Cố Niên Hoa

Chương 37: Quy như [1]



Thuyền chở lão già và tôi xuất phát sau cùng, khi đoàn người của quan gia và thái tử đã hướng về phía Thăng Long, phó tướng Đỗ Ngạc và Trần Cụ cũng đã dẫn đầu đoàn thuyền đưa Thánh Dực quân về Hồng lộ. Lão già muốn đích thân về phủ an phủ sứ chỉnh đốn quân doanh trước, song nhiều người đã biết việc lão bị thương trong trận chiến nên tất thảy tướng sĩ đồng lòng xin lão sớm về Yên Bang. Tôi cũng mong lão sớm được nghỉ ngơi, bèn về một phe với họ mà nói giúp mấy câu:

- Thuyền có vương gia cần tịnh dưỡng, dù nói gì đi nữa trạo phu cũng không dám chèo nhanh hoặc làm ồn. Xem như người cho phép họ nhanh chóng về đến nhà kịp đón giao thừa vậy!

Quân đội ở Hoàng giang đã có một đêm trừ tịch sớm, nhưng những người lính Thánh Dực theo chân lão đóng ở Cổ Mai thì đã lâu chưa có một hôm thực sự no say, thành thử, cái cớ xoàng xĩnh của tôi bỗng hóa hợp lý vô cùng. Lão thở dài một tiếng, khẽ dặn Đỗ Ngạc:

- Thay ta mang lễ vật đến từng nhà các binh sĩ đã nằm lại chiến trường, sắp xếp chu đáo cho gia đình họ.

- Thưa vâng! – Viên phó tướng cúi đầu.

Trước giờ toàn quân nhổ trại, lão già nhà tôi được lệnh chủ trì lễ tế vong linh tướng sĩ đã hy sinh. Tôi biết trước giờ lão vốn không tình nguyện tham gia các lễ tế của hoàng thất, song đây lại là một việc hoàn toàn khác. Đứng giữa tế đàn, lão dùng giọng nói trầm trầm đầy uy lực tụng liên tiếp mấy hồi chú vãng sinh, cho tất cả những người đã nằm xuống trong trận chiến này không kể địch ta. Những oan hồn được vỗ về, chiến địa mới hôm qua còn nồng tanh mùi máu và nặng nề sát khí đã dần dần trở lại vẻ thanh bình.

Trên tay lão chính là chuỗi hạt của cụ Đảm ngày trước. Tôi đứng cùng các binh sĩ quân Thánh Dực, mắt không rời khỏi bóng lưng người chủ tế. Bên dưới lớp áo choàng ấy, hẳn là vết thương vẫn không ngừng rỉ máu, và vết xước trong lòng lão vẫn âm ỉ nhói đau. Lão từng dạy tôi, chú vãng sinh kỳ thực dùng để an ủi những người còn sống, để họ tin rằng người thân của họ khi thác rồi vẫn được Thần Phật chở che, đưa về chốn niết bàn. Lão đã cho người đốt cháy cây cột từng treo xác cụ Đảm, lấy tro và một ít đất ở nơi đó mang về Dưỡng Chân trang để chúng tôi còn được lo hương khói cho cụ sau này. Tôi biết lão làm như thế chỉ để giúp tôi vơi nỗi ăn năn. Giá như tôi cũng có thể làm được gì đó để lão già của tôi thực sự thanh thản, thực sự yên lòng, thực sự buông bỏ chuyện của người đời trước. Nhưng tôi cũng chỉ là một hậu bối, chuyện xưa chẳng biết được mấy phần...

Khi thuyền rời bến Triều Đông, mặt trời đang khuất dần sau dãy núi. Tôi ngồi ở mũi thuyền, trông mãi về nơi cuối cùng mà tôi nhìn thấy độc túc tráng sĩ, thấy anh Túc, thấy rất nhiều người lính mà tôi chưa kịp biết tên. Chỉ một thời gian ngắn mà những chuyện tôi mắt thấy tai nghe đã nhiều hơn cả đời cộng lại. Giờ khắc toàn quân xuất phát trưa nay hay tận lúc này, mọi người đều rất hồ hởi vì chiến thắng, vì năm mới sắp đến, vì họ biết niềm vui này đắt giá đến mực nào. Thế nên tôi cũng không cho phép mình suy nghĩ nhiều thêm về những chuyện đã không có cách nào cứu vãn. Nhìn trời nước mãi cũng đâm chán, tôi bèn đưa cây sáo ngọc lên môi, thổi một khúc nhạc vui tươi.

