Hot Lemon

Chương 1: Bão tuyết



Biên giới Pháp - Ý, tuần cuối tháng 12 năm 201x

Từ ba hôm nay, gió giật ào ào trong thung lũng nhỏ náu mình giữa vùng núi An-pơ nơi Pháp và Ý chia nhau đường biên giới. Mây mù mịt giăng mắc trên các chỏm núi, mặc cho gió thét gào, mây vẫn lừng lững nặng nề như không thể nhấc mình ra khỏi những vạt rừng thông trụi lá dọc sườn núi phía Bắc thung lũng. Cùng với mây và gió, là vô vàn bông tuyết trắng xóa to bằng nắm tay không ngừng rơi xuống. Cơn bão tuyết lớn nhất từ chục năm nay đang khiến gần trăm nóc nhà gỗ cho khách du lịch trong làng oằn mình rền rĩ dưới những tầng tuyết dày cộp. Tất cả những con đường trong làng lẫn trên khu khách sạn lưng chừng núi đều ngập trong tuyết, không cách nào đi lại mà không bị lún đến tận hông. Ai cũng nói đây là trận bão tuyết hiếm hoi về độ mạnh vào khoảng thời gian này trong năm, nhất là kể từ khi đài báo ra rả về biến đổi khí hậu địa cầu khiến nhiệt độ không khí tăng cao hơn mỗi năm.

Marco cũng là một trong những vị khách bị mắc kẹt lại trong làng. Đường mòn độc đạo xuống dưới thành phố lớn gần nhất đã bị lực lượng vũ trang chặn lại từ mấy hôm trước để ngăn ngừa tai nạn. Anh không lên đây bằng ô tô riêng mà đi xe khách từ thành phố Torino, nên không có cách nào khác ngoài chờ đợi bão tan, tuyết được gạt sang hai bên để đường xá được thông suốt và xe khách được hoạt động lại. Còn may vì lý do bất khả kháng nên khu nhà nghỉ nơi anh ở trọ gần chục ngày qua đã miễn phí tiền trọ và giảm tiền ăn còn có 30% cho khách bị mắc kẹt. Bù lại họ đều phải xắn tay tự dọn dẹp phục vụ thậm chí là đôi khi phân công nhau nấu nướng vì phần lớn nhân viên khách sạn đều đã xuống núi về nhà khi có cảnh báo bão tuyết làm tắc nghẽn giao thông.

Marco la một người Ý chính hiệu. Nghĩa là không ngày nào anh không nói chuyện điện thoại với mẹ dù chỉ là vài ba câu hỏi thăm đơn giản. "A lô, Mamma thân yêu, con vẫn ổn. Ừ ở đây vẫn gió bão lớn lắm. Mẹ khỏe chứ, tối nay mẹ ăn gì? Lát mẹ đi chơi với các bà bạn đi nhé. Ừ ừ bao giờ về được con sẽ báo. Con yêu mẹ. Cia-ciao!" Lặp lại hàng ngày như một thứ nghi lễ tôn giáo không được phép bỏ qua. Với mái tóc sẫm màu gần như đen và đôi mắt nâu nhạt thi thoảng như ánh lên màu xanh nước biển, Marco có vẻ ngoài khá bảnh trai dễ gần như mọi chàng trai vùng Pi-ê-mon-tê. Mỗi ngày có thể uống tới 6 cốc cà phê, Marco vẫn không nhịn được suy nghĩ rằng thứ cà phê ở Pháp, cho dù là loại expresso đặc nhất này vẫn chả khác gì nước đái của mèo nếu so sánh với loại ristretto đậm đặc cô đọng toàn bộ lượng cafein cần thiết trong chỉ một hớp của Torino nhà anh. Còn thì đừng nói đến mớ mỳ ống ở nhà ăn mà giờ anh phải ráng nuốt cầm hơi hàng ngày.

