Chuyện Đời Của Gia Gia

Chương 4



Năm ta thi lên cấp ba, phải tới tận trường huyện để nộp hồ sơ thi. Quãng đường được tính bằng mấy chục cây số. Lọ mọ lên được tới nơi cũng hơn một tiếng đồng hồ. Nghĩ tới cảnh ba năm học tại đó mà ta thấy ngộp thở. Ngôi trường quá rộng, bao nhiêu quận huyện đều tụ tập về đây. Mười lăm năm học tại làng xã, nhìn đâu cũng thấy người quen, sức học của ta cũng không thua kém gì ai, cho nên dù có như thế nào cũng vượt qua được. Nhưng đây là trường huyện, gần một nghìn học sinh, ai cũng tranh giành đố kị nhau để đứng đầu. Mọi thứ sẽ xa lạ, sẽ khó khăn. Bỗng dưng ta thấy sợ hãi. Nhưng dù thế nào, ta luôn dặn với lòng, vẫn phải đi tiếp, không ai cho phép ta lùi lại được nữa rồi.

Cuối cùng ngày thi cũng đến. Phải mất hai ngày để thi xong sáu môn học. Để không khổ công Ba Mẹ cho ta học hành hơn chín năm, ta càng cố gắng để họ không phải xấu hổ. Ngày đi thi, Mẹ đưa ta đi trên con xe máy cũ mềm. Thật sớm đã phải dậy ăn sáng, rồi hai mẹ con đèo nhau lên đường. Hai ngày thi là hai ngày vất vả, Mẹ luôn đứng ngoài cổng trường đợi ta suốt mấy tiếng đồng hồ, đưa ta đi ăn, rồi lại quay về nằm tạm trên tờ báo cũ. Cứ nhứ thế rõng rã suốt hai ngày, nắng cháy, mồ hôi ướt cả tấm áo khoát phai màu, nhưng Mẹ vẫn không bỏ đi dù một giây, mắt vẫn ngóng trông từng bước chân của ta tiếng về phía cổng. Hồi hộp thay cho con, lo lắng thay cho con, như bất kì người Mẹ nào khác. Trước kia, ta luôn nghĩ, có lẽ nào Mẹ không thương ta, hay Mẹ cũng không cần đứa con gái như ta, vì đã có cu Út rồi. Con trai trong nhà kế thừa gia phả chắc sẽ được lo lắng yêu thương hơn. Cho đến ngày hôm ấy, ta mới thật sự nhìn thấy sự lo toan của Mẹ, bất giác, ta nhận ra nhiều thứ sâu sắc hơn so với cái tuổi của mình.

Đời sống còn nghèo, sự quan tâm ấy Mẹ nào có thể cho chúng ta thấy. Dù có yêu thương, dù có quan tâm các con đến đâu thì cũng đành dằn lòng mình vào, để chúng tự lập, để chúng biết tự lo cho bản thân. Cơm áo gạo tiền, mọi thứ ấy đã chiếm hết lấy thời gian của Mẹ, lấy đâu ra khoảnh khắc yêu thương chân thực của Bà?

Ừm, dừng lại một lát, cho ta dành ra chút thời gian nói về chuyện tình yêu của Ba và Mẹ.

Mẹ ta, bà cũng là người phụ nữ sinh ra trong một gia đình Nho giáo. Từ thời cụ Cố cho đến Ngoại, ai cũng sống trong nề nếp gia phong. Nhà Ngoại có tới sáu anh em, nhưng chỉ duy nhất Mẹ là con gái. Ông Ngoại mất do chiến tranh, những anh em của Mẹ còn đang tuổi ăn tuổi học, Mẹ giống chị Hai, đành hi sinh cuộc sống học đường, ở nhà phụ Bà Ngoại kiếm tiền nuôi các anh em ăn học. Tuy cuộc sống vất vả, tuy một chữ bẻ đôi Mẹ ta cũng không nắm rõ, nhưng vì ông Cố ta rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cháu, Mẹ ta cũng được ông giáo huấn phải trở thành một cô gái lễ phép, đi đứng nhẹ nhàng, thùy mị, nết na. Mẹ ta lúc ấy lại có nhan sắc, nên Bà được xem như là có tiếng trong làng.

