Đát Kỷ Không Phải Họa Quốc Yêu Phi

Chương 1-1: Nhân vật lịch sử



1. Trụ Vương

Đế Tân (chữ Hán: 帝辛), tên thật Tử Thụ (子受) hoặc Tử Thụ Đức (子受德), còn gọi là Thương vương Thụ (商王受), Thương Trụ, Thương Thụ, là vị vua cuối cùng đời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Ông được cho là ở ngôi từ 1154 TCN đến 1123 TCN, hoặc 1075 TCN đến 1046 TCN.

Ông là một vị quân chủ, theo sử sách, rất trọng nông nghiệp, thời kỳ trị vì của ông đánh dấu một xã hội triều Thương cực kỳ phát triển. Nhân đó, ông đã đem quân đi chinh phạt các nơi, đặc biệt là những người Đông Di. Do nhiều năm chinh phạt, tình hình nội trị gặp nhiều mâu thuẫn, đã tạo cơ hội cho Chu Vũ vương Cơ Phát dấy cờ, nhà Thương diệt vong.

Sau khi Đế Tân chết, Chu Vũ vương do muốn làm hình ảnh của ông trở nên xấu xa, đã gọi ông là Trụ Vương (紂王), nghĩa là tàn bạo gian ác. Ông thường cùng Đát Kỷ được mô tả là cặp đôi ác phu phụ, chuyên làm những việc bạo ngược tàn hại sức dân, đặc biệt là trong Phong thần diễn nghĩa, một tác phẩm tiểu thuyết nổi tiếng thời nhà Minh.

Tìm hiểu thêm: Wikipedia- Trụ Vương

2. Đát Kỷ

Đát Kỷ (chữ Hán: 妲己, cũng viết 妲妀; bính âm: Dájǐ), tính Kỷ (己), thị Hữu Tô (有苏), biểu tự Đát (妲), trong nhiều bản dịch Việt Nam hay được phiên âm là Đắc Kỷ, là một nhân vật nổi tiếng trong huyền sử Trung Quốc thời nhà Thương. Bà được biết đến là Vương hậu thứ hai của Đế Tân (tức Trụ Vương), vị quân chủ cuối cùng của nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc.

Hình tượng phổ biến nhất về Đát Kỷ có lẽ là sự tích do hồ ly tinh hóa thành. Trong nhiều câu chuyện cổ đến tiểu thuyết, sân khấu, bà luôn được mô tả là kỹ nữ có nhan sắc yêu kiều làm mê đắm lòng người, thuộc hàng đại mỹ nhân của Trung Hoa. Tuy nhiên, do là yêu tinh và có nhiều hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp làm chết quá nhiều người, nên dân gian thường gọi bà là yêu cơ. Tác phẩm Phong thần diễn nghĩa, một tiểu thuyết phổ biến hình tượng Đát Kỷ nhất, mô tả Đát Kỷ họ Tô, là con gái của Tô Hộ (蘇護), chỉ là người bình thường, nhưng trên đường dâng nạp cho Trụ Vương đã bị hồ ly tinh nhập xác để thực hiện nhiệm vụ của Nữ Oa giao cho làm cho Trụ Vương mê muội và nhà Thương sụp đổ, tạo điều kiện cho nhà Chu thu phục thiên hạ.

Bà cùng với Muội Hỉ nhà Hạ, Bao Tự nhà Chu và Ly Cơ nhà Tấn được xem là [Tứ đại yêu cơ; 四大妖姬], là những ví dụ điển hình của “hồng nhan họa thủy” (紅顏禍始), tức mỹ nhân tuyệt sắc gây đại họa liên lụy đến các quân vương, là nguyên nhân làm sụp đổ triều đại trong văn hóa không chỉ Trung Quốc mà cả các nước đồng văn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Các sách Quốc ngữ, Sử ký và Liệt nữ truyện là những cuốn sách ghi chép sớm nhất về Đát Kỷ theo hiểu biết cổ thư hiện tại. Nguyên lai Đát Kỷ là công chúa của Vua nước Hữu Tô thị, là một chư hầu nhà Thương. Đế Tân chinh phạt Hữu Tô thị, Vua của Hữu Tô Thị đem con gái Đát Kỷ vào hậu cung, sau đó rất được Đế Tân sủng ái. Đế Tân yêu thương Đát Kỷ, nói gì là làm theo, lập làm Vương hậu. Khi ấy, quyền hành của Đát Kỷ rất lớn, chính là vì hễ bà thích ai thì Đế Tân sẽ rất quý trọng người đó, còn ghét ai thì người đó chắc chắn sẽ có kết cuộc thê thảm.

