Học Sinh Nghèo Vượt Khó

Chương 4-2: Chiến lược quân sự



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

2

Dông bão thình lình ập đến.

Ngay lúc Vương Tử Chu sắp sửa bị nhấn chìm, cậu đứng dậy, trả lại mảnh giấy như không có chuyện gì xảy ra, kéo cô lên mặt nước. Cậu không nhìn nó lấy một cái.

Nhặt đồ đạc cá nhân của người khác đánh rơi và không tò mò về nó là một đức tính tốt.

Câu hỏi “đây là cái gì” có thể thỏa mãn trí tò mò nhưng nó rất vô duyên.

Vương Tướng quân thoát nạn, cất ngay chiến lược quân sự vào túi, vo thành một quả bóng nhăn nhúm, cố gắng trấn tĩnh trái tim đang loạn nhịp vì hoảng sợ.

Đồng hồ thông minh rung thông báo:



Vương Tử Chu lườm màn hình, nghĩ bụng: Mi đúng phiền luôn á.

Nhịp tim giảm xuống khoảng 110 nhịp/phút thì dừng lại, vì đang đi bộ nữa mà.

“Không cần Google Maps đâu, gần lắm.” Trần Ổ nhắc.

“À ừ.” Vương Tử Chu rầu rĩ đáp.

Dù vẫn đắm chìm trong cảm xúc “thoát nạn” nhưng cô cứ ngứa tay tua lại khoảnh khắc vừa rồi. Càng xem lại càng nghi ngại, phải đưa ra kết luận bằng được mới thôi. Cậu ấy có thấy không? Chắc là không, chữ nhỏ lắm, ai mà đọc trong khoảng thời gian ngắn như thế được.

Tuy lý trí phán đoán rằng hẳn cậu không đọc được nội dung bên trong đâu nhưng một giọng nói vẫn không ngừng khiêu khích cô:

Vương Tướng quân, biết đâu đấy.

Biết đâu đấy.

Vương Tướng quân trời sinh tính đa nghi, nghĩ vậy thôi đã mài răng ken két.

Tay tướng quân nắm chặt thành quả đấm trong túi quần.

“Cậu ăn cá nóc bao giờ chưa?” Khi rẽ vào ngõ, Trần Ổ bất ngờ hỏi cô.

“Hả?” Vương Tử Chu định thần lại, thật thà trả lời: “Tớ chưa.”

Rồi cô hỏi lại: “Cậu thì sao?”

Cậu đáp ngắn gọn: “Rồi.”

Màn đêm bao trùm khắp các ngõ ngách của cố đô, đèn điện đều là đèn nhỏ, lác đác, lưa thưa khác những trung tâm thương mại được trang hoàng lộng lẫy, lắp đèn trần đều tăm tắp, sáng trưng như ban ngày.

Vương Tử Chu thấy mình cũng ảm đạm như con hẻm này, cô tiếp lời dù không mấy liên quan: “Chiết Giang ít ăn cá nóc lắm, chỗ các cậu thì sao?”

“À, ở Giang Tô nhiều nơi bán lắm.” Cậu trả lời đều đều.

“Ngon không? Chắc chế biến cũng khác bên Nhật đúng không?”

“Mọi người thường kho với cỏ ba lá hoặc nấu canh suông, không cần thêm gia vị cũng ngon rồi.”

“Cỏ ba lá?” Vương Tử Chu nhìn cậu.

Trần Ổ dừng bước, ngẫm nghĩ giây lát mới trả lời: “Cỏ linh lăng.”

“Ồ, ra là cỏ linh lăng.” Vương Tử Chu sực nghĩ ra.

“Đến rồi”. Cậu bảo.

Vương Tử Chu ngẩng lên, thấy biển hiệu vuông vắn với hai chữ “ふ ぐ” rất thường. Trong nhận thức hình thành từ thời thơ ấu của cô, cá nóc là thứ ăn vào sẽ tử vong – trên phim ảnh không ít người chết vì độc tố cá nóc – cho nên nó gần như tương đương với nguy hiểm. Tại sao có nhiều người lại đổ xô đi ăn cá nóc đến vậy? Bởi hương vị thơm ngon của nó.

