Ánh Dương, Nước Lọc Và Kem

Chương 8: Bờ biển của chúng ta



Tôi biết điểm thi rồi, thực ra ngay từ đầu tôi đã sử dụng một phương thức tuyển sinh khác để chắc một suất trong ngành mình thích của trường đại học M nhưng không phải ai cũng biết điều này. Giây phút nhập số báo danh tra điểm, tôi nhận ra rằng à thì ra thời cấp ba của mình thật sự kết thúc rồi. Ba năm, đổi lại vài con chữ trên màn hình cùng tờ giấy thông báo nhập học. Ánh mắt tôi rơi lên tấm ảnh kỉ yếu được đóng khung để ngay ngắn trên mặt bàn học, nụ cười của mọi người hôm ấy đẹp thật, là nụ cười đẹp nhất mà tôi biết. Sau ngày hôm nay, xác suất chúng ta gặp lại là 0.01% dẫu vậy vẫn cảm ơn các cậu đã xuất hiện trong quãng thanh xuân của tôi, chúng ta đã có duyên đến mức nào khi có mặt trong thời điểm đẹp nhất của nhau.

Tôi mặc lên mình chiếc sơ mi xanh lam nhạt và váy dài trắng. Ở thành phố N có một bãi biển khá xinh đẹp, đặc biệt thay đây là lần đầu tiên tôi đến đó. Cái này cũng do nhà tôi khá bận rộn, rất ít khi cùng nhau đi chơi, bãi biển thì hơi xa nên bố mẹ cũng không muốn để đứa con gái là tôi một mình đi. Nhưng hôm nay thì khác, từ hôm nay tôi là sinh viên đại học, đã không còn bị cả nhà coi như trẻ con nữa.

Anh trai đưa tôi đến bến xe bus vì có một chuyến sáng tối đến đó và quay về. Anh ấy nhìn từ trên xuống dưới một hồi, chẹp miệng mấy tiếng và phán như một vị thần.

"Cuối cùng cũng ra dáng một đứa con gái 18 tuổi rồi, anh vẫn tưởng mày mới có 14,15."

"Mắt anh cận nặng thêm rồi đấy." Tôi cười nhếch khinh bỉ.

"Tiền đây, đi chơi nếu thiếu thì nhắn anh, anh chuyển cho."

"Đại nhân vạn phúc kim an." Tôi lập tức vất bỏ mặt mũi mà dập đầu lạy tạ, chê gì chứ không được chê tiền, thiếu điều thở ra câu nô tì đáng chết nữa thôi.

"Lại đây..." Anh ấy ngoắc ngoắc tay ý kêu tôi đưa tai lại gần "... mày hết người rồi hay sao lại lừa tên nhóc nhìn mặt còn non choẹt thế kia."

Tôi chột dạ giật mình quay ngoắt lại phía sau, nhìn thấy ánh mắt sáng rỡ của Thường Thịnh phía sau cửa sổ xe buýt rồi lại nhìn anh trai với ánh mắt không tin được.

"Sao anh biết?"

"Đây này..." anh trai hếch cằm với tôi "...thái độ tố cáo tất cả. Với lại từ lúc đến đây thì ánh mắt thằng nhóc đó còn chẳng rời khỏi chỗ này lấy một lần. Nếu không phải nụ cười khó kìm nén trên mặt nó thì anh còn tưởng mày gặp phải biến thái ấy chứ."

"Không đến mức vậy chứ?"

"Thôi nói chung mày cũng là sinh viên đại học rồi, anh chẳng cấm cản yêu đương gì cả đâu. Có điều phải nhìn người cho kỹ đấy."

"Biết rồi biết rồi mà."

Bước lên xe buýt, Thường Thịnh chọn vị trí giữa xe, nhường chỗ cạnh cửa sổ lại sau đó nhận lấy túi của tôi, dường như đây đã thành thói quen. Tôi là người lo trước lo sau, đi đâu cũng mang rất nhiều đồ nên túi thường rất nặng. Sau khi Thường Thịnh biết điều này thì lần nào đi cùng nhau cũng cầm giúp tôi, kể cả khi balo của cả hai đứa cùng nặng thì vẫn là em ấy cầm. Những lần tôi đề nghị cầm giúp thì đều bị từ chối, dần dần trong túi của tôi có những gì, để đâu em ấy còn rõ hơn, đồ gì cũng tìm được chỉ trong vài giây.

