Có Yêu Được Không

Chương 34



Cũng đã vài tháng trôi qua kể từ lần ấy. Cuộc đời tôi có vẻ đã sang trang mới. Tôi không xem đó là một chương tươi sáng. Nhưng nó có tồi tệ không? Tôi không rõ.

Tôi và Phương đã chính thức không còn là bạn nữa. Thời gian đầu thật khó để chấp nhận điều ấy. Những câu hỏi, những lời tự vấn và những cảm xúc tồi tệ cứ bao trùm lấy tôi. Nhưng rồi như cơn bão tử thần sau khi đã càn quét đủ lâu, nó rời đi. Những tàn dư của cuộc tàn phá ấy vẫn còn, nhưng không còn khiến tôi bận tâm nữa. Tôi chấp nhận được rằng có những người đến để dạy cho tôi bài học. Và không phải lúc nào nó cũng dễ học. Nhưng tôi đã học được. Một cách đầy đau đớn.

Thú thật, tôi thấy nhẹ nhõm vì biết bản thân đã từng tồi tệ và ích kỉ như nào. Nhiều khi tôi tự hỏi, có quá đáng khi tôi từng nghĩ mình là nạn nhân và cả thế giới đang chống lại mình? Không khó để trả lời. Nhưng không dễ để chấp nhận. Tích cực mà nói, tôi đang ở cuối hành trình của việc chấp nhận.

Nhưng chấp nhận không có nghĩa là không đau. Nói cách khác, chấp nhận là một cách lựa chọn. Lựa chọn một thứ nghĩa là ta chấp nhận hi sinh một thứ tương đương. Nội tâm tôi đã đấu tranh, giằng co giữa những lựa chọn đó, vì tôi lúc ấy vẫn chưa thể chấp nhận thứ mình phải hi sinh. Nhưng cuối cùng tôi đã làm được. Tôi đã buông tay Bình Nguyên.

Sau kì thi học sinh giỏi Quốc Gia, Bình Nguyên quay trở lại. Cậu đã không kể chuyện thi cử. Đối với cậu, điều ấy không quan trọng nữa. Cậu muốn biết về chuyện của tôi. Nhưng tôi đã không có gì cho cậu biết. Đúng hơn thì tôi không muốn cho cậu biết. Khi ấy cậu chưa thay đổi. Cậu vẫn là cậu, nhưng dịu dàng và ấm áp với tôi hơn. Còn tôi thì không. Giai đoạn ấy tôi đã không còn là tôi của trước đó. Tôi không còn cảm thấy mình thuộc về nơi mình đang sống, kết nối được với những người mình quen. Gia đình hay trường học, cha mẹ hay bạn bè, tất cả đều vậy. Và Bình Nguyên cũng không ngoại lệ.

Có lẽ bởi những lời khi ấy của tôi mà cậu cũng đã thay đổi. Bây giờ tôi với cậu vẫn học chung lớp nhưng không chung bàn nữa. Tôi đã chủ động xin chuyển chỗ và tỏ ra như không biết cậu. Cậu cũng không làm tôi thất vọng khi cũng tỏ ra như vậy với tôi. Lúc đầu mọi người có tò mò, bàn ra bàn vào trước thái độ của cả hai. Họ nghĩ rằng đây chỉ là chuyện giận hờn vu vơ khi cả hai xa nhau một tháng. Bởi họ đã đinh ninh tôi và cậu sẽ trở thành người yêu. Nhưng rồi chuyện không tiến triển gì thêm. Tôi vẫn thế, cậu vẫn thế. Không ai xâm phạm thế giới của ai. Mọi người dần hiểu ra và cũng chấp nhận việc ấy như một lẽ thường tình.

Cũng kể từ khi ấy, thế giới của tôi nhỏ lại. Tôi không kết giao thêm bạn bè vì không muốn bản thân mình sẽ trở thành mối phiền hà của ai. Tôi không liên lạc với Salis nữa vì tôi và cậu chẳng thể nói thêm gì khi Bình Nguyên đã xem tôi là người lạ. Tôi cũng thôi không bày tỏ với cha mẹ những vấn đề của mình nữa. Kể cả Sơn cũng khó nói chuyện vì tôi không mở lòng. Tôi cũng không tham gia thêm các hoạt động ngoại khóa nào. Tôi không còn thấy nó thú vị nữa. Mọi thứ ngoài kia đối với tôi đều bớt quan trọng đi.

