Cô Thành Bế

Quyển 4 - Chương 7: Đồng hao



Mùa xuân năm ấy, trong Nghi Phượng Các có nội thị hoàng môn bị bệnh chuyển ra, Miêu thục nghi muốn bảo Hậu tỉnh bù cho một người, ta nghĩ tới lời nhờ vả của Trương Thừa Chiếu, bèn đề cử với bà, rất nhanh sau đó, Trương Thừa Chiếu được điều từ Tiền tỉnh vào.

Có lần, ta đề cập đến Vương Củng Thần với Trương Thừa Chiếu, hỏi hắn Vương thị lang về kinh báo cáo công tác à, Trương Thừa Chiếu trả lời: “Y thủ biên cương ở Doanh Châu có chút ít công lao nên quan gia gọi y về, tăng thêm quan hàm hàn lâm thị độc học sĩ và Long Đồ Các học sĩ (*). Đến giờ vẫn chưa bảo y về Doanh Châu, xem ý có vẻ như muốn giữ y làm quan kinh thành, nhưng trong triều có không ít người phản đối.”

(*) Hàn lâm thị độc học sĩ là chức quan hầu đọc sách sử, giảng giải kinh nghĩa, ứng đối cố vấn cho hoàng đế; Long Đồ Các là nơi lưu trữ ngự thư, sách cổ, tranh vẽ, vật biểu tượng điềm lành của Tống Thái Tông và gia phả, danh sách tôn thất của hoàng tộc, Long Đồ Các học sĩ là một chức quan suông, phong như một danh hiệu vinh dự.

Ta nhớ tới tình cảnh y chịu bách quan lạnh nhạt trong hỏa thành hôm đó, bèn hỏi Trương Thừa Chiếu: “Các đại thần tân phái bị y hặc hồi trước không phải còn chưa về kinh sao? Theo lý, hiện giờ trong triều, người phản đối tân chính hẳn chiếm đa số mới phải, sao chính họ cũng xa lánh Vương Củng Thần vậy?”

Trương Thừa Chiếu đáp: “Ai bảo y gió chiều nào theo chiều ấy? Khi còn trẻ y được Lữ Di Giản dìu dắt rất nhiều, vốn là đi theo Lữ tướng công, Lữ tướng công bãi tướng rồi, y lại thường xuyên qua lại với những đại thần thúc đẩy tân chính. Lần đầu tiên quan gia muốn bổ nhiệm Hạ Tủng làm xu mật sứ, y đã suất lĩnh ngự sử đài và gián quan cùng nhau liều mình tiến gián. Quan gia nghe đến phát phiền, xoay người định đi, kết quả bị Vương Củng Thần quỳ dưới đất níu lấy vạt áo sau, sống chết không cho ngài đi. Quan gia bất đắc dĩ, đành phải tiếp nhận lời can gián của họ. Thế nên, tuy cuối cùng Vương Củng Thần trở mặt triệt để với đại thần tân chính, ra tay tàn nhẫn với nhóm Tô Thuấn Khâm, nhưng dư đảng của Hạ Tủng cũng không muốn thấy y, đắc tội với cả hai phái trong triều như vậy thì lại chẳng là đắc tội với tất cả mọi người. Y bị điều ra ngoài rồi quay lại kinh báo cáo công tác, tân đảng cựu đảng đều không vừa mắt y, một vài người hùa đỏ húc trắng (*) cũng giỡn cợt theo, bị xa lánh là đúng thôi.”

(*) Nguyên văn: 跟红顶白, là một thành ngữ của vùng Quảng Đông, “hùa đỏ” là lấy lòng người đắc thế, “húc trắng” là công kích người thất thế.

Ta có một thắc mắc nghĩ mãi không thông ở đây: “Tại sao Vương Củng Thần lại trở mặt triệt để với đại thần tân chính? Tôi nghe nói, y và Âu Dương Tu là anh em đồng hao kia mà, sao đến chút quan hệ thân thích ấy cũng mặc kệ, đối chọi quyết liệt đến vậy?”