*ふ ぐ (Fugu): cá nóc.

Nhưng với cô, tất cả những thứ phải đánh đổi bằng mạng sống thì không đáng để thử.

Vậy nên, tuy về sau được biết rằng có thể nuôi cá nóc lấy thịt, kĩ thuật sơ chế và xử lý các bộ phận chứa độc đã rất điêu luyện, ăn không chết được đâu nhưng cô vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Ngay cả khi xác suất thấp đến gần như có thể bỏ qua.

Cô luôn cảm thấy mình dễ thành kẻ xui xẻo đó lắm.

Sau khi đến Nhật Bản, cô đã đi qua rất nhiều nhà hàng cá nóc nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện vào ăn một bữa.

Có thể nó rất ngon nhưng cô vượt qua được sự cám dỗ đó.

Thủ khoa ngành tham sống sợ chết như mình tại sao lại lơ ngơ bước vào một quán cá nóc thế này. Sao sự việc lại ra nông nỗi này? Ồ, ra là do Hoàng gia mời tân Thủ tướng đến ăn tối.

Thôi thì ăn chung một con cá, chết cũng có người chôn cùng, lo gì?

Phục vụ dẫn cô lên một bàn ở góc tầng hai. Ánh sáng le lói rất phù hợp với không khí ăn cá nóc thời cổ đại. Bấy giờ sợ ăn cá nóc tử vong nên quan phủ ra lệnh cấm, muốn ăn phải ăn giấu ăn giếm.

Ăn giấu ăn giếm.

Vương Tử Chu ngồi xuống, nhận thực đơn.

Với sinh viên nghèo, kể cả ở nhà hàng bình dân thì cá nóc vẫn được coi là món sang. Rất ít đồ ăn dưới ba chữ số, chỉ có một số món khai vị, đồ chiên và đồ uống để lựa chọn.

Vương Tử Chu tự nhủ, mãi mới có dũng khí đến đây, đương nhiên không thể chỉ ăn những thứ này, vì vậy cô đảo mắt về phần món chính…

Hơn mười nghìn*.

*hai triệu VND.

Tàm tạm, không đắt như mình tưởng.

Hơi đau ví nhưng còn tải nổi.

Nhưng cô không trực tiếp gọi món và cũng không nói gì, bởi cô còn bận đắn đo. Đầu tiên, bản chất của bữa cơm này khá mơ hồ, tại sao cậu ấy phải mời mình đi ăn? Xin lỗi vì tự thấy cậu có lỗi? Thế bữa ăn này có phải một lời mời không? Cứ coi như là mời đi, thế mình nên làm gì với tư cách là khách mời? Từ nhỏ cô đã được dạy rằng khách tuỳ theo chủ, chủ nhà chiêu đãi cái gì thì ăn cái đó, là khách thì đừng yêu sách, kể cả chủ nhà mời mình gọi món thì cũng không nên chọn món đắt tiền. Tuy nhiên, sau này lại nghe nói không nên quá khách sáo, chỉ chọn món rẻ sẽ khiến chủ nhà cảm thấy mình coi thường họ, lại thành ra thất lễ.

Phức tạp thế không biết.

Lằng nhà lằng nhằng.

Hai mươi mấy tuổi đầu rồi vẫn chưa giải quyết được sự lằng nhằng ấy.

Hai mươi mấy tuổi đầu rồi vẫn còn bồn chồn bất an vì những “chuyện cỏn con” như vậy.

Vương Tử Chu cầm menu lật giở một cách vô vị.

Cậu hỏi cô: “Chọn xong chưa?”

Vương Tử Chu ngẩng lên.

Cậu gợi ý: “Nếu cậu phân vân thì cứ chọn một phần tổng hợp ấy.”