Từ bụi cây phía xa, một cánh chim bay vụt lên trời rồi chao liệng trong ánh ráng chiều. Có anh lính buột miệng:

- Cô Nhã Phong cũng có tài thổi sáo điều kiển chim thú giống vương gia ư?

Tôi ngơ ngác chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì mọi người đã xôn xao:

- Tôi nghe mọi người nói đêm ấy thần sầu quỷ khốc mà chưa được chứng kiến. Bác có mặt ở đó không, thế nào?

- Bác mà thấy cảnh ấy còn tưởng vương gia của chúng ta là sứ giả nhà Trời đấy!

Tôi bật cười, hóa ra họ nhắc đến đêm tập kích nọ. Cũng vừa hay, vị sứ giả nhà Trời họ đang ca tụng vừa bước ra chỗ tôi đang đứng, hất hàm cười:

- Năm mới sang rồi, ta cũng nên phổ vài khúc nhạc mới nhỉ?

Nói đoạn, lão ra hiệu cho tôi tiếp tục thổi sáo, còn mình bước ra ngồi ở mũi thuyền, vừa hát vừa vỗ lên mạn thuyền, mắt trìu mến nhìn từng binh sĩ. Trên thuyền có những người trẻ tuổi mới sung quân vì trận chiến này, mấy ngày qua quen đứng từ xa nhìn chủ tướng đĩnh đạc, cao quý, nên giờ họ chỉ biết há hốc mồm vì kinh ngạc. Những binh sĩ khác theo lão già lâu hơn ít nhiều biết tính cách của lão nên có thể bắt nhịp rất nhanh, cười to sảng khoái rồi cũng vỗ tay, gõ nhịp, hòa giọng hát vang. Chẳng mấy chốc, cả khúc sông đã rộn ràng. Hát hết mấy bài, có người lính vì quá vui mà cả gan đề nghị:

- Bẩm, tôi nghe nói vương gia tinh thông kim cổ, không biết người có thể xem giúp tôi một quẻ xem vận mệnh thế nào không ạ?

Bốn bề bỗng im lặng như tờ, có người sợ hãi cúi đầu không dám nhìn lên. Tuy trước giờ thầy Tuệ Trung nổi danh bác ái, từ bi, thường giúp mọi người hiểu thấu lẽ thiệt hơn, nhưng đó là khi ở Dưỡng Chân trang, và người đó là thiền sư Tuệ Trung, không phải Hưng Ninh vương, không phải trong lúc người đang ngồi trên chiến thuyền như lúc này, càng không phải để tiên đoán quá khứ vị lai như anh lính nọ vừa thỉnh cầu. Có người vờ trách anh ta:

- Chúng ta thắng giặc mà vẫn sống sót trở về nghĩa là mạng lớn rồi, bác còn đòi gieo quẻ làm gì!

- Phải, phải đấy, để vương gia nghỉ ngơi chứ!

Anh lính nhận ra mình vừa quá phận, gượng gạo cười định lẩn vào đám đông, nhưng lão đã đưa tay vẫy anh lại gần. Người lính chậm chạp bước lên, lấm lét cúi thấp đầu chờ một lời quở phạt.

Lão già chăm chú nhìn anh lính, khẽ bảo:

- Nam tả, nữ hữu, anh chìa tay trái ta xem.

Bàn tay người lính run run đưa lên trước mặt, lão lại xem xét giây lâu rồi từ tốn nói:

- Số anh chẳng giàu thì nghèo,

Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.

Số anh có mẹ, có cha,

Mẹ anh đàn bà, cha anh đàn ông.

Số anh có vợ có chồng,

Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai. [2]

Đâu đó có tiếng cười khẽ bị nén lại, không khí vẫn rất lạ kỳ. Tôi vờ nghiêm mặt hỏi lão:

- Vương gia phán thế nhỡ đâu anh ấy mãi lo chinh chiến, nhà chưa kịp nuôi lợn thì Tết này lấy đâu ra thịt để treo?

