Tối Đoạn Nhân Trường

Chương 4



7.

Một ngày mùa lại đến.

Mới sáng sớm, tôi đã nghe tiếng Hạnh Hoa quở trách Nguyệt Muội, nói nhỏ đóng đậu không cẩn thận gì cả, một mẻ đậu ngon bị nhỏ làm hỏng hết rồi. Nguyệt Muội cúi đầu không dám cãi, tôi đi qua cửa nhà họ một đoạn, Hạnh Hoa mới thả Nguyệt Muội ra ngoài.

Nguyệt Muội nhanh chân đuổi theo tôi, trong tay còn cầm nửa cái màn thầu, là Hạnh Hoa nhét cho nhỏ.

Nguyệt Muội muốn theo tôi xuống ruộng, đi được nửa đường, nhỏ bỗng dừng lại, bình tĩnh nhìn xuống bụng tôi sau đó ngẩng đầu lên nói:

- Chị Thanh, hình như gần đây chị béo lên.

Lời nói vô tâm của nhỏ lại như sấm sét đánh thẳng vào lòng tôi.

Suốt mấy ngày qua, tôi loay hoay mãi vẫn chưa tìm cách bỏ được đứa bé này.

Bụng càng to, phá thai càng nguy hiểm.

Từ lâu tôi đã không sợ chết, nhưng tôi không thể chết trước mẹ chồng. Bà ấy nuôi tôi lớn, đã nương tựa bên tôi đến bây giờ. Dù thế nào, tôi vẫn phải dưỡng lão đưa ma cho bà ấy.

Tâm sự đè nặng, Nguyệt Muội vừa ngẩng đầu lên đã thấy gương mặt khó coi của tôi.

Nhỏ im lặng không nói gì nữa, cả đường đi chỉ cúi đầu như đứa bé vừa làm gì sai. Mãi đến bờ ruộng, nhỏ mới ngẩng đầu định nói gì với tôi lại nhìn thấy một nông dân đang giận đùng đùng đi về phía chúng tôi.

- Là cô ta đấy, con dâu nhà bà Tiếu!

Gã nông dân cao hơn tôi nửa cái đầu chỉ thẳng vào mũi tôi, gương mặt đen đúa đỏ lên vì giận dữ.

- Hôm nay ông chủ Vu lại sai người đến lấy tiền thuê, thời gian này chẳng thu hoạch được gì nhưng tiền thuê vẫn tăng lên, đây là chuyện gì chứ?

Mắt thấy gã nói đến nước bọt văng tùm lum, Nguyệt Muội thu lại vẻ nhát gan, ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào gã nông dân mặt mũi thô kệch kia:

- Ai tăng tiền thuê anh đến đấy mà kêu, sao lại về đây mắng chị Thanh của tôi?

Nhưng không ngờ nhỏ vừa nói xong câu này, đám người xung quanh vốn đang hóng hớt lập tức đổi sang vẻ mặt cười như không cười. Bọn họ nhìn tôi, ánh mắt tối tăm như đã định cho tôi một tội danh nào đó.

Họ nói:

- Ai chẳng biết mày đã sớm dụ dỗ ông chủ Vu rồi, mày là tình nhân ông ta nuôi trong thôn, bọn tao không tìm mày thì tìm ai?

- Mấy người quá đáng vừa thôi! Nói gì phải có chứng cứ, mấy người đừng ngậm máu phun người!

Nguyệt Muội giận đến nỗi mặt mũi đỏ bừng.

Họ nói:

- Nếu mày với ông chủ Vu trong sạch, sao ông ta chỉ miễn tiền thuê cho mỗi mình mày?

Có người chỉ thẳng vào mặt tôi mà mắng:

- Lần nào ông chủ Vu đến đây mà không liếc mắt đưa tình với mày? Mày là một quả phụ, trong sạch được mới lạ. Mọi người nhìn bụng của nó xem, có khi đã sớm có nghiệt chủng rồi!

Những người này nói luôn mồm, đại đa số là thứ họ vẽ ra trong đầu. Nhưng ngay câu nói kia lại chọc trúng tâm sự của tôi. Mấy ngày qua, tôi vẫn dùng đai siết buộc chặt bụng lại, chỉ muốn làm đứa nghiệt chủng này chết luôn trong bụng.