May ghê! Vương Tử Chu thở phào nhẹ nhõm, chỉ vào phần ăn ở chính giữa.

Không quá đắt không quá rẻ, sao lại tồn tại một suất ăn vừa vặn hợp lý đến nhường ấy?

“Vậy cái này nhé, được không?” Cô hỏi.

“Được.” Cậu nói, quay lại vẫy phục vụ để gọi món, “すみません、注文お願いします (Bạn ơi cho mình gọi món).”

Vương Tử Chu khép thực đơn lại, nghe cậu chỉ vào thực đơn, bảo phục vụ “これをください (Cho mình một suất này)”, ngấm ngầm đánh giá phát âm của cậu. Theo trực giác của cô thì cậu viết tiếng Nhật khá tốt nhưng diễn đạt thì bình thường. Vô nghĩa, cậu ấy đâu có kiếm ăn bằng ngôn ngữ này, có khi nhập học bằng tiếng Anh cũng nên. Vương Tử Chu không cảm thấy ưu việt hơn chút nào, dù chỉ một xíu.

Tranh thủ lúc chờ món khai vị, cuối cùng Vương Tướng quân cũng có cơ hội thực hiện chiến lược quân sự của mình. Cô bắt chuyện: “Nghe nói tối nay có mưa rào, cậu không mang ô à?”

Trần Ổ trả lời: “Tớ đi xe đạp.”

Vương Tử Chu hỏi: “Từ trường á?”

Trần Ổ trả lời: “Từ Higashitake.”

Vương Tử Chu tiếp tục: “À ừ, cậu ở Higashitake nhỉ.”

Vào lúc chủ đề đang đi vào ngõ cụt, Vương Tử Chu kịp thời chuyển hướng: “Trứng trà ngon lắm…” tạm dừng giây lát: “Cậu mang gia vị từ Trung Quốc sang à?”

“Ừ.”

“Hôm ấy tớ quên mang tiền thật”, cô giải thích: “Lát sau xuống thì cậu về mất rồi”.

“Không sao.” Cậu nói, “Đằng nào cũng là nấu nhiều.”

“Hả?” Cô nhìn lên.

“Hôm ấy tự nhiên muốn ăn trứng trà,” Cậu nhìn cô, trả lời: “nhưng chỉ nấu một quả thì phí gia vị lắm.”

Ra là vậy.

Vương Tử Chu suy tới suy lui, bây giờ mình có nên trả lại đồng xu một trăm yên kia cho cậu ấy không? Lỡ bị từ chối thì quê độ. Nhưng nếu bỏ lỡ lần này, tương lai khó có cơ hội khác lắm. Thứ cảm xúc đan xen giữa “nuối tiếc” và “nên trả” chơi xích đu trong lòng cô, cứ lắc qua qua lắc lại.

Cuối cùng cô vẫn lấy ví ra khỏi túi vải.

“Bây giờ cậu định trả tiền trứng cho tớ đấy à?”

Cô mới mở ví gập ra cậu đã hỏi.

Bộ cậu đọc được suy nghĩ của người khác hay gì?!

Vương Tử Chu cầm ví tiền một cách khó xử, Trần Ổ đảo mắt qua đồng tiền trăm yên mà cô cố ý nhét vào ngăn kép trong suốt.

Cậu thấy nó rồi.

Thấy thì sao?

Vương Tử Chu nhìn chằm chằm vào đồng xu, nói: “Tình cờ hôm nay tớ có một trăm yên.”

Dường như có tiếng cười thoảng qua, không chắc nữa nhưng khi cô ngẩng lên thì thấy cậu đang cười thật. Đó là lần đầu tiên cô thấy cậu cười. Vô cùng tiết chế, không để lộ răng nhưng hẳn là đang cười bởi vì ý cười còn vương nơi đuôi mắt.

Buồn cười lắm à? Vương Tử Chu nghĩ bụng.

