Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 143: Xe ngựa



Ba đứa cháu dâu đã cưới về nên người làm việc cũng nhiều hơn.

Lý thị lúc này bắt đầu phân tổ chia nhau làm việc rồi đổi ca.

Lưu thị và hai cô con dâu là một tổ, Trương thị và vợ Nhị Bảo cộng thêm Nữu Nữu là một tổ, còn bà chính là người đứng giữa chỉ huy và trù tính, ngày ngày loanh quanh ở bếp.

Nhưng đó là bề ngoài thôi còn thực tế bà là chủ lực.

Với con dâu thì bà đã hiểu tính, mẹ con làm việc chung cũng đã ăn ý nên bà không cần nhọc lòng nhưng cháu dâu mới tới lại khác.

Tuy bọn họ đều nhanh nhẹn giỏi giang nhưng ở trong hoàn cảnh mới cũng khó tránh có chỗ không thỏa đáng và cần giúp đỡ.

Khi ấy Lý thị sẽ tiến lên hỗ trợ, vừa làm mẫu vừa giảng giải cho cháu dâu.

Phan thị và tiểu Lý thị là cư dân trấn trên nhưng vẫn thường xuyên làm việc nhà.

Chẳng qua nhà mẹ đẻ các nàng ít người, hiện tại gả tới nhà chồng phải làm cơm cho gia đình lớn nên các nàng chưa nắm chắc lượng.

Ân thị thì kém hơn hai cô chị dâu nhiều.

Trước 10 tuổi gia cảnh nhà nàng giàu có, trong nhà người hầu kẻ hạ không thiếu vì thế nàng chỉ biết thêu hoa.

Sáu năm sau đi theo anh trai khắp nơi nàng cũng luôn được chăm sóc tỉ mỉ.

Sau khi gả tới Đào gia nàng không thể không học cách làm việc nhà.

May mà Lý thị và Lưu thị không ngại cái này, ngược lại rất nhẫn nại dạy mà bản thân nàng cũng học rất nghiêm túc.

Mỗi năm Vương Thuận sẽ đi quanh các thôn vào tháng chạp để thu heo.

Hôm Đào Tam gia tổ chức hôn lễ cho ba đứa cháu trai hắn cũng mang theo vợ con tới ăn cơm sau đó lại về luôn.

Đào Tam gia nhờ hắn làm cho một cái xe gỗ thế là hắn hớn hở đồng ý.

Chưa tới mấy ngày hắn đang mang tới, còn đệ nghị Đào Tam gia mua chút vải dầu cây trẩu để quấn quanh xe một vòng.

Đào Tam gia vui vẻ bảo Tam Bảo mang ngựa tới buộc vào xe rồi đi vòng quanh nhà một vòng.

Xe này khác xe chở heo của Vương Thuận, đây là để người ngồi, dù thùng xe không lớn nhưng cũng đủ 2 người ngồi, thêm 2 người ngồi chỗ đánh xe nữa.

Lúc này Đào Tam gia vung tay lên quyết định sẽ đánh xe lên trấn trên mua hàng tết, kẻ làm xa phu là Tam Bảo lập tức kích động vung roi ngồi ở vị trí của mình.

Tứ Bảo cười nói: “Ông nội đúng là điển hình của có mới nới cũ, có xe ngựa là quên con lừa!”

Đào Tam gia tức thổi râu mắng: “Một đám tụi bây dám trêu chọc ông cơ đấy!”

Tam Bảo vung roi tanh tách và hét: “Đi!”

Đào Tam gia thấy thế thì vội la lên: “Ấy! Ấy! Chờ đã, chờ đã!”

Tam Bảo lôi kéo dây cương thế là cái xe ngựa mới đi được hai bước đã dừng lại, “Ông nội, sao thế?”

Đào Tam gia nói: “Chờ ta đi hỏi xem có ai muốn đi trấn trên không thì chúng ta cho đi nhờ, dù sao cũng còn hai chỗ trống.”

Tam Bảo cười nói: “Ông an tâm ngồi đi, không phải còn có thằng nhóc Tứ Bảo cường tráng này ư? Để hắn chạy vòng quanh thét vài tiếng là được!”

Đào Tam gia gật đầu nói với Tứ Bảo: “Còn không mau đi!”

Tứ Bảo cường tráng còn đang mải bận lườm Tam Bảo nhưng nghe thế thì vẫn phải chạy ra ngoài.

Hắn tới thẳng nhà Đào Ngũ gia gọi người.

Một lát sau hắn đã chạy về, cũng chẳng thấy hắn thở hổn hển mà chỉ nói: “Ngũ gia gia và Trường Phương thúc sẽ tới, bọn họ đang thu xếp rồi.”

Đào Tam gia lại vung tay lên với xa phu: “Sao còn phải để bọn họ sang đây? Tam Bảo, tới bên ngoài nhà Ngũ gia của con chờ đi!”

Tam Bảo thét to một tiếng: “Đã biết!” và vội vàng cho con ngựa xuất phát.

