Hai Người Ba Bữa

Chương 12: Kem que



Tạ Hoè An đi công tác, con gái rảnh rỗi, kéo tôi video call với Tạ Hoè An bên kia đại dương.

Tạ Hoè An không nói nhiều, bình thường đều là tôi và con gái nói, anh chỉ ngồi trước camera làm việc của mình, thi thoảng chen vào vài câu.

Hàn huyên rất lâu, con gái đột nhiên hỏi về thời thanh xuân của chúng tôi, hỏi khi ấy đã từng làm chuyện gì kinh thiên động địa chưa.

Tôi không nghĩ bản thân mình có dính dáng gì tới chữ “kinh thiên động địa” này, đang định nói không thì Tạ Hoè An đột nhiên ngẩng đầu lên nhìn ống kính nói, trước kia mẹ con là một người cực kỳ ngầu, rất nghĩa khí, nhiều bạn bè, đến cả thủ lĩnh trong băng nhóm xã hội nhỏ ở thành phố cũng phải theo đuổi bà ấy.

Đúng là tôi có rất nhiều bạn bè, nhưng cũng đều là bạn của Tạ Hoè An, trong đó không hề có ai là thủ lĩnh băng nhóm xã hội gì hết, tôi đang nghi ngờ không biết Tạ Hoè An nhặt được câu chuyện này ở đâu thì đột nhiên con gái nói: “Cha, cha ghen đấy à, con ngửi thấy mùi chua rồi nhé!”

Hả? Lúc này tôi mới chợt hiểu ra rồi thốt lên: “Anh đang nói Uông Dương đấy à?”

Tạ Hoè An nhìn vào ống kính: “Em nhìn đi, còn nhớ người ta kìa!”

Tôi vừa bực vừa buồn cười, vội quay sang giải thích với con gái: “Ông ấy đang nói chú Uông Dương của con đấy.” Sau đó lại quay sang nói với Tạ Hoè An: “Tạ Hoè An, sao anh ấu trĩ thế cơ chứ!”

Con gái ngạc nhiên nói: “Trước đây chú Uông Dương còn từng lăn lộn trong xã hội nhỏ nữa cơ à?”

Nó ngạc nhiên cũng đúng, giờ Uông Dương đang làm trong Cục hàng không, lần gần đây nhất con gái gặp anh ta đã là vài năm trước, anh ta đến thành phố Giang để tham dự một hội nghị, tiện thể đến thăm tôi với Tạ Hoè An luôn.

Lúc bước ra khỏi hội trường, anh ta vẫn chưa kịp thay đồ, mặc một bộ âu phục thẳng thớm, tóc tai chải chuốt tỉ mỉ. Khi ấy con gái đang học trung học, trong cõi lòng đầy ắp sự ngây thơ và lãng mạn, thấy Uông Dương bèn lén hỏi tôi bộ có Tổng tài nào trong truyện tiểu thuyết chạy đến nhà mình à.

Hình tượng của Uông Dương như thế, đúng là khó liên hệ tới hình tượng tiểu lưu manh xã hội đen thật.

Tôi cười: “Đừng có trông mặt mà bắt hình dong, trước kia chú Uông của con hư đốn lắm!”

“Bad boy và cha con cùng theo đuổi mẹ, đây chẳng phải là tình tiết điển hình trong tiểu thuyết tình cảm đấy sao, mẹ, mau kể con nghe đi!” Con gái rất hưng phấn.

Tôi vội giải thích: “Đó là cha con nói mò thôi, tự ông ấy băn khoăn thì có.” Lại hỏi Tạ Hoè An có muốn nói gì không.

Tạ Hoè An: “Nói gì, dù sao kết quả đã rõ rành rành rồi mà.”

Từ trước tới giờ anh vẫn luôn bình tĩnh, chưa bao giờ nôn nóng chứng tỏ điều gì, thực sự khiến người ta phải bật cười.



Câu chuyện đó bắt đầu từ khi tôi tốt nghiệp trung học.

Mùa hè năm 1987, bộ phim “Thiến Nữ U Hồn” do Trương Quốc Vinh và Vương Tổ Hiền đóng chính hot trên cả nước, khắp phố lớn ngõ nhỏ đều có thể nghe thấy nhạc phim của bộ phim này.

Năm đó Trầm Hạ anh tôi thi đậu vào một trường Đại học trọng điểm ở phương Bắc, phải ngồi xe lửa hơn hai mươi mấy tiếng để đi học. Mẹ tôi cực kỳ vui vẻ, lấy tiền tích cóp ra mua cho anh ấy thêm rất nhiều đồ dùng, tôi cũng nghiễm nhiên được thừa kế cái cặp da của anh ấy.

