Hai Người Ba Bữa

Chương 14: Song bì nãi



(trứng hấp sữa có hai tầng váng sữa)

Chúng tôi đứng trong con ngõ giữa 2 bức tường gạch, ngói xanh trên đầu tường đúng lúc chặn lại cơn mưa xối xả bên ngoài. Trong ngõ hẹp, tôi có thể cảm nhận được hơi nước đang bốc lên.

Rõ ràng hơi nước mùa đông là lạnh, thế mà tôi lại cảm thấy ấm áp đến kỳ lạ. Tôi chưa bao giờ có cảm giác an toàn tới vậy.

Cảm giác như thể tôi vốn là một mảnh vải khô quắt, sau đó được người ta nhét vào một đống bông gòn vậy.

Trong nháy mắt, tôi đã sống lại.

Những hành vi phóng túng trôi qua trong đầu tôi. Áy náy, tủi thân, vô số cảm xúc trước đây tôi cố tình bỏ qua, lúc này ào ào như sóng thần.

Tôi không kìm được mà bật khóc.

Tôi cảm thấy nước mắt của mình còn nhiều hơn cả nước mưa ngoài kia.

Trong mông lung, tôi nhìn thấy Tạ Hoè An đang hoảng hốt nhìn mình.

Cho tới hôm nay, Tạ Hoè An vẫn sợ tôi khóc nhất. Tôi vừa khóc thì anh đã bắt đầu luống cuống lên.

Anh liên tục dỗ tôi: “Thẩm Thu Bạch, đừng khóc mà, tôi không ép bà học đâu. Tôi mua băng đĩa cho bà nhé? Lúc thi tôi sẽ cho bà chép bài nhé?”

Tôi cũng muốn ngừng lại nhưng không thể, thậm chí còn khóc tới mức cả người run lên bần bật.

Tôi muốn hỏi sao Tạ Hoè An lại tốt với mình như thế, Tạ Hoè An, tôi không muốn kéo chân ông, Tạ Hoè An, ông quá xuất sắc, không nên bị tôi ảnh hưởng…

Tạ Hoè An, Tạ Hoè An… Cái tên này cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi, nhưng mỗi khi tôi mở miệng lại chỉ có thể khóc thút thít chứ không nói được một từ trọn vẹn nào.

Cuối cùng là anh tôi ra xem, tưởng Tạ Hoè An bắt nạt tôi nên vọt vào con ngõ, túm cổ áo Tạ Hoè An rồi hét: “Thằng nhóc thối, mày dám bắt nạt em gái tao à!”

Tôi vội tới kéo anh ấy lại, anh tôi đang bị máu nóng chạy lên não, hất tôi ra rồi quát: “Thẩm Thu Bạch, em đừng hèn nữa được không hả, nó đã khiến em khóc thế này rồi mà em còn bảo vệ nó nữa!”

“Không… Không phải…” Có đôi khi phản ứng sinh lý của con người thật đáng ghét, tôi khóc quá mức, vừa mở miệng ra thì cả người đã run lên bần bật, hoàn toàn không thể khống chế được.

“Không cái gì mà không!” Anh tôi hét tôi một câu rồi quay lại quát Tạ Hoè An, “Thằng nhóc thối, tao thấy hôm nay mày uống rượu nên không đánh mày, sau này tốt nhất là cách xa em tao ra một chút.”

Nói xong anh ấy không thèm để ý tới sự phản kháng của tôi, đưa một tay túm lấy tôi rồi kéo về nhà.

Tạ Hoè An thấy thế liền xông tới cản trước mặt anh tôi.

Lúc nãy anh tựa vào tường nên tôi không để ý, giờ tôi mới phát hiện anh đi loạng choạng, hoàn toàn say rồi.

Dù là thế, anh vẫn cố gắng duỗi thẳng tay ra nói: “Giao cô ấy cho em đi.”

Anh tôi nghe vậy liền mắng một câu, đưa tay đẩy anh rồi nói: “Cút đi, đừng có bắt tao đánh mày!”

Tạ Hoè An bị đẩy ra sau, lảo đảo ngã xuống đất.

Trên mặt đất toàn là nước mưa và bùn nhão, những thứ dơ bẩn bắn tung tóe lên, quần áo của anh lập tức bị bẩn hết.

Không biết là anh đang choáng vang hay đã hoàn toàn say xỉn mà chỉ ngồi nguyên đó, ngẩng đầu lên nhìn chúng tôi, đôi mắt mờ mịt.

