Ái Tình Thượng Lưu

Chương 7



Chắc chắn Triệu Dữ Hủy không hiểu được tại sao khi cô ta khóc lóc chạy đi, người đuổi theo không phải Chung Vãn Ý mà lại là tôi.

Thấy cô ta ngồi xổm cạnh bồn hoa, khóc lớn tiếng quá nên tôi tốt bụng đưa khăn giấy qua: “Lau đi.”

Triệu Dữ Hủy oán hận trừng mắt nhìn tôi với lớp trang điểm nhòe khắp mặt: “Cô đắc ý lắm đúng không?”

“Đương nhiên là không.” Tôi cực kỳ chân thành khích lệ cô ta: “Thật ra tôi chưa bao giờ khinh thường cô.”

Thậm chí tôi còn nghĩ là cô ta lợi hại hơn tôi nhiều.

Triệu Dữ Hủy bị lời tôi nói đả kích, sắc mặt xanh mét nói: “Cô có ý gì?”

“Ý khen ngợi cô.”

Tôi nhìn chằm chằm đôi mắt mờ lệ kia, miệng lưỡi nghiêm túc đủ mười phần: “Thấy cô có thể chắp tay nhường lại người mình thích cho người khác vì lợi ích... thật sự cảm thấy cô lợi hại lắm.”

Trên thực tế, Triệu Dữ Hủy trong mắt tôi vẫn luôn rất đáng sợ. Điểm đáng sợ của cô ta là đầu óc không chỉ biết mỗi chuyện yêu đương. Thân là tiểu thư hàng thật giá thật của nhà họ Triệu, cô ta khao khát thành công, quyền lực và có được tất cả mọi thứ.

Khao khát đó vượt xa tôi nhiều lắm.

Cho tới hôm nay tôi mới hiểu ra lý do cô ta không quan tâm Chung Vãn Thu là vì cô ta yêu Chung Vãn Ý.

Vừa mới đây thôi, cô ta còn đẩy người trong lòng cho vị tiểu thư khác rất vui vẻ. Chuyện đó không đáng sợ sao?

Triệu Dữ Hủy cầm khăn giấy ngẩn người, để mặc nước mắt giàn giụa trên gương mặt. Sau đó dường như cô ta nhớ ra một chuyện, dần trở nên bình tĩnh hơn rồi nói: “Cô biết không, tôi ghen tị với cô lắm đấy.”

“Cô ghen tị tôi?”

“Bởi vì lúc cha còn sống đối xử với mẹ con tôi rất khắc nghiệt.” Cô ta tự trần thuật nỗi hận thấu xương, vạch trần vết thương hãy còn nhỏ máu đầm đìa: “Lúc nào cha cũng nhớ tới quá khứ, tưởng niệm Tống Nhữ Anh, tiếc nuối đứa con gái lưu lạc bên ngoài... không hề quan tâm đến tôi và mẹ.”

“Triệu Quan Cận, cô có tưởng tượng nổi không? Tôi hai mươi tuổi đầu rồi mà cha chưa từng tham dự buổi tiệc sinh nhật nào của tôi cả.”

Dứt lời, cô ta lạnh lẽo nhìn tôi, làm như tôi chính là người khơi mào toàn bộ bi kịch của cô ta. Thông qua biểu cảm trước mặt, tôi nhớ lại ánh mắt mẹ cô ta khi tìm thấy tôi ở vùng nông thôn. Hung dữ và ghét cay ghét đắng như nhau, còn có cả nỗi buồn chán nản...

Ngay cả mối thù hằn cũng giống y như đúc.

Họ cho rằng chúng tôi là người cướp đi hạnh phúc của họ, nguồn gốc của mọi đau thương là do chúng tôi mang lại. Đẩy trách nhiệm lên người bị hại rồi trốn tránh đi như thế, xưa nay luôn là thủ đoạn của những ai thích đóng vai kẻ đáng thương.

Tôi lười biện hộ: “Không sai, là tôi hủy hoại hạnh phúc của cô đấy. Lúc nào tôi cũng làm vậy hết, đúng không, bé ngoan?”

