Bên Em Khi Hoàng Hôn Tắt Nắng

Chương 1



Thời tiết miền Bắc đã vào cuối thu, từng cơn gió thoảng qua dần mang theo hơi lạnh. Làm một hồi đã thấm mệt, tôi quệt tay qua trán lau mấy giọt mồ hôi, miệng nở nụ cười gạt đi cơn mệt mỏi. Đưa hộp cơm nóng hổi ra trước cụ già mặc áo bệnh nhân tôi nói:

– Cháu mời bà ạ. Tối nay bà lại đến nhé!

– May quá… may quá! Cảm ơn cô… cảm ơn các cô các cậu!

Bà cụ nhỏ bé gầy guộc đỡ hộp cơm bằng cả hai tay đầy trân trọng. Sống mũi tôi bất giác cay cay. Cứ vậy đến hơn một giờ chiều, số cơm hộp của nhóm thiện nguyện Sao Xanh chúng tôi cũng hết, người đến lấy cơm cũng không còn, tôi mới cùng mấy bạn trẻ đóng lại nắp thùng nhựa, bưng thùng để gọn vào một góc.

Ban lãnh đạo bệnh viện ung bướu Tâm An tạo điều kiện cho nhóm thiện nguyện nên đã dành hẳn khu vực dưới chân cầu thang làm kho, không chỉ vậy, họ còn dành cả một căn phòng lớn gần đó để chúng tôi làm nơi nấu nướng, sắp xếp cơm phần cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đã hơn ba năm qua, mỗi chủ nhật hàng tuần, nhóm chúng tôi phát trên dưới hai trăm suất cơm miễn phí tại đây.

– Chủ nhiệm Nguyệt, chiều nay chị có đến không ạ?

Nghe tiếng gọi tôi quay người lại, nhận ra cái Mai thì cười trả lời:

– Không, chiều chị có việc rồi. Chiều nay có bao nhiêu người đến được hả em?

– Có em, cái Hoa, cái Liên, chị Dung, cô Thìn, bác Vân, anh Dũng, anh Thành… tầm đấy người, chắc là đủ rồi không cần gọi thêm chị ạ.

– Ừ, thế được rồi. Mọi người trong đấy dọn dẹp xong hết chưa?

– Xong lâu rồi, còn mỗi nhóm mình thôi. Chị đã ăn uống gì chưa?

– Chưa, xong việc mới ăn được chứ?

– Vâng, thế chị ăn gì nhanh đi, chiều mất rồi chị ạ.

– Được rồi, hai năm nay chị không ở Việt Nam nên không đến thường xuyên được, đành nhờ em với mọi người…

– Vâng… mọi người coi chị như linh hồn của nhóm, chỉ cần linh hồn thôi, không cần chị có mặt trực tiếp đâu ạ!

Tôi bĩu môi cười trước câu đùa của con nhỏ khéo miệng. Bước vào toilet rửa mặt mũi chân tay, điện thoại của tôi bỗng có tiếng tin báo. Tôi mở điện thoại, thông báo đến từ ngân hàng. Khoản tiền năm mươi triệu đều như vắt chanh mỗi tháng được gửi trực tiếp đến tài khoản của nhóm từ một “mạnh thường quân” giấu mặt. Nếu người ấy muốn cho đi hoàn toàn từ tâm đức mà không muốn lộ diện thì chúng tôi cũng không cần phải dò tìm, khi thông tin chuyển khoản được ghi rất rõ ràng: “Ủng hộ quỹ thiện nguyện Sao Xanh”.

Thời điểm hơn hai năm về trước, lần đầu tiên nhận được khoản tiền này tôi hết sức bất ngờ, bởi lẽ nhóm chúng tôi không kêu gọi từ thiện công khai. Một số người biết đến chúng tôi chia sẻ cho nhau rồi chủ động liên hệ xin đóng góp, còn lại phần lớn số tiền trong quỹ thiện nguyện là từ công ty của gia đình tôi. Tuy số tiền đó không quá lớn nhưng cũng đủ để nhóm thiện nguyện hoạt động độc lập. Gia đình tôi quan niệm giúp được bao nhiêu người thì giúp, của cải làm ra nên dành một phần để cho đi, thế nên từ đầu năm cuối đại học tôi đã cùng mấy người bạn thành lập nên nhóm thiện nguyện này. Ban đầu nhóm chỉ phát cơm buổi trưa chủ nhật, từ ngày có “mạnh thường quân” kia đóng góp, chúng tôi đã thêm một bữa tối cùng những khoản hỗ trợ khác cho nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Xuống nhà để xe, bất chợt chuông điện thoại của tôi reo vang. Quân, chồng sắp cưới của tôi gọi cho tôi, anh nói qua điện thoại:

– Em về đến nhà chưa? Hôm nay anh bận quá không sang đưa em đến bệnh viện được.

