Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 60: Bánh quy hình thú



Mà đã sống lại rồi, vậy thì vẫn phải tiếp tục làm việc.

Cứ đến mùa hè, người dân miền núi, thợ săn và nông dân đều có những công việc làm mãi mà vẫn không thấy xong.

Bọn họ cứ như đang chạy đua với thời gian vậy, bởi vì nếu thu thập đủ thức ăn trước khi mùa đông đến, họ sẽ có nhiều cơ hội sống sót hơn.

Hà Điền và Dịch Huyền dắt theo Lúa Mì, chèo thuyền, thả lưới trên sông, rồi chèo thuyền ra nhánh sông để nâng lồng cá và bẫy nhánh lên.

Có thể là do lần trước họ bỏ xác dế vào lồng cá làm mồi nên một lồng cá bắt được cả chục con, mỗi con lớn bằng lòng bàn tay.

Mang cá về nhà, họ lại chèo thuyền đến những vùng đầm lầy và ao hồ để thu hoạch thức ăn thô xanh và quả mọng.

Sẵn tiện hái luôn lá dâu tằm.

Lúc này không chỉ cần những lá non mềm mà còn cần cả những lá già xanh đậm. Nếu không, "giấy vệ sinh" sẽ sớm hết sạch.

Sau khi lá dâu già được phơi trong bóng râm, lá vẫn mềm, là thứ thay thế tuyệt vời cho giấy vệ sinh.

Một loại lá thích hợp khác là lá thầu dầu.

Cây thầu dầu thấp, sau khi ra hoa sẽ kết một loại quả rất dễ thương, trông giống như một chiếc đèn lồng origami phẳng vậy, với những hạt thầu dầu ẩn trong từng nếp uốn.

Tranh thủ lúc quả còn xanh thì hái xuống, bóc lấy hạt trắng mềm, nhai trong miệng có mùi thơm nhẹ, vị bùi bùi khó tả, hơi giống quả óc chó tươi xắt nhỏ, nhưng lại nhiều nước hơn.

Chúng là một món quà khi tìm lá thầu dầu.

Lá thầu dầu có thể to bằng một cái dĩa nhỏ nhưng loại lá này càng lớn thì lại càng khó dùng, đường gân của lá lớn to nên rất dễ bị rách, lá có kích thước bằng lòng bàn tay là thích hợp nhất.

Nếu không có lá dâu tằm, lá thầu dầu, hoặc là các loại lá thích hợp khác gần nhà, vậy thì cứ mặc sức mà suy nghĩ để tìm ra cách.

Trong nhà vệ sinh của một số người có treo vài mảnh vải với nhiều màu sắc khác nhau, mỗi người một mảnh, sau khi lau thì đem đi rửa sạch sẽ.

Nhà vệ sinh của một số người thậm chí còn mang phong cách cổ điển hơn. Khi mở cửa bước vào, trên tường trong nhà vệ sinh có những mảnh vụn — như là một đoạn tre hoặc một cành cây đánh bóng, thậm chí có người còn treo sợi dây gai dầu.

Nếu muốn đặc biệt hơn, có thể dành thời gian để làm giấy.

Nhà của Hà Điền cũng có một bộ công cụ làm giấy.

Ngâm lá dâu tằm, lá gai, cỏ nhọ nồi, cỏ nhung,... cho đến khi mềm nhũn rồi dùng máy trộn cho thật nhuyễn, sau đó đổ vào một cái chậu lớn, dùng hai khung gỗ kẹp một lớp nan tre đan dạng lưới, hoặc là màn trúc thật nhỏ, nhấn vào trong chậu, lắc qua lắc lại rồi vớt lên, trên nan lưới được phủ một lớp bả lá, gọi là bột giấy, tháo nan lưới và bột giấy ra, sau khi hơi ẩm trong bột giấy chảy ra hết thì nhẹ nhàng tách ra khỏi nan lưới. Bột giấy sau khi khô sẽ trở thành giấy. Để làm cho giấy mềm hơn, canh lúc giấy mới khô khoảng 80% thì đem hơ trên bếp, giấy sẽ trở nên mịn và mềm.

