Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 190: Lũ lụt – Phần 1



Liên tục hai năm đều đại hạn và không có thu hoạch.

Lúc này giữ được mệnh đã là tốt.

Những sinh mệnh nhỏ sinh ra trong năm hạn này dù có sống được cũng như củ cải còi cọc khiến người ta nhìn mà chua xót.

Đào gia thôn ít người, ở trong khe núi cách biệt, hai đầu đều là đường sông, đường ra thôn được lát gạch dọc theo con sông.

Vì bốn phía có núi cao nên có không ít nước ngầm tích lại, cái này giúp hai cái giếng của thôn vẫn còn nước.

Bọn họ lại bảo vệ thích đáng nên giếng không bị khô cạn, từ đó cứu mạng cả thôn.

Ân gia cũng vẫn dựa vào suối nguồn, nơi đó vẫn luôn có nước tí tách chảy chứ không hề khô cạn.

Ngày đêm hứng cũng được một thùng gỗ cho người một nhà miễn cưỡng duy trì.

(Hãy đọc truyện này tại trang Rừng Hổ Phách) Trong lúc ấy Ân Tu Trúc mang theo Bánh Trôi đi tìm nguồn nước ở hai ngọn núi đông và tây.

Cuối cùng hắn tìm được một chỗ suối nguồn còn không bị khô cạn và cố ý báo cho tộc trưởng.

Có nguồn nước mới nên thôn dân đương nhiên là vui mừng, cõng theo thùng nước vào núi lấy nước về.

Lúc đầu không ai để ý nhưng qua thời gian bọn họ phát hiện nước ở cái giếng dưới chân núi phía đông cạn đi rất nhanh.

Người già kinh nghiệm nhiều vừa nhìn đã hiểu hóa ra suối nguồn kia nối với cái giếng dưới chân núi, nếu suối nguồn không còn thì giếng bên dưới cũng cạn.

Vì thế các thôn dân vội dừng lại, qua một thời gian mực nước ở giếng cũng trở lại như thường.

Ân Tu Trúc vì việc này mà rất ngượng ngùng nhưng người trong thôn vẫn cảm kích hắn đã nghĩ cho cả thôn.

Phan gia ở cửa thôn cũng may mắn mình đã mua đất xây nhà ở đây.

Nếu còn ở trấn trên mà gặp năm thiên tai thế này thì bọn họ hẳn chẳng sống nổi, chắc cũng phải chạy tới nơi khác.

Còn đi huyện thành hay tới Thục Châu thì cũng chẳng biết được, rồi vận mệnh sau đó ra sao cũng chẳng ai đoán ra.

Phan chưởng quầy cảm thấy cực kỳ may mắn vì năm ấy đã đưa ra quyết định này.

Ở Đào gia thôn có con rể và người nhà chăm sóc, mỗi ngày đều có nước uống.

Lương thực thì ông ấy đã sớm chuẩn bị, kho lúa đầy ắp từ lâu.

Chỉ có ông ấy và vợ ăn thì căn bản chẳng hết bao nhiêu, lại trộm làm chút cơm trẻ hoặc mỳ cũng được.

Thường ông sẽ gọi ba đứa cháu ngoại tới ăn.

Ba đứa nhỏ cũng không ăn mảnh, luôn mang ít màn thầu, bánh bột ngô về cho anh chị em trong nhà ăn cùng! Sau đó mỗi lần Phan chưởng quầy gọi là Bân Bân biết ông có đồ ăn ngon thế là hắn sẽ kéo một đám anh chị em tới ăn cùng.

Tuy Phan chưởng quầy có lòng riêng nhưng thấy Bân Bân hiểu chuyện như thế ông cũng vui mừng.

Hai năm qua đại hạn, người của Đào gia thôn luôn hy vọng trời sẽ mưa xuống.

Cuối cùng mưa cũng tới, nhưng hạn lâu sẽ ngập úng, đây là kinh nghiệm xương máu của mọi người qua nhiều đời.

Mưa lúc này vừa mạnh vừa hung hãn, cứ tầm tã rơi suốt.

Đồng ruộng vết thương chồng chất bị nước mưa cọ rửa, mùi bùn đất tanh nồng tràn ngập khắp nơi.

Nước sông đục ngầu dồn lại chảy tràn qua ruộng nương.

Sân nhỏ với nhà tranh tường đất bị mưa to vùi dập, sân trước tích nước không kịp chảy nên nước đã tới qua mắt cá chân.

Đào Tam gia đội nón mặc áo tơi đi tới thôn đông gặp Đào Trường Diệu.

Trường Phú không yên tâm thế là cũng vội đi theo.

Lúc trở về Đào Tam gia nhanh chóng quyết định để Lý thị thu dọn đồ ăn vào lu sành rồi để con cháu hợp lực vác lên Ân gia.