Tứ Bảo lẩm bẩm: “Aizzz! Ông nội có xe ngựa là quên con lừa, Tam Bảo có vợ là quên anh em!”

Có xe ngựa thế là trong chiều hôm ấy Đào Tam gia và Tam Bảo lập tức trở về.

Hàng tết năm nay đặc biệt đầy đủ, còn có một cây vải dầu câu trẩu.

Đào Tam gia oán giận: “Về sau ta không bao giờ ngồi xe ngựa nữa, xóc tới độ ta long thành từng mảnh, lại còn lạnh run cả người.

Thật là khổ thân ta, còn không tự tại bằng cưỡi con lừa!”

Tam Bảo cũng lạnh cứng mặt, má hắn như hai quả hồng.

Hắn hít hít mũi nói: “Ông nội, cháu và Trường Phương thúc ở đằng trước che chắn cho hai người rồi cơ mà.

Ông xem cháu lạnh tới độ nước mũi chảy mãi không ngừng đây này!”

Lý thị bưng nước đường gừng tới nghe thấy thế thì cười nói: “Trên đời làm gì có chuyện gì dễ dàng đâu, vừa muốn nhanh vừa muốn ấm thì lấy đâu ra!”

Tam Bảo bưng bát đưa cho Đào Tam gia trước: “Ông nội uống trước đi!”

Lý thị nói: “Con uống trước đi, của ông nội con tới ngay đây!” Đang nói thì bà thấy Lưu thị cũng bưng một chén nước gừng đường đỏ tới.

Tam Bảo đón lấy cái bát trong trong tay Lưu thị và cười nói: “Nương, ngài xem lỗ mũi con đỏ lòm nè!”

Lưu thị nói: “Để ta đi hỏi Nhị Bảo xem có cao trị nứt da không thì con bôi lên cho đỡ!”

Tam Bảo uống nước đường sau đó reo lên với mẹ: “Nương, ngài đừng nói với nhị ca là để cho con dùng nhé!”

Lưu thị oán giận: “Thằng ranh này, sao lại lắm chuyện thế!”

Rất nhanh Nhị Bảo đã tự mình mang thuốc tới sau đó cười tủm tỉm ném cho Tam Bảo và nói: “Mau bôi đi!”

“Nhị ca, huynh không thêm ớt bột chứ?!” Tam Bảo đón lấy lọ thuốc và cười hỏi.

“Có bỏ, đệ đừng bôi!” Nhị Bảo nói mát.

Đại Bảo cũng đi tới, trong tay là dụng cụ.

Hắn và Nhị Bảo cùng nhau cầm vải dầu cây trẩu bao lại bốn phía xe ngựa.

Đại Bảo nói: “Ông nội, cái này được đó, có vải bọc rồi sẽ không lạnh nữa!”

Lý thị cười nói: “Trong nhà còn ít chăn cũ ta cũng mang tới lót bên trong, ngồi lên sẽ không bị đau mông!”

Cái xe ngựa giản dị của nhà Đào Tam gia cứ thế được hoàn thành, trong tháng chạp còn có thôn dân tới mượn dùng thế là Đào Tam gia vui tươi hớn hở đồng ý, còn để Tam Bảo giúp đánh xe.

Tam Bảo bị đông lạnh đến độ mặt đỏ bừng, lúc về hắn lẩm bẩm: “Ông nội, cháu có thể dạy bọn họ đánh xe không? Ông xem, cháu đông lạnh thành thế này ông còn nhẫn tâm để cháu đi ra ngoài sao?”

Đào Tam gia cười nói: “Con tùy tiện dạy người khác đánh xe lỡ trên đường có xảy ra chuyện gì thì sao? Sắp ăn tết rồi, đừng vì việc này mà khiến mọi người đều không thoải mái!”

Lý thị cũng nói: “Chịu chút lạnh thì có gì, người khác mượn xe dùng là nợ chúng ta ân tình, về sau nhà ta có việc bọn họ sẽ tới hỗ trợ!”

Tam Bảo bôi cao trị nứt da đầy mặt khiến mặt hắn bóng loáng sau đó hắn làm mặt quỷ với vợ mình thế là Ân thị cười mắng: “Xấu muốn chết!”

Lý thị cười nói: “Vợ Tam Bảo à, tháng chạp rồi đừng nói chết, không may mắn!”

Ân thị vội che miệng ngượng ngùng nói: “Bà nội, về sau cháu không nói nữa!” Nói xong nàng ấy lại lấy lòng cầm một cái mũ trùm làm gấp cho Tam Bảo đội lên.

Mũ này có thể che khuất cổ và mặt, một khi buộc dây lại là chỉ lộ mắt, mũi và miệng, thoạt nhìn ấm áp hơn nhiều.

Lý thị rất vui, liên tục khen cái mũ tốt, Tam Bảo thì khoe khoang đội cái mũ đi khắp phòng, gặp ai cũng hỏi có tốt không.

Tứ Bảo ném cho hắn ánh mắt khinh bỉ thế là Tam Bảo hò hét: “Đệ ghen tị!”

