Bạch Bích Vi Hà

Chương 15: Dưới Mưa



Tống Tích thả tay ra và nhảy từ trên bàn xuống.

“Con cứ tưởng là con bị lây bệnh ngốc của Triệu Minh Đức nên tim mới đập nhanh như vậy chứ.

Nhưng khi nghe tiếng tim đập của tiên sinh cũng nhanh giống con thì chắc là con không bị bệnh rồi.” Khoé môi của nàng hơi cong lên, đôi mắt lấp lánh ánh nước.

Bùi Tu Vân thả lỏng người, đôi tay chậm rãi buông xuống.

Suy nghĩ của chàng càng thêm rối loạn, chàng nghiêng đầu, không nhìn Tống Tích.

“Tiên sinh à?” Tống Tích đi tới bên cạnh Bùi Tu Vân, ngẩng đầu đối diện với đôi mắt của chàng.

Bùi Tu Vân điều chỉnh sắc mặt, dằn lại sự rối bời nơi đáy lòng, “Con thật sự muốn so tài với học trò thôn Bạch Hạc sao?”

“Đương nhiên rồi ạ.

Nếu ai dám đánh vào mặt của tiên sinh, con không những muốn đánh lại mà còn đánh phù mặt nó luôn!” Cũng không phải thi thố cái gì khó nhằn, tại sao nàng không thể thi chứ?

Cứ nghĩ tới tên Cao Trạch kia là Tống Tích cáu tới mức nghiến răng nghiến lợi.

“Vài ngày trước, Cao Trạch có gửi thư tuyên chiến với ta nhưng ta tiện tay vứt đi đâu rồi, không ngờ các con lại để tâm việc này.

Nếu người ta đã tìm tới cửa, đương nhiên chúng ta không có lý do gì để tránh né.”

Tống Tích rất tán thành, “Tiên sinh yên tâm.

Không ai có thể so sánh với con trong việc thi chèo thuyền cả.”

Cao Trạch muốn thi cái gì không thi, lại nhất quyết thi chèo thuyền rồng vào Tết Đoan Ngọ.

Thôn Bạch Hạc bọn họ cứ chờ thua đi.

Bùi Tu Vân khẽ lắc đầu, “Nếu là đua thuyền đơn, đúng là không ai có thể sánh bằng con.

Nhưng đua thuyền rồng thì thứ họ muốn thi chính là sự hợp tác của tập thể.”

Trong lòng Tống Tích chùng xuống, nhíu mày hỏi: “Vậy phải làm sao đây ạ?”

Bùi Tu Vân vuốt vuốt mi tâm của cô, nhẹ nhàng vuốt thằng hàng mày đang nhíu lại kia, “Để ta dạy con.

Đi theo ta.”

Chàng bao bọc bàn tay nhỏ của Tống Tích, dẫn nàng ra khỏi học đường.

Lòng bàn tay của Tống Tích đổ mồ hôi, nàng trộm ngẩng đầu, nom chàng như chẳng hề để ý.

Bùi Tu Vân mở chiếc ô giấy ra, che hết cả người Tống Tích.

Trong khi nửa bả vai của chàng lại phơi dưới làn mưa, nước mưa dần thấm ướt la y [1] của chàng.

“Tiên sinh, quần áo của người ướt rồi.” Tống Tích lên tiếng nhắc nhở.

“Không sao.” Bùi Tu Vân bình thản đáp.

Dọc đường, hai người không nói gì nữa, yên lặng đi tới hồ Đông.

Mỗi năm tới Tết Đoan Ngọ, mấy thôn lân cận sẽ tổ chức đua thuyền rồng ở hồ Đông.

Vì mặt mũi của mình nên thôn nào cũng đóng thuyền rồng vừa lớn vừa hoa lệ.

Lúc này, ngoài bờ hồ đang neo một chiếc thuyền rồng khổng lồ màu đỏ, đầu rồng cao ngất, hai mắt lồi ra, mồm đầy máu hé ra những chiếc răng nanh màu trắng bén nhọn.

Bùi Tu Vân gấp ô lại, dựng lên thân cây liễu.

Chàng nhẹ nhàng nhảy xuống thuyền rồng, sau đó vươn tay về phía Tống Tích.

Tống Tích vừa nhấc váy vừa nắm lấy tay chàng.

Nàng nhảy về phía trước, sà vào lòng Bùi Tu Vân.

Thuyền rồng nghiêng trái nghiêng phải, hình bóng hai người đang ôm nhau cũng trái phải ngả nghiêng.

“Con đứng vững chưa?” Giọng chàng có hơi lạc đi.

“Dạ…” Tống Tích vội rút tay về.

“Đi theo ta.” Bùi Tu Vân đi tới mũi thuyền, đứng dưới một tấm bạt lớn.

Chàng giơ tay kéo tấm bạt ra, để lộ một cái trống mắc trên giá cao.

“Việc đánh trống khi đua thuyền, một là để khích lệ tinh thần của mọi người, hai là để điều khiển tiết tấu.

Người chèo thuyền nghe tiếng trống để chèo, tiếng trống dồn dập thì chèo nhanh, tiếng trống chầm chậm thì chèo chậm.

Vì vậy, người đánh trống mới là cốt lõi của thuyền đua.” Bùi Tu Vân lấy một chiếc mặt nạ hung tợn từ trên giá xuống rồi đeo lên mặt mình.

“Hôm nay ta sẽ dạy con đoạn trống cổ vũ đua thuyền thời xưa.” Chàng cởi giày và vớ của mình ra, để lộ đôi chân trần trắng như ngọc, không chút tỳ vết.

Tống Tích cũng học theo chàng, cởi giày thêu ra, thời điểm nàng định cởi vớ, Bùi Tu Vân đã giơ dùi trống lên và đánh tiếng đầu tiên.

Tiếng trống trong trẻo vang dội núi sông, tạt qua từng lớp lá sen, khiến vô số loài chim giật mình.

Chàng hơi khuỵu chân, một chân nhẹ nhàng vẽ vòng tròn trên mặt thuyền.

Thân hình của chàng uyển chuyển như chim tước, nhưng khi đánh trống lại có thể đánh ra được từng tiếng vang trời.

“Trong lúc đánh trống, con hãy di chuyển cánh tay bằng eo của mình một cách nhanh nhẹn và ổn định.” Bùi Tu Vân nhẹ nhàng nhảy lên, xoay nửa vòng trên không.

Thân hình của chàng ngửa ra sau, ống tay áo màu lục lất phất như mây tan, lộ ra cánh tay bạch ngọc đẹp đẽ.

Chàng cầm dùi trống đánh một đoạn trống cổ trang trọng, sau đó lại quay người, mái tóc đen như thác hoà mình vào không trung.

Dưới cơn mưa lạnh, khuôn mặt của chàng vương từng giọt sương giá.

“Bấy giờ, hẳn là thuyền rồng đã đạt tới tốc độ tối đa.

Con không cần làm thêm động tác gì nữa, chỉ cần giữ cho nhịp trống nhanh và ổn định tới khi cuộc đua kết thúc thôi.” Bùi Tu Vân giơ cao hai tay, mỗi đòn giáng xuống là mỗi tiếng trống trầm bổng vang lên.