Đào Lý

Chương 1: Lý Ẩn



Vào độ kinh trập (1) , tuyết tan xuân tới. Lý Ẩn vốn định nhân lúc tiết trời đẹp cưỡi ngựa nhìn ngắm phố phường, chẳng ngờ lại nhận được bái thiếp (2) của tẩu tẩu mình.

Lý Ẩn là Tả Kim Ngô vệ (3) Vân Huy tướng quân, thống lĩnh 60 phủ binh dưới trướng thánh nhân (4), giữ trọng trách bảo vệ kinh thành. Vì vết thương cũ trên người tái phát, được thánh nhân săn sóc, ân chuẩn cho về nhà dưỡng thương, tạm gác lại sự vụ. Lý Ẩn hay tin trưởng tẩu đến tìm thì gác lại chuyện định làm, đến chính viện chờ. Huynh trưởng thân sinh của chàng Lý Hiển là Vệ Quốc Công, lớn hơn Lý Ẩn mười tuổi, vừa là phụ thân vừa là huynh trưởng. Bởi thế mà Lý Ẩn vô cùng tôn trọng trưởng tẩu. 

Hôm nay phu nhân Vệ Quốc Công ghé thăm, chàng cứ tưởng bà đến hỏi thăm thương thế của mình, thế mà hai người vừa chạm mặt nhau, phu nhân Vệ Quốc Công đã mang một vẻ mặt tiều tụy võ vàng, hốc mắt sưng đỏ.

Phu nhân Vệ Quốc Công vừa vào chính viện đã sai gia nhân đem thuốc men lên, quan tâm thương thế Lý Ẩn một chốc rồi nói ý của bản thân: “Nhị đệ, tẩu tẩu gần đây sầu lo vì đứa nghịch tử trong nhà quá, không tìm được chủ ý nào hay nên mới mạo muội đến đây nhờ đệ hỗ trợ thế này.”

Lý Ẩn nghe việc liên quan đến cháu trai mình, thật tình cảm thấy không ngạc nhiên gì cho lắm. Phu thê Vệ Quốc Công dưới gối chỉ có một trai một gái, trưởng nữ đã xuất giá hai năm trước rồi. Nhi tử Lý Tiêm năm nay chỉ mới tròn mười bốn tuổi, trời sinh thông minh, tuy tánh tình ngang bướng nhưng từ trước tới nay vẫn luôn tuân theo lễ giáo phép tắc, không làm ra việc gì khác người. 

Hỏi ra mới biết gần đây Lý Tiềm ham mê hội họa, hai tháng trước có bái một vị nữ tiên sinh làm thầy. Phu nhân Vệ Quốc Công vừa nhắc đến vị nữ tiên sinh kia, có chút nôn nóng hẳn, giọng nói thoáng run rẩy: “……Cũng chỉ trách ta quá thương tên nghịch tử này, nữ tiên sinh đó là tài nữ nức tiếng kinh thành, ông cố là thái phó Thái Tử (5) của tiên hoàng, nàng ta vốn chỉ là người dạy họa kỹ cho danh môn khuê tú trong kinh mà thôi. Nhưng………Nhưng tên nghịch tử này gặp qua nữ tiên sinh kia một lần đã hồn bay phách lạc, nhất quyết phải bái nàng ta làm thầy. Huynh trưởng đệ đương nhiên không ưng thuận, còn trách ta mềm lòng đồng ý cho nó, vẽ đường cho hưu chạy, làm hai kẻ sư đồ……”

Lý Ẩn nghe đến đấy, lòng đã sớm sáng tỏ, Lý Tiềm dù sao cũng đương tuổi thiếu niên, sáng chiều chạm mặt vị nữ tiên sinh kia, chẳng lẽ đã nảy chút lòng riêng vượt lễ giáo rồi à?

Phu nhân Vệ Quốc Công nói đến đây thì cũng im bặt, giống như rất khó mở miệng nói tiếp. Lý Ẩn thấy sắc mặt bà thì chắc mẩm bản thân đã đoán đúng tới tận tám chín phần, cười cười: “Tuổi thiếu niên vốn dễ rung động, Tiềm Nhi còn nhỏ, hiểu không rộng biết không sau, chẳng qua chỉ là nhất thời xúc động mà thôi, tẩu tẩu đừng lo quá.”

“Nó chỉ là nhất thời xúc động à? Dạo gần đây ta phát hiện nó vẽ rất nhiều tranh về nữ tiên sinh đó, cầm đến đối chất với nó, tên nghịch tử thế mà lại nói….lại nói là…..” Phu nhân Vệ Quốc Công hiển nhiên đã nộ khí xung thiên rồi, bà hít một hơi thật sau rồi cả giận nói: “Nó dám nói chẳng phải người ta thì cả đời không cưới!”