Còn Bố ta thì ngược lại, ông sinh ra trong khu vực đói nghèo, chân lấm tay bùn. Ham học lắm nhưng mỗi lần trốn nhà đi đến trường về lại bị bà Nội đánh thâm tím cả mông. Cố gắng trốn đi nhiều lần nhưng chỉ mới tới lớp bốn thì bỏ cuộc. Suốt ngày bị bà bắt đi chăn vịt, chăn trâu. Đến tuổi đủ sức đi làm thì theo người ta bốc vác, sửa máy móc, rồi lao động tự kiếm cơm, mọi chuyện tự thân vận động, vậy nên cuộc sống của ông luôn gắn liền với những nơi bẩn thỉu, những lớp người bần cùng và lưu manh nhất trong xã hội. Cái gì ông cũng biết, cái gì ông cũng làm, thành ra gần hai mươi tuổi, ông như một người đàn ông thuần thục. Chính vì hoàn cảnh sống khác nhau như thế nên ông đến với Mẹ cũng vô vàn khó khăn. Đến ngày hai người cưới được nhau cũng trải qua nhiều ngọt bùi cay đắng.

Yêu đương trong lén lút, gặp gỡ trong cảnh nhìn trước ngó sau. Bẵng đi một thời gian, hai người cũng cảm thấy bản thân cần nhau và quyết định cùng đi đến tương lại mới. Tất nhiên là phải trải qua ba lần bốn lượt thử thách của gia đình nhà Ngoại.

Ngày rước dâu, Ba mặc một chiếc áo trắng nhàu nhĩ đi thuê của người ta, khuôn mặt vì hồi hộp mà tái đi nhưng đôi mắt vẫn sáng ngời rạng rỡ. Ông Cố đứng một bên nghiêm mặt, ho khan một tiếng đủ làm Ba ta sợ đến mức đôi tay đang chắp lại bái tổ tiên cũng run rẩy không ngừng. Bây giờ, mỗi lần nghe Mẹ ta kể lại tình cảnh của Ba lúc ấy mà chị em ta bật cười ngặt nghẽo. Có lẽ chính vì những điều gian nan đó mà trước kia ta luôn tin, tình yêu của Ba và Mẹ luôn tồn tại theo một cách đặc biệt nào đó. Mặc dù nghèo đói, cơm không đủ ăn, mặc cũng không đủ ấm, nhưng vì tình yêu họ sẵn sàng bên nhau dù có khó khăn gian khổ bao nhiêu. Cho đến sau này, ta mới thấy, tình yêu thôi thì vẫn không đủ làm cho con người ta vững tin đến thế, mà hơn cả tình yêu là trách nhiệm, họ mới gắn bó bên nhau, chỉ vì những đứa con khờ dại họ mới sẵn sàng chịu khổ, và đôi khi cũng chỉ bởi vì thời đại đó ai cho phép họ được ly hôn?

Sau những ngày tháng đấu tranh cho tình yêu ấy thì cuộc sống hai vợ chồng luôn dè dặt trước lễ nghi bên ngoại. Vì cụ Cố là nhà Nho nên mọi thứ trước mặt ông phải rõ ràng, không được lệch lạc. Nhắc về cụ Cố, cho đến nay trong suy nghĩ ta cũng rất mơ hồ. Ta chỉ nhớ cụ Cố ta là người đàn ông khỏe mạnh, nước da trắng hồng trông như một ông tiên. Kí ức của ta về ông là hình ảnh ông ngồi trên chiếc võng lưới, râu tóc đều bạc phơ, chiếc quạt phe phẩy đưa qua đưa lại, thư thái an nhàn. Ông rất thương và cưng chiều ta, lúc nào về nhà Ngoại ông cũng kêu ta vào, kể ta nghe rất nhiều chuyện, ông luôn vỗ đầu khen ta ngoan ngoãn lễ phép, cho ta rất nhiều kẹo. Đối với một đứa trẻ bốn năm tuổi, đó là món quà đáng khích lệ biết bao.