“Ha ha, chính cái tay Âu Dương Tu này đã bức điên y đấy!” Trương Thừa Chiếu vẫn hay dò la được chút chuyện tư ít ai biết đến của đại thần, nghe ta nói đến anh em đồng hao, càng thêm hào hứng, “Vương Củng Thần và Âu Dương Tu quen biết nhau trước cả khi mỗi người cưới một cô con gái nhà họ Tiết, quan hệ của hai người trước đó còn cực kỳ tốt nữa kia, cùng đi thi, có cơm cùng ăn, có áo cùng mặc. Tài văn chương của Âu Dương Tu xuất chúng hơn, lần khoa cử ấy, mấy kỳ thi trước kỳ thi đình như quốc tử bổ giám sinh, thi hương, thi hội đều đứng thứ nhất, bởi vậy nên rất tự tin, quyết tâm phải giành danh hiệu trạng nguyên cho bằng được. Thi đình về xong, Âu Dương Tu đi may cho mình bộ áo mới, định mặc sau khi được xướng danh, kết quả lại bị Vương Củng Thần ở cùng lấy ra mặc trước. Phỏng chừng y cũng chẳng cố ý, còn cười nói với Âu Dương Tu: ‘Mặc cái áo này của huynh đỗ trạng nguyên chắc, cho tôi mặc ké chút đi.’ Nào ngờ hôm sau xướng danh, người đỗ trạng nguyên lại thật sự là Vương Củng Thần mặc áo mới chứ không phải Âu Dương Tu. Kể từ đó hai người tuy không nhắc nhỏm gì tới câu bông đùa về bộ áo mới nhưng chỉ sợ ít nhiều đều không mấy dễ chịu.”

Qua văn chương thi từ của hai người mấy năm nay, có thể thấy quả tình là Âu Dương Tu hơn xa Vương Củng Thần, bởi vậy nên vụ thi đình và lỡ mất dịp may làm trạng nguyên, lại có câu bông đùa về bộ áo mới trước đó, Âu Dương Tu hẳn khó tránh khỏi có phần lấn cấn. Ta thầm thở dài, lại nghe Trương Thừa Chiếu kể: “Vương Củng Thần thừa nhận với quan gia trước đây từng làm đề bài thi đình, tuy quan gia không tước danh hiệu trạng nguyên của y nhưng Âu Dương Tu nhất định là không phục. Hơn nữa, Vương Củng Thần lấy trước được đề thi thế nào, nhiều năm nay cũng có rất nhiều kiến giải, một trong số đó là quan viên muốn lôi kéo Vương Củng Thần, kiểu như Lữ Di Giản, tiết lộ cho y. Sau nữa, Vương Củng Thần đúng là nương nhờ Lữ Di Giản thật, Âu Dương Tu ắt càng thêm xem thường y. Về sau, Phạm Trọng Yêm chấp chính, Âu Dương Tu lập tức bén gót theo đuôi, càng xa lánh Vương Củng Thần hơn.”

Nghĩ đến mối quan hệ thông gia kia, ta hỏi tiếp Trương Thừa Chiếu: “Họ đều cưới con gái của Tiết Khuê, ngày thường qua lại gần gũi, dẫu có hiềm khích thì cũng phải hòa hoãn được chút ít chứ?”

“Không có đâu, chẳng những không hòa hoãn mà còn càng căng thẳng hơn kia!” Trương Thừa Chiếu lắc đầu quầy quậy, cười bảo: “Âu Dương Tu cưới tứ tiểu thư nhà Tiết Khuê. Vương Củng Thần trước cưới tam tiểu thư, không được mấy năm thì vị phu nhân này qua đời, nhà họ Tiết quý trọng Vương Củng Thần là nhân tài, không nỡ để y sang làm rể nhà khác, bèn gả ngũ tiểu thư cho y tái giá. Âu Dương Tu lập tức làm ngay bài thơ ‘chúc’: ‘Con rể cũ thành con rể mới, chồng dì nhớn làm chồng dì bé.’ Bài thơ này nhanh chóng truyền ra, khiến thiên hạ đều biết Vương Củng Thần cưới em vợ. Về sau lại có một lần, Âu Dương Tu sang nhà bạn thân Lưu Thưởng làm khách, cũng mời Vương Củng Thần cùng đi. Lưu Thưởng kể một chuyện tiếu lâm ngay trước mặt khách khứa quanh phòng: Trước đây có một lão học giả dạy trẻ em học bài, học đến câu ‘Thoái thực tự công, uy di uy di’ trong Kinh Thi, nhấn mạnh nhắc học sinh là ‘Nhớ lấy, chữ 蛇 này phải đọc là di.’ Hôm sau, cậu học trò xem ăn mày nghịch rắn trên đường đi học, bất giác quên mất thời gian, muộn lắm rồi mới đến học quán. Lão học giả truy hỏi nguyên do, cậu học trò đáp, ‘Ban nãy trên đường con thấy có người nghịch rắn nên dừng chân quan sát, thấy hắn nghịch con rắn nhớn rồi lại nghịch con rắn bé, nên nhỡ giờ lên lớp.’… (*)”

