Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 105: Xây nhà



Nữu Nữu nhìn em trai và em gái mà hâm mộ! Nhớ khi còn nhỏ anh trai cũng cõng nàng như thế, hiện tại bọn họ trưởng thành lại nhiều cố kỵ.

Tuy nàng cũng muốn được cõng chạy vòng quanh nhưng lại ngượng ngùng không dám mở lời.

Đây là phiền não sau khi lớn lên sao? Nữu Nữu lấy que củi chọc chọc chậu than và nghĩ anh trai sẽ thành thân, sẽ có vợ và con, còn nàng sẽ gả chồng, tới một nhà khác sống.

Nàng sẽ có chồng con, sẽ tách khỏi gia đình này, một năm chỉ được gặp người thân 1,2 lần.

(Hãy đọc truyện này tại trang Rừng Hổ Phách) Các anh còn có thể ở lại còn nàng sẽ phải tới nhà người khác ở, chỉ nghĩ tới đây nàng đã thấy trong lòng chua xót khổ sở! Trưởng thành thật không tốt! Thật không muốn lớn lên tí nào! Không được, lát nữa thế nào cũng phải gọi tam ca và tứ ca vào phòng trộm cõng nàng vài vòng mới được! Nghĩ đến đây Nữu Nữu ném cây củi vào chậu than nhìn nó bốc cháy lên, chút phiền não trong lòng nàng cũng tan hết.

Qua mùng bảy là Đào gia thôn hết tết, mọi người cầm công cụ lên đi làm việc.

Hiện tại trong ruộng chưa có gì phải lo nhưng đi loanh quanh xem một chút sẽ thấy cả người dễ chịu hơn.

Chỉ cần lấy cái cuốc đào đào bờ ruộng là thể xác và tinh thần đều thoải mái, cơm mới ngon, ngủ mới tốt.

Nhà Đào Tam gia tiễn Đại Bảo và Nhị Bảo lên trấn trên đi làm sau đó lập tức bận rộn chuyện xây nhà mới.

Sau bữa sáng ngày 13 tháng giêng Đào Tam gia ngậm tẩu thuốc đi quanh thôn mời mọi người tới giúp đỡ.

Nhà nào có thể giúp được ông đều biết.

Trước tiên ông tới những nhà trước kia mình và con từng qua giúp, có những nhà nhiều lao động ông cũng tới hỏi.

Còn nhà nào thiếu người thì ông cũng không đi quấy rầy.

Cứ thế đi một vòng đã mời được 15 lao động cường tráng, lại thêm ông cùng hai đứa con trai là coi như đủ.

Lý thị mang gạo cần dùng cho việc xây nhà đi giã, bột cũng nghiền xong.

Bà cũng ra ngoài đồng hái được mấy sọt rau dưa chuẩn bị.

Bà than với chồng: “Aizzz, vì xây nhà mà tết năm nay cũng chưa cho mấy đứa cháu ăn được bao nhiêu thịt, đợi xây xong nhà thì chỗ thịt khô mà chúng ta có cũng hết, chẳng còn thừa bao nhiêu.”

“Tụi nó đều hiểu chuyện, sẽ không so đo cái này.

Thịt khô phải để lại làm cơm cho thợ ăn, đồ ăn có tốt mọi người mới có sức tận lực giúp chúng ta chứ!” Đào Tam gia nói.

“Nói cũng phải, thế ngày mai thầy phong thủy có tới không?” Lý thị hỏi.

“Không tới, trước đó ông ấy đã xem nền giúp ta rồi, cũng đã làm đánh dấu, ngày mai thợ đá vừa tới nhìn thấy là sẽ hiểu.” Đào Tam gia nói.

“Vậy là tốt rồi.

Ngày mai ông xây thêm một cái bếp lớn bên ngoài nhà bếp chứ bếp nhỏ của chúng ta không đủ chỗ làm thức ăn cho nhiều người như thế!” Lý thị bắt Đào Tam gia kể tên những người trong thôn sẽ tới hỗ trợ.

Đào Tam gia kiên nhẫn liệt kê một loạt sau đó hai người lại tính toán một phen, xác nhận không còn sót cái gì mới yên lòng.

Sáng sớm ngày 16 tháng giêng Lý thị và con dâu dậy từ canh năm vào bếp nấu hai nồi cháo to.

Trong lồng hấp là màn thầu, Trương thị thì làm mấy món ăn kèm với cơm.

Một bữa cơm sáng này không có thịt nhưng màn thầu phải đủ cho người tới hỗ trợ ăn no.

Người trong thôn lục tục tới, Đào Tam gia cùng con trai vội đón tiếp họ ngồi xuống.

Cái bàn vuông trong nhà đã dọn ra ngoài sân, Tam Bảo và Tứ Bảo giúp đỡ bưng cơm lên còn Nữu Nữu thì có nhiệm vụ trông nom Tiểu Ngọc Nhi và Ngũ Bảo.

Thợ gạch và thợ đá cũng đã tới, vừa vặn đủ 8 người một bàn.

Những người này đều là người quen đi xây nhà nên sau khi cơm nước xong bọn họ lập tức cầm công cụ đi làm việc.