Tuy bụng hơi tròn ra nhưng cũng chẳng ai nghĩ đến điều đó, nhưng bây giờ, đám người bị ngôn ngữ dẫn dắt, ánh mắt đổ dồn vào bụng tôi.

- Xem ra ông chủ Vu sắp có tiểu thiếp mới rồi, chỉ khổ đám dân đen chúng ta, quanh năm suốt tháng nhọc nhằn trồng trọt cuối cùng phải cúng hết cho loại người không biết liêm sỉ!

Cái người đang ngoác mỏ kêu ca này chính là mẹ ruột của gã nông dân lúc nãy.

Có hai mẹ con này tiên phong, cơn giận của các thôn dân sôi lên sùng sục, tôi và Nguyệt Muội bị bọn họ vây quanh, nước bọt của suýt dìm chết chúng tôi.

- Mấy người làm gì đó, ai dám bắt nạt em gái nhà tôi hả?

Một giọng nói hằn học vang lên, Hạnh Hoa xô đám người ra, kéo Nguyệt Muội ra sau lưng mình che chở.

- Con nhỏ đất khác kia, tao khuyên mày đừng lo chuyện bao đồng.

Bà thím kia nói mà ánh mắt vẫn gườm gườm nhìn Nguyệt Muội.

- Bắt nạt em gái tôi mà bảo tôi không được lo bao đồng à?

Giọng Hạnh Hoa cao vút, sắc bén, khóe môi vểnh lênh khinh khỉnh. Chị ta quát:

- Thế nào? Thôn này của nhà bà à? Bà phát tiền hay phát gạo cho người trong thôn?

Bà thím kia thấy Hạnh Hoa cứng cỏi, lửa giận tắt ngúm, quay sang nói với tôi:

- Tiếu Thanh Nương, mày lẳng lơ đĩ thõa lại hại cả thôn tao. Bây giờ tao muốn mày đi xin ông chủ Vu, để ông ấy miễn địa tô cho cả thôn, nếu không bọn tao không tha cho mày đâu.

Bà ta vừa nói xong, đám người đằng sau dồn dập tán thành.

Hạnh Hoa nghe vậy thì cười lạnh:

- Tôi đang nghĩ sao mồm các người thối như vậy, hóa ra đã nhăm nhe tính toán trên đầu người khác.

Phải rồi, những người này vốn có quan tâm đến sự trong sạch của tôi đâu, thậm chí họ còn biết rõ tôi trong sạch hay không mà. Chẳng qua họ không quan tâm thôi.

Họ không đấu lại ông chủ có quyền thế, nhưng có thể dùng ba tấc lưỡi của mình làm tôi không sống nổi trong cái thôn này.

Tôi không sống nổi sẽ phải đi cầu xin ông chủ quyền thế. Đến lúc đó, ông chủ được mãn nguyện, vung tay lên một cái là không có ai đi thu địa tô nữa.

Đây là vụ mua bán ai cũng có lời.

Nhưng tôi không muốn trở thành vật hi sinh cho cuộc sống tốt đẹp của họ. Tôi đảo mặt nhìn qua mặt từng người, nhìn thẳng vào mắt từng người. Trên mặt trong mắt của họ có tê liệt, có uể oải, chỉ không có sự hổ thẹn với người bị chèn ép.

Lòng tôi bốc hỏa, vừa định mở miệng bỗng nghe một tiếng gào vang lên từ phía sua.

- Tránh!

Là giọng của mẹ chồng, tôi vô thức nghiêng người tránh đi.

Một giây sau, mẹ chồng xách hai thùng phân xông vào đám người. Bà ấy không để ai kịp phản ứng, nhấc thùng phân tạt thẳng vào đám đông. Hai mẹ con làm tôi khó xử đứng mũi chịu sào, cả người dính phân.

Bọn họ chưa kịp kêu gào khóc lóc, mẹ chồng đã chống nạnh nói sa sả:

- Bọn mày bảo con dâu tao lang chạ à? Để tao đi báo quan cho, vui một mình không bằng vui cả làng, lát nữa quan binh đến thấy một đám thanh niên trai tráng ở đây, không biết sẽ mừng đến thế nào đấy!

