Sao Hôm Nam Tây Tạng

Chương 16: Nhịp sống ở Tây Tạng nhanh như vậy sao?



Ngay từ nhỏ, Hứa Nam Hành đã biết nghe lời, mím môi và nhận lấy cao dán.

Bài kiểm tra đánh giá của học sinh kết thúc vào chiều tối thứ Ba. Hứa Nam Hành giữ một nhóm học sinh lại để tự học buổi tối. Như kế hoạch buổi sáng, thầy Đạt Ngoã đến nhà của Đạt Tang Khúc Trân và một gia đình khác có người già cần chăm sóc để nấu bữa tối cho các cụ, dọn dẹp giường chiếu. Ngoài ra, trong lớp 1 có một đứa trẻ có ông bà đi lại khó khăn, thầy Thứ Nhân đến giúp lau rửa và đặt các cụ lên giường.

Sau khi học sinh mặc đồng phục có in tên, Hứa Nam Hành cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Lớp của anh có khoảng ba mươi mấy học sinh, trong đó có sáu người tên có chữ "Trát Tây", hiện tại anh chỉ có thể phân biệt được Trát Tây Trác Ca.

Học sinh đang tự học phía dưới, anh ngồi trên bục giảng chấm bài.

Hứa Nam Hành hy vọng mình có thể mang đến cho học sinh một cuộc sống lớp 9 bình thường nhất, đơn giản nhất. Anh luôn nghĩ đơn giản rằng, mình đến đây để dạy học chứ không phải để truyền tải tình yêu thương, lớp cuối cấp phải có dáng vẻ của lớp cuối cấp.

Anh cố gắng áp dụng thói quen ở Bắc Kinh để rèn luyện học sinh, cũng từ một góc độ nào đó giúp học sinh hiểu về thói quen của thành phố lớn, đó là sự cạnh tranh.

Hứa Nam Hành không thích ý nghĩa cốt lõi của từ "cạnh tranh", vì điều đó thường là cạnh tranh với đồng nghiệp hoặc chính mình. Nhưng khi đến vùng núi, anh nhận ra rằng cạnh tranh có thể mở ra một con đường sống. Đặc biệt là trong việc học tập.

Anh ngẩng đầu lên, đặt bút đỏ xuống và ngồi thẳng dậy.

Một loạt các động tác này là điều học sinh ở Bắc Kinh sợ nhất, sự im lặng không nói gì và áp lực vô hình. Điều kiện tiên quyết là, học sinh phải hiểu được ngôn ngữ cơ thể.

Thực ra, Chu Dương không hiểu loạt động tác nghiêm túc này của anh, cậu vẫn tiếp tục dùng giấy vo tròn thành viên và ném chơi với học sinh khác.

"Chu Dương." Hứa Nam Hành gọi tên không nhẹ không nặng, "Người khác đang học từ vựng, em không học cũng đừng làm phiền người ta."

Chu Dương không còn vẻ mặt nghịch ngợm nữa, nói: "Thầy Hứa, em vốn dĩ không muốn tự học, thầy cho em về đi, em không yên tâm để các em của em ở nhà."

"Thầy Đạt Ngoã sẽ ở nhà em trông mấy em ấy đến khi buổi tự học kết thúc, em không cần lo lắng." Hứa Nam Hành bình tĩnh nói, "Nếu em không muốn học bài thì hãy ngồi yên, đó là quy tắc của lớp học. Dù sau này em đi làm cũng phải tuân thủ quy tắc, đúng không?"

Điều này thuyết phục được Chu Dương, cậu nhóc ngoan ngoãn ngồi đọc sách ngữ văn.

Hứa Nam Hành tiếp tục chấm bài, anh chấm bài thi toán và bài thi tiếng Anh, buổi trưa đã chấm xong bài thi vật lý và hóa học. Trường học ở làng không có phòng thí nghiệm, các bài thí nghiệm vật lý và hóa học của họ phải thực hành ở huyện.

Trong lớp chỉ còn âm thanh lật sách và học bài, đồng phục thống nhất, miệt mài học tập, chẳng khác gì buổi tự học buổi tối ở Bắc Kinh. Trước đây, khi thực tập, Hứa Nam Hành cũng từng giúp trông buổi tự học, nếu nội dung của các bài kiểm tra không phải kiến thức lớp 9, thì lại càng giống hơn.