Người dân Lý triều thật ra rất phóng khoáng cởi mở, chuyện tư tình nam nữ, thậm chí là kết bái sư đồ đều không phải chuyện lạ gì, nhưng chuyện từ quan hệ sư đồ phát triển lên thành phu thê thì thật sự là làm đảo lộn luân thường, rối loạn kỷ cương.

Lý Ẩn nghe xong nghĩ thầm, việc này có lẽ khá là khó giải quyết, nhưng chỉ cần Lý Tiềm và nữ tiên sinh kia chưa làm ra việc gì vượt khuôn phép, chuyện đã không có người ngoài biết, nếu sau này chịu khó rèn giũa Lý Tiêm chặt hơn một chút nói không chừng có thể cắt đứt cái vọng tưởng này của nó.

“Tiềm Nhi hiện tại sao rồi?”

“Hôm đó ta với nó không vui vẻ gì, ta sai người cấm túc nó rồi có viết thư nói với phía nữ tiên sinh kia đoạn tuyệt quan hệ sư đồ giữa hai người.”

“Tẩu tẩu có từng gặp lại vị kia chăng?”

Phu nhân Vệ Quốc Công lắc đầu, “Ta chỉ gặp mặt nàng ta một lần vào ngày bái sư, nàng ta………quả thật là được trời cao ban phúc cho một vẻ ngoài chẳng thể tuyệt mỹ hơn. Nhưng Tiềm Nhi cũng có nói, nàng ta chưa từng đồng ý với nó chuyện gì, tất cả đều do nó đơn phương thôi.”

Lý Ẩn sau khi nghe xong, nhướng nhẹ mày tỏ vẻ không tin. Ai cũng biết Lý Tiềm vừa sinh ra đã là thế tử Vệ Quốc Công, tư chất thông minh, phong lưu tuấn tú, đừng nói là trong nhà có một vị tỷ tỷ như hoa như ngọc, mỹ nhân cỡ nào mà nó chưa từng gặp? Lý Ẩn không tin nếu nữ tiên sinh kia không lập lờ nước đôi gì đó với Lý Tiềm, thì cớ vì đứa bé ấy lại mê muội đến mức này.

“Tẩu tẩu đừng lo nữa, trước lúc A Huynh về mà con không thể khiến Tiềm Nhi hối cải, ta có thể nghĩ cách tiễn vị nữ tiên sinh kia đến nơi nào đó xa khỏi kinh thành, dẫu sao Tiềm Nhi cũng chả có năng lực tìm người giữa vạn dặm trùng dương.”

Phu nhân Vệ Quốc Công nghĩ tới việc nữ tiên sinh vốn có gốc gác lâu đời ở kinh thành, nếu vì Lý Tiềm mà phải rời đi thì cũng không khỏi nảy sinh cảm giác áy náy. Nhưng lúc bị cấm túc, Lý Tiêm đều năm lần bảy lượt bày kế trốn đi, để vị kia rời khỏi kinh thành cũng là một cách tốt.

“Vậy đành nhờ cậy nhị đệ rồi.” Phu nhân Vệ Quốc Công dứt lời, đứng dậy thi lễ.

Lý Ẩn vội duỗi tay làm tư thế đỡ, hỏi tiếp: “Nữ tiên sinh kia tên họ là chi?”

Phu nhân Vệ Quốc Công thở dài một trận, trả lời: “Đào Hoa.”

Hết 01.
Chú thích:

(1): Tiết Kinh trập là một trong 24 tiết khí của các nước theo nông lịch Á Đông, năm nay bắt đầu từ 5/3 đến 19/3 dương lịch, khi mặt trời ở xích kinh 345°. Tiết Kinh trập là tiết khí thứ ba trong năm âm lịch, tên gọi của nó ám chỉ một thực tế là vạn vật còn đang ngủ đông bỗng bị đánh thức bởi sấm sét mùa xuân và guồng quay Trái đất bắt đầu quay trở lại nhịp sống. 

(2): Thư người xưa (Thường là nhà quan) gửi cho một nhà khác để báo trước việc họ đến thăm gia trang, phủ đệ.

(3): Một chức quan phỏng theo hệ thống chức quan thời Tống, tòng nhị phẩm (gồm Tả và Hữu Kim Ngô vệ)

(4): Cách gọi vua, hoàng đế thời Tống

(5): Thường được gọi là Đế Sư, chịu trách nhiệm dạy học cho Thái Tử – tòng nhị phẩm.