Ngũ Bảo chỉ nhìn thoáng qua rồi chốt hạ: “Ấu trĩ!”

Tam Bảo tức quá ôm lấy Ngũ Bảo định tính hết thù mới hận cũ nhưng sao Tứ Bảo có thể để chuyện ỷ mạnh hiếp yếu này xảy ra được.

Hắn vội vàng đi lên hỗ trợ, cuối cùng chính nghĩa thắng lợi.

Tam Bảo ăn vài cái cào của Tứ Bảo, đến mũ trùm cũng bị Ngũ Bảo cướp đi vì thế hắn lại một bộ vừa xin khoan dung vừa xin tha thứ mới được nhận lại cái mũ của mình!

Cả nhà Đào Tam gia đang trải qua ngày tháng yên ấm hòa thuận, còn Ân Tu Trúc bên này cũng không nhàn rỗi.

Gần đây hắn vội vàng tới trấn trên xem đồng ruộng, quan nha có tin tức nói có phú hộ ở tây giao của trấn muốn dọn tới Thục Châu ở nên muốn bán ruộng.

Vì ruộng nhiều mà phú hộ kia lại không muốn bán lẻ nên tạm thời vẫn không có người mua.

Ân Tu Trúc lên trấn trên vài lần, sau khi cò kè mặc cả cuối cùng hắn mua hết.

Quan nha thu một khoản thuế lớn thì lập khế ước, hiệu quả làm việc rất cao.

Trước lễ trừ tịch Ân Tu Trúc đã cầm khế đất với dấu đỏ chót trong tay.

Hiện tại hắn cũng coi như tiểu địa chủ danh xứng với thực.

Nhìn đồng ruộng liên tiếp cảm giác thực thỏa mãn, còn chuyện tìm người trồng trọt thì hắn ủy thác hết cho quan nha đi làm.

Hôm nay trừ tịch Lý thị tự mình tới Ân gia mời hắn tới nhà, nói thế nào cũng không chịu để mình hắn ăn tết.

Ân Tu Trúc vốn là người tính tình thoải mái, vì thế hắn đơn giản dọn đồ sắm cho tết tới nhà Đào Tam gia sau đó cùng gia nhập đội ngũ đón tết.

Cơm trưa ngày trừ tịch năm nay do Lưu thị và Trương thị xử lý, mấy cô con dâu trợ thủ.

Nữu Nữu phụ trách chén bát, nước trà và mấy việc lặt vặt, Tiểu Ngọc Nhi thì ngoan ngoãn đi theo phía sau Nữu Nữu để hỗ trợ, quả thực chính là cái đuôi của nàng!

Trong nhà Đào Tam gia chỉ có một bộ cờ tướng, ngày thường con cháu đều cướp chơi.

Lúc đi mua đồ sắm tết Đào Tam gia nổi hứng mua thêm hai bộ nữa.

Từ sáng sớm ngày trừ tịch ông đã vui vẻ bày ba bộ cờ ra ấy thế mà đám con cháu nhóm lại chẳng thèm liếc mắt một cái mà đều qua xem Ân Tu Trúc viết câu đối xuân.

Từ nhỏ Ân Tu Trúc đã thích vẽ vẽ, viết viết, hiện tại có chút thành tựu cũng là vì hắn kiên trì luyện tập.

Hôm nay hắn vui nên lập tức múa bút vẩy mực viết mười mấy câu đối như rồng bay phượng múa.

(Hãy đọc truyện này tại trang Rừng Hổ Phách) Nữu Nữu bưng hồ nhão tới rồi phối hợp với Đại Bảo và Nhị Bảo dán câu đối lên.

Nếu là một người biết hàng thì chắc chắn sẽ tán thưởng hắn, sau đó cất mấy bản vẽ này đi làm của báu nhưng người ở Đào gia thôn hẻo lánh thì làm gì biết cái gì.

Các thôn dân thấy một người biết cầm bút viết thì bất kể tốt xấu thế nào đều dựng ngón cái khen tới tấp.

Một bản vẽ có thể bán được khoản tiền lớn nơi Bắc địa phồn hoa hiện giờ lại được bôi hồ nhão và dán lên tường gạch xanh.

Qua mấy ngày nữa nó sẽ bị mấy đứa nhỏ nghịch ngợm nhà hàng xóm qua chơi dùng ngón tay chọc cái lỗ hoặc xé xuống một góc để chơi.

Ân Tu Trúc thấy những câu đối xuân của mình, lại nghĩ tới cảnh chúng sẽ dãi nắng dầm mưa, dần mất đi màu sắc rồi dần tàn tạ, năm sau sẽ bị câu đối mới phủ lên thì quả thực cảm thấy khác lạ.

Trước kia bản vẽ của hắn bị những kẻ yêu thích sưu tầm, cất kỹ nhưng giờ lại khác.

Bản thân hắn cũng nếm được mùi vị của cái gọi là buông bỏ và siêu thoát..