Kẻ Phản Bội

Chương 14: Vĩnh Danh 3



Buổi tối, Ly Thanh ăn xong liền đi ngủ sớm nhưng vết thương ở lòng bàn tay không ngừng làm cô đau nhói. Đến canh ba, Ly Thanh mở mắt thấy lưng mình ướt sũng, bụng đau, tay buốt, mắt hoa, mùi máu tanh quanh mũi. Sau một lúc sững sờ, Ly Thanh hiểu ra, cô nhìn ra ngoài thấy ánh trăng còn tỏ. Ly Thanh sửa soạn một hồi lâu rồi quyết định đi đến Tây Lâu.

Canh ba, Tây Lâu có khách gõ cửa. Lúc này, Mẫu Đơn - người thường xuyên thay mặt tú bà ở Tây Lâu khi tú bà vắng mặt, đi ra mở cửa. Vừa mở cửa, Mẫu Đơn đã nhận ra Ly Thanh là vị khách mới tới ngày hôm qua liền đon đả cười nói: "Công tử đến gặp Uyển nương sao? Cô ấy hiện đã nghỉ ngơi, công tử không ngại..."

Lời chưa nói hết, Ly Thanh đã ghé vào bên tai Mẫu Đơn nói nhỏ. Mẫu Đơn híp mắt dường như có điểm bất ngờ, rồi nàng ta mau chóng khôi phục lại vẻ mặt ban đầu. Mẫu Đơn dẫn Ly Thanh vào một phòng nghỉ tạm và nhẹ nhàng nói: "Công tử ở đây nghỉ ngơi sẽ có người mang đồ tới ngay. Chờ Uyển nương dậy, Mẫu Đơn sẽ thông báo giúp công tử."

Ly Thanh nghe vậy, khoé môi giật giật rồi gật đầu cảm ơn.

Một lúc sau, có người mang một khay đồ đến cho Ly Thanh. Sau khi nhận đồ xong, Ly Thanh lấy một lọ thuốc ra uống rồi cô lấy bình trà gừng mật ong ấm ra rót cho mình một chén. Ngồi uống trà bên cửa sổ một lúc, Ly Thanh cảm thấy cơn đau bụng giảm dần, cô lên giường đi ngủ.

Một lúc lâu sau.

"Cộc cộc, cộc cộc."

Ly Thanh đang nằm nghỉ, cô mở mắt thấy trời còn chưa sáng hẳn. Cô bước ra cửa thấy một người con gái mặt hoa da phấn mỉm cười với mình, nói: "Công tử, Uyển nương có lời dặn công tử dùng bữa sáng xong có thể qua phòng cô ấy."

Ly Thanh đưa một ít bạc vụn vào tay cô gái và nói: "Làm phiền mang giúp tôi ít đồ ăn sáng lên phòng."

Một lúc sau, trên chiếc bàn to trong phòng, có một bát cháo hành loãng, một đĩa thịt bò và một ấm trà hoa cúc nóng. Ly Thanh húp một ít cháo loãng liền thấy ấm bụng lạ thường. Ngoài đường, có người vừa đi vừa rao bánh mỳ nóng, Ly Thanh nghe vậy liền nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy có một cậu bé và một ông cụ ở một góc khuất không xa đang ngồi bới rác. Cô bước xuống tầng, đi đến chỗ cậu bé rồi dừng lại. Trong ký ức của Ly Thanh, cô từng nằm lê lết trên đường, bóng người qua lại tấp nập nhưng không ai dừng chân. Ngày ấy, Cung Linh Huyền và Cầm sư nương đi ngang qua đã hỏi cô muốn theo họ không.

Ly Thanh có mang theo chút tiền trong túi, cô vốn định lấy ra đưa cho hai ông cháu trước mặt nhưng lúc này lại do dự. Cô cảm thấy cô cho họ một bữa ăn nhưng ngày mai họ vẫn đói. Một đời bới rác so với cô lúc lê lết nằm chờ chết trên đường có khác gì nhau?

Xe bánh mỳ đi ngang qua, Ly Thanh quay người bước tới mua hai ổ bánh mỳ cho mình rồi bước vào Tây Lâu.

Cô không biết, ở lầu ba trong quán trà Lẩu Ký gần đó, có hai người đang ngồi đối diện đàm đạo với nhau, mà một người trong đó chính là Huyền vương. Toàn bộ hành động vừa rồi của Ly Thanh đều bị anh ta thu vào trong mắt. Khóe môi Huyền vương nhếch lên, kèm theo đó là hai phần cười cợt, ba phần khinh thường, năm phần lạnh giá.