- Ừ nhỉ... - Lão ngập ngừng rồi lại nói liền một mạch. – Về đến Dưỡng Chân trang, em bảo cậu Thân mang hai con lợn béo qua nhà cậu ta ngay, không thể để quẻ bói của ta sai được.

Lúc này mọi người mới vỡ lẽ là vương gia của họ đang đùa, cười rộ cả lên.

- Nhất bác rồi nhé, tôi qua thăm nhà nhớ mang rượu thịt thết đãi đấy!

- Tôi sẽ làm cỗ to. Các bác phải qua cả, không được thiếu một ai nhé! – Người lính vừa được một phen thất kinh giờ lại cười đến chảy cả nước mắt.

Tôi sai người mang ít rượu ra để mọi người uống cho ấm bụng, riêng lão già và tôi cũng lấy trà thay rượu. Mọi người hết cười nói lại hát ca. Sóng vỗ rì rào dưới mạn thuyền, như thể những anh linh đã vì quốc vong thân mà nằm lại dưới lòng sông cũng hòa giọng mừng chiến thắng.

- --

Chúng tôi về đến làng Vạn Niên mà không báo trước, tuy cũng có người biết chuyện len lén ra nhìn, song ai nấy đều đoán tính Hưng Ninh vương ưa yên tĩnh nên không dám ồn ào. Tôi đưa mắt nhìn mấy bóng người nấp sau rào giậu, bỗng nhiên thấy cao hứng, chộp lấy một lá cờ quân Thánh Dực vẫy thật cao, thúc Cụ Nhỏ chạy nhanh về phía trước, miệng không ngừng hô vang:

- Quân ta chiến thắng trở về rồi! Hưng Ninh vương trở về rồi!

Dường như chỉ chờ có thế, người trong làng từ bốn phía ùa ra tiếp đón, reo hò inh ỏi, có người còn mang cả mâm, cả nồi đồng ra gõ điếc cả tai. Bọn trẻ con trong làng nhận ra tôi, bắt tay lên miệng làm loa, thét lớn:

- Chị Nhã Phong đánh giặc về kìa! Oai quá!

Tôi ngoái nhìn lão già, cười tít mắt. Quân kỳ rực rỡ dưới hoàng hôn, hệt như mới hôm nào trong rừng Cổ Mai chúng tôi cùng xuất trận. Lão già của tôi vẫn thong thả cưỡi ngựa đi chầm chậm, không quên mỉm cười đáp lại lời thăm hỏi và chúc tụng của mọi người. Tiếng reo hò dẫn chúng tôi về tận cổng Dưỡng Chân trang:

- Hưng Ninh vương về rồi!

- Tuệ Trung thiền sư về rồi!

Chị tôi đang đứng cạnh anh Thân, bác Dương đã từ Hồng lộ trở về, còn có sư ông Phúc Đường và tất thảy gia nhân đều có mặt, chẳng thiếu một ai. Lão già chậm rãi xuống ngựa, vái chào:

- Sư phụ!

- Sư ông! – Tôi cũng cúi thấp đầu.

Sư ông đến nâng chúng tôi dậy, mỉm cười hiền hậu, khẽ siết tay thay cho muôn vạn lời nói. Lão già nhìn sang chị tôi, chị liền đoan trang hành lễ:

- Mừng vương gia thắng trận trở về!

- Nàng vẫn khỏe chứ. – Lão ân cần hỏi.

- Bẩm, mọi người ở Dưỡng Chân trang vẫn bình an. – Chị đáp.

- Bấy lâu cũng nhờ có nàng, đã vất vả rồi. – Lão mỉm cười.

Đợi phu thê hai người lễ nghĩa đủ đầy, tôi bước đến ôm chặt chị. Từ trước đến giờ tôi và chị không hay gần gũi, song, sau khi chứng chiến từng người từng người một bên cạnh mình ngã xuống, tôi đã nhớ người chị trên danh nghĩa của mình rất nhiều lần trong suốt những ngày ở Hoàng giang. Cũng may, khói lửa chưa kịp chạm đến vùng đất bình yên mà tôi muốn bảo vệ bằng cả tính mạng này. Chị tôi thoáng bất ngờ rồi cũng dịu dàng vuốt lưng tôi, khẽ hỏi:

- Em không bị thương ở đâu đấy chứ?