Loại giấy này đương nhiên thấm nước và tiện lợi hơn lá, nhưng làm rất rắc rối, Hà Điền chỉ dùng khi cô đến tháng.

Thực tế thì trong rừng có rất nhiều nguyên liệu làm giấy. Có thể xay tre và các mảnh gỗ nhỏ rồi đun sôi để làm sợi gỗ mềm đi, sau đó đem đi làm giấy. Hoặc cũng có thể bóc vỏ của một số thân cây cũng được. Để tăng độ mềm, có thể thêm một ít bông vải hoặc lá dâu tằm, hoặc cho vào những mảnh vải vụn cũ, lông tơ sẽ giúp giấy mềm hơn, mỏng hơn và thấm hút hơn, nếu muốn giấy có màu thì thêm nước ép hoa, còn nếu muốn đẹp mắt, khi trộn bột giấy cũng có thể thêm cánh hoa vào...

Nhưng những thứ này phải có thời gian rảnh mới làm được. Bởi vì làm giấy rất tốn thời gian.

Bây giờ, họ chỉ cần hái thêm lá dâu tằm là được.

Lá dâu hái về rửa sạch, trải lên một chiếc phên tre lớn, ép chặt cành tre rồi cho vào xưởng gốm để hong khô. Tường di động hai bên được thay bằng cọc tre ngắn hơn, vừa thông thoáng, mát mẻ, lại không có quá nhiều gió thổi lá dâu bay mất.

Những lá dâu tằm khô được gói trong những tờ giấy đã làm trước đó, cho vào hộp gỗ, đặt ở nhiều góc nhà.

Tất nhiên, trong nhà vệ sinh cũng có một hộp.

Cứ mỗi hè là nhà Hà Điền lại phải thực hiện dự án nhà vệ sinh. Thu gom lá dâu tằm và lá thầu dầu chỉ là một phần của dự án này mà thôi, và nó còn là phần dễ dàng nhất.

Vất vả nhất chính là cải tạo nhà vệ sinh.

Đây thật sự không phải là một công việc dễ chịu gì, thế nhưng nhất định phải làm.

Mặt nạ phòng độc đi núi lửa thu lưu huỳnh lại được đưa vào sử dụng.

Nhà vệ sinh của nhà Hà Điền là một cái nhà nhỏ có thể tháo rời, cách làm tương tự như xưởng gốm nhưng vách của nó được làm bằng gỗ, bền và chịu được lạnh. Nhưng vì diện tích của nó nhỏ nên việc tháo lắp cũng không quá tốn công.

Sau khi mái nhà vệ sinh và bốn bức tường được dỡ bỏ, chỉ còn lại một cái bục bằng gỗ úp ngược như hình hộp. Dưới bục có hai chiếc vại gốm được chôn dưới đất, được nối với hai cái thùng trên ván gỗ. Còn có một cánh cửa có thể mở ra ở một bên của bục, thường thì sau khi Hà Điền dọn phân của Gạo xong, cô sẽ mở cái cửa này ra và đổ phân vào vại gốm.

Chỉ cần tháo thùng ngồi ra là có thể tháo toàn bộ phần bục.

Phần bục của bồn cầu cũng là một kết cấu gỗ hình vuông, hai khúc gỗ dài được để nguyên, hai người lần lượt nhấc hai khúc gỗ này lên là có thể nhấc cả chân bục lên một cách dễ dàng, sau đó để sang một bên.

Nếu nhà vệ sinh quá nhỏ, có thể nâng luôn cả mái và bốn bức tường cùng một lúc, chuyển sang một bên.

Kế tiếp, có thể đeo mặt nạ phòng độc vào.

