Bách Yêu Phổ 2

Chương 7-2: Ám Đao 2



Edit: Sa

“Khách quan, đến nơi rồi.” Người lái đò lau mồ hôi trên trán.

Miêu quản gia đang ngẩn ngơ nhìn dòng nước chảy cùng ngọn núi phía xa xa, lúc con đò cập bờ làm đò xóc nảy, ông cũng lấy lại tinh thần.

“Cảm ơn nhà đò.” Ông trả tiền, chắp tay cảm ơn rồi mới xách bao quần áo xuống đò.

Đã mười năm rồi, Liên Thủy Hương vẫn thế, cứ đến mùa thu, khắp đồi núi ngập mùi hoa quế, nước sông dường như cũng nhiễm vị ngọt, dẫu đã là cuối thu nhưng hương vị của núi đồi, của sông nước vẫn phảng phất đất trời.

Miêu quản gia hít sâu một hơi, bước lên con đường lót đá đã từng đi qua vô số lần, tiến về tòa nhà ẩn sâu trong núi.

Bao quần áo nặng trịch trên vai ông đựng đầy mứt hoa quả. Trước khi về, ông ghé cửa hàng đồ khô nổi tiếng nhất kinh thành, vì sợ không đủ biếu nên tỉ mỉ lựa chọn gần như tất cả các loại mứt hoa quả của cửa hàng. Ông chủ cửa hàng là chỗ quen biết vì nhiều năm qua, năm nào cứ tới thời gian này là Miêu quản gia cũng đến cửa hàng, sau này biết ông là đại quản gia của Ty phủ, ông chủ tỏ ý sẽ giao hàng tới tận Ty phủ để Miêu quản gia khỏi mất công tới cửa hàng nhưng Miêu quản gia lại uyển chuyển từ chối ý tốt của ông chủ, nói rằng mình vẫn nên tự chọn thì hơn. Lần nào Miêu quản gia cũng lựa chọn kỹ càng, vị chưa đủ ngọt hay thịt quả chưa đủ mọng đều không lấy. Ông chủ cảm thán không biết ai tốt số có lộc ăn, có thể khiến Miêu quản gia nhọc lòng như thế nhưng lần nào Miêu quản gia cũng chỉ cười, bảo có một người bạn lâu năm thích ăn mứt hoa quả.

Tuy đã đi qua con đường lát đá này nhiều năm nhưng mỗi lần bước chân lên, lòng vẫn thấp thỏm như lần đầu, hệt như con dâu sắp gặp mẹ chồng, hoặc người bao năm ra ngoài bươn chải vẫn chẳng ra gì, thật là vừa buồn cười vừa tủi thân.

Nhưng ông là đại quản gia của Ty phủ chứ không phải cô dâu mới về nhà chồng, lại càng chẳng phải kẻ vô công tích sự ăn chơi lêu lỏng, ấy thế mà vẫn cứ thấp thỏm, mỉa mai thay.

Cuối con đường là căn nhà nổi tiếng nhất Liên Thủy Hương, nam chủ nhân họ Lục, tên Trừng, làm nghề dạy học. Học viện Lục gia chẳng những có tiếng tăm nhất Liên Thủy Hương mà thanh danh còn lan xa đến cả những huyện khác ở Tân Châu, người dân đều muốn cho con đi học ở đây, nguyên nhân là vì suốt hơn hai mươi năm học viện Lục gia mở cửa, có vô số học trò của học viện đậu kỳ thi Hương, có tới mấy người đỗ Tiến sĩ, đường làm quan rộng mở, một bước lên mây, vì vậy người dân mới lấy làm tự hào khi con cháu được nhận vào học viện. Lục Trừng cũng trở thành nhân vật được kính trọng tại Liên Thủy Hương, tuy chỉ mới hơn bốn mươi nhưng từ quan lại cho tới dân đen đều tôn kính gọi ông là “Lục phu tử”.