Chữ “rắn” trong câu cuối cùng Trương Thừa Chiếu đều phát âm là “di”, kể đến đây, tự hắn không nhịn được cười trước, sằng sặc đến gập cả bụng.

(*) “Thoái thực tự công, uy di uy di (退食自公, 委蛇委蛇)” nằm trong bài Cao dương số 1 thuộc Kinh Thi, chữ “蛇” có hai âm đọc, một là “xà” tức con rắn, hai là “di” trong “uy di” có nghĩa ung dung tự đắc, đồng thời, chữ “di” ấy cũng đồng âm với chữ “di” (dì) tức chị em gái của vợ.

Ta có thể tưởng tượng được tâm trạng của Vương Củng Thần lúc nghe chuyện tiếu lâm này. Dầu chỉ mới có duyên gặp mặt một lần, song ta đã cảm nhận được tính y trời sinh hướng nội nhạy cảm, nỗi nhục khom lưng nhặt hốt y còn chẳng thể chấp nhận thì sao chịu được bị người đời lấy chuyện khuê môn của mình ra làm trò cười.

“Ớ? Chuyện buồn cười thế kia mà, sao cậu không cười?” Trương Thừa Chiếu ngạc nhiên hỏi ta.

Ta cười cười với hắn cho phải phép, không đáp mà hỏi tiếp: “Lúc đó Âu Dương Tu có cười không? ». Truyện Điền Văn

“Cười chứ,” Trương Thừa Chiếu nói, “Khách khứa cả phòng đều cười, sao y lại không cười! Cũng vì cái cười này mà Vương Củng Thần sinh lòng oán hận y, nói không chừng còn cảm thấy là Âu Dương Tu cố ý dẫn mình đi cho mọi người cười nhạo. Sau đó tiến hành tân chính, Âu Dương Tu làm gián quan, nhiều lần dâng sớ lên quan gia tố giác tiểu nhân trong triều, thậm chí còn công kích quan viên Ngự sử đài, nói đài quan ‘đa phần không phải kỳ tài, chẳng ai có thể gọi là giả (*)’. Nếu nói không một ai xứng chức thì tất nhiên cũng bao gồm Vương Củng Thần khi đó đang làm ngự sử trung thừa. Mấy năm ấy, có không ít người trong đám bạn bè giỏi chữ nghĩa của Âu Dương Tu và y đem chuyện văn vẻ của Vương Củng Thần ra nói, ngoài sáng trong tối chế nhạo y là trạng nguyên có tiếng mà không có miếng, Âu Dương Tu lại công khai ngay trong tấu sớ như vậy, chọc Vương Củng Thần nổi giận, hạ quyết tâm đối đầu với các đại thần tân phái. Sau chuyện hặc biếm, y cười nói câu ‘nhấc tay một cái bắt trọn cả lưới’ có lẽ là cảm thấy oán hận nhiều năm bỗng chốc xả ra được hết, y không vui mừng sao cho được? Cái một lưới bắt trọn này không chỉ là tài tuấn quán các ủng hộ tân chính mà còn là đám bạn vẫn thường lấy văn vẻ ra kích thích y của Âu Dương Tu… Năm sau, trước khi xảy ra vụ Âu Dương Tu trộm cháu, y đã chỉ thị thuộc hạ khi xưa Lưu Nguyên Du buộc tội Âu Dương Tu, tố y phụ xướng với kẻ sĩ quán các, ngầm kết bè phái. Giờ nghĩ lại, e là vụ cháu gái ngoại cũng có tay y âm thầm nhúng vào.”

