Chó Hoang Và Xương

Chương 20-2: Từ đó về sau Trần Dị không còn phải sầu não vì tiền nữa. 2



“Em gái nào cơ? Anh Dị này, rốt cuộc là anh có bao nhiêu cô em gái thế?”

“Họ hàng nhà tao!”

Anh đuổi đám ruồi chung quanh đi hết, ngả ngớn đặt lưng nằm xuống, cười trêu: “Ông đây có chết đâu mà mặt mày như đưa thế kia hả?”

“Nếu anh chết…” Miêu Tĩnh mấp máy môi, viền mắt phiếm đỏ, “Em, em biết phải làm sao?”

“Phải làm gì thì làm cái đấy. Đi tìm mẹ mày đi, không tìm thấy mẹ mày thì tìm bố mày, không tìm thấy bố mày thì tìm họ hàng mày. Nếu không được nữa thì vẫn còn trại trẻ mồ côi ở đấy.” Giọng anh nhàn nhạt, “Tao mày có quan hệ gì lớn lao đâu.”

Hơn nữa anh cũng không chết được, bị thương không nghiêm trọng, máu trên người toàn là máu từ những vết thương ngoài da. Chỉ có gãy xương là hơi phiền phức, cần nghỉ ngơi dăm tháng.

“Không chết, vậy nếu bại liệt thì sao? Phải cưa chân thì sao? Bị hủy dung thì sao? Vậy thì phải làm sao?”

Cô nhìn anh bằng cặp mắt trong veo.

“Ôi mẹ kiếp, sao mày ăn nói ngứa tai thế nhỉ? Mày trù úm tao đấy à?” Trần Dị nghĩ ngợi, “Nếu vậy thì, vẫn nên chết đi thôi, ông đây tự sát.”

Không thì có ai buồn quan tâm anh sống chết ra sao đâu.

Miêu Tĩnh xin nghỉ vài hôm, cô chạy qua chạy lại giữa bệnh viện và nhà. Trần Dị phải nằm viện điều trị, phải chụp X quang, phải đóng viện phí, phải uống thuốc, phải bổ sung thực phẩm dinh dưỡng. Những khoản tiền ấy cơ bản đã đào rỗng ví của hai người. Đám Ba Tử gom góp ít tiền đưa cho Miêu Tĩnh, mới tạm đủ cho hai người ăn uống.

“Mày đi học đi, rảnh lắm à?” Trần Dị nằm trên giường bệnh xua đuổi cô, “Suốt ngày chạy vào bệnh viện làm gì, chỗ này có đám Ba Tử đưa cơm, không cần mày lo.”

Miêu Tĩnh hầm canh gà, múc trong bình giữ nhiệt ra đưa cho anh, “Sáng em ở trường, xin cô cho nghỉ tiết tự học tối. Dạo này em ở nhà, khéo là đi xe buýt tiện đường nên ghé qua đưa cơm cho anh, không làm lỡ giờ học của em đâu.”

“Tối mày cũng đừng tới đây, không an toàn.” Anh bưng bát, cúi đầu uống một ngụm canh gà ngon lành.

Miêu Tĩnh ngồi cạnh giường bệnh, ngẩn ngơ suy nghĩ thật lâu, cuối cùng quay đầu nhìn anh: “Em tình cờ gặp Bảo Mao, Bảo Mao nói xe mô tô kia của anh được sửa lại rồi, để ở tiệm sửa xe… Hay là… bán xe đi anh.”

Trần Dị cau mày, chiếc mô tô này là bảo bối của anh, trang bị cho xe thôi đã ngốn rất nhiều tiền.

“Hết tiền rồi ạ.” Miêu Tĩnh thò tay vào túi, “Ban nãy em vừa xuống dưới đóng tiền, mấy ngày nữa sẽ đói mất.”

Hàng lông mày xếch câng câng cụp xuống, mặt Trần Dị căng cứng, mím môi: “Được rồi, bán thì bán đi.”

Không cam tâm, anh thêm một câu: “Mẹ kiếp.”

Cứ thế, Trần Dị đã bán lại chiếc mô tô mang phong cách ngầu lòi chất chơi, thu hút vô vàn tiếng hò hét chói tai ấy với một thái độ hết sức bình thản, ôn hòa.

Nằm bệnh viện nửa tháng, Trần Dị được xuất viện về nhà tĩnh dưỡng cùng cái chân bó bột và cây nạng đi kèm. Vì cử động bất tiện nên anh chẳng thể đi đâu, chỉ ở suốt trong nhà. Vết thương ở chân anh chưa lành lặn, không cách nào đi đứng bình thường, anh cũng không muốn ra ngoài để mà tự làm mình bẽ mặt. Điều khiến anh bực bội nhất không phải bị thương, mà là nhuệ khí bị sụt giảm. Từ nhỏ Trần Dị đã hăng hái hăm hở, khí thế xông xáo, có khi nào lại đầy mình thương tích, đi đường khập khiễng thảm hại thế kia.

