An Bài

Chương 41



02/04/2023

Sau khi lên lầu một chút thì thầy Long đi xuống với một bộ đồ sạch sẽ, nhìn có vẻ ông đã tắm rửa sạch sẽ, trên tay còn xách một cái hòm gỗ lớn trông có vẻ nặng xuống lầu, tuy nhiên nhìn ông xách không có vẻ nặng nề cho lắm.

Lúc ông xuống thì linh hồn trong người giấy cũng không có chút nào phản ứng, nằm im không nói tiếng gì như đã chấp nhận sự thật là mình đã bị bắt.

Nhìn thấy cô ngồi yên suy tư thì ông hỏi:

- Đồ ta gọi người chuẩn bị đã xong chưa?

Nghe tiếng ông gọi thì cô mới thoát khỏi dòng suy tư. Khựng lại một chút cô nói:

- Đã xong rồi ạ.

Bởi vì trước khi vẽ bùa chú phải chọn ngày lành tháng tốt và lập đàn báo cáo với thần linh và trời cao, cho nên khi vẽ bùa thì không qua loa đại khái được.

Thầy Long xách hộp đồ nghề ra ngoài vườn, lúc này thì bàn thờ đầy đủ những thứ cần thiết như hoa, quả, 3 chén nước lạnh, 3 ly rượu trắng, 3 ly trà, 2 cây đèn cầy*, 1 ly hương, 2 chén muối và gạo, tiền vàng 3 xấp cùng 1 đĩa trầu cau.

Mở thùng gỗ ra ông lấy ra một xấp giấy vẽ bùa màu vàng, 1 nghiêng mực, 1 hộp chu sa, một chiếc bút lông đặt trên bàn. Sau khi bày đủ tất cả những thứ cần thiết thì ông hỏi:

- Con đã đọc được những gì rồi nói cho ta nghe?

- Thời nhà Nguyên, quân Mông Cổ phái phù thủy Phạm Nhan sang dọa nạt dân ta bằng phép thuật, nhưng đã bị thanh kiếm thần của đức Thánh Trần chém đầu. Theo quan niệm của người dân, đức Thánh Trần không chỉ là một vị anh hùng dân tộc, mà còn là một đạo sĩ có thuật trừ tà, chữa bệnh, chiêm tinh, nên được các đạo sĩ nước ta tôn làm: "Đệ nhất tổ sư phù chú Việt Nam". Cũng vào thời Trần, tại vùng Sầm Sơn (Thanh Hóa) có một vị thần biển là Độc Cước thường xuyên giúp đỡ ngư dân trừ thủy tộc. Để tưởng nhớ công ơn đó, cư dân ven biển và vùng sông nước từ Nghệ An trở ra đã lập đền thờ riêng hoặc phối thờ trong các di tích. Với sự linh ứng của thần, các đạo sĩ thường đến đền cầu đảo. Vào đầu thế kỷ 16, ở Thanh Hóa xuất hiện môn phái tu tiên với tên gọi "Nội Đạo Tràng", các đạo sĩ thường đến đền Độc Cước cầu đảo, xin phù ứng các phép thuật để trừ tà, trị bệnh cứu giúp dân lành. Với uy lực phép thuật của vị thần này, họ đã tôn xưng thần Độc Cước làm "Đệ nhị tổ sư bùa chú Việt Nam".

Nghe cô trả lời vậy ông gật đầu, ra hiệu cho cô nói tiếp:

- Có 7 loại bùa phân theo cách thức sử dụng bùa: Bùa đốt, bùa đeo, bùa dán, bùa uống, bùa bôi, bùa mộc dục, bùa ấn.

- Những vật liệu làm bùa rất đa dạng có cả kết hợp với thảo mộc và dược liệu. Những thứ này đã được đề cập trong quyển sách ta đưa cho con, con đã đọc chưa? – Nghe Gia Hân trả lời vậy ông gật đầu hỏi tiếp

- Con đọc rồi ạ. Trong sách có viết: "Bùa chú được tạo ra bằng rất nhiều vật liệu khác nhau: Có khi bằng đất, sỏi, đá, gạch, ngói, kim cương, gỗ, vải, thẻ tre, cây cỏ, răng, xương, da, lòng động vật, tóc, máu kinh nguyệt, ghét trên cơ thể người, móc chân, móng tay, răng hổ, răng lợn nòi, giấy, tiền kim loại, tàn nhang, nước thải,.... Tuy nhiên truyền thống của người Việt thì gồm 7 loại: Thảo mộc và dược liệu; Động vật; Kim loại; Vải; Giấy; cơ thể con người" ạ.