Không lâu sau đã có tiếng thợ đá làm việc ở nền nhà mới vang lên.

Tiếng đục đẽo đặc biệt có tiết tấu, nghe như nhịp điệu, cực kỳ thú vị.

Người trong thôn tới hỗ trợ chủ yếu phụ trách cõng đất đào được tới địa điểm chỉ định.

Bởi vì đều là người cùng thôn nên bọn họ vừa nói chuyện vừa làm việc, trong lúc ấy cũng không hề buồn tẻ.

Tam Bảo và Tứ Bảo phụ trách bưng trà rót nước, ngoài ra còn làm trợ thủ cho đám thợ thủ công như đi lấy công cụ, lấy sọt, cái hốt rác hay đồ linh tinh.

Người nhiều nên đồ ăn cũng phải nhiều, trong bếp Lý thị trưởng quản.

Bà cầm muôi lớn xào đậu que với thị khô, cho gia vị rồi thêm nước vào hầm.

Chờ đậu que mềm ra bà lại thêm ít bì lợn và tiết lợn làm ra một chậu đồ ăn thật lớn.

Tiếp theo bà làm mấy món rau và thức ăn chay là xong cơm trưa.

Trên bàn trong viện lúc này đã đặt ba chậu đựng đậu que hầm thịt, trong đó thịt khô rất nhiều.

Người ngồi ăn đều vui vẻ, ngoài ra Đào Tam gia còn chuẩn bị rượu cao lương.

Ai thích thì uống mấy chén, người nào không uống được thì nhấp môi, mọi người đều có chừng mực, không thể uống say chậm trễ việc!

Qua năm ngày rốt cuộc cũng xây xong nền, từng cục đá ngăn nắp chỉnh tề dựng lên theo thiết kế cả khu nhà.

Khe hở giữa các cục đá cũng kín kẽ đủ để chứng minh tài năng của đám thợ đá.

Sau khi xây xong nhóm thợ gạch bắt đầu xây từng tầng gạch xanh lên, dây được căng ra dọc tường để đảm bảo gạch xây thẳng hàng không cong vẹo.

Lý thị cười tủm tỉm tuần tra một vòng mới trở lại nhà bếp cập nhật tiến độ cho con dâu.

Lưu thị và Trương thị vừa xắt rau vừa nghe bà nói chuyện.

Lý thị nói: “Mấy ngày nay thức ăn ngon, trên bàn đều là thịt nên đám thợ cực kỳ vừa lòng, làm việc cũng nhanh.

Ta mới nhìn thì thấy đã xây tới tường gạch rồi.”

Lưu thị cười nói: “Trong nhà có sẵn thịt khô, cách mấy ngày Đại Bảo và Nhị Bảo lại nhờ người mang chút thịt tươi về nên đồ ăn nhà chúng ta đúng là phong phú.

Nhóm sư phụ ăn ngon lại ăn no nên làm việc mới nhanh như vậy.”

Lý thị thần bí nói: “Các con đừng coi thường đám thợ thủ công này, bọn họ đều có môn đạo đó!”

Lưu thị dừng động tác xắt rau và hỏi: “Nghe nói Tổ sư gia của thợ thủ công gọi là Lỗ Ban đúng không?”

Lý thị gật đầu nói: “Lỗ Ban này chính là thần tiên, thợ thủ công trong thiên hạ đều là đệ tử của ông ấy! Đám đồ tử đồ tôn của ông ấy truyền qua nhiều đời mới ra nhiều người giỏi tay nghề như thế!” Nói xong Lý thị uống mấy ngụm nước mới nói tiếp, “Đệ tử của tiên nhân đều có môn đạo, lúc thợ đá làm nền trong miệng sẽ lẩm bẩm lầm bầm chú ngữ.

Đó là để trấn trạch, chỉ có nền vững thì gia trạch mới an bình!”

“Thật sao? Nương, sao con chưa từng nghe nói tới nhỉ!” Trương thị cũng hứng thú thò qua nói.

Lưu thị gật đầu: “Con có nghe nói, có nhà kia đắc tội thợ đá nên bị bọn họ niệm chú khiến cả nhà không an ổn, cần phải tìm cao nhân đạo hạnh cao thâm mới giải trừ được!”

Lý thị gật đầu tán đồng với Lưu thị và nói tiếp: “Thợ mộc cũng lợi hại, những người ấy cũng hiểu chút ít môn đạo! Đám thợ thủ công này hàng năm ở bên ngoài làm việc, đi qua nhiều núi non, cũng phải đi đêm nhiều.

Mà hoang sơn dã lĩnh thì thiếu gì ma nhưng bọn họ vẫn không sợ vì bọn họ cũng mang theo sát khí trên người giống như đồ tể mổ heo khiến đám quỷ quái kia không dám tới gần!”

Trương thị cả kinh nói: “Nương, ngài nói nghe sợ quá, lông tơ cả người con dựng hết lên rồi.

Hơn nữa ngài nói thợ mộc cũng niệm chú ư? Tần thợ mộc tới cưa gỗ cho nhà ta năm trước thoạt nhìn không giống thế, trông ông ấy có vẻ trung thực.”