Ở đây, thức ăn cũng được giảm khẩu phần mức tối đa để tiết kiệm lương thực, ngoài mỳ ống thì chỉ có chút khoai tây nghiền và thịt nguội hun khói. Khác với mỳ đủ loại đủ hình dáng nhưng đều có chung một độ chín al-dente kiểu Ý, mỳ ở đây chỉ có loại pên-nê hình ống thẳng to bằng ngón tay trỏ, hoặc là hình ống cong nhỏ xíu bằng móng tay út trẻ con, và lúc nào cũng luộc quá chín quá mềm với khẩu vị của Marco. Nước uống thì ngoài nước lọc, chủ yếu là rượu mạnh để giữ ấm cho đàn ông, trà thảo dược pha chút mật ong, đôi khi thêm một lát gừng cho phụ nữ. Thứ khiến anh thoải mái nhất ở Pháp là nước lọc được uống không mất tiền, khác với ở Ý cứ vào nhà hàng là xác định trả thêm vài đồng cho bình nước lấy từ vòi. Nhưng không vì thế mà anh bỏ qua vài cốc Vermouth để 'hỗ trợ giấc ngủ' buổi đêm.

(Mamma: nghĩa là mẹ trong tiếng Ý.

Ciao là lời chào thân mật trong tiếng Ý, đọc giống chao trong tiếng Việt. Khi nói chuyện hội thoại thân mật, để kết thúc người Ý hay nói Cia-ciao thật nhanh (phiên âm gần giống cha-chao).

al-dente: với người Ý, đây là độ chín lý tưởng của món mỳ Ý, miếng/sợi mì vẫn còn độ cứng nhẹ khi cắn vào chứ không chín mềm hẳn.)


Mỗi tối, Marco cũng như tất cả các khách trọ người Pháp, người Ý hay người nơi khác nữa còn ở lại, họ kéo nhau xuống khu bar có lò sưởi đốt củi gỗ để sưởi ấm và giảm bớt sưởi ga trên mỗi phòng. Ai có trà thì mang trà, ai có cà phê hoà tan thì mang cà phê hòa tan, ai có rượu thì mang rượu xuống. Ai có đàn mang đàn, ai có kèn thì mang kèn, ai không có gì thì hát. Ở đó, quây quần quanh lò sưởi bập bùng, họ nói chuyện bằng đủ thứ ngôn ngữ, từ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Đức, rồi thì cả ngôn ngữ cơ thể, cốt để giao lưu, trò chuyện cho quên nỗi nôn nao lo lắng. Nội dung các câu chuyện cũng đủ thứ cả, từ cuộc sống, chính trị, âm nhạc, hội hoạ, rồi gia đình, bạn bè, công việc, con cái...

Đám trẻ con bé thì 2-3 tuổi, lớn hơn thì 7-8 tuổi, rồi đám thiếu niên ẩm ương tuổi teen hay là đám thanh niên sắp tốt nghiệp cấp Ba. Trải qua những ngày bị nhốt trong tòa nhà khách sạn trong cơn bão, chúng nó cũng bắt quen với nhau và chia thành từng nhóm hí húi với nhau cùng đủ thứ trò chơi tự nghĩ ra hoặc sẵn của các gia đình mang đi. "Ma sói", "Cờ tỷ phú", chơi bài UNO hay là chơi bài poker... Bàn bi-a của khách sạn cũng được trưng dụng triệt để cùng với bàn bi lắc. Thậm chí chỉ đơn giản là hà hơi lên cửa kính và vẽ những hình thù ngộ nghĩnh ngây ngô. Những tiếng cười trong trẻo như chuông bạc, không nhuốm chút âu lo nào như đám người lớn.

Cạnh lò sưởi xây bằng gạch nung, đống củi cháy đượm nổ lốp bốp qua một lớp kính bảo vệ vẫn không ngừng tỏa ra luồng hơi nóng ấm sực lên. Dăm chiếc bàn thấp kê gần lại nhau, bao quanh là đống ghế bành lót đệm và cả gối ôm trải la liệt dưới đất. Đây đó người thì cười bẽn lẽn với lúm đồng tiền thoắt ẩn thoắt hiện, kẻ thì duỗi chân dang tay đầy thư thái cười sang sảng. Một bầu không khí lâng lâng nhẹ nhàng bao phủ hết toàn bộ căn phòng, giấu đi sự lo lắng về tình hình thời tiết khắc nghiệt.

