Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 58: Mì thịt heo rau tươi cực phẩm



Sau khi nghỉ ngơi, họ lại tiếp tục tiến về phía trước.

Lần này đi bộ hơn mười phút thì đã đến được rừng vân sam.

Vì tạm thời chưa cần đến Gạo nên họ để nó ở trong rừng dưới chân núi kiếm ăn.

Đi sâu thêm nữa thì thấy được một rừng vân sam vô cùng rậm rạp, không chỉ có đoạn gần bờ sông bị ngã, mà ở vài chỗ, có những gốc cây to ngã đè lên cây khác, cây vững cây nghiêng xen lẫn, nhìn vào thật rất kinh hãi.

Nhiều cây vân sam bị trốc gốc, đất đá xung quanh gốc cũng bị xới tung, nếu Gạo giẫm phải hố đất hoặc bị vấp rễ cây nửa lộ nửa vùi trong đất thì chắc chắn sẽ bị trẹo chân, tiêu luôn.

Cưa cây rồi chuyển đến bờ sông có quá nhiều rủi ro, cũng không nên dẫn Lúa Mì theo, nên để nó ở lại chịu trách nhiệm túc trực tại chỗ "canh giữ" Gạo.

Sau nhiều tháng huấn luyện, Lúa Mì đã ra dáng một chú chó săn, chỉ cần có "nhiệm vụ" là nó sẽ nghiêm túc chấp hành, ngoan ngoãn nhìn hai người chủ đi xuống sườn núi cũng không chạy theo.

Dịch Huyền và Hà Điền đeo trên lưng những công cụ như dây thừng mây, cưa và rìu rồi dọc theo sườn núi đi xuống bờ sông. Đôi khi họ dẫm phải đá sỏi, còn gây ra lở đất. Đất đá văng vèo vèo xuống sông, nước bắn lên tung tóe.

Cũng may là tốc độ chảy của đoạn sông này thật sự ổn định như Hà Điền nói.

Trên mặt sông rộng khoảng ba đến bốn mươi mét này không có dòng nước xiết, không có đá ngầm, thậm chí xoáy nước cũng không có, nó bằng phẳng đến mức gần như không nhìn thấy dòng chảy, trơn nhẵn như một mảnh lụa xanh, chỉ khi có gió thổi mới xuất hiện gợn sóng.

Có tổng cộng tám cây vân sam bị ngã trên mặt đất, tất cả đều đạt tiêu chuẩn của Hà Điền, ​​đường kính hơn nửa mét, dài sáu bảy mét. Hơn nữa là từ mùa thu năm ngoái đến nay, gỗ đều như đã khô, đem về nhà để vài ngày là có thể đốt được.

Hướng ngã cũng cây cũng rất tốt, gốc hướng vào sườn đồi, đầu đổ về phía sông, sau khi cưa thì cũng không tốn nhiều sức lực, chỉ cần đẩy khiến chúng lăn dọc theo sườn núi xuống sông là được.

Chỉ tiếc là hai ba mét trên ngọn cây đã bị nước sông ngâm khi thủy triều lên, sau nhiều thời gian, nó đã bắt đầu mục rữa.

Hà Điền đeo bao tay vào, cùng Dịch Huyền cầm cưa, chọn một cái cây, cưa bỏ thân cây mục nát, định đẩy xuống sông rồi thả trôi theo dòng. Để không bị vướng víu gì, họ dùng rìu chặt hết cành nhỏ, cưa hết cành lớn, tất cả những thứ này đều không cần thiết, chỉ chừa lại một thân gỗ trơn, cuối cùng thì cưa từ nơi cách gốc cây nửa mét, cũng không cần lấy gốc.

Khi cưa chỗ này, hai người phải cùng nhau dùng một chiếc cưa lớn, mỗi người đứng một bên hông thân cây, một chân chống xuống đất và một chân đạp lên thân cây, hai người cầm cưa bằng hai tay kéo qua kéo lại.

Sau khi đợt rét đậm, rét hại xảy ra, có lẽ loại cưa lớn này đã tuyệt chủng, hiện tại dụng cụ khai thác gỗ quen thuộc nhất của mọi người là chiếc cưa xích.