Đầu tiên kéo vại gốm đã thu gom chất lỏng trong một năm từ dưới bồn cầu và nhấc nó lên xe kéo để Gạo kéo đến một bãi đất trống gần vườn rau.

Lúc này, Dịch Huyền mới phát hiện ra rằng nắp của chiếc vại gốm này được làm rất đặc biệt, bên dưới cái nắp nhỏ có một tấm hình tròn giống như một cái nắp lớn. Nhấc phần nắp lớn ra, miệng của vại gốm có kích thước gần bằng với thân vại.

Ban ngày đem phơi nắng, ban đêm thì đậy nắp lại, sau khi phơi một thời gian thì chất lỏng bay hơi hết, thành phần chính của bột còn sót lại dưới đáy bình là nitrat.

Để sản xuất □□, thuộc da, đều cần phải dùng đến nitrat.

Nitrat được chiết xuất theo cách này còn cần phải tiếp tục tinh chế mới có thể tạo ra □□.

Cách khử nitrat của Hà Điền là cắt một củ cải lớn thành từng lát, cho vào thùng sắt đem đun với dung dịch nitrat, củ cải sẽ hấp thụ các tạp chất trong đó, sau khi sôi thì vớt củ cải ra, phơi lại bột cho khô, quá trình thanh lọc hoàn tất.

Còn cách xử lý cái vại gốm để ở dưới bồn cầu thì đơn giản và thô sơ hơn nhiều.

Kéo nó đến sườn núi nơi có đủ loại cành chết, cỏ dại thối rữa, và những đám rau xơ xác, đào một cái hố lớn, lật úp vại gốm lại, dùng cuốc đập vỡ rồi dùng xẻng xúc các mảnh vỡ của vại vào một cái giỏ tre, đem vứt ở bên bờ sông.

Sau khi tất cả các chất trong vại được đổ vào hố, gom tất cả các cành và lá chết xung quanh đẩy hết vào, cuối cùng là phủ đất lên.

Đến cuối thu, tất cả các loại cây trồng trong vườn đều đã thu hoạch xong, lúc xới đất thì có thể đào cái hố này lên, lấy phân bón đã ủ tốt đem bón cho đất.

Năm nay có thêm vịt và thỏ nên cái hố này phải đào to hơn một chút.

Đến thời điểm này, phần khó nhất của công trình nhà vệ sinh đã hoàn thành.

Tiếp theo, đặt một chiếc vại mới vào bồn cầu một lần nữa, sau đó kiểm tra xem phần gỗ trên bục có bị mục nát hay bị côn trùng phá hoại hay không.

Khi xây nhà vệ sinh, bởi vì lo lắng phần gỗ ở phía dưới dễ bị ẩm, vỏ của cả bốn khúc gỗ đều đã được cacbon hóa, giờ chỉ cần tháo một số tấm gỗ trên sàn rồi thay bằng những tấm gỗ mới là được.

Trong số gỗ khô năm nay có không ít gỗ tốt, lúc này vừa vặn lấy ra dùng.

Khi cưa gỗ, mùn cưa rơi ra tỏa một mùi thơm rất nhẹ, đây là giây phút thoải mái nhất từ lúc bắt tay vào làm đến giờ.

Đóng đinh sàn xong, nâng bục lại, đặt trở lại vị trí ban đầu, dùng vồ dập cho phẳng, đặt thùng ngồi đã được làm sạch, lắp mái và tường cả bốn phía vào.

Phần cuối cùng của dự án nhà vệ sinh là làm xà phòng.

Hai nguyên liệu quan trọng nhất để làm xà phòng là dầu mỡ và tro thực vật.

Tro thực vật chứa kiềm, thực chất là kali hydroxit.

Không khó để chiết xuất kali hydroxit từ tro thực vật. Trong kho chứa tro thực vật của nhà Hà Điền có một vật chứa, dưới đáy cùng là một cái lọ có đầu hình phễu. Tro thực vật được cho vào thường xuyên, thêm nước rồi lọc, từ từ chảy xuống đáy. Kết quả có được dung dịch giàu kali hydroxit.