Miêu Tĩnh phải chăm nom anh, cô dọn đồ từ trường về nhà ở, nhờ Bảo Mao mua cho cô một chiếc xe đạp cũ để mỗi ngày đạp xe đến trường.

Một đứa đi học, một đứa bị hạn chế hoạt động, đồng nghĩa với việc mấy tháng này hai đứa sẽ lâm cảnh “miệng ăn núi lở”. Ngay cả sự đảm bảo về những cái cơ bản nhất trong sinh hoạt cũng không có.

Tới lúc bắt đầu phải ăn món mì luộc, Trần Dị khó chịu mà không có thuốc lá hút. Miêu Tĩnh thấy anh chán nản nằm ở sô pha, tấm áo phông nhăn nhúm như thể dưa muối khô, dưới cằm là cả một mảng xanh, bộ dạng sa sút và uể oải.

“Phục vụ bia kiếm được nhiều tiền lắm ạ?” Cô ngồi trên sô pha gấp quần áo, “Một ngày kiếm được bao tiền? Chỉ cần bán rượu bia thôi ư?”

Trần Dị lười biếng mở mắt: “Tiếp rượu chuyên nghiệp đấy, uống một chai thì khách sẽ mua mười chai, bị đàn ông sờ đùi, mày đồng ý làm không?”

“Em đồng ý.” Miêu Tĩnh điềm nhiên đáp lời anh.

Một chiếc bật lửa thình lình bay qua không trung rồi đập vào đầu cô, đau đến độ Miêu Tĩnh phải nghiến răng nín nhịn.

Anh đứng dậy, hùng hùng hổ hổ lê chân về buồng thay áo, sau đó ra khỏi nhà.

“Anh đi đâu thế?”

“Ông đây không bị liệt, đếch ra ngoài được chắc?” Anh quăng lại một câu, “Mày ở yên trong nhà cho tao.”

Trần Dị chẳng còn mặt mũi nào để tìm đám bạn lông bông kia nhậu nhẹt chơi bời tiếp nữa, đương nhiên cũng chẳng còn mặt mũi nào mà đi vay tiền hoặc kiếm mấy đồng bạc lẻ bằng đường ngang ngõ tắt. Anh đi thẳng ra công trường tìm vài công việc lặt vặt, đưa bao thuốc lá cho chủ thầu hút, nịnh hót đôi câu, theo người ta vào đội lắp đặt làm lắp đặt thiết bị, làm công nhân xây dựng nhỏ. Anh có bộ óc linh hoạt, học hỏi nhanh và cao to khỏe mạnh, phát huy năng lực rất tốt trong những công việc như đập tường, xếp gạch, quét vôi.

Tiền lương thanh toán ngay trong ngày, một ngày hai trăm tệ, cũng đủ sống tạm qua bữa.

Nửa đêm Trần Dị lặng lẽ trở về, Miêu Tĩnh thấy bụi bám trên tóc và lông mày anh, quần áo lấm lem và đôi găng tay bảo hộ lao động vứt ở cửa nhà, làm cô giật mình mãi hồi lâu mới sực tỉnh.

“Mua thịt đi, tao muốn ăn thịt.” Anh cắn răng đặt tiền xuống, xoay người vào phòng tắm tắm rửa.

Anh làm việc này tận đến khi chân cẳng khỏi hẳn, thu nhập ổn định, cuộc sống thoải mái. Ngoài công trường có chỗ ở, Trần Dị gửi quần áo bẩn về nhà, lần nào giặt đồ Miêu Tĩnh cũng phải vò mạnh tay mới giặt sạch được. Tới kỳ nghỉ hè, hằng ngày Miêu Tĩnh sẽ đi đưa cơm, giúp đỡ cho anh.

Thời tiết mùa hè cực kỳ nóng nực, Trần Dị theo chân đội lắp đặt đi lắp đặt trang hoàng nhà cửa cho chủ nhà. Nhà vẫn chưa lắp điện, không gian nhỏ hẹp vừa ngộp vừa bẩn, Miêu Tĩnh xách cặp lồng, mang nước lạnh, nửa quả dưa hấu tới, bắt gặp Trần Dị cởi trần ngồi dưới đất dựa tường nghỉ ngơi. Dưới đất trải đầy báo và giấy, chiếc áo phông bị ném lung tung, anh dang rộng hai chân, một tay hút thuốc, tay kia còn cầm một cuốn sách.