Mẹ chồng vừa nói xong, đám đông đang lửa giận ngút trời lập tức tắt ngóm, nhất là mấy nhà còn đang giấu con trai đồng thanh mắng mẹ chồng nghiệp chướng, đen đủi rồi kéo đàn ông trong nhà ra ngoài thôn đi trốn.

Một đám đông bát nháo loáng cái đã tan tác.

Mẹ chồng phủi tay, đầu nghểnh cao như vừa thắng một trận đánh cam go, như thể sợ không ai nhìn thấy vậy.

- Bảo mày ngu mày còn không tin, bị người ta bắt nạt thành thế này, phải để bà lão này ra tay.

Bà ấy nói xong, chắp tay sau lưng đủng đỉnh đi mất. Tôi nhấc đòn gánh, bước chân theo sau.

Trên đường về, Nguyệt Muội không nhịn được hỏi:

- Bà Tiếu, bà định báo quan thật ạ?

Nhỏ vừa dứt lời liền bị Hạnh Hoa vỗ cho cái vào đầu.

- Em bị ngốc à, - Chị ta chỉ vào mẹ chồng, khinh khỉnh nói, - Một bà già nhìn thấy quan binh là run chân, lấy đâu ra can đảm mà báo quan? Dọa được mấy tên thôn dân ngu ngốc kia thôi.

Hạnh Hoa học khẩu âm của bọn tôi rất nhanh, học cả mấy câu chửi. Nguyệt Muội ôm đầu ngơ ngác ồ một tiếng.

Chúng tôi về nhà, Hạnh Hoa đun lại đậu hũ nát bỏ vào trong cháo.

Tôi ngồi trong sân nhà chị ta, vừa ăn cơm vừa tâm sự.

Ăn no định về, chị ta bỗng gọi tôi lại.

- Thanh Nương, em biết đấy, lúc chị sinh Tiểu Đậu Mễ rất khó khăn, suýt nữa chết cả mẹ lẫn con rồi.

Chị ta đột nhiên đổi đề tài làm tôi cảnh giác, tôi không đáp lại như mọi là chỉ lặng lặng chờ chị ta nói tiếp.

Hạnh Hoa mở miệng, nói:

- Thanh Nương, bây giờ phụ nữ sinh sản không dễ, sinh non càng dễ một xác hai mạng. Chị luôn cảm thấy, làm người phải tiếc phúc, trong thời thế này chẳng có gì quan trọng hơn sống sót đâu.

Lời của chị ta như sấm sét giữa trời quang, ghim chặt tôi tại chỗ.

Tôi ngẩng đầu lên nhìn chằm chằm vào Hạnh Hoa, muốn tìm tòi ra đầu mối trên gương mặt ỉu xìu của chị ta. Nhưng Hạnh Hoa chỉ nhìn tôi một lát rồi trở vào nhà làm việc riêng.

Tôi đứng trong sân rất lâu, lâu đến nỗi nghe thấy tiếng chửi đổng của mẹ chồng mới quay lại ngôi nhà tồi tàn của bà ấy. Trước giờ chúng tôi không đốt nến, chỉ dựa vào ánh trăng.

Tôi hỏi:

- Mẹ này, gần đây mẹ có thấy bụng tôi hơi to không?

Lời này gần như nói huỵch toẹt ra rồi, mẹ chồng khựng lại, đôi mắt vẩn đụng bình tĩnh nhìn tôi.

Tôi hơi lo lắng, trước khi về nhà tôi đã tháo đai buộc bụng ra. Từ lúc phát hiện mình nôn nghén không ngừng, tôi thậm chí không cần cúi đầu cũng biết bây giờ cái bụng đã nhô cao thế nào.

Tôi đã chuẩn bị tâm lý bị mẹ chồng đuổi khỏi nhà rồi.

Nhưng mẹ chồng chỉ liếc một cái, đắp chăn quay lưng đi.

- Thần kinh à.

Tôi nghe thấy bà ấy chửi khẽ.

- Mẹ không thấy có gì sai sao?

Tôi nóng nảy nhào đến trước giường hỏi.

