Em À, Mình Yêu Nhau Vào Tháng Chín

Chương 50: Cuối năm chuyện xưa xóa bỏ! Phần đời sau, tương lai đáng mong đợi!



Vừa đi tới đầu ngõ, thấy Lâm Dao tay bưng đĩa xoài, tay kia xoa bụng bầu từ trong nhà đi ra đón, hỏi mấy chú cháu chơi gì lâu quá vậy. Cả hai vừa đi vào nhà vừa nói:

- Anh chỉ tụi nhỏ thắt cào cào bằng lá dừa.

- Hèn chi thấy cháu nội dì Nhu cầm mấy con cào cào về, ban đầu còn tưởng nó mua ở đâu chứ.

- Anh cũng có làm cho em nữa!

Nói xong anh buông buồng dừa trên tay xuống đưa tay vào túi quần tay kia chìa ra phía trước.

- Cho anh mượng tay em chút!

Cô không hiểu gì nhưng vẫn vươn tay ra, anh đeo vào ngón tay cô chiếc nhẫn, chiếc vòng tay làm bằng lá dừa.

Lâm Dao ngỡ ngàng ngây người ngắm nhìn chúng khen anh khéo tay, Phương Viên bật cười hỏi cô ấy thích không, cô tủm tỉm cười nói thích.

Anh cúi đầu xuống, thấp đến mức có thể ngửi được mùi hương tỏa ra từ mái tóc dài của cô, gần đến mức lông mi của cô chạm nhẹ vào gò má anh. Giọng nói ôn tồn khẽ cất lên:

- Hôn anh đi! Coi như một phần thưởng!

Lâm Dao cười bẽn lẽn như gái mới về nhà chồng. Rụt rè, thẹn thùng đặt lên môi anh nụ hôn như bướm lướt ngang. Dù là vậy nhưng Phương Viên vẫn mỉm cười hài lòng, anh cúi người xuống cầm buồng dừa nước, tay kia choàng qua eo cô cùng vào nhà. Anh nhìn xuống đĩa xoài cô đang cầm trên tay hỏi:

- Xoài đâu em ăn vậy?

Miệng vừa chóp chép nhai vừa nói cha hái cúng, thấy cô ấy cứ đứng nhìn hoài nên cho luôn một trái. Nói xong cô nhụi đầu vào người anh cười hì hì. Lâm Dao của hiện tại rất thích dựa dẫm vào chồng mình, không còn mạnh mẽ độc lập như lúc trước, đặc biệt là rất thích làm nũng rất thích cười.

Lúc trước mạnh mẽ độc lập chính là vì không tin tưởng anh, cô trở nên mạnh mẽ bởi vì không có được sự quan tâm, bảo vệ che chở khi cần thiết.

Phụ nữ là loại động vật đứng trước tình yêu luôn gặp mạnh biến yếu, nay cô đã có đủ tình yêu và cảm giác an toàn, cô ấy không cần đến tư thế chuẩn bị chiến đấu, không còn mong muốn được đứng ngang hàng với thế giới này, cô ấy mới có thể trở nên cảm tính và dịu dàng.

Lâm Dao cầm miếng xoài nguyên trong đĩa đưa qua hỏi anh ăn không, còn nói xoài ngọt lắm. Anh ấy liếc nhìn miếng xoài trong tay vợ, nửa tin nửa ngờ hỏi lại:

- Xoài này... Ngọt thiệt hả?

Cô gật đầu, ánh mắt trong sáng ngây thơ vô cùng chẳng thấy chút gì là dối lừa.

- Thật! Em nói xạo anh chi? Nãy giờ anh không thấy em vẫn ăn ngon lành hả?

Anh cúi người, ăn một lần hết cả miếng, cô kinh ngạc mở to mắt nhìn theo.

- Ăn ít thôi! Lỡ chua thì sao?