Chả biết sách lấy ở đâu ra, có lẽ là sách dùng lót sàn để quét tường hoặc bị người ta vứt. Trang giấy sờn cũ đã ngả vàng, là một số tựa tiểu thuyết như “Thủy hử truyện”, “Bá tước Monte Cristo”, “Thép đã tôi thế đấy!”, “Đỏ và đen”, thậm chí còn có cả một cuốn “Nhật ký Lôi Phong”.

Anh đọc rất nhập tâm, mái đầu húi cua lấm tấm bụi, bắp thịt màu mật ong đậm loang loáng mồ hôi, trên lồng ngực và bả vai phủ một lớp bụi đất, cơ thể in hằn những dấu đỏ và vệt bụi do ngón tay cào. Miêu Tĩnh thấy hàng mi dày của anh rung nhẹ, bàn tay kẹp điếu thuốc lật giở trang sách, hồn nhiên rít một hơi thuốc, mắt khẽ chớp, chậm rãi nhả làn khói trắng. Trông tựa một bức tranh tĩnh vật, cũng hệt tác phẩm điêu khắc tượng đàn ông mang vẻ đẹp tĩnh lặng.

Trần Dị không hề phát hiện cô đã đứng lúc lâu. Mãi tới khi Miêu Tĩnh bước vào, ngồi xếp bằng bên cạnh anh, nhẹ nhàng bảo anh ăn cơm, hỏi anh đang đọc gì.

“Nhà thờ Đức Bà Paris.” Anh hãy chưa dời mắt sang nhìn, giọng thoáng ý cười, “Hay lắm, sao hồi xưa không biết có nhiều sách hay thế này nhỉ, hay hơn chơi game nhiều.”

Như có hạt bụi rơi vào mắt Miêu Tĩnh, cô bỗng chớp chớp mắt liên hồi.

Anh buông cuốn sách, bắt đầu ăn ngốn nga ngốn nghiến, tướng ăn thô kệch, tốc độ vèo vèo, quét sạch số đồ ăn mà Miêu Tĩnh mang đến trong một nốt nhạc. Kế đó anh dặn Miêu Tĩnh về mua ít đồ, đem mớ quần áo bẩn của anh về nhà giặt.

Miêu Tĩnh ngồi một chốc, bây giờ phải nghỉ trưa, anh ngả lưng xuống đống giấy báo, lấy sách che mặt, bảo cô đi về sớm. Miêu Tĩnh dọn dẹp đồ về nhà, trước khi đi, cô ngoảnh đầu nhìn anh lần nữa.

Về tới nhà, Miêu Tĩnh giặt quần áo cho anh. Cô ngâm đồ trong chậu nước, đổ biết bao nhiêu là bột giặt nhưng giặt mãi vẫn không sạch, vò đến nỗi ngón tay Miêu Tĩnh đỏ bừng, song chẳng tài nào gột hết đi lớp sơn bám trên đấy. Miêu Tĩnh vứt quần áo vào chậu, nước bẩn bắn lên người, cô không nhịn nổi nữa mà vùi đầu giữa đầu gối gào khóc. Khóc xong, cô lấy điện thoại gọi cho Ngụy Minh Trân, lại chạy ra ngoài đi tìm nhà của gã đàn ông bỏ trốn cùng bà, hỏi xem có tin tức gì của hai người không.

Khi chân Trần Dị hoàn toàn bình phục thì cũng đã qua mấy ngày.

Tốt nghiệp trường nghề, Trần Dị vẫn chưa đủ mười tám tuổi, anh nghỉ đua xe, không còn ham hố những trò lấy mạng sống ra đánh cược nữa. Anh có dịp chân chính đặt chân vào xã hội. Tới câu lạc bộ bida cùng bạn, anh đánh bida rất khá, đánh bại rất nhiều người, cũng làm quen với những kiểu người muôn hình muôn vẻ, lọt mắt xanh của giám đốc câu lạc bộ. Công việc chính thức đầu tiên của anh là nhân viên an ninh cho câu lạc bộ.

Thời buổi ngày nay, kiểu giang hồ lưu manh vác dao ẩu đả trên đường phố, cướp giật, thu tiền bảo kê đã thành lỗi thời. Nay đều đã có bộ mặt mới, những kẻ cho vay nặng lãi, đòi nợ, câu lạc bộ giải trí và cung cấp thương phẩm độc quyền nhanh chóng biến hình thành người kinh doanh.

Từ đó về sau, Trần Dị không còn phải sầu não vì tiền nữa. Lần đầu tiên anh mặc tây trang bước vào cửa nhà, bộ âu phục bình thường diện trên người anh toát lên một phong thái vừa mạnh mẽ vừa hào hoa. Dường như ở anh chưa từng tồn tại sự ngây ngô, mà trước giờ vẫn luôn trầm ổn, hoang dại và liều lĩnh.