Kẹo Đường

Chương 14: Một đứa trẻ hiểu chuyện



Cô cật lực dọn dẹp cửa hàng phụ giúp ông bà, khi đang quét dọn lại trước cửa tiệm thì một chiếc xe ô tô lớn tiến lại gần cô. Ngân Tâm nhất thời hoang mang đứng ngây người không biết phải làm gì tiếp theo, cô mở to mắt ngơ ngác nhìn chiếc xe ngay càng thu hẹp khoảng cách với mình. Xe dừng lại trước cửa tiệm, người biết xuống xe lại là Quỳnh Châu, con gái của bà chủ Lạc, bạn học mới cùng trường với cô. Quỳnh Châu thấy cô như thấy vàng mà nhiệt tình vẫy tay, chạy ùa về phía cô.

"Tìm thấy cậu rồi!" Quỳnh Châu vui vẻ tay bắt mặt mừng với cô.

"Sao cậu phải đi tìm tớ vậy? Khu này phức tạp khó tìm lắm, không cẩn thận là bị lạc đó." Cô vừa thắc mắc cũng không quên nhắc chừng.

Quỳnh Châu giải thích: "Không sao, tớ đến cùng bác tài xế, mẹ bảo tớ đến đón cậu, nhà cậu xa nhà tớ nên mẹ lo cậu đi lâu sẽ mệt. Tớ có hỏi được nhà cậu rồi, nhưng lúc đến thì hàng xóm bảo cậu đã đi. Tớ đi vòng khu phố tìm cậu, nào ngờ cậu lại ở đây."

"À, tớ thấy còn sớm nên đến phụ ông bà dọn cửa tiệm. Ơ thế mà đã là 9 giờ rồi sao? Vậy chúng ta phải nhanh đi thôi, cậu chờ tớ lát nhé! Tớ vào chào ông bà." Cô vừa nói vừa nhìn đồng hồ trong cửa tiệm, giật mình vì đã trễ giờ, vội vàng tháo tạp dề chạy vào cửa hàng.

"Cẩn thận đó!"

Cô cất tạp dề lại vào bếp chào tạm biệt ông bà rồi vội lên xe cùng Quỳnh Châu. Ngày đầu tiên đi làm đã trễ giờ, vậy thì chẳng tốt chút nào, một phần là sợ sẽ mất điểm trong mắt ông bà chủ. Nhưng xem bộ Quỳnh Châu và bà chủ Lạc không có chút nào tức giận vì cô đến trễ, ngược lại còn rất niềm nở chào đón cô.

"Mẹ ơi, con đưa Ngân Tâm về rồi đây!"

"Về rồi đó à, sao giờ mới về thế này? Bộ nhà Ngân Tâm khó tìm lắm hả con?" Y Như lo lắng hỏi.

"Không phải đâu mẹ, hàng xóm bảo cậu ấy rời nhà, đến lúc con tìm ra thì lại phát hiện cậu ấy phụ giúp ở tiệm cà phê." Quỳnh Châu mắng yêu cô.

Cô sợ sẽ bị trách mắng liền cúi đầu xin lỗi: "Con xin lỗi ạ, làm mọi người phiền lòng rồi."

"Không phải là mắng cậu đâu, đừng lo, tớ chỉ là thấy cậu bị siêng năng ấy! Hiếm hoi lắm mới được nghỉ ngơi mà cậu lại lấy thời cơ đi làm việc hết."

"Con không cần phải làm nhiều việc làm thêm như thế nữa đâu, từ nay chỉ cần làm việc được dì giao thôi. Vừa cực vừa không được bao nhiêu tiền. Hiểu chưa?" Y Như dịu dàng nhắc nhở cô.

Ngân Tâm nghe tới đây liền nhận ra là cả hai người đều hiểu lầm cô mất rồi. Cô nhanh chóng giải thích: "Không phải đâu ạ! Mọi người hiểu lầm rồi, đó không phải là công việc làm thêm của con đâu ạ, mà là tiệm trà của ông bà hàng xóm với con. Vì ông bà đã lớn tuổi nên con đến phụ giúp ông bà để ông bà bớt cực hơn, hơn nữa con quý ông bà lắm! Không có chuyện làm thêm ở đây đâu ạ!"