Anh ngẩng đầu nhìn vợ, mới khẳng định không chua mà? Lúc này Phương Viên bắt đầu cảm nhận được độ chua của nó rồi. Xoài non không phải món đồ chua khó nhằn, bởi vị chua gắt đặc trưng, nhưng khi đã thèm, chua thế, chua nữa cũng chẳng xi nhê.

Phương Viên buông tay ra khỏi người cô, quay mặt ra chổ khác nhổ miếng xoài ra, nhìn gương mặt nhăn như khỉ ăn ớt của chồng liền cười phá lên.

- Hahaa, em quên khẩu vị của bà bầu và người thường khác nhau, xin lỗi nha ông xã!

Anh lau miệng quay lại nhìn cô, tay mắm thành hình cú đấm rồi cốc nhẹ vào trán cô.

- Đợi em sinh xong chết với anh!

Cô bước nhanh đi trước, không quên ngoảnh đầu lại thè lưỡi chế nhạo:

- Ùi, chắc em sợ quá.

Ánh mắt Phương Viên đanh lại, vừa nhoẻn miệng cười tay vừa chỉ về phía cô mà không nói gì.

......o0o......

Buổi chiều nhân lúc trời còn chưa tối, mấy chú, bác, mấy cô mấy dì cùng gia đình anh ra ngoài nghĩa địa tảo mộ.

Nhà anh có quy định cụ thể về ngày tảo mộ. Ngày này cũng được ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc để con cháu ở các thế hệ nối tiếp thực hiện, cứ 29 tết hàng năm cả dòng họ trên dưới lớn nhỏ đều sẽ ra khu đất an nghỉ của ông bà tảo mộ.

Lâm Dao tay xách bó hoa lay ơn để cắm làm cảnh tại phần mộ, cha mẹ anh cầm theo giấy tiền vàng bạc, lễ vật, mấy dì mang một bộ tam sinh. Bộ tam sinh là ba loài vật đại diện cho thổ - thủy – thiên, có nghĩa sống trên cạn, dưới nước, trên trời. Và các vật phẩm khác như đèn, hương, giấy ngũ sắc, quần áo giấy, vàng mã, hoa quả tươi.

Còn mấy cậu xách theo quốc, xẻng để sửa sang các ngôi mộ cho sạch cỏ dại và gọn gàng. Đồng thời đắp thêm cho nấm mộ đầy đặn và kiểm tra xem mộ có bị mối xông hay bị đục khoét hay không hoặc mộ có bị ngấm nước hay không. Nếu có cần xử lý ngay, tránh ảnh hưởng tới phong thủy âm trạch.

Mấy người khác lo chỉnh sửa sang lại phần mộ cho gọn gàng, sạch đẹp, còn Lâm Dao theo cha thắp hương. Đây là dịp giới thiệu con dâu, cũng như thành viên mới trong nhà, cầu mong ông bà phù hộ ban phước lành đến cô và đứa con trong bụng, bên cạnh đó ông Điền giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy ra trong một năm với gia đình, dòng họ.

Thắp hương xong ông Điền và cô cùng xếp lễ vật ra, trong lễ vật còn có các vật phẩm khác như: Đèn, hương, giấy ngũ sắc, quần áo giấy, vàng mã, hoa quả tươi.

Bộ lễ vật này để kêu khấn Thổ địa, Thần tài cai quản phần mộ chân linh gia tiên yên nghỉ chứ không phải dâng cúng gia tiên.

Đây là vị thần mà dân gian ta thờ cúng với mong muốn cầu bình an, sung túc cho gia chủ.

Đốt vàng mã, quần áo giấy xong cũng là lúc mọi người dọn dẹp xong phần mộ. Họ xúm lại xếp hàng ngay ngắn theo trật tự vai vế trong nhà cùng nhau thắp hương bái lạy tổ tiên trước khi về.