Mỡ, thu được từ con mồi.

Mỡ của ngỗng trời và chim nhạn thì dùng để nấu ăn, còn mỡ của các loài động vật khác thì được lọc và tinh chế, cho vào bình đậy kín, bảo quản trong hầm hoặc nơi thoáng mát.

Từ mùa thu năm ngoái đến giờ, trong nhà tích góp được không ít dầu mỡ, có một số đã bị oxy hóa. Một khi dầu mỡ bị oxy hóa, xà phòng làm ra sẽ có mùi lạ, mặc dù vẫn có thể khử độc, nhưng ai mà thích dùng xà phòng có mùi? Vì vậy cho nên, sau khi dầu mỡ được tinh luyện, cần phải đem làm thành xà phòng càng sớm càng tốt.

Cách làm xà phòng không khó, đặt một thùng sắt lớn trên bãi đất trống, nhóm lửa ở dưới, cho dầu mỡ vào thùng đun chảy, thêm kali hiđroxit chiết xuất từ ​​tro thực vật vào, không ngừng khuấy đều, hoặc là để cho Gạo hỗ trợ, khuấy thêm vài tiếng, dung dịch xà phòng rốt cuộc cũng làm xong.

Tuy nhiên, cường độ của dung môi, thời gian khuấy, chất lượng của dầu mỡ, nhiệt độ trong quá trình đun... đều ảnh hưởng đến chất lượng cuối cùng của xà phòng.

Khi Hà Điền mang dung dịch natri hydroxit ra, cô tìm một củ cà rốt có độ to đồng đều, cắt một đoạn dài năm cm, rồi đặt nó vào dung dịch theo chiều dọc để đánh giá xem cường độ của dung dịch có đúng theo ý của cô hay chưa.

"Nếu như một nửa của cà rốt nổi trên mặt nước, có nghĩa là nồng độ vừa phải." Hà Điền nói với Dịch Huyền.

Dịch Huyền lắc đầu cười: "Không phải quá mê tín sao?"

"Cái này gọi là kinh nghiệm!"

Dù là kinh nghiệm hay là một loại ma thuật nào đó, thì cường độ của dung dịch quả thật vừa phải, dung dịch xà phòng làm rất thành công.

Rửa chén, giặt giũ, dùng nước xà phòng sẽ tiện hơn.

Có thể đổ nước xà phòng vào một ống tre nhỏ, khoét một lỗ hình chữ V trên vành ống tre, đậy nắp lại rồi treo lên thành bồn rửa. Cũng có thể thêm một vòng dây da vào nắp để có thể đậy nắp kín hơn.

Có thể đun sôi lại dung dịch xà phòng đã chuẩn bị, rồi thêm muối vào, nước xà phòng sẽ từ từ đặc lại, sau đó đổ vào khuôn, để qua một ngày là có thể làm thành bánh xà phòng.

Cả nước xà phòng và bánh xà phòng đều có thể được thêm hương liệu, nhưng bánh xà phòng cũng có thể được thêm hoa khô và trái cây khô vào để làm đẹp hơn.

Ví dụ như xà phòng mà Dịch Huyền thích dùng để tắm có thêm cỏ roi ngựa, hoa oải hương và một số loại hoa dại màu tím khác, xà phòng trắng kem có màu tím nhạt, khi dùng có thể nhìn thấy cánh hoa, mùi thơm cũng rất được.

Loại mà Hà Điền thích là bột đậu xám, trông không nhã nhặn, giống như một cục xà phòng đông lạnh có vài đốm đen nhỏ, nhưng sau khi tắm xong, mùi thơm ngào ngạt có thể lưu lại rất lâu.