(*) Chữ “giả” này ý là người làm việc chuyên về một lĩnh vực nào đó, hoặc theo một chủ nghĩa nào đó, kiểu như “giả” trong “học giả” vậy.

“Thế Tô Tử Mỹ thì sao?” Ta lại hỏi, “Tuy có thể là trong khoảng thời gian y chủ trì sự vụ Tiến tấu viện từng có ý kiến xâm phạm đến Ngự sử đài nhưng hình như chưa công kích cá nhân Vương Củng Thần bao giờ mà. Hiện giờ mọi người đều nói Vương Củng Thần hặc Tô Thuấn Khâm chủ yếu là để khiến Đỗ Diễn bãi tướng, nhưng nếu không có thù tư thì sao Vương Củng Thần lại bất mãn với quyết định tước tịch Tô Thuấn Khâm, hạ xuống làm thứ dân của kim thượng, khăng khăng thỉnh cầu kim thượng giết y đi?”

Trương Thừa Chiếu gật đầu: “Đúng vậy, tôi cũng thấy kỳ lạ đây! Thực ra quan hệ của họ trước đây cũng không tệ, kết bạn đã nhiều năm. Năm đó Tô Thuấn Khâm vào quán các làm tập hiền hiệu lý, còn là Vương Củng Thần bàn với Phạm Trọng Yêm, cùng nhau tiến cử kia mà… Tô Thuấn Khâm hình như cũng chưa từng nói câu gì mỉa mai Vương Củng Thần, nhưng Vương Củng Thần lại nhất định khai đao với y…” Hắn nghĩ ngợi, bỗng nghiêng người sáp lại gần ta, cười bảo: “Có lần tôi đến Hàn uyển có việc, thấy các học sĩ túm tụm với nhau ngồi tán gẫu, đang nói đến chuyện Vương Củng Thần hại Tô Thuấn Khâm, có học sĩ nói: ‘Hắn ác với Tô Tử Mỹ như vậy không phải là vì Tử Mỹ có thù giết cha cướp vợ với hắn đấy chứ?’ Mọi người nghe xong đều cười ha hả.”

Ta không tiếp lời hắn. Nhớ đến phong tư của Vương Củng Thần, chỉ cảm thấy tiếc hận khôn xiết: Người tướng mạo thanh nhã thoát tục nhường vậy mà lại sa vào khuyết điểm hành động theo cảm tính, không nghĩ thoáng ra được, cuối cùng nên nỗi bị mọi người phê bình xem thường. Đối mặt với tình cảnh hôm nay, chẳng biết y có từng hối hận vì ý nghĩ sai một ly đi một dặm ban đầu ấy không.

Ngày mười lăm tháng Hai là tiết hoa triêu. Theo đề nghị của Trương mỹ nhân, kim thượng mệnh hoàng hậu dẫn chúng cung quyến tới Nghi Xuân Uyển ngắm hoa, cũng mời cả mệnh phụ bên ngoài cùng đi, buổi trưa ban tiệc ở trong vườn.

Trong bữa tiệc hôm đó, Trương quý phi tỏ ra rất quan tâm tới một vị phu nhân nhà quan viên thần sắc cô quạnh, thui thủi lặng lẽ, đặc biệt sai nội thị bên người qua thăm hỏi phu nhân, sau tiệc đi ngắm hoa, lại mời phu nhân kia đồng hành, còn tự tay hái một nhành hoa thụy hương xuống, cài lên miện phu nhân, vui vẻ hòa nhã trò chuyện với thị, vẻ mặt điềm đạm thân thiện quả thật làm vị phu nhân kia vừa mừng vừa lo.

Mấy vị cáo mệnh phu nhân nhà mẹ đẻ Trương quý phi vào cung khá thường xuyên nên ta nhận ra được, nhưng vị phu nhân hôm nay thì rất lạ mặt. Quý phi đãi khách nhiệt tình hiếm có như thế làm ta cảm thấy quá mức kỳ dị, bèn bảo Trương Thừa Chiếu đi hỏi thăm thân phận của vị phu nhân kia. Hắn nhanh chóng có được đáp án: “Đó là Tiết phu nhân nhà Vương Củng Thần.”