Vẫn có những chiếc cưa máy chạy bằng dầu diesel,nhưng không phải ai cũng có thể mua được.

Cưa xong cây đầu tiên, cũng đã là thời điểm nóng nhất vào buổi trưa.

Hai người đều đội nón rơm, trên mặt vẫn còn lấm tấm mồ hôi.

Dịch Huyền thấy đôi má của Hà Điền đỏ bừng, nên cởi bao tay ra, phủi lớp mùn cưa trên đoạn gốc cây vừa mới bị cưa đi: "Ngồi nghỉ ngơi một lát đi."

Hà Điền ngồi xuống lau mồ hôi, uống mấy ngụm nước xong liền đứng dậy tiếp tục làm việc.

Cô mang dây thừng trên người rồi đi bộ ra bãi sông, để Dịch Huyền đẩy xuống, còn cô thì ở bên bờ sông tiếp.

Ngay cả khi đã cưa đi gần một nửa, khúc gỗ to kia vẫn rất nặng nên lúc này phải hết sức cẩn thận.

Chờ cô đến bờ sông rồi, Dịch Huyền hô lên: "Chuẩn bị xong chưa?"

"Rồi!"

"Tôi đẩy đây!"

Anh đẩy khúc gỗ to đi, nó lăn xuống sườn núi, một đường tạo nên âm thanh nghẹt thở, nơi nó đi qua nổi lên bụi đất, các mảnh vỏ cây, sỏi đá và đất đều bị nghiền nát.

Lúc nó nhanh như chớp lăn đến bờ sông thì bị vướng một nửa vào bùn, vấp phải một hòn đá được nước sông mài nhẵn thành hình bán nguyệt, bay thật cao bốn đến năm mươi cm rồi mới nặng nề rơi xuống bùn, làm một lượng lớn bùn bị bắn tung lên, sau đó tiếp tục lăn lóc xuống sông.

Hà Điền phải đến gần nó nhất có thể để kịp thời bắt lấy, không để nó bị nước cuốn trôi, còn phải tránh đường kẻo bị nó đụng trúng. Cả quá trình này trái tim bé nhỏ của cô luôn đập một cách dữ dội, lúc khúc gỗ bay lên rồi nện xuống bùn, cô thật sự lo lắng nó sẽ chìm luôn vào trong đó.

Khúc gỗ lao xuống sông, Hà Điền ngay lập tức nhảy xuống nước dùng dây thừng cột lại, vác dây thừng lên vai, kéo mạnh vào bờ, Dịch Huyền cũng chạy xuống sườn núi, dùng một sợi dây thừng khác cột vào đầu còn lại, hai người cùng nhau dùng sức kéo nó vào bờ rồi cột chặt dây.

Khúc gỗ đầu tiên là quan trọng nhất, sau khi cột chặt cẩn thận, bè gỗ về sau sẽ càng cứng cáp hơn.

Sau khi cột xong, Hà Điền quấn dây quanh tảng đá lớn để khúc gỗ không bị trôi theo dòng nước.

Quần của cô ướt hết đến đầu gối nên cô xắn ống quần lên, lại bắt đầu cưa cây thứ hai.

Cái cây này hơi nhỏ hơn cây đầu tiên, nhưng thân cây lại dài hơn.

Sau khi khúc gỗ thứ hai lăn xuống, Hà Điền và Dịch Huyền đều đã có chút kinh nghiệm, họ thắt nút dây thừng, sau đó cột lại, thắt chặt, cột chặt hai khúc gỗ vào nhau rồi cố định sợi dây vào đá, kẻo chúng trôi đi.

Các khúc gỗ thứ ba và thứ tư cũng được thực hiện theo cách tương tự.

Lúc cưa cây thứ tư, Hà Điền cảm thấy cổ, vai, cánh tay và cổ tay của mình đều như đang run lên.

Lúc này đã hơn bốn giờ chiều.

Gốc cây bị cưa một nửa, Dịch Huyền lau mồ hôi, nói: "Thôi, không được nữa rồi, tôi phải ngồi xuống nghỉ ngơi đã."

