Hàng Xóm Đào Hoa

Chương 13: Tháng ngày trong hồi ức




Tôi trở mình, bị ánh nắng xuyên qua màn cửa đánh thức, lờ mờ ngồi dậy, hôm qua là mơ hay là thực? Khung cảnh làng quê thanh bình cho tôi biết ngày hôm qua là thật. Tôi tung chăn ngồi dậy, bước tới cửa sổ, hít một hơi thật sâu. Bỗng:
"Xin chào."
"Á!"
Tôi bị giật mình lùi về sau mấy bước. Tên này mới sáng sớm tính dọa cho tôi rớt tim ra ngoài luôn hay sao vậy? Tự dưng hù tôi là sao?
"Điên hả? Mới sáng sớm mà làm trò gì vậy?" Tôi chống nạnh quát hắn. Hắn đứng ngoài cửa sổ trề môi:
"Sáng sớm? Gần mười giờ rồi đó tiểu thư! Con gái gì mà ngủ mê thấy sợ!"
"Tôi.. tôi.."
"Đừng có nói là tại mệt nha! Tôi không có tin đâu!" Hắn nhún vai, nhìn tôi bằng nửa con mắt.
"Không tin thì kệ ông chứ! Liên quan gì đến tôi hả?"
"Nhìn kìa, nhìn kìa. Bà xem bà có miếng nào giống con gái không? Gái nhà người ta thục nữ, đầu tóc ngay ngắn, áo quần gọn gàng, lanh lợi đáng yêu. Còn bà á? Thử nhìn xem. Đầu tóc rối bời như cái tổ gà. Không đánh răng rửa mặt còn đứng đây chống nạnh quát tháo. Quần áo xộc xệch, mặt mũi thì lờ đờ thiếu sức sống. Ai da!"
Tôi với tay ra cửa sổ nắm tóc hắn, hai chúng tôi bắt đầu một màn đánh nhau xuyên qua song sắt. Tiếng tôi mắng mỏ, tiếng hắn la oai oái. Cứ thế mà giằng co cự cãi qua lại cho đến khi mệt mỏi và tiếng nội gọi cơm trưa mới chịu thôi. Hừ! Dám khích bác tôi hả? Cho chừa nghe chưa!
"Lần sau mà còn dám sỉ nhục tôi nữa, cẩn thận tôi cho ông trọc đầu luôn!"
Sau khi liếc hắn một cái, tôi sải bước tự tin không khác chi người mẫu đi ra khỏi phòng.
Nội cực kỳ thương tôi, lúc nhỏ thì ba mẹ tôi bận suốt, cứ đi làm cả ngày, tôi do bà nội giữ, nhưng sau này khi tôi bước vào cấp Hai, bà nội nói cuộc sống thành phố không hợp với bà nên bà quyết định về quê. Dần dần, tôi cũng ít xuống thăm bà. Từ lúc tôi về với nội, nội không hỏi vì sao, không truy hỏi bất cứ điều gì cứ chăm chăm làm đồ ăn ngon cho tôi, dặn tôi giữ sức khỏe, kêu tôi đi chỗ này chỗ kia chơi đi. Và cứ mỗi lần như vậy tôi lại cảm động, thấy có gì trong tâm hồn cả trong khóe mắt cứ rưng rưng, nghẹn ngào.
Chúng tôi quyết định đi ra đồng chơi. Người ở quê nghe đồng ruộng thì thấy chẳng có gì mới mẻ. Nhưng tụi tôi là người thành thị, chỉ thấy ruộng đồng qua phim ảnh chứ chưa thấy trực tiếp nên ít nhiều cũng hiếu kỳ. Vậy nên sau một hồi cãi nhau qua lại chúng tôi cũng nhất trí đi ra ruộng.
Trời trưa nắng gắt không làm chúng tôi bớt hưng phấn, cả buổi cứ tung tăng chạy nhảy. Có mấy đứa nhỏ trong thôn cứ đi ngang nhìn chúng tôi hiếu kỳ. Cũng đúng, trời trưa nắng như vậy thì làm gì có ai đi ra ruộng chứ! Chỉ có chúng tôi là khác người nhất thôi.
"Nắng quá Khánh ơi! Da tôi đã không được trắng rồi, có khi tôi đen như dân châu Phi luôn không chừng!" Tôi nheo mắt, quạt quạt mồ hôi đang ướt đẫm. Trời trưa nắng gắt mà lôi nhau ra đây coi trâu coi bò.
"Nắng có chút xíu không chết đâu cô nương ơi!"
"Tôi mà đen da là tại ông đó!"