“Đó là chưa tới lúc, chờ nhà xây xong lại dựng xà nhà thì con sẽ thấy hắn niệm chú, cái đó cũng là trừ tà trấn trạch.” Lý thị đáp.

Trương thị nói: “Qua mấy ngày nữa Tần thợ mộc sẽ lại tới làm công, lúc ấy con sẽ phải để ý xem ông ấy có niệm chú thật không!”

Lý thị trừng mắt nhìn Trương thị một cái: “Con ở hậu viện nấu cơm cho tốt đi, chạy lung tung ra chỗ toàn nam nhân kia để làm gì?”

Trương thị cười hì hì: “Nương, con có ý gì đâu, con chỉ tò mò thôi.

Vậy con đợi tới ngày dựng xà nhà lại xem, đến lúc ấy người trong thôn đều tới nhặt hỉ bánh, con sẽ cố ý nhìn xem miệng thợ mộc có lẩm bẩm không!”

Lý thị mắng: “Xem miệng có động hay không thì được tích sự gì, ai biết người ta có mặc niệm trong lòng hay không!”

“Đến lúc đó nhìn xem sẽ biết.” Trương thị nói.

Vài ngày sau Tần thợ mộc mang theo Tiểu Hổ tới nhà họ.

Lúc này nhà mới xây được một nửa, Tần thợ mộc đo đạc vị trí làm cửa sổ sau đó cùng Tiểu Hổ bận việc.

Chờ đến khi cửa sổ lắp xong thì cũng tới lúc dựng xà nhà.

Đám nhỏ cả thôn đều tụ hội ở nhà chính chờ người dựng xà vứt hỉ bánh để còn nhặt.

Lý thị bưng một rổ bánh hỉ đã làm xong ra, trên đó đều có hoa văn vui vẻ.

Bà giao cho Đào Tam gia sau đó mang theo con dâu đi tới bên ngoài chính phòng xem náo nhiệt.

Nóc nhà đã có mấy cây đòn, chỉ còn lại xà nhà chính là chưa kéo lên.

Tần thợ mộc cùng mấy thợ thủ công hợp lực nâng xà nhà buộc dải lụa hồng lên sau đó lầm bầm vài câu rồi mới đón lấy rổ bánh từ tay Đào Tam gia và vứt cho thôn dân bên dưới.

Tiểu Hổ đang đứng cùng Tam Bảo và Tứ Bảo xem náo nhiệt đột nhiên nhìn thấy chị em Nha Nha mà lần trước hắn đã gặp.

Cái mặt hắn thực không biết cố gắng, lập tức lại đỏ lên.

Vừa vặn đúng lúc Đản Đản cũng thấy hắn và chỉ chỉ bên này sau đó nói mấy câu với Nha Nha rồi chạy qua.

Tiểu Hổ đỏ mặt nhưng người ngoài vẫn không nhận ra thế nên hắn vẫn cùng Đản Đản chào hỏi.

Đản Đản cũng vẫn nhớ rõ Tiểu Hổ nên nhiệt tình gọi Tiểu Hổ ca, lại một hai phải lôi kéo hắn đi đoạt bánh hỉ, Tam Bảo và Tứ Bảo chạy theo phía sau miệng kêu quang quác.

Bánh hỉ là loại bánh tròn nhỏ, khi ném xuống thì rơi như mưa làm mọi người nháo nhào tranh nhau nhặt.

Bánh lăn trên đất bị trẻ con nhặt, đứa nào nhặt được sẽ đắc ý khoe khoang với đồng bọn.

Người lớn túm được bánh sẽ cười tủm tỉm đưa cho con nhà mình, nói chung là không khí cực kỳ náo nhiệt!

Lý thị nhìn quang cảnh này thì vui không khép miệng được.

Tục ngữ nói ‘sơn triều thủy triều không bằng nhân triều’, ý là nhân khí cực kỳ quan trọng.

Càng nhiều người tới nhà ngươi chứng tỏ nhà này phong thủy tốt, ngày tháng sau này sẽ càng tốt hơn.

Gác xong xà nhà thì nhà mới coi như đã xong, kế tiếp là lợp ngói.

Việc này chỉ tốn hai ngày đã hoàn thành toàn bộ khu nhà.

Đào Tam gia thanh toán tiền công còn Lý thị thì chuẩn bị một bữa cơm phong phú chiêu đãi thợ gạch và thợ đá rồi mới tiễn bọn họ đi.

Tần thợ mộc vẫn còn việc nên cùng Tiểu Hổ ở lại thêm mấy ngày.

Những ngày này Tiểu Hổ thường thất thần nên bị cha hắn mắng rất nhiều lần.

Tam Bảo và Tứ Bảo cũng phát hiện Tiểu Hổ không bình thường, mỗi khi nghe thấy Tần thợ mộc quát lớn là bọn họ sẽ không hẹn mà cùng nhìn về phía Tiểu Hổ.

Tên kia sẽ ngượng ngùng cười cười sau đó cúi đầu làm việc..