Mẹ chồng vung tay như đang đuổi ruồi, vẫn quay gáy về phía tôi:

- Tao từng sinh Vân Sinh, cái bụng của mày thế nào tao nhìn là biết ngay. Đừng nghĩ mấy chuyện lung tung nữa, đi ngủ sớm đi.

Nói xong, bà ấy không để ý tới tôi nữa, tôi nằm xuống cạnh bà ấy.

Một lát sau, tôi cắn chăn khóc rấm rứt.

- Mày lại sao đấy?

Giọng nói khàn khàn có vẻ khó chịu của mẹ chồng vang lên bên cạnh.

- Tôi nhớ Vân Sinh.

Tôi vùi mặt vào lòng bàn tay, giọng run run.

Mẹ chồng lại im lặng một lúc lâu.

Tôi nghe thấy tiếng bà ấy trở mình, theo đó là tiếng thì thầm:

- Mới gặp vài lần thì nhớ cái gì, tao là mẹ ruột của nó còn không ra như thế, rõ ràng mày không muốn tao ngủ ngon, đồ dở hơi.

8.

Mẹ chồng không tin tôi nhớ Vân Sinh, lúc trước thím Lưu còn sống cũng không tin. Thật ra không chỉ hai người người họ, người trong thôn này không ai tin, cả ông chủ Vu cũng không tin.

Bọn họ không tin, vì thời gian tôi và Vân Sinh ở bên nhau quá ngắn. Ngắn đến nỗi bọn tôi còn chẳng kịp tìm một lúc nông nhàn để ngồi giao lưu trò chuyện, hỏi han tìm hiểu về nhau đã phải chia lìa rồi.

Nhưng tôi biết, tôi luôn nói thật.

Lần đầu gặp anh khi Vân Sinh trở về từ phương Bắc, tôi đã thích anh rồi.

Đứa con trai mẹ chồng suốt ngày treo trên miệng, bây giờ đang đứng ngay trước mặt tôi. Vóc dáng mặt mày của anh đoan chính đôn hậu, da dẻ hơi đen, ánh mắt nụ cười lúc nhìn người khác rất ấm áp.

Anh thăm hỏi mẹ chồng, quỳ xuống vừa cảm kích vừa xấu hổ dập đầu, nói những năm gần đây khổ cho mẹ chồng phải cầm cự một mình.

Sau đó, anh quay sang bên tôi, trịnh trọng nói hai chữ cảm ơn.

Tôi nấp ra sau lưng mẹ chồng.

Anh ấy chân thành quá, làm tôi không biết nói gì cả.

Vân Sinh được mẹ chồng dùng tiền chuộc về từ phương Bắc.

Em gái của mẹ chồng, tức cô của Vân Sinh gửi tin nói anh bị bọn cướp bắt đi, có thể chết bất cứ lúc nào. Mẹ chồng cuống lên, lấy hết tiền tiết kiệm trong nhà ra gửi đi, còn chỉ sợ không đủ.

Nhưng sự thật là, đó chỉ là âm mưu của cô Vân Sinh thôi.

- Ở phương Bắc cũng không yên bình đâu, mỗi ngày con đều phải ra ngoài làm công để đưa tiền sinh hoạt cho cô chú.

Vân Sinh nói đến đây, mặt mẹ chồng sầm xuống.

Tôi nhớ mẹ chồng từng nói, lúc trước em gái bà ấy đến được phương Bắc cũng nhờ bà ấy bỏ ra một số tiền lớn, khi đó bọn họ đã hứa sẽ chăm sóc cho Vân Sinh cẩn thận. Nhưng bọn họ lại để Vân Sinh đi làm những công việc vừa nặng nhọc vừa nguy hiểm chỉ để lấy tiền công của anh.

Cuối cùng bọn họ nổi ác tâm, muốn bán Vân Sinh đến mỏ đá.

Một khi đến đó, không ốm chết cũng lao lực đến chết.

Vân Sinh nghe xong lập tức bỏ trốn, cô chú kia thấy thế liền nhờ người gửi lời nhắn, muốn chiếm đoạt số tiền cuối cùng của mẹ chồng.

Mẹ chồng nghe xong, trên mặt chỉ còn chút đau lòng.