Hà Điền biết rõ, thật ra anh muốn cô nghỉ ngơi một chút, sợ cô từ chối nên anh mới nói mình mệt.

Cô khẽ cười, không nói gì, ngồi vào gốc cây cạnh Dịch Huyền, đấm bóp cánh tay và vai cổ đau nhức.

Dịch Huyền cởi nón rơm của mình xuống, nhẹ nhàng quạt gió. Trên thái dương của Hà Điền có một ít sợi tóc dài, mỗi khi anh quạt thì nó lại bay lên, chạm vào mặt khiến anh cảm thấy thật ngứa ngáy.

Không hiểu sao, anh lại chợt nhớ đến lần anh kêu cô ngồi lên người mình đó.

Nghĩ đến đây, anh vội vàng quạt gió vài cái, sau đó xoay người lấy bình nước ra, đưa cho Hà Điền, chính mình cũng ừng ực uống mấy ngụm nước.

Nghỉ ngơi một hồi, Hà Điền hỏi anh: "Chúng ta làm tiếp nha?"

Anh nhìn cô, khóe miệng vô thức nhếch lên: "Ừ."

Sau khi cưa xong cây thứ tư, anh đẩy xuống bờ sông, cột nó với ba khúc gỗ khác và thắt nút dây thừng lại, bây giờ họ đã có một chiếc bè dài năm sáu mét, rộng bốn mét.

Hà Điền nhìn vài khúc gỗ còn sót lại trên mặt đất, tiếc vô cùng, nhưng cô không thể mang hết chúng về được.

Nhưng mà cũng không thể để chúng ở đây mặc cho nước lên rồi cuốn trôi đi như vậy.

Nếu thả những khúc gỗ này xuống sông, để nó trôi về phía hạ lưu cầu dây rồi vớt lên, chẳng phải có thể làm ván cầu rồi hay sao?

Cô và Dịch Huyền đặt một vài gốc cây bên rìa những cây khô còn lại, rồi nhặt một vài cành to đã cưa, dùng rìu chặt một đầu thành những mũi nhọn, cắm đều xuống đất làm cọc để ngăn cây không lăn xuống sườn núi.

Dịch Huyền sợ nó không bền, nên đã tìm một chiếc cọc gỗ to làm búa, đóng vào các cọc gỗ để chúng cắm sâu hơn nữa.

Cuối cùng, Hà Điền kiểm tra các sợi dây một lượt, sau khi xác nhận rằng chúng đủ chắc chắn thì nhảy lên chiếc bè, dùng một chiếc cọc tre chống: "Đi thôi!"

Dịch Huyền nhìn Hà Điền cầm cọc tre, đi chậm rãi dọc theo bờ sông, lòng anh nhấp nhô như chiếc bè trên mặt nước kia vậy, nhưng lúc này đây anh vẫn còn việc rất quan trọng cần làm.

Anh phải đưa Gạo và Lúa Mì về, đợi Hà Điền ở bên bờ sông.

Trong hành trình trở về, Dịch Huyền đi nhanh hơn nhiều so với khi họ đến, bởi vì đã đi qua một lần nên anh biết được nơi nào an toàn để đi hết tốc lực và nơi nào cần phải cẩn thận.

Khi về đến cầu dây, Dịch Huyền cởi áo khoác của mình ra, đội lên đầu của Gạo rồi nhanh kéo nó qua cầu.

Không biết là do không nhìn thấy nên không sợ, hay là do đã trải qua một lần rồi nên có kinh nghiệm, hoặc chỉ đơn thuần là vì kẻ yếu sợ hãi kẻ mạnh, lần này Gạo đã qua cầu một cách suôn sẻ.

Dịch Huyền lòng như lửa đốt vội vã chạy về nhà, kéo Gạo ra sông, cứ nhìn về phía thượng du, đợi khoảng mười phút mà vẫn không thấy bóng dáng Hà Điền đâu cả.

Trong lòng anh như có con thú nhỏ cắn xé, cứ tự nhủ sẽ không có chuyện gì, sẽ không có chuyện gì xảy ra cả. Rồi lại nghĩ, lỡ chiếc bè bị rã ra thì sao? Hay là đụng phải bãi đá rồi bị lật bè? Hà Điền sẽ không gặp phải chuyện gì rồi chứ?