Ta đã hiểu dụng ý của Trương quý phi.

Không lâu sau, trong cung đã xảy ra một việc xác nhận phỏng đoán của ta từ một góc độ khác.

Hôm đó công chúa nói muốn ăn mơ mà Nghi Phượng Các lại hết mất, Trương Thừa Chiếu bèn tự mình xin lệnh đến Ngự thiện cục lấy. Mãi lâu sau mới về, dâng mơ lên xong tức thì lấy tay áo lau khóe mắt.

Công chúa kinh ngạc: “Sao ngươi lại khóc?”

Trương Thừa Chiếu nghe vậy, quỳ xuống đánh “phịch” một tiếng trước mặt công chúa, khóc lóc: “Thần vô dụng, ra ngoài bị người ta ức hiếp, làm mất thể diện của công chúa.”

Công chúa liền hỏi hắn: “Ai ức hiếp ngươi?”

Trương Thừa Chiếu đáp: “Ban nãy thần lấy mơ từ Ngự thiện cục về, đi qua Nội Đông Môn, thấy đằng trước có mấy tên tiểu hoàng môn đẩy một cái xe chặn trước cửa, đi chậm rì rì. Thần lo công chúa đợi lâu, bèn hòa nhã nói với họ: ‘Các vị có thể đi nhanh hơn chút được không, hoặc là cho tôi đi trước với.’ Ai ngờ họ như ăn phải thuốc nổ, quay phắt lại mắng thần vài câu. Thần còn muốn nói lý với họ nên bảo: ‘Tôi đi làm việc theo lệnh Phúc Khang công chúa, công chúa còn đang chờ tôi về phục mệnh, xin các vị châm chước nhường cho.’ Vậy mà họ lại la lối: ‘Bọn ta làm việc cho Trương quý phi đây. Công chúa thì làm sao? Công chúa to hơn được quý phi chắc? Lại nói, quý phi còn là mẹ công chúa đấy!’”

Công chúa nghe thế, nhất thời nổi sùng: “Láo xược! Chúng dám nói thế thật?”

Trương Thừa Chiếu gật đầu như gà mổ thóc: “Dạ, dạ, đúng là nói thế. Thần nghe xong cũng phát tức, đi tranh luận phải quấy với họ, nói, đến Miêu thục nghi công chúa cũng chỉ gọi tỷ tỷ, Trương quý phi lấy đâu ra cái phúc mà dám xưng là mẹ công chúa. Họ nói không lại thần, còn muốn đánh thần, thần nóng nảy gạt tay một cái, không cẩn thận đụng một cái rương trên xe đổ xuống. Đúng lúc đó Giả bà bà từ trong cung đi ra, vừa vặn bắt gặp, tức khắc ba máu sáu cơn nổi hết lên, đùng đùng bạt tai thần mười mấy cái, mắng: ‘Đựng trong đây là bảo bối đến trong cung cũng chẳng có, làm vỡ mười cái mạng ti tiện nhà bay cũng chẳng đền nổi đâu!’”

“Cái gì? Mụ ta còn dám đánh ngươi?” Công chúa nhíu mày, cả giận, “Con mụ mập ú này càng ngày càng đáng ghét rồi.”

“Lại chẳng ạ!” Trương Thừa Chiếu khóc lóc kể lể, “Thần chịu chút uất ức cũng không sao, nhưng thấy chúng miệt thị công chúa như vậy, thật sự không nuốt nổi cục giận này. Hôm nay chúng dám đánh thần, ngày mai chẳng biết sẽ còn thế nào với công chúa…”

Công chúa bị câu này của hắn kích thích, tức thì đập bàn, đang định nói gì thì ta cản nàng lại, nói: “Công chúa, tạm thời nhịn xuống đã, ngẫm lại lời quan gia dạy người đi.”

Nàng sửng sốt: “Cái gì?”

Ta nhắc nhở nàng: “Hít sâu.”

Công chúa không khỏi phì cười, cơn giận nguôi đi phần nào.

Ta quay lại nói với Trương Thừa Chiếu: “Bọn chúng tuy ngang ngược, nhưng chắc gì cậu đã không sai? Hẳn cậu thấy chúng chỉ là tiểu hoàng môn, quát mắng ra lệnh chúng nhường đường nên mới chọc bọn chúng bất mãn.”