Đây là cảm giác lắng lại trong chiều cuối năm cùng những ngôi mộ của ông bà, tổ tiên nơi nghĩa địa. Thắp nén nhang thơm, đứng giữa đất trời, nhắm mắt cảm nhận từ trong tiềm thức bao la, mơ hồ như có rất nhiều lời rì rầm vọng lại, gửi gắm lòng tin, khích lệ, động viên cho những hành trình mang hình hài của nhân nghĩa và yêu thương mà mình đã và đang tiếp bước...

......o0o......

Sáng sớm 29 bà Diệp đã tranh thủ ra chợ mua sắm đồ đạc mới trong nhà, mua sẳn rau củ chay, mặn để sáng 30 nấu sớm kịp cho bữa trưa rước ông bà về dùng cơm năm mới.

Buổi sáng ba mươi khá nhộn nhịp, mấy cô chú trong nhà xúm lại phụ bà Diệp làm cơm cúng kiến, Phương Điền, Phương Viên dọn bàn, trải khăn chuẩn bị lên mâm. Xong họ ra sau vườn cắt mấy tàu lá chuối để chiều bà Diệp gói bánh tét. Lâm Dao dưới bếp ngồi lao chén, đũa để xếp thức ăn vào. Mọi người nói cười rơm rả, không khí sôi nổi, vui vẻ góp sức một chân một tay vào, đây mới là không khí ngày tết.

Tới trưa cúng kiến gia tiên xong, mọi người bái lạy, đốt giấy tiền rồi vào bàn. Mọi người ngồi có tôn ti trật tự, chia làm ba thế hệ, ba bàn khác nhau, không phân biệt nam nữ.

......o0o......

Tới chiều cô cậu trong nhà về hết chỉ còn lại gia đình bốn người. Phương Điền chuẩn bị một chiếc nồi lớn, Phương Viên kê ba viên gạch giữa sân nhà, đi loanh quanh tìm củi khô chất thành đống rồi bẻ nhỏ ra xếp lại đặt vào khoảng trống giữa ba viên gạch.

Trong lúc hai cha con chuẩn bị, An Diệp bên trong rinh mấy thao nếp thao đậu ra ngoài, Lâm Dao phụ chồng trải tấm chiếu ngoài sân để mọi người ngồi, thấy vợ bưng nặng Phương Điền chạy tới phụ một tay, An Diệp thấy Phương Viên đứng không liền sai xuống bếp lấy dùm bà xấp lá chuối với bó lạt lên, chưa kịp lau mồ hôi phải chạy vặt nữa rồi. Thôi kệ cũng vui mà, hiếm khi lại tất bật như này, một năm mới có một lần.

Bài biện bố trí đủ dụng cụ rồi, An Diệp, Phương Điền ngồi xuống trước, bắt đầu gói bánh, Lâm Dao, Phương Viên vào trong tắm rửa sạch sẽ.

Khoảng 18.30 phút tối đèn ngoài sân bật lên sáng rực, bốn người ngồi xuống quây quần cùng nhau gói bánh tét. Bà Diệp tỉ mỉ chỉ dạy hai người cách gói.

Tết đến, nồi bánh tét có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhà nào có nồi bánh to, đồng nghĩa với việc gia đình ăn Tết to, nồi bánh nhỏ thì gia đình năm ấy ăn Tết nhỏ.

Tết này mẹ vẫn làm bánh, cuộc sống ngày nay đủ đầy hơn xưa, bánh tét được ăn quanh năm thay vì chỉ ăn ngày Tết như trước. Vì vậy, nhiều gia đình không còn duy trì thói quen gói bánh chưng như xưa nữa. Thay vào đó, họ có thể mua 1-2 chiếc bánh về thắp hương cho đỡ phiền phức.

Nhưng với gia đình Phương Viên, việc gói bánh vào chiều 30 Tết vẫn được cha mẹ anh duy trì đều đặn. Bà Diệp không chỉ gói để cả nhà ăn, để đãi khách, mà còn gói để mang biếu, mang tặng những người thân của mình, gói để dành khi nào anh thì về mang theo lên thành phố làm quà.