Vậy thứ gì mới quan trọng? Tôi tự hỏi. Nhưng tôi chưa tìm ra câu trả lời. Tôi không thể điểm mặt chỉ tên thứ tôi thích được. Mọi sở thích của tôi đều thay đổi. Tôi không muốn ăn bánh ngọt nữa vì tôi sẽ lại nhớ về những lần cùng Phương lê la các tiệm bánh, được Salis tặng bánh mà anh Sam làm, hay hơn cả là chiếc bánh Bình Nguyên đã chấp nhận rút khỏi đội tuyển Hóa để tặng cho tôi. Tôi muốn quên hết những thứ ấy. Đây là một sự nỗ lực vô ích. Nhưng ít nhất tôi sẽ cố gắng không nhớ về chúng. Không để bản thân lại chìm vào quá khứ tươi đẹp và đau đớn nhận ra rằng bản thân chẳng xứng đáng với điều ấy.

- An nè, mai lớp tổ chức đến thăm thầy Hải đó. Mày có bận gì không? - Thảo ngồi bàn trên nói khi tôi đang bâng quơ vẽ trên bìa sách.

Nghe tiếng nói, tôi ngẩng đầu lên, hỏi lại trong sự bất ngờ:

- Có chuyện gì sao?

- Sao mày như người trên trời vậy? Thầy bị bệnh cả tháng nay không đi dạy được đó!

Tôi "À" một tiếng dù cho trong đầu chẳng có chút ấn tượng gì. Đã lâu rồi kể từ lần cuối tôi quan tâm đến những chuyện ngoài nội tâm của tôi.

- Vậy mai mày có bận gì không? Lớp mình tính lên nhà thầy nấu ăn đó!

Tôi cố không tỏ vẻ e ngại. Những hoạt động như vậy không khiến tôi thấy thích thú. Ngược lại, nghĩ đến thôi đã khiến tôi căng thẳng. Nếu phải đi đến đó, tôi sẽ lại phải chạm mặt Bình Nguyên. Hằng ngày đến trường tôi đã học được cách ngó lơ cậu. Tôi sẽ đến trước khi cậu đến và về trước khi cậu về. Hoặc ít nhất tôi sẽ không bao giờ sơ suất mà đến lớp cùng giờ với cậu. Nhưng nếu đến nhà thầy thế này, chuyện chạm mặt cậu là không thể tránh được. Và tôi không hề muốn.

Nhưng liệu tôi có từ chối được không? Đã quá nhiều hoạt động lớp tôi từ chối tham gia. Tôi có thể viện lí do cho những trường hợp ấy. Còn chuyện này, e rằng khó lắm.

Chưa để tôi trả lời, Thảo nói thêm:

- Mày đi nha! Tao không biết dạo này vì sao mà mày bận hoài. Cơ mà lần này cố đi đi. Không biết thầy khi nào mới khoẻ lại nữa. Sợ rằng tụi mình là lứa học sinh cuối thầy dạy đó.

Có thể Thảo chỉ đang cường điệu hóa lên, nhưng trong đôi mắt nó long lanh như có nước. Tôi nghĩ cảm xúc đó là thật. Thầy Hải không có gì ấn tượng trong tâm trí tôi, nhưng với Thảo có lẽ lại là chuyện ngược lại. Tôi đồng ý sau khi biết thêm rằng vợ thầy là người đề nghị lớp đến nấu ăn. Có lẽ việc này cũng không quá khó. Tôi nghĩ. Chạm mặt Bình Nguyên là điều không tránh khỏi, nhưng tôi có thể kiểm soát cảm xúc của mình. Nếu tôi không nhìn cậu, hay không nhớ về ngày hôm ấy, tôi sẽ không cảm thấy tội lỗi và tàn nhẫn. Dù điều đó không kéo dài lâu. Hôm ấy tôi chỉ cần tìm cho mình một thứ gì đó để tập trung vào. Chỉ cần như vậy, cậu cũng sẽ như những người khác, không còn quan trọng nữa.