Trương Thừa Chiếu ngượng ngùng trong chớp mắt, còn muốn ngụy biện thêm, ta giơ tay ra hiệu hắn ngậm miệng, nói: “Tôi xin Miêu nương tử điều cậu qua đây không phải là muốn cậu gây chuyện thị phi cho công chúa. Hậu cung khác với những nơi khác, một chút chuyện nhỏ thôi cũng có thể gây náo loạn không cách nào thu dọn được. Cậu mà không biết bơn bớt lại, mưu toan mượn thanh thế công chúa huênh hoang tứ tung thì chẳng bằng đến từ đâu trở lại nơi đó đi.”

Đây là lần đầu tiên ta dùng giọng nghiêm nghị như vậy nói chuyện với hắn. Hắn sững sờ hồi lâu rồi mới quay sang công chúa, cầu khẩn: “Công chúa…”

Lúc này công chúa tựa hồ cũng hiểu ra, làm bộ hít sâu rồi cười với Trương Thừa Chiếu: “Cha bảo ta lúc tức giận thì hít sâu, nghĩ lại thêm vài lượt. Hiện giờ ta nghĩ thông suốt rồi, không tức nữa.”

Trương Thừa Chiếu rất thất vọng, cũng chẳng khóc nữa, nhìn công chúa, lại đưa mắt sang ta, chợt mở miệng: “Thực ra là tôi nhớ tới chuyện Trương nương tử và Giả bà bà hãm hại cậu năm đó nên mới nuốt không trôi cục giận này. Chúng ta đều khổ cực làm việc cho công chúa, dựa vào đâu cũng bị họ đánh tới mắng lui dồn vào chỗ chết như thế chứ!”

Công chúa nghe câu này, mắt lại mở to: “Ngươi nói cái gì? Trương nương tử và Giả bà bà từng hãm hại Hoài Cát?”

Trương Thừa Chiếu lập tức đáp dạ vang dội, ta muốn chặn hắn lại, nhưng công chúa lại bắt ta im miệng, lệnh Trương Thừa Chiếu nói hết, thế là hắn chẳng màng ta ngăn cản, một năm một mười kể lại toàn bộ chuyện đèn lưu ly năm đó cho công chúa nghe.

Công chúa nghe rất yên lặng, không tức giận gì rõ ràng, cụp mắt suy tư trong khoảnh khắc, bỗng truy vấn Trương Thừa Chiếu chuyện hôm nay: “Giả bà bà nói trong cái rương ngươi đụng đổ là bảo bối trong cung cũng không có, ngươi có biết là cái gì không?”

Trương Thừa Chiếu trả lời: “Sau đó mụ ta có mở ra kiểm tra, là một bình hoa lớn sắc men màu đỏ nâu.”

“Men màu đỏ nâu?” Công chúa ngẫm nghĩ, nói: “Lẽ nào là đồ sứ đỏ Định Châu? Nghe nói đồ sứ lò Định rất ít món có màu đỏ, nung không dễ, màu sắc nhạt đậm cũng rất khó khống chế, bởi vậy nên rất đắt giá. Cha không muốn trong cung dùng đồ quá xa xỉ nên đã hạ lệnh không cho phép Định Châu tiến cống đồ sứ đỏ. Bình hoa này của Trương nương tử là từ đâu ra?”

Trương Thừa Chiếu nói: “Xem chừng là từ ngoài cung chuyển vào… Có lẽ là ông bác Trương Nghiêu Tá tìm về lấy lòng bà ấy.”

Công chúa không nói gì, tròng mắt thong thả chuyển động quan sát xung quanh, một lát sau, cười phân phó Trương Thừa Chiếu: “Ngươi ra Hậu uyển hái cho ta một bó hoa lê, sau đó tìm một bình sứ thô màu trắng cắm hoa vào.”

Trương Thừa Chiếu ngây người: “Dùng bình sứ thô màu trắng ấy ạ?”

“Ừ.” Công chúa nói: “Bình hoa càng xấu càng tốt… Tốt nhất là có chỗ nứt vỡ, không có thì người đập ra một chỗ.”