Miêu quản gia và Lục Trừng là đồng hương, cũng là bạn thuở cởi truồng tắm mưa. Có lần ông nghịch dại bị rơi xuống sông, Lục Trừng đã không màng sống chết cứu ông lên, hai người cùng bị phạt quỳ, cuối cùng là Hiểu Kính lén đưa bánh bao cho họ. Hiểu Kính là cái đuôi luôn bám theo họ, cũng là tiểu muội muội của họ, trong thôn có nhiều trẻ con nhưng ba người họ thân với nhau nhất. Nếu năm xưa hoàng đế không cắt đất nhường cho ngoại tộc, nếu thiên hạ không chiến hỏa liên miên, có lẽ họ sẽ như bao người bình thường khác, cùng nhau bình an lớn lên, cưới vợ sinh con. Lục Trừng học giỏi, có khi còn thi đậu Trạng Nguyên ấy chứ, ông trái ngược với Lục Trừng, lần nào học bài cũng ngủ gà ngủ gật, chỉ có tính sổ sách giúp cha mẹ là vừa nhanh vừa chuẩn, lại thích múa đao diễn thương, chỉ cần nghe gần đó có ai giỏi đánh đấm là sẽ mặt dày mày dạn đi bái sư. Điểm giống nhau duy nhất giữa hai người là họ đều thích Hiểu Kính.

Hiểu Kính rất đẹp, nói năng nhỏ nhẹ, họ thích nhất là khi nàng vừa cầm khăn lụa lau mồ hôi trên mặt họ vừa mắng họ có phải khỉ không. Mỗi lần họ nghịch ngợm để bị đánh, bị cho nhịn đói, nàng luôn yêu kiều mắng đáng đời, sau đó quay người bỏ đi, nhưng nhân lúc không có người lớn thì lại đưa nước đưa cơm. Lần nào cũng chỉ cần được nghe nàng nói chuyện, thậm chí là chỉ cần nghe tiếng bước chân của nàng, ngửi thấy mùi hương trên tóc nàng, dường như chỗ bị đánh sẽ không còn đau nữa.

Tuy khi ấy còn nhỏ, chưa biết tình yêu nam nữ là gì nhưng họ cũng mơ hồ cảm thấy nếu sau này mình cưới vợ, chắc chắn người ấy sẽ là Hiểu Kính. Người lớn cũng biết, đều nghĩ chờ họ lớn thêm chút nữa rồi mới định hôn sự, không phải là ông thì cũng là Lục Trừng.

Nhưng họ còn chưa kịp lớn, đất nước rối ren, nhà tan cửa nát, trai gái loạn thế, trôi dạt khắp nơi.

Một cuộc chiến hỏa, Hiểu Kính bị người Khiết Đan bắt đi, còn ông thì không cha không mẹ không nhà không cửa, đi theo một người họ hàng tiến về phương Nam xa xôi vạn dặm, Lục Trừng cũng theo cha mẹ chạy nạn đi nơi khác, thế là cuộc sống êm đềm đã không bao giờ trở lại.

Mấy năm đó, cuộc sống của ông cực kỳ khó khăn, người họ hàng kia thực chất chỉ là bọn buôn người giả dạng, bắt trẻ con đem bán để làm việc. Ông vẫn nhớ tháng ngày tăm tối sống ở mỏ quặng, ông làm việc nặng hệt như người lớn, mệt đến mức hộc máu cũng không được nghỉ ngơi, ai chết vì đói hay chết vì bệnh đều bị đưa đi chôn bừa ở đâu đó. Ông bỏ trốn vô số lần, cũng bị bắt lại đánh đến gần chết vô số lần. Ở lần chạy trốn cuối cùng, đốc công ra lệnh chặt đứt hai chân ông để làm “gương” cho mọi người, vì vậy ông bị trói lại rồi bị đưa tới nằm dưới thanh đao to.

Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, có người đỡ lấy thanh đao, trở tay lấy mạng đốc công.

Mỏ quặng phi pháp bị phá hủy, một nhóm nhân sĩ giang hồ không biết đến từ đâu đã giết sạch bọn bắt ép người ta làm việc bán mạng.

Năm ấy ông chưa đến mười tuổi.

Người giúp ông giữ được hai chân đã cưu mang ông. Người ấy nói, cậu bé giỏi lắm, đao đã lên kệ, cậu không rên dù chỉ một tiếng, còn nhỏ mà đã ngoan cường.

Nếu ngoan cường thật thì sao lại trở thành cá trên thớt mặc người chặt chém? Nhưng bất kể thế nào, ông cũng thoát khỏi cuộc sống tăm tối, đi theo người ấy về nhà.

Người đàn ông cưu mang ông họ Ty.

Từ đó, ông không rời Ty gia, từ một cậu bé giãy giụa để sống sót biến thành Đại quản gia Ty phủ, ông đón nhận cuộc sống như thế.

Năm đầu tiên hai vị tiểu thiếu gia Ty gia ra đời, ông đi Tân Châu công tác, không ngờ gặp một vị khách dây dưa với Hiểu Kính ở bên ngoài thanh lâu. Xa cách nhiều năm, diện mạo đã khác, nhưng hai người vẫn dễ dàng nhận ra nhau, người vui mừng, kẻ xấu hổ, ông đuổi tên vô lại kia đi, còn Hiểu Kính nay đã đổi tên thành Tiểu Diễm Hồng thì đỏ bừng mặt, giấu đầu lòi đuôi nói ông nhận lầm người rồi.

Sao lại nhận lầm được chứ, ông xem sổ sách ghi chép hàng nghìn con số, xem các loại bí tịch võ công nhìn muốn hoa cả mắt mà vẫn không nhầm lẫn thì sao lại nhận nhầm cô gái đã chiếm cứ quãng thời gian tươi đẹp nhất đời ông mà không cô gái nào thay thế được.

Hôm ấy, ông lấy hết tiền mình có đưa cho tú bà để “mua” Tiểu Diễm Hồng một đêm.

Ngọn đèn dầu nhảy múa, sáp nến lặng lẽ tan, tuy nàng trét đầy son phấn nhưng trong mắt ông, ấy vẫn là Hiểu Kính muội muội ngây thơ đáng yêu thủa nào.

Nàng kể sau khi bị người Khiết Đan bắt đi, nàng đã chạy trốn nhân đêm đen. Nhưng hồi đó nàng còn quá nhỏ, lại không biết mình đang ở đâu, trong lúc cùng đường, nàng được một đại nương tốt bụng cứu giúp, dẫn nàng về nhà cho ăn ngon ở tốt. Không lâu sau, nàng bị đưa đến đây. Nàng biết đây chẳng phải nơi tốt đẹp nhưng nàng bất lực, nàng đã từng bỏ trốn, từng phản kháng, nhưng cứ mỗi lần như thế đều bị chịu các kiểu trừng phạt tàn nhẫn. Nàng từng muốn tự sát nhưng cuối cùng đã bỏ ý định đó mà sống nhục nhã tại chốn trăng hoa này.

Hôm ấy nàng nắm tay áo ông, hệt như hồi bé, kể lại những gì nàng đã trải qua suốt mười năm cho ông nghe, giọng nàng vẫn nhỏ nhẹ tựa như chưa từng chịu khổ sở, nhưng từng câu từng chữ của nàng chẳng khác nào những nhát dao găm vào người ông, đau đớn khôn cùng.

Sáng sớm hôm sau, nàng cười, nói năm xưa nếu không có gì xảy ra, ắt hẳn nàng đã là vợ ông.

Ông cau mày, nói, ta chuộc thân cho muội.

Nói được làm được.