Đúng lúc này, phục vụ mang món khai vị lên.

“Cậu ăn trước đi.” Trần Ổ đẩy bát đựng salad da cá về phía cô, “Cậu có kiêng ăn gì không?

Bên trên có một nhúm hành.

Vương Tử Chu nói: “Không. Cậu thì sao?”

Trần Ổ nói: “Tớ không ăn diếp cá.”

Vương Tử Chu lầu bầu: “Hình như Giang Tô không hay ăn diếp cá mà nhỉ?”

Trần Ổ nói: “Cũng phải.”

Nếm thử da cá, Vương Tử Chu cảm giác như đang nhai một thứ keo khô, chẳng liên quan gì đến hương vị thơm ngon khiến người ta mê mẩn mà cô mong đợi. Quả vậy, tưởng tượng và thực tế luôn cách biệt.

Nhưng cũng có những phần phù hợp với trí tưởng tượng của cô, chẳng hạn như Trần Ồ sẽ lau sạch vết nước đọng dưới đáy cốc.

Cốc đựng đồ uống có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ phòng sẽ để lại vết nước đọng trên bàn. Một số người không quan tâm, tay áo cọ thì kệ nó chứ, có bẩn đâu, hơi nước ngưng tụ trong không khí thôi mà. Nhưng Vương Tử Chu nhất định sẽ lấy khăn lau sạch, dù phải lau bao nhiêu lần đi chăng nữa.

Trong tưởng tượng của cô, Trần Ổ cũng là người như thế.

Thật vậy.

“Không ngon à?” Bỗng cậu hỏi.

“Hả? Không phải.” Vương Tử Chu chợt nhận ra mình ăn xong miếng đầu tiên là không động đũa nữa nên cô lại gắp thêm một đũa salad da cá bỏ vào miệng.

“Cũng ngon.” Nhai xong cô lẩm bẩm.

Thực ra chỉ ngon bình thường, thậm chí có thể nói là không ngon cho lắm.

Biểu lộ quan điểm còn phụ thuộc vào nói lúc nào và nói với ai. Nếu người ngồi đối diện là Tưởng Kiếm Chiếu, cô đã càu nhàu từ lâu lắc: “Ăn rõ chán mà sao đắt cắt cổ vậy?!”

À đúng rồi, Tưởng Kiếm Chiếu.

Vương Tướng quân tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược quân sự, đóng vững đánh chắc từng bước xâm chiếm lãnh thổ của quân địch. Theo dự tính của cô ấy, đầu tiên cô sẽ hỏi “Cậu ở đâu ở Giang Tô?”, nếu người ta trả lời “Giang Âm”, cô sẽ thuận nước đẩy thuyền, “Ô, trùng hợp thế, bạn ĐH của tớ cũng ở Giang Âm này.”

Giang Âm không lớn, cũng không có nhiều trường cấp 3 lắm. Nếu cậu hỏi: “Thật á, bạn ấy học trường cấp 3 nào?” Thì cô sẽ vanh vách đọc tên trường đó, khi ấy hẳn cậu sẽ trả lời: “Thế thì cùng trường cấp 3 với mình.” Còn chần chừ chi, đã đến lúc đi vào vấn đề chính: “Nó tên là Tưởng Kiếm Chiếu, cậu biết nó không? Nó đang học tiến sĩ khoa Lịch sử ĐH J ấy. “

Ngay khi cô vừa uống một hớp nước, chuẩn bị bắt tay vào thực hiện kế hoạch thì đùng cái Trần Ổ hỏi:

“Vương Tử Chu trong group cựu sinh viên là cậu à?”

Vương Tử Chu suýt sặc.

“Group cựu sinh viên nào?”

“Hội cựu sinh viên ĐH J ở Kansai.”

“Cậu ở trong group cựu sinh viên á?!” Cô sửng sốt, “Sao tớ tìm không…”

“Tìm không thấy tớ à?”

Sấm sét giữa trời quang.