“Trầm Hạ!” Cuối cùng tôi cũng có thể nói một câu hoàn chỉnh, tiếc là anh tôi đang tức giận, căn bản không hề nghe thấy.

Cứ như thế, tôi bị anh ấy lôi vào trong nhà, cuối cùng mặc cho tôi có chửi mắng thế nào, anh ấy cũng không chịu mở cửa.

Ít lâu sau, mẹ tôi quay về.

Sau đó tôi nghe anh ấy cãi nhau với mẹ, cụ thể thế nào thì không nghe rõ, nhưng đó là lần đầu tiên anh tôi chủ động cãi lại mẹ, hơn nữa còn rất hung dữ, cuối cùng tôi còn nghe cả tiếng mẹ khóc nữa.

Cái tên khốn này!

Tôi ngồi trong phòng liều mạng mắng anh ấy, có lẽ vì tâm trạng lên xuống quá nhiều mà đã ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Lúc tỉnh dậy thì đã hơn 9 giờ tối.

Tôi bị một cú gõ vào trán đánh thức.

Vừa mở mắt ra đã thấy cha tôi, hình như ông ấy đang giúp tôi vén tóc, thấy tôi mở mắt ra liền rụt tay về.

Trong phòng đầy ắp khói, lúc này tôi mới nhận ra cha đang hút thuốc.

Từ khi tôi bắt đầu hiểu chuyện, chưa bao giờ tôi thấy ông hút thuốc cả.

Nghe mẹ tôi kể, trước đây cha tôi rất nghiện thuốc, khi tôi sinh ra đã bị mắc một trận ốm nặng, tiền trong nhà đều dùng để chữa bệnh cho tôi, kể từ đó cha cũng cai thuốc.

Nhận thấy ánh mắt dò xét của tôi, ông dụi tắt thuốc vào một cái lon thiếc, hơi xấu hổ nói: “Đồng nghiệp cho nên hút chơi một điếu ấy mà.”

Tôi ngồi dậy dựa vào bức tường cạnh giường.

Cha tôi ngẩng đầu nhìn tôi rồi nói: “Đoàn đoàn nhà chúng ta trưởng thành rồi.”

Đoàn đoàn là tiếng địa phương của người Hồ Bắc để gọi con gái, từ rất lâu rồi tôi chưa nghe cha gọi mình như thế, không hiểu sao cánh mũi lại hơi mỏi.

Ông khẽ cười nói: “Hình như trước kia có lần con leo lên vai cha, bảo muốn tới quầy bán quà vặt để mua kẹo cao su ăn, kết quả là vô tình để kẹo dính lên tóc cha, suýt chút nữa cha đã phải cạo trọc rồi.”

Tôi thốt lên: “Cha, chuyện này lâu lắm rồi mà.”

Ông cười ha hả nói: “Đúng nhỉ, giờ đã là con gái trưởng thành rồi, sau vài năm nữa thì cũng gả đi!”

Tôi lập tức nói: “Ai nói phải gả đi chứ, con không lấy chồng đâu!”

Ông ấy: “Không gả cũng được, sau này cha với mẹ con sẽ lấy lương hưu nuôi con nhé!”

Tôi nói: “Cha, cha cố ý nói thế để khích tướng con chứ gì, con gái mà phải nhờ lương hưu của cha mẹ nuôi, mất mặt biết bao!”

Ông ấy: “Mất mặt cái gì, cha mẹ của con cơ mà.”

Tôi nói: “Thôi hai người cứ để dành cho anh con đi!”

Ông ấy liếc tôi một cái rồi nói: “Mấy ngày nay giận dỗi là vì không phục à?”

Tôi giật mình, hô lớn: “Cha, cha gài con à!”

Ông ấy tỏ ra vô tội: “Trời đất ạ, cha chưa bao giờ bắt nạt con nhé.”

Ông thở dài rồi lại nói: “Thu Bạch, cha với mẹ chắc chắn chưa bao giờ thiên vị con hay anh con cả. Từ nhỏ anh con đã không nghe lời, có thể thi đậu đại học thì tất nhiên cha mẹ phải vui rồi, nhưng mấy ngày nay con lại như thế, mẹ con ngày nào cũng làm việc bên ngoài rồi mất ngủ cả đêm, hàng ngày mở mắt nhắm mắt đều lẩm bẩm Thu Bạch Thu Bạch đấy.”

Cha tôi bất chợt thẳng thắn như thế chẳng khác gì một con dao khẽ cứa vào tim tôi, tôi đau đến mức rùng mình.