Chúng tôi men theo bờ ruộng, hít một hơi nghe mùi thơm của ruộng đồng tràn ngập. Tiếc là không có đem điện thoại theo nên không chụp ảnh được gì cả. Tôi đứng dõi tầm mắt ra xa, nhìn thấy hàng dừa phía xa tít tắp, rất muốn đi sang đó xem thử nhưng không biết phải đi như thế nào.
"Cũng đẹp quá chứ?"
"Ừ! Đẹp thiệt."
Tiếng trẻ con nhao nhao thu hút sự chú ý của tôi. Mấy đứa nhỏ ăn mặc quần nọ áo kia, mặt mũi nhem nhuốc, áo quần lấm lem còn đầu tóc rối bời nhưng trên môi vẫn thường trực nụ cười. Có vẻ như bọn nó đang chơi trò tạt lon thì phải. Tự dưng phì cười, nhớ tới hồi nhỏ tôi với hắn cũng từng gia nhập với tụi nhỏ xóm trên, chiều nào cũng tụ tập ở sân nhà văn hóa chơi tạt lon ầm ầm. Mấy lon sữa bò cùng mấy đôi dép lào cứ theo trò đó mà đi tong.
"Sao? Thấy giống tụi mình hồi nhỏ ghê ha?"
"Ừ! Có điều chơi sôi nổi hơn tụi mình nhiều. Tôi nhớ như in hồi đó ông cứ như sợ cái lon đau vậy, kêu tạt mà không dám, cứ khều khều hoài."
"Nè! Ngộ ghê, tôi tốt bụng như vậy mà bà cũng phê phán là sao?"
"Tốt bụng? Nhát gan thì có! Hứ! Bình thường thì chữ nghĩa có hạn, cãi nhau là văn chương lai láng hà. Sao ông không học ngành Luật nhỉ?"
"Cũng muốn học lắm mà tại thi không được thôi."
"Hoàng Thiên Khánh!"
Phải công nhận khi con nhỏ, chúng ta luôn dồi dào năng lượng, tràn đầy nhiệt huyết, có thể chơi đùa từ trưa nắng đến tối mịt cũng vẫn có thể cười nói vui vẻ, hồn nhiên vô cùng. Còn chúng tôi như bây giờ, chỉ một chút chuyện buồn cũng làm chúng tôi rũ rượi cả ngày. Hình như càng lớn con người càng mỏng manh hơn, cứ thu mình lại trong cái vỏ bọc mạnh mẽ, thực ra tâm hồn còn yếu đuối hơn cả một đứa trẻ.
Phải chi thời gian ngừng lại, mãi mãi bé nhỏ như ngày nào, mãi mãi hồn nhiên vô tư, không cần lo âu hay trăn trở bất cứ điều gì. Thời gian đúng là lạnh lùng, mới ngày nào còn vui chơi không cần biết ngày mai thế nào, mà bây giờ cứ ngập ngụa trong những buồn đau, những rắc rối của cuộc sống.
"Tự dưng nhìn cảnh muốn làm thơ ghê á, đúng không Nhiên?"
"Không! Thơ văn cái gì. Phiền phức!"
"Này, bà thi cử sao rồi?"
"Không biết! Tôi đâu có phải người chấm thi. Còn ông?"
"Cũng không biết luôn."
Chúng tôi im lặng, không gian chỉ còn tiếng cười lao xao của đám trẻ trong làng vui chơi với nhau. Chưa bao giờ tôi lại muốn quay về quá khứ như hiện tại. Tôi khao khát sự ngây ngô hồn nhiên của những ngày thơ ấu. Tiếc là điều đó không thể nữa.
Chúng tôi ở quê được khoảng hai ngày, cuộc sống bình yên đến mức không muốn xa rời. Cho đến ngày thứ ba, khi tôi và hắn đang chuẩn bị về nhà sau một ngày đi chơi la cà khắp xóm. Chúng tôi vẫn còn cãi nhau cho đến tận cửa, ngày nào mà chẳng cãi, không cự cãi nhau chắc ăn cơm không ngon mất.
"Có giỏi thì đi cãi với Gia Nghi thử đi."
"Sao tự dưng lôi Gia Nghi vào đây."
"Tôi thích thì tôi lôi vào đó, thì sao?"
"Bà thật là ngang ngược mà."
Trước cổng nhà có hai bóng người quen thuộc, trong chớp mắt toàn bộ ngôn từ của tôi trôi đi đâu mất dạng, thần trí trống rỗng đứng ngây ra nhìn ba mẹ. Dường như hắn cảm nhận có điều gì đó bất thường nên âm thầm rời đi.
"Mẹ có việc muốn nói với con."

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.