Khi ấy bà ấy vẫn chưa già nua như bây giờ, còn trẻ, còn sức lực, dù tiền bạc bị người thân lừa đi hết trong lòng vẫn ôm ấp hi vọng với mai sau.

Nhưng mai sau, cái mai sau huyền diệu kia, chẳng ai biết sẽ xảy ra chuyện gì.

Ngày thứ sáu Vân Sinh về nhà, tôi thành thân với anh.

Mục đích kết hôn cũng đơn giản, tôi nhận mẹ chồng làm mẹ, về sau định sống bên bà cả đời. Vân Sinh là con ruột của mẹ chồng, về sau cả nhà không xa nhau nữa. Thế thì tôi và Vân Sinh cứ kết hôn thôi, như vậy trong thời loạn lạc này chúng tôi lại có thêm một người nhà. Cho dù trong nhà chỉ có ba người, cũng đủ cho chúng tôi sưởi ấm cho nhau trong ngày đông giá rét.

Nhưng ngày thứ sáu tôi và Vân Sinh kết hôn, đến ngày thứ bảy, anh bị quan binh bắt đi.

Người báo cáo anh chính là người bạn thân khi trước. Trước đây gã cùng Vân Sinh đến phương Bắc, dựa vào cái miệng dẻo và tính cách gian xảo luồn cúi tìm được cách làm giàu trong thành. Những cách kiếm tiền táng tận lương tâm, gã đều làm hết.

Ban đầu gã còn nhớ tình đồng hương, muốn dẫn dắt Vân Sinh đi theo, nhưng Vân Sinh không chịu thậm chí còn xa lánh gã.

Kể từ đó, gã ghi thù Vân Sinh. Về sau Vân Sinh về quê, gã cũng về theo, trên đường đi đã trộm mất hộ tịch của anh, bán cho binh doanh gần đó.

Ngày ấy quan binh đến bắt người cũng do chính gã dẫn đường.

Nhưng gã không ngờ quan binh không chỉ bắt Vân Sinh mà bắt luôn cả gã.

Bây giờ chiến sự căng thẳng, phương Nam gặp người đàn ông nào là bắt người đó, thủ đoạn cho tiền thưởng để người dân tòng quân đã không dùng nữa rồi.

Lúc Vân Sinh bị bắt đi, mẹ chồng đuổi theo suốt ba dặm đường, bị người ta dùng gậy đánh vỡ đầu chảy máu cũng không dừng lại.

Cuối cùng là tôi cõng bà ấy về.

Đây cũng việc Vân Sinh giao phó, anh nói:

- Thanh Nương à, em về đi. Cứ như vậy mẹ cũng không chịu được đâu, quan binh sẽ đánh chết bà ấy mất.

Anh bị người ta ấn đầu xuống, nhưng vẫn cố gắng ngoái lại lại nhìn chúng tôi, từ đó chúng tôi bị chia cắt.

Câu nói cuối cùng không phải cho mẹ chồng, mà là cho tôi.

Anh dặn:

- Thanh Nương, em còn trẻ đẹp, cuộc sống về sau còn khổ, em nhất định phải cố sống thật tốt.

- Thanh Nương em phải cố gắng sống tốt, cố gắng sống vì bản thân.

Câu nói kia đến từ cõi lòng sâu kín nhất, lặng lẽ theo gió thu bay thật xa.

Đêm hôm ấy, mẹ chồng khóc đến tỉnh lại, túm lấy tôi vừa đánh vừa chửi.

Bà ấy khóc đến nửa đêm, lại ra sân ngồi một mình, nghểnh cổ chờ đợi.

Ngóng trông bình minh lên, đứa con duyên phận với bà nông cạn trong thời loạn này, có thể theo ban mai trở về.

Nhưng bà ấy chờ hết ngày này đến ngày khác, chờ đến bản thân trở thành tảng đá, cũng không thấy bóng dáng Vân Sinh.

Còn bà ấy, mới chỉ qua ba tháng, bỗng từ một người phụ nữ tinh thần quắc thước, trở thành một bà lão già nua.

Lần này, bà ấy thật sự già rồi.

Chúng tôi đều biết những năm này, một người bị lôi lên tiền tuyến, sớm muộn cũng chết vì những đại vương kia, chết không chỗ chôn.