- Không ạ. – Tôi đáp. – Nhưng em nhớ những khi nghịch dại bị chị mắng, nhớ những lời kể lể của anh Thân, nhớ mấy món mà bác Dương hay nấu...

Mọi người cười rộ trước vẻ háu đói của tôi, anh Thân hồ hởi nói:

- Vương phi biết cô Nhã Phong bấy lâu không được ăn ngon nên đã chuẩn bị rất nhiều thức ăn đấy! Cô mau vào thôi!

Mọi người vui vẻ bước vào trong, riêng tôi quay lại chỗ Cụ Nhỏ đang được một anh lính giữ giúp, tháo chiếc đẫy đeo trên lưng nó, thận trọng ôm trong lòng. Đưa mắt nhìn lên chiếc cổng lớn của Dưỡng Chân trang, nhìn làn khói ấm áp bay lên từ khu nhà bếp, lại nhìn xuống thấy lão già đang đợi, tôi mỉm cười, khẽ nói với hũ tro nhỏ và quyển y thư trên tay:

- Chúng ta về đến nhà rồi!

- --

Chị tôi biết mọi người đi đường xa mệt mỏi, binh sĩ lại nóng lòng đoàn tụ với gia đình nên không vội tổ chức tiệc mừng công, chỉ chuẩn bị rất nhiều phần quà Tết để họ mang về và một mâm cơm nhỏ để mấy người chúng tôi dùng bữa ấm cúng cùng nhau. Lão già vừa ăn vừa hỏi chị tôi những việc ở Dưỡng Chân trang suốt hơn một năm qua, dặn dò thêm vài việc khác, mãi đến khi trời tối mịt mới trở về phòng. Lão bảo anh Thân giúp lão chăm sóc vết thương, không để tôi thấy rồi lắm mồm nữa. Thế nên suốt cả ngày hôm nay, tôi cứ len lén nhìn xem sắc mặt lão có xanh xao không, hơi thở có khó nhọc không. Bị thương nặng như thế lại không được nghỉ ngơi, hết đi thuyền rồi lại cưỡi ngựa, luôn phải tỏ ra tươi tỉnh để kẻ dưới được yên lòng mà vui chiến thắng, trong lòng lại có vô vàn việc nhỏ việc to cần lo nghĩ, tôi không biết lão có thể cầm cự được bao lâu.

Cứ ngỡ khi về đến nhà thì có thể ngủ thật say, song bụng đã no mà đầu óc tôi vẫn tỉnh táo lạ thường. Tôi bước ra sân, ngồi ngắm trời ngắm đất. Phòng tôi ở cạnh phòng của lão già như từ bé đến giờ. Tôi cứ nhìn mông lung về căn phòng đang đóng chặt ấy, thật lâu. Cuối cùng, cửa phòng cũng mở ra.

Lão già chẳng ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Mái tóc của lão không búi gọn gàng như ban ngày mà để lòa xòa, vài sợi trước trán khẽ lay. Trên người khoác hờ tấm áo choàng, lão chậm rãi bước ra. Tôi chạy đến đỡ tay lão, dìu lão cùng ngồi xuống bậc thềm, cảm nhận rõ sự nặng nhọc trong từng bước chân. Chúng tôi ngồi lặng im nghe tiếng gió xào xạc trên tán lá, tiếng côn trùng rả rích kêu.

- Học ai mà cũng biết khó ngủ rồi? – Hồi lâu, lão lên tiếng châm chọc.

- Em nghe nói bậc trí giả thường trằn trọc suy tư. Em ngu dốt khó thành trí giả, nhưng bắt chước họ suy tư giữa đêm thì em làm được ạ. – Tôi uể oải đáp.

Lão già nhếch mép cười. Đoạn, lão như nhớ ra còn việc vẫn chưa làm xong bèn dặn dò tôi:

- Thân sinh của Đỗ Ngạc ở Vạn Niên. Cậu ấy thay ta lo việc ở Hồng lộ trở về chắc Tết cũng sắp tàn. Ngày mai em thay ta sang thăm hỏi họ trước.

- Vâng ạ.

- Không biết Hưng Đạo đã lui binh, về đến Vạn Kiếp chưa. Ta vẫn chưa nói với chú ấy chuyện của Nguyễn Địa Lô.