Ly Thanh ngồi trong phòng, Uyển nương nói với cô nếu chỉ học duy nhất một bản nhạc, không cần phải đánh thành thục, cô có thể học trong vòng bốn đến năm ngày. Ly Thanh biết mình không có nhiều thời gian đến vậy, cô nói với Uyển nương mình muốn học nhanh nhất có thể. Sau khi xem qua kỹ năng đánh đàn của Ly Thanh, Uyển nương đồng ý dạy cô với đầy đủ các kỹ năng trong vòng ba ngày.

Trong phòng của Uyển nương, nước nóng đổ lên một bát nước to, hoa mộc quế được rải lên trên, mùi hương nhè nhẹ lan toả. Uyển nương nói: "Khúc nhạc này tên gọi là Sơn Thủy Ly Biệt. Sau khi nghe xong câu chuyện của Lâm tướng quân, đại ca từng nói: "Chờ ta đi Sầm La về sẽ viết tặng muội khúc nhạc cho câu chuyện này."

Uyển nương nâng tay bắt đầu đàn thử một đoạn, vừa gảy vừa kể chuyện: "Khi đó, ta cứ ngỡ huynh ấy trở về mới viết, không ngờ huynh ấy trở về đã viết xong. Đại ca từng kể: "Lúc làm nhiệm vụ, ta đánh đàn, cô ấy mặc hỷ phục từng bước tiến vào sảnh đường. Lòng ta bỗng nhiên rung động.""

Ngừng một lúc, Uyển nương ngâm: "Gió thổi qua nhành liễu, tay chàng điểm mực vẽ cố nhân. Một đời tìm kiếm, người ngay trước mắt, như thật như giả, chỉ e tiến một bước mộng tan tành, chỉ đành dùng hết tâm huyết đánh lên khúc nhạc tương tư... Gần trong gang tấc lại không cách nào chạm tới."

Ngón tay gảy đàn của Uyển nương nhanh dần, Uyển nương nhắm mắt, hát:

"....Gió thổi qua nhành liễu, tay chàng điểm mực vẽ cố nhân....

....Hy vọng chàng một lần quay đầu, nhớ từng có người đứng ở Tây Lâu....

.... Trong trướng chàng cầm tranh, ngoài trướng ta bưng canh....

.... Ta vì một lần chàng xoa đầu.

Tâm tư nặng nhọc chìm giấc sâu.

Người con gái ấy đã rời bỏ chàng từ lâu.

Sao tấm lòng của ta chàng nhìn không thấu......

.....Ta muốn nhìn chàng thật lâu nhưng lại chìm vào giấc mộng thời thơ ấu.....

....Hơn mười năm như sân khấu....

.... Trước mắt đã mờ.....lời chàng ta chẳng còn nghe thấu.

Đính ước thuở ban đầu, xin gửi lại chàng tín vật......

Từ nay ly biệt, nguyện chàng một đời chẳng lo âu....."

Một lúc sau, trong căn phòng tiếng đàn vang từng đoạn rồi dừng lại, lại vang lên rồi dừng lại. Uyển nương gảy một đàn, Ly Thanh gảy một đàn. Hai người ngồi cạnh nhau, một người gảy trước, một người đàn họa theo.

Một hồi lâu sau, Uyển nương dừng đàn rồi bước ra khỏi phòng. Ly Thanh vẫn ngồi bên đánh đàn, tâm tư trở về những ngày cuối cùng cô gặp Tiếu Khanh. Vết thương trong lòng bàn tay cô sớm đã đã nứt ra, dây đàn rỏ máu xuống thân đàn, tiếng đàn từng hồi vang lên.

Khi trời tờ mờ tối, Ly Thanh dạo bước ra ngoài Tây Lâu, cơ thể cô có chút nôn nao. Lúc trở về, cô thấy ông cụ ngồi co ro trong góc, đứa bé đang ăn nửa chiếc bánh lấm tấm đất như bị ai đó vứt đi. Ly Thanh đứng lặng nhìn hai người họ, đứa bé ngước mắt nhìn cô. Trong khoảnh khắc, Ly Thanh thấy rùng mình, cô như nhìn thấy lại bản thân năm đó. Ngày ấy, cổ họng cô khô khốc, van xin không thành tiếng, không một ai dừng lại bố thí cho cô một hụm nước.

Ly Thanh quay người bước vào Tây Lâu. Một lúc sau, cô bước ra, một tay nâng một tấm chăn bông, một tay cầm một cặp lồng đựng thức ăn, đi về phía hai ông cháu. Trong lớp chăn là hai bộ quần áo, Ly Thanh đặt cặp lồng vào tay cậu bé, mắt thấy ông cụ đã ngủ nên cô lấy hai bộ quần áo ra đưa cho cậu bé rồi đắp tấm chăn lên người ông cụ. Sau đó, cô quay về quán trọ gặp Huyền vương.