Chính vì say luyến Đát Kỷ, triều Thương thời Đế Tân đã bị diệt vong, Đát Kỷ bị cho là thủ phạm chính khiến triều Thương lừng lẫy hỗn loạn. Tương truyền, trong cung Thương có một nơi dành riêng cho thú vui của Đế Tân, ông thường cùng Đát Kỷ say mê hưởng hết các trò khoái lạc. Họ ra lệnh dùng roi đánh khắp người các con vật thật đau, để hằn lên vết đỏ, rướm máu, rồi mang nướng lên để thưởng thức, đem thịt treo thành rừng, gọi là Nhục lâm (肉林; “rừng thịt”). Nơi này được thiết kế với những hồ nhỏ, Đế Tân cho đổ rượu vào đầy hồ, gọi là Tửu trì (酒池; “ao rượu”), rồi cùng Đát Kỷ và các mỹ nhân xuống tắm rượu. Đế Tân còn cho xây Lộc Đài (鹿臺; “đài hươu”) vuông mỗi bên 3 dặm, cao ngàn thước, quy mô lớn chưa từng thấy, phải dùng đến hàng vạn thợ xây, xây 7 năm mới xong.

Đát Kỷ bất hòa với thân thuộc của Đế Tân là Tỷ Can, vì Tỷ Can luôn khuyên can Đế Tân và chủ trương phế giết Đát Kỷ. Một lần, Tỷ Can không thể chịu được hành vi của Đát Kỷ, khẳng khái trước mặt Đế Tân mà nói:“不脩先生之典法,而用婦言,禍至無日。

“Không nghe theo điển phạm của đời trước, lại chỉ chăm chăm nghe theo ý kiến của một mụ đàn bà, ngày rước họa không còn xa nữa!”

Đế Tân tức giận giết chết Tỷ Can rất tàn khốc bằng cách cho người mổ tim của ông. Vì việc làm tàn bạo, Chu Vũ vương Cơ Phát phát động chính biến, lật đổ Đế Tân. Đát Kỷ trong cơn loạn bị bắt và bị chém đầu thị chúng.

Tìm hiểu thêm: Wikipedia- Đát Kỷ

3. Tỷ Can

Tỷ Can (tiếng Trung: 比干:? –?), họ Tử, thị Tỷ, là một nhà chính trị thời nhà Thương, được hậu thế tôn làm Thần Tài.

Tỷ Can người Mạt Ấp, là hậu duệ Đế Khốc, con trai Thái Đinh và do đó là chú ruột của Đế Tân, được phong ở đất Tỷ (Tỷ Ấp). Tỷ Can từ nhỏ thông tuệ, chăm chỉ, giữ chức Thiếu sư (Tể tướng) nhà Thương.

Theo truyền thuyết và câu chuyện xoay quanh Tỷ Can, ông được biết đến như một trung thần, luôn can gián nên khiến Đế Tân mất lòng. Đặc biệt, Tỷ Can cực kỳ có mâu thuẫn với vợ yêu của Đế Tân là Đát Kỷ.

Một lần, Tỷ Can không thể chịu được hành vi của Đát Kỷ, khẳng khái trước mặt Đế Tân mà nói: Không nghe theo điển phạm của đời trước, lại chỉ chăm chăm nghe theo ý kiến của một mụ đàn bà, ngày rước họa không còn xa nữa Đế Tân tức giận giết chết Tỷ Can rất tàn khốc bằng cách cho người mổ tim ông.

Chu Vũ vương diệt nhà Thương, phong Tỷ Can làm Lũng Thần (壟神), tức Quốc Thần (國神). Thời Xuân Thu, Khổng Tử có lời tán, gọi Vi Tử, Cơ Tử, Tỷ Can là “Ân tam nhân” (殷三仁).

Tìm hiểu thêm: Wikipedia- Tỷ Can

4. Cơ Phát

Chu Vũ Vương (chữ Hán: 周武王, 1110 TCN – 1043 TCN, tên thật là Cơ Phát (姬發), nhật danh là Vũ Đế Nhật Đinh (珷帝日丁), là vị vua sáng lập triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Theo Hạ Thương Chu đoạn đại công trình của các nhà sử học hiện đại Trung Quốc, ông trị vì nước Chu (chư hầu của nhà Thương) trong 14 năm, sau đó lật đổ nhà Thương và làm vua nhà Chu cai trị toàn Trung Quốc từ năm 1046 TCN – 1043 TCN.

Cơ Phát là con thứ hai của Tây bá hầu Cơ Xương, mẹ là Thái Tự (太姒). Người anh cả của Cơ Phát là Bá Ấp Khảo đã mất sớm, tính đến khi trưởng thành Cơ Phát có tám người em cùng mẹ là: Quản Thúc Tiên, Chu Công Đán, Sái Thúc Độ, Thúc Chấn Đạc, Thành Thúc Vũ, Hoắc Thúc Xử (霍叔處), Khang Thúc Phong, Đam Thúc Tái. Trong 10 anh em thì Cơ Phát và Cơ Đán là 2 người giỏi nhất, thường giúp Cơ Xương xử lý công việc.

Chu Vũ vương nổi tiếng trong lịch sử vì đã lật đổ Trụ Vương tàn bạo của nhà Thương, và thành lập triều đại lâu dài nhất của Trung Quốc. Ông cùng Chu Văn vương, Nghiêu, Thuấn, Đại Vũ và Thành Thang thường được Nho giáo học giả nhắc đến như là hình tượng những đại minh quân hiền minh trước thời kỳ Nhà Tần.

Tìm hiểu thêm: Wikipedia- Cơ Phát