Mưa to thế này ắt sẽ có lũ lụt.

Ân Tu Trúc cũng chưa từng thấy mưa to như thế này, hắn đứng ở sườn núi phóng mắt nhìn ra xa chỉ thấy mưa dày đặc, tầm nhìn cực ngắn.

Mùi bùn đất tanh đến gay mũi, mương nước quanh sân đã thành dòng suối nhỏ không ngừng chảy xuống chân núi.

Đột nhiên hắn thấy vài bóng người xuất hiện trong màn mưa, nhìn kỹ mới nhận ra người nhà họ Đào.

Ân Tu Trúc lập tức đội nón khoác áo tơi đi xuống đón, Bánh Trôi cũng muốn đi theo nhưng hắn không cho.

Bánh Trôi không biết vì sao cha lại nhảy vào màn mưa đi xuống núi thế là vội gọi mẹ hắn.

Đào thị đang ở trên nhà gỗ tìm chỗ dột, thấy có mấy chỗ mái ngói bị lỏng nên nước mưa thấm vào nhà.

Nàng đang dùng thùng gỗ hứng nước thì nghe thấy Bánh Trôi gọi thế là vội chạy xuống.

Còn chưa kịp hiểu chuyện gì thì thấy cha, nhị thúc và các ca ca cõng vại sành đi tới.

Ân Tu Trúc chạy quanh giúp đỡ mọi người đặt đồ dưới mái hiên.

Trên vại sành đậy áo tơi, nước mưa theo đó chảy xuống thấm ướt mái hiên nhà hắn.

Trường Phú nói: “Xem thời tiết này chắc sắp có lũ rồi, nhà hai đứa địa thế cao nên chúng ta dời lương thực tới đây ngừa trường hợp xấu nhất.”

Đào thị vừa nghe nói thế thì mặt trắng bệch, cả người run lên.

Lũ lụt ư, quá đáng sợ, nháy mắt là sẽ mất mạng ngay.

Ân Tu Trúc vội vàng an ủi vợ: “Không sao, nhà chúng ta ở chỗ cao, dù có lũ cũng không việc gì.

Mọi người cứ để lương thực ở đây, cha và mọi người cũng mau về thu dọn đồ rồi tới đây ở với tụi con đi thôi!”

Trường Phú nói: “Trước tiên mang đống lương thực này tới đây đã, trong nhà vẫn còn đồ chưa dọn xong!”

Ân Tu Trúc nhanh chóng mở cửa mấy gian phòng phía tây ra rồi giúp cha vợ cùng anh vợ dọn lương thực vào.

Sau đó Trường Phú và Trường Quý mang theo mấy đứa con trai lại dầm mưa xuống núi.

Cứ thế vài lần mới dọn hết lương thực, đệm chăn và đồ đạc tới sườn núi.

Nhà họ Ân lớn, phòng trống nhiều mà mấy thứ này cũng không chiếm quá nhiều chỗ nên vẫn thoải mái.

Đào thị cũng thu dọn nhà cửa để người nhà mẹ đẻ lên ở chung.

Đào Tam gia thì vẫn muốn chờ thêm, nếu lũ không lớn vậy chẳng cần dọn làm gì.

Nhưng trời không chiều lòng người, mưa này cứ rơi mãi, giống như dồn nước mưa của hai năm vào một trận này.

Nước sông nhanh chóng dâng lên, đục ngầu như thiên quân vạn mã, cực kỳ kiêu ngạo.

Con đường ra khỏi thôn nay đã sớm bị ngập, Đào gia thôn như một con thuyền giữa biển khơi, lúc nào cũng có thể chìm.

Người của Đào gia thôn bị khô hạn tra tấn hai năm nhưng chưa kịp vui mừng vì có mưa thì đã bị lũ lụt dọa cho choáng váng.

Đào Trường Diệu nhanh chóng sắp xếp người di dời lương thực, dù sao các hộ cũng chẳng còn nhiều lương, hai cái ấm sành là đủ đựng toàn bộ.

Kho lúa trong tộc còn hơn một nửa, đây cũng là lương thực cứu mạng nên toàn thôn đều ra sức bỏ hết vào lu sành rồi vác lên núi trốn.

Trên núi đông có hang đá, ngay ở lưng chừng vách đá.

Nơi ấy âm trầm khủng bố, ngày thường chẳng ai dám vào nhưng lúc này lũ lụt tới đít thế nên mọi người buộc phải tự cứu mình.

Đào Trường Diệu mang theo một đám trai tráng cầm đuốc vào động kiểm tra một phen cũng không thấy có chỗ nào khả nghi.

Cái khiến mọi người càng hưng phấn chính là hang đá này rất lớn, lại phân trong ngoài.

Bên trong nhỏ, bên ngoài lớn, vừa lúc có thể giấu lương thực bên trong, còn các thôn dân thì chen chúc ở bên ngoài.