- Anh Voi Lớn hiểu tấm lòng của tiên sinh, sẽ thay tiên sinh chuyển lời cho Hưng Đạo vương thôi. – Tôi nói. – Nếu người vẫn chưa yên tâm, sáng mai em sẽ viết một bức thư gửi cùng mấy bình rượu mơ đến phủ cho vương.

- Chú ấy... - Lão ngập ngừng.

- Không thích rượu mơ? – Tôi cố ý nhắc lại việc lão lừa tôi ủ rượu ở Cổ Mai. – Em thừa biết, em đã nhờ chị chuẩn bị rượu nếp cái hoa vàng để biếu cho vương.

Lão cười cười, lảng sang chuyện khác:

- Đã đưa tro của cụ Đảm vào điện thờ chưa?

- Rồi ạ. Cạnh Nguyễn Nam. – Nói đến đây, tôi nhớ ra mình vẫn chưa kể cho lão nghe một việc. – Em xin lỗi vì chưa hỏi ý tiên sinh đã vội hành sự. Thái tử hứa với em sau khi trở về kinh sẽ xá tội cho Vũ Thành vương. Em đoán ngài ấy còn bận nhiều việc nên chưa thể làm ngay, nhưng khi Vũ Thành vương tự do rồi, em sẽ mang linh vị và quyển y thư của Nguyễn Nam trả về cho họ Phạm.

Lão già thoáng ngạc nhiên, đoạn trầm ngâm một lúc thật lâu mới khẽ đáp:

- Ừ. Cảm ơn em.

Phía bên kia sân vẫn sáng đèn. Các gia nhân đang cùng nhau quét dọn, nấu nướng, làm bánh chuẩn bị cho mâm cỗ giao thừa thật đủ đầy. Tôi ngửa mặt, hít sâu mùi khói bếp và lắng nghe tiếng người í ới gọi nhau. Bỗng lại nhớ ra một việc khác, tôi vội vã chạy về phòng, bỏ mặc lão ngơ ngác giữa sân. Tôi lục tung túi hành lý của mình, cuối cùng tìm được chiếc khăn tay mà tôi cố gắng thêu lại đóa mộc lan của công chúa Thuận Thiên.

- Đây là... - Lão cầm chiếc khăn tôi vừa đưa, đoạn lại so sánh với chiếc khăn đang quấn vết thương trên cổ tay mình. – Em đã thêu bao nhiêu chiếc?

- Hai... mươi mấy ạ. - Tôi gãi gãi đầu. – Ở Hoàng giang em không có việc gì làm nên muốn làm gì đó cho tiên sinh vui. Nhưng em không khéo tay... Lúc Tĩnh Quốc vương xuất quân, em thấy ngài chẳng ai đưa tiễn nên đã tặng bừa một trong số những chiếc thêu hỏng, không ngờ ngài ấy lại tưởng là thật, mang trả cho tiên sinh.

Lão già cười khùng khục trong cổ họng khiến tôi xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu. Lão đưa tay vò vò đầu tôi đầy thích thú:

- Xem ra chỉ một năm vắng nhà mà ta đã bỏ lỡ rất nhiều thứ.

- Có phải bây giờ người thấy em rất ra dáng hảo hán, rất đáng để nương tựa có phải không? – Tôi vênh mặt nói.

- Không phải mới bây giờ. – Giọng lão lại trở nên khẽ khàng, có chút mệt mỏi. – Mấy cây hoa nhài này do em trồng đấy à?

- Vâng. – Tôi ngáp dài, liếc mắt về bụi hoa nhài trước cửa phòng. – Em định trồng để ướp trà, nhưng nhiều sâu quá nên em nhờ anh Thân chăm giúp.

- Ừ. – Lão trầm ngâm. – Phong! Có một con rơi trên tóc em này.

Tôi hét lên một tiếng thất thanh rồi đưa tay phủi tóc liên tục, mặt cắt không còn giọt máu. Lũ sâu của cây hoa nhài vừa to vừa xấu xí, tởm chết đi được. Mái tóc dài mượt xinh đẹp của tôi...

- Hóa ra hảo hán ở Yên Bang cũng biết sợ sâu nhỉ?