Chiều hôm sau tôi đến nhà thầy. Tôi là một trong những người đến sớm nhất, cùng với Thảo. Đây không phải là lần đầu tiên tôi tới. Nhưng tôi không nhớ lần trước khi đến đây tôi đã cảm thấy thế nào, nói những câu chuyện gì và hành động ra sao. Tôi cá lúc ấy tôi cũng đã làm một vài người phật ý trước sự vô tâm quá đáng của mình. Lần này tôi đã rút kinh nghiệm. Tôi không đùa cợt, không cười, không tỏ ra ủy mị và luôn trả lời một cách lễ phép những câu hỏi của thầy. Thầy không hỏi gì nhiều ngoài vấn đề học tập và tỏ vẻ buồn rầu khi không thể đi dạy lại trong thời gian sắp tới. Thầy bị một căn bệnh gì đó mà tôi không biết tên. Nó khiến thầy trông gầy gò đi, cơ bắp cũng teo lại và thầy không thể cầm nắm thứ gì đó quá lâu. Vợ thầy đã phải thuê người chăm sóc vì cô không thể nghỉ làm được. Lúc này cô là trụ cột kinh tế của gia đình.

- Dạ cô ngồi với thầy đi ạ. Tụi con tranh thủ xuống nấu ăn luôn đây! - Thảo cất giọng nhằm che đi đôi mắt đã lại long lanh nước của mình. Nó không muốn tỏ vẻ xúc động khi thấy tình cảnh của thầy.

Tôi cúi đầu chào thầy và cô trước khi theo chân Thảo xuống phòng bếp. Nhà thầy tuy dài nhưng không rộng. Hành lang khá hẹp, chỉ vừa đủ cho hai người đi. Phòng bếp khá tối và cũng chẳng rộng rãi hơn là bao. Tôi không quá để ý đến nơi làm bếp vì Thảo và Hương đã chiếm chỗ ấy để nhặt rau.

- Mày biết nấu món gì nào? - Thảo ngoái lại hỏi khi thấy tôi đứng trơ ra nhìn tụi nó.

- Tụi mình tính nấu bao nhiêu món vậy? - Tôi hỏi.

Thảo đảo mắt như lục lại trí nhớ rồi trả lời:

- Bò nhúng mẻ, gỏi gà măng cụt, mì trộn, cơm trộn, bánh ngọt tráng miệng, rồi ờm.. - Thảo thở hắt một hơi - Tao quên mất rồi. Phần đó của mấy đứa kia. Tụi mình chỉ lo bò nhúng mẻ với gỏi gà măng cụt thôi. Mày biết chặt gà không?

Tôi lắc đầu. Thành thật tôi chưa bao giờ làm những món này. Ba tôi luôn là người đảm nhiệm việc làm bếp. Đây là một trong những sở thích của ba. Và cả nhà tôi đều ủng hộ việc đấy. Chính vì thế mà tôi sinh ra lười biếng, thờ ơ với việc nấu nướng. Vốn liếng ẩm thực của tôi đến giờ chỉ là vài món xào nấu cơ bản, và đương nhiên không hề có chặt gà.

- Haiz, tao cũng không bất ngờ - Thảo thở dài, vẻ mặt như đã chấp nhận điều ấy từ lâu - Vậy mày gọt măng cụt đi.

Tôi gật đầu rồi xách túi măng cụt đến gần nơi đặt bếp ga. Đó là chỗ duy nhất có thể đặt thớt và cắt măng cụt. Hơn nữa tôi sẽ không phải ngồi xuống đất. Tôi muốn đứng hơn.

- Nó còn xanh lắm! - Tôi nói khi cắt vỏ quả đầu tiên trong gần mười phút.

- Ừa! Nhưng còn nhiều thời gian mà. Tụi tao còn phải làm thịt gà rồi vặt lông rồi luộc nữa. Thoải mái đi!

Tôi thở dài một tiếng. Măng cụt đã từng là món tôi rất thích ăn. Nhưng là khi nó đã chín. Lúc còn xanh quả thật là ác mộng khi phải lột vỏ.