Tất nhiên, vốn tiếng Pháp bập bõm từ những năm mài mông trên ghế nhà trường của Marco không cho phép anh tham gia hết những câu chuyện ấy. Thường thì khi anh cố hiểu ra thì câu chuyện đã lại rẽ sang hướng khác mất rồi. Mặc dù anh phải thừa nhận là mình từng rất hả hê khi thấy đám khách du lịch võ vẽ vài câu tiếng Ý để gọi pizza hay pasta ở quán ăn gần nhà anh cũng trải qua điều tương tự khi cố thử trò chuyện với chủ quán... Nên là lúc này đây, Marco ngồi thả lỏng trên một chiếc ghế bành, cả người như lún vào nệm ghế, nhìn xung quanh với vẻ mặt tò mò đầy giả tạo còn trong bụng thì chửi thầm sao thời gian trôi chậm thế, mãi chưa tới giờ tan cuộc để ai nấy về phòng đi ngủ.

Ở góc phòng cạnh quầy bar, bà chủ khách sạn đã dành riêng ra một góc để phục vụ những ai muốn đàn hát. Một chiếc đàn ghi-ta thùng được dựng vào tường, dăm ba cái ghế và hai cây micro. Thêm một cây ghi-ta bass, chiếc xúc xắc, và cây sáo nhỏ của một nữ khách người Anh, thế là quá đủ cho những người yêu ca nhạc nghiệp dư. Thường thì có một ban nhạc chuyên nghiệp được thuê để khuấy động không khí mỗi tối. Nhưng từ hôm trước bão tuyết ập tới, ban nhạc đó cũng đã tháo chạy xuống núi từ lâu. Hiện giờ góc phòng này dành cho bất kỳ vị khách nào nổi hứng muốn biểu diễn lấy le hoặc đơn giản là muốn cất giọng vài câu cho đỡ chán. Từ đầu buổi tối tới giờ, mới chỉ có dăm ba người lên hát vài câu lạc nhịp hoàn toàn không ăn nhập gì với nhạc người khác đệm theo nên cũng chẳng ai để ý gì nữa cả.

Ánh mắt Marco thoáng liếc thấy một ai đó bước về phía góc của ban nhạc và ngồi lên chiếc ghế cao. Lại một kẻ muốn thể hiện đây mà, chỉ khổ cái lỗ tai của tôi. Marco ngán ngẩm thở dài.

Giai điệu nhẹ nhàng vang lên từ cây đàn ghita thùng, uyển chuyển, nhịp nhàng theo điệu valse. Rồi tiếp theo là một giọng nữ, hơi trầm khàn, nhả từng câu chữ tiếng Ý, hòa cùng tiếng nhạc. Một bài hát mang âm hưởng từ những năm tháng rất xa xôi, tuy là tiếng Ý nhưng Marco lại chưa từng nghe bao giờ.

"Cô ấy đeo nhẫn đầy các ngónVà cả tá vòng lấp lánh trên tayThế rồi cô ấy cất giọng hát,

Và ngay lập tức, tôi bị đốn tim...

Đôi mắt xanh lấp lánh như ngọc opale

Khiến tôi choáng ngợp, vô cùng choáng ngợp

Gương mặt trái xoan, nước da nhợt nhạt

Như một yêu nữ quyến rũ tuyệt vời..."


Chao ôi lần đầu tiên Marco thấy yêu tiếng Ý, ngôn ngữ của tình yêu đến thế. Từng lời hát như thể chạm đến từng sợi thần kinh trong lòng anh, khiến anh như cảm thấy một điều gì đó tuyệt vời đang run rẩy qua từng nốt nhạc. Marco ngẩng đầu lên, đập vào mắt anh trước hết là mái tóc nâu sáng buông lơi che một phần vai và một phần gương mặt. Cô gái không nhìn về phía ai trong phòng, mà hơi cúi đầu nhìn xuống phần sàn gỗ dưới chân. Thế nên anh cũng không nhìn thấy rõ mặt cô, chỉ thấy một nửa chiếc cằm hơi bầu bĩnh và một phần má lấm tấm tàn nhang.

Sau chừng ba hay bốn cốc rượu Vermouth, điều cuối cùng anh còn nhớ trước khi chìm vào giấc ngủ trên giường mình đêm ấy, là nửa chiếc cằm bầu bĩnh, một phần má lấm tấm tàn nhang, mái tóc nâu xõa, cùng với một giọng hát trầm khàn buông lơi từng câu chữ.

"Như một yêu nữ quyến rũ tuyệt vời..."