Mấy tháng sau, ông đưa Hiểu Kính đến Liên Thủy Hương, nói sau này ở lại đây.

Nàng rất thích, nói nơi đây cảnh như tranh vẽ, bình yên không thị phi.

Ông nói không chỉ vậy, còn có bạn cũ.

Trước học viện Lục gia, Lục Trừng nhìn Hiểu Kính, ngỡ ngàng chốc lát, chợt khóc không thành tiếng.

Ông nói với Hiểu Kính, năm ấy từ biệt, ta luôn tìm hai người, ông trời có mắt, năm ngoái tìm được Lục Trừng, năm nay tìm được muội.

Buổi tối cuối thu, ba người họ ngồi trong sân nhà Lục Trừng nấu rượu nướng thịt, chỉ nói chuyện vui. Mười năm vắng nhau như một chén rượu nồng, uống cạn thì thôi, không nhắc lại nữa.

Ông ở Liên Thủy Hương một tháng, cùng Lục Trừng giúp Hiểu Kính chuẩn bị nhà mới, chọn mua đồ dùng, có điều lúc Hiểu Kính lấy khăn tay lau mồ hôi cho ông thì ông vội tránh.

Lục Trừng chưa cưới vợ, vẫn đối xử với Hiểu Kính rất ân cần, thỉnh thoảng còn nghĩ ra nhiều trò trêu nàng như hồi bé. Nhưng lúc nàng bật cười, nàng sẽ đồng thời lặng lẽ trao ông ánh nhìn buồn bã. Ông biết nàng nghĩ gì nhưng không thể, ông không thể hứa hẹn gì với nàng, bởi vì ông là người Ty gia. Đi theo ông nghĩa là luôn phải đối mặt với muôn trùng hiểm nguy và rắc rối chốn giang hồ, ông thậm chí còn không biết mình có thể sống bao lâu thì làm sao cho nàng cuộc sống an ổn. Người mà nàng nên đi theo tuyệt đối không phải là ông.

Lục Trừng vẫn rất thích nàng, ông nhận ra được.

Sống cùng thầy giáo sẽ tốt hơn ở bên cạnh người giang hồ thanh đao nhuốm máu.

Ngày rời khỏi Liên Thủy Hương, ông hẹn với Lục Trừng và Hiểu Kính rằng dịp này hằng năm, ông sẽ tới thăm.

Trước khi lên đò, Hiểu Kính gọi ông lại.

Ông ngoảnh đầu, lòng thấp thỏm, nếu nàng không hiểu dụng ý của mình, đột nhiên nói ra điều không nên nói thì phải làm sao.

Nhưng nàng chỉ cười nói: “Sau này có đến thì mang cho muội ít mứt hoa quả nhé.”

Ông thở phào nhẹ nhõm, đây là kết quả tốt nhất. Đưa muội về chốn bình yên, hằng năm mang cho muội ít mứt hoa quả, sau đó đứng từ xa ngắm muội hạnh phúc.

Thời khắc chia xa, ông quay lại vỗ vai Lục Trừng, nói nhỏ với bạn mình: “Muội muội mà chúng ta yêu thương nhất, sau này huynh phải tốt với muội ấy.”

Lục Trừng thoáng ngạc nhiên, sau đó gật mạnh đầu.

Ông lên đò, tiếng nước chảy róc rách, những người đứng trên bờ càng lúc càng xa.

Vài năm sau, Hiểu Kính và Lục Trừng thành thân.

Ông không nuốt lời, ngay cả vào những năm tháng Ty gia gặp biến cố, hằng năm cứ vào mùa thu ông vẫn đến Liên Thủy Hương, lần nào cũng xách theo bao đầy mứt hoa quả.

Ông không kể cho họ nghe mình sống cụ thể ở đâu, chỉ nói làm quản gia cho một gia đình giàu có, rất bận rộn.

Họ không phải người giang hồ, cần chi biết chuyện giang hồ.