Tôi hoài nghi nói: “Mẹ thật sự nhắc con ư?”

“Chứ sao?” Cha trừng tôi, “Mẹ con luôn nói bà ấy học không nhiều nhưng vẫn hiểu dạy con gái không thể tùy tiện như dạy con trai được, vì thế phải luôn kiểm soát, cuối cùng lại để con hiểu lầm thế này đấy.”

Nước mắt tôi lại rơi xuống.

Khó mà tưởng tượng được một người vốn dĩ vô tư như mẹ tôi lại rón rén làm chuyện như thế.

Vậy là tôi không hề bị họ ghét bỏ sao?

Nghĩ tới chuyện này, tôi lại càng thêm áy náy. Tôi nói với cha rằng mình có lỗi với họ.

Ông ấy nói: “Xin lỗi cha làm gì. Thu Bạch, con ngoan, anh con cũng ngoan, cha mẹ chỉ là người đi với tụi con một đoạn đường mà thôi, cả đời này, phần lớn quãng đường còn lại con phải tự đi, mỗi bước chân đều là cuộc đời của con, sai hay đúng gì cũng là cuộc sống, chỉ cần con không thẹn với lương tâm là được.”

Tôi ôm lấy ông rồi nói: “Cha, cha càng nói thì con lại càng áy náy! Còn nữa, cha với mẹ phải ở bên con mãi nhé!”

Ông khẽ gõ lên đầu tôi, nói: “Vậy cha với mẹ con sẽ thành lão yêu quái mất!”

Ông nói xong thì đi ra ngoài, chẳng bao lâu mẹ tôi lại bước vào.

Mắt bà ấy đỏ ngầu, rõ ràng vừa mới khóc xong.

Thấy bà như thế, tôi hơi ngại không dám đối diện với bà.

Tôi co ro trong góc tường, cúi gằm mặt xuống.

Bà ấy đi tới ngồi cạnh giường, chốc sau, tay tôi ấm lên, bà vươn tay nắm chặt tay tôi.

Mấy năm qua, từ khi tôi lên cấp 2, mẹ con chúng tôi chưa từng có hành động thân mật thế này, tôi không kìm được mà bật khóc.

Tôi nghĩ có lẽ tôi thích khóc thật, sau đó mẹ dịu dàng vươn tay lau sạch nước mắt cho tôi.

Tôi còn nhớ cảm giác nắm tay bà khi bé, vừa to vừa mềm mại, giờ bàn tay trước mắt tôi lại nhỏ thế này, lòng bàn tay chai sạn đến mức đau lòng.

Tôi không kìm được mà ngẩng đầu lên nhìn bà, giật mình nhận ra người mẹ nóng nảy trong trí nhớ của mình đã trở thành một người phụ nữ đầy nếp nhăn trên khóe mắt từ bao giờ.

Bà gọi tôi rồi nói: “Thu Bạch, mẹ có lỗi với con quá.”

Tôi hoảng hốt lắc đầu, trong lòng cực kỳ hổ thẹn.

Bà còn nói: “Mẹ không học hành gì nhiều, chỉ sợ con lạc lối vào đám người xấu nên trước đây toàn buông lời khó nghe với con.”

Hẳn là bà đang nói tới Uông Dương.

Tôi nói: “Đó cũng là lỗi của con, thành tích học tập đã kém lại còn mê mụi.”

Bà bỗng nở một nụ cười khổ, nói: “Lúc nãy anh con vì chuyện này mà cãi nhau với mẹ, nói học hành không nói lên được tất cả, bảo mẹ đừng quá khắc nghiệt với con, nếu không sẽ phản tác dụng mất.”

Hóa ra ban nãy Trầm Hạ đã cãi nhau với mẹ vì chuyện này!

“Mọi người ai cũng quan tâm tới con cả.” Mẹ tôi nói ra những lời trong lòng, tôi chỉ cảm thấy màn kịch nổi loạn mà mình diễn bấy lâu nay thật mất mặt.

“Nãy mẹ đã nghĩ kỹ rồi, đúng thật là học hành không nói lên được tất cả.” Mẹ nói, “Con cứ kiên trì với quyết định của mình đi, như cha con đã nói, đừng từ bỏ giấc mơ của mình là được rồi.”

Tôi buồn tủi: “Con còn chẳng biết mình mơ ước điều gì.”