Ông chắp tay ra sau lưng đứng quay mặt về phía cô rồi nói nói:

- Đúng rồi. Vẽ bùa không chỉ phải chuẩn bị đủ những thứ cần chuẩn bị mà còn phải biết rõ về thiên địa, nhật nguyệt, tinh thần, phong vân, lôi vũ, sơn xuyên, hà hải, thuỷ hoả... cùng các tính danh, tự ngữ của các quỷ thần, binh tướng và chức vị của họ. Cũng lại phải nên biết về tướng mạo, sở thích...nếu không biết những điều này thì sẽ không nhận được sự giúp đỡ. Bởi vì họ cũng có hỉ nộ ái ố như con người, nếu không biết và hiểu họ thì họ sẽ không ra tay giúp đỡ. Vậy thì trong quá trình vẽ bùa thì ta phải đọc những chú gì?

May là cô đã đọc trước và có trí nhớ cũng kha khá cho nên câu này cô có thể trả lời được.

- Đầu tiên là thần chú thỉnh thần và truyền hương chú, sau đó là thần chú thỉnh sư tổ. Tiếp đó là chú kim quang và phát quang rồi cầu xin lý do để vẽ phù. Sau khi đọc xong tất cả thần chú này mới đọc thần chú nước, thần chú giấy, thần chú nghiêng, thần chú bút, thần chú mực và chú hạ mực ạ.

- Trí nhớ con không tồi đấy. Bởi vì đặc thù môn phái chúng ta hay sử dụng giấy vàng để vẽ bùa cho nên con phải biết cấu trúc của một lá phù gồm ba phần. Đầu tiên là Phù đầu thường dùng một số biểu tượng hay biểu thị cho vị Thần tiên hay lực lượng đứng tên ra lệnh để tăng lực cho Đạo Bùa. Thứ hai là Phù Đảm (mật của phù) thường biểu thị Tinh tú, lục đinh lục giáp, thiên binh thần tướng, v.v. để ám chỉ lực lượng thi hành mệnh lệnh đó. Và cuối cùng chính là Phù Cước, thường là dấu ấn hay ấn quyết nhằm biểu thị sự thiêng liêng của lá bùa. Thường nhận biết bằng chữ " Cương " hay chữ " Sát " với ý nghĩa Thiên Cương địa Sát.

Ngoài ra ông còn nhấn mạnh:

- Khi bắt đầu luyện tập bùa chú thì con nhất định phải tuân thủ theo các nguyên tắc bất thành văn mà đã được chưởng môn đời trước ghi ta. Ta nghĩ là con đã nhớ kì rồi.

Trong cuốn sách đó, người viết luôn luôn nhấn mạnh là bắt buộc phải tuân theo những nguyên tắc như sau thì linh phù hoặc thần phù mới thành được:

1. Không được làm những chuyện trái luân thường đạo lý. Nếu không đáp ứng những điều trên mà cố tình học cách vẽ bùa niệm chú, kẻ bất trung bất nghĩa sẽ tổn âm công dương đức, kẻ bất trung bất hiếu cũng sẽ bị vận hạn giáng xuống, tuyệt tự tuyệt tôn, tự chuốc lấy cái chết đau đớn.

2. Vào những ngày 9/3, 2/6, 6/9, 2/12 hàng năm cấm kỵ vẽ bùa niệm chú. Việc vẽ bùa niệm chú nên chọn ngày tốt, xem ngày hoàng đạo, và vẽ bùa vào ban đêm là tốt nhất. Vào các ngày mùng 1, 15 âm lịch hàng tháng bắt buộc phải ăn chay, và vào các ngày Cửu độc (5, 6, 7, 15, 16, 17, 25, 26 và 27 âm lịch) vợ chồng không được gần gũi, cũng không được ăn lươn, không những không được sát sinh mà còn phải phóng sinh tích đức.

3. Nếu trong nhà có phụ nữ đến tháng thì phải thêm một chiếc lá bưởi hoặc một nhành cây trinh nữ, để tránh bùa chú mất linh.

4. Khi vẽ bùa chú thì môi trường xung quanh phải sạch sẽ, tuyệt đối không để tinh thần phân tán, mất tập trung tránh ảnh hưởng đến sự phát huy công lực bùa chú.

5. Vẽ bùa xong thì một tay hóa tiền vàng, một tay cầm bùa chú đưa lên mặt ba lần, niệm chú ngữ, lại châm ba nén hương vái lạy ba lần. Sau khi vẽ bùa, niệm chú dâng sớ phải tạ thần, kết thúc bằng ba cốc rượu hoặc trà, sau đó đốt tiền vàng để tiễn thần.

6. Người vẽ phù phải tắm rửa sạch sẽ trước khi khai đàn vẽ phù.

Mặc dù trông có vẻ có khá nhiều nguyên tắc nhưng cũng không có quá là khó khăn đối với cô.

