Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 173: Hôn sự của tứ bảo – Phần 2



Triệu thị bên kia nhanh chóng đưa tin tới nói: Nhà cô nương kia cực kỳ vừa lòng với nhà Đào Tam gia.

Chờ Triệu thị sắp xếp tốt là Lý thị lập tức mang theo Trương thị tới Triệu gia lấy cớ giúp Triệu thị mang đồ nhân tiện tới nhà mẹ đẻ của Triệu thị chơi hai canh giờ.

Đương nhiên trong lúc ấy chị dâu của Triệu thị sẽ mượn cớ mời Tịch Mai và mẹ nàng tới chơi.

Hai nhà đều hiểu rõ mà không nói, ngoài miệng cũng không nói tới chuyện kết thân mà chỉ tán gẫu việc nhà.

Lý thị cẩn thận quan sát, không những phải kiểm chứng xem Tịch Mai và mẹ nàng có thành thật như lời Triệu thị nói hay không mà còn phải để ý tới mỗi lời ăn tiếng nói của Tịch Mai.

Đương nhiên vòng eo của Tịch Mai có phải thuộc diện dễ sinh nở hay không mới là điều Lý thị để ý nhất.

Cuối cùng Lý thị kết luận: Chính là cô nương này! Sau đó mới là vấn đề sính lễ.

Triệu thị đã kể qua về hoàn cảnh của nhà Đào Tam gia cho Tịch Mai.

Một gia đình trong sạch như thế khó mà tìm được, cũng không nên vì chút sính lễ mà bỏ qua, vẫn nên dựa theo quy củ là chín lượng chín thì tốt hơn!

Lý thị bên này vừa lòng nhưng người nhà họ Triệu lại muốn nhìn Tứ Bảo một chút.

Lý thị cũng không có ý kiến còn khi nào nhà họ muốn tới xem Tứ Bảo và muốn tìm hiểu cái gì thì bà cũng chẳng hỏi.

Cứ thế qua 10 ngày Triệu gia trả lời nói là cực vừa lòng với Tứ Bảo.

Triệu gia đã lên tiếng thì Lý thị cũng cười tủm tỉm đi tìm bà mối tới nhà họ cầu hôn, hai bên lại trao đổi thiếp canh và Đào Tam gia lại vui rạo rực cưỡi lừa đi tìm Trương tiên nhân!

Trương tiên nhân vừa thấy người quen thì vội vàng kéo Đào Tam gia ngồi xuống sau đó cười nói: “Nhìn ông thế này chắc là tới hỏi việc vui hả!”

Đào Tam gia nói đương nhiên: “Không hỏi việc vui thì ta tìm ông làm gì? Ông nói chuyện đúng là khôi hài!”

Trương tiên nhân sờ sờ râu rồi nhìn Đào Tam gia với ánh mắt như nhìn Thần Tài.

Ông ấy nhớ rõ người này, lúc trước ông kiếm được 10 lượng từ Phan chưởng quầy, lại thêm tiền hợp bát tự cho mấy đứa cháu nhà Đào Tam gia nữa nên mấy năm qua tổng cộng ông thu được mười mấy lượng từ nhà họ.

Hôm nay vừa thấy khách quen thì một lượng bạc nữa hẳn sắp vào túi! Đây đúng là vị khách ổn định lại có tiềm lực!

Trương tiên nhân vội giục: “Vậy ông mau đưa thiếp canh đây! Bổn tiên nhân đã gấp không chờ nổi rồi!”

Đào Tam gia vui tươi hớn hở lấy từ trong ngực ra hai mảnh thiếp canh nhỏ đưa cho Trương tiên nhân.

Ông ấy bấm ngón tay lầm bầm nửa ngày mới cười nói với Đào Tam gia: “Lão nhân gia, nếu ta không nhầm thì đây là lần thứ tư ông tới tìm ta hợp bát tự, lần đầu tiên ông tới xem cho cháu đích tôn nhà mình nhưng không hợp, ta nói hắn phải qua 20 mới có thể đính thân.

Ba năm sau nhà ông tam hỉ lâm môn.

Chưa tới một năm sau cháu gái ông lại thành thân, vậy lần này chính là lần thứ tư ông tới hợp bát tự đúng không?”

Đào Tam gia gật đầu nói: “Không hổ là Trương tiên nhân, ông nhớ chuẩn như in!”

Trương tiên nhân thầm nghĩ: Không phải ta nhớ tốt mà là ta kiếm được nhiều bạc từ nhà ông.

Đào Tam gia chỉ chỉ thiếp canh trong tay ông ấy và hỏi: “Vậy bát tự của thằng cháu thứ tư nhà ta và cô nương này có hợp không?”

Trương tiên nhân gật đầu nói: “Đương nhiên, đây chính là duyên trời tác hợp!”

Đào Tam gia cười đến độ nếp nhăn càng thêm rõ.