Chuyện này còn tuyệt vọng hơn bị cướp bắt đi, bởi vì chỉ cần trả tiền chuộc, bọn cướp sẽ thả người về. Còn trong mắt các đại vương kia, người vào tiền tuyến đã bán mạng cho họ rồi, đâu thể về được nữa.

Trụ cột tinh thần của mẹ chồng đổ sụp, gánh nặng mưu sinh đè lên vai tôi.

Cũng may xưa nay tôi giỏi làm việc, trừ làm việc tôi cũng chẳng biết làm gì.

Lúc rảnh rỗi, tôi lại nhớ Vân Sinh cùng mẹ chồng, nhớ người chồng duyên cạn của tôi, nhớ gương mặt tươi cười hiền hậu của anh.

Tôi từng tâm sự nỗi nhớ của tôi với người khác, nhưng người ta vừa nghe đã bật cười.

Bọn họ nói:

- Cô Tiếu đúng là biết làm bộ, cô và con trai bà Tiếu kết hôn được một ngày đã tách ra, bây giờ cô nói nhớ, có lẽ do bà Tiếu còn nhiều tài sản?

Về sau, tôi không kể nữa.

Không ai tin tôi thực sự nhớ Vân Sinh, không ai tin tôi sẽ yêu chàng trai tôi mới quen biết được bảy ngày.

Nhưng tôi thật sự rất yêu anh.

Bọn họ không biết, đêm tân hôn ấy, lúc anh nắm tay tôi, thủ thỉ “Thanh Nương, sau đó chúng ta có nhà rồi”, tôi đã khóc bao lâu.

Về sau, trong những đêm dài đằng đẵng, tôi nằm trên cái gối vừa khô vừa cứng, nhìn ánh trăng lọt qua khe cửa.

Trong đầu chỉ có hai âm thanh.

Một là lúc Vân Sinh nắm tay tôi, nói rằng về sau chúng tôi là người nhà.

Một là, lúc Vân Sinh bị quan binh kéo đi, mặt mũi dính đầy bùn và máu:

- Thanh Nương, về sau em phải sống, phải sống vì chính mình.

Ban đêm khô nóng, gió nào thổi cây lá xào xạc tựa tiếng khóc nghẹn ngào. Thời cuộc thế này, ai sống mà không khó khăn đâu.

Sinh mạng của nông dân nằm nơi ruộng đồng, hoa màu trong ruộng quý giá hơn mạng người. Tôi phải chăm sóc mảnh ruộng nhỏ kia, chẳng còn thời gian buồn khổ nữa.

Sáng dậy sớm, tôi đến cái giống đầu thôn múc thêm hai thùng nước, định đến tối dùng nấu cháo khoai lang.

Trên đường xách nước về tôi đã nghĩ thông rồi. Chẳng cần biết Vân Sinh nói thế nào, hiện tại tôi phải chăm sóc mẹ chồng cẩn thận, để mấy năm cuối cùng của bà ấy có thể thoải mái hơn chút. Để đến khi Vân Sinh về, tôi có thể không thẹn với lòng nói với anh rằng, em đã mai táng mẹ đàng hoàng rồi.

Nhưng tôi chưa kịp vào cửa nhà, đã thấy một đám người tụ tập trong sân.

Tiếng mắng chửi hùng hổ của mẹ chồng xuyên qua đoàn người, vang thẳng đến chỗ tôi. Tôi giật mình thon thót, làm rơi thùng nước cũng không để ý, vội đẩy người ra vọt vào.

Nhưng vào cửa, tôi lại đụng phải đôi mắt dâm tà của ông chủ Vu. Ông ta vừa vừa nhìn thấy tôi, cặp mắt mê gái kia đã dính chặt vào người tôi.

- Thanh Nương ơi, - Ông ta nhìn tôi như đang đánh giá một món hàng, - Chuyện ngày đó, ông đây mỗi ngày đều nghĩ tới.

Chân tôi run bần bật, lùi lại đụng vào khung cửa, cả người lảo đảo ngã xuống. Tôi ngồi dưới đất run lẩy bẩy, không dám đối diện với ánh mắt của mẹ chồng.

Chuyện ngày đó, lại xẹt qua đầu tôi.