- Có thể con sẽ thấy việc vẽ một lá phù khá là khó khăn nhưng mà nguyên tắc của một lá phù cũng giống như là một vật chưa đựng năng lượng vậy. Khi con đạt tới một trình độ nhất định thì những lá bùa đơn giản như bùa tìm vật, bùa điều hòa hay kể cả bùa phá sát thì chỉ cần truyền năng lượng vào các nét chữ thì ở đâu con cũng có thể vẽ được. Nhưng mà những lá bùa như Lôi phù, Hỏa phù thì tuyệt nhiên phải nhờ sức mạnh của thần linh thì mới có công lực mạnh mẽ và tiêu diệt được các loại ma quỷ có ma lực khủng khiếp được. Bây giờ con đứng một bên, ta sẽ chỉ con cách vẽ phù trừ ta.

Thầy trò đứng người hỏi người đáp cũng khá lâu, vừa kịp sắp tới giờ Tý (11 giờ tối đến 1 giờ sáng), đúng vào giờ hoàng đạo để vẽ bùa cho nên ông không có hỏi thêm và bắt đầu tiến hành vẽ bùa.

Bởi vì việc vẽ bùa phải không bị làm phiền cho nên là cô đứng qua một bên cách thầy Long một khoảng 5 mét và cố gắng thở càng nhẹ càng tốt để tránh ông sao nhãng.

Bùa trừ tà sẽ dùng thần chú để thỉnh Thái Thượng Lão Quân cho nên bàn thờ hướng về phía Tây. Ông lấy ra ba que hương châm lửa chấp trước trán tâm niệm truy thần chú: "Thiên Địa hợp ngã, ngã hợp Thiên Địa, Thần nhân phó ngã, Ngã phó thần nhân. Tinh khí hợp toàn, thần khí hợp vị. Diêu diêu mang mang, Thiên Địa tế chư. Văn hô tức chí, văn triện tức lâm. Phần hương triệu thỉnh, kim niên kim nguyệt, kim nhật kim thời. Công tào sứ giả, đệ tấu thần viên, văn ngô triệu thỉnh, tốc đáo đàn tiền."

Sau khi niệm xong lại đọc tiếp Niệm hương chú:

"Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)

Nam mô hách hách âm dương, nhật xuất đông phương, vạn sự thần pháp kiết tường, hộ thần đệ tử thủ chấp phần hương họa linh phù Tiên Sư, Tổ Sư chứng giám.

Án Thiên linh linh, Án Địa linh linh ngã linh thần phù lai ứng nghiệm.

Án Thiên viên Địa phương thập nhị công chương thần phù đáo thử trừ tà ma quỷ mị bất đáo vãng lai, trừ bách bệnh trừ tai ương.

Nam mô Phật Tổ Minh Dương Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)*."

Rồi ông căm 3 cây hương vào bát hương.

Khói hương cháy thoát ra làm cho khung cảnh nơi đây thêm mờ ảo nhưng cũng không cản bước người đàn ông lớn tuổi thành thục thi triển các thần chú cần thiết.

Dù đứng cách một khoảng không xa lắm nhưng Gia Hân có thể cảm nhận được những luồng khí dao động xung quanh đang mạnh dần như báo hiệu sắp có vị thần nào đó hiển linh để giúp đỡ Đạo sĩ già này.

oOo

1. Theo thông lệ của phái Côn Luân thì trên bàn thờ khi vẽ bùa cần phải có 3 cây đèn cầy như ở Việt Nam thì nến đi theo cặp cho nên ở đây mình sẽ để 2 cây ạ.

2. Đừng hỏi tôi vì sao lại có nam mô a di đà Phật ở đây nhá, sách họ nói vậy đó. Với lại bài cúng bố mình cúng ở nhà cũng mở đầu bằng nam mô a di đà Phật như nhà mình không có theo Phật nha mà những bài cúng ấy thì từ cúng Trời cúng gia tiên đều có cả cho nên mình thấy để câu chú này vào cũng hợp lý. Với lại trong quá trình mình tìm đọc thì mình thấy người ta nói là Đạo giáo có vạy mượn một số thuật pháp của Phật giáo cho nên có đôi chỗ giống nhau cũng là chuyện đương nhiên (cái này là mình đọc được không biết đúng hay sai cho nên mọi người đừng ném đá nhá.)

Mộng Miên: Những kiến thức mình viết trong đây chỉ là kiến thức được tổng hợp từ các nguồn tài liệu mà mình đã đọc được cho nên có thực sự như vậy không cần phải được kiểm chứng. Mọi người không nên áp dụng trong mọi hình thức.