Với anh, chiếc bánh tét mẹ làm vẫn ngon và đậm đà nhất, bởi nó chứa đựng tình yêu thương của mẹ dành cho con cháu.

Gói xong nồi bánh tét đã là 22.00 giờ đêm. Bình thường tầm ấy, mọi gia đình đã bắt đầu giục trẻ con đi ngủ để mai còn đến trường.

Nhưng riêng đêm 30 Tết, dưới quê mọi nhà đều sáng đèn, tiếng cười nói, tiếng xoong nồi, bát đĩa va vào nhau "Loảng xoảng", tạo nên những âm thanh thật rộn ràng, nhưng cũng thật ấm áp, thân thuộc.

Quanh nồi bánh chưng đêm đó, rất nhiều câu chuyện vui, gia đình họ cũng lâu rồi, chưa từng ngồi lại tâm bình, khí hòa trò chuyện như bây giờ để tìm về không khí ấm cúng của thứ gọi là Tết xưa. Không cần làm gì nhiều, chỉ cần ngồi bên nhau, có lẽ vậy cũng đủ.

Tiếng pháo hoa đêm giao thừa nổ bung trong gió lạnh khắp trời, nồi bánh chưng đun sôi sùng sục. Phương Viên như được tìm lại cảm giác ấm yên dưới mái nhà sau tháng ngày bôn ba đi tìm mình trong giấc mơ thị thành cất cánh.

......o0o......

Sáng mùng một hai vợ chồng được ngủ nướng, không cần hẹn giờ báo thức như mọi ngày ở phố. Một giấc ngủ trong hơi thở tinh khôi của ngày đầu năm, không vướng bận, vội vàng, mệt mỏi.

Ăn bữa cơm đầu năm bên mẹ bên cha, trong nồng nàn những ca khúc chào xuân vang lên từ tivi không ngớt... rồi từ ngôi chùa nhỏ gần nhà mang lộc trở về, tự xông đất rồi mỉm cười cầu mong một năm mới thật nhiều an vui cho những người mình yêu thương và trân quý.

Mỉm cười rút đôi phong bao lì xì đỏ hồng hai tay trao tặng tới những người đã có công sinh thành, dưỡng dục nên họ. Thầm cảm ơn đất trời vì vẫn còn may mắn giữ được niềm hạnh phúc này trên tay. Phương Viên đem chiếc túi xách lúc trước đặt trên mạng tặng cho mẹ làm quà năm mới, tặng cha vài bộ quần áo ngắn tay mà ông thích, lì xì cho mấy đứa nhỏ lấy lộc.

Gia đình bắt đầu đón những người họ hàng đầu tiên ghé thăm nhà, cười cười nói nói, ánh mắt ai cũng rạng ngời như màu áo mới trẻ thơ...

Những khúc hát mùa xuân tưng bừng được bật lên suốt cả ngày dài càng kích thích tâm hồn con người hồi Xuân. Bên bàn, trà nóng khói nghi ngút cùng với những bánh kẹo lấp lánh màu sắc rực.

Cha mẹ ngồi quây quần nói chuyện say sưa, mấy đứa cháu trong nhà xúng xính quần áo mới, vui mừng khi nhận được những lì xì tươi thắm, thích thú với những bánh ngon kẹo ngọt và những chùm bóng bay đủ màu sắc sặc sỡ.

......o0o......

Khắp phố phường chăng đèn kết hoa rực rỡ. Màu đỏ cờ của quốc kỳ, màu đỏ thắm của những câu chúc, câu đối, màu đỏ hồng của hoa đào,… hòa vào muôn sắc áo tươi sáng, lộng lẫy.

Đường phố tấp nập người xe đi, trên khuôn mặt ai cũng sáng bừng, vui tươi. Họ nói với nhau những điều dự định trong năm mới, khoe nhau những bộ quần áo đẹp mới mua, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui, chúc mừng nhau, trao nhau những món quà, những cái ôm, những cái bắt tay nồng thắm.