Ông ấy vội móc một lượng bạc ra nói: “Làm phiền tiên nhân lại hỗ trợ xem một ngày tốt, sang năm là ổn nhất, năm nay có vẻ hơi vội!”

Trương tiên nhân mở lịch và chậm rãi tính sau đó lại nhìn thiếp canh của hai đứa nhỏ và tính toán nửa ngày cuối cùng định ra ngày 28 tháng chạp sang năm! Đào Tam gia vừa lòng đưa bạc qua rồi cảm tạ một phen.

Trương tiên nhân nhận bạc và nói: “Ông đúng là người có phúc, nhìn tướng mạo ông là đã thấy vui rồi! Không biết trong nhà ông còn đứa cháu nào chưa lập gia đình không?”

Đào Tam gia gật đầu nói: “Ta còn một đứa cháu trai và một đứa cháu gái nữa, nhưng tuổi tụi nó còn nhỏ, chắc phải đợi 10 năm nữa.

Nếu lúc ấy ta còn sống thì sẽ lại phiền tiên nhân!”

Trương tiên nhân tính tính và cười nói: “Tốt! Ông phải giữ sức khỏe, mười năm sau lại tới gặp ta!”

Đào Tam gia chắp tay cáo biệt rồi dắt lừa tới Duyệt Lai Phạn Quán.

Phan chưởng quầy nhìn thấy ông ấy từ xa thì vội vàng đi tới đón.

Đại Bảo cũng đuổi theo sau, lại dắt lừa vào chuồng buộc chặt.

Phan chưởng quầy đón Đào Tam gia vào phòng, tiểu nhị vội vàng đi tới châm trà.

Phan chưởng quầy lại dặn tiểu nhị chuẩn bị chút rượu và thức ăn bưng tới.

Đào Tam gia vội từ chối: “Ông thông gia không cần khách sáo thế, ta tới thăm mọi người một chút thôi!”

Phan chưởng quầy cười nói: “Đều là người nhà ông cũng đừng khách sáo làm gì! Thời gian trước ta vẫn bệnh mãi nên chẳng chiêu đãi đón tiếp ông được tử tế.

Nhân lần này ông tới chúng ta phải uống một trận thoải mái mới được!”

Đại Bảo khuyên: “Cha vừa mới khỏe lại, vẫn nên lấy trà thay rượu đi! Ông nội cũng lớn tuổi rồi, còn phải cưỡi lừa về nữa, nếu uống nhiều quá con cũng không yên tâm!”

Phan chưởng quầy nói với Đào Tam gia: “Ông xem đi, Vĩnh Kỳ đúng là đứa nhỏ thành thực, ở trước mặt cha vợ và ông nội mà nó cần nói gì vẫn cứ nói hết, không thiếu câu nào!”

Đào Tam gia tiếp lời: “Nó cũng hiếu thảo và muốn tốt cho chúng ta thôi.

Chúng ta là trưởng bối cũng nên nhận lấy tấm lòng này!” Nói xong ông cầm lấy chén trà rồi đẩy về phía Phan chưởng quầy ra hiệu một chút.

Phan chưởng quầy cười cười rồi cũng bưng chén trà lên và nói với Đại Bảo: “Vĩnh Kỳ, gọi Phượng Vân tới đây đi! Ông nội tới, nàng làm cháu dâu cũng nên tới gặp mặt chào hỏi mới phải!”

Đại Bảo đáp vâng rồi đi tới sân sau.

Qua một lát Phan thị theo chồng tới.

Nàng ta khom người hành lễ còn Đào Tam gia thì vội giơ tay nói: “Ngồi đi, cháu đến trấn trên hơn một tháng mà bà nội và mẹ chồng cháu nhớ mãi, nếu có thời gian thì cùng Đại Bảo về nhà thăm mọi người!”

Phan thị gật đầu còn Đại Bảo thì nói: “Ông nội, cháu và Phượng Vân đang định mấy ngày này sẽ về một chuyến.

Hay ông ở lại đây vài ngày rồi cùng về với bọn cháu luôn!”

Đào Tam gia lắc đầu nói: “Trong nhà không có ta không được.

Ta là người của Đào gia thôn, vẫn nên về đó ở mới quen được!”

Tâm tình Đại Bảo hơi trầm xuống, vừa hay lúc này tiểu nhị bưng chút rượu và thức ăn tiến vào thế là Đại Bảo vội vàng giúp bày lên bàn.

Phan thị thì bưng bầu rượu muốn rót nhưng Phan chưởng quầy đã duỗi tay ngăn cản và nói: “Không uống!”

Phan thị ngẩng đầu nhìn nhìn Phan chưởng quầy sau đó cũng buông bầu rượu và thuận tay gắp đồ ăn cho Đào Tam gia sau đó gắp cho cha mình, cuối cùng là Đại Bảo.

Đại Bảo ngồi xuống bên cạnh ông nội, lại chọn ít đồ ăn mềm gắp cho ông và nói: “Ông nội, ăn cái này mềm, vào miệng là tan! Còn cái này nữa, dễ nhai lắm!”