Chẳng qua nơi này vừa dốc lại cao, phải buộc mấy cái thang ở cửa động mới tiện lên xuống.

Có nơi tránh lũ nên mọi người cũng an tâm, vội vàng về nhà thu dọn đồ rồi dùng chăn đệm bao lại khiêng lên núi.

Cả nhà Đào Tam gia may mắn hơn vì không phải ở hang đá, bọn họ chỉ thu dọn đồ chạy lên Ân gia.

Một nhà Đào Ngũ gia cũng được mời đi cùng.

Hai vợ chồng nhà họ Phan cũng đi theo luôn.

Một nhà Đào Ngũ gia không còn bao nhiêu lương thực nên mang lên hết, còn Phan gia nhiều lương nhưng bọn họ cũng phải cố mà dọn lên cho hết.

Đây là lúc đói kém, nếu để nước ngâm là thối ngay.

Đại Bảo và mấy đứa em cùng nhau dọn hết lên Ân gia.

Hiện giờ Ân gia náo nhiệt chưa từng có.

Đám nhỏ không hiểu lũ lụt đáng sợ thế nào mà chỉ cảm thấy được ở chung với nhau quá vui.

Người lớn thì bị nước mưa vây trong nhà, mỗi ngày đều thở dài.

Lý thị và Đại Tần thị lớn tuổi, ngày nào cũng chắp tay khấn cầu Bồ Tát cho mưa tạnh.

Đào thị và mấy cô chị dâu phụ trách thức ăn cho mọi người.

Khi hạn thì thiếu nước, bữa nào cũng phải ăn lương khô uống nước sôi, hiện tại nước ê hề thì bữa nào cũng ăn cháo, chỉ cần no bụng.

Năm thiên tai thì lương thực là quan trọng nhất, dù ngươi có đưa ra vạn lượng hoàng kim thì cũng không bằng lương thực.

Tuy trong phòng gỗ chất đầy lương thực nhưng đó là đồ ăn của bốn nhà, lúc này lũ lụt quét qua, hẳn sẽ còn mang theo ôn dịch và những tai kiếp đáng sợ khác, vì thế cần phải tiết kiệm lương thực.

Mưa rơi 10 ngày rốt cuộc cũng ngừng, mọi người đều hoan hô, cảm thấy lũ không quá lớn, hẳn còn kịp gieo trồng một quý.

Ai ngờ ngày hôm sau mưa lại bắt đầu rơi tí tách không ngừng.

Vui quá hóa buồn, Đào Tam gia trực tiếp ngã bệnh.

Tuổi ông ấy đã lớn, hai năm nay lại lo lắng quá độ, ăn uống kém nên sức khỏe đã không bằng những năm trước.

Lúc này bệnh của ông không hề nhẹ, may có Nhị Bảo tự mình nấu thuốc và chăm sóc mới không nguy hiểm tính mệnh.

Mưa vẫn rơi không ngừng.

Đứng trên sườn núi tây có thể thấy khói bếp tỏa ra từ sườn núi phía đông.

Tam Bảo muốn tới đó xem thế nào nhưng Lý thị ngăn cản lại, bà khóc ròng nói: “Lũ đã tới chân núi rồi, con khỉ nhà con lại không chịu yên là muốn mất mạng à?”

Tam Bảo vội vàng giải thích: “Bà nội, cháu đi đường núi, xuyên qua Tây Sơn là tới Đông Sơn mà.”

Lý thị vẫn không cho, cứ kéo hắn không bỏ, lại còn khóc nói: “Đường núi càng không thể đi, nơi nào cũng có rêu xanh, nếu ngã xuống thì làm sao? Dù sao cũng không cho con ra ngoài.”

Tam Bảo không có cách nào đành phải cười trừ rồi dỗ bà nội nửa ngày bà mới nín khóc.

Có ví dụ của Tam Bảo thế là những người khác định thăm dò tình huống cũng đều phải ngừng ngay.

Đứng ở Ân gia nhìn xuống thôn chỉ thấy nước lũ đục ngầu đã tràn qua nửa Phan gia, thềm đá dưới chân núi đá bị ngập mấy bậc.

Nếu nước còn dâng tiếp thì nhà Đào Tam gia, Đào Ngũ gia sẽ đứng mũi chịu sào.

Đào Ngũ gia mới xây nhà ngói 5 năm trước, mắt thấy lũ quét qua thế là ông đau lòng khóc lóc.

Mọi người lại phải an ủi một phen, nói là giữ được rừng xanh lo gì không có củi đốt.

Chỉ cần nhà không bị cuốn trôi thì đợi nước rút bọn họ dọn dẹp một phen là có thể ở được.

Còn việc nhà có bị cuốn trôi hay không thì chẳng ai biết!