– Không sao, giờ em mới bắt đầu từ bệnh viện về, anh đang ở đâu thế?

– Anh đang ở công ty, chả hiểu sao chủ nhật lão sếp lại gọi lên. Chiều anh sang hai đứa mình đi xem váy cưới nhé! Ban sáng bà Dung nhắn cho anh địa chỉ chỗ này hay lắm.

– Vâng, tầm bốn giờ đi là vừa anh ạ, giờ anh cứ làm việc đi. Mà anh ăn uống gì chưa?

– Anh ăn rồi, ban nãy anh đi với sếp. Cuối năm công ty nhiều việc em ạ.

– Vâng… em biết mà. Thôi em về nhà đây.

Bước lên chiếc xe máy tay ga, tôi mỉm cười nghĩ đến chiều nay được thử váy cưới trắng tinh khôi bên chú rể của mình. Yêu Quân đã bốn năm, anh luôn nhẹ nhàng chiều chuộng tôi. Ban đầu tôi chỉ xem anh là bạn, nhờ sự nhiệt tình theo đuổi của anh mà tôi nhận lời yêu anh. Quân là đàn anh đại học khóa trên đẹp trai, học giỏi, gia đình nề nếp, dường như tôi không thể chê được điều gì ở anh. Cách đây một tháng, khi tôi tốt nghiệp thạc sĩ tại Pháp trở về nước, anh ngỏ lời cầu hôn sau hai năm chúng tôi yêu xa, khỏi phải nói tôi hạnh phúc đến mức nào liền gật đầu đồng ý. Hai bên gia đình bàn bạc rất nhanh, ngày cưới chỉ còn ba tuần nữa.

Tôi dựng chân chống xe máy trong sân rồi bước về ngôi nhà ba tầng khang trang tọa lạc trên một con phố yên tĩnh. Cửa nhà không khóa, đẩy cánh cửa gỗ nâu tôi bất ngờ đến bàng hoàng. Ba tôi đang nằm bất tỉnh dưới chân cầu thang, hai mắt ông nhắm nghiền, nơi thái dương của ông có máu đang không ngừng chảy.

– Ba!

Tôi kinh hoàng hét lên một tiếng, lập tức lao đến, sờ vào mũi ba thấy ông vẫn còn thở, trong lòng tôi bớt một phần đá nặng. Không nghĩ được nhiều tôi vội cởi áo khoác thấm máu trên thái dương ba. Từ trên gác mẹ tôi nhanh chân chạy xuống, run rẩy xoa nắn người ba tôi. Hai hàng nước mắt chảy dài bà xuýt xoa không ngừng:

– Nguyệt, mẹ không cố tình… mẹ không cố tình đẩy ba con đâu! Con phải tin mẹ!

– Không phải cố tình hay không mà bây giờ phải gọi cấp cứu cho ba! Mẹ gọi luôn đi mẹ! Nhanh lên mẹ!

– Con nghe mẹ đã. Ba con có người khác, mẹ cam đoan với con là thế nhưng ông ấy cứ chối bằng được, lúc ấy mẹ điên lên mới đẩy ông ấy tránh xa khỏi người mẹ, không ngờ lại thành ra thế này. Nếu ông ấy tỉnh lại, ông ấy sẽ cho là mẹ cố tình đẩy ông ấy, ông ấy nhất định sẽ không tha cho mẹ. Nếu ông ấy không tỉnh lại mẹ sẽ phải đi tù, phải đi tù con hiểu không?

Mẹ tôi như kẻ điên hai tay ôm lấy đầu đầy thống khổ, khuôn mặt nhăn nhó sợ hãi mất kiểm soát, hai mắt bà đỏ hoe, nước mắt chảy không ngừng, cả cơ thể run lên bần bật. Tôi vừa đau xót vừa giận mẹ vô cùng, chỉ biết vô thức quát lên:

– Mẹ bình tĩnh lại đi! Ba sẽ không sao hết!

Tôi lập tức bấm điện thoại gọi cấp cứu. Khoảng thời gian chờ đợi dường như dài vô tận, mẹ tôi ôm lấy ba tôi khóc lóc thảm thiết, sau đó bà lay người tôi, đôi mắt đỏ quạch van xin:

– Ba con đã có người khác, mẹ vừa điều tra ra, con hồ ly đó là thư ký mới của ba con. Giờ ba con thế này tất cả là tại ông ấy, chính ông ấy đã tự hại mình, không phải tại mẹ. Con đừng trách mẹ được không Nguyệt?