Còn nhớ lúc anh ấy đưa cái cặp cho tôi vẻ mặt cực kỳ đắc ý: “Em gái, đây là cặp Trạng nguyên thành phố từng đeo đó, phải học hành cho đàng hoàng vào nhé!”

Thời đó chất lượng mọi thứ đều rất tốt, cái cặp này là quà sinh nhật do một người chú phương xa tặng cho anh ấy, mấy năm nay dãi nắng dầm mưa trong tay Trầm Hạ, trừ viền hơi sứt da ra thì nhìn thoáng qua vẫn mới vô cùng.

Tiếc là lúc đó thẩm mỹ của tôi đã được nâng cao, thấy cái cặp da này vừa nặng vừa nát, không hề thích hợp với con gái chút nào. Tất nhiên tôi cũng biết rõ mẹ sẽ chẳng thể nào mua cho tôi một cái cặp mới.

Lần nào tôi nhắc chuyện liên quan tới tiền bạc với bà ấy thì bà ấy lại ca bài ca khi nào con thi được như anh con rồi hãy yêu cầu lại.

Chưa kể trường chúng tôi còn có Tạ Hoè An, một sự tồn tại đáng sợ, cũng giống như anh tôi vậy, nếu muốn so với anh thì là không biết tự lượng sức mình rồi.

Anh ấy thường xuyên tụ tập với đám bạn của mình để chơi bida trong thành phố, rạp chiếu phim, có vài lần tôi đi trên đường với bạn học còn đụng mặt anh đang trốn trong hẻm hút thuốc, nhìn thấy tôi, anh ấy còn chạy tới uy hiếp tôi, nếu tôi nói cho cha mẹ biết thì chết chắc… Anh ấy là thế đấy, mỗi lần tới kỳ thi chỉ cần lật vài trang sách ra, thế mà điểm thi không bao giờ giảm cả.

Còn tôi, trong suốt cả năm học lớp 9, hầu như ngày nào cũng bị Tạ Hoè An kéo dậy sớm ngủ trễ, học hành chăm chỉ, kết quả, nếu không phải nhờ lần đi thi viết văn kia kéo thêm điểm thì e là tôi còn chẳng lên được trường trung học số 1 thành phố.

Còn nhớ một ngày cuối tuần năm tôi học lớp 9, anh tôi được cha giao cho việc dạy kèm toán cho tôi, anh ấy giải bài toán 2 – 3 lần là ra, quy trình còn đơn giản hơn cả câu trả lời cuối sách bài tập, đầu óc tôi thì mơ hồ, anh thiếu kiên nhẫn nên mắng tôi là óc heo. Đúng lúc Tạ Hoè An sang, tôi không phục nên vội viết ra cho anh xem, hỏi anh có hiểu hay không. Tạ Hoè An nhìn lướt qua rồi gật đầu.

Lúc đó suýt chút nữa tôi đã nghi ngờ mình bị thiểu năng rồi, mãi đến khi Tần Mai Chi xuất hiện. Cô ấy nhìn phân tích của anh tôi, bối rối nói: “Thẩm Thu Bạch, bà làm toán cấp 3 của anh bà làm gì vậy?”

Đây rõ ràng là bài tập về nhà của giáo viên bọn tôi giao mà, rõ ràng cô ấy còn chẳng buồn xem nữa.

Lúc này tôi như có được sự an ủi, hoá ra tôi là người bình thường, còn Tạ Hoè An và Trầm Hạ không phải là người nữa rồi!

Có đôi khi tôi còn hoài nghi rằng mình với Trầm Hạ không phải là cùng một cha một mẹ sinh ra. Sau này có hôm tôi nhìn thấy mẹ tôi cầm hoá đơn mười mấy đồng mà nửa ngày vẫn không tính ra được, sau đó cha tôi nhìn lướt qua đã nói ra đáp án, tôi mới bừng tỉnh: Hoá ra gen của hai chúng tôi được phân bố như thế!

Khi ấy vì để ăn mừng anh tôi lên đại học, cha tôi bày mấy bàn tiệc rượu trong hẻm, mời hàng xóm tới ăn cơm.

Trên bàn cơm, mọi người đều không ngớt lời khen anh tôi, nói sau này cha mẹ tôi chuẩn bị hưởng phúc rồi.

Vừa nghĩ tới cảnh cha mẹ không trông cậy gì được vào mình, tôi cảm thấy khó chịu vô cùng.

Tôi vốn định trốn sang nhà Tạ Hoà An cùng với Tần Mai Chi xem video, kết quả  bị mẹ bắt gặp, sai tôi đi tới cửa hàng nhỏ ngoài hẻm để mua 1 bình rượu mang về.