Nếu thích màu sắc tươi sáng, có thể thêm một ít hoa hồng vào xà phòng, còn nếu thích mùi thơm nhẹ, thì thêm hoa cúc dại và hoa tầm xuân. Loại yêu thích của bà Hà Điền là loại có bột linh sam.

Hà Điền cũng làm một vài cục bằng bột lưu huỳnh. Dùng xà phòng này tắm cho Gạo và Lúa Mì, có thể xua đuổi côn trùng và chữa bệnh ngoài da, đặc biệt là đối với Gạo. Thường xuyên chải lông bằng xà phòng lưu huỳnh có thể giúp nó ngăn ngừa bệnh nấm ngoài da và lúc kiếm ăn trong mấy bụi cỏ không bị rệp cây cắn.

Nếu ngại mùi lưu huỳnh quá khó chịu, vậy thì có thể thêm một ít bột linh sam hoặc bột làm từ lá thông vào, để mùi lưu huỳnh trở nên nhẹ hơn.

Khuôn làm xà phòng cũng được đặt trong xưởng gốm. Bây giờ Dịch Huyền mới biết rằng căn nhà này được thiết kế đặc biệt để phơi nhiều thứ khác nhau vào mùa hè. Tường hai bên được dựng lên và biến thành hai mái hiên, không gian phơi đồ được nhân đôi. Nó thông thoáng, không sợ mưa, chỉ cần hạ tường xuống là có thể che mưa gió.

Khuôn xà phòng được làm bằng gỗ, trông giống như một cái thang nhỏ, mỗi ô có kích thước như nhau, bằng nửa lòng bàn tay. Một phần khác của khuôn là một tấm ván gỗ rộng hơn một chút so với "chiếc thang nhỏ", có đóng đinh tre vào bốn góc, vừa đủ để cố định chiếc thang nhỏ trên tấm gỗ đó.

Dùng cọ nhúng một ít tinh bột khoai tây rồi thoa một lớp mỏng lên khuôn, đặt phẳng, đổ dung dịch xà phòng vào, đợi xà phòng đặc rồi thì lấy ra.

Đầu tiên, tháo tấm ván dưới cùng ra trước. Nếu có xà phòng chưa tách khỏi khuôn, vậy thì dùng một cái vồ nhỏ gõ nhẹ vào, nó sẽ rơi ra.

Xà phòng đã làm xong được đặt trong hộp gỗ chứa đầy dăm bào, có thể bảo quản được lâu. Tuy nhiên, nếu thêm hoa khô, sau một năm, màu sắc của xà phòng sẽ phai dần đi.

Sau một ngày làm việc, nhìn những bánh xà phòng đủ màu sắc, hoa văn đang chờ phơi khô, ký ức về việc phải đeo mặt nạ phòng độc đi chôn phân lúc nãy cũng không còn nữa.

Ngoài những chiếc khuôn xà phòng hình bậc thang nhỏ, Hà Điền còn tìm được một bộ khuôn nhỏ gọn và tinh tế hơn. Chúng được đặt trong một hộp gỗ có kích thước 20 x 20 cm và cao từ hai đến ba cm. Tất cả đều được làm bằng lá sắt mỏng. Cái lớn nhất nhỏ hơn lòng bàn tay một chút và có thể cầm hoàn toàn trong lòng bàn tay. Cái nhỏ nhất thì không lớn hơn lòng đỏ trứng gà.

"Cái này do ông tôi làm, tái chế từ vỏ của hộp sắt." Hà Điền bày khuôn ra. Có rất nhiều hình hoa khác nhau, cũng như sóc, thỏ, chim, ếch, vịt, cáo và các động vật khác.

Đổ dung dịch xà phòng vào hộp gỗ đựng khuôn sắt, sau khi dung dịch lỏng hơi cứng, lần lượt đặt các khuôn sắt lên trên dung dịch xà phòng đã đông đặc, dùng nắp hộp ấn đều xuống, khuôn sắt sẽ cắt vào xà phòng. Sau khi xà phòng hoàn toàn khô thì mở bốn mặt của hộp gỗ, lật úp, gõ vào đáy, những cục xà phòng nhỏ nhiều hình thù sẽ rơi ra, nếu không được thì đeo bao tay da vào, giữ cạnh khuôn sắt, dùng ngón tay cái nhẹ nhàng đẩy xà phòng ra.