Lại đứng ngồi không yên đợi thêm mười phút, trong mơ hồ, anh nhìn thấy một chiếc bè đang trôi đến!

"Hà Điền! Hà Điền!" Anh lập tức bật dậy và chạy xuống bờ sông, Lúa Mì cũng theo anh nhảy xuống bùn bên bờ, sủa gâu gâu.

Hà Điền chống bè gỗ vẫy tay với anh. Hôm nay trời không có gió, cô trôi rất chậm, dọc đường đi gió êm sóng lặng, lúc đi qua vách đá thì chiếc bè bị quay một vòng rồi mắc kẹt giữa hai tảng đá lớn. Phải mất một lúc và tốn một chút sức lực cô mới đi qua được, nhưng cuối cùng cũng không gặp nguy hiểm gì.

Dịch Huyền chạy đến, cười với Hà Điền một lúc, rồi mới chợt nhớ ra, thôi chết, chỗ này không phải là nơi hẹn, họ đã bàn là anh sẽ đợi cô ở khúc sông bên hông nhà, giúp cô kéo gỗ lên.

Anh còn đang không biết phải làm sao thì Hà Điền đã bước xuống bè đứng ở chỗ nước sâu đến đùi, nắm lấy dây thừng đi về phía anh, anh nhanh chóng bước đến đón rồi bắt lấy sợi dây, hai người cùng nhau đi từ từ trong nước, kéo chiếc bè gỗ nặng ngàn cân vào bờ.

Vào đến bờ gần nhà, họ cho Gạo kéo dây thừng, còn hai người thì đứng ở trong nước, mượn sứ nổi đẩy bè lên, sau đó tháo từng khúc gỗ một ra, lăn vào bờ, cưa ra từng khúc, xẻ ra, bỏ vào sọt tre trên lưng Gạo, để nó vác từng chuyến từng chuyến về nhà.

Bận rộn mãi cho đến chín giờ tối mới mang được tất cả bốn khúc gỗ về đến nhà, xếp chúng bên trong kho củi.

Hai người mệt đến nỗi không thèm ăn cơm tối, ăn vội miếng bánh mì khô với uống ngụm nước đun sôi để nguội rồi lăn ra ngủ.

Nửa đêm, Dịch Huyền thức dậy vì đói.

Anh nhẹ nhàng trèo xuống gác và thắp đèn dầu. Anh lấy một miếng thịt muối, dùng dao thái mỏng, châm cỏ khô, nhóm lửa, đun sôi một nồi nước rồi thả thịt muối vào, sau khi nước sôi thì lấy một nắm mì thả vào nồi.

Anh lấy hai cái tô, vớt mì ra, suy nghĩ một lúc rồi cầm đèn dầu ra ruộng rau, ngắt một ít lá khoai lang, về nhà rửa sạch, cho vào nước luộc mì rồi trụng, sau đó đặt lên bề mặt tô mì.

Lúc này Hà Điền vẫn đang ngủ.

Anh trèo lên gác, nhẹ nhàng đẩy cô: "Hà Điền, dậy đi!"

Cô dụi mắt ngồi dậy, ngồi ngây ngốc một lúc mới cười với anh: "Anh nấu cơm hả?"

"Ừ."

"Nấu gì vậy?"

"Món mì thịt sợi rau tươi cực phẩm!" Anh nói một cách nghiêm túc.

"Phì!" Hà Điền vươn vai cười, lại đấm bóp vào vai và cổ: "Vậy thì tôi sẽ vì nể mặt mà ăn một ít mì cực phẩm do anh làm!"

Đêm đã khuya, nhưng trong khu rừng ngoài cửa sổ cũng không hề im ắng, tiếng kêu của côn trùng và động vật ăn đêm hoà vào nhau, tạo nên một khúc nhạc nhẹ nhàng.

Hà Điền và Dịch Huyền mỗi người cầm một cái tô lớn, hì hục ăn mì không hề có một chút hình tượng nào. Lúa Mì thèm thuồng ngồi ở một bên rên rỉ, liếm miệng nhìn hai người chủ chỉ biết ăn một mình.