Còn bà Cố từ lúc ta sinh ra đã không hề thấy bà bước chân ra khỏi căn phòng nhà dưới. Hai chân Bà bị tật nguyền do bom đạn chiến tranh, lúc nào bà cũng nằm trên chiếc võng dù, cơm canh đều phải có người mang đến, ngay cả đi vệ sinh cũng không thể ra ngoài. Bà sống, ăn uống vệ sinh đều trên chiếc võng cũ ấy. Chính vì bất tiện về sinh hoạt nên hầu như lúc nào Bà cũng lặng lẽ, không cười cũng không nói chuyện với ai. Có lẽ bà cảm thấy mình là gánh nặng của người khác, ngay cả ông Bà không chuyện trò nhiều, chỉ vài câu thăm hỏi xã giao, nhưng trong ánh mắt lúc Bà nhìn ông luôn ngập tràn ánh sáng.

Tuy bà luôn trầm lặng như vậy, luôn thần bí khiến mọi người xung quanh không dám tiếp xúc, nhưng duy nhất mỗi ta là không sợ Bà. Có lẽ từ nhỏ Mẹ luôn nói với ta rằng Bà rất tội nghiệp, rất cô đơn nên sự đồng cảm và lương tâm ta lúc đó không cho phép ta cũng như bao người khác mà sợ Bà. Đến nhà Ngoại chơi, ta luôn vào phòng ông trước, ôm ông rồi lại vào phòng Bà, ngồi xuống nắm tay Bà, nói với Bà ta là ai, kể chuyện Bà nghe, chuyện nhà ta, chuyện thời tiết.. Ta luôn kiên nhẫn trả lời tất cả những câu hỏi của Bà, chính vì như thế, Bà luôn nhắc đến ta với mọi người, chỉ hai ngày không về Ngoại là Bà luôn miệng hỏi sao con bé không về thăm. Còn ta, đôi khi thấy hãnh diện vì điều đó, dù rằng ta không nhận được gì của ai, nhưng ta nhận được sự coi trọng của ông bà, đó là tình thương không gì thay thế được.

Thời gian nhanh qua, Ông Cố ta mất vào một ngày nắng đẹp. Ông ra đi thanh thản và nhẹ nhàng. Cả nhà đều khóc lóc tiễn đưa, chỉ duy nhất bà Cố không khóc. Mắt bà ráo hoảnh, chỉ nắm chặt tay ông không chịu buông ra. Nhưng trong mắt Bà, mọi thứ đều hoảng loạn. Bà mất đi người chồng vốn nghĩ rằng khỏe mạnh hơn Bà. Bà mất đi người đàn ông luôn tỏ vẻ lạnh nhạt xa cách nhưng luôn yêu Bà hơn tất cả mọi thứ. Bà nghĩ, Bà nên chết trước ông mới phải. Bà đâu còn lành lặn gì, Bà đâu còn sức lực gì, tại sao người chết đi không phải là Bà mà lại là ông? Ngước mắt nhìn người đàn ông nhắm mắt trong tư thế thư thái, an nhàn, Bà mím môi không cho nước mắt chảy xuống. Rồi vài tháng sau đó, Bà mất, nhưng không giống ông, Bà ra đi mà ưu phiền vẫn in đậm trên khóe mắt. Đối với ta, cho đến tận bây giờ, hình ảnh người đàn bà thiếu mất đôi chân, bò trên nền gạch nắm chặt tay người đàn ông nhắm nghiền đôi mắt ấy vẫn cứ ẩn hiện trong đầu, đôi khi đó là hạnh phúc, cũng có khi nó bức bách đến ngộp thở. Thà rằng lúc ấy Bà khóc như bao người, thì sẽ tốt hơn cho Bà không? Có lẽ trong giấy phút đó, bà Cố ta đã không còn hi vọng nhỏ nhoi nào để tiếp tục sống trên đời. Vì người để Bà cần cố gắng kéo dài sinh mạng nhỏ bé của mình đã đi mãi không quay về nữa.