Trương Thừa Chiếu nhanh chóng đi hái hoa lê, nhưng tìm bình hoa phù hợp với điều kiện của công chúa thì khá phí công. Cuối cùng chạy ra ngoài, tìm được trong phòng một đầu bếp nữ, đập ra vết nứt công chúa cần rồi hí ha hí hửng cắm hoa lê vào dâng cho công chúa.

Công chúa đặt bình hoa này ở chỗ dễ thấy nhất trong gác, thế nên kim thượng bước vào là phát hiện ra ngay.

“Hoa lê nở đẹp đấy, có điều bình lại không xứng.” Kim thượng nhận xét, “Hoa và bình đều màu trắng, nhưng cũng không cùng một sắc điệu, hoa màu trắng tuyết càng làm bình trông có vẻ nhọ nhem, lại còn có vết nứt, nom rõ gai mắt. Mau đổi cái khác đi.”

“Con gái làm gì có bình hoa nào nữa đâu mà đổi!” Công chúa hậm hực trả lời, “Rõ ràng cha có bình sứ đỏ Định Châu mà không cho con.”

Kim thượng ngạc nhiên: “Cha làm gì có bình sứ đỏ Định Châu? Con thường đi Phúc Ninh Điện, chẳng lẽ từng trông thấy ở đó?”

“Phúc Ninh Điện thì không có, nhưng Ninh Hoa Điện có!” Công chúa kéo tay áo phụ thân, sẵng giọng, “Cha bất công, ban bình sứ đỏ Định Châu cho Trương nương tử mà không cho con, con đương nhiên buộc lòng phải tìm đại một cái bình xấu nứt để cắm hoa rồi.”

Kim thượng nhíu mày: “Ninh Hoa Điện có đồ sứ đỏ Định Châu?”

Công chúa gật đầu: “Vâng, rất nhiều người từng nhìn thấy rồi.”

Kim thượng đứng bật dậy, cất bước ra cửa. Công chúa đuổi theo, đợi đến khi không thấy bóng dáng phụ thân đâu nữa thì quay lại nhìn ta, nhí nhảnh lè lưỡi với ta.

Hôm sau, tất cả mọi người trong cung đều hay tin kim thượng nổi cơn thịnh nộ đập đồ sứ đỏ Định Châu trong gác quý phi.

Nghe nói kim thượng vừa vào gác quý phi trong Ninh Hoa Điện đã đưa mắt nhìn khắp nơi như tìm kiếm thứ gì. Sau trông thấy bình sứ đỏ Trương quý phi vừa bày ra, hỏi ả lấy từ đâu ra, Trương quý phi trả lời là Vương Củng Thần hiến tặng, kim thượng giận dữ, mắng ả: “Ta từng nhắc nàng chớ có nhận quà biếu của quan lại, sao nàng không nghe!” Dứt lời lập tức nhấc búa đập nát bình hoa. Trương quý phi sợ đến hoa dung thất sắc, quỳ rạp xuống tạ tội, kim thượng cứ mặc ả quỳ thế, mãi sau mới cho đứng lên.

“Ta không ngờ cha lại tức giận đến mức ấy.” Sau đó, công chúa nói với ta, “Thực ra ta chỉ muốn khiến cha mắng Trương nương tử xa xỉ sẽ làm người trong cung học theo, không cho bà ta dùng bình hoa đó nữa, làm bà ta khó chịu một hồi, cũng trút giận cho huynh.”

Ta nhặt một sợi tơ phất phơ bám trên chân mày nàng ra: “Công chúa không cần làm việc này cho thần. Sự việc đèn lưu ly qua đã rất lâu rồi, huống hồ lúc ấy cũng không gây nên ảnh hưởng gì xấu tới thần.”

Công chúa xua tay: “Cơ mà, cứ nghĩ tới bà ta ức hiếp huynh như thế là ta lại tức anh ách, tức hơn cả lúc bà ta ức hiếp ta nữa.” Nói đoạn, công chúa nắm lấy tay ta, nghiêm túc nói, “Sau này có ai ức hiếp huynh, nhất định phải nói cho ta biết đấy. Ta biết huynh biết hít sâu, nhưng ta cứ muốn bảo vệ huynh cơ.”