cô vợ.
Có người mách cho ông Lâm một cô gái đến tuổi cập kê người họ Cao ở một mình với mẹ già từ nhỏ, lão Lâm cho người đến dò la xem ra cũng ưng ý lắm. Lão Lâm kể với bà Lâm, bà giục cưới ngay. Thấy mẹ sống chẳng được thêm dài, Choắt cũng thuận theo ý cha mẹ cưới nàng về làm vợ.
Nàng ta tuổi mới mười bảy, da trắng, mặt trái xoan, dáng người nhanh nhẹn, thắt đáy lưng ong, dẫu một mẹ một con bươn trải, làm lụng nhai lưng vất vả nhưng vẫn toát lên chút gì đó son sắt mặn mà khiến bao người đàn ông khác trông thấy nàng mà phải ghen tị với Choắt. Vốn tính chăm chỉ, hiền lành, chịu thương chịu khó nên được lòng hai ông bà Lâm và Choắt.
Khi cưới nàng về về Choắt cứ mê đắm mãi, ngắm nhìn nàng mãi mà chẳng thấy chán. Cứ mỗi cử động, mỗi bước đi, Choắt chẳng thể rời mắt. Màn đêm xuống, nàng cũng chiều chồng mà nước ấm đầy đủ cho chàng ngâm chân thư giãn, rồi nắn vai xoa đầu cho chàng để bớt đi những mệt mỏi trên thao trường. Tình nồng thắm mặn mà và dữ dội như tính cách của đôi trẻ ở cái tuổi xuân thì.
Mười ngày sau, bà Lâm bệnh không qua khỏi, vợ chồng Choắt xin với cha tới thành Bạch Hạc để chàng tiến cử xung trận đánh quân Hàn. Ông Lâm đồng ý để hai vợ chồng Choắt tới Bạch Hạc.
Không quen biết nhiều, hai vợ chồng chàng ở nhờ căn nhà nhỏ người bạn chí cốt của Choắt.
Trần Sầm nghe tin bạn cưới vợ mà công việc ở phủ thứ sử chằng ngơi được nên đã không tới dự. Đến khi đám tang bà Lâm, Sầm cũng chỉ tới lướt qua rồi vội vàng về Bạch Hạc.
Nghe tin vợ chồng Choắt ghé tới phủ thứ sử để tự tiến cử bản thân, Sầm vốn quen biết chỗ qua lại trong phủ nên giúp đỡ Choắt tới gặp viên công tử họ Vương. Họ Vương nói mọi quyền binh đều trong tay Triệu Cường, Hùng không có quyền quyết định việc ấy. Choắt đành phải ở lại Bạch Hạc thêm mấy hôm chờ Sầm tìm cách cho gặp họ Triệu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.