"Chị uống thuốc chưa?"

"Chưa, đi trong thành phố thôi nên chắc không sao đâu."

"Em biết ngay mà." Nói đoạn Thường Thịnh cầm chiếc balo để dưới chân ghế của mình lên lục lọi một hồi rồi lôi ra một gói thuốc, còn cả bình nước nữa. Tôi cũng thắc mắc trong chiếc balo đó chứa cái gì mà tôi cần bao nhiêu thứ đều có, túi thần kỳ của Doraemon? Điều này làm tôi nhớ có lần tan học sớm nên đứng ở cửa lớp đợi Thường Thịnh, trong lúc lơ đễnh nghịch điện thoại tôi đã nghe thấy vài tiếng nói chuyện bên trong.

"Thường Thịnh, trả tao bút chì."

"Thường Thịnh, trả tao quyển sách giáo khoa văn."

"Tao cũng đến phục mày luôn đấy Thịnh, riêng tuần này tao đã thấy mày quên sách ba lần, đến bút còn méo mang, thành viên ban kỷ luật hội học sinh mà như thế đấy à."

Tôi nhớ mình đã bật cười vào hôm ấy nhưng giờ đây nhìn đứa nhóc qua loa đó vì mình mà chuẩn bị chu đáo còn hơn bà mẹ bỉm sữa đưa con ra ngoài mà có chút không thốt nên lời. Quả thật cứ để như vậy rồi sẽ có ngày tôi chẳng thể rời xa em ấy được nữa mất.

"Em có để ý không, hôm nay chúng ta mặc đồ đôi." Tôi cười cười bóc thuốc, nhận lấy bình nước được mở sẵn đưa đến. Em ấy cũng mặc chiếc áo sơ mi màu lam với áo phông trắng bên trong, trông rất giống hôm tỏ tình với tôi, còn đội một chiếc mũ lưỡi trai màu vàng nữa chứ. Có thể do làn da Thường Thịnh vốn trắng, gương mặt mang lại cảm giác như ánh dương nên rất hợp với những tông màu sáng. Tay trái đeo một dây vòng bện màu xám, là tôi tự làm, chính xác hơn là tôi làm để chính mình đeo nhưng chẳng biết nghĩ gì hôm đó đưa cho em ấy, nhìn hợp hơn tôi đeo nhiều.

Xe xuất phát, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm con đường vun vút lướt qua, ánh mắt không rời đi, giống như đứa trẻ lần đầu được dẫn đi chơi vậy. Tay phải chạm vào cửa kính như muốn nắm lấy những khung cảnh đang chạy dần qua kia. Giờ còn sớm nên có thể thấy thế giới đang dần trở nên nhộn nhịp, vài người đang mang đồ ra chợ bán. Ánh nắng ngoài kia cũng dần trở nên đậm hơn.

Phía sau lưng phát ra tiếng động, nhận ra Thường Thịnh vậy mà còn ngủ sớm hơn người uống thuốc say xe là tôi đây nên ngồi thẳng dậy để đầu em ấy dựa vào. Hơi thở nóng ấm phả vào cổ khiến tôi có hơi ngượng nhưng nhanh chóng qua đi, dù sao người ta còn chưa đủ tuổi vị thành niên, tôi không nên có những ý nghĩ bậy bạ. Vì cơn buồn ngủ vẫn chưa đến nên rảnh rỗi ngồi ngó đống thuốc còn sót lại trong túi, lên mạng tra một hồi vậy mà toàn là những loại thuốc tôi thường uống. Tôi từng nói mình rất dễ đau đầu khi ra nắng, còn bị đau dạ dày nặng, trong này đều có cả. Hóa ra ngoài bố mẹ vẫn còn có người luôn nhớ từng lời tôi nói, rốt cuộc ai mới là người chăm sóc ai đây.

"Đến nơi rồi."

Tôi bị lay tỉnh, nhìn ra cửa sổ đã thấy bờ biển ở phía xa xa.