Huyền vương lúc này đang chuẩn bị ngủ, thấy có hộ vệ thông báo Ly Thanh muốn gặp mình liền cho vào phòng. Ly Thanh đứng trước Huyền vương, nói: "Tôi muốn xin nghỉ ba ngày."

"Lý do?"

Huyền vương cảm thấy khó chịu, ánh mắt sắc lạnh nhìn thẳng vào mắt Ly Thanh. Ly Thanh bất giác cảm thấy có một áp lực vô hình đè lên người, ánh mắt nhìn lệch sang bên cạnh một chút, cô đáp: "Tôi đang bị thương."

Huyền vương đứng dậy, từng bước tiến lại gần cô đến khi hai người mặt đối mặt, chỉ cách nhau khoảng một gang tay. Huyền vương bất chợt bóp lấy cằm Ly Thanh càng lúc càng chặt. Ly Thanh nhíu mày. Huyền vương siết chặt tay, nói: "Xưng thuộc hạ!"

Ly Thanh lúc này mới nhận ra, cô đã quen cách giao tiếp với Cung Linh Huyền và mọi người khác ở Vô Ảnh Cung mà quên mất người trước mặt mình là Huyền vương thân phận cao quý. Cô liền nói: "Thuộc hạ."

Huyền vương đang nắm cằm Ly Thanh, dùng lực hất cô sang ngang. Ly Thanh vốn đang ốm, bị hất mạnh liền bị ngã đập vào tường. Huyền vương lạnh lùng ra quyết định: "Một ngày!"

Ly Thanh vội đứng dậy, cung kính đáp: "Tạ vương gia."

Nói xong, Ly Thanh lập tức lui ra ngoài, cú ngã vừa rồi khiến cơn đau ban sáng của lại cô ập tới, lần này còn dữ dội hơn. Ly Thanh cố gắng đứng thẳng người, nước da có chút trắng nhợt nhạt, bước chân có phần lảo đảo bước ra ngoài.

Bước xuống tầng, Ly Thanh có phần chần chừ, cô không biết mình nên ở lại quán trọ hay đến Tây Lâu. Bụng Ly Thanh càng lúc càng đau thắt, cô quay đầu nhìn lại phòng của Huyền vương, cảm thấy thời gian học đàn không còn nhiều nên quyết định bước ra khỏi quán trọ.

Đêm hôm đó Ly Thanh trở lại phòng ở Tây Lâu, không ngờ Uyển nương lại không ngủ được nên cho người sang phòng thông báo với Ly Thanh. Ly Thanh suy nghĩ thoáng chốc liền quyết định không ngủ nữa mà đến chỗ Uyển nương.

Trong phòng Uyển nương, cạnh chỗ nàng ngồi có một bình trà gừng mật ong còn ấm nóng. Uyển nương rót một chén đưa cho Ly Thanh rồi nói: "Đêm nay ta muốn hợp tấu, cũng sẽ cho cô thấy điểm tinh túy của khúc nhạc này."

Nói xong, không chờ Ly Thanh đáp, Uyển nương một mình đánh trọn vẹn khúc "Sơn Thủy Ly Biệt" với tốc độ nhanh hơn, dứt khoát hơn.

Rõ ràng vẫn giai điệu ấy nhưng khúc nhạc này đã không còn mang vẻ bi thương nuối tiếc như lúc trước. Từng tiếng đàn được gảy lên, có lúc giống như trống trận, có lúc giống như lời tráng sĩ từ biệt.

Rồi lại từng nhịp từng nhịp đứt quãng tựa như tiếng bước chân của người con gái. Tiếng đàn biến chuyển, từng hồi nối tiếp nhau tựa như đang khắc họa hình ảnh một người con gái đứng ở lầu cao trước gió, có chút vội vã, có chút lưu luyến tiễn biệt người tráng sĩ.

Ly Thanh nghe đến ngẩn người. Cô nhớ lại đêm ở Sầm La, vừa múa kiếm giết người vừa đọc lại những lời thơ khi xưa của sư phụ.

Ly Thanh nhắm mắt nhớ lại trời mưa đêm ấy. Ngày đó, ánh trăng sáng vằng vặc và ánh nến lay động theo đường kiếm, ánh kiếm liên tục loé lên ánh bạc, trong không trung văng vẳng tiếng đàn. Khi đó, cô chém giết không chút cảm giác, môi lẩm nhẩm đọc thơ, nước mắt hoà lẫn với mưa chảy trên mặt cô.