Sau khi mặt trời lặn, màn đêm buông xuống, trên trời là những ngôi sao lấp lánh, dưới đất là ánh đèn. Thầy Hứa theo sau mười một học sinh, nhìn chúng trở về nhà của mình, làng không lớn, thầy đi vòng quanh để đưa từng em về nhà, cũng coi như là biết hết các ngôi nhà của học sinh. Cuối cùng, thầy quay lại trường.

Trên đường trở về trường, anh đi chậm rãi. Mấy ngày nay anh liên tục cúi đầu chấm bài, ở đây không có phòng gym, cũng không có bể bơi, dù có nhiều hồ nhưng anh cũng vẫn chưa dám bơi ở đó.

Làng thiếu ánh sáng, nhưng trăng sao cao vời vợi, bầu không khí trong lành, gần gũi, cũng không cần dùng đến đèn đường cho lắm.

Hứa Nam Hành thử dùng điện thoại chụp ảnh bầu trời sao, nhưng dù chụp thế nào cũng không giống như mắt thường thấy, nên anh đành bỏ cuộc.

Sắp đến trường, Hứa Nam Hành nhìn về phía bệnh viện nhỏ, thấy một vài cửa sổ còn sáng đèn. Không biết Phương Thức Du có đang làm thêm giờ không.

Hắn là người duy nhất anh quen biết ở đây, đồng hương, thậm chí hắn còn đang chăm sóc cho mình.

Thực ra lúc này anh rất nhớ nhà. Những ngôi nhà gạch đất ở làng hầu như không cách âm, sau khi đưa học sinh về nhà, từ những ngôi nhà đơn sơ nhưng ấm áp vang lên tiếng nói chuyện vui vẻ.

Dù họ nói tiếng Tạng, Hứa Nam Hành không hiểu, nhưng anh có thể hiểu được sự phấn khởi trong giọng nói của các cụ già và các em nhỏ trong gia đình.

Vào lúc này, ở đây, người duy nhất anh có thể liên lạc là Phương Thức Du, cả hai đều là người Bắc Kinh, đều đến Tây Tạng để giúp đỡ. Họ đều mong học sinh ra khỏi làng, mong bệnh nhân đến bệnh viện.

Bất chợt anh muốn nhắn tin cho Phương Thức Du, không phải vì có chuyện gì, chỉ là muốn nói chuyện vài câu cũng được. Ở đây anh không có người thân, cảm thấy có chút... cô đơn.

Đây là lần đầu tiên Hứa Nam Hành có cảm giác này, có lẽ vì từ nhỏ đến lớn anh chưa từng rời xa nhà, thậm chí học đại học cũng ở Bắc Kinh, giờ đây ở nơi xa lạ cách nhà hơn ba nghìn cây số, đột nhiên anh rất nhớ thèm một bát mì trộn hoặc McDonald"s.

Đói rồi. Hứa Nam Hành mím môi, tăng tốc độ bước chân, trong ký túc xá có mì ăn liền và đồ ăn vặt, anh cũng đang lên kế hoạch cho kỳ nghỉ Quốc khánh rồi, lúc đó anh sẽ đi đến thành phố mua một cái nồi chiên không dầu và khoai tây chiên bán thành phẩm.

Hứa Nam Hành từ trước đến nay chưa từng bạc đãi bản thân, và anh chắc chắn là một người biết tự bao dung. Ví dụ như cung điện Potala quá cao, không leo thì không leo, ngôi chùa trên dốc cũng cao, không đi thì không đi, con người không cần phải ép mình quá mức.

Hứa Nam Hành ăn no xong rúc vào chăn, đêm nay anh mơ thấy hồi học cấp hai. Ngày đó là một tiết tự học không có thầy cô nào quản lý, mấy đứa nhóc nghịch ngợm trong lớp trực tiếp chạy ra sân chơi, lớp học của họ ở tầng 2, có thể nhìn thấy sân bóng rổ ngay trước mắt.

Các nam sinh trong lớp thường trốn tiết tự học để ra sân chơi bóng, tình bạn của những cậu nhóc thời học sinh rất bền chặt, xem họ có gọi bạn cùng trốn tiết đi chơi bóng hay đi net không là sẽ biết. Còn Hứa Nam Hành thì không, chưa bao giờ có, lý do rất đơn giản, hiệu trưởng trường anh có quan hệ với bố mẹ anh, và hiệu trưởng trường là cấp dưới cũ của bà ngoại anh. Những đứa trẻ như anh, cứ như trên trán viết chữ "tôi sẽ mách lẻo".