Không màu mè son phấn, mà mộc mạc như bông lúa vàng thơm bên đường năm tháng... Phương Viên ôm Lâm Dao vào lòng, đầu cô tựa vào ngực anh mường tượng về một năm phía trước mình sắp đi tới, trong ý niệm tự phát nên những nét vẽ của tình yêu, niềm tin, tô lên những sắc màu của an nhiên.

Phương Viên xoa bụng cô, miệng cười tủm tỉm, anh rất trông chờ ngày con mình chào đời, vợ chồng họ không quan trọng bé trai hay gái, chỉ mong con phát triển lớn khôn và hạnh phúc.

Thời gian bầu bì luôn có chồng bên cạnh quan tâm, chăm sóc, bụng cô ngày một to, cũng là lúc các hoạt động sinh hoạt bình thường càng khó khăn hơn, không cúi được người nên tuần vài lần Phương Viên lại ân cần tự mình gội đầu cho vợ, rồi lau tóc đến khi khô, có lần cô ấy nói với chồng "Cực cho anh quá." Anh mỉm cười nói "Vợ anh, con anh có gì khổ?".

Từ đầu đến cuối đều là nắng!

Đi qua mưa giông mùa Hạ, đi qua cơn lạnh buốt mùa Đông, cuối cùng mới có thể đạt được sự ấm áp của mùa Xuân.

......o0o......

Lâm Dao về nhà chồng từ hôm 29 đến mùng 3 tết để lo vun vén cho gia đình chồng. Và rồi mùng 4 đi thăm quê ngoại, lần đầu tiên anh làm quen với điều này khá khó khăn. Hai vợ chồng phải dậy từ 05.00 giờ sáng! Sau một quãng đường dài họ mới tới nơi, đó là quê vợ anh: Đà Nẵng.

Lần đầu tiên Phương Viên được làm quen với rất nhiều họ hàng, cũng giống như nhà anh, những ngày tiếp theo bận rộn không kém, không có phút nào để nghỉ cả. Cùng với mẹ vợ, vợ, họ đi thăm tất cả hàng xóm. Hàng xóm ở đây không phải là những người sống sát ngay cạnh nhà mình, mà bao gồm cả các cô bác sống cách mấy con đường, có khi cách đến mấy kilômet.

Đi bộ từ nhà này sang nhà khác là điều khá đơn giản, nhưng ở nhà nào cũng được ăn, đặc biệt là chúc rượu thì quả thật là khó khăn với bất kỳ dạ dày của ai.

Dĩ nhiên, một ngày tết chưa kết thúc vào lúc đó, về nhà rồi lại có khách, lại có nhiều người nữa đến thăm!

Ông Lâm Thành và bà Lam Khuê cũng rất vui vì anh chịu về nhà vợ đón tết cùng, Lâm Thành nói vợ kéo thịt gà, chuẩn bị một số món ăn ngon thết đãi con rễ, rồi ngồi lai rai vài ba chén rượu với cha vợ.

Bà Khuê kéo tay con gái xuống bếp, vừa chuẩn bị đồ ăn vừa to nhỏ hỏi chuyện riêng của vợ chồng, bà hỏi xem con gái bên kia sống tốt không, ăn tết ở nhà chồng có vui không? Họ hàng nhà chồng đông không? Đặt biệt dành sự quan tâm cho đứa con trong bụng Lâm Dao, bà vui vẻ khi biết cô gần đến ngày sinh, vậy là sắp được lên chức bà ngoại rồi.

Gã con gái gần một năm rồi, nhưng chưa ngày nào bà không lo lắng cho đứa con gái này, biết sao được, nhà chỉ có một mình cô là con, là đứa con gái mà bà thương yêu nhất, bao nhiêu phần tốt đẹp đều nhường cho con.