Tôi định nói sao không sai anh tôi đi, nhưng thấy anh ấy đang ngồi cười toe toét với người lớn trên bàn rượu thì không dám hó hé gì nữa. Mẹ tôi chắc chắn sẽ lại so sánh tôi với anh ấy. Tôi cần gì phải tự rước nhục vào thân chứ.

Tôi tủi thân nhận tiền, xách bình rượu đi ra ngoài.

Đi tới đầu hẻm, tôi không khỏi ngoái đầu lại nhìn, đúng lúc có một người thân không biết mượn được máy ảnh ở đâu đang chụp ảnh cho cha mẹ và anh tôi.

Cha mẹ để anh tôi đứng giữa, dưới ánh nắng chan hoà, tất cả mọi người trên bàn rượu đều nói cười, 3 người họ cũng cười, tôi đứng ở đầu hẻm ngu ngốc xách bình rượu, cảm thấy bản thân không phải  người chung thế giới với họ.

Nước mắt cứ thế không ngừng chảy xuống.

Tôi cứ chạy dọc theo con hẻm nhỏ, và rồi trông thấy Uông Dương ở một góc khuất.

Cậu ấy mặc một bộ quần áo làm từ sợi tổng hợp, đứng tựa bên tường, cổ áo phanh ra tới gần bụng, mái tóc ngắn đến mức có thể trông thấy cả da đầu, làn da ngăm đen, đôi mắt sáng rỡ, thoạt nhìn chẳng phải người hiền lành gì cho cam.

Tôi nghĩ đến đám lưu manh chuyên bắt chẹt người trong hẻm nhỏ nên xoay người bỏ chạy.

Cậu ấy phát hiện ra tôi nên cũng lập tức đuổi theo.

Cậu ấy cao ráo chân dài, sao tôi có thể là đối thủ được, chạy chưa bao lâu đã bị cậu ấy chặn lại trong hẻm.

Tôi dựa lưng vào tường, một tay nắm chặt số tiền mà mẹ đưa cho để mua rượu, một tay cầm bình rượu đưa về phía cậu ấy.

Khi ấy tôi nghĩ trong mắt cha mẹ mình đã là một đứa trẻ vô dụng rồi, nếu giờ đến cả mua rượu cũng không làm được thì chẳng phải sẽ lại càng bị xem thường sao.

Nhất định phải liều mạng!!!

Có lẽ vì nét mặt tôi quá đáng sợ nên cậu ấy dừng lại gần đó rồi nhìn tôi, sau đó đột nhiên cười rộ lên nói: “Em đi mua rượu à? Tiệm tạp hoá bên kia kìa, em chạy cái gì?”

Tôi nói: “Anh đừng qua đây!”

Cậu ấy cài cúc áo lại rồi hỏi: “Tôi đáng sợ thế à?”

Tôi mím môi, cảnh giác nhìn cậu ấy.

Cậu ấy thiếu kiên nhẫn xua tay: “Đi đi, đi đi, ai thèm chút tiền đó của em chứ, nhanh đi đi.”

Tôi không biết cậu ấy đang nói thật hay nói dối, vẫn dựa vào tường mà nhích người đi. Một lúc lâu sau mới đi được tới đầu hẻm, tôi xoay người chạy, còn chưa chạy được mấy bước thì bả vai đã bị túm chặt, trực tiếp bị kéo về.

Tôi thầm nghĩ quả nhiên cậu ấy đã nói dối, bắt đầu giơ bình rượu lên đập loạn xạ.

Bình rượu đó làm bằng nhựa, không có bao nhiêu tính công kích nhưng vẫn đập vào đầu cậu ấy vẫn vang lên một tiếng rất kêu.

Rõ ràng là cậu ấy không ngờ tôi ra tay thật nên hơi giật mình.

Lúc tôi đang muốn ra tay tiếp thì phía sau có một giọng nói vang lên: “Ê Uông Dương, mày suốt ngày phá hư chuyện tốt của anh em, thế mà hôm nay lại trắng trợn cướp đoạt dân nữ một mình thế à?”

Tôi quay đầu lại, vừa nhìn đã nhận ra đám trước mặt chính là đám nam sinh đã từng bắt chẹt và cướp đồ đi câu của chúng tôi thời cấp 2!

Tôi còn đang nghĩ về ý của đám người đó thì Uông Dương đã đưa tay kéo tôi ra sau mình.

Cậu ấy bước tới phía trước nói với đám người đó: “Tao nghe nói hôm nay tụi mày lại lang thang trong con hẻm này, sao, sợ lần trước đánh chưa đủ à?”

Thời đó chuyện hot không chỉ có mỗi trên TV, thấy cảnh tượng trước mắt, tôi lập tức nghĩ họ đang gây chuyện với nhau.