"Vậy hả? Con bé Quỳnh Châu này vậy mà lại đoán bây bạ rồi!" Y Như vừa nói vừa chỉ tay vào trán Quỳnh Châu tỏ ý trách mắng.

"Mẹ! Đâu phải lỗi do con đâu! Tại lúc con đến đã thấy Ngân Tâm quần quật quét dọn rồi lau kính, con tưởng là việc làm thêm. Mẹ không nhìn thấy mức độ chăm chỉ của cậu ấy lúc đấy đâu, như một con ong mật vậy đó!" Quỳnh Châu trưng biểu cảm khâm phục miêu tả lại cô lúc ở cửa tiệm kể lại với mẹ.

Thật ra Quỳnh Châu cô ấy nói chẳng sai, đây không hẳn là so sánh cô một cách thái quá mà lại khá chính xác về cách sống của cô. Giống như một con ong mật, cô mang trong mình sự kiên trì và siêng năng đáng khâm phục của một cô gái chưa đến 18 tuổi. Kể từ khi cô nhận thức được rằng mình đã không còn là một tiểu thư trong một gia đình đầy đủ điều kiện, là cô công chúa bé bỏng của bố mẹ thì cô biết cuộc sống của cô chẳng còn dựa dẫm được vào ai nửa cả, cô buộc mình phải tự có trách nhiệm gánh vác cuộc đời mình. Vì mình không lo được cho bản thân thì chẳng thể chứng minh khả năng với bất cứ ai. Chính vì trách nhiệm và tương lai, cô đã phải mất rất nhiều sức cho hành trình của mình. Khi học tập ở trường công việc đi làm thêm cũng không được ổn định, cô chọn cách làm gia sư cho mấy gia đình có điều kiện, tối đến sẽ đến mấy quán ăn phụ rửa chén bát có hôm đến khuya mới về, thời gian cô dành cho học tập chính là bắt đầu từ 23 giờ tối đến 2 giờ sáng, mỗi ngày thời gian ngủ chỉ vỏn vẹn ba đến bốn tiếng, đến sáng lại phải ra chợ phụ giúp các cô dọn hàng ra bán rồi mới trở về đi học. Thỉnh thoảng ở trên trường bạn bè nhờ cô đi mua thức ăn có rất nhiều lúc họ dùng cách gọi của mình là 'bố thí' cho cô vài đồng tiền lẻ, thế mà cô đã vui vẻ nửa ngày trời.

Chắc hẳn sẽ có vài người được Ngân Tâm đinh ninh là tốt bụng hỏi cô rằng, rõ ràng cô biết mình bị khinh thường, trong mắt họ cô chỉ là đứa rẻ mạt, chỉ là ban phát cho vài tờ tiền mà cậu đã xem như bắt được vàng, thì chúng xem cô lại nhu nhược và hạ đẳng đến cỡ nào!

Âu Dương Ngân Tâm là như vậy đấy! Vô cùng coi trọng đồng tiền, bởi vì chỉ có tiền mới có thể đáp ứng con đường đi vào cánh cổng đại học mà cô hằng mong ước và cũng chỉ có tiền mới khiến người khác thay đổi suy nghĩ về mình. Cứ để cho họ muốn nói gì thì nói, nhu nhược cũng được, hạ đẳng cũng chẳng sao, rồi sẽ có ngày cô chứng minh cho họ thấy thế nào mới là kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt. Có phải quen dần và thích ứng với cuộc sống này, bởi vì không còn cách nào khác ngoại trừ việc kiếm tiền để được đi học và làm giàu bằng chính đôi tay của mình.

Thật ra một phần để người khác tự ý bắt nạt cũng là vì tính tình hiền lành của cô, rõ ràng cô cũng rất muốn vùng vẫy chống lại nhưng cô lại cho rằng một điều nhịn chín điều lành cũng chẳng sao. Vì không muốn đắc tội với ai, cô buộc phải khắc ghi chữ 'nhịn' này!