Sau khi xuống tại trạm, còn phải đi một đoạn nữa thì mới ra bãi cát được. Đúng là hè đến có khác, nhìn từ xa đã thấy vài người nằm phơi nắng và mấy đứa trẻ nô đùa nghịch cát. Gió biển mang hơi muối mặn mặn phả vào không khí, nắng lên trải đều như những hạt vàng lấp lánh gợn trên từng đợt sóng. Trời hôm nay không nhiều mây lắm trông cảm giác cao hơn khi đứng nhìn từ tầng thượng trước đây, hiệu ứng do bờ biển rộng lớn đem lại chăng.

Thường Thịnh không biết mượn ở đâu được cái ô lớn, hai người chúng tôi trải tấm bạt caro ra một vị trí không gần không xa nơi sóng xô tới lắm. Vì chỉ đi có một ngày nên đồ đạc không nhiều, chủ yếu là đồ ăn vặt với nước uống.

"Em ở đây nhé, chị đi kiểm tra lại chỗ đặt trước ở nhà hàng, anh trai chị đã đặt giúp từ hôm trước rồi. Có cần mua gì không?"

"Không có, à chị đợi một chút." Nói rồi Thường Thịnh cởi mũ của mình ra đội cho tôi, còn vòng tay ra phía sau giúp tôi chỉnh lại cỡ. Lúc đó đầu tôi có hơi trống rỗng, không biết làm sao để phản ứng lại tình huống này. Tôi chỉ cao đến ngực em ấy, đương nhiên trong tư thế này thì tôi biết đặt mắt đi đâu được, không lẽ thừa nhận mình đang đánh giá vòng eo của người trước mặt ấy à, cảm giác mình đang làm chuyện gì đó bất chính với trẻ con thế nhỉ.

"Được rồi đấy, đi nhanh về nhanh, em không yên tâm."

"Bé con, ai mới là người không yên tâm ở đây. Trong hai chúng ta chị mới là người được coi là đủ tuổi trưởng thành rồi nhé. Ngoan ngoãn ngồi đợi đi."

Tôi cầm theo chiếc ô rồi rời đi. Sự thật chứng minh, Thường Thịnh không yên tâm là có nguyên cớ. Tôi thật sự không tìm được nhà hàng đó. Đi sâu vào đất liền thì có kha khá nhà hàng khách sạn mở ra san sát nhau, hơn nữa còn nhiều đoạn lòng vòng. Cho đến khi phát hiện có đến ba nhà có cùng tên với cái mà anh tôi đặt, lại còn gần nhau. Chẳng biết là nhiều cơ sở hay là đạo nhái biển hiệu nữa.

Vốn tưởng chỉ mất 15-20p là cùng, cuối cùng tôi đi mất gần tiếng. Điện thoại reo đến mấy lần, lúc quay về còn thấy góc tường nhà mình đang bị đào. Cụ thể là thấy Thường Thịnh đang đứng ngồi không yên nhìn về phía tôi rời đi, và có hai cô bé đến lân la làm quen. Tôi cũng chẳng có gì là khó chịu, người của tôi thì mãi là của tôi, tại sao phải lo được lo mất.

Thường Thịnh thấy bóng dáng tôi lững thững quay về thì lộ rõ vẻ mặt sáng rỡ chạy lại. Tôi nâng cao ô hơn che cho cả hai, gật gật đầu ừ cho qua một đống lời lải nhải trách móc cạnh tai.

"Em đã nói không yên tâm rồi, đâu có sai đâu. Chị nhìn chị đi mất gần một tiếng đồng hồ, lúc nãy còn không nghe điện thoại."

"Rồi rồi mà, lỗi chị, điện thoại chị hết pin nên sập nguồn." Tôi xoa xoa tay trấn an cậu nhóc, vẫn không quên tặng cho hai cô bé kia một ánh mắt kiểu 'Muốn động vào người của chị? Mấy cưng mơ cũng đừng nghĩ tới.'

"Ôi bé con dễ thương này, nếu cứ để em một mình nhỡ đâu bị ai mang đi mất thì sao."

