Tối Đoạn Nhân Trường

Chương 1



1.

Lần đầu tôi nhận ra bản thân không ổn là lúc thím Lưu sang chơi.

Con trai thím Lưu đào ngũ, chạy từ tiền tuyến về, may mà vẫn còn nguyên vẹn.

Trong chu vi mười dặm quanh đây, đó là chuyện cực kỳ may mắn. Thím Lưu không nhịn được chạy đi khoe khoang khắp nơi. Mỗi tội ngày thường thím ấy tính tình cay nghiệt, bán đậu hũ còn hay xén đầu xén đuôi nên trước giờ trong thôn không có bạn bè, chỉ hơi thân thiết với mẹ chồng tôi.

Hai người rảnh rỗi thì chụm đầu tán gẫu, có lẽ lại nói xấu sau lưng tôi rồi.

Mẹ chồng luôn kêu ca tôi bạc đãi bà ấy. Cằn nhằn con trai bà ấy mới cưới tôi không lâu đã bị bắt đi sung quân, chỉ để lại cô dâu mới cưới là tôi. Chê tôi bắt nạt bà ấy không có con trai bảo vệ, để bà ấy ăn đói mặc rách.

Nực cười, bà ấy không chịu động não nghĩ xem, dân nghèo như chúng tôi trong thời đại này có mấy ai được ăn no đâu. Mẹ chồng già cả, trên người vẫn có hai cân thịt, toàn bộ do tôi sáng làm nông, chiều đi giặt quần áo thuê, tối dệt vải nuôi ra chứ đâu.

Bà ấy lại suốt ngày phòng tôi như phòng trộm. Chỉ vì tôi có chút tư sắc, trong ba năm chồng không ở bên, bị mấy ông chủ nhà giàu trên thị trấn vừa mắt muốn đón về làm thiếp nhưng mấy lần đều bị bà ấy phá hỏng.

Đến bây giờ, thím Lưu dẫn đứa con đào ngũ, khỏe mạnh chạy về nhà đến khoe, mẹ chồng lập tức làm như không thân, sầm mặt đóng cửa không tiếp.

Đến khi thím Lưu tự đứng ngoài cửa nói huyên thuyên một lúc lâu ra về, bà ấy bắt đầu quở trách tôi.

Trách tôi đen đủi nên con trai bà ấy mới không về được. Còn trách tôi vô dụng, lúc ấy nếu bỏ thêm công sức giấu người, con trai của bà ấy đã không bị quan binh đến bắt người lôi đi.

Trời đất chứng giám, nhà bà ấy chỉ đủ chỗ kê một cái giường với hai cái ghế, tôi biết giấu người vào đâu cơ chứ?

Nếu bình thường bà ấy càu nhàu thì cũng thôi, tôi nghe mãi cũng quen rồi.

Nhưng không hiểu sao hôm nay, mấy lời gắt gỏng của bà ấy lại chói tai, như mũi kim nhọn đâm thẳng vào đầu tôi vậy. Tôi không nhịn được xô bà ấy qua một bên, vọt đến chân tường nôn khan.

Mẹ chồng im tiếng, híp mắt nhìn tôi chằm chằm, gương mặt trắng bệch của tôi phản chiếu trong đôi mắt của bà ấy.

- Thanh Nương, không phải mày đang nôn nghén đấy chứ?

Câu hỏi này được nói bằng cái giọng thô ráp già nua của mẹ chồng, khó nghe chết đi được.

Tôi nhớ lại chuyện xảy ra gần đây, lòng đầy hoang mang.

Tôi đẩy mẹ chồng, ra khỏi nhà muốn ra bờ sông.

- Tránh ra, tôi bị bà cướp mất đũa cơm duy nhất lúc trưa, bây giờ bụng đói cồn cào chứ sao nữa.

Tôi đi được hai bước, không nhịn được ngoái đầu lại nạt bà một câu.

2.

Hôm sau, có người đến thu tiền thuê ruộng.

Hàng xóm nghe vậy đồng loạt cầm nông cụ ra ầm ỹ trước cửa thôn.

- Đầu tháng vừa giao tiền xong, mới qua mười ngày lại phải đưa tiền, muốn bọn tôi chết hết phải không?

Vừa có người dẫn đầu, đám tá điền lập tức đồng thanh kêu la theo, đám đông mồm năm miệng mười cãi vã không ngừng.

Người mặc áo choàng gấm bị vây ở giữa dường như đã quá quen với cảnh này rồi.

Hắn chẳng quan tâm tại sao người xung quanh lại nổi giận, chỉ sẵng giọng nói:

- Tháng này phải làm lễ thọ to cho di nương thứ mười tám của ông chủ, nên muốn thu thêm một phần tiền thuê nữa.

Giọng hắn thản nhiên, thản nhiên đến mức các nông dân phát sợ.

Bọn họ đã hiểu rồi, những kẻ nhà giàu lắm của này chẳng quan tâm đến sự sống chết của họ, càng không quan tâm đến sự phẫn nộ của họ.

Tiếp theo lại là một cảnh thường thấy nữa.

Có người tiên phong quỳ xuống vừa đập đầu vừa khóc, cầu xin nói nhà mình không dễ, những người còn lại cũng nhanh chóng quỳ theo.

Ai cũng vừa quỳ vừa dập đầu, nhưng quý nhân vốn chẳng đặt nặng sống chết của họ, cũng chẳng buồn nhìn vào sự phẫn nộ của họ cơ mà, chẳng lẽ sẽ vì họ gạt thể diện quỳ xuống cầu xin mà thương hại hay sao?