Ngân Tâm ra ngoài kiếm tiền cũng không còn lạ lẫm gì với việc nhẫn nhịn, ai giao việc gì cô sẽ làm việc đó, miễn là trả tiền nhưng cô không đến nỗi vô tâm không biết yêu thương người khác, chỉ là cách yêu thương của cô chỉ có thể bằng sức lực của mình chứ không thể dùng bằng tiền để yêu thương. Chính vì thế khi người khác quý mến cô, cô cũng sẽ hết lòng giúp đỡ họ mà không cần đền đáp, miễn là họ tôn trọng cô là cô đã vui lắm rồi! Vì cô cần vốn cũng cần được yêu thương mà! Và cô cũng biết rằng những đứa trẻ hiểu chuyện sẽ không được yêu thương bằng những đứa trẻ khác, đứa trẻ đó biết phần thưởng của nó lúc nào cũng sẽ nhỏ hơn những đứa trẻ còn lại và nó sẽ không phản đối vì làm như thế mới có thể được một chút yêu thương.

Hiện tại đã là rất tốt rồi, cô hài lòng với cách đối xử của nhà họ Lạc với cô. Như vậy đã thật sự rất tử tế rồi!

"Vậy thì tốt rồi, con chỉ mới 16 thôi không được làm việc quá sức của mình. Con vào đây làm cũng không được làm hết phần việc của người khác đâu đấy! Nghe rõ chưa hả?" Y Như dặn dò cô.

"Vâng ạ!"

"Được rồi, để dì Hoa dẫn con về phòng của mình và giới thiệu cho con những thứ cần thiết. Ngày mai con mới bắt đầu làm việc đấy nhé! Hôm nay phải nghỉ ngơi thật tốt vào, nhớ chưa?"

"Vâng ạ, con biết rồi thưa bà chủ."

"Dì Hoa, đưa Ngân Tâm vào giúp tôi."

"Vâng thưa bà chủ."

Dì Hoa gật đầu rồi xách hộ cô balo đưa cô vào bên trong. Dì dẫn cô đến một dãy phòng gần ngay phòng bếp, ở đây có khoảng 5 cái phòng, dì Hoa đưa cô vào căn phòng đầu tiên rộng khoảng 7 mét vuông, có đầy đủ mọi thứ cần thiết, còn có cả phòng vệ sinh riêng, trông khá tiện lợi. Ngân Tâm nhìn mà hào hứng đến phát mê, căn phòng ở nhà của Thanh Nhược còn không đến 3 mét vuông, thậm chí là không đủ tiện nghi một chút nào. Thật ra cô cũng đã quen rồi, chỉ là những thấy căn phòng mới của mình cô vui đến muốn nhảy cả lên. Tông màu chủ đạo là trắng, xám và màu gỗ, còn có cửa sổ bên cạnh giường và bàn học, có cảm giác lúc nào cũng nhận được tia nắng ấm từ ánh mắt trời một cách trọn vẹn nhất.

Cô sắp xếp quần áo vào tủ, xếp sách vào chiếc kệ phía trên, cô thích thú nằm lên một giường một cách tùy ý, vừa hạnh phúc mà vẫy tay vẫy chân trên giường. Nằm được một lát cô lại cảm thấy buồn tay buồn chân, Ngân Tâm có ý định ra giúp đỡ mọi người làm bữa trưa, vừa bước ra khỏi cửa đã bị dì Hoa chặn ngay trước cửa phòng.

Cô chợt giật mình mặc dù chẳng làm gì sai, cô ngây thơ hỏi khẽ: "Dì sao lại đứng trước cửa phòng thế ạ?"

"Dì đợi con ra để đưa con đi thăm quan biệt phủ, sẵn tiện giới thiệu cho con những nơi con cần phải biết rõ, để sau này làm việc sẽ thuận tiện hơn."

"Dạ vâng, nhưng sao gì không trực tiếp gõ cửa phòng gọi con?"

"Dì không nỡ cắt ngang sự hạnh phúc của con." Dì Hoa dịu dàng nói với ánh mắt cảm thông.

Cô cúi đầu áy náy nói: "Con xin lỗi dì, làm phiền dì rồi."