"Chị... chị tự nhiên lại nói cái gì thế..." Giọng lải nhải bên tai tôi nhỏ dần rồi tắt hẳn, đúng như dự đoán mặt Thường Thịnh đang đỏ bừng. Bên nhau hai tháng tôi cuối cùng cũng biết cách trốn những lần bị mắng như con, đương nhiên là nói câu nào thật sến sẩm, càng sến càng tốt, nửa đùa nửa ghẹo, ghẹo đến mức người trước mặt này ngại không nói nên lời là thành công. Trăm trận trăm thắng, không có ngoại lệ.

Vì cái sự nghiệp đi check nhà hàng quá lâu nên khi tôi về thì trời đã đổ nắng to, có muốn đi dạo cũng không được. Vậy nên sau khi tráng miệng bằng một ít bánh và ngồi đần người ở bãi biển một lúc hai đứa quyết định đi khám phá một lúc. Không dùng bản đồ, không có điện thoại, chỉ đi theo cảm tính.

"Chúng ta mua dưa hấu ăn đi, đến biển thì phải ăn dưa hấu, anh chị bảo vậy."

Sau cùng tôi mua một quả đã được bổ sẵn, bằng cách nào đó Thường Thịnh xin được thêm hai cái thìa. Đi lòng vòng một hồi thế nào lại tới được một khu vực ít người, có vẻ vì vị trí không hợp để kinh doanh nên không ai chọn chỗ này để mở cửa hàng. Còn có một căn nhà bỏ hoang có view hướng ra biển nữa.

"Vận may hai chúng ta hôm nay không tồi, tới đó đi."

Sau khi trải lại tấm bạt caro lên trên nền nhà, hai chúng tôi ngồi khoanh chân mỗi người ôm một nửa quả dưa hấu mà ăn.

"Chị nhớ ngày xưa vào hè hay tới nhà nội chơi cả tháng hai tháng, bố mẹ có đến năn nỉ cũng không về. Sáng ngủ trương mắt, trưa ăn xong lại nằm lăn ra nền vì ngày ấy nhà chị chưa có điều hòa nên nóng lắm, chiều thì ôm một nửa quả dưa hấu ra hiên ngồi, đến tối cuộn tròn trong lòng ông xem thời sự. Đó là khoảng thời gian bình yên nhất trên đời, sau đó... sau đó thì ông mất, chị cũng lớn rồi."

"Chị hẳn là một đứa trẻ vô tư."

"Đương nhiên, gia đình chị không nặng nề chuyện học hành, dù sao đây là thứ thuộc về phạm trù ý thức. Bố mẹ nuôi con theo đường lối tự sinh tự diệt tự làm tự chịu nên chẳng có áp lực gì nhiều, chủ yếu dạy hai anh em chị về tầm quan trọng của trách nhiệm và chữ tín cũng dạy bọn chị cách rèn luyện bản lĩnh để đối diện với thế giới khốc liệt ngoài kia. Bố nói nếu có bản lĩnh, vất con ở đâu con cũng sống được..." tôi ngừng lại một chút "...nhưng chị không làm được..."

"Chứng trầm cảm kia?"

"Phải, nhưng giờ thì mọi thứ ổn rồi. Vì từng trải qua nên chị biết ở tuổi của em rất dễ gặp phải tình trạng như thế. Vậy nên nếu một ngày nào đó em cảm thấy tâm trạng không ổn thì hãy nhớ vẫn còn có chị, chị không muốn em phải trải qua bất kỳ điều gì kinh khủng tương tự năm đó."

"Kỳ Anh, em thật sự cảm thấy rất kỳ lạ, rõ ràng người rung động trước là em, chị thậm chí mới quen em hơn ba tháng, nhưng dường như cái gì cũng là chị bỏ ra. Là chị chủ động bước về phía em, cũng là chị tìm cách phá vỡ những lần ngượng ngùng của chúng ta. Em tự hỏi lý do tại sao lại như vậy."

"Trên đời nếu làm gì cũng cần lý do thì thực sự chẳng thú vị chút nào. Đơn giản em là em, em xuất hiện vào một ngày nắng đẹp, cũng là em mang đến ánh dương cho chị."