Ly Thanh ngồi nghe Uyển nương đàn, cô khẽ đọc:

"Người kiếm sĩ bước đi chẳng hẹn ngày.

Sét đánh oanh đỉnh, chân bước ung dung....."

Uyển nương tiếp lời:

"Người ra đi chẳng để lời nhắn gửi.

Ta quay đầu bên cạnh đã chẳng còn ai."

Ly Thanh im lặng không nói, ánh mắt có chút mông lung. Uyển nương cười: "Sở trường của đại ca là trí nhớ. Đại ca vẫn luôn nhớ lại đêm đó, nói với tôi rằng cô múa kiếm rất đẹp. Đây cũng chính là bốn câu cuối trong khúc nhạc này. Tôi chưa từng đọc đoạn này cho bất kỳ ai, khúc nhạc này vẫn luôn chờ cô."

Ly Thanh nghi hoặc hỏi lại: "Chờ tôi?"

Uyển nương bước ra ngoài lan can, nhìn lên trời nói: "Vĩnh Danh có Tây Lâu, Chiêu Anh có Mộng Viện. Chỉ cần cô còn sống, sẽ có một ngày cô tới đây."

Trên trời, có một chú chim đơn côi sải cánh bay qua, Uyển nương cười, hai vành mắt đỏ dần, nàng nói: "Đại ca nói, nếu gặp lại cô, huynh ấy sẽ đưa cô tới đây chơi..... Có lẽ, huynh ấy thực sự đưa cô tới đây."

Bên ngoài có tiếng cãi nhau, Uyển nương bước ra cửa nói với người trong lâu một lúc, rồi quay lại nói: "Cứ coi như đây là phòng của mình, tôi ra ngoài một lát."

Dứt lời, Uyển nương đóng cửa phòng rời đi.

Ly Thanh ngồi bên đàn, chậm rãi gảy từng dây. Người luyện võ thường có thính lực và trí nhớ cực tốt. Ở Vô Ảnh Cung, tuy cô không chọn nhạc cụ nào làm vũ khí phòng thân nhưng cô đã từng học về cảm âm.

Tay Ly Thanh đặt nhẹ lên đàn, tiếng rung nhỏ dần. Hít một hơi thật sâu, Ly Thanh bắt đầu đánh đàn. Hình ảnh đêm mưa hiện lại trong tâm trí. Tiếng đàn hôm đó tuân theo nhịp bước của cô, cùng tiến cùng lùi, dây dưa không dứt.

Ly Thanh nhắm mắt, cô nhớ lại hình ảnh một cầm sư đang đánh đàn sau tấm rèm gỗ. Hai người đối diện nhau, cô đã hỏi:

"Khúc này tên là gì vậy?"

"Ta vẫn chưa kịp đặt tên."

Chuông gió treo khắp các tầng lầu Tây Lâu đồng loạt vang lên. Ngoài trời, mưa rơi rả rích trên những mái ngói đã rêu phong như muốn kể lại những tháng năm chẳng còn ai nhắc tới.

Một chiếc ghế bất ngờ xuyên thủng cửa sổ bay vào phòng Uyển nương, Ly Thanh lập tức dừng tay thu đàn tránh vật vừa lao tới. Cô nhíu mày, đặt đàn xuống, bước ra ngoài cửa sổ nhìn, thấy mấy người đang đánh nhau, miệng không ngừng chửi bới. Xung quanh có mấy vương công quý tử đang ngồi cắn hạt dưa xem náo nhiệt, thỉnh thoảng tiện tay đưa vào tay tú bà hoặc người trong lâu vài nén bạc để họ không tới ngăn cản "anh hùng luận võ".

Ly Thanh cảm thấy có chút buồn cười, nghĩ thì ra Tây Lâu cũng có thể kiếm tiền theo cách này. Cô bước ra cửa, dựa tường xem "luận võ". Dưới lầu, cách đấu trường không xa, có hai người đang gảy đàn cổ vũ, trong số đó có Uyển nương. Tiếp đó, có ba cô nương khác của Tây Lâu ôm trống tới gần hai người họ, rồi ngồi xuống đánh. Tiếng trống rầm rập, những "anh hùng" càng đánh càng hăng, đồ vật như mọc thêm cánh. Bên cạnh các vương công quý tử có hộ vệ cầm ô, người của Tây Lâu thì thi nhau nhận bạc.

Ly Thanh tự mình ôm một ghế, một bàn, một ấm, một chén ra ngoài cửa. Cô ngồi dựa tường, uống trà gừng mật ong xem trận đấu.