– Con không trách ai hết, giờ cứu ba mới là quan trọng, chuyện ba có ai tính sau đi mẹ!

Mẹ tôi vẫn không ngừng than khóc. Bà hận con hồ ly tinh đứng sau mọi chuyện. Vừa thương xót, vừa hối hận, vừa tức giận chồng, lại vừa sợ hãi hậu quả gây ra, bao cảm xúc dồn ép cùng lúc khiến bà không còn tỉnh táo, cứ gào lên rồi đập tay xuống đất. Nhìn mẹ khổ sở tột cùng lòng tôi đau như ai xé toạc, nếu những gì mẹ nói là thật tôi cũng giận ba tôi lắm chứ nhưng giờ ông thế này, tôi thương ông nhiều hơn là trách ông. Tôi chỉ biết cầu mong ba tôi sẽ không làm sao hết, chỉ biết cầu cho xe cứu thương mau đến mà thôi. Sao xe lâu đến như vậy? Tôi cứ thế ngóng đợi từng giây một, từng tiếng tích tắc của đồng hồ như những nhát búa gõ vào tâm trí… Thời gian tại sao lại trôi chậm đến như vậy?

Vừa nghe tiếng còi xe cấp cứu bên ngoài, tôi lập tức vùng dậy, sấp ngửa chạy ra đón, vừa chạy vừa gọi to báo hiệu. Mấy nam y sĩ to cao không chậm trễ theo tôi vào nhà, lúc này mẹ tôi không còn ở đó nhưng tôi chẳng còn tâm trí nào mà tìm mẹ, chỉ theo chân nhóm y sĩ bước lên xe cấp cứu, nhanh chóng đưa ba tôi vào bệnh viện gần nhất.

Đến bệnh viện, ba tôi được đưa trực tiếp vào phòng cấp cứu. Máu trên đầu ba tôi đã khô lại, ông nằm im lìm trên băng đẩy, cả gương mặt là một màu trắng toát. Nước mắt rơi không ngừng tôi chạy theo ba đến tận cửa phòng cấp cứu, chỉ khi y tá ngăn lại tôi mới đành đứng ngoài. Ban nãy đi vội quá tôi để điện thoại đâu mất rồi chẳng nhớ, dép còn đi chiếc nọ chiếc kia, giờ trong tay chẳng có gì để liên lạc, may sao tôi lại mang theo túi xách nên có giấy tờ cùng thẻ ngân hàng trong đó. Tôi nhanh chóng làm thủ tục nhập viện cho ba theo hướng dẫn. Mọi người xung quanh đều bận rộn chạy qua chạy lại, tôi không muốn làm phiền đến ai nên sau khi xong xuôi thủ tục tôi ngồi lặng trước cửa phòng cấp cứu. Tôi sợ hãi đến run rẩy, toàn thân căng cứng như dây đàn, hai tay chắp vào nhau trong vô thức cầu nguyện. Nếu ba tôi có mệnh hệ gì thì không chỉ mẹ con tôi khổ mà còn cả công ty không biết sẽ đi đâu về đâu. Từ trước đến giờ ba tôi luôn là một lãnh đạo tài năng, là điểm tựa của rất nhiều người.

Cánh cửa phòng cấp cứu bật mở, tôi đứng bật dậy như lò xo hướng về vị bác sĩ trẻ đeo kính bạc.

– Người nhà của bệnh nhân Lương Ngọc Minh vừa vào cấp cứu có đây không?

– Có! Cháu… ba cháu thế nào rồi bác sĩ ơi?

Tôi trấn an cơn xúc động, nín lặng chờ đợi câu trả lời. Vị bác sĩ nhìn tôi bằng ánh mắt cảm thông cho tâm trạng của tôi lúc này, ông trầm giọng thông báo:

– Kết quả chụp sọ não cho thấy ba cô bị nứt sọ đỉnh trái dài khoảng tám cm, máu tụ ngoài màng cứng, xuất huyết vùng tiểu não dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Chúng tôi phải mở hộp sọ của bệnh nhân để làm phẫu thuật.

Tôi sững sờ nghe tin dữ, bàng hoàng đến mức mặt mũi trắng bệch. Ba tôi đang phải đối diện với tử thần! Chẳng còn cách nào khác tôi đành lau nước mắt thay mặt người nhà ký vào giấy phẫu thuật khẩn cấp, tay tôi cứ run lên đến nỗi mãi mới ký nổi. Giờ tôi chỉ cần ba tôi ở lại với tôi thôi, tôi chẳng cần bất cứ điều gì khác. Ba, nhất định ba sẽ không sao phải không, nhất định ba sẽ không bỏ con, sẽ không bỏ bao người đang trông đợi ở ba đúng không ba?