Các mảnh vụn có thể được cho lại vào xô xà phòng và đun nóng để làm tan chảy trở lại.

Loại xà phòng nhỏ này có tính thú vị nhiều hơn là tính thực dụng. Tuy nó rất dễ mang theo - Hà Điền và Dịch Huyền đều đeo một túi rơm nhỏ với một cục xà bông nhỏ bên trong, một đầu túi là một sợi dây rơm dài buộc vào thắt lưng - nhưng mà những cục xà phòng nhỏ xinh đẹp đến thế, bỏ ở trong túi cỏ thì có thể nhìn thấy được sao? Mà cho dù có để ở nhà dùng thì các hình hoa và động vật cũng sẽ dần mờ đi sau một vài lần sử dụng.

Nhưng, trong cuộc sống mà không có những điều thú vị này thì còn có ý nghĩa gì nữa?

Dịch Huyền nhìn mấy cục xà phòng hình cánh hoa anh tự làm, có cục có hoa khô màu tím nhạt, có cục như sữa trứng vị bạc hà, màu xanh lá cây nhạt, có cục màu hồng nhạt, có cánh hoa hồng ở các góc.

"Nhìn giống kẹo ghê." Nói xong, anh còn nuốt nước miếng.

Hà Điền lập tức nở nụ cười: "Nhìn anh thèm kìa, để tôi làm cho anh một ít bánh quy."

Sau đó anh mới nhận ra rằng bộ khuôn này thực chất là khuôn làm bánh quy.

Lần này Hà Điền dùng sữa đặc để nhào bột mì, còn hào phóng thêm mỡ ngỗng, đường và mứt hoa hồng.

Lúc này, mứt hoa đã chuyển sang dạng sệt, có độ bóng sáng, hương thơm đậm đà và màu sắc tươi sáng của hoa hồng được bảo quản rất tốt, lúc ăn có vị hơi chát, nhưng đối với Dịch Huyền thì như vậy cũng đã rất ngon rồi.

Bột nhào được một lúc, vo thành khối dày chưa đến 1 cm, dùng khuôn sắt ấn vào khuôn để tạo thành các hình bông hoa và hình thú khác nhau. Nướng trên khay nướng có quét mỡ. Sau mười lăm phút, có ngay một khay bánh quy vàng óng.

Hương thơm của những chiếc bánh quy mới nướng thật không thể cưỡng lại được, vốn dĩ Hà Điền còn muốn rắc thêm một lớp đường lên trên, nhưng Dịch Huyền đã bốc một miếng rồi.

"Ngon quá!" Anh lấy tay che miệng bị bánh quy nóng hổi làm phỏng, thổi rồi tiếp tục cắn bánh quy trong tay: "Thật sự rất ngon."

Những chiếc bánh quy nướng lên tỏa ra mùi thơm của sữa đặc, hoa hồng, béo ngậy; toàn bộ thân bánh vàng óng, được trang trí bằng những cánh hoa hồng, giòn tan, ngọt ngào.

Hà Điền pha hai ly trà lá tre, cùng Dịch Huyền mỗi người một miếng, rốt cuộc ăn hết một dĩa bánh quy.

Sau khi ăn xong, Dịch Huyền thỏa mãn thở dài, còn nói: "Không biết lần sau làm bánh quy cho thêm lòng đỏ trứng muối vào bột thì vị sẽ thế nào nhỉ?"

"Anh còn muốn ăn vị lòng đỏ trứng muối nữa hả?" Hà Điền cười ha ha: "Vừa mới ăn xong một dĩa bánh quy luôn đó."