Đào Tam gia nói: “Đừng chỉ lo gắp đồ cho ông, con cũng gắp cho cha vợ con đi.”

Đại Bảo gật đầu và gắp đồ cho Phan chưởng quầy.

Một bàn đồ ăn nhưng Đào Tam gia ăn rất ít, ngoài những món Đại Bảo gắp cho thì căn bản ông không động đũa tới những thứ còn lại.

Không khí cũng không phải quá nhẹ nhàng, thường là Phan chưởng quầy nhắc tới cái gì đó và Đào Tam gia đối đáp vài câu rồi cứ thế qua, quả thực tẻ ngắt.

Đại Bảo thì vừa gắp đồ ăn vừa tiếp chuyện, Phan thị ngồi một bên lại không dám nói gì.

Một bữa cơm này ăn xong mà rượu và đồ ăn vẫn thừa không ít.

Đào Tam gia nói sắc trời không còn sớm nên cáo biệt Phan chưởng quầy để ra về.

Phan chưởng quầy tiễn ông tới ngoài cửa, Đại Bảo thì dắt con lừa tới, lại đỡ ông nội lên nhưng không đưa dây thừng cho ông mà nói một lời với cha vợ sau đó dắt con lừa tới ngoài trấn.

Tâm tình của Đại Bảo vẫn không tốt.

Lúc trước làm công ở Duyệt Lai Phạn Quán tuy một tháng mới về nhà có 1-2 ngày nhưng hắn cảm giác mình vẫn thuộc về Đào gia thôn.

Còn hôm nay cưới Phan Phượng Vân rồi hắn lại cảm thấy mình như bị chia làm hai nửa, hai bên đều không yên tâm.

Ở trên trấn thì hắn sẽ nhớ người nhà và thương tâm, giống như hắn thật sự ở rể Phan gia.

Nhưng một khi trở về Đào gia hắn lại cảm thấy không thể vứt bỏ ân tình nhiều năm của Phan chưởng quầy.

Cảm giác không thể trọn vẹn cả hai bên này vẫn luôn tra tấn hắn.

Đặc biệt là trên bàn cơm vừa rồi, hắn cảm nhận rõ ràng mọi người đều không vui.

Kẻ làm con làm cháu như hắn bị kẹp ở giữa quả thực khó chịu.

Đại Bảo dắt con lừa đi về phía trước.

Con lừa vừa đi vừa hất đuôi, mãi mới tới cửa trấn Đào Tam gia mới nói: “Được rồi, con về đi! Trong tiệm nhiều việc, không có con là không được!”

Mắt Đại Bảo đỏ lên khi hắn nói với ông: “Ông nội, qua hai ngày nữa cháu sẽ về thăm ông!”

Đào Tam gia thấy hắn đỏ mắt thì cũng đau lòng duỗi tay lấy dây thừng buộc con lừa và thở dài: “Ta cũng không biết mình làm sao! Lúc ở nhà ta vẫn ổn nhưng vừa tới Duyệt Lai Phạn Quán là ta lại khó chịu.

Hôm nay là ông nội không đúng, làm con khó xử!”

Đại Bảo cúi đầu chớp mắt ngăn nước mắt lại sau đó mới ngẩng đầu cười nói: “Ông nội, cháu không khó xử đâu!”

Đào Tam gia vẫy vẫy tay nói: “Về đi, ông cũng về Đào gia thôn đây.

Chuyện của Tứ Bảo đã định ra rồi, sau này ta còn phải nhọc lòng cho Ngũ Bảo nữa!”

Đại Bảo cười nói: “Ngũ Bảo còn nhỏ mà!”

Đào Tam gia lại không cho là đúng: “Con không hiểu, con người ta không lo lắng là không được! Chỉ có lo lắng nhiều thì sống mới lâu! Được rồi, ông đi đây, con cũng mau về đi!” Nói xong Đào Tam gia nhẹ hất cái dây thừng thế là con lừa bắt đầu tung ta tung tăng đi.

Đại Bảo đứng ở cửa trấn nhìn tới khi bóng ông nội đi khuất mới chậm rãi quay về tiệm cơm.

Phan chưởng quầy cũng hiểu là Đào Tam gia không vui nhưng ông ấy cũng là người làm cha mẹ, cũng muốn con gái ở bên cạnh mình, hơn nữa ông ấy cũng chỉ có một đứa con này.

Người làm cha mẹ trên đời đều có lòng riêng, dù Phan chưởng quầy hiểu Đào Tam gia nhưng cũng không nhượng bộ.

Ông ấy nghĩ nhà họ Đào nhiều cháu, khi về nhà Đào Tam gia bị đứa cháu khác phân tâm sẽ không quá đặt nặng lo lắng lên Đại Bảo nữa.

Đương nhiên Đào Tam gia có phải người như thế hay không chỉ có người nhà họ Đào là biết..