Lão nhướn mày tỏ vẻ ngạc nhiên rồi bật cười thành tiếng khi thấy mặt tôi nghệch ra rồi dần chuyển sang vừa thẹn vừa giận. Tôi đang cố nghĩ cách trả đũa thì tràng cười của lão đã chuyển thành những tiếng ho sù sụ. Tôi vội vã đến vuốt lưng cho lão đỡ cơn ho, muốn đỡ lão về phòng nghỉ nhưng lão đã đưa tay ngăn lại.

Chúng tôi ngồi im lặng thật lâu, gió đưa hương nhài thoang thoảng khiến sự hậm hực trong lòng tôi cũng dịu bớt đôi phần. Mãi sau lão mới cất tiếng làm hòa, giọng nói càng lúc càng nhẹ như hơi thở:

- Em còn trải qua những chuyện gì mà ta chưa biết?

Câu hỏi của lão khiến tôi ngẩn người, lặng im thật lâu nhớ lại những chuyện xưa rồi vô thức nói thành lời:

- Khi tiên sinh không còn ở đây, đã có rất nhiều đêm em ngồi ở trước cửa phòng như thế này, nhìn mãi, nhìn mãi, đợi tiên sinh bước ra mắng em khuya rồi sao không ngủ. – Không biết có phải vì đêm lạnh, giọng tôi bỗng run run. – Nhưng mà... không có. Chỉ có em bị phải gió, ốm liền mấy ngày sau thôi.

Đôi mắt hơi mệt mỏi của lão già thoáng nét đau lòng. Tôi hít một hơi thật sâu, mỉm cười nhìn sang hướng khác:

- Nhưng tối nay em lại mong tiên sinh cứ ở yên đấy, ngủ thật say. Tiên sinh hay dạy người ta sinh tử là lẽ thường, đói thì ăn, khát thì uống, thế mà bản thân người lại không biết mệt rồi thì phải nghỉ ngơi. Em sợ vết thương của người... Tuy rằng em chẳng bằng ai, đừng nói là so với bọn Quang Khải, mà ngay cả ở Dưỡng Chân trang em cũng cực kỳ vô dụng, nhưng em vẫn có thể cho người tựa vào một chút.

- Vậy à?

Lão hỏi nhỏ đến mức tôi không chắc mình có nghe lầm không, song tôi không ngoái lại nhìn lão mà chỉ đều đều kể tiếp những chuyện mà ngày thường khó nói thành lời:

- Em biết em có thể bình an đến Hồng lộ là vì tiên sinh vẫn luôn cho người âm thầm bảo hộ phía sau. Cái hôm em vào nhà lao ở Tiên Lễ, chắc vị quan đó cũng chẳng mến mộ cửa Không đến mức chỉ nhìn một mảnh ngọc của sư ông mà đã thả em ra. Em đã luôn nép sau lưng tiên sinh mà nghĩ rằng mình tài giỏi đấy thôi.

Tôi không nghe lão đáp gì, hồi lâu bỗng thấy vai mình nằng nặng. Mái tóc thơm hương thảo mộc của lão phủ lên vai tôi. Tôi vừa thấy ấm áp, vừa thấy sợ hãi vô cớ, bèn ghé sát tai lão khe khẽ nói:

- Tiên sinh mệt rồi, không cần lo nợ nước, không cần nghĩ đến thù nhà, không cần một mình gồng gánh cả chi Vạn Kiếp. Bên cạnh tiên sinh còn có Hưng Đạo vương, có tướng quân Đỗ Ngạc, có chị Thiên Hương, có cả em. Em gác cửa cho người ngủ, có được không?

Lão vẫn không trả lời, tôi thử lay nhẹ, cả thân người to lớn đổ sụp vào lòng tôi. Trán lão nóng bừng vì sốt, còn lưng áo ướt đẫm vì vết thương vẫn rỉ máu không ngừng nhưng gương mặt lại bình yên như đang say ngủ. Tôi muốn khóc òa lên, song cuối cùng lại chỉ ôm chặt lão, không ngừng lặp đi lặp lại:

- Tiên sinh vào trong nghỉ ngơi đi, em gác cửa cho người.

- --

[1] Quy như nghĩa là trở về chân như, trích tựa bài Vạn sự quy như của Tuệ Trung Thượng sĩ

[2] Ca dao.