Vốn tưởng họ sẽ đánh nhau, ai ngờ đám người kia nghe Uông Dương nói xong thì cười gượng rồi nói: “Nào, bọn tao chỉ tới mua kem que thôi, mày cứ tiếp tục cướp em gái nhỏ của mày đi.”

Nói xong, cả đám người nhìn tôi rồi bỏ đi.

Cậu ấy chỉ ra tay một chút mà đã đuổi được đám lưu manh khủng bố chúng tôi những 3 năm trời ư?

Thật không thể tưởng tượng khả năng của cậu ấy như thế nào, tôi nghĩ mình đã đụng phải một nhân vật cực kỳ lợi hại rồi, xong đời rồi.

Nào ngờ đám người kia vừa đi, cậu ấy quay đầu nói với tôi: “Giờ có thể đi rồi đấy.”

Tôi tưởng cậu ấy lại muốn trêu chọc mình nên đứng đó một lúc lâu.

Cậu ấy thấy tôi không nhúc nhích liền lộ ra nụ cười gian xảo: “Sao thế, không nỡ à?”

Nói năng ngọt xớt vậy! Tôi lườm cậu ấy một cái rồi xoay người chạy đi. Lần này cậu ấy thật sự không đuổi theo nữa.

Mua rượu xong, tôi định đi đường vòng thì lại đụng phải cậu ấy ở cửa.

Lần này quần áo đã gọn gàng, dưới ánh nắng, trông cậu ấy cũng là một người ưa nhìn ra phết.

“Em gái!” Cậu ấy gọi tôi, sau đó bước tới rồi đặt thứ gì đó lên mặt tôi, một cảm giác lạnh buốt khiến tôi giật bắn người.

Cậu ấy cười ha hả. Tôi nhìn sang, phát hiện trong tay cậu ấy là một que kem.

Một que kem đậu xanh.

Cậu ấy đưa que kem tới trước mặt tôi rồi nói: “Cho em.”

Tôi không nhận.

“Cầm đi, nếu không nhận tôi đánh em đấy!” Cậu ấy nói.

Đánh con gái á? Anh hùng hảo hán gì mà lại thế chứ! Trong lòng tôi thầm tức giận nhưng vẫn tủi thân nhận lấy que kem.

“Ăn đi!” Cậu ấy trông rất độc đoán.

Tôi ngoan ngoãn nghe lời, lần đầu tiên cảm thấy kem que đậu xanh khó ăn tới vậy.

Cậu ấy để ý tới nét mặt của tôi, lại cười phá lên nói: “Nhát gan vậy à? Lúc nãy còn cầm bình rượu đánh tôi cơ mà?”

Tôi không thèm để ý tới anh ấy, sải chân bước về nhà.

Cậu ấy nói: “Lối này này, gần hơn một chút đấy.”

Dường như cậu ấy biết rõ tôi đang đi đâu.

Thấy tôi nghi ngờ, cậu ấy nói: “Hầy, ai mà không biết trạng nguyên thành phố mời tiệc rượu chứ.”

“Anh quen anh tôi à?” Tôi nghĩ cậu ấy là bạn của anh tôi.

Cậu ấy lắc đầu: “Không quen, năm nay tôi mới học lớp 10 thôi!”

Tôi ồ lên một tiếng, vì không bị nắng chiếu, hoặc vì thật sự nhận thấy cậu ấy không phải người xấu nên vẫn lùi vào trong hẻm.

Anh ấy đi bên cạnh cách tôi một đoạn rồi nói: “Tôi còn phải về nhà, em gái, sau này nếu đụng phải đám người kia thì cứ báo tên tôi, Uông Dương, chúng sẽ không dám bắt nạt bà nữa.”

Tôi nói: “Ông thật sự không phải là người xấu à?”

Cậu ấy cười toe toét nói: “Nói vậy cũng được!”

Tôi nói: “Cảm ơn nhé.”

“Cũng chẳng phải người tốt, cảm ơn cái gì chứ?” Cậu ấy nói xong liền biến mất trong nháy mắt ở đầu hẻm.

Đó là cảnh tượng tôi gặp Uông Dương lần đầu tiên.

Cha mẹ của cậu ấy là lao động nhập cư, giao cậu ấy cho ông nội chăm sóc, mắt và tai của ông nội đều không tốt, cậu ấy cơ bản là trong trạng thái buông thả, lâu ngày lưu lạc trong những con hẻm của thành phố, tự xưng là đại hiệp trong hẻm, đánh nhau thừa sống thiếu chết, chuyên dạy dỗ đám học sinh lưu manh thích bắt chẹt kia.

Vì thế cũng có thể xem như là một người tốt.