"Không sao cả, căn phòng đó sao này là của con, được tự do và được vui vẻ cũng là quyền của con, con không có lỗi gì cả!" Dì Hoa khẳng định với cô.

"Con..." Đối diện với dì Hoa cô không thể nói lên điều gì, cũng không hiểu dì đang nghĩ gì.

"Đi! Chúng ta đi ra ngoài nhé!"

Dì Hoa kéo tay cô ra khỏi phòng, tiến thẳng ra ngoài vườn, vừa đi bộ, vừa trò chuyện. Cô đột nhiên nhìn dì Hoa với gương mặt thắc mắc, không hiểu tại sao cô cứ có cảm giác dì Hoa biết điều gì đó về cô qua từng lời nói qua từng hành động.

"Dì Hoa, dì có việc gì muốn nói với con không?"

"Con muốn dì nói vấn đề gì?" Dì Hoa mỉm cười hỏi.

"Dì biết con từ trước rồi ạ?" Cô ngờ vực hỏi.

Dì Hoa không ngần ngại đáp: "Dì biết!"

"Sao ạ?"

"Ngày con còn bé dì đã đến nhà con vài lần, cũng đã từng bồng bế con, mà nói trắng ra thì dì là bạn của bố con chứ chẳng phải bạn bè gì với Thanh Nhược cả. Dì và bố con là bạn bè thời trung học, hồi trước cũng khá thân thiết, bố con đã giúp đỡ gia đình dì rất nhiều. Sau này vì gia đình lâm vào hoàn cảnh khó dì phải đi làm suốt ngày, từng ấy năm cũng chưa từng gặp lại gia đình con, ai có mà ngờ mãi về sau mới biết bố con đã qua đời. Dì muốn biết cuộc sống của hai mẹ con như thế nào nên đã có tìm hiểu, dì không nghĩ Thanh Nhược vậy mà lại đối xử tệ bạc với chính con gái ruột của mình như vậy! Lúc đó dì thật sự rất tức giận, may mắn là gia đình nhà họ Lạc đang tuyển người làm, dì nhân cơ hội cố tình dựng lại cuộc gặp gỡ tình cờ với Thanh Nhược rồi mới thăm dò cô ta, may là mọi thứ đều đi đúng hướng. Bây giờ thấy con vui như thế, dì cùng cảm thấy an lòng. Từ nay về sau, con hãy ở lại đây với dì, dì Hoa sẽ thay bố chăm sóc cho con, không để con bị ức hiếp nữa." Dì Hoa lúc này mới thật sự thoải mái, cảm giác từng lời mình nói ra khiến dì nhẹ nhõm hơn hẳn.

Ngân Tâm đứng trầm lặng không nói được lời gì ngoài sự biết ơn chân thành nhất, cô khẽ hạ mình cúi thấp đầu đầu. Sự tử tế mà dì Hoa dành cho cháu gái của mình, Ngân Tâm cảm nhận rõ ràng rồi, cô bất ngờ trong niềm hạnh phúc. Cô vui vì vẫn có người ngoài yêu thương cô hơn hai chữ 'gia đình'.

"Cảm ơn dì, cảm ơn dì đã giúp con. Con sẽ là đứa trẻ ngoan không để dì phải phiền lòng đâu ạ!"

Đối với sự biết ơn mà cô dành cho dì Hoa, cô vẫn không quên mình phải sống với tư cách là một đứa trẻ trưởng thành. Cô không thể sống tùy tiện, làm ảnh hưởng đến người khác, được thoải mái và không gò bó ít nhất được vui vẻ mỗi ngày đã là điều tốt, cô không dám sống qua buông thả như hồi còn bé, vì cô biết chỗ dựa của mình đã không còn.

Nhưng đứa trẻ hiểu chuyện sẽ là đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi nhất! Tuy rằng cô không hình thành tính cách này từ bé và cũng không thích sự ngoan ngoãn một cách quá mức này, nhưng bây giờ cô lại phải ngậm ngùi chấp nhận tự chấn chỉnh bản thân phải trưởng thành hơn nữa.

"Dì không cần con phải là một đứa trẻ quá hiểu chuyện, chỉ cần con thoải mái sống là chính mình, dì sẵn sàng bao bọc cho con."