Tiền thuê vẫn phải thu, những nông dân nghèo đói xanh xao này càng thêm sầu khổ.

Nhưng đến lúc gã thu tiền trên cằm có cái nốt ruồi bỉ ổi kia đến trước mặt tôi, đôi mắt hẹp dài của hắn nheo lại, trưng ra nụ cười lấy lòng ám muội:

- Ông chủ bảo rồi, giỏ trứng lần trước cô em đưa tới rất tươi, không thu tiền cô em.

Câu này vừa nói xong, mọi người đều ồ lên.

Đám người mới lúc nãy nước mắt tèm lem giờ mắt bốc hỏa, nhưng cơn giận này bây giờ hướng về tôi.

Ông chủ kia để mắt tôi không phải ngày một ngày hai, thỉnh thoảng vẫn cho tôi vài ưu đãi như vậy trước mặt mọi người, để tôi bị đám người trong thôn ghi thù. Tốt nhất có ngày bị người ta đuổi đánh.

Dù sao con người lúc nào cũng vậy mà, bị chèn ép nhiều thành quen. Nhưng nếu trong đám giống mình lại có người được đặc quyền, họ phải phá hủy người đó bằng được.

Chỉ khi tất cả đều sống trong vũng lầy nhơ nhuốc, bọn họ mới có thể tự lừa bản thân cuộc sống đau khổ này vẫn còn chịu được, mới có động lực để lê tấm thân mệt mỏi sống tiếp.

Hiện tại người này một câu, kẻ kia một câu, đều chỉ trích tôi và ông chủ kia có quan hệ không sạch sẽ.

Bà mẹ chồng chết bầm quỳ ngay hàng đầu đứng bật dậy, kéo ống tay áo của tôi, rống to kéo tôi về nhà.

- Tao hỏi mày?! Mấy hôm trước mày vào thành làm gì? Làm gì hả!?

Bà già bình thường gầy nhỏ xơ xác bây giờ thẳng lưng đầy khí thế, giọng nói the thé tưởng xé toác cả bầu trời.

Tôi bị bà ấy vừa lôi vừa kéo, rời khỏi cửa thôn, đi qua bờ ruộng, bà ấy đã không mắng nữa r ồi.

Về đến nhà, mẹ chồng buông tay, trèo lên ván giường gác chân cười đắc chí.

- Người kia sẽ không miễn tiền thuê cho họ đâu, đám đầu đất kia bây giờ vẫn đang quỳ, cũng may tao thông minh bảo chạy là chạy.

Bà phẩy tay với tôi, các nếp nhăn trên mặt xô cả vào nhau.

- Tao không dẫn mày theo, mày chỉ có đứng đây nghe mắng thôi con ạ. Không biết mắt mũi Vân Sinh kiểu gì lại chọn người vợ ngu ngốc như mày.

Nghe bà ấy nói, tôi mới hiểu hóa ra lúc nãy bà ấy không thật lòng hỏi tội tôi.

Tôi xúc động hỏi bà:

- Ông chủ miễn tiền thuê cho tôi, bà không nghi ngờ thật sao?

Mẹ chồng hất tay:

- Mày thì làm được cái gì? Hay cái gì cũng làm rồi?

Bà ấy nói xong thì không để ý đến tôi nửa, lôi cái túi nhỏ trong ván giường ra, bắt đầu đếm mấy lượng bạc vụn quý báu của bà.

Đếm được một nửa, bà ấy ngoái lại lườm tôi, cảnh cáo:

- Toàn bộ chỗ này là của Vân Sinh, mày đừng có mơ.

Tôi không để ý đến bà ấy nữa, ngơ ngác đứng dậy, không biết đã ra ngoài sân từ lúc nào.

Mấy nông hộ đưa xong tiền thuê lục tục quay lại ruộng, cúi đầu cam chịu một ngày làm lụng vất vả khác.

Bỗng nhiên, một bóng dáng cao to trùm lên tôi. Tôi ngẩng đầu lên nhìn, là thằng con chạy trốn từ tiền tuyến về của thím Lưu.

Nhìn cậu ta cũng không khỏe mạnh như thím Lưu khoe khoang, cao to thì cao to đấy nhưng da thịt lộ ra màu đỏ tím, cả người nhìn như đang sưng phù lên.

- Chị… - Cậu ta há mồm, vẻ mặt có hơi kỳ quái.

- Thạch Đầu, chị hỏi cậu, lúc trốn về có gặp chồng chị không?

Có lẽ đoán được tôi sẽ hỏi thăm tin tức của Vân Sinh, Thạch Đầu gãi đầu, năm ngón tay sưng to như củ cải chán nản nắm tóc.

- Em không thấy, - Giọng cậu ta ồm ồm, - Ra khỏi quân doanh em đã tách khỏi anh Vân Sinh rồi, không biết anh ấy đi đâu.

- Ừ.

Tôi đã dự liệu từ trước nên không thất vọng, chỉ là trước khi đi có vuốt ngón tay cậu ta dặn dò:

- Thạch Đầu, trên đường về cậu ăn đất Quan Âm (*), bảo mẹ đi cắt cho phương thuốc đi. Thứ kia phải sớm nôn ra mới được, cứ để trong bụng chỉ hại thân.

Thạch Đầu nghe xong chỉ cúi đầu đứng yên tại chỗ, không nói lời nào.

(*) Nếu mình nhớ không nhầm thì đây là đất sét trắng hoặc vôi bột? Ngày xưa lúc đói kém, người dân tuyệt vọng đến nỗi ăn đất với uống nước cho no bụng, nhưng sau khi ăn xong thì bụng sẽ trương lên mà chết.