Chị Vợ, Anh Yêu Em

Chương 201-7: Vương tử chào đời (7)



Lần này đến phòng dưỡng nhi thăm con, Lâm Thiên Vũ mới có điều kiện nhìn rõ mặt đứa bé. Con trai anh vì sinh thiếu tháng mà nhỏ xíu đến mức đáng thương. Nhìn đứa nhỏ ngửa cổ nhắm mắt ngủ mà lòng anh xót xa vô cùng. Con người có lúc mạnh mẽ như núi cao sông dài nhưng cũng có lúc mong manh tựa như chiếc lá mỏng. Con trai Lâm Thiên Vũ lúc này chính là một sinh mệnh yếu ớt mỏng manh đang được chăm sóc để giành giật sự sống của bản thân mình.

Ông Lâm Chấn Thiên và bà Sofia nhìn thấy đứa cháu nhỏ bé của mình nằm trong lồng kính thở máy thì cũng ngậm ngùi. Hai người già mân mê chạm tay vào chiếc cửa kính bên ngoài phòng dưỡng nhi để mong chạm được đến cháu mình gần nhất. Càng nhìn càng không kiềm được nước mắt.

Đoạn ông lại nói: “Cháu nội ngoan của ông. Vì cháu sinh ra đã yếu ớt như thế này cho nên ông bà sẽ hành thiện tích đức nhiều hơn nữa để cầu cho cháu cả đời được khỏe mạnh yên vui.”

Bà Sofia cũng gật đầu bồi thêm: “Phải đó, bà sẽ đi cầu nguyện Thiên Chúa nhiều hơn để cho cháu sớm ngày ra khỏi lồng kính.”

Ông Lâm Chấn Thiên lại nói tiếp: “Cháu ngoan, từ giờ cháu sẽ tên là Đức để nhắc nhở cho nhà họ Lâm trên dưới ai cũng phải làm việc thiện để cầu an vui cho cháu đích tôn của ông.”

Lâm Thiên Vũ nghe đến đoạn đặt tên thì liền hỏi: “Ba à, con trai của con tên Lâm Đức sao?”

Ông Chấn Thiên điềm tĩnh đáp: “Tên là Đức, lót chữ Vũ. Đọc đầy đủ là Lâm Vũ Đức.”

Lâm Thiên Vũ nghe xong liền nói: “Nghe cũng hay đó. Mặc dù con cũng không hiểu ý nghĩa lắm nhưng cũng cám ơn ba rất nhiều vì đã đặt tên đẹp cho cháu.”

“Thằng quỷ này, lúc nhỏ kêu con đi học tiếng Việt nhiều một chút thì không chịu đi. Đụng đến từ Hán - Việt là mù tịt thôi.” - Ông Lâm Chấn Thiên vừa cười vừa mắng yêu con.

Lâm Thiên Vũ gải gải đầu nói: “Ba à, con bị bà nội bắt học tiếng Nhật, bị ông nội bắt học tiếng Việt, học nhiều sẽ bị điên đó.”

Ông Lâm Chấn Thiên hỏi lại: “Vậy sao con lại tự nguyện học tiếng Inca nhanh như vậy?”

Lâm Thiên Vũ nghe xong liền tròn mắt nói: “Ba à, cái này không giống nhau. Ba phải biết tình yêu có một sức mạnh vô bờ bến đủ sức làm thay đổi cả đại dương và lục địa. Còn Sisa thì đủ sức thay đổi cả tinh thần và thể chất của con trai ba đó.”

Bà Sofia đang mải mê ngắm cháu nội nhưng loáng thoáng nghe con trai nói thì cũng lên tiếng hỏi lại: “Tình yêu nào mà có sức thay đổi cả đại dương và lục địa vậy?”

Lâm Thiên Vũ đáp ngay tên của một bài hát mà bà dạy anh lúc nhỏ: “Tình yêu của biển.”

Bà Sofia nghe xong liền che miệng cười. Cậu con trai của bà vừa tếu táu vừa lém lỉnh không ai bằng.

Ông Lâm Chấn Thiên sau khi đặt được cái tên hay cho cháu nội thì liền ngẫm ngợi giải thích ý nghĩa: “Tên thằng bé càng nghĩ càng thấy hay. Phúc đức nhiều như mưa. Mưa lại thành sông, sông lại thanh biển. Ngụ ý phúc đức dồi dào. Hay, thật quá hay!”

Lâm Thiên Vũ đứng cạnh ông liền nhúng vai phì cười trêu chọc: “Ba à, ba tự đặt tên rồi tự khen hay có thấy kỳ lắm không? Y như “lợn cưới áo mới”*.”

Ông Lâm Chấn Thiên liền nói: “Có gì mà kỳ? Ba rất hài lòng với cái tên này. Ba phải về tìm hiểu thêm vài cái tên nữa để dành cho Cát Vũ với Nam Phương sau này có con sẽ dùng đến.”

Lâm Thiên Vũ nghe đến đây thì liền hỏi: “Cát Vũ đã chịu Nam Phương rồi sao? Con nhớ dạo trước nó vẫn trốn tránh chuyện này và đi giành bồ với Lập Thế Khang mà.”

Ông Lâm Chấn Thiên liền nói: “Chuyện của người trẻ ba mẹ không hiểu rõ. Chỉ biết lúc mẹ của Nam Phương qua đời thì có căn dặn con bé kết hôn với Cát Vũ nhà mình. Khi ấy hai đứa nó đã tự mình đi đăng ký kết hôn rồi sau đó Nam Phương phải quay lại Ai Cập làm việc cho nên Cát Vũ cũng theo qua đó tìm con bé. Thằng nhỏ nhà mình cũng đi được một tháng rồi em nhỉ?”

Bà Sofia nghe chồng hỏi thì liền nói: “Khoảng đó. Không biết sao mà đi lâu vậy chưa thấy về.”

Lâm Thiên Vũ nghe xong liền trừng mắt hỏi lại: “Dì Catherine qua đời rồi sao? Sao Nam Phong không báo cho con biết?”

- --

* Lợn Cưới Áo Mới là một câu chuyện hài dân gian nói về một anh chàng mua được cái áo mới liền mặc vô rồi đứng ra ngoài cửa để mọi người đi ngang qua khen ngợi nhưng khổ thay chờ từ sáng đến trưa vẫn không có ai khen. May gặp được anh mất lợn chạy qua hỏi: “Anh có thấy con lớn cưới của tôi chạy qua đây không?”

Anh kia mừng húm liền khoe chiếc áo mới của mình: “Từ lúc tôi mặc cái áo mới này thì không thấy con lợn nào chạy qua đây cả.”

Cả hai anh này, một người khoe “lợn cưới”, một người khoe “áo mới” cho nên câu chuyện ngụ ý châm biếm về tính khoe khoang và “lợn cưới áo mới” trở thành một thành ngữ để chỉ sự tự khen tự khoe.