Tôi biết Thường Thịnh đã nghi ngờ điều gì đó kỳ lạ trong cách cư xử của mình, cuối cùng chỉ có thể dùng hết văn chương cả đời cộng lại dỗ ngọt em ấy. Tôi lấy cây quạt giấy ra phe phẩy, ánh mắt không rời khỏi mái tóc mềm mại đang lay động theo gió kia, khẽ đưa tay vân vê vài sợi, chúng có màu nâu nhàn nhạt. Làm ơn đừng nghĩ nhiều, hãy coi như chị chỉ đơn giản là yêu em thôi bé con à.

Đến chiều khi nắng tắt hai đứa quyết định đi dạo trên bờ cát. Tà váy trắng của tôi tung bay trong gió, đôi giày đã được cởi ra cầm phía sau lưng. Giẫm từng bước lên cát, đợi cho sóng đánh tới bao lọc lấy đôi chân nhỏ nhắn của mình đồng thời cuốn trôi dấu vết đã để lại phía sau lưng. Chẳng biết nghĩ gì mà tôi nhìn chằm chằm vào chân mình một lúc lâu, đến nỗi không biết bao nhiêu đợt bọt trắng đã đánh tới. Cho đến khi bên cạnh có thêm một đôi chân khác.

"Bé con, chị chưa từng hỏi về gia đình em đúng không?" Giọng tôi không nặng không nhẹ, là đột nhiên muốn hỏi.

"Bố mẹ em mất rồi, là hy sinh khi làm nhiệm vụ, bọn họ đều là cảnh sát."

Tôi như không tin vào tai mình mà tròn mắt kinh ngạc, thực sự trước giờ tôi chưa từng tưởng tượng ra việc một ai đó bên mình sẽ ở trong hoàn cảnh thế này. Đơn giản vì cuộc sống tôi rất bình yên, và vì quá bình yên nên luôn nghĩ sẽ chẳng có giông tố cho đến cuối đời.

"Hmmm... vậy à..." Tôi có chút cảm thán, thực ra với vốn hiểu biết của mình tôi cứ nghĩ một người có kiểu tính cách như Thường Thịnh, hơi thiếu kinh nghiệm giao tiếp và không giỏi từ chối thì nên là đứa trẻ từ nhỏ được bao bọc trong vòng tay của cha mẹ. Làm sao ngờ được em ấy lại phải qua những điều như thế này.

Xem ra sau này những thứ phải bù đắp cho em ấy còn nhiều hơn tôi nghĩ nữa.

Trò chuyện thêm một lúc thì tôi biết được hiện tại Thường Thịnh đang sống cùng ông bà, hai người họ cũng đều là quân nhân đã về hưu, cấp bậc không hề thấp nên mức lương hưu nhận hàng tháng cộng thêm các trợ cấp xã hội do có bố mẹ là liệt sĩ giúp cuộc sống em ấy không đến mức khó khăn. Chỉ là nghĩ đến việc bao năm qua đứa nhỏ này ước ao dù chỉ một cái ôm của bố mẹ đến tuyệt vọng là tôi chẳng thể ngăn được chính mình đau lòng.

"Em có từng nghĩ đến tương lai sẽ làm gì chưa?"

"Em muốn theo bước chân của cha mẹ, tiếp tục làm một cảnh sát. Đây đã là ước mơ rất nhiều năm rồi... Chị thấy thế nào?"

Tôi còn biết làm thế nào nữa, thế nhưng nghĩ đến việc bố mẹ em ấy từng hy sinh vì nhiệm vụ cũng chẳng thể nào yên lòng được.

"Ước mơ của em thì hỏi chị làm gì. Em chỉ cần nhớ cho dù em chọn con đường thế nào chị sẽ là người đầu tiên ủng hộ. Thực ra đối với ai cũng vậy thôi, chúng ta luôn cần một người sẵn sàng nói rằng 'Bạn có thể, bạn sẽ làm được'. Chị luôn là người sẽ nói câu đó với bất kỳ ai hỏi rằng 'Tôi liệu có làm được không'. Khác là chị sẽ dốc mọi thứ ra để làm cây cột chống trời của em, vì em là bạn trai chị. Đừng sợ, đừng phân vân, trên đời chị ghét nhất là kiểu người không kiên định với chính mình."