"Ăn ngon không?" Anh hỏi cô.

Cô nhìn anh: "Ngon lắm."

Dịch Huyền lắc đầu: "Như này thì có gì ngon! Nước dùng của món mì thịt và rau tươi cực phẩm phải được nấu từ sò điệp, xương heo và một con gà trống bốn tháng tuổi, một con gà nguyên con, cà rốt, cần tây và khoai mỡ, để lửa liu riu trong 4-5 tiếng, sau đó vớt gà và rau ra bỏ, chỉ lấy phần nước, như vậy mới ngon. Còn mì tôi nấu thì chỉ dùng nước lả mà thôi!"

Hà Điền phát hiện ra là dạo gần đây Dịch Huyền dường như mắc chứng bệnh ra vẻ "cái này chẳng là gì cả" khi được khen ngợi. Cô cắn môi cười, tiếp tục nghe anh nói về món mì cực phẩm thật sự nên trông như thế nào.

"... Sợi mì là "sợi thiên sứ", có màu trắng, mỗi sợi to chưa đến một mm. Sau khi nhúng với nước dùng hai ba lần thì vớt ra là ăn được ngay."

"Nước dùng và mì thì cũng bình thường thôi, nhưng thịt heo sợi và rau tươi phủ bên trên mới thật sự quan trọng nhất..."

Ngủ một giấc rồi ăn xong no căng bụng, Dịch Huyền và Hà Điền không ngủ được nữa. Hai người họ chỉ đơn giản là nằm trên nệm, lại bắt đầu nói về ăn uống.

Năm nay họ mua rất nhiều bột mì, Hà Điền sợ bột dễ bị ẩm nên đã chế biến thành mì.

Hòa bột mì với nước, thêm chút muối và đường cho vừa ăn, nhào thành bột.

Bột nhào cho mì cần được làm cứng hơn để mì ép ra không dễ bị gãy, vì sợi mì chứa ít nước sẽ dễ khô hơn.

Chia bột thành nhiều phần, cho vào máy ép mì bằng tay, đầu tiên ép thành dây to bằng ngón tay, sau đó ép thành từng lát mỏng, cuối cùng ép thành sợi mì.

Có một số lựa chọn cho máy ép mì, có thể ép sợi mì thành nhiều kích cỡ khác nhau, nhưng đối với loại nhỏ nhất cũng không thể ép thành sợi mì chỉ cỡ một mm được.

Mì ép được treo trên phên tre để phơi, khi khô còn một nửa thì được cất vào thùng gỗ, bảo quản được lâu. Khi nào muốn ăn thì cho vào nước sôi chần qua một lúc. Cũng giống như miến khoai, nó là một loại thực phẩm ăn liền nấu rất nhanh.

Mùa hè là mùa để ăn mì lạnh.

Sợi mì sau khi chín được vớt ra, cho vào chậu nước lạnh vừa lấy từ suối trên núi về, sau đó vớt ra, không hề bị dính vào nhau.

Sau đó hái một trái dưa leo trong vườn về, rửa sạch rồi thái sợi nhỏ, cho lên trên mì, thêm một muỗng tương mè vào trộn đều, chỉ cần ăn như vậy cũng ngon rồi.

Nếu muốn đặc biệt hơn, cũng có thể cho một chút trứng muối vào. Cắt đôi quả trứng đã muối rồi đặt lên trên mì. Lòng đỏ trứng vàng ươm đi kèm với dưa leo thái sợi xanh và mì trắng, nếu cắt một quả cà chua nhỏ cho vào thì trông càng tuyệt hơn nữa.

Còn nếu muốn đặc biệt hơn chút nữa, có thể thêm một muỗng nước sốt thịt.

Cho dù là thịt gà lôi, thịt ức vịt hay thịt thỏ, chỉ cần băm nhỏ rồi trộn với hành tây cắt nhỏ và tương đậu, xào trên chảo, rưới lên mì rồi thêm dưa leo, cà chua và trứng muối, ăn sẽ ngon hơn.

Nói một hồi, hai người lại tiến vào mộng đẹp.