Bà ấy cười: “Đừng vội. Giờ tụi con có nhiều cơ hội để lựa chọn như thế, tốt biết mấy. Trước kia bọn mẹ chẳng được chọn gì, nói ra con đừng cười chứ lúc trước ước mơ của mẹ là làm thợ may đấy.”

Bà ấy chưa bao giờ kể cho tôi nghe chuyện này, tôi ngạc nhiên nhìn bà ấy: “Thợ may ư?”

Bà gật đầu, trong mắt lóe lên một tia sáng: “Đúng thế, trước kia thôn chúng ta có một người thợ may, kỹ thuật may đồ rất giỏi, lúc mẹ còn bé rất thích tới nhà bà ấy chơi, khi ấy mẹ ước mơ được làm thợ may giống bà ấy vậy.”

“Sau này thì sao ạ?”

“Sau đó thì gặp phải Cách mạng, vì trước đó bà ấy may đồ hóa trang cho người ta nên bị buộc tội rồi vào tù, lúc ra tù đã bị điên. Ông ngoại con không cho mẹ học may nữa, sau này mẹ kết hôn với cha con, rồi sinh ra anh con với con, chuyện cứ thế mà trôi qua.” Mẹ tôi nói.

Nói xong bà lại cười: “Nói tới đây mẹ lại chợt nhớ tới một chuyện, sau khi sinh anh con, mẹ ôm nó đi tìm một người dạy may đồ trong thôn, trước kia người ta gọi mẹ là cô nhóc, hôm đó bỗng đổi giọng thành mẹ Trầm Hạ, mẹ không hề nhận ra là họ đang gọi mình. Nhoáng một cái đã tới giờ rồi, mẹ đã là bà mẹ 2 con rồi đấy.”

Trong giọng bà không nén nổi sự tiếc nuối, 1 khắc đó tôi đột nhiên ý thức được trước khi trở thành mẹ tôi, bà cũng giấu ước mơ thời thiếu nữ trong lòng. Mỗi lần yêu cầu tôi đưa ra cho bà có lẽ đều nằm trong quá trình bà vứt bỏ bản thân.

Rất lâu về trước, bà ấy không được gọi là mẹ Trầm Hạ, cũng không là mẹ Thu Bạch, bà ấy có tên riêng của mình, nghe rất hay, do ông ngoại đã đích thân đặt cho, Lương Viễn Âm.

Chính là lấy từ câu thơ của nhà thơ Tạ Linh Vận thời Nam–Bắc: “Tiềm cầu mị u tư, phi hồng hưởng viễn âm*.”

(*) Tạm dịch: “Tiềm cầu đẹp đẽ tao nhã, tiếng hồng nhạn vang xa”. Tiềm cầu là từ chỉ người có tài nhưng không được xã hội trọng dụng.

“Mẹ có hối hận không?” Tôi vô thức hỏi.

Rõ ràng mẹ tôi có chút bất ngờ. Một lúc lâu sau bà mới nói: “Đừng nói với cha con nhé, thực ra mẹ đã từng hối hận, mẹ không muốn mình kết hôn sớm như thế, rất muốn đi học may, có lẽ như thế sẽ có một cuộc sống khác. Giờ thợ may đều được gọi là nhà thiết kế cả rồi.”

“Vậy giờ thì sao?”

“Không còn nữa, mấy năm nay mẹ đã hiểu được một đạo lý, có người sẽ khiến cuộc sống của con đáng tiếc hơn, nhưng cũng có người giúp con vui vẻ hơn. Rõ ràng cha con là tuýp người thứ hai. Mấy ngày trước cha con còn nói muốn tìm một trường dạy thiết kế thời trang ca đêm cho mẹ, ông ấy định đến xin giáo viên cho mẹ một suất để học đấy!” Bà cười nói.

Có người sẽ khiến cuộc sống của con đáng tiếc hơn, nhưng cũng có người giúp con vui vẻ hơn. Nghe bà nói như thế, chẳng hiểu sao trong đầu tôi lại từ từ hiện ra dáng vẻ của Tạ Hoè An.

Ý nghĩ đó chợt lóe lên rồi biến mất ngay, tôi cũng xem như là một suy nghĩ ngẫu nhiên mà thôi.

Sau này ở bên Tạ Hoè An hơn nửa đời người, chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành những mục tiêu trong đời rồi, tôi mới hiểu thấu được những lời này, chỉ có thể cảm thán một câu, chắc chắn kiếp trước tôi là một người trừ gian diệt ác cực nhiều nên mới may mắn gặp được Tạ Hoè An thế này.