Triệu Dữ Hủy thấy tôi thoải mái thừa nhận thì ngơ ngác hỏi: “Kể cả lần cô lừa Chung Vãn Thu đến khách sạn cũng là vì...”

“Đúng, là vì tôi muốn chắc chắn là cô không được hạnh phúc.” Tôi tha thiết nói: “Tôi thật sự rất sợ cô cảm thấy vui vẻ.”

Nghe vậy, đối phương không thể tin nổi mà nhìn tôi chằm chằm. Đôi mắt khóc đến đỏ bừng dần nổi lên một tầng sợ hãi khó lòng che giấu. Tôi còn tưởng cô ta sẽ chửi ầm lên giống như lần tham dự cuộc họp, nhưng không, cô ta nhanh chóng đứng dậy, còn không kịp phủi bùn, cỏ dính trên người đã đâm đầu chạy trốn.

Trông chẳng khác gì một con thỏ non đáng thương và thảm hại.

Có lẽ mấy ngày nay liên tục chìm trong khói lửa, đến trong mơ tôi cũng nhìn thấy mưa rơi.

Trong cơn mưa ấy, tôi lại được dịp quay về với thời thơ ấu, đi ngang qua bức tường trắng bị mưa xối ướt thành màu xám, ngay cả hơi thở cũng thấm dẫm sương mù. Có bóng dáng ai hao gầy dắt tay tôi, bọt nước bắn lên dính vào mép váy bà.

Sau khi hoàn toàn rời khỏi nhà họ Triệu, mẹ tôi quyết định đưa tôi quay về vùng nông thôn. Nhưng bên trong ruộng lúa nào có vần thơ hay tiếng hát.

Tôi đoán là vì di chứng sau sinh nên mẹ già đi nhanh lắm. Khi tôi mười bốn thì bà còn mắc phải bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhưng bà rất kiên cường, cho dù bệnh nặng cũng cố hết sức giữ thể diện, dốc lòng làm tròn bổn phận của người mẹ đến tận khoảnh khắc cuối đời.

Giây phút bà hấp hối vẫn khuyên tôi buông bỏ quá khứ, tha thứ cho bọn họ.

“Thật ra cha con là người đáng thương.”

Khi đó tôi còn nhỏ, luôn hận thù thóa mạ rằng: “Ông ta đáng thương chỗ nào? Ông ta giấu mẹ cưới vợ mới, sinh ra đứa con khác luôn rồi!”

Mẹ tôi lúc nào cũng cười cam chịu: “Khi con yêu rồi thì luôn cảm thấy người đó đáng thương.”

Mẹ tôi hiền lành nhưng không được báo đáp xứng đáng. Bà từ chối người thân đề nghị, không chịu để tôi hiến tạng cho cho bà. Bởi vì không chờ được người hiến tạng thích hợp, cuối cùng bà đã chết già, chết bệnh ở trong một căn phòng vắng lặng.

Tôi nghĩ là không phải mẹ không biết hận, mà vì yêu tôi nên lựa chọn tha thứ tất cả.

Sau khi bà qua đời đã lâu, tôi thường xuyên ôm lấy trái tim tan nát, mất hồn mất vía đứng ở giữa giao lộ một mình, không biết bản thân nên đi đến phương nào. Mỗi lần tôi giãy giụa trong đau khổ lại nhớ đến người khơi mào lên tất cả bi kịch này.

Cớ gì nói lựa chọn là lựa chọn được ngay? Cớ gì nói vứt bỏ là vứt luôn không thương tiếc?

Tôi mang theo hai câu hỏi đó bước vào nhà họ Triệu, nhìn thấy Chung Vãn Thu trăng hoa đa tình, chứng kiến Triệu Dữ Hủy dùng tiền tài đạp lên hết thảy, cũng nhận thức Triệu Túc Đàm giả tạo dối trá.

Rốt cuộc tôi đã hiểu ra. Đâu chỉ có mỗi một người đê tiện, mà đó là cả một đám người hèn hạ.

...