Anh không có quan hệ tốt với bạn bè, những bạn học bình thường cho rằng anh quá cao xa, còn trong giới con nhà giàu ở Bắc Kinh anh cũng không có hứng thú, dần dần, anh cũng thôi, thà về nhà uống rượu với ông ngoại.

Trong mơ, âm thanh của bóng rổ đập xuống sàn ngày càng xa, ngày càng nhạt. Trong mơ, anh ngồi ở vị trí gần cửa sổ làm bài thi, lớp học ngày càng vắng vẻ, mọi người lần lượt rời đi, không ai đến gọi anh đi cùng.

Hứa Nam Hành không quan tâm, anh quen với sự cô độc, càng như thế này thì càng không có ai đến gần anh. Lớp học trong mơ trở nên hoàn toàn trống rỗng, sau đó một người đàn ông mặc áo sơ mi trắng ngồi xuống bên cạnh anh, nghiêng đầu cười với anh và nói: "Thầy Hứa."

Người đó lại sửa lời: "À không đúng, ở tuổi này nên gọi là học sinh Hứa."

Hứa Nam Hành ở trong mơ đáp: "Tùy, gọi sao cũng được."

"Vậy vẫn gọi là thầy Hứa nhé." Người đàn ông áo trắng nói, "Thầy Hứa, thầy cảm thấy thế nào?"

Hứa Nam Hành đang làm bài, người này cứ nói mãi bên cạnh, anh cau mày: "Tôi cảm thấy anh rất ồn ào đấy, bác sĩ Phương."

Ừm, tại sao bác sĩ Phương lại ở trong lớp, Hứa Nam Hành dừng bút, từ từ quay đầu, nhìn hắn. Phương Thức Du vẫn hỏi: "Thầy Hứa? Thầy thế nào rồi?"

"Thầy Hứa?" Phương Thức Du vòng tay qua vai anh, để nửa trên cơ thể anh tựa vào cánh tay mình, "Tỉnh dậy, thầy Hứa."

Hứa Nam Hành mở mắt trước, nhưng tầm nhìn không rõ ràng, mờ mờ, giống như một ống kính đang liên tục lấy nét.

Ngay sau đó, Phương Thức Du lại nói: "Hít thở đi, thầy Hứa."

Anh làm theo, hít một hơi sâu.

"Hít thêm nữa." Phương Thức Du nói, "Thầy Hứa."

Bên cạnh lại có thêm một giọng nói, giọng của một cô bé, có chút lo lắng, hỏi: "Bác sĩ Phương, thầy Hứa không sao chứ?"

Phương Thức Du nói: "Không sao, thầy ấy bị sốc độ cao, choáng váng, cộng thêm việc thầy ấy vốn dĩ ngủ rất sâu nên mới không nghe thấy tiếng gõ cửa."

Nếu Hứa Nam Hành không nghe nhầm, thì giọng nói của cô bé đó là của Đạt Tang Khúc Trân. Anh khẽ nhíu mày, nhìn về phía hai người này.

Phương Thức Du đang ngồi bên giường ôm lấy anh, cầm một bình oxy áp vào mặt anh, đứng bên cạnh là Đạt Tang Khúc Trân với gương mặt lo lắng, chăm chú nhìn Hứa Nam Hành.

Cuối cùng, Hứa Nam Hành dần tỉnh táo lại, anh vỗ nhẹ vào tay Phương Thức Du, ra hiệu muốn nói chuyện.

Phương Thức Du di chuyển bình oxy ra, giải thích với anh: "Em ấy không thấy thầy đến lớp, Khúc Trân lên tầng tìm thầy, gõ cửa không ai trả lời, sợ thầy gặp chuyện gì, vài nam sinh lên đây phá cửa ra, phát hiện thầy ngất trên giường, rồi đi tìm tôi."

"Chuyện gì gấp vậy chứ?" Hứa Nam Hành yếu ớt hỏi.

Phương Thức Du chớp chớp mắt, nói: "Cô bé gọi thầy đến lớp mà."

Hứa Nam Hành một lúc lâu không phản ứng kịp, thiếu oxy khiến ký ức của anh bị phân tán. Ký ức của anh dừng lại ở tối qua khi đưa học sinh về nhà, anh tự quay lại trường và nấu một bát mì trong nhà ăn, sau đó ăn xong và lên tầng.

Anh nói: "Tôi vừa mới tan học mà, sao lại lên lớp nữa, nhịp sống ở Tây Tạng nhanh vậy sao?"