Sau khi Triệu Dữ Hủy lấy hết đồ vật bên trong két sắt ra, trên dưới mười mấy người làm trong nhà bận bịu sắp xếp vài ngày mới xong. Cuối cùng bọn họ đành phải chấp nhận một sự thật – bên trong chỉ có một đống thư tình cha tôi viết cho mẹ tôi, nói đơn giản là toàn thứ rác rưởi không đáng giá một xu.

Lão già kia tức đến mức cầm gậy múa may, đập nát két sắt ngay tại chỗ. Cùng đêm hôm đó, bệnh tình ông ta chuyển biến xấu.

Bác sĩ Tần nhanh chóng dẫn đầu liên hệ vài chuyên gia đến hội chẩn, hôm sau lập tức báo cáo tin mới cho tôi.

Tôi kinh ngạc: “Bây giờ phải đổi thận ngay luôn à? Nhưng gần đây vừa đổi gan xong mà?”

Bác sĩ Tần hơi xấu hổ: “Thật ra ông Triệu từng thay tạng một lần trước đó rồi, nhưng có triệu chứng đào thải nên nội tạng suy giảm chức năng nhanh lắm.”

Chuyện này nói ra cũng bình thường. Những thương nhân tiền tài ngập trời ăn chơi, gái gú, cờ bạc thứ gì cũng thông, thế mà phần lớn đều sống thọ thì nhất định là có bí mật không thể tiết lộ với người ngoài.

“Vậy ý cô Triệu thế nào, cô còn muốn hiến tạng không?”

Hắn kín đáo quan sát tôi, sợ tôi nhả ra một chữ “không”.

Tôi nhẹ nhàng nói: “Đương nhiên... nhưng mà...”

“Nhưng mà thế nào?”

“Tôi muốn nhờ bác sĩ giúp tôi trấn an ông nội. Đợi tôi nghỉ ngơi thêm một khoảng thời gian nữa đã, tôi cần chuẩn bị tâm lý cho tốt.”

Tất nhiên, tôi nói “chuẩn bị tâm lý” thế thôi, còn sự thật là do chưa lấy đủ lợi ích vào tay.

Bác sĩ nghe hiểu ý nghĩa sâu xa, ngoài ra tôi còn ngấm ngầm dùng món lợi khổng lồ để thúc đẩy. Vậy là hắn lập tức đi khuyên nhủ Triệu Túc Đàm.

Việc này cũng chứng minh là bệnh tình Triệu Túc Đàm không thể kéo dài thêm được nữa. Một năm sau lần đổi gan với tôi là thời điểm cần giải phẫu lần hai.

Dưới sự tác động của bác sĩ Tần, Triệu Túc Đàm đưa phần lớn sản nghiệp chất lượng tốt của nhà họ Triệu sang tên tôi. Khách sạn lúc trước tặng cho Triệu Dữ Hủy cũng là một trong số đó.

Cô ta gấp đến độ miệng mồm lở loét: “Ông nội, đừng quan tâm đến mỗi Quan Cận, con cũng có thể hiến tạng cho ông mà!”

Tuy nói thế, nhưng nhờ lần phẫu thuật trước đó nên Triệu Túc Đàm càng ỷ lại tôi hơn. Ngay cả khi tôi bán bảy, tám khách sạn để lấy tiền mặt mua một ngọn núi ở nơi hẻo lánh thì ông ta chỉ khen tôi có mắt nhìn xa trông rộng rồi thôi.

Bây giờ trong mắt Triệu Túc Đàm, tôi có làm gì đi chăng nữa cũng là bày mưu lập kế, tích lũy tiền tài, giả heo ăn thịt hổ.

Ông ta vô cùng tin tưởng tôi, coi tôi là phương thuốc kéo dài sinh mệnh. Trên thực tế, rất nhiều tài sản của nhà họ Triệu là tài sản thế chấp kinh doanh, bị tôi ra lệnh bán đi đã khiến họ gặp tổn thất nghiêm trọng.

Tôi biết thế, nhưng tôi chỉ cảm thấy vui mừng mà thôi.